Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

LINH CỦA ÂN ĐIỂN VÀ SỰ NÀI XIN


Xachari 12:10 chép lời hứa của Đức Giê-Hô-Va cho dân sót của tuyển dân vì tính chất vĩnh cửu của chân lý, câu này vẫn áp dụng cho cơ đốc nhân hôm nay. Nhà tiên tri phát ngôn dùm Chúa: “Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đavít và trên dân cư Giêrusalem”. Câu này cần sửa chữa cho đúng là: “Ta sẽ đổ Linh của ân điển và của sự nài xin…”. Linh của ân điển nằm về mặt khách quan của chúng ta. Linh Chúa sẽ trang bị, cung cấp, đổ đầy, ngự trị, nội trú chúng ta. Còn Linh của sự nài xin nằm về mặt chủ quan, vận hành, phát lộ, phát sinh các bông trái thuộc linh hướng trở lại Chúa.

Linh của ân điển là danh hiệu đặc biệt của Chúa Jésus chỉ xuất hiện lần độc nhất trong thơ Hêbơrơ. Bất hạnh là bản Việt ngữ dịch sai là Linh ban ơn. Đúng ra là Linh của ân điển.
Tác giả Hêbơrơ chép: “Kẽ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước đã thánh hóa mình là phàm tục, lại khinh miệt Linh của ân điển, thì anh em tưởng rằng kẻ ấy há chẳng đáng bị hình phạt càng khốn hơn sao?” (10:29). Linh của ân điển đã làm gì cho cơ đốc nhân mà khi không kết quả họ đã khinh miệt Ngài đến thể ấy?
Có ba câu Kinh Thánh khải thị rằng sau khi tin Chúa, ân điển của Chúa Jêsus Christ ở với linh chúng ta là Gal 6:18, Philíp 4:22, Philm 25. Ân điển của Đức Chúa Trời là Christ, ân điển của Chúa Jêsus Christ là Linh của ân điển, Ngài là hình thức khác của Jésus nhục hóa. Nói cách khác, ân điển của Ngài chính là Chúa Jésus. Phao lô nói cùng Timôthê “Nguyện Chúa ở cùng linh của con” (II Ti 4:22). Thơ Hêbơrơ nói thêm bước nữa về công tác của Linh ân điển trong chúng ta, đó là địa hạt của tấm lòng “lòng nhờ ân điển được vững lập mới là tốt” (13:9). Ân điển Chúa Jêsus Christ từ trong linh sẽ dần dần dẫy đầy và vững lập trong lòng chúng ta. Đó là tấm lòng cơ đốc nhân trưởng thành như kinh nghiệm của chấp sự Êtiên. Kinh Thánh chép: “Êtiên đầy ân điển và quyền năng”. Trong ngôn từ của các cơ đốc nhân vinh hóa như vậy luôn luôn có ân điển tràn ra, “là lời lành có thể gây dựng để giúp ân điển cho kẻ nghe (Êph 4:29). Đầy dẫy trong lòng miệng mới nói ra, cho nên  môi miệng thối tha, rủa sả không minh chứng cho tấm lòng đã vững lập do ân điển Chúa được. Lời nói kẻ nào do ân hậu (ân điển) theo luôn luôn đều nói lên công tác của Linh ân điển đã chín muồi trong kẻ đó.
Bước thứ hai trong lời tiên tri là Linh của sự nài xin. Có hai câu Kinh Thánh bày tỏ Linh này. La 8:16 “anh em… đã nhận lãnh linh của quyền làm con cái và nhơn đó chúng ta kêu. A ba, Cha”. Và Gal 4:6 “Lại vì anh em đã là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A ba, Cha”.
Cầu nguyện theo Linh nài xin là gì? Là tiếng kêu của linh chúng ta cũng như là tiếng kêu của Linh Con Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta đến Đức Chúa Trời là Cha. Cho nên Linh của sự nài xin là sự hỗn hợp, phối hợp thần tánh và nhân tánh trong chúng ta, là sự hoạt động chủ quan của Linh Con Đức Chúa Trời – Phao lô giảng giải thêm ở Lamã 8 như sau: “cũng một lẽ ấy, Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta chẳng biết thể nào cầu nguyện cho xứng đáng, nhưng chính Linh ấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng dạ hiểu biết chí hướng của Linh, vì Ngài theo Đức Chúa Trời mà cầu thay cho các thánh đồ… Christ Jésus là Đấng đã chết, sống lại, hiện nay ở bên hữu Đức Chúa Trời, cũng đương cầu thay cho chúng ta” 8:26-27, 34. Chúa Jésus cầu thay cho chúng ta bên hữu Đức Chúa Trời, còn Linh của Con Đức Chúa Trời là Linh của sự nài xin cầu thay trong lòng chúng ta. Đấng dò xét lòng dạ chúng ta hiểu biết chí hướng của Linh là Chúa Jésus, Ngài theo sự ghi nhận, đánh giá, rên rỉ của Linh nội trú trong chúng ta mà cầu thay bên hữu Đức Chúa Trời. Như vậy chúng ta có hai Đấng cầu thay, hay đúng ra hai mặt công tác của Linh của sự nài xin.
Lắm cơ đốc nhân không đủ khả năng vất vả, chiến đấu cầu nguyện cho chính nghĩa của Đức Chúa Trời, có sinh hoạt cầu nguyện hời hợt, nông cạn là vì Linh của sự nài xin chưa vận hành công tác hai mặt cách đầy đủ trong họ. Tại sao lắm cơ đốc nhân lười cầu nguyện để Chúa trách rằng: “Đến bây giờ các ngươi chưa từng nhơn danh ta mà xin điều gì hết, hãy xin thì sẽ được”. Nếu so sánh câu 5 và 7 của Giăng 15, anh em sẽ hiểu lý do cơ đốc nhân lười biếng cầu nguyện cầu xin, sinh hoạt cầu xin là bông trái tự phát của sự sống nội trú hỗ tương giữa Chúa và chúng ta, cây nho và nhánh, mà mực lượng nhựa sống đó do các rhéma, các lời bề trong của Chúa vận hành trong chúng ta. Anh em không cầu nguyện được, lười nài xin việc lớn và khó, tất cả đều minh chứng rằng anh em xa Chúa và lời Ngài không đầy trong anh em vậy. Lời hằng sống của Đấng Christ trong anh em là động lực, là nhiên liệu, là bảng chỉ dẫn chúng ta thâu đêm cầu nguyện, nài xin, khẩn đảo.
Minh chứng thứ hai về tình trạng thiếu hụt từng trải Linh của sự nài xin giữa dân Chúa khi tiên tri Êsai nói rõ rằng: “Đức Giêhôva thấy không có sự công bình thì chẳng đẹp lòng, thấy không có người, chẳng ai cầu thay, thì lấy làm lạ lùng” (59:15-16). Ngày nay chúng ta ít có các chiến sĩ cầu nguyện biết “chiến đấu trong sự cầu nguyện” như một đầy tớ của Christ Jésus là Épaphơra (Côl 4:12). Dân chúng không kinh nghiệm sự vật lộn cầu nguyện như Giacốp, và tại đó họ phải biện luận cùng Đức Chúa Trời, trình các lý lẽ mạnh cùng Vua của Giacốp (Êsai 43:26), và cũng tại đó họ phải nhơn danh Đức Chúa Trời của sự bình an chà đạp các nan đề, các trở ngại, tranh đấu cùng các cấp bậc chủ quyền của chốn không trung. Dân Chúa không thể cầu thay vì không có gánh nặng, và tình trạng thiếu gánh nặng nói lên linh họ bạc nhược, mất tưng ứng với Linh của ân điển và Linh của sự nài xin.
Cầu thay thấp thỏi là cầu nguyện cho những người chúng ta có thiện cảm, chớ không cầu nguyện theo gánh nặng. Chúng ta đồng nhất hóa với các mối lưu tâm của Đức Chúa Trời về các thánh, các dân tộc và cậy Linh của sự nài xin cầu thay cho họ. Các tôi tớ Đức Chúa Trời như Môise, Đaniên, Nêhêmi, Phao lô mang gánh nặng cầu thay cho đến khi các tư tưởng, kế hoạch, các hứa ngữ của Ngài thành toàn trên dân tộc. Chúa trông chờ thấy được nhiều người cầu thay như vậy hôm nay.
Điểm cuối cùng là tại sao Giacơ bảo có sự cầu xin bậy, chúng theo tư dục riêng. Sự cầu nguyện đó không được Chúa đáp lời (Gia 4:3). Người tín đồ cầu xin bậy minh chứng họ do linh nào khác cảm hóa cầu xin chớ không do Linh của sự cầu xin thúc giục. Chúa Jésus phán: “Các người không biết mình do linh cảm nào” (Luca 9:55). Có thể linh háo danh thúc đẩy tín đồ cầu nguyện hoặc từ linh thù hận, linh buồn phiền ngã lòng, xin chết như Êli, hoặc linh tính toán ích kỷ như Giacốp, mặc cả dâng một phần mười cho Đức Chúa Trời và xin đủ ăn, đủ mặc. Nếu các loại linh tiêu cực đó thúc đẩy anh em cầu xin điều gì, anh em phải cám ơn Chúa vì Ngài không đáp lời. Tôi rất sợ nếu Đức Chúa Trời nhân từ khoan dung đáp lời cầu xin bậy của chúng ta, như trường hợp Ngài đáp lời Ápraham cho Ichmaên tồn tại, và ban đồ ăn thịt cút cho dân Ysơraên cầu xin theo linh ham mê ăn uống.
Tóm lại sinh hoạt cầu nguyện cầu thay của các thánh đồ càng sâu nhiệm và kiến hiệu càng minh chứng họ đã kinh qua công tác của Linh ân điển đầy đủ. Biết bao công nhân cơ đốc nghĩ mình giàu có, giày đạp Con Đức Chúa Trời, khinh lờn Linh của ân điển, nên thay vì thấy họ “giơ tay thánh sạch lên mà cầu nguyện khắp mọi nơi”, chúng ta thấy họ thường giận hờn và cãi cọ. Chúng tôi đã từng hiệp nguyện với các anh em tín đồ, khi cầu nguyện chúng tôi đụng chạm linh của họ, nhưng cầu nguyện vừa xong họ liền sử dụng tâm trí mình cãi cọ tiếp. Điều đó minh chứng Linh của ân điển và Linh của sự nài xin thiếu vắng giữa vòng dân thánh . Thật đáng tiếc.