Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU—


Tôi có một người bạn năm nay đã 86 tuổi. Anh kể chuyện cho tôi nghe rằng cách đây 2 năm, anh cất công từ vùng California, Hoa kì về lại nguyên quán là phố Kỳ Lừa ở Đồng Đăng trong thành phố Lạng sơn cho đúng ngày sinh nhật của Anh trong năm đó. Anh đã đi thăm chùa Tam Thanh, đi dạo trên phố Kỳ Lừa, ngụ trong khách sạn và dạo chơi quanh vùng Đồng Đăng, ngồi bên bờ suối hàng giờ, để hít thở cáí không khí bao la của nơi chôn  nhau cắt rúng của mình.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công cha mẹ sinh thành ra em-

 Ôi hai tiếng “quê hương” mới thân thương, hoài cổ làm sao! Bạn ơi, nguyên quán là  đâu, quê hương là gì? Đó  là nơi sinh sống của cha mình, nên người ta mới gọi là quê cha đất tổ. Bất cứ ai sau khi đã di trú đến sống ở chân trời góc biển nào, cũng một lòng vọng tưởng quê hương, và mong có ngày “TRỞ LẠI CHỐN XƯA” ít nhất một lần trước khi chết. Có nhiều Việt kiều Mĩ, mấy năm về trước, hễ đến giờ giao thừa tại quê cha đất tổ thì rút vào phòng tắm, khóa cửa lại và kêu khóc một mình vì quá sức nhớ nhà, không kiềm chế nỗi.

Mọi Việt Kiều nước ngoài đều coi cả nước Việt Nam là quê hương. Với chúng ta, là những người đang có mặt tại Việt Nam, thì quê quán của chúng ta chính là nơi chúng ta chào đời, hoăc là nơi mà bố mình đã sống trước kia, vì có thể mình đã được sinh ra ở một nơi khác không phải là quê hương.

 Tôi tri ân và hoan nghênh trang  “TRỞ LẠI CHỐN XƯA” đã mang lại những hình ảnh sống động, hiếm có, sắp bị mai một của một thời đã qua trong “Chốn Xưa” của mỗi con dân Việt.

 Từ trang mạng nầy làm tôi liên tưởng đến một vị thánh tổ, và có lời chép về cụ: “Bởi đức tin Áp-ra-ham khi được gọi, bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ tiếp nhận làm cơ nghiệp; người ra đi, mà không biết mình đi đâu- Vì kẻ nói như thế tỏ rõ rằng mình đang tìm kiếm một quê hương.  Thật, ví thử họ đã tưởng nhớ đến xứ họ đã ra khỏi, thì cũng có dịp trở lại.  Nhưng nay họ thiết tha mong mỏi một quê hương tốt hơn, tức là  quê hương trên trời..” (Heb. 11:8, 14-16).

 Nơi họ đã ra khỏi là thiên thành, nơi họ sẽ có dịp trở lại cũng là thiên thành, là quê hương yêu dấu..

 Chữ “quê hương” trong mấy câu nầy theo nguyên văn Hi lạp là: patris. Patris dịch ra tiếng Pháp là patrie, tiếng Anh là Country. Có nhiều từ ngữ Anh văn có ngữ căn là patris như: patrial, patriarch, patriarchal, patriarchalism…

 Có đôi điều dường như mâu thuẫn và rất khó hiểu trong mấy câu Kinh Thánh nầy. Áp-ra-ham như một lữ khách nghe tiếng Chúa kêu gọi, ra đi khỏi U-rơ, Canh đê, để đến một xứ mình chưa biết trước. Nhưng ba câu sau lại nói, ông về lại quê hương yêu dấu của mình ở trên trời, chớ không đi đến một xứ chưa biết trước.

 Tôi xin hỏi bạn. Áp-ra -ham đi đến một thành phố vinh quang trên trời, hay ông về lại Thành phố đó, là quê hương, là nguyên quán, là nơi sinh của mình? Ông tìm cách trở về quê hương yêu dấu, chớ không đi đến một nơi đến là thiên thành.

 Cũng giống như cụ tổ nầy, có hai phương diện trong đời sống đức tin của chúng ta: 1/ Chúng ta là một tội nhận, sinh ra tại nước của sa-tan, chúng ta tin nhận Chúa và mong ước đi đến thiên thành trên trời, là nơi đến cuối cùng của mình.2/ Chúng ta có nguyên quán trên trời, nên từ trái đất nầy chúng ta đang TRỞ LẠI CHỐN XƯA, là thành thánh trên thiên đàng, trong vinh quang sau nầy.

 Ê-phê-sô 2:10, Giăng 3:3, chúng ta đã là kiệt tác trong Christ Jesus từ trước sáng thế, chúng ta vốn là dân thiên quốc, được “sanh từ trên cao” vào thế giới nầy, sau khi tin, chúng ta trở về quê hương, chúng ta trở lại nguyên quán của mình. Tôi không ngụ ý chúng ta đâu thai vào tâm linh mình khi mình tiếp nhận Chúa.

 Phi-líp 3:20 nói thêm, “Trái lại chúng ta là công dân trên trời,chúng ta đang trông đợi Đấng Cứu Thế từ đó đến….” Từ ngữ “công dân” theo nguyên văn Hi lạp là: politeuma, trong chữ politeuma có chử polis có nghĩa là thành phố. Trong thời đại  Cọng Hòa của Hi lạp xưa, mỗi thành phố là một nước, là thị -quốc.  Từ ngữ  politeuma dịch là  citizenship, là công dân thành phố hay dịch là quốc tịch cũng được. Quốc tịch chúng ta đặt tại nơi quản lí sự hiện hữu của chúng ta. Do đó, thiên thành là quê hương, là sinh quán, nguyên quán của chúng ta. Chúng ta phải trở về nguyên quán trên trời sau khi Chúa Giê-su tái lâm.

 Kết luận, theo quan điểm của Chúa chúng ta  có nguyên quán là thiên thành và hôm nay đang trở về quê hương yêu dấu của minh. Theo quan điểm của con người, chúng ta từ vương quốc sa- tan đến cùng Chúa và nước sáng láng của Ngài.

Hodos—March 6, 2021