Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC--BÀI 4


KHỞI ĐẦU PHÚC ÂM
VÀ SỰ BỔ NHIỆM CỨU CHÚA-NÔ LỆ
(2)
Kinh Thánh: Mác 1:1-13
Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét về sự khởi đầu Phúc Âm và việc bổ nhiệm Cứu Cháu-Nô Lệ.
KẾT LIỄU VÀ NẨY MẦM SỐNG
Mác 1:1 và 2 chép: “Khởi đầu Phúc Âm của Jesus Christ, là Con Đức Chúa Trời, như trong tiên tri Ê-sai đã chép: “Kìa, Ta sai sứ Ta đi trước mặt ngươi, là ngưỡi sẽ dọn dường cho ngươi”. Sự khởi đầu Phúc Âm của Cứu Chúa –Nô lệ thì giống như những gì đã được ghi trong sách Ê-sai về chức vụ của Giăng Báp-tít. Điều này chứng tỏ rằng việc Giăng rao giảng báp-têm về sự ăn năn cũng là một phần trong Phúc Âm của Jesus Christ. Sự rao giảng này kết liễu thời kỳ Kinh luật và đổi thời kỳ ấy thành thời kỳ ân điển. Vì vậy, thời kỳ ân điển bắt đầu với chức vụ của Giăng trước chức vụ của Cứu Chúa-Nô Lệ.
Khởi đầu Phúc Âm là kết liễu Kinh luật và nẩy mầm ân điển. Sự khởi đầu Phúc Âm đã kết liễu thời kỳ Kinh luật và bắt đầu thời kỳ ân điển. Sự mở đầu Phúc Âm không những bắt đầu thời kỳ ân điển mà còn nẩy mầm thời kỳ ân điển. Bắt đầu điều gì đó thì có tính chất bê ngoài, nhưng nẩy mầm điều gì đó là làm cho nó có sự khởi đầu ở bề trong sự sống.
Khởi đầu Phúc Âm là kết liễu toàn bộ thời kỳ cũ, là thời kỳ Kinh luật. Nhưng để sự kết liễu được gọi là khởi đầu thì sự kết liễu ấy phải có sự nẩy mầm theo sau. Việc nẩy mầm này đòi hỏi một sự truyền phát thần thượng, và sự truyền phát này là việc bổ nhiệm Cứu Chúa- Nô Lệ

CHỨC VỤ CỦA GIĂNG BÁP-TÍT
TRONG ĐỒNG VẮNG
Mác 1:3 chép: “Có tiếng kêu trong đồng vắng”. Khởi đầu chức vụ Phúc Âm của cứu Chúa-Nô Lệ chỉ là một tiếng kêu, không phải là một phong trào lớn. Hơn nữa, sự rao giảng Phúc Âm của Cứu Chúa-Nô Lệ không bắt đầu tại một trung tâm văn minh nhưng bắt đầu trong đồng vắng cách xa ảnh hưởng của văn hóa loài người.
Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ của ông trong đồng vắng là theo lời tiên tri. Điều này cho thấy rằng việc Giăng giới thiệu cuộc cuộc gia tểTân Ước của Đức Chúa Trời không phải ngẫu nhiên, nhưng đã được Đức Chúa Trời hoạch định và báo trước qua tiên tri Ê-sai. Điều này hàm ý rằng Đức Chúa Trời muốn cuộc gia tểTân Ước của Ngài bắt đầu theo một phương cách hoàn toàn mới. Giăng Báp-tít không rao giảng trong đền thờ thánh ở trong thành thánh, là nơi những người theo tôn giáo và có văn hóa thờ phượng Đức Chúa Trời theo các qui định của Kinh Thánh, nhưng ông rao giảng trong đồng vắng, không tuân thủ bất cứ luật lệ nào theo phương cách cũ. Điều này cho thấy rằng cách thờ phượng Đức Chúa Trời theo lối cũ của Cựu Ước đã bị bỏ, và phương cách mới sắp được thi hành. Đồng vắng là nơi không có văn hóa, tôn giáo, hoặc bất cứ một điều gì thuộc xã hội hay văn minh của con người. Việc sử dụng từ “đồng vắng” ở đây cho thấy phương cách mới về cuộc gia tểTân Ước của Đức Chúa Trời thì ngược lại với tôn giáo và văn hóa.
Câu 4 chép: “Giăng đến làm báp-têm trong đồng vắng, rao giảng báp-têm và sự ăn năn để được tha tội”. Giăng sinh ra đã là thầy tế lễ (Lu. 1:8-13, 57-63); vì vậy, lẽ ra ông phải sống đời  sống thầy tế lễ trong đền thờ để phụng sự tế lễ. Nhưng ông đã vào đồng vắng và rao giảng Phúc Âm. Điều này cho thấy rằng thời đại thầy tế lễ dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời được thay thế bằng thời đại Phúc Âm đem tội nhân đến với Đức Chúa Trời hầu cho Đức Chúa Trời có thể chinh phục được họ và để họ có được Đức Chúa Trời. Câu 6 chép: “Vả, Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây nịt da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Cách sống của Giăng cho thấy rằng nếp sống và công tác của ông hoàn toàn ở trong thời kỳ mới chứ không theo cách của tôn giáo, văn hóa và truyền thống cũ. Là thầy tế lễ thì theo qui định của Kinh luật, lẽ ra Giăng phải mặc y phục của thầy tế lễ chủ yếu được làm bằng vải gai mịn (Xuất 28:4, 40-41; Lê 6:10; Êxc. 44:17-18). Lẽ ra ông cũng phải ăn thức ăn dành cho thầy tế lễ, chủ yếu làm từ bột mịn và thịt của sinh tế do dân Đức Chúa Trời dâng lên cho Ngài (Lê.2:1-3; 6:16-18, 25-26; 7:31-34). Tuy nhiên, Giăng làm ngược lại hoàn toàn. Ông mặc y phục bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Những điều này là thiếu văn minh, kém văn hóa, và không theo những qui định tôn giáo. Đối với một người làm thầy tế lễ mà mặc y phục bằng lông lạc đà là giáng một đòn chí tử vào tâm trí tôn giáo, vì lạc đà bị xem là ô uế theo những qui định Lê-vi (Lê.11:4). Hơn nữa, Giăng đã không sống trong nơi văn minh mà sống trong đồng vắng (Lu 3:2). Tất cả những điều này cho thấy rằng ông đã hoàn toàn dứt bỏ thời kỳ Cựu Ước, là thời kỳ đã sa bại thành một loại tôn giáo pha trộn với văn hóa loài người. Sứ mạng của ông là giới thiệu cuộc gia tểTân Ước của Đức Chúa Trời, là cuộc gia tể chỉ cấu tạo bởi Đấng Christ và Linh sự sống.
BÁP-TÊM ĂN NĂN
Là người báo hiệu cho sự kết liễu thời đại cũ với văn hóa cũ và tôn giáo cũ, Giăng Báp-tít rao giảng báp-têm ăn năn để được tha thứ các tội phạm. Ăn năn là thay đổi tâm trí, xoay tâm trí về Cứu Chúa – Nô Lệ, còn báp-têm là chôn những người đã ăn năn, kết liễu họ để Cứu Chúa – Nô Lệ làm họ nẩy mầm sống bằng sự tái sinh (Gi.3:3, 5-6). Từ Hy Lạp dịch là “để” trong câu này cũng có nghĩa là “dẫn đến”. Ăn năn cùng với báp-têm là để và dẫn đến việc tha thứ các tội phạm hầu cho sự sa ngã của con người là chướng ngại, có thể được cất đi và con người có thể được phục hòa với Đức Chúa Trời.
Trong khi rao giảng, Giảng Báp-tít nhấn mạnh đến việc ăn năn. Ăn năn là xoay tâm trí khỏi bất cứ điều gì khác hơn Đức Chúa Trời, bao gồm văn hóa, tôn giáo, kiến thức, giáo dục và đời sống xã hội, và xoay tâm trí ấy về với Đức Chúa Trời. Tôn giáo, văn hóa, văn minh, xã hội, kiến thức, và giáo dục đều làm chúng ta xao lãng Đức Chúa Trời. Bây giờ thời đại cũ đã bị kết liễu, chúng ta phải ăn năn và xoay tâm trí về Đức Chúa Trời.
Theo Phúc Âm Mác, Giăng Báp-tít không dạy những người ăn năn phải làm gì. Thay vào đó, ông chỉ chôn họ. Chôn như vậy tượng trưng cho sự kết liễu. Trong đồng vắng, Giăng rao giảng sự ăn năn và kết liễu tất cả những người ăn năn. Điều này được xem như là một phần trong sự khởi đầu Phúc Âm của Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời.
PHÚC ÂM CỦA JESUS CHRIST,
CON ĐỨC CHÚA TRỜI
Mác 1 :1 nói về Phúc Âm của Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời. «Jesus Christ » chỉ về nhân tính của Chúa. Phúc Âm này nói về một Người tên là Jesus Christ. Jesus Christ này là Con Đức Chúa Trời. Mác 1:1 không nói rằng “Jesus Christ và Con Đức Chúa Trời » ; nhưng nói rằng « Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời ». Dấu phẩy ở đây cho thấy « Con Đức Chúa Trời” là ngữ đồng vị với “Jesus Christ”. Điều này cho thấy Jesus Christ là Con Đức Chúa Trời và Con Đức Chúa Trời chỉ về Jesus Christ. Danh xưng « Con Đức Chúa Trời” chỉ về thần tính của Chúa. Vì vậy, Phúc Âm của Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời, có nghĩa là Phúc Âm này nói về nhân tính và thần tính. Phúc Âm này đầy dẫy nhân tính và cũng đầy dẫy Thần Cách. Danh xưng tổng hợp này được dùng liên quan Phúc Âm, khải thị rằng cả những mỹ đức phàm nhân lẫn những thuộc tính thần thượng đều ở trong Phúc Âm này. Phúc Âm này đầy dẫy nhân tính của Chúa trong mỹ đức và sự hoàn hảo của nhân tính ấy và cũng đầy dẫy thần tính ấy và cũng đầy dẫy thần tính của Ngài trong sự vinh hiển và sự tôn trọng của thần tính ấy. Vì vậy, Phúc Âm nói về nhân tính đầy dẫy mỹ đức và sự hoàn hảo, và Phúc Âm cũng nói về thần tính đầy dẫy vinh hiển và tôn trọng. Tất cả những phương diện này có thể được thấy trong mười sáu chương của Phúc Âm Mác.
MỘT CỘT MỐC
Nếu đọc kỹ 1 :1 và 2, chúng ta sẽ thấy rằng mở đầu Phúc Âm là Giăng Báp-tít đến rao giảng báp-têm ăn năn để được tha thứ các tội phạm. Khi Giăng xuất hiện theo cách phi văn hóa và phi tôn giáo để loan báo về sự ăn năn thì đó là sự mở đầu Phúc Âm. Như chúng ta đã thấy, mở đầu Phúc Âm liên quan đến việc kết liễu thời kỳ Kinh Luật và sự nẩy mầm sự sống của thời kỳ ân điển. Thời kỳ Kinh Luật kết thúc với việc Giăng Báp-tít đến, và thời kì ân điển cũng bắt đầu với ông
Giữa vòng các nhà thần học đã có một cuộc tranh luận về việc bắt đầu thời kỳ ân điển. Một số người nói rằng thời kỳ này bắt đầu vào ngày Ngũ Tuần, còn những người khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu với sự đóng đinh và phục sinh của Đấng Christ. Những người khác nữa vẫn nắm giữ những ý kiến khác. Theo Kinh Thánh, việc mở đầu Phúc Âm, tức là mở đầu thời kỳ ân điển, là sự xuất hiện của Giăng Báp-tít. Vì vậy, việc Giăng Báp-tít đến là một cột mốc phân chia thời kỳ Kinh luật và thời kỳ ân điển. Việc ông đến đánh dấu sự kết thúc thời kỳ Kinh luật và mở đầu thời kỳ ân điển
ĐƯỜNG VÀ CÁC NẺO
Mác 1 :2 cho thấy Giăng Báp-tít đến để dọn đường của Chúa, và câu 3 chép : «Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng : Hãy đường Chúa, làm thẳng các nẻo Ngài». Trong những câu này, chúng ta có đường và các nẻo. Dọn đường của Chúa là thay đổi tâm trí người ta, tức là xoay tâm trí họ hướng về Cứu Chúa – Nô Lệ và làm cho lòng họ đúng đắn, làm ngay thẳng mọi phần của lòng họ qua sự ăn năn để Cứu Chúa – Nô Lệ có thể vào trong họ hầu trở nên sự sống của họ và chiếm hữu họ (Lu 1 :17)
Chúng ta cần hiểu sự khác nhau giữa đường và nẻo. Dọn đường của Chúa là ăn năn. Chúng ta đã thấy rằng ăn năn là thay đổi tâm trí, xoay chuyển trong suy nghĩ. Xoay chuyển tâm trí là dọn đường để Chúa đến. Đường trong câu 3 chỉ về tâm trí. Chúng ta cần dọn đường, sửa soạn đường của Chúa qua sự ăn năn. Giăng Báp-tít đã làm một công việc nổi bật trong việc sửa soạn tâm trí của những người ăn năn để Chúa đến.
Các nẻo là tất cả các phần phụ bên trong bản thể chúng ta như những tư tưởng, sở thích, ý định, ước muốn, quyết định. Nếu ví tâm trí như xa lộ thì có thế ví các nẻo như những con đường nhỏ. Xa lộ và tất cả các đường nhỏ trong bản thể chúng ta cần được sửa soạn cho Chúa
Là con người, chúng ta không đơn giản. Trái lại, bề trong chúng ta rất phức tạp. Hãy xem chúng ta có bao nhiêu «đường» và « nẻo » bên trong mình. Cũng hãy xem thể nào tâm trí con người xa khỏi Đức Chúa Trời và bị những điều thuộc triết lý và văn hóa chiếm hữu. Thế thì làm thể nào Đấng Christ có thể vào trong con người ? Để Đấng Christ vào trong một người thì đường nẻo trong người đó cần phải được dọn
Phúc Âm không chỉ là một vấn đề khách quan vì Phúc Âm thật ra chính là Jesus Christ, là hiện thân của Đức Chúa Trời hằng sống. Là một Đấng như thế, Ngài đang chờ đợi con người mở ra cho Ngài để Ngài có thể vào trong họ. Tuy nhiên, con người đã để tâm trí bị nhiều điều chiếm hữu và đầy ắp. Vì vậy, người giảng Phúc Âm giỏi nhất là người có thể mở đường trong tâm trí một người và nhờ đó sửa soạn để người ấy tiếp nhận Chúa. Nếu chúng ta rao giảng Phúc Âm cách đúng đắn thì cuối cùng, con đường sẽ được sửa soạn để Đấng Christ vào trong họ và chiếm hữu họ.
NHỮNG NGƯỜI ĂN NĂN
ĐƯỢC DẪN ĐẾN VỚI CỨU CHÚA – NÔ LỆ
Mác 1 :5 chép : «Cả xứ Giu-đê và người Giê-ru-sa-lem đều kéo ra đến cùng người, thừa nhận tội mình và chịu người làm báp-têm dưới sông Giô đanh ». Giu-đê là một miền có thành thánh, đền thờ thánh, và nền văn hóa cao; vì vậy, đó là một miền được tôn trọng. Tuy nhiên, câu 5 nói rằng cả xứ Giu-đê và mọi người ở Giê-ru-sa-lem đều kéo ra đến với Giăng Báp-tít. Khi họ ăn năn qua sự giảng dạy của Giang, Giăng đã dìm họ vào nước sự chết để chôn họ, kết liễu họ. Bằng cách này, ông sửa soạn để họ được chỗi dậy bởi sự nẩy mầm của Cứu Chúa – Nô Lệ cùng với Thánh Linh, qua việc họ xưng nhận các tội phạm.
Báp-têm người nào đó là dìm người ấy xuống, chôn người ấy trong nước. Vì vậy, báp-têm tượng trung cho sự chết. Giăng Báp-tít báp-têm người ta để chứng tỏ rằng những người ăn năn chỉ đáng chôn mà thôi. Báp-têm này cũng tượng trung cho sự kết liễu người cũ và chỉ về một khởi đầu mới có thể được thực tại hóa trong sự phục sinh qua Đấng Christ là Đấng ban sự sống. Vì vậy, sau chức vụ của Giăng, Đấng Christ đã đến. Báp-têm của Giăng không chỉ kết liễu những người ăn năn mà còn dẫn đưa họ đến với Đấng Christ để được sống. Báp-têm trong Kinh Thánh hàm ý đến sự chết và phục sinh. Được Báp-têm trong nước là được đặt vào sự chết và bị chôn, và được chỗi dậy từ nước có nghĩa là được phục sinh từ sự chết.
Mác 1 :7 nói về Giăng Báp-tít rằng « Người rao giảng rằng : Có một Đấng đến sau ta năng lực hơn ta, ta không đáng cúi xuống để mở dây dép Ngài ». Mặc dầu Giăng rao giảng báp-têm ăn năn nhưng mục tiêu của chức vụ ông là một Thân Vị kỳ diệu, đó là Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời. Trong chức vụ của Giăng, ông đã không biến mình thành trung tâm; ông đã không cố gắng thu hút người khác đến với mình như nam châm. Ông nhận thức rằng ông chỉ là một sứ giá được Giê-hô-va vạn quân sai đến để đem người ta đến với Con Ngài là Jesus Christ và tôn cao Ngài là mục tiêu của chức vụ ông.
Giăng Báp-tít rao giảng sự ăn năn, và ông đã báp-têm tất cả những người ăn năn. Qua việc báp-têm, sự sống cũ của những người ăn năn bị kết liễu. Sự kết liễu này dọn đường và làm thẳng các nẻo để Cứu Chúa – Nô Lệ bước vào trong những người ăn năn. Trong chức vụ của ông, Giăng đưa người ta đến với Cứu Chúa – Nô Lệ. Vì vậy, ông bảo họ rằng chức vụ của ông không phải vì chính ông, nhưng vì một Đấng khác, một Đấng vĩ đại sắp đến. Thậm chí Giăng còn nói rằng ông không xứng đáng cúi xuống mở dây dép của Đấng này.
BÁP-TÊM TRONG NƯỚC
VÀ TRONG THÁNH LINH
Theo 1:8, Giăng Báp-tít nói: “Ta báp-têm các ngươi bằng (trong) nước, nhưng Ngài sẽ báp-têm các ngươi bằng (trong) Thánh Linh”. Nước tượng trung cho sự chết và chôn để kết liễu những người ăn năn. Thánh Linh và Linh sự sống và phục sinh để làm nẩy mầm sống những người bị kết liễu. Điều trước là dấu hiệu cho chức vụ của Giăng về sự ăn năn; điều này là dấu hiệu cho chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ về sự sống. Giăng chôn những người ăn năn và trong nước sự chết; Cứu Chúa – Nô Lệ vực họ dậy để họ được tái sinh trong Linh sự sống phục sinh của Ngài. Nước sự chết, chỉ về và tượng trưng cho sự chết bao – hàm – tất – cả của Đấng Christ mà những người tin Ngài được báp-têm vào (La 6:3), không những chôn những người được báp-têm mà còn chôn các tội phạm của họ, thế giới, cuộc đời quá khứ và lịch sử của họ (giống như Biển Đỏ chôn Pha-ra-ôn và quân đội Ai Cập vì con cái Israel – Xuất 14:26-28; 1 Cô 10:2), và phân rẽ họ khỏi thế giới từ - bỏ - Đức Chúa Trời và sự hư hoại của nó (giống như nước lụt  phân rẽ Nô-ê và gia đình ông ra khỏi thế giới và sự hư hoại của nó – 1 Phi 3:20-21). Thánh Linh, tức là Đấng mà Cứu Chúa – Nô Lệ báp-têm những ai tin Ngài vào trong Đấng ấy, là Linh của Đấng Christ và Linh của Đức Chúa Trời (La 8:9). Vì vậy, được báp-têm trong Thánh Linh là được báp-têm vào trong Đấng Christ (Ga 3:27; La 6:3), vào trong Đức Chúa Trời Tam Nhất (Mat 28:19) và thậm chí vào trong Thân Thể Đấng Christ (1 Cô 12:13), là được liên kết với Đấng Christ trong một Linh (1 Cô 6:17). Chính qua báp-têm trong nước và trong Linh như vậy mà tín đồ trong Christ được tái sinh vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, vào trong lĩnh vực sự sống thần thượng và sự cai trị thần thượng (Gi 3:3,5) để họ có thể sống bởi sự sống đời đời của Đức Chúa Trời trong Vương Quốc đời đời của Ngài.
SỰ BỔ NHIỆM CỨU CHÚA – NÔ LỆ
Được Báp-têm
Mác 1:9 chép: “Trong những ngày ấy, Jesus đến từ Na-xa-rét thuộc Ga-li-lê và chịu Giăng làm báp-têm dưới sông Giô-đanh”. Ga-li-lê được gọi là “Ga-li-lê  thuộc về dân phi Do Thái” là một miền không được tôn trọng; vì vậy, là một miền bị khinh dể (Gi 7:52). Na-xa-rét là một thành phố bị khinh hèn của Đức Chúa Trời xuất thân và lớn lên tại đây
Là Nô Lệ của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa – Nô Lệ được báp têm. Việc Ngài chịu báp-têm cho thấy rằng Ngài sẵn  sàng phụng sự Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ không phụng sự theo cách thiên nhiên, nhưng sẽ phụng sự qua sự chết và phục sinh. Một báp-têm như vậy là sự khởi đầu cho việc phục vụ của Ngài.
Chúa chịu báp-têm để đặt chính Ngài vào sự chết và sự phục sinh hầu Ngài có thể phụng sự không theo cách thiên nhiên, mà theo cách phục sinh. Bởi chịu báp-têm Ngài đã sống và phụng sự trong sự phục sinh, thậm chí trước khi Ngài thật sự chết và phục sinh ba năm rưỡi sau đó.
Vì báp-têm của Giăng là báp-têm ăn năn nên một số người có thể thắc mắc tại sao Chúa Jesus cần được Giăng làm báp-têm. Họ nói rằng: “Đây là báp-têm ăn năn Cứu Chúa – Nô Lệ cần phải ăn năn sao? Dĩ nhiên Ngài không cần ăn năn” . Nếu có một quan niệm như thế, có lẽ chúng ta chưa thấy ý nghĩa thật của sự ăn năn. Ăn năn là kết liễu  tư tưởng, quan niệm, triết lý và việc làm của chúng ta. Vì  vậy, ăn năn không chỉ là hối tiếc việc làm sai trái. Hiểu về ăn năn như thế thì quá nông cạn. Cho dù một người nào đó không có gì sai thì người ấy vẫn cần phải ăn năn để thay đổi tâm trí và không còn tự mình làm điều này điều kia hay tự cho mình là ai đó. Ăn năn nghĩa là xoay khỏi việc sống, làm việc và ở trong chính mình. Nếu nhận thức điều này, chúng ta sẽ thấy việc Chúa đến để chịu báp-têm  ngụ ý rằng Ngài không muốn sống, hành động, phát ngôn hay làm việc bởi chính Ngài. Chúa muốn đặt mình vào chỗ kết thúc và chịu chôn. Vì vậy, việc Chúa chịu báp-têm cho thấy rằng Ngài không muốn sống, phát ngôn hay làm bất cứ điều gì bởi chính Ngài, nhưng Ngài muốn sống bởi Đức Chúa Trời, bước đi bởi Đức Chúa Trời và phụng sự bởi Đức Chúa Trời. Ngài  sẽ làm Nô Lệ cho Đức Chúa Trời và bởi Đức Chúa Trời. Đó là lý do Ngài chịu báp-têm. Việc Chúa chịu báp-têm là bước thứ nhất của việc bổ nhiệm Ngài vào trong sự phục vụ Phúc Âm, tức là chức vụ Phúc Âm
Chương 1:10 và 11 nói về Chúa Jesus rằng: “Ngay khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra và Linh như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, có tiếng từ trời phán rằng: “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”. Ký thuật  của Mác về một Nô Lệ không phản ảnh địa vị huy hoàng của người Nô Lệ này mà phản ảnh tính siêng năng trong sự phục vụ của Ngài. Từ “ngay khi, hoặc ngay lập tức” được dùng 41 lần trong ký thuật của ông và thêm 2 lần nữa trong những thủ bản khác.
Các tầng trời được mở ra cho Cứu Chúa – Nô Lệ nói lên rằng việc Ngài sẵn lòng dâng chính minh làm Nô Lệ cho Đức Chúa Trời đã được Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận, và Linh như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài nghĩa là Đức Chúa Trời xức cho Ngài bằng Linh để Ngài phục vụ Đức Chúa Trời (Lu 4:18-19). Chim bồ câu thì hiền lành, và mắt của nó chỉ nhìn thấy được một vật tại một thời điểm mà thôi. Vì vậy, bồ câu tượng trưng cho sự hiền lành và đơn thuần trong cái nhìn và mục đích. Bởi Linh Đức Chúa Trời ngự xuống trên Ngài như bồ câu nên Chúa Jesus phụng sự cách hiền lành và đơn thuần, chỉ tập trung vào ý chỉ của Đức Chúa Trời
Trong các câu 10 và 11, chúng ta có Đức Chúa Trời Tam – Nhất. Trong khi việc Linh ngự xuống là sự xức dầu cho Đấng Christ thì lời phán của Cha là lời chứng rằng Ngài là Con yêu dấu. Đây là bức tranh về  Đấng Tam – Nhất thần thượng: Con từ dưới nước lên, Linh ngự xuống trên Con, và Cha nói về Con. Điều này chứng tỏ rằng Cha, Con và Linh đồng hiện hữu. Điều này là để hoàn thành cuộc gia tể của Đức Chúa Trời.
CHỊU THỬ NGHIỆM
Chúng ta đã thấy rằng bước thứ nhất trong sự bổ nhiệm Chúa vào trong chức vụ của Ngài là báp-têm. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục thấy rằng bước thứ hai là Ngài chịu thử nghiệm. Sau khi Chúa chịu báp-têm, Ngài cần được thử nhiệm để phẩm giá của Ngài được chứng minh
Về điều này, câu 12 chép: “Tức thì Linh giục Ngài đi vào đồng vắng”. Sau khi Đức Chúa Trời chấp nhận và xức dầu thì điều đầu tiên Linh hành động với Nô Lệ này của Đức Chúa Trời là giục Ngài chịu thử nghiệm để phẩm giá của Ngài được chứng minh. Từ “giục” là một từ mạnh. Từ này cho thấy sau khi chịu báp-têm, Chúa hoàn toàn ở dưới bàn tay của Đức Chúa Trời. Vì Ngài không sống và chuyển động bởi chính Ngài Nên Linh của Đức Chúa Trời có thể giục Ngài vào đồng vắng. Chúa thuận phục trong việc được giục vào đồng vắng. Nếu Ngài có ý chí mạnh mẽ để chống lại sự thúc giục này thì Ngài ắt đã không bị Linh thúc giục. Nhưng vì Ngài rất thuận phục nên Thánh Linh có thể thúc giục Jesus đã chịu báp-têm này vào trong đồng vắng. Việc Ngài thuận phục Linh chứng tỏ rằng Ngài hoàn toàn trung tín với báp-têm của Ngài. Với Chúa, không còn là “tôi” nữa mà là Đức Chúa Trời.
Câu 13 chép: “Ngài ở trong đồng vắng bốn mươi ngày, chịu Sa-tan cám dỗ; ở chung với thú rừng, và có thiên sứ phục sự Ngài” Con số 40 tượng trưng cho thời gian thử nghiệm và chịu khổ (Phục 9:9, 18; 1 Vua 19:8) Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, được dùng để thử nghiệm và thử thách Nô Lệ này của Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa tiêu cực, các dã thú của đất và trong một ý nghĩa tích cực, các thiên sứ trên trời, cũng được dùng cho sự thử nghiệm này. Ngợi khen Chúa vì Ngài đã qua được cuộc thử nghiệm trong đồng vắng!

Qua hai bước của sự bổ nhiệm Ngài – báp-têm và chịu thử nghiệm – Chúa được đưa vào phục vụ. Sau khi Ngài đã chịu thử nghiệm và được chứng minh là con người đúng đắn để thực hiện sự phục vụ này, bây giờ Ngài có thể bước vào để phục vụ Đức Chúa Trời