Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

CÁC CẤP ĐỘ SỰ MẶC KHẢI TRONG KINH TÂN ƯỚC- tái bản



Green Grapes on the Vine Stock Image


Phao-lô nói, “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tưởng như con trẻ, đoán như con trẻ…” (1 Cor. 13: 11.

Tôi nghe nhiều thông tin nói rằng bên các quốc gia tây phương các giáo viên dạy cho nhà trẻ phải có bằng cấp tiến sĩ (?). Còn tại nước Việt chúng ta, giáo viên nhà trẻ chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Dưới sự che phủ của huyết Chúa, tôi không ngạo mạn khi nói rằng có ba bốn loại tác gia, hoặc ba bốn loại giáo sư thần thượng chép lại sự mặc khải cho chúng ta để hình thành bộ Kinh điển Tân ước. Họ đều được Đức Chúa Trời hà hơi, cảm thúc viết ra kinh văn ở các mức độ khác nhau do khả năng và ân tứ thuộc linh của họ. Tôi không có ý hỗn láo hạ thấp ai hay mù quáng tôn sùng ai. Họ là công cụ, là bình chứa của Đức Thánh Linh. Chúa dùng mực độ, ân tứ của họ để chép lại những cấp độ sự mặc khải thần thượng khác nhau của Ngài. Chúng ta nên kính trọng các tác gia Kinh thánh nầy.

Kinh Tân ước có 260 chương. Nếu kể thơ Hê-bơ-rơ do Phao-lô chép, thì ông có 14 thơ tín, tổng cộng 100 chương. Sứ đồ Giăng chép 5 sách, tổng cộng 50 chương. Ma-thi-ơ chép một sách được 28 chương, Luca là sử gia kiêm bác sĩ y khoa, người La mã chép một phúc âm và một nhật ký, tổng cộng 52 chương. Phi-e-rơ chép hai thơ tín, tổng cộng 8 chương. Phúc âm Mác có 16 chương, do Mác là thơ ký và thông dịch viên Phi-e-rơ ghi lại những bài giảng của Phi-e-rơ, cho nên tôi nghĩ sách Mác cũng do Phi-e-rơ gián tiếp làm tác giả. Cuối cùng Gia cơ, em theo xác thịt của Chúa Jesus, chép thơ Gia-cơ, được 5 chương và Giu-đe, em trai ông, viết một thơ có một chương..

1.       Tiểu học – Gia cơ

Sách Gia cơ được viết ra văn tự khoảng năm 50 S.C., sớm nhất trong bộ kinh điển Tân ước. Tôi không hiểu Gia cơ nhận khải thị trực tiếp từ Chúa hay nhận gián tiếp qua lời giảng dạy của Phi-e-rơ?  1 Cor 15: 7 chép, “Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ,”. Đó là gốc rễ đời sống và chức vụ lời thuộc linh của Gia cơ. Trước khi Chúa chết, bốn anh em Gia cơ, con Giô-sép, đã không tin mà còn tỏ vẻ chống đối Ngài,. “Anh em Ngài nói cùng Ngài rằng: “Hãy đi khỏi đây, qua Giu-đê, để môn đồ anh cũng được xem công việc anh làm.  Vì chẳng ai muốn tỏ mình ra mà lại làm việc gì kín giấu. Nếu anh làm những sự đó, hãy tỏ mình cho thiên hạ.”  Bởi chưng chính anh em Ngài cũng không tin Ngài” (Giăng 7: 3-5).

Gia-cơ và bố là Giô-sép thuộc dòng dõi vua Sa-lô-môn, còn bà Mari, mẹ Chúa và Gia Cơ, là con cháu của Na-than. Cả Sa-lô-môn và Na-than đều là con của vua David và Bát-sê-ba. Sau khi Chúa Jesus sống lại, có lẽ gia đình bà Mari, 7 nhân khẩu đều di trú về thành phố Jerusalem, nên trong 10 ngày cầu nguyện tại phòng cao, nhà bà Mari, mẹ Giăng Mác, có Mari và các con tham dự. Khi Phi-e-rơ được thiên sứ giải cứu ra khỏi ngục thất, ông có đến nhà bà Mari, mẹ Giăng Mác, gặp các thánh đồ đang họp cầu nguyện cho ông tại đó, ông bảo họ báo tin cho Gia-cơ biết. Điều đó chứng tỏ Gia-cơ đã thường trú tại kinh đô. Ít năm sau, Gia-cơ làm chủ tọa giáo hội nghị lần đầu tại Jerusalem. Gia cơ là người đi sau mà làm sao tiến lên địa vị quyền lực mau như vậy?

Gia cơ tiếp nhận sự khải thị gián tiếp (second hand) qua việc nghe kinh văn cựu ước từ mẹ, từ nhà hội Na-xa-rét đọc vào mỗi ngày sa-bát tước kia và qua lời giảng giải mấy năm đầu trong nếp sống nhóm họp tại hội thánh Jerusalem. Chức vụ rao lời của ông không được xây dựng trên sự khải thị trực tiếp từ Chúa. Người thiếu Lời khải thị, nghèo nàn tri thức thuộc linh đầu nhất mà giành được quyền lớn nhất!
Ông dạy gì về hội thánh? Ông nói, “Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo rực rỡ vào nhà hội anh em- Trong anh em có ai đau yếu chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, họ phải nhơn danh Chúa xức dầu cho người và cầu nguyện cho” ( 2:1; 5: 13). Nhà hội là chỗ người Do thái không tin Chúa Jesus, thờ phượng Đức Chúa Trời và nghe đọc kinh Cựu ước, mà Gia cơ nói hội thánh là nhà hội, chứng tỏ ông chưa sáng tỏ về Hội thánh. Ông chỉ chú ý quyền lãnh đạo của trưởng lão trên hội thánh, là cầu nguyện cho người bệnh, tức là chú ý quyền hành, địa vị mà thôi. Vì về hội thánh thì Phi-e-rơ dạy hội thánh là nhà thuộc linh xây bằng đá sống, hội thánh là thể chế tế lễ hoàng gia. Về hội thánh thì Phao-lô dạy rằng hội thánh là Thân Thể Đấng Christ, là vương quốc Đức Chúa Trời, là Cô dâu Đấng Christ, là Người Mới tập thể..v..v.., còn Giăng bảo hội thánh là chân đèn bằng vàng, là Vợ Chiên con, là thành thánh Jerusalem mới. Nhìn qua như vậy, anh em thấy mặc khải mà Gia cơ tiếp nhận được chỉ ở vào mức tiểu học.

Ông nói về Linh ghen tuông của Chúa tríu mến chúng ta (4: 5), Phi-e-rơ nói về Linh vinh quang đáp đậu trên tín đồ chịu khổ vì Chúa, nói về việc Thánh Linh Cựu ước cảm thúc các tiên tri, trong khi Phao-lô nói về Linh ban sự sống, Linh ân điển, Linh lẽ thật, Linh của Jesus Christ…v.v.., còn Giăng lên tuyệt đỉnh khi minh họa về Bảy linh của Đức Chúa Trời. Anh em thấy sự non kém của Gia cơ chưa?

Gia cơ thiếu ánh sáng thần thượng nên lẫn lộn giữa Tân ước và Cựu ước. Ông nói , “Gia-cơ, đầy tớ của Đức Chúa Trời và của Chúa Jêsus Christ, đạt cho mười hai chi phái thuộc vòng Tản trú, chào mừng” (1:1). Ông ngụ ý dân Chúa tản lạc là 12 chi phái Israel. Ngay sau đó ông chép về đức tin Chúa Jesus . “Hỡi anh em, anh em đã tin nhận đạo của (đức tin) Jêsus Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta” (2:1). Bản tiếng Anh là “hold the faith of our Lord Jesus Christ”. Người Do thái có đức tin nơi Chúa Jesus Christ thì không còn là Israel Cựu uớc được. Phao-lô nhận sự khải thị cao hơn Gia cơ nên nói về tân Israel, “Vì kẻ bề ngoài là người Do-thái thì không phải là người Do-thái, cắt bì xác thịt bề ngoài cũng chẳng phải là cắt bì; duy kẻ bề trong là người Do-thái mới là người Do-thái, còn sự cắt bì thật thì thuộc trong lòng, ở nơi tâm linh, chớ chẳng ở nơi văn tự. Người ấy được ngợi khen, chẳng bởi người ta, bèn là bởi Đức Chúa Trời.-- Hễ ai bước theo mẫu mực nầy, thì nguyện sự bình an, thương xót giáng trên họ, cùng trên Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa.” (Rô: 2:28-29; Galati 6:16). Gia cơ non kém tri thức thuộc linh nên không hiểu Israel mới là gì.

Gia-cơ không hiểu ý định Đức Chúa Trời ban hành luật pháp Cựu ước. Ông nói theo cách của người tín đồ ngoan đạo và thiêng liêng như sau:, “Vì hễ ai giữ cả luật pháp mà chỉ vấp váp một điều, thì cũng mắc tội như đã phạm hết thảy” (2:10). Công vụ chép lời khẳng định của Gia cơ về thực hành và tuân thủ luật pháp, “Bữa sau Phao-lô đi với chúng tôi tới thăm Gia-cơ; hết thảy các trưởng lão đều có mặt ở đó.  Phao-lô chào thăm họ rồi, bèn thuật lại từng điều một mọi sự Đức Chúa Trời đã nhờ chức dịch mình làm ra giữa người Ngoại bang.  Các người ấy nghe vậy thì tôn vinh Đức Chúa Trời. Đoạn, nói cùng người rằng: “Anh ơi, anh thấy biết mấy vạn người Do-thái đã tin, và hết thảy đều sốt sắng về luật pháp;  họ đã nghe rằng anh dạy mọi người Do-thái ở giữa Ngoại bang chối bỏ Môi-se, bảo họ chớ làm cắt bì cho con cái mình, cũng đừng noi theo lề thói nữa.  Bây giờ cần phải làm sao? Vì chúng chắc nghe anh đã đến rồi.  Vậy, hãy làm theo như chúng tôi nói cho anh: Chúng tôi đây có bốn người đều mắc lời hứa nguyện;  hãy đem họ đi, cùng làm lễ tẩy sạch với họ; lại hãy vì họ chịu chi phí để cạo đầu cho họ. Như thế ai nấy đều sẽ biết sự họ đã nghe về anh là không có gì, song rõ anh cũng noi theo khuôn phép, vâng giữ luật pháp vậy” (Công 21: 18-24).

Tôi rất ngạc nhiên vì Gia-cơ quá sốt sắng vâng giữ luật pháp, nên lên phương án cho Phao-lô lừa dối quần chúng Do thái chưa tin. Một tôi tớ Đức Chúa Trời lại lừa dối như vậy sao? Mấy câu kinh thánh nầy cũng chứng tỏ Gia cơ và các thánh đồ trong hội thánh tại Jerusalem vẫn thường xuyên dâng sinh tế trong đền thờ. Ông pha trộn Cựu ước và Tân ước rất khéo.

Gia cơ cũng khôn ngoan như Sa-lô-môn. Vua Sa-lô-môn bàn luận về vạn vật từ cây bá hương đến chùm kinh giới mọc trên bờ tường. Gia cơ cũng nói đến, từ cái lưỡi đến cái hàm thiếc con ngựa, bánh lái tàu, chim chóc, côn trùng, sâu bọ, chất độc…v…v.. đến chừng 20 chi tiết khác nhau trong chương 3. Nhưng đọc toàn bộ thơ Gia cơ, chúng ta sẽ cảm nhận hương vị của sách châm ngôn, một sách chép về cách xử thế của tổ phụ ông là Sa-lô-môn dạy dỗ. Gia cơ không đủ sức khuyên chúng ta bước đi trong Thánh Linh mà chỉ khuyên những thực hành thiêng liêng của những tín đồ mới tin Chúa, như nhịn nhục, mau nghe , chậm nói, chậm giận. Nên tôi quả quyết Gia cơ là người thiêng liêng, sùng đạo, chuyên tâm cầu nguyện, nhưng không thuộc linh. Gia cơ chỉ nói đến “người thương yêu Đức Chúa Trời’ (1:12) là lời ở mức cao nhất của ông, trong khi Phi-e-rơ nói về người thừa kế ân điển sự sống, còn Giăng nói về những người đắc thắng. Anh em thấy ai cao hơn ai về nhận thức thuộc linh chưa?

Tôi thấy có A-bô-lô , người đồng thời của Gia-cơ cũng phô bày chân tánh thuộc linh của Gia-cơ. Công vụ 18: nói : A-bô-lô chỉ biết phép báp-têm của Giăng báp-tít làm trử lượng, nhưng có tâm linh nhiệt thành, có khẩu tài, nên cũng đi khắp nơi rao giảng cho các hội thánh đầu tiên. A-qui-la và Bê-rít-sin nghe ông rao giảng non kém và sai trật, lật đật mời ông đến nhà họ để họ bồi dưỡng, tăng cường và điều chỉnh chức vụ lời cho A-bô-lô. Ngày nay có nhiều người như A-bô-lô, Gia-cơ trong các hội thánh. Họ thích cầm quyền, họ ngoan đạo, thiêng liêng, nhiệt thành, nhưng tri thức thuộc linh quá kém cỏi, Chúng ta phải dung chịu và câu nguyện cho họ mà thôi.

2.       Trung học—Phi-e-rơ

Phi-e-rơ sinh trưởng trong thị trấn Bết-sai-đa, bờ hồ Ga-li-lê. Có lẽ ông lớn tuổi hơn Chúa Jesus vì ông đã có vợ trước khi gặp Chúa. Ông là nhà lãnh đạo 12 sứ đồ và hội thánh tại Jerusalem ngay khi hội thánh ra đời. Nhưng vào giáo hội nghị tại Jerusalem lần đầu, Gia cơ nắm lấy quyền ấy và Phi-e-rơ đứng thứ hai. “Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng, là những người có danh là rường cột” (Gal. 2:9).

Những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Jesus suốt ba năm rưỡi chức vụ đã được cấu tạo trong ông. Sau khi Đức Thánh Linh đến, Ngài đã chuyển hóa ông thành một người Israel thuộc linh, mới mẻ. Có lẽ ông không còn dâng sinh tế trong đền thờ như Gia-cơ, vì ông nói, “anh em cũng như đá sống được xây nên nhà thuộc linh, làm chức tế lễ thánh, để dâng linh tế nhờ Jêsus Christ được Đức Chúa Trời vui nhận” (1 Phiero 2:5).

Ông gọi Satan là sư tử rống ưa rình mò, còn Phao-lô thì nói nó là thần đời nầy (2 Cor. 4: 4) làm đui mù tâm tư người ta, là thiên sứ sáng láng giả mạo, là kẻ cám dỗ, là con rắn ưa dụ dỗ (2 Cor. 11:2). Giăng phong phú hơn nữa , khi ông nói satan là con rắn xưa, Ma quỉ, con rồng lớn màu đỏ, đứa lừa dối cả thiên hạ, kẻ đêm ngày tố giác anh em tín đồ, còn Gia cơ chỉ biết về con quỉ tin mà còn run sợ mà thôi.

Trước kia , khi Chúa Jesus khải thị về cái chết trên thập tự giá của Ngài, Phi-e-rơ vấp phạm lời thập giá đó và cố tình ngăn cản Ngài. Chúa đã đuổi satan trong Phi-e-rơ. Về sau ông hiểu rõ con đường thập giá, nên ông viết, Thánh linh “làm chứng trước về sự khổ hại của Christ và về các sự vinh hiển theo sau” (1 Phi. 1:11).

Gia-cơ không phân định phần thưởng của Chúa ban cho tín đồ loại nào, ông chỉ nói chung chung người thương yêu Đức Chúa Trời sẽ lãnh mão miện sự sống. Còn Phi-e-rơ phân định rõ ràng, chỉ những ai có công lao chăn bầy mới nhận mão miện vinh hiển (1 Phi.  5:4). Người chỉ tin Chúa suông mà không hầu việc thì không lãnh gì. Phao-lô làm rõ hơn khi nói số người lãnh mão miện chẳng hay hư nát thì ít (1 Cor. 9: 25). Trong Phi lip 3: 14, Phao-lô còn nói thêm về sự giựt giải thưởng sự kêu gọi từ trên. Giải thưởng chỉ dành cho những ai được hoàn hảo thuộc linh. Ông nói, “tôi cứ bươn thẳng tới đích để giựt giải thưởng về sự kêu gọi từ trên của Đức Chúa Trời trong Christ Jêsus. Vậy, hễ bao nhiêu người trọn vẹn trong chúng ta đều phải có tâm chí đó” (3:14-15). Về lẽ thật nầy, Giăng phong phú hơn khi nói về bảy loại phần thưởng dành cho một thiểu số người đắc thắng trong các hội thánh. Ông còn cho biết người đắc thắng sẽ cai trị các dân tộc, ngồi chung trên ngai của Chúa (Khải 2:-3:).
Người tín đồ chỉ yêu thương Đức Chúa Trời suông làm sao lãnh mão miện? Kẻ có công hầu việc Chúa mới mong lãnh được phần ấy. Đó là sự sai lầm và thiếu hụt của Gia-cơ và nhiều con dân Chúa ngày nay. Họ in trí khi Chúa tái lâm toàn bộ hội thánh sẽ được thoải mái cất lên trước cơn đại nạn, được lãnh thưởng, được đồng trị vì với Chúa, mà không cần hầu việc, trả giá gì cả (!). Ban nên nhớ rằng người tôi tớ có một ta lâng, lười biếng phục vụ, đã không được thưởng mà còn bị hình phạt nặng nề!

Khải thị thần thượng mà Phi-e-rơ sở hữu còn thiếu hụt đôi điều. Nên trải 40 ngày quây quần bên Chúa, ông và các sứ đồ hỏi Ngài, “Khi đã nhóm lại, họ hỏi Ngài rằng: “Thưa Chúa, có phải lúc nầy Ngài khôi phục nước Y-sơ-ra-ên chăng?” Ngài đáp rằng: “Thời hạn và nhật kỳ mà Cha đã tự quyền định lấy, thì các ngươi chẳng nên biết” (Công 1:6-7). Sau đó ít lâu, ông  giảng, “Vậy, các anh em hãy ăn năn, quay lại, để tội lỗi anh em được xoá đi, hầu cho kỳ thơ thái từ mặt Chúa đến, và Ngài sai Đấng Christ dã dự dịnh cho anh em, tức là Jêsus, mà trời cần phải tiếp nhận cho đến kỳ phục hưng mọi sự, là điều từ đời trước Đức Chúa Trời đã nhờ miệng các tiên tri thánh của Ngài mà phán ra” (Công 3:19-21).

Hai tình tiết nầy phơi bày Phi-e-rơ còn thiếu hụt mặc khải về huyền nhiệm sự cứng cỏi của Israel và huyền nhiệm thời đại hội thánh. Trong Mathio, Chúa Jesus đã nói với ông về sự xây dựng hội thánh mà ông chưa hiểu ra. Đó là lý do ông giảng về kỳ thư thái (seasons of refreshing), ám chỉ thời kỳ phục hồi vạn vật trong vương quốc ngàn năm sẽ đến ngay sau khi Chúa Jesus thăng thiên lên trời. Vì Chúa nói với ông về vương quốc sắp đến trong Mathio 19:28, nên có vẻ ông lẫn lộn và bỏ qua thời đại hội thánh đến trước. Ông chỉ chúng ý vương quốc ngàn năm hầu Israel được chỗ cao nhất trong thiên hạ. Điều nầy chứng tỏ Phi-e-rơ thiếu tầm nhìn sáng tỏ về thời đại hội thánh Tân ước.

3.       Đại học- Phao-lô

Tên Hê-bơ-rơ của ông là Sau-lơ (được cầu xin) và tên tiếng Latinh là Phao-lô (nhỏ bé). Phao-lô được sinh ra tại thành phố Tạt-sơ, là thành phố có công trận với Sê-sa nên mọi cư dân thành phố đó đều có quốc tịch La mã. Mọi người Israel đều có một nghề nghiệp tùy thân. Phao-lô giỏi may trại. Phao-lô có người chị ruột thường trú tại Jerusalem, nên ông ở nhà chị mình đi học trường của giáo sư danh tiếng là Ga-ma-li-ên. Ông gia nhập phái Biệt lập là Pha-ri-si.

Trước khi ra đi, Phi-e-rơ có đánh giá người anh em Phao-lô như sau, “Phao-lô, anh yêu dấu của chúng ta, theo sự khôn ngoan đã ban cho mình mà viết cho anh em.  Trong các thơ của ông cũng nói đến những sự ấy, trong đó có mấy điều khó hiểu, mà kẻ dốt nát, không vững bền cượng giải các kinh văn khác, chuốc lấy sự hư mất cho mình” (2 Phiero 3:15-16). Phiero nhìn nhận Phao-lô cao hơn mình trong trử lượng sự mặc khải và hiểu biết thuộc linh.

Chức vụ cung cấp Lời của Phao-lô là làm đầy đủ Lời Đức Chúa Trời. Ông nói, “Tôi cũng được làm chấp sự (người cung cấp) của Hội thánh ấy, y theo chức gia tể của Đức Chúa Trời đã vì anh em mà ban cho tôi, để làm trọn lời Đức Chúa Trời, tức là lẽ mầu nhiệm đã giấu kín từ các thế đại và các dòng dõi, mà nay đã được tỏ ra cho các thánh đồ của Ngài” (Colose 1: 25-26). Động từ “làm trọn” có nghĩa đen là: hoàn thiện, làm tràn đầy, cung cấp. Lời rao giảng, các thơ tín của ông trình bày đỉnh cao tuyệt đối về khải thị trung tâm của Đức Chúa Trời. Nếu bạn chấp nhận thơ Hehrew do Phao-lô viết, thì qua 100 chương sách của 14 thơ tín đó, ông đã phô bày: “phúc âm ân điển Đức Chúa Trời” (Công 2:20), “vương quốc Đức Chúa Trời” (20:25), “nghị quyết của Đức Chúa Trời” (20:27). Ông cũng giảng về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là huyền nhiệm của Ngài (1 Cor. 2:7). Ông rao 11 huyền nhiệm tất cả, mà huyền nhiệm lớn là Đấng Christ và hội thánh.

Huyền nhiệm lớn nầy bao gồm hai huyền nhiệm song đôi- huyền nhiệm của Đức Chúa Trời là Đấng Christ (Col. 2:2) và huyền nhiệm của Đấng Christ là hội thánh (Eph. 3: 4-6). Đức Chúa Trời thì huyền bí, Đấng Christ là hiện thân Đức Chúa Trời, biểu hiện Ngài cho chúng ta. Đấng Christ cũng rất huyền nhiệm, nhưng qua hội thánh, Thân thể của Đấng Christ, Ngài được bày tỏ.

Ba thư tín ngục thất là Epheso, Philip, Colose và thơ Galati (đối kháng tôn giáo Do thái) được các nhà thần học gọi là trái tim sự khải thị Tân ước. Thơ Heboro cùng với trái tim nầy khai tử, phế thải Do thái giáo và phơi bày hội thánh là Thân Thể Đấng Christ, là Người Mới tập thể, hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Đó là các đỉnh cao trong kho tàng trử lượng mặc khải thần thượng mà Phao-lô đã làm cho đầy dẫy các hội thánh thời đó.

Với các sự khải thị như vậy, Phao-lô sợ mình kiêu ngạo, nên Chúa cứu ông bằng cách ban cho ông cái giằm xóc để hạ ông xuống. Chúa cũng cho ông có các cơ hội để lộ ra các điểm yếu đuối như: vì sợ người Do thái bắt bớ nên ông đã cắt bì cho Ti-mô-thê (Công 16:3). Phao-lô cũng trải qua thời kỳ nhận biết người ta theo xác thịt (2 Cor. 5:16)—tức là kính nễ trưởng lão Gia-cơ, cháu hoàng đế David, cũng là em Chúa Jesus, đến nỗi sau mỗi chuyến đi truyền giáo, ông đều lên Jerusalem thăm Gia-cơ, phải chăng để báo cáo công tác ( ?!). Và cuối cùng vì quá cả nễ Gia-cơ, nên Phao-lô làm theo kế hoạch lừa đảo của ông ấy, suýt mất mạng và phá hủy các khải thị mà ông rao giảng khắp thế giới thời đó. Đó là lý do khi gần lâm chung, Phao-lô thú nhận: ‘tôi đang là đầu lĩnh các tội nhân’- chỉ cần quay qua xác thịt tí xíu, là ông vi phạm ngay- 1Ti. 1:15.

4.       Hậu Đại học—Giăng

Chúa đã dùng Phao-lô rao ra mọi đỉnh cao sự khải thị Tân ước cho các hội thánh cách đầy đủ rồi, vậy tại sao Ngài còn dấy lên chiếc bình sự khải thị nữa là sứ đồ Giăng? Tôi nghĩ rằng cũng còn có người chưa rõ bà Mari, mẹ Chúa và mẹ của Giăng là hai chị em ruột, và mẹ của Giăng có hai tên là Sa-lô-mê và Mari.

Có lẽ vào năm 64 S.C., Phao-lô nói với hội thánh Epheso, “Nguyện ân điển ở với hết thảy những kẻ thương yêu Chúa chúng ta là Jêsus Christ cách bất diệt!”(6:24). Khoảng 25 năm sau, là năm 90 S.C., Chúa nhờ Giăng viết thơ cho hội thánh Epheso đó và khiển trách họ đã bỏ tình yêu thương đầu nhất đối với Ngài (Khải 2:4). Sau khi Phao-lô ra đi chừng 25 năm, các hội thánh đã đổ nát.

Nhìn chung, ngay khi Phao-lô sắp qua đời, hầu hết các thánh đồ ở cõi Asi đều lìa bỏ chức vụ lời của ông. Nhiều bạn đồng công gây khốn khổ cho ông (Philip 1:15-17). Họ lật đổ đức tin nhiều người. Họ đem tà giáo vào phá hoại các hội thánh. Họ không hiểu hết lời Phao-lô đã giảng và thương mãi hóa chức vụ của mình. Hội thánh trở thành nhà lớn, có vẻ khoa trương, nhưng thiếu thực tại. 2 Tim. 3: 1- 9 nói lên 19 loại tín đồ sa bại trong các hội thánh. Họ là những người:  ái kỷ, ham tiền, vênh vang, kiêu ngạo, nhạo báng, bội nghịch cha mẹ, vong ân phụ nghĩa, không thánh khiết,…v…v. Nên đang khi Phao lô còn sống, các hội thánh do ông xây dựng đều đổ nát, họ tự kiêu vì mình sở hữu giáo lý các sự khải thị đỉnh cao. Điều đó hạ Phao-lô xuống đến cùng cực. Ông không hề dám tự kiêu. Nên Chúa phải dấy lên chiếc bình kỳ cựu, là sứ đồ Giăng đứng nơi đổ nát, nơi sứt mẻ, vá sửa lại các hội thánh.

Khi được Chúa Jesus kêu gọi hầu việc Ngài, Giăng đang vá lưới cùng cha, anh và thợ thầy. Kinh thánh chép, “Từ đó đi tới nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ con Xê-bê-đê, với em là Giăng, ở trong thuyền cùng cha, đương vá lưới; Ngài bèn gọi họ. Tức thì họ bỏ thuyền lìa cha mà theo Ngài” (Mathio 4:21-22).

Động từ “vá” ở đây theo nguyên văn Hi lạp có nghĩa là: sửa chữa  theo nghĩa đen và nghĩa bóng, nó cũng có nghĩa điều chỉnh, vá sữa, hoàn thiện, trang bị, phục hồi- Cho nên sứ đồ Giăng phục hồi và tăng cường nhiều lẽ thật mà Phao lô đã giảng. Tôi chỉ nói ra 4 lãnh vực thôi:

a/. Về đức tin, Phao lô định nghĩa, “đức tin là thực thể hóa của điều mình hi vọng, bằng cớ của điều mình chưa thấy” (Hê. 11:1). Còn Giăng nói thêm đức tin là hành động, -“Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi” (Giăng 15: 4). Đức tin vào Chúa là:- chúng ta và Chúa cư trú hỗ tương, là ở trong nhau. Chúa vào trong chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Ngài, chúng ta vào trong Ngài, do được báp têm trong Thánh Linh.

b/. Phao lô nói đức tin và thương yêu là hai mỹ đức song đôi của Cơ Đốc nhân, cả hai cùng tăng trưởng cân bằng—“mặc giáp bằng đức tin và tình thương yêu” (1 Tes. 5: 8). Giăng nói sâu sắc hơn vì ông nói rằng “Đức Chúa Trời là sự thương yêu” (1 Giăng 4 : 8,16). Phao lô nói tình yêu thần thượng là sự biểu hiện của sự sống đời đời. Giăng nói thêm: Đức Chúa Trời là tình thương yêu, khi Ngài thường trú trong chúng ta, Ngài sẽ thương yêu người khác qua chúng ta.

c/. Sự sống đời đời: trong phúc âm thứ tư, Giăng đã đặc biệt dùng nhiều dấu hiệu như hóa nước thành rượu, chữa lành người quà, để bày tỏ rằng chúa Jesus là sự sống đời đời có thể chế ngự, xóa tan: sự chết, sự tối tăm, sự thù ghét, sự đói kém thuộc linh trong các hội thánh.

d/ Lẽ thật. Tữ ngữ “lẽ thật” xuất hiện nhiều lần trong phúc âm Giăng và thơ 1 Giăng. Chữ “Lẽ thật” đổi ra chữ nho là “chân lý”—nghĩa là lý lẽ về sự thật (reality doctrine). Chúa Jesus nói Ngài là “Lẽ Thật—The Truth) Giăng 14:6.-- 1 Giăng 5:6 chép, “Thánh Linh là lẽ thật”. Theo nguyên văn Hi lạp, từ ngữ nầy là aletheia. Chữ aletheia chỉ có nghĩa là “chân”, không có chữ “lý” trong đó, có nghĩa nó chỉ là reality, không có nghĩa doctrine. Nghĩa đen của aletheia là : sự thật, thực tại. Cho nên chúng ta phải hiểu chữ “Lẽ Thật” là thực tế, thực tại, chớ không phải lý lẽ về sự thật. Các hội thánh thời Phao lô rất giàu có giáo lý về các sự khải thị đỉnh cao, nhưng họ đổ nát, vì họ không kinh nghiệm thực tại trong các sự mặc khải đó. Giăng dùng “thực tại” làm thuốc chữa lành cho các hội thánh kiêu ngạo về giáo lý văn tự. Vì “các ngươi sẽ biết lẽ thật (thực tại) , và lẽ thật (thực tại) sẽ giải phóng các ngươi” (Giăng 8:32). Giáo lý văn tự không có hiệu quả nhiều..

Ngoài ra sứ đồ Giăng còn bổ sung cho bộ kinh điển Tân ước các khải thị mới như: Bảy Linh (Thánh Linh tăng cường trong chức năng lên 7 lần), Hội Thánh là giá đèn bàng vàng, thiểu số người đắc thắng giữa vòng các hội thánh, hôn lễ Chiên con dành cho một thiểu số, và cuối cùng Giăng miêu tả về thành thánh Jerusalem mới, mà tác giả thơ Heboro đã nói, “Nhưng anh em đã đến núi Si-ôn, đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, đến muôn vàn thiên sứ, đến tổng hội và Hội thánh của những con đầu lòng được ghi tên trên trời--Vì tại đây chúng ta chẳng có thành nào còn lại luôn, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến” (Heb. 12: 22-23; 13:14).  

5.       Kết Luận:

Thưa các bạn,
Tôi là ai mà dám phê bình, đánh giá và xếp loại 4 tôi tớ thánh nầy của Đức Chúa Trời. Tôi cũng không có dụng ý viết bài nầy để phô bày là mình đã tốt nghiệp đại học sự mặc khải thuộc linh của Chúa. Nhưng vì Rô-ma 15: 4 chép, “Bởi hễ điều gì trước đã chép là chép để dạy dỗ chúng ta, hầu nhờ sự nhẫn nại và sự yên ủi do Kinh thánh mà chúng ta được hi vọng”. Nên tôi được Chúa cảm động viết ra những gì mình thấy được trong ánh sáng của Ngài, dù có nhiều điều tôi chưa kinh nghiệm.

Thật vậy, chưa chắc chúng ta đang theo học nổi chương trình đại học mặc khải thuộc linh của Chúa. Vì lắm khi chúng ta học đại, học bừa sự khải thị đại học, mà còn sống, còn cư xử như con trẻ trong đời sống hằng ngày giữa gia đình, xã hội và hội thánh. Riêng tôi cảm thấy xấu hỗ lắm!

Tôi mượn lời Phao-lô để kết thúc bài nầy, “Ấy chẳng phải tôi đã được rồi hay là đã nên trọn vẹn đâu; nhưng tôi cứ đuổi theo hầu cho giựt được, bởi vì chính tôi đã được Christ Jêsus giựt lấy rồi.  Anh em ơi, tôi không hể mình đã giựt được đâu, duy cứ làm một điều: quên những sự ở đàng sau, vươn theo những sự ở đàng trước; 14 tôi cứ bươn thẳng tới đích để giựt giải về sự kêu gọi từ trên của Đức Chúa Trời trong Christ Jêsus.  Vậy, hễ bao nhiêu người trọn vẹn trong chúng ta đều phải có tâm chí đó; còn nếu điều gì anh em có tâm chí khác, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ bày tỏ điều ấy cho. 16 Duy chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì hãy cứ theo đó mà bước đi” (Philip 3:12-16).

Minh Khải