Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

MỘT SỐ Ý TƯỞNG VỀ SỰ CẦU NGUYỆN--




Cầu nguyện là gì? Rô-ma 8: 15 và Ga-la-ti 4:6 chép, “Vì anh em chẳng nhận lãnh tâm linh của danh phận tôi mọi để lại sợ hãi, bèn là đã nhận lãnh tâm linh của danh phận con cái, và nhơn đó chúng ta kêu: "Aba, Cha!" --Lại vì anh em đã là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta kêu rằng: “A-ba, Cha!”
So sánh hai câu nầy chúng ta thấy Ai là người kêu: "Aba, Cha!" với Đức Chúa Trời Cha ? Hai thân vị kêu đồng thời là Thánh Linh và tâm linh tín nhân. Nên nói tóm một lời --cầu nguyện là tiếng kêu, tiếng cầu nguyện của tâm linh tín nhân do Linh của Chúa thúc đẩy đến Đức Chúa Trời là Cha.


1.     Cầu Nguyện Là Nói Chuyện Với Chúa.
Xuất Ai-cập kí 33 :11, "Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình”.
Ông Áp-ra-ham được Chúa gọi là bạn của Ngài 3 lần trong Kinh thánh. Ông là bạn, đối diện với Chúa không sợ hãi, không lo âu, nhưng chân thật cởi mở nói chuyện mặt đối mặt với Ngài. Chúng ta có để mặt trần, không sợ hãi e dè gì để được đối diện nói chuyện với Ngài không ?

2.      Cầu Nguyện Là Thái Độ Của Tấm Lòng
Ông John Buyan, tác giả quyển Thiên Lộ Lịch Trình có nói; "Trong lời cầu nguyện, thà có một tấm lòng không lời còn hơn có lời mà không có tấm lòng".
Hai người bạn vẫn còn yêu mến nhau, vẫn có thái độ cởi mở với nhau, thì đôi khi không có thì giờ nói chuyện với nhau, nhưng cả hai đều hiểu thái độ tấm lòng của nhau. Bà An-ne, mẹ Sa-mu-ên, nói về sự cầu nguyện của mình là: "giãi bày lòng tôi (đổ tâm hồn tôi) ra trước mặt Đức Giê-hô-va". Trong Thi thiên 62, vua Đa-vít khuyên chúng ta khi cầu nguyện : "Hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài". 
Rất nhiều lần sau khi cầu xin điều gì đó, Chúa hỏi tôi : "con có thật mong muốn điều mình vừa xin Ta đó không" ? Bạn có thật tâm mở lòng minh ra cầu nguyện với Chúa không, hay cầu nguyện với thái độ lạnh nhạt, hời hợt của tấm lòng? Thái độ của tấm lòng bạn đối với Chúa ra sao hằng ngày? Qua môi miệng tiên tri Giê-rê-mi, Chúa nói dân Ngài có thái độ: "đã xây lưng lại cùng Ta, mà không xây mặt lại với Ta" (2 :27). Bạn có thái độ như vậy đối với Chúa chăng ? Hãy không ngừng mở lòng mình hướng về Chúa. Nếu được như vậy, bạn mới có thể "cầu nguyện không thôi" như sứ đồ Phao-lô khuyên dạy ( 1Tê. 5 :17).

3.     Ưu Tiên Cầu Nguyện Cho Các Nhu Cầu Quan Trọng-
Trong bài cầu nguyện mẫu, Chúa dạy chúng ta ở Ma-thi-ơ 6, Ngài nhấn mạnh chúng ta phải cầu xin ba điều thuộc linh lớn là : Danh Cha được tôn thánh, Nước Cha được đến, ý Cha được nên, trước khi cầu nguyện những nhu cầu về vật chất của bản thân.
Khi cầu nguyện, rất nhiều con dân Chúa mãi miết cầu nguyện cho nhu cầu của bản thân, của gia đình mình dài dòng cách ích kỉ, rồi may ra mới nhớ đến nhu cầu của anh em tín đồ trong hội thánh, hay các công việc đại sự của Chúa. Họ không biết đặt những nan đề hệ trọng của Chúa trước tiên trong sự cầu nguyện.
Phao lô cầu nguyện xin Chúa cứu khỏi chiếc dầm xóc 3 lần, ngoài ra mọi thời gian cầu nguyện đêm ngày của ông chỉ hướng về các anh em thánh đồ và các hội thánh mà ông xây dựng khắp nơi.

4.     Cầu Nguyện Trong Sự Cầu nguyện
Gia cơ 5 :17 chép về tiên tri Ê-li: "Ê li vốn là người có tánh tình như chúng ta, người cầu xin khẩn thiết đừng cho mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm sáu tháng". Câu: "người cầu xin khẩn thiết", dịch sát theo nguyên văn Hi lạp là:  He prayed with prayer—người đã cầu nguyện với sự cầu nguyện.
Trong Ê-xê-chi-ên 1 có nói đến bánh xe trong bánh xe trong chuyển động của Đức Chúa Trời trên trái đất. Bánh xe lớn, cao từ đất đến trời, tượng trương các hoạt động của Chúa. Bánh xe nhỏ tượng trưng Linh của Chúa, như động cơ, vận chuyển bên trong bánh xe lớn.
Những lời cầu nguyện công khai của Ê-li như trên núi Cạt mên cho lửa và mưa giáng xuống như bánh xe lớn, còn cuộc đời cầu nguyện ẩn giấu đêm ngày của ông làm tăng cường, thúc đẩy phía sau như bánh xe nhỏ. Nhiều tín nhân cầu nguyện rất hay ho, rất dài, như đọc bài diễn văn với lời lẽ hoa mĩ trước mặt hội chúng khi nhóm họp, nhưng trong cuộc đời tư riêng người ấy lại cầu nguyện rất ít, hoặc cầu nguyện qua loa. Lời cầu nguyện riêng bao giờ cũng phải dài dòng và nhiều hơn lời cầu nguyện công khai một trăm hay một ngàn lần, để hậu thuẫn cho lời cầu nguyện khi hội thánh nhóm lại. Đó là nếp sống cầu nguyện của tiên tri Ê-li trong suốt 3 năm rưởi ẩn mình. Còn bạn thì ra sao? Nếu không như vậy thì sự cầu nguyện của chúng ta trước công chúng chỉ là sự đóng kịch, giả hình—như Chúa Jesus nói về người Pha-ri-si—"làm bộ đọc lời cầu nguyện dài, mà nuốt gia tài của đàn bà góa. Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn" (Lu 20:47).   

5.     Cầu Nguyện Với Chính Mình-
Lu-ca 18 :11 chép, "Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: 'Lạy Đức Chúa Trời, tôi cảm tạ Ngài, vì tôi không phải như người khác, bức sách, bất nghĩa giam dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy". Bản Hiệu Đính điều chỉnh lại câu "cầu nguyện thầm" là: "cầu nguyện về mình". Bản Thánh Kinh Tiêu Chuẩn sửa lại chính xác là: "cầu-nguyện thế này với mình". Đây là một câu kinh thánh khó hiểu, dùng Anh văn dịch sát theo nguyên văn Hi-lạp là: He prayed to himself.  
Cầu nguyện với chính mình là cầu nguyện cùng bản ngã mình, cùng xác thịt của mình. Bản ngã là sa-tan trộn lẫn với sự sống hồn người, là hiện thân của sa-tan, còn xác thịt là Sa-tan hòa trộn với thân thể chúng ta. Có thể nói cầu nguyện với chính mình là nói chuyện với sa-tan.
Cầu nguyện với chính mình và cầu nguyện về mình, chỉ là sự cầu nguyện khoa trương, khoe khoang sự công bình riêng và mở miệng lên án người khác như người Pha-ri-si dùng lời cầu nguyện của mình để tố cáo tội lỗi của người thâu thuế đó. Trong khi hội thánh nhóm lại nhiều con dân Chúa cầu nguyện với mình, là dùng lời cầu nguyện để lên án anh em mình, hoặc tôn vinh anh em mình, dùng lời cầu nguyện để lạc quyên tài chính cho mình, dùng lời cầu nguyện để xin lỗi với ai đó mà mình đã xúc phạm, vì không đủ sức giáp mặt xin lỗi người ấy. Bạn có cách cầu nguyện với chính mình như vậy không, hãy chấm dứt đi.

6.     Cầu Xin Điều Không Biết.
Ma-thi ơ 20 chép, "Bấy giờ mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến cùng Jêsus, lạy mà xin một điều. Ngài hỏi rằng: "ngươi muốn chi?" Thưa rằng: "Xin truyền cho hai con trai tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài ở trong nước Ngài." Nhưng Jêsus đáp rằng: "Các ngươi không hiểu điều mình xin đó".
Có rất nhiều tín nhân không hiểu biết điều mình cầu xin. Người ăn cướp tin Chúa trên thập tự giá đã cầu nguyện cách dốt nát với Chúa là: “Jêsus ôi, khi Ngài đến trong nước Ngài, xin nhớ tôi với”. Anh xin Chúa cho anh được vào vương quốc của Chúa. Vương quốc của Chúa là nước thiên hi niên ngàn năm trên mặt đất ngay sau khi Chúa tái lâm. Thật không dễ dàng cho một tín nhân thông thường được vào vương quốc nầy. Chỉ thành phần dân đắc thắng mà thôi
Bạn có hiều hết những gì bạn cầu nguyện không?

7.     Cầu Nguyện Theo Tham Dục-
Gia cơ 4:3 cảnh cáo: “Anh em cầu xin mà không nhận được vì anh em cầu xin với dụng ý xấu, để dùng cho dục vọng riêng của mình”.
Tôi dẫn chứng một số trường hợp Kinh thánh chép về dân Chúa cầu nguyện theo dục vọng. Nhưng không như ông Gia cơ nói rằng cầu nguyện theo dục vọng thì không nhận lãnh được. Mấy trường hợp cầu xin với dụng ý xấu đều được Chúa nhậm lời ngay, đem lại hậu quả tai hại như sau:
-         Áp-ra-ham cầu xin cho sự tồn tại của Ích-ma-ên-
Sáng thế kí 17:18, 20, “Áp-ra-ham thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Chớ chi Ích-ma-ên vẫn được sống trước mặt Ngài! …Ta cũng nhậm lời ngươi xin cho Ích-ma-ên. Nầy, Ta ban phước cho người, sẽ làm cho người sanh sản và thêm nhiều quá bội; người sẽ là tổ phụ của mười hai vị công hầu, và ta làm cho người thành một dân lớn”.
Kết quả trải nhiều thời đại, hậu tự Ích-ma-ên, dân Á-rập, là một thử thách rất lớn cho sự tồn vong của dânY-sơ-ra-ên.
-         Dân Y-sơ-ra-ên cầu xin được ăn thịt.
Thi thiên 106:14-15, “Lòng họ đầy tham dục trong đồng hoang, Và họ đã thử Đức Chúa Trời nơi hoang mạc. Ngài ban cho điều họ cầu xin, Nhưng giáng bệnh tật hủy hoại mạng sống họ”.  
Chúa nhậm lời cầu xin nầy ngay, nên Môi-se nói “Vì thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban thịt cho anh em và anh em sẽ được ăn thịt. Không phải anh em sẽ ăn thịt một ngày, hai ngày, năm ngày,mười ngày hay là hai mươi ngày đâu,  mà ăn trọn một tháng, cho đến chừng nào thịt tràn ra lỗ mũi và chán ngấy”. Chúa đem đến một bãi sân chim cút khoảng chừng mấy trăm cây số vuông cho họ ăn đến nỗi tràn ra lỗ mũi. “Đức Giê-hô-va khiến một trận gió đùa chim cút từ biển về hướng trại quân và rải chim cút chung quanh trại quân, mỗi bên rộng khoảng một ngày đường và từ mặt đất trở lên dày khoảng một mét.  Dân chúng đứng dậy nhặt chim cút trong ngày đó, đêm đó và cả ngày hôm sau. Ai nhặt ít nhất cũng được mười hô-me. Họ căng ra phơi chim cút chung quanh trại quân.  Trong khi thịt vẫn còn nơi răng, chưa nhai, thì cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi bừng lên với dân chúng và họ bị Ngài trừng phạt bằng một tai họa nặng nề. Nơi nầy được đặt tên là Kíp-rốt Ha-tha-va vì tại đó người ta chôn một đám dân tham ăn” (Dân số kí 11).
Trong sự chán nản cực độ, tiên tri Ê-li xin chết và được Chúa nhậm lời liền. Trong cơn bạo bệnh mà Chúa sắp đặt cho vua Ê-xê-chia về với Ngài. Vua ham sống xin Chúa cho sống thêm. Chúa nhận lời ngay, và trong 15 năm sống thêm sau đó, ông sinh ra Ma-na-se, một vị vua con cai trị 52 năm cách gian ác ghê tởm.
Ôi xin Chúa ngăn trở chúng ta cầu xin theo dục vọng xác thịt của mình như vậy!

-Kết Luận-
Tôi mượn lời thánh ca với chủ đề : “Ý Nghĩa Sự Cầu Nguyện” của tiến sĩ A.B. Simpson, Hội Phước Âm Liên Hiệp sáng tác hồi thế kỉ 19, mà chúng tôi đã dịch ra Việt văn để làm lời kết luận  cho bài nầy:

1.     Cầu nguyện như thức hương khiết thanh trong lòng đây,
Trình lên Cha thánh mỗi khi khóc than, sầu cay;
Chính lúc ấy Linh hà hơi, đốt nóng thay thảy,
Đức tin dâng trình như đôi cánh bay lên Ngài.

2.     Cầu nguyện như thức hương của cây ân huệ đây,
Dường hoa kiên nhẫn, đức tin, yêu thương nào vơi,
Các chén hương dịu ngọt luôn tích lũy như thế,
Để Cha vui nhận hương thơm ở ngai trên trời.

3.     Cầu nguyện như thể hơi nước bay lên làm cho
Trận mưa ơn phước rơi, chảy tuôn nên dòng sông,
Tưới đất khô khan, đượm nhuần khắp chốn đây đó,
Khiến cho sa mạc cằn khô trổ ra hoa hồng.

4.     Cầu nguyện như thể kết nối thiên dân cùng Cha,
Trời cao liên kết với đất, khắp nơi gần xa,
Đến với tâm Cha và ta sẽ rất sung sướng,
Chuyển giao mang nặng, làm tan biến bao lo buồn.

5.     Cầu nguyện như sóng âm chuyển đi bao điện văn,
Nhịp đập của trái tim đến với Cha toàn năng,
Đến với tâm Cha, về lại trái đất nhanh chóng,
Chúng ta vui nhận tình yêu, đức tin sinh động.

6.     Cầu nguyện như ống dẫn để Linh tuôn dầu ra,
Dầu vàng cho lửa thắp sáng chân đèn Nhà Cha,
Khẩn đảo, trông mong, hòa hợp các thánh thay thảy,
Đức Linh dẫy đầy, đèn kia sáng choang đêm ngày.

7.     Cầu nguyện như chính linh năng Đức Chúa Trời đây,
Là quyền năng trổi hơn ở đất hay trời cao,
Chuyển cánh tay Cha hằng chi phối cả muôn giới,
Bánh xe thần thượng thực thi ý Cha đời đời.

8.     Dạy tôi biết khẩn xin! Cảm thúc tôi từ trong!
Hầu quan tâm của Cha ở trong tôi sục sôi,
Khẩn đảo bên trong lòng cho đến lúc hợp nhất,
Christ trong tôi cầu nguyện cùng với Christ trên trời.

9.     Dạy tôi biết khẩn xin, biết ý Cha tường minh!
Hầu mục tiêu của Cha đốt nung trong lòng tôi,
Khẩn đảo bên trong lòng cho đến lúc cảm biết,
Tiếng Cha trong lòng tôi đáp với Cha trên trời.
-Minh Khải- 14-01-2019