Homera Emilie Homer-Dixon (1893-1942) là nữ Giáo sĩ Tin Lành đầu tiên chết tại Việt Nam. Cô đến Việt Nam vào tháng 11 năm 1928, và về với Chúa vào ngày 6 tháng 12 năm 1942 tại Sài Gòn, Việt Nam.
Gia Thế
Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon sinh ngày 8/11/1893 tại Toronto, Canada trong một gia đình quyền quý. Gia tộc của bà có nguồn gốc từ Anh, nhưng ông bà nội và cha của bà sống tại Hòa Lan, Hoa Kỳ và Canada.Homer-Dixon là họ ghép của hai dòng họ Homer và Dixon. Họ Homer-Dixon do ông nội của nữ giáo sĩ, là Thomas Dixon, đặt ra. Nữ giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon là người thuộc thế hệ thứ hai mang họ này.
Homer, dòng họ phía bà nội của nữ giáo sĩ, có nguồn gốc từ Dorset, Anh quốc. Ký thuật chính thức đầu tiên về dòng họ Homer (de Homere) được ghi lại trong Collectanea Topographica et Genealogica xuất bản tại London vào năm 1840. Cuốn sách địa dư này chép rằng vào năm 1338, Lord Maltravers đã cấp cho Thomas de Homere, người được xem là ông tổ của dòng họ Homer, một khu đất gần Dorset County. Trong suốt nhiều thế kỷ kế tiếp, dòng họ Homer đã sinh sống tại Scotland, Anh quốc.
Vào năm 1690, một người trong dòng họ Homer là Thuyền trưởng John Homer từ Scotland đến định cư tại Boston, Hoa Kỳ. Ông lập gia đình với cô Margery Stevens vào ngày 13/7/1693. Hai vợ chồng có sáu người con. Dòng họ Homer lập nghiệp và sinh sống tại Boston qua nhiều thế hệ; nhiều người thành công trong ngành hàng hải, kinh doanh và luật sư.
Gần 100 năm sau, bà nội của Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon là Mary Bethia Homer chào đời. Bà sinh vào ngày 7/6/1792, là con gái của Benjamin Perrot Homer, một thương gia thành công của Công Ty Đông Ấn, sống tại Boston. Ngày 26/5/1818, cô Mary Bethia Homer đã thành hôn với Thomas Dixon, một thương gia và là một chính trị gia người Hòa Lan, gốc Anh; và gia đình này đã khởi đầu cho chi tộc Homer-Dixon.
Thomas Dixon, ông nội của Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, sinh ngày 26/1/1781 tại Westminster, Anh quốc. Ông theo cha mẹ sang định cư tại Hòa Lan từ nhỏ. Năm 1796, lúc hai quốc gia Anh Pháp đánh nhau, Thomas Dixon, lúc đó còn trong tuổi thiếu niên, bị người Pháp bắt, vì đã làm liên lạc viên cho quân đội Anh.
Sau khi được thả tự do, năm 1800 Thomas Dixon đến Flushing, Hòa Lan lập nghiệp. Thomas Dixon rất thành công trong việc kinh doanh. Khi Hoàng đế Napoleon chiếm Flushing vào năm 1810, Thomas Dixon, với tư cách chủ tịch của hội đồng thành phố, đã trao chìa khóa của thành phố Flushing cho Napoleon; nhưng ngay ngày hôm sau (12/5/1810) Thomas Dixon bị bắt giải về Paris vì bị buộc tội đã cộng tác với người Anh. Thomas Dixon bị giam trong ngục 15 tháng chờ xét xử. Nhờ sự can thiệp của nhiều bạn bè trong chính phủ Hòa Lan và Pháp, ông không bị tử hình nhưng bị lưu đày tại Macon, Burgundy.
Năm 1814, dòng họ Bourbon giành lại vương quyền tại Pháp. Ngày 25/8/1814, Hoàng đế Pháp Louis XVIII đã trao tặng cho Thomas Dixon tước hiệp sĩ và huân chương Décoration du Lys. Vua William Đệ I của Hòa Lan cũng trao tặng cho Thomas Dixon tước hiệp sĩ và huân chương Knight of the Order of the Netherlands Lion.
Sau chiến tranh, Thomas Dixon chỉ chú tâm vào việc kinh doanh. Ông đến mua bán tại Boston, Hoa Kỳ, và qua đó, đã quen biết và đã thành hôn với cô Mary Bethia Homer vào năm 1818. Cả hai về Hòa Lan sống để chăm sóc cha mẹ của Thomas Dixon. Một thời gian sau, họ quay lại Hoa Kỳ để thăm và dự định ở lại Boston một năm rồi trở về Hòa Lan; nhưng trong thời gian đó, cha mẹ của Thomas Dixon mất tại Hòa Lan, và thân sinh của Mary Bethia Homer tại Boston lại già yếu, nên gia đình quyết định ở lại Hoa Kỳ. Năm 1833, Thomas Dixon được chính phủ Hòa Lan bổ nhiệm làm Lãnh sự của Hòa Lan tại Boston.
Thomas Dixon và Mary Bethia Homer có bốn người con: ba trai và một gái; trong đó, một người con trai mất lúc còn nhỏ tại Paris. Thân phụ của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon là Benjamin Homer-Dixon sinh vào năm 1819 tại Amsterdam, Hòa Lan; ông là con trai trưởng của Thomas Dixon và Mary Bethia Homer.
Sau khi Thomas Dixon qua đời vào năm 1849, chính phủ Hòa Lan đã bổ nhiệm Benjamin Homer-Dixon làm Lãnh sự của Hòa Lan tại Boston thay cho cha của ông. Benjamin Homer Dixon giữ chức vụ này cho đến năm 1858, rồi từ nhiệm, vì ông quyết định sang định cư tại Canada để thành hôn với cô Kate McGill Macaulay, con gái của Chánh án James Buchanan Macaulay. Hôn lễ cử hành vào ngày 8/4/1858 tại Toronto, Canada.
Bà Mary Bethia Homer sau đó đã theo con trai trưởng sang Canada sinh sống. Bà qua đời vào 16/7/1875 hưởng thọ 83 tuổi. Người con trai thứ của bà là Fitz Eugene Dixon, không sang Canada nhưng vẫn sống tại Hoa Kỳ. Fitz Eugene Dixon, chú ruột của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, là con rể của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ George Mifflin Dallas (1845-1849).
Bốn năm sau khi Benjamin Homer-Dixon, cha của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, đến Canada; năm 1862, vua William Đệ III của Hòa Lan đã phong tước hiệp sĩ (Knight of the Order of the Netherlands Lion) cho Benjamin Homer-Dixon – giống như cha của ông đã nhận vinh dự này từ vua William Đệ I của Hòa Lan. Chính phủ Hòa Lan cũng bổ nhiệm Benjamin Homer Dixon làm Tổng lãnh sự của Hòa Lan tại Toronto. Benjamin Homer Dixon giữ chức vụ này cho tới khi ông về với Chúa vào năm 1899.
Năm 1863, Kate McGill, vợ của Benjamin Homer-Dixon qua đời. Ba năm sau, Benjamin Homer-Dixon lập gia đình với cô Frances Caroline Heward, con gái của Luật sư William B. Heward tại Toronto. Hôn lễ được cử hành vào ngày 29/11/1866. Hai người chung sống được 23 năm thì Frances Caroline về với Chúa vào ngày 27/9/1889.
Benjamin Homer-Dixon lập gia đình lần thứ ba với cô Emilie Henriette Mariah Caston, con gái của Luật sư George Caston, tại Toronto. Hôn lễ được cử hành vào ngày 8/9/1891. Hai năm sau, cô bé Homera Emilie Homer-Dixon chào đời. Cô bé được đặt tên Homera, là tên gọi theo phái nữ của dòng họ cô, và chữ lót Emilie, là tên của mẹ cô.
Homera Emilie Homer-Dixon không có nhiều thời gian sống bên cạnh cha mình. Benjamin Homer-Dixon về với Chúa vào ngày 25/1/1899 tại York, Ontario, Canada, khi cô bé Homera Emilie Homer-Dixon mới được 5 tuổi.
Benjamin Homer Dixon làm Lãnh sự cho Hòa Lan tất cả 45 năm: 8 năm tại Boston và 37 năm tại Toronto. Benjamin Homer-Dixon không chỉ là một doanh nhân thành công, một nhà chính trị giỏi, nhưng ông cũng là một nhà văn; và đặc biệt, là người rất yêu mến Chúa. Ngoài những sách ông viết về nguồn gốc và lịch sử gia tộc như “A Brief Account of the Family of Homer or de Homere”, “The Border or Riding Clans Followed by a History of the Clan Dickson and a Brief Account of the Family of the Author”, “Surnames”, Benjamin Homer-Dixon đã xuất bản một số sách về thánh ca, về sự cầu nguyện, sự kiêng ăn, và nghi thức thờ phượng như “Church Fasts and the Doctrine of Apostolical Succession”, “The East in Prayer”, “The Book of Common Prayer, The American Prayer Book, and The Three Revisions”, “Selected Hymns”, “Golden Moments”, “The Bible and the Prayer Book”, “The Lord’s Supper.”
Nhiều năm về sau, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon nhận biết rằng cô đã thừa hưởng năng khiếu về viết văn, biên tập và lòng yêu kính Chúa từ cha của cô.
Thời Niên Thiếu
Sau khi thân sinh qua đời, với gia tài do cha để lại, trong suốt hơn mười năm kế tiếp, cô bé Homera Emilie Homer-Dixon cùng mẹ đi du lịch khắp thế giới. Họ sang Anh, Hoa Kỳ, Ai Cập, Pháp, Thụy Sĩ, rồi trở về Canada. Hai mẹ con cho xây một ngôi nhà gần thác Niagara, và họ sống tại đó.Vì Homera Emilie Homer-Dixon thuộc gia đình quý tộc nên cô không học trường công. Cha cô là một người yêu mến Chúa nên ông đã sắp đặt cho những gia sư, là những người tin kính Chúa, để lo việc giáo dục cho cô bé. Những gia sư này đã hướng dẫn cho Homera Emilie Homer-Dixon tiếp nhận Chúa từ thời thơ ấu. Một gia sư, đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống đức tin của cô bé Homera Emilie Homer-Dixon, là một thiếu nữ con của một giáo sĩ tại Miến Điện; cô này cũng đang được huấn luyện để trở thành giáo sĩ. Vị gia sư này đã dạy Homera Emilie Homer-Dixon khi cô bé được bảy tuổi. Nhiều về năm sau, Homera Emilie Homer-Dixon kể lại rằng “Vị gia sư đó đã kết nạp tôi vào cánh đồng truyền giáo. Kể từ lúc đó, tôi luôn cảm nhận rằng mình thuộc về công tác truyền giáo.”
Như những thiếu nữ quý tộc, bên cạnh những kiến thức giáo dục phổ thông, Homera Emilie Homer-Dixon được huấn luyện chu đáo về ngoại ngữ, cổ ngữ, văn học, thi ca, âm nhạc và hội họa. Homera Emilie Homer-Dixon không biết rằng lúc đó Chúa đã dùng những gia sư để huấn luyện cô những kỹ năng cần thiết mà cô sẽ dùng cho công tác truyền giáo trong những năm về sau.
Thời Thanh Xuân
Có một sự kiện quan trọng đã thay đổi hướng đi trong cuộc đời của Homera Emilie Homer-Dixon. Giữa khuya ngày 25/6/1919, tại Keswick, Anh quốc, Chúa đã kêu gọi Homera Emilie Homer-Dixon; và cô đã đầu phục, bằng lòng dâng cuộc đời cô cho Ngài.Homera Emilie Homer-Dixon thuật lại kinh nghiệm đó cho mẹ mình và bày tỏ mong ước được đi truyền giáo. Mẹ cô lúc đó bị bệnh thấp khớp và cơ giật (Parkinson), bà muốn cô bên cạnh nên đã không cho phép con gái mình đi xa.
Khi biết mẹ không chấp nhận cho cô làm giáo sĩ, Homera Emilie Homer-Dixon buồn nhưng không ngã lòng. Cô quyết định hầu việc Chúa trong hoàn cảnh và khả năng hiện tại của mình. Homera Emilie Homer-Dixon đã thành lập nhiều lớp Trường Chúa Nhật trong các quận lân cận cho các thanh thiếu niên trong các vùng quê. Cô nhờ nhiều người giúp cô dạy Kinh Thánh cho từng địa điểm; còn chính cô mỗi Chúa Nhật đến dạy bốn lớp ở những nơi khác nhau.
Năm 1921, bệnh tình của mẹ cô trở nên nghiêm trọng. Bà cụ khó tánh, đòi hỏi cô luôn bên cạnh mình. Chăm sóc mẹ trong một thời gian dài và tinh thần bị căng thẳng khiến Homera Emilie Homer-Dixon bị kiệt sức. Cô bị bệnh nặng và hôn mê suốt hơn 10 ngày. Trong thời gian đó, mẹ cô cũng đau nặng. Khi Homera Emilie Homer-Dixon tỉnh dậy, cô được báo tin rằng mẹ cô đã qua đời.
Một thời gian sau, khi sức khỏe đã khôi phục, Homera Emilie Homer-Dixon lại nộp đơn xin đi truyền giáo tại Trung Hoa. Lần này, các bác sĩ của cơ quan truyền giáo không phê chuẩn cho cô đi vì lý do sức khỏe. Trước hoàn cảnh đó, Homera Emilie Homer-Dixon tiếp tục lo công việc dạy Trường Chúa Nhật tại địa phương.
Trong khoảng thời gian đó, có một thanh niên tên là Frederick Hodgson, là người đã tình nguyện giúp cô trong giáo vụ Trường Chúa Nhật suốt hai năm. Homera Emilie Homer-Dixon nghĩ rằng Frederick là người yêu mến Chúa thật lòng. Sau khi bị khước từ phục vụ trong chức vụ giáo sĩ, cô đã chấp nhận lời cầu hôn của Frederick. Hôn lễ cử hành vào ngày 24/4/1923.
Vài tuần sau khi đám cưới diễn ra, người chồng mới của cô nói thật rằng anh chỉ muốn lợi dụng tình cảm và tiền bạc của cô. Một năm sau, Homera Emilie Homer-Dixon sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Elizabeth. Không lâu sau khi đứa con chào đời, chồng cô bỏ cô. Sau đó, tòa án cho phép cô ly dị, và cho cô, cùng con gái, được đổi lại họ Homer-Dixon, không mang họ của người chồng bội bạc.
Gặp thử thách trong sức khỏe, trong gia đình, trong tình cảm, Homera Emilie Homer-Dixon vẫn không ngã lòng. Cô tiếp tục hầu việc Chúa trong giáo vụ Trường Chúa Nhật là cơ hội mà Chúa đang dành cho cô. Cô làm công việc này suốt nhiều năm. Về sau, Homera Emilie Homer-Dixon kể lại rằng kinh nghiệm của những năm dạy Trường Chúa Nhật đã giúp cô rất nhiều. Cô nói: “Tôi vốn là một thiếu nữ rụt rè và nhút nhát. Việc dạy Trường Chúa Nhật đã giúp tôi rèn luyện sự can đảm. Mỗi tuần phải đối diện với bốn mươi hoặc năm mươi thiếu niên ngỗ nghịch, không có một người lớn nào phụ giúp. Công tác này đã trở thành một cơ hội huấn luyện tốt cho tôi. Qua đó, tôi hiểu thấu đáo làm thế nào để tổ chức Trường Chúa Nhật, làm thế nào để điều khiển một nhóm thiếu niên và dạy các em Lời Chúa. Công việc này giúp tôi tin cậy nơi Chúa vì tôi biết rằng mình không thể thực hiện được điều gì tốt từ chính mình. Tôi nhận được rất nhiều phước hạnh qua công việc này. Nhiều em đã tiếp nhận Chúa và nhiều cuộc đời đã được cung hiến cho Chúa.”
Thất vọng nơi tình cảm con người đã đem cô càng gần với Chúa hơn. Trong những năm thử thách này, Chúa dạy Homera Emilie Homer-Dixon nhiều bài học. Cô thuật lại những kinh nghiệm Chúa dạy qua những bài viết của mình. Ngòi bút đã trở thành một phương tiện để Homera Emilie Homer-Dixon hầu việc Chúa. Một số bài viết và những bài thơ do cô sáng tác trong giai đoạn này đã được đăng trên các tạp chí truyền giáo như The Sunday School Times, The Friend of Russia, và Christian and Missionary Alliance Weekly.
Một trong những tác phẩm của cô viết trong giai đoạn này là The Vine and the Branches đã được The Bible Institute Colportage Associasion tại Chicago phát hành vào năm 1923. Sách được Mục sư F.A. Steven, thuộc China Inland Mission, hiệu đính; và Mục sư T. R. O’meara, Viện Trưởng Wycliffe College, viết lời giới thiệu. Cuốn sách về sau được chính Homera Emilie Homer-Dixon và ông Đỗ Đức Trí, một biên tập viên của Thánh Kinh Báo, dịch sang tiếng Việt với tựa đề là Cành Nho Liền Gốc. Sách được Nhà Xuất Bản Tin Lành phát hành vào năm 1938 tại Hà Nội.
Bước Vào Chức Vụ Truyền Giáo
Homera Emilie Homer-Dixon vẫn muốn thực hiện điều cô đã hứa nguyện với Chúa là dâng trọn đời sống cô để hầu việc Ngài. Một lần nữa, Homera Emilie Homer-Dixon đã nộp đơn xin làm giáo sĩ; và lần này cô nộp đơn xin với Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp. Vào thời gian đó, chi phí cho một giáo sĩ hầu việc Chúa tại Á Đông là 500 đô-la một năm. Biết được khó khăn về tài chánh của Hội Truyền Giáo, Homera Emilie Homer-Dixon đã xin phép cho cô được hầu việc Chúa trong chức vụ giáo sĩ, nhưng cô sẽ không nhận tiền lương. Cô và con cô sẽ tự lo liệu cho chính mình vì cô đã có tiền từ gia tài mà cha cô để lại.Biết được hoàn cảnh, khả năng và tâm nguyện của Homera Emilie Homer-Dixon, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã chấp thuận đơn xin làm giáo sĩ của cô. Năm 1927, Homera Emilie Homer-Dixon, với một đứa con gái bốn tuổi, từ Toronto sang New York để được huấn luyện tại Missionary Training Institute. Năm sau, cô được cử sang Đông Dương để điều hành trường dạy con các giáo sĩ tại Đà Lạt.
Vào thời gian đó, có hơn 40 giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đang hầu việc Chúa tại Đông Dương. Hầu hết các giáo sĩ đều có gia đình và con cái. Số con các giáo sĩ tại Đông Dương khá đông và vấn đề giáo dục cho các con giáo sĩ trở thành một nhu cầu cần thiết. Trước tình hình đó, Hội Truyền Giáo đã quyết định thành lập Dalat School tại Đà Lạt để dạy các con giáo sĩ. Trường cần có người có kiến thức rộng, yêu mến Chúa, và có kinh nghiệm làm việc với thanh thiếu niên để điều hành trường, và dạy dỗ các em. Đối với các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Hội Truyền Giáo tại New York, cô Homera Emilie Homer-Dixon là một ứng viên thích hợp cho công việc này.
Homera Emilie Homer-Dixon đến Việt Nam vào tháng 11/1928. Gần ba tháng sau, Dalat School khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 1/2/1929. Cùng làm việc với cô tại Dalat School có nữ Giáo sĩ Armia Heikennen; và sau đó có thêm Mục sư và bà Herbert R. Jackson.
Nhu Cầu Công Việc Chúa Tại Miền Bắc Việt Nam
Tuy nhiên, Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon không làm việc lâu tại Đà Lạt. Hơn một tháng sau khi trường Đà Lạt khai giảng, mùa xuân năm 1929 cô tham dự hội đồng của các giáo sĩ tại Đông Dương. Tại hội đồng, ban tổ chức biết khả năng viết văn của cô nên đã mời cô làm thư ký viết biên bản cho hội đồng. Trách nhiệm này khiến cô phải chú tâm lắng nghe, và qua đó hiểu rõ hơn, các hoạt động truyền giáo đang diễn ra tại Đông Dương, đặc biệt tại miền Bắc Việt Nam.Vào thời gian đó, có một số chuyển biến chính trị ảnh hưởng đến công việc truyền giáo tại Đông Dương. Ngày 28/1/1928, dưới sự điều động của Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, Hội Đồng Cơ Mật tại Huế đã ban hành sắc lệnh 757 chỉ thị cho các quan Việt Nam rằng ngoại trừ đạo Công giáo, không có một tôn giáo nào được phép truyền giáo trong nước Annam. Đặc biệt đạo Tin Lành và đạo Cao Đài phải tuyệt đối ngăn cấm.
Việc áp dụng sắc lệnh 757 dẫn đến nhiều vụ bắt bớ các mục sư, truyền đạo và tín hữu Tin Lành; trong đó có truyền đạo chủ tọa Hội Thánh Quế Sơn tại Quảng Nam; Truyền đạo Ông Văn Huyên và Đặng Ngọc Cầu bị giam tại Quảng Ngãi, và sau đó tại Quảng Nam; Mục sư Phan Đình Liệu bị bắt giam tại Nha Trang; các nhân viên Thánh Kinh Hội bị bắt tại Quy Nhơn; và một số tín hữu Tin Lành bị bắt tại nhiều địa phương ở miền Trung.
Trước tình hình đó, tháng 8/1928 Hội Truyền Giáo đã kiến nghị với chính quyền Pháp tại Đông Dương. Sau đó, Hội Truyền Giáo đã nhờ các mục sư Pháp tại Hà Nội, liên lạc với Liên Hiệp Tin Lành Pháp tại Paris phản đối với Quốc Hội Pháp, và yêu cầu điều tra về vấn đề kỳ thị tôn giáo tại Đông Dương.
Cuối năm 1928, Pierre Marie Antoine Pasquier được bổ nhiệm làm tân Toàn Quyền Đông Dương. Ngày 25/1/1929, ngay sau khi Pierre Pasquier đến Đông Dương, Hội Truyền Giáo đã yêu cầu ông xem xét lại vấn đề này; và ngay sau đó, chữ “Tin Lành” trong lệnh cấm truyền giáo của Hội Đồng Cơ Mật đã được cắt bỏ. Tuy nhiên việc chính thức cho phép các nhà truyền giáo Tin Lành hoạt động trong khu vực bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) trên danh nghĩa vẫn thuộc quyền nhà Nguyễn, và còn phải chờ kết quả điều trần tại Quốc Hội Pháp vào cuối năm 1929, và sự thỏa thuận với chính quyền Việt Nam.
Tại hội đồng vào năm đó, các giáo sĩ tại Đông Dương hy vọng sau năm 1929, công việc truyền giáo sẽ dễ dàng hơn; và họ đã chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng công việc truyền giáo tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam trong những năm sau đó.
Lúc đó, tại miền Trung đã có nhiều giáo sĩ, mục sư và truyền đạo Việt Nam lo công việc Chúa. Đầu năm 1929, toàn miền Bắc chỉ có ba cặp vợ chồng giáo sĩ là Mục sư và bà J. J. Van Hine mới đến Việt Nam vào đầu năm 1928 đang hầu tại Lạng Sơn; Mục sư và bà H. C. Smith tại Hải Phòng; Mục sư và bà William C. Cadman tại Hà Nội.
Khi đó Hà Nội là thủ đô của Đông Dương. Công việc truyền giáo tại Hà Nội mặc dầu đã được thực hiện hơn 13 năm nhưng kết quả rất giới hạn. Một trong những lý do chính là thiếu người lo công việc truyền giảng và phát triển hội thánh. Trong mười năm đầu tiên, Mục sư và bà William C. Cadman phải chú tâm vào công tác phiên dịch Kinh Thánh. Bên cạnh đó, ông bà phải điều hành nhà in Tin Lành Hà Nội, chịu trách nhiệm xuất bản sách và Kinh Thánh cho cả Việt Nam, Lào và Campuchia. Công việc phiên dịch, hiệu đính, xuất bản, và phát hành chiếm rất nhiều thời gian của các đầy tớ Chúa; do đó, ông bà không còn nhiều thời gian cho việc truyền giảng, thăm viếng, chăm sóc – là những trách nhiệm cần thiết cho việc mở mang hội thánh.
Trước triển vọng lệnh cấm truyền giáo tại khu vực bảo hộ được cất bỏ, Hội Truyền Giáo dự định sẽ mở thêm các trung tâm truyền giáo mới tại các tỉnh miền Bắc, cho các sắc dân tại khu vực Tây Bắc Việt Nam, và cả miền Đông nước Lào. Mục sư và bà William C. Cadman nhận trách nhiệm thực hiện dự án này, nhưng ông bà cần người giúp đảm đương những giáo vụ họ đang làm tại Hà Nội.
Tháng 8/1928, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã cử một truyền đạo Việt Nam ra miền Bắc, thay Mục sư William C. Cadman quản nhiệm Hội Thánh Hà Nội. Truyền đạo Lê Văn Thái đã được phong chức mục sư tại Hà Nội vào ngày 28/11/1928. Hai Truyền đạo Việt Nam, trước đó thực tập tại miền Bắc, là Quốc Phục Hòa và Dương Tự Ấp đã trở về học tại Trường Kinh Thánh. Công việc Chúa tại miền Bắc nói chung, và tại Hà Nội nói riêng, cần thêm nhiều người cộng tác. Lúc đó Hội Thánh Hà Nội đã có người quản nhiệm nhưng công tác phiên dịch, biên tập và xuất bản vẫn cần người phụ giúp.
Biết được nhu cầu đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon mong ước được ra miền Bắc để góp phần cho công việc Chúa tại đó. Mặc dầu việc dạy dỗ các con giáo sĩ, để cho cha mẹ các em yên tâm hầu việc Chúa, là công việc cao quý; cô Homera Emilie Homer-Dixon biết rằng công tác quan trọng của cuộc đời cô là dẫn đưa những người chưa biết Chúa về với Ngài. Cô đã thuật lại mục đích của đời cô như sau:
“Từ nhỏ, tôi thích làm lính cứu hỏa. Thời đó, xe cứu hỏa do ngựa kéo, về sau xe hơi thay cho ngựa. Cảnh xe cứu hỏa lao nhanh trên đường để cứu nạn nhân khỏi những tòa nhà đang thiêu cháy khiến tôi say mê công tác cao quý đó. Tuy nhiên, Chúa đã cho tôi một khải tượng lớn hơn: Chúa gọi tôi để cứu những linh hồn chứ không phải cứu thân thể; không phải cứu người khỏi cái chết cấp thời nhưng để đem họ đến sự sống đời đời. Công việc của Đức Vua cần phải thực hiện cấp tốc. Tôi ra đi như là một người lính cứu hỏa của Vua Thiên Thượng, không ồn ào như những xe chữa lửa trong thành phố, nhưng tôi biết rằng Chúa vẫn hậu thuẩn cho tôi, và Ngài ban cho tôi quyền ưu tiên để cứu người. Vì thế, chúng ta phải cấp tốc thực hiện mạng lệnh Chúa giao.”
Mùa hè năm 1929, Mục sư và bà H. A. Jackson lên Đà Lạt dưỡng bệnh. Để tiết kiệm tiền mướn nhà cho Hội Truyền Giáo tại Đà Lạt, và để tận dụng thời gian, ngày 3/7/1929 cô Homera Emilie Homer-Dixon rời Đà Lạt nhường nhà cô cho Mục sư và bà H. A. Jackson, và cô đi Đà Nẵng để học tiếng Việt. Mùa hè xong, cô dự định ra Hà Nội để chữa răng một tuần, rồi quay lại Đà Lạt tiếp tục công việc dạy học, nhưng Chúa phán với cô rằng con sẽ không trở lại làm việc tại Đà Lạt.
Ngày 17/10/1929, Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon và con gái rời Đà Nẵng đi Hà Nội. Trong bài làm chứng tại hội đồng vào năm sau đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon kể lại rằng khi xe lửa ra khỏi Quảng Bình, lòng cô nôn nao vì lần đầu tiên thấy miền Bắc. Ngày hôm sau, cô cảm ơn Chúa vì Ngài đưa dẫn cô đến Hà Nội, là thành phố mà cô mơ ước từ thuở ấu thơ.
Tại Hà Nội, cô được Mục sư và bà William Cadman tiếp đón niềm nỡ. Thay vì điều trị một tuần, vị nha sĩ tại Hà Nội cho cô biết phải ở lại Hà Nội hai tháng để hoàn tất việc chữa trị. Sau hai tháng, cô bị bệnh thêm hai tháng nữa. Trong khoảng thời gian đó, cô có dịp tìm hiểu và biết rõ hơn về nhu cầu công việc Chúa tại Hà Nội. Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon cầu nguyện xin sự hướng dẫn của Chúa, và cuối cùng cô quyết định ở lại hầu việc Chúa tại Hà Nội.
Khi đó, Ban Giám Hiệu Trường Đà Lạt đã nhiều lần viết thư mời cô về. Họ cũng gởi thư cho Hội Truyền Giáo tại Đông Dương và Trung Ương Hội Truyền Giáo tại New York yêu cầu triệu hồi cô trở lại Đà Lạt; nhưng không ai lay chuyển được ý định của cô.
Là một người Hòa Lan, gốc Anh, mang quốc tịch Canada, và là con gái của một nhà ngoại giao kỳ cựu; Homera Emilie Homer-Dixon biết 300 năm trước khi cô đến Hà Nội, các thương nhân Tin Lành Hòa Lan và Anh đã sống tại đây. Họ đã thờ phượng Chúa, tìm cách mở mang công việc Chúa tại miền Bắc nhưng không kết quả. Gần 300 năm sau, những anh chị em trong đức tin của cô từ nhiều quốc gia, sau bao năm tháng cầu nguyện, đang cố gắng đem tình yêu và ánh sáng cứu rỗi của Chúa cho những người dân đang sống tại vùng đất này. Đến Hà Nội, cô mới hiểu những gian khó và cô đơn của họ. Cô quyết định ở lại để góp thêm một cánh tay vào việc khai phá những cánh đồng mới cho Chúa.
Trước ý chí kiên nghị của Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, Trung Ương Hội Truyền Giáo tại New York cuối cùng đã đồng ý cho Hội Truyền Giáo tại Đông Dương bổ nhiệm Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon về lo công việc truyền giáo tại Hà Nội.
Tháng 12/1929 tờ Alliance Weekly đăng bài thơ The Old Year and The New của Homera Emilie Homer-Dixon, với những câu thơ diễn tả tâm trạng của cô như sau:
- The past is gone; the old year fades
- Into dim vistas soon forgot;
- It takes its place in memory
- With peace or pain it bought.
- ……….
- “Forgetting all,” we leave the past,
- Its sorrow and its pride,
- And leave its records all to Him,
- Our Lord, the Crucified.
- And forth to face a strange new year
- With trembling feet we go;
- But still His hand will gird us up
- To meet tomorrow’s foe.
- The past is gone; the future waits
- What will that future see?
- Perhaps before the year shall close
- We shall His glory see!
Truyền Giáo Tại Hà Nội
Sau khi đến Hà Nội, công việc đầu tiên của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon là tìm cách giới thiệu Chúa một cách rộng rãi hơn cho dân chúng địa phương. Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon kể lại rằng vào lúc đó tại Hà Nội có một nhà thờ; tín hữu là một nhóm nhỏ những người học thức, lịch thiệp, vững vàng trong niềm tin Cơ Đốc, ăn nói rất nhã nhặn, nhưng mỗi năm Hội Thánh chỉ có thêm vài người tin Chúa. Một trong những lý do khiến Hội Thánh không phát triển, dầu Hội Thánh vẫn trung tín truyền giảng tại nhà thờ, là vì ít có người chưa tin Chúa đến tham dự các chương trình truyền giảng tại nhà thờ; trong khi đó, có rất nhiều khu vực quanh thành phố Hà Nội không ai giới thiệu cho Chúa cho dân chúng tại những nơi đó.Lời Chúa trong Kinh Thánh nói rằng: “Hễ ai gieo ít thì gặt ít”; hiểu được nguyên tắc đó, và biết được thực trạng của Hội Thánh Hà Nội, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đề nghị Mục sư Lê Văn Thái nên mở thêm những chi nhánh tại những khu vực khác nhau trong thành phố Hà Nội để giảng Lời Chúa.
Trước đó, Hội Thánh Hà Nội đã có hai chi nhánh tại Gia Thượng và Gia Lâm. Mục sư Lê Văn Thái kể lại rằng vào mùa thu năm 1929, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon lo tài chánh để thuê một căn phố, mở một nhà giảng mới tại Route de Huế, gần nhà diêm, phía nam Hà Nội. Route de Huế là Phố Huế ngày nay.
Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon kể lại rằng nhà giảng tại Route de Huế nằm gần đối diện một ngôi chùa (Chùa Hưng Khánh, còn gọi là Chùa Vua), nơi có rất đông người đi qua lại. Thành phần người đến nghe giảng tại nhà nguyện Route de Huế khác hẳn với những người đến nghe giảng tại nhà thờ Ngõ Trạm. Họ là những người lao động, làm thuê, những người mua bán ngoài chợ, …, đa số ghé vào nhà giảng để có cơ hội ngồi nghỉ một chút sau một ngày làm việc mệt nhọc, trước khi họ về nhà tại những làng lân cận. Trong nhà giảng, họ cư xử thoải mái tự nhiên, khiến cô và Mục sư Thái, phải khéo léo khuyên họ đừng nói lớn tiếng, đừng nằm dài trên băng ghế, … để giữ sự trang nghiêm trong nhà nguyện, nhưng không nói quá làm họ tổn thương bỏ đi.
Mỗi tuần, ba hay bốn lần, Mục sư Lê Văn Thái và cô thay nhau giảng tại nhà giảng này. Vì đa số chưa bao giờ nghe về Tin Lành và không biết Đức Chúa Jesus là ai, nên cô và Mục sư Lê Văn Thái; gần như trong mỗi lần giảng đều phải giải thích về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus. Trong suốt năm đầu tiên chỉ có một người cầu nguyện tin Chúa, nhưng người đó về quê và không bao giờ trở lại. Sau đó, có thêm một người nữa tin Chúa nữa nhưng người này cũng đi luôn.
Kết quả của chương trình truyền giảng thử nghiệm trong năm đầu tiên không mấy khích lệ. Có ý kiến cho rằng cần xem lại có nên tiếp tục công việc truyền giảng này nữa hay không. Nhưng cô Homera Emilie Homer-Dixon suy nghĩ: phía bên chùa, vào mỗi dịp lễ, có rất đông người tham dự, không lẽ bên nhà thờ mình cuốn gói hay sao; do đó, cô quyết định mướn căn phố thêm sáu tháng nữa để làm nhà giảng.
Cô Homera Emilie Homer-Dixon kể tiếp: Và rồi, Chúa đáp lời cầu nguyện của những người đã cầu thay cho công việc Chúa tại Hà Nội. Tháng 4/1931, có một người thợ rèn tin Chúa. Người này về sau đã trở thành một tín hữu sốt sắng. Vào một buổi tối thứ Năm, Mục sư Lê Văn Thái giảng rất nhiệt thành. Sứ điệp trong bài giảng không có gì đặc biệt, nhưng cô cảm nhận có quyền năng của Đức Thánh Linh hiện diện, khiến thính giả chăm chú lắng nghe.
Sau buổi truyền giảng, có khá nhiều người ở lại tìm hiểu thêm về đạo Chúa – một chuyện chưa từng xảy ra. Cô, Mục sư Lê Văn Thái, và người thầy dạy tiếng Việt cho cô mừng rơi nước mắt. Đêm hôm đó có bốn người tiếp nhận Chúa. Ngày Chúa Nhật kế tiếp, đến phiên cô giảng. Mặt dù cô nói tiếng Việt chưa thông thạo, nhưng khi cô mời: có thêm bốn người nữa tiếp nhận Chúa. Và kể từ đó, mỗi đêm truyền giảng luôn có một hoặc vài người tin nhận Chúa.
Mục sư Lê Văn Thái kể lại rằng sau khi mở nhà giảng tại Route de Huế, phía nam Hà Nội, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon còn lo tài chánh để mở thêm một nhà giảng tại phố Hàng Than thuộc phía bắc; một nhà giảng tại Ô Cầu Giấy, phía tây; một phòng đọc sách cạnh bờ sông ở phía đông; một nhà giảng tại phố Khâm Thiên, khu ăn chơi phía tây nam Hà Nội; và một nhà giảng tại Hàng Bột cũng trong khu vực này. Đến năm 1934, tại Hà Nội có một nhà thờ, 8 nhà giảng và 2 phòng đọc sách Tin Lành. Trong đó, chi phí cho 6 nhà giảng và một phòng đọc sách được hổ trợ, phần lớn, từ tiền riêng của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon.
Tại mỗi địa điểm, hằng tuần có ít nhất hai buổi truyền giảng và một buổi cầu nguyện. Mỗi tuần Mục sư Lê Văn Thái và cô Homera Emilie Homer-Dixon phải thay nhau tổ chức 27 buổi nhóm. Đến năm 1934, cô Homera Emilie Homer-Dixon cho biết có 34 buổi nhóm hằng tuần như vậy.
Bởi ơn thương xót của Chúa, và qua sự trung tín của các tín hữu và các đầy tớ Chúa, từ những nhà giảng này, Tin Lành đã được truyền đến Gia Lâm, Ô Cầu Giấy, Ô Yên Phụ, Thái Hà, Ô Cầu Dền, và Hà Đông. Số người tin Chúa gia tăng, nhà thờ Hà Nội phải nới rộng hai lần để có đủ chỗ cho các tín hữu thờ phượng Chúa. Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã đóng góp rất nhiều cho chi phí nới rộng nhà thờ Tin Lành Hà Nội.
Biên Tập Viên Cho Thánh Kinh Báo
Một trong những lý do khiến nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon quyết định đến Hà Nội là vì cô muốn cộng tác với Mục sư và bà William Cadman trong việc truyền giáo qua văn phẩm. Sau khi đến Hà Nội vào năm 1916, Mục sư và bà William Cadman đã lo mở mang công việc Chúa tại Hà Nội và phiên dịch Kinh Thánh. Sau đó, với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội, Mục sư và bà William Cadman đã thành lập một nhà in để in Kinh Thánh và các văn phẩm Cơ Đốc trong chữ Quốc Ngữ, chữ Nho, chữ Nôm, chữ Lào và chữ Campuchia. Như đã nói ở trên, công việc phiên dịch, biên tập và xuất bản cần thêm người phụ giúp.Từ năm 1924, Hội Truyền Giáo tại Đông Dương đã dự định phát hành một tờ báo tiếng Việt theo mô hình tờ Thánh Kinh Báo mà Hội Truyền Giáo đang phát hành tại Quảng Châu. Dự tính này không thể thực hiện được, một phần vì cần được phép xuất bản của chính quyền Đông Dương, một phần vì cần người làm việc trọn thời gian cho công tác biên tập. Xuất bản một tờ báo vài chục trang, và phát hành hằng tháng, không phải chỉ là một khó khăn cho các mục sư với phương tiện kỹ thuật thời đó, nhưng cũng là một là một công việc đòi hỏi nhiều công sức cho nhiều mục sư ngày nay.
Năm 1930, sau khi nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đến Hà Nội, Mục sư William Cadman đã nhờ Mục sư Thomas Calas, mục sư của Hội Thánh Tin Lành Pháp tại Hà Nội, xin phép Toàn quyền Pierre Pasquier giấy phép xuất bản Thánh Kinh Báo. Yêu cầu đã được Toàn quyền Pierre Pasquier chấp thuận, và giấy phép được ban hành. Số báo đầu tiên chính thức ra mắt vào tháng Một năm 1931, nhưng đã được in và phát hành từ tháng 11 năm 1930.
Là một thành viên trong Ban Biên Tập, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã thực hiện một công việc tiên phong, mà cho đến lúc đó các báo Việt ngữ chưa làm, và các nhà lãnh đạo Hội Thánh Việt Nam cũng chưa quan tâm, đó là ra một trang báo đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi.
Với bút hiệu chị Hoa Hồng, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon công bố thành lập Hoa Tâm Hội, một câu lạc bộ dành cho thiếu nhi. Điều kiện trở thành hội viên rất đơn giản: các em phải dưới 16 tuổi, đã tin Chúa, và hứa nguyện cầu nguyện ít nhất mỗi ngày hai lần. Em nào muốn trở thành hội viên phải viết thơ về cho chị Hoa Hồng theo địa chỉ của tòa soạn. Tân hội viên sẽ được chị Hoa Hồng tặng một ảnh đẹp, có ghi tên riêng của em đó.
Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã dùng trang báo dành cho thiếu nhi giải thích nguồn gốc, ý nghĩa những loài hoa, rồi liên hệ những đặc điểm đó với những điều dạy dỗ trong Thánh Kinh, để hướng dẫn các em về niềm tin nơi Chúa. Trang báo cũng hướng dẫn cho các em những trò chơi lành mạnh để các em có thể cùng chơi với các bạn trong trường, trong xóm, và trong hội thánh.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, đa số các tờ báo đều in trắng đen; nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã thuyết phục Ban Biên Tập Thánh Kinh Báo in trang thiếu nhi bằng màu. Dù là kỹ thuật in màu đơn sơ vào lúc đó, nhưng cách làm này đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của Hội Thánh dành cho thiếu nhi.
Hoa Tâm Hội và Trang Nhi Đồng của Thánh Kinh Báo đã được các em thiếu nhi và thiếu niên trong Hội Thánh hoan nghênh và đón nhận. Dầu bưu điện và phương tiện giao thông vào đầu thập niên 1930 không nhanh như hiện nay, nhưng chỉ trong hai tuần đầu tiên, tòa soạn Thánh Kinh Báo đã nhận hơn 120 thư của các em xin làm hội viên; và chỉ trong ba tháng Hoa Tâm Hội có hơn 450 hội viên. Số hội viên Hoa Tâm Hội là 850 vào cuối năm 1931.
Bức thư đầu tiên của một hội viên Hoa Tâm Hội được đăng trên báo là của em Phan Xuân Thiện; bức thư hỏi về lai lịch của chị Hoa Hồng. Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, bằng sự khéo léo của một biên tập viên, đã trả lời chung chung và giải thích rằng Hoa Hồng là bút hiệu của một Hà Thành tín nữ.
Phan Xuân Thiện, là con trai của Mục sư Phan Đình Liệu, về sau được Tiến sĩ Tống Thượng Tiết đặt tay cầu nguyện. Một thời gian sau, Phan Xuân Thiện được Đức Thánh Linh thăm viếng, và đã được mời giảng cho một số Hội Thánh tại miền Trung và miền Nam ngay lúc còn trong tuổi thiếu niên. Năm 1941, Phan Xuân Thiện là đoàn trưởng của Hướng Đạo Tin Lành Tây Kết tại Huế.
Rất nhiều thiếu nhi và thiếu niên tham gia Hoa Tâm Hội vào lúc đó về sau đã trở thành những nhà lãnh đạo tại hội thánh địa phương cũng như lãnh đạo công việc Chúa chung.
Dạy Nhạc và Thánh Ca
Vào năm 1917 Mục sư và bà William Cadman đã cho in Thơ Thánh, là tập Thánh Ca đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ấn bản đầu tiên của Thơ Thánh có 100 bài thánh ca, nhưng chỉ in lời, không có nhạc, nên đa số các tín hữu Việt Nam hát bằng cách ngâm nga theo những vần điệu mà họ thích. Những lần tái bản, Thơ Thánh được bổ túc thêm vài bài thánh ca nữa.Đầu năm 1931, cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn, gồm 200 bài thánh ca có cả nhạc lẫn lời, được xuất bản. Nhiều tín hữu trong Hội Thánh Việt Nam lúc đó không biết nhạc tây phương. Nhằm giúp các bạn trẻ biết âm nhạc, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã dạy đàn cho các thanh thiếu niên tại Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. Đến giữa năm 1932, nữ giáo sĩ nói rằng tại Hội Thánh Hà Nội đã có 15 em có thể đàn được tất cả 200 bài thánh ca trong cuốn Thơ Thánh.
Nữ Giáo sĩ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã tổ chức các em đã học nhạc thành một ban nhạc thờ phượng cho Hội Thánh Hà Nội. Cô cũng hướng dẫn các em dùng năng khiếu của mình trình bày thánh ca trong các chương trình thánh nhạc hằng tuần tại các nhà giảng rải rác khắp nơi trong thành phố Hà Nội. Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon nói rằng các chương trình thánh nhạc thu hút rất nhiều người dân Hà Nội đến nghe Lời Chúa.
Nhằm giúp các tín hữu trong hội thánh ở xa không có cơ hội học nhạc trực tiếp, để có thể biết đờn và hát đúng thánh ca, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã biên soạn một sách dạy âm nhạc bằng tiếng Việt. Theo lời của nữ giáo sĩ, cuốn sách Dạy Cách Đánh Đàn giải thích tất cả các ký hiệu âm nhạc trong cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn; và người nào chú ý, sẽ có thể tự học được piano và đàn organ mà không cần thầy giáo. Cuốn sách dạy nhạc được phát hành vào năm 1933. Có lẽ đây là cuốn đầu tiên dạy đàn piano và organ được phát hành trong tiếng Việt.
Như đa số sách của Nhà Xuất Bản Tin Lành Hà Nội, sách dạy âm nhạc của nữ Giáo sĩ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon không chỉ bán trong Hội Thánh nhưng được bán rộng rãi bên ngoài Hội Thánh. Một số người đã học nhạc trực tiếp với Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, hay gián tiếp qua tài liệu của cô, về sau đã có những cống hiến cho âm nhạc của Hội Thánh và âm nhạc Việt Nam.
Hướng Dẫn Thế Hệ Tương Lai
Dạy nhạc chỉ là một phần trong những nỗ lực huấn luyện mà nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon thực hiện nhằm đào tạo thế hệ trẻ trong sự hầu việc Chúa.Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon rất quan tâm đến công việc truyền giảng cho thiếu nhi. Tại mỗi nhà giảng, cô thường đến sớm dạy Kinh Thánh cho các thiếu nhi bên ngoài Hội Thánh. Cứ ba tháng một lần, cô cho các em thi. Đề thi gồm 60 câu hỏi. Điều đáng mừng là rất nhiều em xuất thân từ những gia đình chưa tin Chúa trả lời đúng đến 95% những câu hỏi.
Là một thiếu nữ con nhà quý tộc, được giáo dục chu đáo từ nhỏ, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon hiểu rõ được tầm quan trọng của việc giáo dục cho thiếu nữ. Vào thập niên 1930, tại Việt Nam, cũng như tại nhiều quốc gia Á Châu, số phụ nữ có trình độ học vấn cao rất ít. Lý do chính, vì phụ nữ không có cơ hội giáo dục bình đẳng như phái nam; và vì họ không được trang bị những kiến thức và năng khiếu căn bản từ nhỏ.
Để giúp các thiếu nữ trong Hội Thánh có cơ hội vươn lên, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã phối hợp với nữ Giáo sĩ Grace Cadman, bà Mục sư Lê Văn Thái (cháu cố nội của Hoàng Đế Minh Mạng), mở những khóa huấn luyện đoản kỳ cho các thiếu nữ trong Hội Thánh Hà Nội. Các thiếu nữ được dạy may, vá, đan, nữ công, được học cầu nguyện, học Kinh Thánh. Những người chưa biết chữ, thì được học chữ Quốc Ngữ. Những người đã biết chữ được học thêm Lịch Sử Tân Ước, Cựu Ước Lược Khảo, Các Tiên Tri, ….
Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon cũng cho biết bà đã mang một số thiếu nữ về sống chung với bà và cô con gái trong bốn tháng để hướng dẫn họ cách quản trị trong gia đình và giúp họ học những kiến thức cần thiết. Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon nói rằng nếu Chúa cho phép, những thiếu nữ này sẽ tiếp tục theo học tại Trường Kinh Thánh để trở thành những người lãnh đạo; nếu không họ sẽ trở thành người vợ tốt cho những nhà lãnh đạo tại các hội thánh địa phương.
Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon cũng tổ chức những khóa huấn luyện như vậy cho các thanh niên. Sau khi được huấn luyện, bà hướng dẫn các thanh niên và thiếu nữ tham gia vào ban chứng đạo và giúp họ tập sự hầu việc Chúa.
Về sau, các chương trình huấn luyện của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon cho thanh thiếu niên tại Hà Nội đã được cải tiến thành chương trình Thánh Kinh Tiểu Học Đường, đã được tổ chức tại nhiều khu vực khác nhau khắp Việt Nam.
Soạn Sách Giải Nghĩa Kinh Thánh và Trường Chúa Nhật
Thánh Kinh Báo là tờ báo giải bày niềm tin Cơ Đốc đặt trên căn bản Thánh Kinh. Là một biên tập viên của Thánh Kinh Báo, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã khéo léo dùng ngòi bút của mình viết bài dưới nhiều hình thức khác nhau để giúp độc giả hiểu rõ hơn về niềm tin trong Chúa.Ngoài trách nhiệm đặc trách trang thiếu nhi như đã nói trên, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã viết và dịch nhiều bài trên Thánh Kinh Báo, nhưng không để tên. Bà cũng biên soạn một số sách trình bày niềm tin Cơ Đốc và sách giải nghĩa Kinh Thánh. Một số tác phẩm của bà được nhiều mục sư và tín hữu thuộc thế hệ đầu tiên biết đến như Thánh Kinh Sử Lược, Lược Giải Rô-ma, và Cành Nho Liền Gốc.
Ngày nay, ít có nhà thờ Tin Lành nào tại Việt Nam không tổ chức chương trình Trường Chúa Nhật; tuy nhiên, vào đầu thập niên 1930, Trường Chúa Nhật vẫn là một khái niệm mới mẻ với Hội Thánh Việt Nam. Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tổ chức và hướng dẫn Trường Chúa Nhật, Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã cộng tác với các nữ giáo sĩ khác như các bà E. F. Irwin, P. E. Carlson, W. A. Pruett, H. H. Hazlett, H. C. Smith,…, biên soạn tài liệu học Trường Chúa Nhật cho Hội Thánh Việt Nam. Các giáo sĩ thay nhau nhận trách nhiệm soạn bài, mỗi người soạn vài tháng hoặc trọn một năm. Bài học Trường Chúa Nhật cho mỗi tháng được in và phát hành trên Thánh Kinh Báo từ số báo đầu tiên vào tháng 1 năm 1931. Qua Thánh Kinh Báo, chương trình Trường Chúa Nhật được khởi đầu và tổ chức tại một số Hội Thánh Việt Nam.
Thực tế nhiều nơi trên thế giới cho thấy, Hội Thánh nào có chương trình Trường Chúa Nhật mạnh, Hội Thánh đó phát triển. Tháng 7 năm 1937, Hội Đồng Truyền Giáo tại Đà Lạt kêu gọi các Hội Thánh Việt Nam đẩy mạnh chương trình học Trường Chúa Nhật cho tất cả các chi hội. Sau lời kêu gọi đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon được trao trách nhiệm biên soạn bài học Trường Chúa Nhật cho Hội Thánh Việt Nam. Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã đảm nhận trách nhiệm này từ tháng 10/1937 cho đến tháng 12/1939. Bà tạm ngưng viết vào cuối năm 1939 vì lúc đó bà phải trở về nghỉ phép tại Canada.
Bên cạnh việc soạn bài học Trường Chúa Nhật dành cho người lớn, được đăng trên Thánh Kinh Báo hằng tháng, bắt đầu từ tháng 1 năm 1938, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã soạn thêm một tài liệu học Trường Chúa Nhật dành riêng cho thiếu nhi. Tài liệu này được Nhà In Tin Lành Hà Nội in thành tờ tuần báo chỉ có bốn trang, và được tặng cho các lớp Trường Chúa Nhật để hướng dẫn các em từ 6 đến 16 tuổi.
Theo báo cáo của Hội Truyền Giáo, đến tháng 5 năm 1938, đã có 71 Hội Thánh tại Việt Nam tổ chức chương trình Trường Chúa Nhật hằng tuần. Kết quả của những người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa qua Trường Chúa Nhật được kiểm nhận vào những năm sau đó.
Truyền Giáo Cho Người Mèo (Hmong)
Bên cạnh việc truyền giáo cho người Việt, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon rất quan tâm đến công tác truyền giáo cho các dân tộc thiểu số. Khi đến Đà Lạt, bà gặp rất nhiều người sắc tộc tại cao nguyên miền Trung. Khi ra ngoài Bắc, bà có dịp tiếp xúc với các giáo sĩ và mục sư đang lo việc truyền giáo cho người Thái, người Mường, và người Thổ. Lúc đó, bà mới biết rằng có rất nhiều người thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đang sống tại Đông Dương.Đức Chúa Trời đã cảm động nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon về trách nhiệm truyền giáo cho các dân tộc thiểu số tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Để giúp chính mình và cũng giúp cho các giáo sĩ thực hiện công tác truyền giáo được kết quả hơn, bà bắt đầu nghiên cứu và biên soạn một tài liệu về các dân tộc thiểu số tại Đông Dương. Tài liệu này được in và giới thiệu cho các mục sư và giáo sĩ, với ước mong Chúa kêu gọi một số người để lo việc truyền giáo cho các dân tộc này.
Về phần mình, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã đến Chapa, học tiếng dân tộc Mèo (Hmong). Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đặt ra chữ viết cho một chi tộc của người Hmong. Bà soạn một số sách giải thích niềm tin nơi Chúa và giảng cho họ. Chúa ban phước cho công việc truyền giáo được kết quả, một sống người Hmong đã tin Chúa.
Khi nghiên cứu về nguồn gốc chữ viết của người Hmong, William A. Smalley và các tác giả của sách Mother of Writting – The Origin and Development of the Hmong Messianic Script, do University of Chicago Press xuất bản, đã ghi nhận nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon là người đã đặt chữ viết cho chi tộc Leng của người Hmong.
Trong một bức thư gởi cho Hội Truyền Giáo, viết ngày 29/12/1941, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon cho biết vì chiến tranh diễn ra, bà bị cấm không được đến Laokay và Chapa (Sa-pa ngày nay) để giúp các tín hữu người Hmong nữa. Bà kêu gọi các tín hữu tại Hoa Kỳ cầu nguyện cho công việc Chúa giữa người Hmong, cho công việc Chúa tại Hà Nội, và cho các giáo sĩ tại Đông Dương.
Trong vài thập kỷ gần đây, số tín hữu người Hmong tại miền Bắc Việt Nam lên đến hằng trăm ngàn người. Một phần kết quả đó đã được nẩy sinh từ những hạt giống Tin Lành mà nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã gieo từ 80 năm trước.
Thành Lập Thánh Kinh Tiểu Học Đường
Năm 1942, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon rời Hà Nội vào Đà Nẵng, giúp dạy cho Trường Kinh Thánh. Bà cộng tác với nữ Giáo sĩ E. F. Irwin thành lập Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Đà Nẵng.Lúc đó Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra; Nhật đánh nhau với Trung Hoa. Lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh lan rộng, Nhà In Tin Lành khi đó đã di chuyển từ Hà Nội vào Đà Lạt; và do đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã về Đà Lạt sống một thời gian. Tuy nhiên, một lần nữa, bà không ở Đà Lạt lâu. Hội Truyền Giáo đã trao cho nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon trách nhiệm mở mang Thánh Kinh Tiểu Học Đường cho các Hội Thánh Việt Nam.
Mục đích của chương trình Thánh Kinh Tiểu Học Đường là giúp các bạn trẻ có cơ hội học biết sâu nhiệm hơn về những kiến thức trong Kinh Thánh để họ có thể đứng vững vàng trong đức tin, trở thành những người góp phần gây dựng Hội Thánh địa phương. Nếu Chúa kêu gọi, những bạn trẻ này sẽ bước vào Trường Kinh Thánh để trở thành người hầu việc Chúa cho tương lai. Thánh Kinh Tiểu Học Đường cũng là nơi các bạn trẻ từ nhiều Hội Thánh có dịp gặp gỡ, làm quen và gây dựng tình bạn trong Chúa.
Với trách nhiệm này, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã đến Cần Thơ thành lập Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại đây. Sau đó, bà về Sài Gòn, cùng với nữ Giáo sĩ D. I. Jeffrey thành lập Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Sài Gòn. Mãn khóa học tại Sài Gòn, bà đến Hội Thánh Thành Lợi (Cần Thơ) để khai giảng Thánh Kinh Tiểu Học Đường, tổ chức tại nhà ông Huyện Diệp.
Về Với Chúa
Rời Thạnh Lợi, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đến Ô Môn giảng bồi linh. Tại Ô Môn, bệnh sỏi thận của bà bộc phát. Bà được đưa trở về Cần Thơ, nhưng tại đây không có phương tiện chữa trị, nên bà được thuyên chuyển về Bệnh Viện Grall tại Sài Gòn.Trong những ngày cuối cùng trước khi về với Chúa, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon vẫn hết lòng lo công việc Chúa. Trong cuốn hồi ký Amazing Grace, nữ Giáo sĩ D. I. Jeffrey đã kể lại hai câu chuyện về tinh thần hầu việc Chúa của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon mà bà không thể nào quên trong thời gian ngắn ngủi hai người đã cùng làm việc với nhau.
Lúc hai bà dạy Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Cần Thơ, có người chuyển cho nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon một mảnh giấy của một tín hữu người Hmong từ ngoài Bắc gởi vào. Mảnh giấy ghi những dòng chữ: “Mẹ ơi! Khi nào mẹ trở lại? Chúng con tản lạc trên núi như chiên không có người chăn; không ai dạy chúng con, không ai yêu thương chúng con. Mẹ về mau, phải không mẹ?” Nhận được mảnh giấy đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon đã khóc. Trong suốt mấy giờ đồng hồ sau đó, bà quỳ gối cầu nguyện. Bà ước mong chiến tranh mau kết thúc để bà có thể trở lại hầu việc Chúa tại miền Bắc và giúp đỡ các tín hữu người Hmong.
Sau đó, nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon về dạy Thánh Kinh Tiểu Học Đường tại Sài Gòn. Lúc đó, Nhật đã chiếm Sài Gòn nên lính Nhật thường xuyên ghé vào nhà thờ để dò xét. Những người lính Nhật không biết tiếng Anh, còn các giáo sĩ không biết tiếng Nhật; nhưng nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon biết viết một số chữ Hán. Bà đã viết những chữ Hán, và tìm cách giải thích và giới thiệu Chúa cho những người lính Nhật.
Vài tuần sau, khi biết nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon bị đau, đang nằm điều trị tại bệnh viện Grall tại Sài Gòn, những người lính Nhật này đã đến thăm. Các bác sĩ Pháp và nhân viên bệnh viện không cho họ vào; nhưng họ cương quyết và nói rằng họ muốn đến thăm nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, người bạn Canada của họ, vì bà rất tử tế với họ.
Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon yêu cầu nhân viên bệnh viện cho họ vào. Những người lính Nhật đem tặng bà đồ hộp, là những thực phẩm khan hiếm trong thời chiến, hy vọng giúp bà có thể bồi dưỡng và mau phục sức. Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon lúc đó không còn nói được, bà chỉ tay lên trời, như nói với họ rằng, bà mong ước gặp họ trên thiên đàng.
Nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon về với Chúa vào ngày 6/12/1942 tại Sài Gòn. Bà là vị giáo sĩ đầu tiên của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp hy sinh tại Việt Nam. Lễ tưởng niệm nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon được cử hành vào ngày 13/12/1942. Thi hài bà được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn.
Năm 1984, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Lúc đó, các Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Nguyễn Hữu Cương, Lê Thiện Dũng vừa bị bắt, các nhà thờ Trần Cao Vân và An Đông bị tịch thu; trước hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng Mục sư Ông Văn Huyên và Mục sư Đoàn Văn Miêng đã trực tiếp đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để cải táng những giáo sĩ đã hy sinh tại Việt Nam. Các đầy tớ Chúa tìm được phần mộ của Giáo sĩ John D. Olsen, của nữ Giáo sĩ Grace Cadman, của em David Jeffrey, con trai Giáo sĩ D. I. Jeffrey, và cải táng hài cốt họ tại nghĩa trang Tin Lành tại Lái Thiêu. Tuy nhiên, phần mộ của nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon không được tìm thấy.
Trong tang lễ của Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon, Mục sư Lê Văn Thái, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, và cũng là người đã cùng làm việc nhiều năm với nữ Giáo sĩ Homera Emilie Homer-Dixon tại Hà Nội, đã ghi lại những dòng sau:
“Bà Homera Homer-Dixon đã đi, để lại trong chúng tôi một tình yêu thương đậm đà, thanh khiết; một gương sáng về đức khiêm nhường và kiên nhẫn làm việc; một tinh thần năng động êm dịu của Đấng Christ. Tôi mong tinh thần của Đấng Christ trong bà Homer-Dixon còn lại và cứ lưu ra mãi mãi trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.”
Trích Dẫn Từ Tài Liệu
- Lịch Sử Tin Lành Việt Nam (1928-1942).
- Tiểu sử: Nữ Giáo Sĩ Homera Homer-Dixon Phước Nguyên - Thư Viện Tin Lành (05/2104)