Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

SỰ CỨU RỖI ĐẦY ĐỦ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Rô ma 5:10, “vì nếu đang khi chúng ta còn là những kẻ thù nghịch mà đã được hòa lại với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu càng hơn là dường nào”

Câu 10 của chương 5 sách Rô ma chỉ tỏ rằng sự cứu rỗi đầy đủ của Đức Chúa Trời được khải thị trong sách nầy bao gồm 2 phần: một phần là sự cứu chuộc pháp lí, được hoàn thành cho chúng ta bởi sự chết của Christ, và phần kia là sự cứu rỗi hữu cơ, ban cấp cho chúng ta bởi sự sống của Christ.
Sự Cứu Chuộc Pháp Lí:
Bốn chương đầu của sách Rô-ma diễn giảng cách hàm súc về sự cứu chuộc pháp lí do sự chết của Christ hoàn thành.
Đức Chúa Trời thì công nghĩa và thánh khiết, bản chất Ngài chống nghịch tội nhân, cho nên cần sự chết của Christ làm thỏa mãn sự đời hỏi pháp lí của Đức Chúa Trời, thì Ngài mới chấp nhận tha thứ và xưng nghĩa tội nhân.
Sự cứu chuộc pháp lí nầy gồm các bước như sau:
1. Cứu Chuộc:
Rô- ma 3:24, “nhờ ân điển Ngài mà họ được xưng nghĩa miển phí bởi sự cứu chuộc trong Christ Jesus”. “Cứu chuộc” là mua lại vật mà người chủ đã bị mất.
2. Tha Thứ:
Rô-ma 4:7, “phước cho những kẻ mà sự bất pháp của họ được tha thứ, các tôi lỗi được khỏa lấp”.
Trong Rô ma 1:1-5:11, danh từ “tội lỗi” (sin) chỉ xuất hiện 3 lần, còn trong 5:12 - 8:39 , “sin” (tội lỗi) xuất hiện 39 lần. Danh từ số nhiều “sins” (các tội lỗi) xuất hiện nhiều lần trong 1:1 đến 5:11, ngụ ý Chúa tha thứ “các tội lỗi “của chúng ta bởi sự đổ huyết vô tội của Chúa Jesus., còn Ngài xử lí “tội” (sin) qua thập tự giá trong sự cứu rỗi hữu cơ sau đây.
3.Xưng Nghĩa:
Rô-ma 5:1, “nhờ đã được xưng nghĩa bởi đức tin, chúng ta có sự bình an hướng về Đức Chúa Trời”. Sự xưng nghĩa của Đức Chúa Trời làm thay đổi địa vị của chúng ta, từ một tội nhân trở nên một thánh đồ về mặt địa vị trước mặt Ngài.
4. Giải Hòa:
Rô-ma 5:10, “nhưng nếu đương khi chúng ta còn là các kẻ thù nghịch mà đã được giải hòa với Đức Chúa Trời....”. Qua sự chết, Chúa Jesus trở nên tế lễ vãn hỗi, làm Đức Chúa Trời nguôi giận, và Đức Chúa Trời chấp nhận các kẻ vốn đã có thái độ và hành vi thù địch Ngài. Chúng ta được giàn hòa với Đức Chúa Trời ( Rô 3:25).
Tất cả các công tác cứu chuộc, tha thứ, xưng nghĩa, giải hòa nầy đều được Đức Chúa Trời hoàn thành trong Christ, qua sự chết của Christ, bên ngoài chúng ta. Ngài cứu chuộc loài người cách khách quan trên thập tự giá từ hai ngàn năm trước. Khi có tội nhận nào tiếp nhận Chúa Jesus, thì mọi công tác cứu chuộc pháp lí đó sẽ có hiệu nghiệm trong đời sống họ ngay hôm ấy.
Phao-lô bày tỏ cho chúng ta rằng chúng ta đã được cứu vì cớ chúng ta đã được cứu chuộc, xưng nghĩa và giải hòa với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta chưa được cứu đến mức độ được thánh hóa, biến đổi và đồng hóa với hình ảnh Con Đức Chúa Trời. Đó là sự cứu rỗi hữu cơ được trình bày sau đây:
Sự Cứu Rỗi Hữu Cơ:
Trong sự cứu rỗi đầy đủ của mình, Đức Chúa Trời thực hiện cho chúng ta về mặt hữu cơ, nhiều hơn là về mặt pháp lí.
Rô-ma 5;10, “thì huống chi nay đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu càng hơn là đường nào”. “Được cứu càng hơn” là được cứu cách hữu cơ ở bên trong người thánh đồ đã được cứu chuộc về mặt địa vị.
1. Tái Sanh:
1 Phi-e-rơ 1:23 “Vì anh em đã được tái sanh, chẳng phải bởi hạt giống hay hư nát, nhưng bởi hạt giống chẳng hư nát, là bởi lời (rhema) của Đức Chúa Trời, là lời vẫn sống và còn lại đời đời”.
Brother T. Austin-Sparks nói rằng, “ sự tái sanh là có được sự sống của Đức Chúa Trời thêm vào sự sống thiên nhiên của chúng ta”. Sự tái sanh là sự tái sáng tạo các tín đồ trong linh của họ qua Đức Linh của Đức Chúa Trời. Câu kinh thánh trên nói chúng ta được tái sanh qua lời (rhema) sự sống của Đức Chúa Trời. Nhờ sự tái sanh, các tín đồ có được sự sống thuộc linh của Ngài.
Tít 3:5 chép“ Ngài đã cứu chúng ta, không do các việc công nghĩa mà chúng ta đã làm, bèn là theo sự thương xót Ngài, nhờ sự tắm rửa của sự tái sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh”. Một sự tái sanh như vậy là sự tắm rửa trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và loại tắm rửa nầy là sự đổi mới lớn lao của các tín đồ bởi sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
2.Thánh Hóa:
Rô ma 6:19, “bấy giờ hãy dâng các chi thể của anh em làm tôi mọi cho sự công nghĩa để làm nên sự thánh hóa cũng thể ấy”.
Khi được xưng nghĩa, chúng ta được trở nên thánh đồ về mặt địa vị, nhưng trong sự cứu rỗi hữu cơ, Christ là sự sống đời đời bên trong chúng ta, sẽ có lập trường để hành động trong chúng ta và thấm nhuần các phần bề trong của chúng ta bằng chính mình Ngài. Do đó, chúng ta sẽ được thánh hóa cách tự phát. Chúng ta sẽ trở nên thánh khiết cách tự phát bên trong các phần bề trong bởi sự thấm nhuần của Christ.
Sự thánh hóa về mặt tâm tính, khí chất dành cho các tín đồ để họ được thánh hóa trong tính chất của họ, hầu họ có thể tham dự bản chất thánh khiết của Đức Chúa Trời.
3. Đổi Mới:
Rô-ma 12:2 chép, “đừng khuôn rập theo thời đại nầy, nhưng hãy được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí”.
Eph. 4:23, “hầu cho anh em được đổi mới trong linh của tâm trí mình”( Hi lạp).
Trong sách Đại Học, Khổng tử dạy con người phải phát triển “đức sáng” (lương tâm) trong mình để được đổi mới hằng ngày (nhật tân). Nhưng sự đổi mới Phao-lô nói ở đây thì khác hẳn. Sự đổi mới trong sự cứu rỗi hữu cơ là sự đổi mới trong tâm trí hằng ngày.
Được đổi mới trong tâm trí là rứt bỏ mọi quan niệm cũ về các sự vật trong đời người và lại được đổi mới bởi sự dạy dỗ của kinh thánh và sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Một sự đổi mới tâm trí như vậy sẽ đưa đến sự biến đổi của các tín đồ trong đời sống thuộc linh của họ.
4. Biến Đổi:
Rô-ma 12:2 chép, “nhưng hãy được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí”.
Sự biến đổi là diễn trình trao đổi chất ở bên trong, trong đó Đức Chúa Trời hành động để làm lan tràn sự sống và bản chất thần thượng của Ngài thấu suốt mỗi phần của bản thể chúng ta, đặc biệt là hồn chúng ta, đem Christ và các sự phong phú của Ngài vào bản thể chúng ta như các nguyên tố mới của chúng ta và khiến các yếu tố cũ kỹ cùng thiên nhiên của chúng ta được đào thải dần dần. Kết quả, chúng ta sẽ được biến đổi nên hình ảnh Ngài (2 Cor 3:18).
5. Xây Dựng:
Rô-ma 12:4 chép, “vì như trong một Thân thể, chúng ta có nhiều chi thể...chúng ta dầu nhiều mà vẫn một Thân thể trong Christ, và là chi thể của nhau”.
Sự biến đổi các tín đồ trong sự sống thần thượng khiến họ được cứu khỏi chủ nghĩa các nhân, tích cực được liên kết và khắng khít với các tín đồ khác như là các chi thể đồng bạn của Christ. Sự liên kết và khắng khít với nhau nầy trở nên sự xây dựng các con của Đức Chúa Tròi trong sự sống thần thượng. Người được biến đổi không bao giờ sống độc lập hay tự lập, họ luôn luôn lệ thuộc anh em mình trong Chúa.
6.Đồng Hóa:
Rô-ma 8:29, “vì những kẻ Ngài đã biết trước, Ngài cũng đã tiền định để trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, hầu Con ấy làm Con đầu lòng giữa nhiều anh em”.
Đức Chúa Trời đã tiền định cho chúng ta, không chỉ để chúng ta có thể được thánh hóa, thuộc linh và đắc thắng, nhưng hầu cho chúng ta có thể được đồng hóa cách đầy trọn theo hình ảnh Con Ngài. Đây là phần hưởng của chúng ta do Đức Chúa Trời đã quyết định trong cõi đời đời quá khứ.
Đồng hóa là kết quả cuối cùng của sự biến đổi. Nó bao gồm sự thay đổi thể yếu và bản chất bề trong của chúng ta, và cũng bao hàm sự thay đổi hình dạng bên ngoài, hầu chúng ta có thể cân xứng hình dạng vinh hóa của Christ, Đấng Thần Nhân. Ngài là nguyên mẫu, chúng ta là các bản sao, được tái chế bởi luật của Linh sự sống (Rô. 8:2).
7.Vinh Hóa:
“Rô-ma 8:29 chép, “còn những kẻ Ngài đã xưng nghĩa, Ngài cũng đã vinh hóa”.
Sự vinh hóa là bước cuối cùng trong sự cứu rỗi đầy đủ của Đức Chúa Trời, trong đó Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn dầm thấm thân thể tội lỗi của chúng ta, đó là thân thể của sự chết và mau chết (7:24; 8:11; 6:6) bằng vinh quang của sự sống và bản chất của Ngài theo đúng nguyên tắc sự việc Ngài tái tạo linh chúng ta qua Đức Linh. Theo cách nầy, Ngài sẽ biến hóa thân thể chúng ta, đồng hóa nó theo thân thể phục sinh vinh diệu của Con Ngài (Phil. 3:21). Đây là bước tối hậu trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trong đó Đức Chúa Trời chiếm được sự biểu hiện đầy trọn, mà cuối cùng sẽ được biểu lộ trong Jerusalem mới trong thời đại sắp đến./.CSS
MInh Khải-