Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Các vầng sáng của ngày thứ tư

ngayba0



(Phần 5 của loạt bài "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời"

(Sáng Thế Ký 1:14-19)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy phán. Xin ban cho chúng con Linh của sự khôn ngoan và khải thị. Chúng con không chỉ muốn nghe, mà chúng con cần sự khải thị của Chúa. Xin Chúa cho chúng con thấy thật rõ.



Chúa thật tuyệt và Ngài có một công trình tuyệt vời trong Sáng Thế Ký 1. Chỉ hiểu thôi thì không đủ, chúng ta phải kinh nghiệm được hiện thực ở trong đó. Sự sống có liên quan thật nhiều đến sự trải nghiệm. Và Chúa rất muốn mang chúng ta đến sự trải nghiệm này. Ngợi khen Chúa! Tôi cũng được khích lệ là Chúa đang tiến lên. Chúa đã làm được trong Sáng Thế Ký 1 và Chúa cũng sẽ làm được với chúng ta. Những lời ở trong chương này thật là giàu có, chúng ta phải có ấn tượng nhiều về nó. Sau hội nghị, tôi không muốn trở về với một cái đầu “to” như hiểu câu này câu kia có nghĩa gì, mà tôi muốn kinh nghiệm được. Tôi muốn có sự sống và Chúa muốn ban sự sống cho chúng ta.

A. Đấng Christ là mặt trời, là vầng sáng lớn nhất

(Ma-thi-ơ 4:16, Thi Thiên 36:9; Ma-la-chi 4:2, Phi-líp 3:8-10, 12, Rô-ma 8:29)

Trong ngày thứ tư, Chúa cũng tiếp tục phân rẽ. Sự phân rẽ rất quan trọng vì nó là nền tảng cho sự sống. Qua đó, tôi được khích lệ để thực hiện sự phân rẽ trong tôi. Sự phân rẽ diễn ra trong chúng ta. Những gì diễn ra vào ngày thứ tư rất thực tiễn. Vào ngày đầu tiên, Đức Chúa Trời đã tạo ra ánh sáng. Bây giờ Ngài cũng tạo ra ánh sáng. Ngài không chỉ tạo ra ánh sáng mà tạo ra các vầng sáng: mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Chúng không chỉ là ánh sáng mà là các vầng sáng: chúng tỏa sáng và là nguồn của ánh sáng. Ngợi khen Chúa! Và Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng những vầng sáng được dành cho sự trải nghiệm của chúng ta. Chúng ta cần phải kinh nghiệm được mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

Chúng ta hãy đọc trong Ma-thi-ơ 4:16 “Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên”. Mặt trời là ánh sáng lớn này và mặt trời chính là Đấng Christ. Khi Chúa đến trên trái đất, thì Chúa như mặt trời mọc lên. Trước đó chỉ có bóng tối. Khi Chúa ở trên trái đất, Ngài là ánh sáng của nhân loại. Giăng 9:5 cũng nói rõ điều “Đang khi Ta còn ở thế gian, Ta là ánh sáng của thế giới”. Khi Chúa sống trên đất, Ngài là mặt trời, còn trái đất thì ở ban ngày. Mọi sự có thể nhìn thấy thật rõ vì Chúa đã ban ánh sáng. Ngợi khen Chúa! Chúng ta phải biết quý rằng Chúa là mặt trời của chúng ta. Chúng ta cần ánh sáng của mặt trời để chúng ta thấy được và chúng ta cần trải nghiệm ánh sáng của mặt trời. Chúng ta cần Đấng Christ. Trong Khải Huyền 1, chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt vời: Đấng Christ đi giữa các chân đèn, nghĩa là Ngài đang đi bước đi trong các Hội Thánh. Câu 16 mô tả Chúa: “mặt Ngài như mặt trời chiếu sáng cực độ”. Chúa tỏa sáng như mặt trời chiếu sáng cực độ. Chúng ta cần ánh sáng này.

Đấng Christ không chỉ đến để chúng ta được sinh lại, được cứu khỏi tội lỗi, mà việc Đấng Christ đến còn nhiều ý nghĩa hơn nữa. Mặc dù đã được cứu rỗi, nhưng Phao-lô muốn có được Đấng Christ (Phi-líp 3). Ngợi khen Chúa vì Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng ngày nay Chúa muốn chúng ta có được Ngài nhiều hơn. Hơn nữa, Phao-lô còn xem mọi sự là rác rưởi để có được mặt trời này (Đấng Christ). Chúng ta có như thế không? Chúng ta cần phải khao khát có được Đấng Christ nhiều hơn trong mọi hoàn cảnh. Tôi thường cầu nguyện trong trường đại học, cho dù việc gì xảy ra, tôi muốn có được Đấng Christ. Vâng, tôi muốn nhiều hơn nữa từ mặt trời này. Trong Ê-phê-sô 3:8, Phao-lô nói đến “sự giàu có không dò thấu được của Đấng Christ”. Chúng ta cần phải lĩnh hội Ngài nhiều hơn nữa. Sự cứu rỗi không có nghĩa là một lúc nào đó chúng ta ở trên trời đời đời với Chúa, mà có nghĩa là Chúa đã ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta có sự sống của Đấng Christ ở trong chúng ta. Phao-lô nói Ngài là niềm hy vọng của sự vinh hiển (Cô-lô-se 1:27). Chúa muốn làm cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Ngài. Chúng ta chiêm ngưỡng Ngài và được biến đổi theo đó. Chúng ta cần được biển đổi theo hình ảnh của Chúa nhiều hơn vì Đấng Christ muốn được biểu lộ ra, Ngài muốn được người ta nhìn thấy. Ngợi khen Chúa về mặt trời tỏa sáng này.

B. Hội Thánh, mặt trăng, là vầng sáng nhỏ hơn

(Ê-phê-sô 5:32)

1. ĐỂ CAI QUẢN BAN ĐÊM

(1.Giăng 5:19)
Đức Chúa Trời không chỉ nói đến mặt trời mà Ngài còn nói đến mặt trăng. Tối nay, tôi phải nói rõ cho anh em biết rằng, đối với chúng ta thì mặt trăng còn quan trọng hơn mặt trời nữa. Bởi vì ngày nay cả trái đất đang là ban đêm. Trong buổi nhóm đầu tiên, chúng ta đã nghe rằng cả thế giới đang chìm trong bóng tối. Thậm chí, sứ đồ Giăng còn nói cả thế giới đang nằm trong tay Ma quỷ. Đơn giản là cả thế gian đang là ban đêm. Vậy lúc ban đêm thì cái gì cần được thấy? Mặt trăng! Mặt trăng tỏa sáng, chứ không phải mặt trời. Chúng ta cần ý thức được điều này. Lúc ban đêm thì mặt trời không tỏa sáng mà mặt trăng tỏa sáng. Chúng ta cần sự khải thị của Chúa để thấy rằng mặt trăng là hình ảnh của Hội Thánh. Toàn bộ Kinh Thánh nói về “Đấng Christ và Hội Thánh”. Khi đọc chúng ta có chú ý như vậy không? Hãy đọc sách Ê-phê-sô, Phao-lô nói thật nhiều về Đấng Christ và Hội Thánh. Đối với nhiều Cơ Đốc nhân thì Đấng Christ rất quan trọng. Dĩ nhiên Đấng Christ rất quan trọng. Nhưng đối với Đấng Christ, Hội Thánh là quan trọng. Đối với chúng ta thì Hội Thánh cũng phải quan trọng như vậy. Chúng ta phải thấy được rằng Hội Thánh rất quan trọng đối với Chúa và Ngài rất quý Hội Thánh. Không những thế mà Ngài còn yêu Hội Thánh nữa. Thế anh em có yêu Hội Thánh không? Khi hỏi rằng “có yêu Đấng Christ không?”, tất cả Cơ Đốc nhân đều trả lời là “có”. Ngợi khen Chúa! Chúng ta yêu Đấng Christ, nhưng chúng ta cũng yêu Hội Thánh. Chúng ta thường hay nói “tôi yêu Chúa”, nhưng chúng ta nói “tôi yêu Hội Thánh” thường xuyên như thế nào? Chúng ta quý Hội Thánh nhiều như thế nào? Chúng ta hãy đọc Ê-phê-sô 5:25 “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, đã hy sinh chính mình vì Hội Thánh”. Amen! Đấng Christ yêu Hội Thánh và đã hy sinh vì Hội Thánh. Tất cả chúng ta biết rằng Chúa đã hy sinh vì chúng ta, nhưng ở đây nói rằng Ngài đã hy sinh vì Hội Thánh. Chúng ta cần xin Chúa bày tỏ cho chúng ta thấy rằng Ngài yêu Hội Thánh nhiều như thế nào.

Thật ra, xây dựng Hội Thánh là kế hoạch của Đức Chúa Trời ngay từ ban đầu. Tất cả những gì Ngài đã làm trong Sáng Thế Ký 1 đều nhằm mục đích này. Ngài không chỉ muốn mang lại sự sống, mà Ngài muốn có “Đấng Christ và Hội Thánh”. Sự sống chỉ nhằm phục vụ cho mục đích này vì chỉ có sự sống mới xây dựng được Hội Thánh. Ngài không tạo dựng một cách ngẫu nhiên mà Ngài là Đức Chúa Trời của kế hoạch. Đức Chúa Trời có một chương trình, đó là “Đấng Christ và Hội Thánh”. Nhiều người chỉ nói đến Đấng Christ. Nhưng trong lòng của Đức Chúa Trời thì có Hội Thánh. Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa hỏi các môn đồ rằng họ nghĩ Ngài là ai. Phi-e-rơ trả lời rất rõ “thầy là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống”. Nhưng cuộc nói chuyện không dừng lại ở đây mà Chúa nói tiếp, Chúa muốn chỉ cho chúng ta thấy một điều xa hơn nữa: “Ta muốn xây dựng Hội Thánh của Ta” (câu 18). Ngợi khen Chúa! Chúng ta có thể thấy hình ảnh này thật rõ ở ngày thứ tư. Đức Chúa Trời không chỉ tạo ra mặt trời mà Ngài còn tạo ra mặt trăng. Ngày nay đang là ban đêm, nên chúng ta cần mặt trăng. Mặt trời cai trị ban ngày, nhưng mặt trăng cai trị ban đêm (Sáng Thế Ký 1:16-18). Chúng ta đã nhận được nhiệm vụ mà Đấng Christ đã có vào ban ngày (lúc Ngài sống trên thế giới).

2. MẶT TRĂNG KHÔNG CÓ ÁNH SÁNG RIÊNG, MÀ CHIÊM NGƯỠNG ĐẤNG CHRIST VÀ PHẢN CHIẾU NGÀI

(2.Cô-rinh-tô 3:18; Giăng 14:19)
Trong Giăng 14:19, Chúa nói khi Ngài đi thì thế gian sẽ không thấy Ngài nữa, nhưng các môn đồ sẽ thấy Ngài. Những người duy nhất còn có thể thấy Chúa được là các tín đồ. Mặt trăng nhìn thấy mặt trời và mặt trăng không có ánh sáng riêng, nhưng mặt trăng tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời. 2.Cô-rinh-tô 3:18 nói rằng “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà ngắm nhìn vinh hiển Chúa và phải chiếu như qua tấm gương”. Đúng vậy, chúng ta, mặt trăng, ngắm nhìn sự vinh hiển của Chúa và phản chiếu nó. Ai cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của mặt trăng được. Chúa muốn Ngài được bày tỏ qua Hội Thánh. Hội Thánh phải biểu lộ Đấng Christ. Thế gian không thấy Chúa, nhưng thế gian phải thấy được Hội Thánh. Chúng ta thực sự cần Hội Thánh. Chúng ta có ý thức được điều này không?

3. CHÂN ĐÈN VÀNG Ở MỖI ĐỊA PHƯƠNG

(Khải Huyền 2-3, Giăng 9:5, Giăng 17:21)
Vì chỉ có một mặt trăng, nên chỉ có một Hội Thánh. Đối với nhiều Cơ Đốc nhân thì điều này không rõ. Có rất nhiều nhóm và hệ phái, có nhiều “Hội Thánh”. Ai cũng có sự dạy dỗ riêng và sở thích riêng của mình như “tôi đi đến Hội Thánh A vì tôi thích sự dạy dỗ ở đó, còn bạn thì đi đến Hội Thánh B”. Nhưng chỉ có một mặt trăng. Nếu anh em Stuttgart nhìn lên mặt trăng thì có ai hỏi anh em đang nhìn mặt trăng nào không? Vậy mà người ta thường hỏi tôi rằng tôi đi Hội Thánh nào vậy. Chỉ có một mặt trăng và cũng chỉ có một Hội Thánh. Chúng ta phải rõ điều này. Đức Chúa Trời chỉ tạo ra một mặt trăng. Nếu anh em đi du lịch với vợ mình, có ai hỏi là anh em đi với người vợ nào không? Đấng Christ chỉ có một người vợ, Ngài chỉ có một nàng dâu. Trong Sáng Thế Ký 37, Giô-sép nằm chiêm bao thấy một mặt trời, một mặt trăng và mười một vì sao. Mặt trời là Gia-cốp, còn mặt trăng là mẹ của Giô-sép. Trong sách Khải Huyền, chúng ta có thể thất rất rõ là Đấng Christ chỉ có một nàng dâu. Tôi hy vọng tất cả đều thấy rõ rằng Đấng Christ chỉ có một Hội Thánh. Ở địa phương (thành phố) của anh em có bao nhiêu Hội Thánh? Chỉ có một. Nếu tôi ở Stuttgart, tôi chỉ thấy một mặt trăng. Đối với mặt trời thì chúng ta biết rõ rằng chỉ có một mặt trời, chỉ có một Đấng Christ. Nhưng về mặt trăng thì chúng ta không ý thức rõ. Tại sao vậy? Vì đó là một điều huyền nhiệm. Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 5:32 “Sự huyền nhiệm này thật vĩ đại, tôi nói đến Đấng Christ và Hội Thánh”. Phao-lô nói đến Đấng Christ và Hội Thánh, nghĩa là nói đến mặt trời và mặt trăng. Ngợi khen Chúa vì Đấng Christ và Hội Thánh! Ngày thứ tư trong Sáng Thế Ký 1: rất quan trọng.

Sau đó, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không chỉ tạo ra A-đam mà tạo ra A-đam và E-va. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời rằng ngay trong ngày thứ tư, Đức Chúa Trời đã bày tỏ ý định của Ngài: Ngài muốn có Đấng Christ và Hội Thánh. Đây không phải là công việc của loài người mà đây là một công trình thuộc về trời. Có rất nhiều công việc của con người, ví dụ nhiều nhóm đi theo một người nào đó, thậm chí lấy tên con người làm tên nhóm. Nhưng Hội Thánh là công trình của Đức Chúa Trời, chứ không phải là một tổ chức của loài người. Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh, chứ không phải một người nào đó là cái đầu. Và Chúa muốn Hội Thánh này tỏa sáng. Mặt trăng có nhiều pha khác nhau như trăng khuyết, bán nguyệt, trăng tròn,... Khi trăng tròn thì trăng tỏa sáng nhất. Ngợi khen Chúa! Chúng ta cần nhiều trăng tròn. Nếu chúng ta chỉ là bán nguyệt (nửa trăng) thì thiếu mất nhiều ánh sáng. Lúc đó thì thế gian (trái đất) ở giữa. Điều này không thể được! Cả mặt trăng phải được nhìn thấy rõ ràng. Toàn bộ sự vinh hiển của mặt trăng phải được nhìn thấy rõ. Không chỉ một nửa mà toàn bộ ánh sáng của Chúa phải được nhìn thấy rõ. Chúng ta không được phép bằng lòng với một nửa trăng, mà Chúa muốn có trăng tròn, đặc biệt là trong thời kỳ này. Thời kỳ này thật là tối tăm, nên chúng ta cần nhiều ánh sáng hơn nữa để trở thành một mặt trăng mạnh mẽ. Chúa phải gìn giữ chúng ta và tất cả Hội Thánh ở mọi địa phương khỏi tình trạng nguyệt thực.

Ngài cần một vầng sáng lớn ở mỗi địa phương. Chúng ta là một mặt trăng ở mỗi địa phương. Anh em ở Paris thì thấy một mặt trăng: trăng ở Paris, còn anh em ở Geneve thì thấy mặt trăng ở Geneve. Và ở mỗi địa phương thì mặt trăng phải nhìn thấy được. Đức Chúa Trời không muốn có mặt trăng vô hình. Ngài chỉ có thể được biểu lộ bởi mặt trăng, bởi sự hiệp nhất của các thánh đồ. Nan đề của ngày nay là có nhiều sự không hiệp một trong dân của Đức Chúa Trời, có nhiều sự chia rẽ. Mỗi người đi theo Hội Thánh riêng của mình, ai cũng làm theo điều mình muốn hay điều mà mình cho là đúng. Vào thời các quan xét của dân Israel thì họ làm điều mà mắt mình cho là đúng. Chúng ta không được làm như họ, thời kỳ đó là một thời kỳ đen tối và Đức Chúa Trời không đẹp lòng. Dân của Đức Chúa Trời phải hiệp một. Ở đây không liên quan đến một sự hiệp một vô hình. Nhiều người muốn làm Hội Thánh trở nên không nhìn thấy được, như một nhận định phổ biến “chúng ta là một trong linh”. Ánh sáng của mặt trăng không vô hình mà có thể thấy được. Như thế, chúng ta cần sự hiệp một có thể thấy được. Thậm chí, Giăng còn nói rằng nếu không yêu anh em mình thì ở trong bóng tối. Chính Chúa Jesus đã cầu nguyện cho sự hiệp một này ở trong Giăng 17: “Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để họ trở nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương Con” (câu 21-23). Những câu này nói đến sự hiệp một có thể thấy được. Một sự hiệp một mà không thấy được thì có ích gì? Chúng ta cần nhiều sự hiệp một thấy được. Phao-lô nói rằng sự mầu nhiệm của bản tính Đức Chúa Trời là vĩ đại, Đức Chúa Trời được bày tỏ trong xác thịt (1Ti-mô-thê 3:16). Đức Chúa Trời muốn được bày tỏ, Ngài muốn được biểu lộ ra ngoài. Chúng ta cần ý thức rằng Ngài muốn sự hiệp một. Đức Chúa Trời rất yêu thích khi dân Ngài hiệp một. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta khải thị để thấy điều này. Khi chia sẻ nhiều về Hội Thánh thì Phao-lô cũng cầu xin Chúa ban cho các thánh đồ linh của sự khôn ngoan và khải thị để họ thấy được. Đúng vậy, chúng ta cần khải thị về Đấng Christ và Hội Thánh. Đấng Christ đã dâng mình vì Hội Thánh, và chúng ta cũng phải hiến dâng mình cho Hội Thánh. Chúng ta rất thích dâng mình cho Đấng Christ, nhưng đây là vấn đề liên quan đến Đấng Christ và Hội Thánh. Ở mỗi địa phương, Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh của Ngài được nhìn thấy. Và trong Khải Huyền 2 và 3, sau khi thấy mặt Đấng Christ như mặt trời chiếu sáng cực độ thì chúng ta cũng thấy được mặt trăng, đó là bảy Hội Thánh. Tuy là bảy Hội Thánh, nhưng chỉ có một Hội Thánh ở mỗi địa phương như Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Hội Thánh tại Si-miệc-nơ,... Mỗi thành phố chỉ có một chân đèn. Ở tại Ê-phê-sô thì Giăng chỉ nhìn thấy một chân đèn. Chúng ta phải thấy thật rõ điều này. Ở địa phương chúng ta thì cũng chỉ có một chân đèn. Chúng ta phải hiến dâng mình để đèn này tỏa sáng hơn, để nhiều người trong dân Đức Chúa Trời thấy được viễn tượng về Hội Thánh. Cây đèn tỏa sáng, chứ không phải một nhóm nào. Nhóm A có thể nói nhiều về Đấng Christ, và nhóm B cũng vậy, nhưng ở đây không liên quan đến nhóm nào cả mà là vấn đề của chân đèn, là Hội Thánh mà Chúa đã chọn và đã hy sinh chính mình cho Hội Thánh và cho sự hiệp một.

Ngày thứ tư thật tuyệt vời vì nó không diễn ra trên trái đất mà nó thuộc về trời. Hội Thánh là điều gì đó đến từ Đức Chúa Trời. Hội Thánh không phải là một giáo lý mà Hội Thánh phải là kinh nghiệm và cuộc sống của chúng ta. Như vậy, thì cây đèn ở địa phương chúng ta mới tỏa sáng được. Hội Thánh là gì đối với chúng ta vậy? Chúng ta đi nhóm vào ngày Chúa Nhật, hát vài bài hát, cầu nguyện, làm chứng, rồi đi về nhà. Hội Thánh là như vậy thôi? Không phải! Hội Thánh phải là cuộc sống của chúng ta. Hội Thánh phải là kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Chúng ta không cần phải có mặt trong xác thịt, mà có mặt trong tâm linh. Chúng ta biểu lộ Đấng Christ ra ngoài. Chúng ta hiệp một với các anh em trong một chứng cớ, như vậy thế gian mới có thể tin được. Hiện nay, thế gian không tin vì Cơ Đốc nhân chia rẽ rất nhiều. Nhưng nếu các Cơ Đốc nhân hiệp một và đèn ở địa phương anh em tỏa sáng thì con người có thể thấy được, và nhận thấy rằng Đấng Christ ở trong Hội Thánh. Thật như vậy, nếu anh em muốn thấy Đấng Christ, thì anh em hãy đến với chân đèn. Trong Khải Huyền 2 và 3, Đấng Christ ở đâu vậy? Ngài đi giữa bảy chân đèn vàng, Ngài bước đi giữa các Hội Thánh. Mặt trời, Đấng Christ, thật giàu có ở trong Hội Thánh. Chúng ta cần ánh sáng của mặt trăng vì đó cũng là ánh sáng của Chúa. Chỉ mình mặt trăng mới nhìn thấy mặt trời và phản chiếu sự vinh hiển của mặt trời. Và Chúa chỉ đi giữa bảy Hội Thánh. Chúng ta phải thông công với Chúa nhiều về Hội Thánh vì Ngài yêu Hội Thánh. Chúng ta phải hỏi Chúa vì Hội Thánh là nàng dâu và là nhà của Chúa. 1.Ti-mô-thê 3:15 cho biết Hội Thánh là nhà của Đức Chúa Trời hằng sống, là trụ và nền của lẽ thật. Đó chính là mặt trăng. Chúng ta cần khải thị này nhiều hơn nữa. Tôi thường cầu xin Chúa cho tôi nhìn thấy Hội Thánh rõ hơn nữa. Chúng ta có nhiều rất quan niệm về Hội Thánh, ai cũng có suy nghĩ và khái niệm riêng của mình. Nhưng chúng ta phải đến với Đấng yêu Hội Thánh và Ngài là người biết Hội Thánh. Chúng ta phải xây dựng Hội Thánh theo kiểu mẫu của Ngài chứ không được xây theo cách khác. Chúng ta phải biết rõ kiểu mẫu này và phải hoảng sợ trước các ý tưởng riêng của mình vì các ý tưởng riêng thường phá hoại Hội Thánh. Vì vậy, hãy đến với Chúa và hỏi Chúa về điều mà lòng Ngài khao khát, về chương trình đời đời của Chúa. Trước khi Chúa bắt đầu công trình phục hồi này, Chúa đã muốn có Hội Thánh và muốn có sự biểu lộ của Ngài ở từng địa phương. Trong Ma-thi-ơ 16:18, Chúa nói rằng Chúa muốn xây dựng Hội Thánh của Ngài. Nhiều Cơ Đốc nhân không muốn điều này mà chỉ muốn xây dựng các nhóm riêng của mình. Nhưng Chúa muốn xây dựng Hội Thánh của Chúa và Chúa sẽ làm. Chúng ta hãy dâng mình cho điều này. Bây giờ chúng ta muốn thưởng thức ánh sáng của mặt trăng. Nhiều người chỉ muốn Đấng Christ và họ sẽ có vì một lúc nào đó Ngài sẽ đến. Một lúc nào đó mặt trời sẽ mọc lên. Nhưng bây giờ mặt trăng đang tỏa sáng, chúng ta hãy ở trong ánh sáng của mặt trăng.

C. Các vì sao là các tín đồ

(Giăng 8:12, Rô-ma 13:12, Đa-ni-ên 12:3)

Còn các vì sao là những Cơ Đốc nhân thuộc linh, có đầy tràn Thánh Linh và sự sống. Nguồn sáng lớn nhất là mặt trời, kế đó là mặt trăng và sau cùng là các vì sao. Nếu trăng tỏa sáng lúc trăng tròn thì người ta không còn nhiều thấy nhiều vì sao nữa. Điều này cho thấy đối với Chúa điều quan trọng là Hội Thánh chứ không phải từng cá nhân. Các vì sao thì không đủ để chiếu sáng cho trái đất, Chúa muốn có mặt trăng. Chúng ta cần là những vì sao tỏa sáng, nhưng phải cùng với mặt trăng và ở trong sự hiệp một với mặt trăng. Ở đây không còn liên quan đến sự phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối nữa, mà ánh sáng tể trị trên thế gian. Và các vì sao có nhiệm vụ chỉ đường cho con người đến với mặt trăng, nghĩa là đến Hội Thánh để họ thấy được nhiều hơn. Ngợi khen Chúa về mặt trời, mặt trăng và các vì sao!