Chương 2
NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
Ê-xê-chi-ên 36: 37:
“Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ta
còn muốn nhà I-xra-ên cầu hỏi Ta để Ta làm sự này cho; Ta sẽ thêm
nhiều người nam nó như một bầy chiên”.
Giê-rê-mi 29: 10-14 chép: “Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Khi bảy
mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, Ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn
lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất này. Đức
Giê-hô-va phán: Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý
tưởng bình an, không phải tai hoạ, để cho các ngươi được sự trông cậy
trong lúc cuối cùng của mình. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu Ta, sẽ đi
và cầu nguyện Ta, và Ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp
được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ
cho các ngươi tìm được Ta và sẽ đem những phu tù các ngươi trở về.
Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước và mọi nơi
mà Ta đã đuổi các ngươi đến, và sẽ đem các ngươi về trong đất mà ta
đã khiến các ngươi bị đày đi khỏi đó”.
Chúng ta đã thấy ý nghĩa của sự cầu nguyện; bây giờ chúng ta
đến với những nguyên tắc cầu nguyện. Chúng tôi sẽ chỉ ra mười nguyên
tắc cầu nguyện quan trọng nhất. Bất kỳ lời cầu nguyện tốt nào, lời
cầu nguyện có giá trị nào và lời cầu nguyện đạt tiêu chuẩn đều
phải phù hợp với những nguyên tắc này.
I. LỜI CẦU NGUYỆN PHẢI DO
ĐỨC CHÚA TRỜI KHỞI XƯỚNG,
KHÔNG DO CON NGƯỜI
Về những nguyên tắc cầu nguyện, trước hết chúng ta phải thấy
rằng cầu nguyện không nên do con người khởi xướng mà phải do Đức Chúa
Trời. Bất kỳ lời cầu nguyện nào, dù là lời xưng tội trước mặt Đức
Chúa Trời, cũng phải là kết quả của việc Đức Chúa Trời hành động
bên trong chúng ta. Khi cầu nguyện xưng nhận các tội phạm của mình
trước mặt Đức Chúa Trời, dường như chúng ta đang xưng nhận các tội
phạm của mình theo chính mình, nhưng thật ra chính là Đức Chúa Trời
bên trong chúng ta khởi xướng lời cầu nguyện như vậy. Nếu Thánh Linh
không hành động bên trong, chúng ta không bao giờ có thể đến trước mặt
Đức Chúa Trời để xưng nhận các tội phạm mình. Hễ khi nào một người
đến trước mặt Đức Chúa Trời xưng nhận tội phạm của mình, đó là vì
Linh khởi xướng điều này bên trong người ấy – thúc giục người, khuấy
động người và khiến người cảm biết các vi phạm của mình và cần
phải xưng nhận các vi phạm đó. Trên thực tế, mỗi loại cầu nguyện mà
chúng ta cầu nguyện cần phải được Linh của Đức Chúa Trời khởi
xướng.
Nếu xem xét tất cả những kinh nghiệm về cầu nguyện, anh em sẽ
khám phá rằng mỗi kinh nghiệm như vậy có thể được kể là sự cầu
nguyện trước mặt Đức Chúa Trời thì không bao giờ được con người khởi
xướng theo chính người ấy, nhưng bởi Thánh Linh bên trong con người.
Bất kỳ lời cầu nguyện nào bắt đầu bởi riêng con người đều không phù
hợp với nguyên tắc này. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Trừ khi
lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời khởi xướng từ bên
trong chúng ta thì anh em và tôi không bao giờ có thể có lời cầu
nguyện trước mặt Đức Chúa Trời được Ngài chấp nhận hay lời cầu
nguyện ấy chạm đến ý định của Ngài, thậm chí chạm đến ngai Ngài.
Như vậy, nói đúng ra, bất kỳ lời cầu nguyện nào không do Đức Chúa
Trời khởi xướng bên trong con người mà chỉ là sự khởi xướng của
riêng người ấy thì không thể được xem là lời cầu nguyện trước mặt
Đức Chúa Trời. Nếu ghi nhớ nguyên tắc này, chúng ta sẽ được điều
chỉnh và được huấn luyện nhiều trong vấn đề cầu nguyện.
II. CẦU NGUYỆN
LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI TRUYỀN QUA CON NGƯỜI
VÀ QUA LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI ẤY
Lời cầu nguyện đạt tiêu chuẩn chắc chắn là lời cầu nguyện trong
đó có Đức Chúa Trời truyền qua. Cầu nguyện không chỉ do Đức Chúa
Trời khởi xướng mà cũng có Đức Chúa Trời truyền qua. Trong khi anh em
đang cầu nguyện thì Đức Chúa Trời truyền qua anh em và cũng truyền
qua lời cầu nguyện của anh em.
Điều này cũng phần nào giống như một người nói trước máy
phóng thanh (mi-cro). Điện truyền qua những lời người ấy nói. Âm thanh
mà những người ngồi xa nghe được thì có điện truyền qua. Nếu người
ấy không dùng máy phóng thanh thì tiếng nói của người ấy đơn thuần
là những lời không có điện truyền qua. Trong một nghĩa, điều này
giống với lời cầu nguyện của chúng ta. Đôi khi dường như chúng ta đến
trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, mà thật ra là chính chúng
ta đang cầu nguyện – không có Đức Chúa Trời truyền qua. Nhưng cũng có
những lúc chúng ta cảm thấy sâu xa rằng từng câu trong lời cầu nguyện
của mình có Đức Chúa Trời trong đó – thực ra Đức Chúa Trời đã
truyền qua bản thể chúng ta. Thường khi có tình trạng này, có thể
nói rằng lời cầu nguyện của chúng ta đã chạm đến Đức Chúa Trời hay
chạm đến hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng điều này không mô tả
chính xác kinh nghiệm như vậy. Nói chính xác hơn là Đức Chúa Trời
đã truyền qua lời cầu nguyện của chúng ta cũng như qua bản thể chúng
ta. Thưa anh chị em, hãy xem lại kinh nghiệm đã qua. Anh em sẽ thấy
rằng moỗi lời cầu nguyện có giá trị thật trước mặt Đức Chúa Trời
là lời cầu nguyện trong đó Đức Chúa Trời truyền qua anh em – thể yếu
của Đức Chúa Trời, thậm chí chính Đức Chúa Trời ở trong lời cầu
nguyện của anh em, tuôn chảy qua lời cầu nguyện của anh em cũng như qua
bản thể của anh em.
III.CẦU NGUYỆN
LÀ CON NGƯỜI
CŨNG NHƯ LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI ẤY
XUYÊN QUA ĐỨC CHÚA TRỜI
Cầu nguyện không chỉ là Đức Chúa Trời xuyên qua chúng ta, mà
mỗi khi dâng lời cầu nguyện có hiệu quả chạm đến Đức Chúa Trời
cũng như đến ngai Ngài chúng ta cũng cảm thấy rằng trong lời cầu
nguyện như vậy mình đang bước đi trong Đức Chúa Trời, thậm chí những
lời cầu nguyện đó được phát ngôn trong Đức Chúa Trời. Cả chúng ta,
người cầu nguyện lẫn những lời cầu nguyện đều xuyên qua Đức Chúa
Trời. Bởi hai phương diện này của việc xuyên qua nên khi cầu nguyện,
chúng ta thường cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời cách mạnh
mẽ hơn bất cứ lúc nào khác. Trong nếp sống hàng ngày, hiện diện
của Đức Chúa Trời ở với chúng ta cách gần gũi nhất, sâu xa nhất,
mạnh mẽ nhất và ngọt ngào nhất, khi chúng ta có sự cầu nguyện thật
sự tốt. Trong khi chúng ta cầu nguyện, một mặt, đó là Đức Chúa Trời
xuyên qua bản thể chúng ta, và mặt khác, đó cũng là chúng ta, bản
thể chúng ta xuyên qua Đức Chúa Trời. Về một phương diện, đó là Đức
Chúa Trời xuyên qua những lời cầu nguyện của chúng ta; trong khi một
phương diện khác, đó là những lời cầu nguyện của chúng ta xuyên qua
Đức Chúa Trời. Do đó, vào lúc cầu nguyện như vậy, chúng ta có thể
cảm nhận hương vị rất đậm về hiện diện của Đức Chúa Trời. Để tôi
nói lại cách đơn giản: cầu nguyện là Đức Chúa Trời bước đi trong
chúng ta cũng như chúng ta có những hoạt động trong Ngài. Một khi mất
cảm nhận như vậy trong sự cầu nguyện, chúng ta phải lập tức điều
chỉnh chính mình, vì chúng ta đã lìa bỏ nguyên tắc đặc biệt này về
sự cầu nguyện và đã có nan đề
trước mặt Đức Chúa Trời.
IV. CẦU NGUYỆN CẦN PHẢI LÀ
ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CON NGƯỜI ,
CON NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÙNG CẦU
NGUYỆN
Cầu
nguyện không chỉ là vấn đề Đức Chúa Trời và con người xuyên qua nhau
cách hỗ tương, mà còn là vấn đề Đức Chúa Trời và con người cùng
cầu nguyện. Tôi thừa nhận rằng giữa vòng Cơ đốc nhân hiếm khi nghe
một câu nói như vậy. Rất ít người nói rằng khi cầu nguyện, anh em
phải cầu nguyện cùng với Đức Chúa Trời. Nhưng trên thực tế, nhiều
người cầu nguyện tốt đều có kinh nghiệm này. Như chúng tôi đã đề
cập trong chương 1, lời cầu nguyện tốt là Đấng Christ trong anh em cầu
nguyện với Đấng Christ trên ngai.
Tôi muốn chỉ ra một điều. Hãy
lấy ví dụ về người cung ứng Lời cách đúng đắn. Những lời người ấy
nói không chỉ là sự phát ngôn của người ấy mà còn là sự phát ngôn
của Linh. Khi có tình trạng như vậy thì trong khi nghe, anh em thực sự
cảm thấy mình đang tiếp xúc Đức Chúa Trời. Điều này không chỉ làm
anh em được dứt dấy mà còn làm anh em chạm được Đức Chúa Trời. Điều
này không chỉ áp dụng cho việc cung ứng Lời mà cũng cho vấn đề cầu
nguyện. Nhiều lần khi anh em cầu nguyện với các anh chị em khác thì
có tình trạng như vậy. Trong khi ai đó đang cầu nguyện cách rất đúng
đắn, anh em có thể cảm nhận rằng mình chạm được Đức Chúa Trời trong
lời cầu nguyện của người ấy, và lời phát ngôn của người ấy là sự
tỏ ra của Đức Chúa Trời. Khi gặp loại tình trạng này, chúng ta nói
rằng linh của người ấy đã tỏ ra. Nói cách thực tế, đó là Đức Chúa
Trời từ người ấy hiển lộ, vì đó không chỉ là người ấy đang cầu
nguyện mà là Đức Chúa Trời và người ấy đang cầu nguyện. Đức Chúa
Trời đang cầu nguyện trong người ấy và người ấy đang cầu nguyện trong
Đức Chúa Trời. Người ấy thực sự có thể nói: “Lời cầu nguyện của
tôi là Đức Chúa Trời và tôi; tôi và Đức Chúa Trời đang cùng cầu
nguyện”. Trong quá khứ, chúng ta có loại cầu nguyện này; tuy nhiên,
vì điều này chưa được chỉ ra cách đầy đủ nên chúng ta không hiểu
thấu đáo về vấn đề này. Bây giờ, từ kinh nghiệm chúng ta có thể
chỉ ra rằng lời cầu nguyện đạt tiêu chuẩn không chỉ là Đức Chúa
Trời xuyên qua con người và con người xuyên qua Đức Chúa Trời mà còn
là con người và Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời và con người cùng cầu
nguyện.
V.CẦU NGUYỆN KHÔNG VÌ CHÍNH CON NGƯỜI
NHƯNG VÌ ĐỨC CHÚA TRỜI
Lời cầu nguyện đạt tiêu chuẩn phải là lời cầu nguyện trong đó
con người không đang cầu nguyện vì chính mình hay vì người khác, mà
vì Đức Chúa Trời. Ngay cả khi cầu nguyện để tội nhân được cứu hay
để các anh chị em khác được phục hồi, chúng ta cũng phải cầu nguyện
vì Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh có nhiều gương mẫu về sự cầu
nguyện như vậy. Chẳng hạn, như trong Đa-ni-ên chương 9, Đa-ni-ên cầu xin
Đức Chúa Trời nghe và ban ân điển cho Đa-ni-ên và dân này, không phải
vì cớ họ, nhưng vì “lợi ích của Ngài” (câu 19).
Thưa anh chị em, thế thì cầu nguyện là gì? Ý nghĩa cao nhất
của sự cầu nguyện là đó là phương tiện mà bởi đó Đức Chúa Trời
có thể đạt được uy quyền là lợi ích của Ngài. Nhìn bên ngoài, có
thể anh em đang cầu nguyện cho nhiều người, cho nhiều điều hay cho
chính mình, nhưng anh em phải có khả năng đụng đến gốc rễ của vấn
đề, và nói: “Đức Chúa Trời ơi, tất cả những lời cầu nguyện này là
vì lợi ích của Ngài. Những lời cầu nguyện của con có được đáp lời
hay không thì không ý nghĩa bao nhiêu, nhưng uy quyền và lợi ích của
Ngài trong vấn đề này thì rất quan trọng. Vì vậy, dù con đang cầu
nguyện cho những người này, các sự việc này và các vấn đề này,
nhưng thật ra lời cầu nguyện của con là vì cớ Ngài. Điều này đúng
khi con cầu nguyện cho Hội thánh. Dù Hội thánh lạnh hay nóng, tốt hay
xấu, chết chóc hay sống động – những điều này chỉ là mối quan tâm nhỏ
so với việc Ngài có được lợi ích và đạt được vị trí đúng đắn
trong kế hoạch của Ngài, chứng cớ của Ngài và uy quyền của Ngài hay
không. Do đó, con không cầu nguyện để phục hưng Hội thánh, nhưng con
cầu nguyện vì uy quyền và lợi ích của Ngài”. Thưa anh chị em, tôi
biết một sự thật là nếu chúng ta cầu nguyện phù hợp với bốn nguyên
tắc đầu tiên này, chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta sẽ là lời
cầu nguyện qua đó Đức Chúa Trời có thể đạt được uy quyền và lợi
ích của Ngài. Rõ ràng là nếu điều này xảy ra, Hội thánh sẽ được
phục hưng.
Nguyện Chúa bao phủ tôi bởi huyết Ngài và cho phép tôi chia sẻ
điều gì đó từ kinh nghiệm của mình. Một vài lần khi tôi bị túng
thiếu về như cầu vật chất. Lúc đến với Chúa để cầu nguyện cho
những điều này, tôi liền bị thử nghiệm. Khi quì trước mặt Đức Chúa
Trời thì bên trong tôi có một câu hỏi: “Ngươi đang cầu nguyện vì chính
mình hay vì lợi ích của Đức Chúa Trời?”. Hễ khi nào có một câu hỏi
như vậy bên trong, tôi phủ phục trước Đức Chúa Trời và thưa với Ngài:
“Đức Chúa Trời ơi, nếu điều đó là vì chính con thì việc con bị
nghèo đói, thiếu ăn thậm chí có chết đi nữa cũng không thành vấn
đề, nhưng vấn đề này liên luỵ đến uy quyền và lợi ích của Ngài”.
Anh em thấy đây là lời cầu nguyện đúng đắn.
Tôi biết rằng khi một số anh chị em cầu nguyện cho những nhu cầu
thiết yếu này, thường thì họ không can đảm và mạnh mẽ. Thay vào đó,
ngay khi quì xuống, họ đổ nước mắt và cầu nguyện: “Đức Chúa Trời
ơi, xin thương xót con. Con không có gì để ăn, con không có gì để mặc,
con không có nơi ở; con nài xin Ngài thương xót con”. Loại cầu nguyện
như vậy thật đáng thương, bởi nó hoàn toàn vì chính anh em. Cho nên,
trong việc xin Đức Chúa Trời những điều vật chất, có thể chúng ta
có hai động cơ khác xa – vì lợi ích của Đức Chúa Trời hay vì lợi
ích của mình.
Thưa anh chị em, cho tôi hỏi xem điều gì sẽ xảy ra nếu hôm nay con
anh em bị bệnh và anh em cầu nguyện cho nó. Trong lời cầu nguyện anh
em có thể nói với Đức Chúa Trời như vầy: “Đức Chúa Trời ơi, con của
con bị bệnh, xin chữa lành nó; dầu vậy, lời cầu nguyện của con không
vì lợi ích của riêng con mà vì lợi ích của Ngài hay không? Anh em có
thể cầu nguyện như vậy hay không? Hay sẽ cảm thấy rằng con anh em đáng
yêu đến nỗi anh em tự hỏi mình sẽ làm gì nếu nó chết, bởi đó, đổ
nước mắt, khẩn thiết cách đau thương nài xin Đức Chúa Trời chữa lành
nó. Nếu vậy, tôi có thể mạnh dạn nói rằng dù lời cầu nguyện của
anh em rất tha thiết, nhưng không ở trong Đức Chúa Trời mà hoàn toàn
ở trong chính mình. Lời khẩn cầu thiết tha của anh em không xuyên qua
Đức Chúa Trời cũng không để cho Đức Chúa Trời xuyên qua anh em; hơn
nữa, lời cầu nguyện như thế không phải là Đức Chúa Trời và anh em,
anh em và Đức Chúa Trời cùng cầu nguyện. Thay vào đó, nó hoàn toàn
là tự mình anh em cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nhưng có một số
người học được bài học này và nhận được sự hướng dẫn để khi cầu
nguyện Chúa chữa lành cho con mình, họ cũng có thể nói trước mặt
Đức Chúa Trời rằng: “Đức Chúa Trời ơi, điều này không vì lợi ích
của con mà vì lợi ích của Ngài; đây không phải là việc của con mà
là việc của Ngài. Không chỉ khi một đứa bé này bị bệnh mà cho dù
tất cả con cái con đều bị bệnh và tất cả đều chết hết thì đó là
việc của Ngài chứ không phải là việc của con”.
Thưa anh em, chúng ta phải chạm được nguyên tắc lớn và sâu sắc
này để qua đó đo lường những lời cầu nguyện của mình. Rồi anh em sẽ
khám phá thấy rằng ngay cả trong vấn đề thần thượng như cầu nguyện,
anh em còn đầy dẫy chính mình nhiều biết bao và xuyên qua sự thanh
tẩy của Đức Chúa Trời ít ỏi chừng nào. Dù đó là trong ý định,
động cơ, hay sự trông đợi trong lời cầu nguyện thì đều có một sự pha
trộn bên trong anh em. Đúng là anh em đang cầu nguyện với Đức Chúa Trời,
nhưng trong lòng anh em, chỉ một mình anh em đang cầu nguyện vì lợi
ích của riêng mình. Vì vậy, anh em phải được Đức Chúa Trời xử lý
cho đến một ngày, anh em có thể nói rằng: “Đức Chúa Trời ơi, con cầu
nguyện không vì chính mình, nhưng vì lợi ích của Ngài. Trong động cơ,
ý định và sự trông đợi của con, không có chỗ cho con; trái lại, mọi
sự đều vì ích lợi của Ngài”.
Thưa anh em, nếu muốn học bài học này, chúng ta sẽ không cần
phải van xin hay nài nỉ Đức Chúa Trời thương xót; thay vì thế, chúng
ta có thể cầu nguyện cách dạn dĩ và mạnh mẽ vì chúng ta không cầu
nguyện vì chính mình mà cho lợi ích của Đức Chúa Trời. Tôi rất
thích lời cầu nguyện này của Đa-ni-ên: “Hỡi Chúa, hãy dủ nghe; hỡi
Chúa, hãy tha thứ; hỡi Chúa, hãy để ý và làm đi” (Đa 9: 19). Chắc
chắn rằng, Đa-ni-ên là người xuyên qua Đức Chúa Trời và để cho Đức
Chúa Trời xuyên qua ông. Ông cũng là người cầu nguyện với Đức Chúa
Trời và để cho Đức Chúa Trời cầu nguyện với ông. Vì vậy, ông có
thể cầu nguyện: “Hỡi Chúa, hãy dủ nghe… vì lợi ích của Ngài”. Đây
là nguyên tắc rất cơ bản.
VI.CẦU NGUYỆN
LÀ BIỂU LỘ Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC CHỨA
TRỜI
Mọi lời cầu nguyện đúng đắn cũng là việc con người nói ra ý
định của Đức Chúa Trời. Đúng là anh em đang nói, nhưng ấy là Đức
Chúa Trời Đấng đang biểu lộ ý định của lòng Ngài. Những lời của
anh em là sự biểu lộ ý định của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, anh em có
thể cầu nguyện rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời, xin tha thứ cho các tội
phạm của con”. Lời này biểu lộ niềm khao khát của Đức Chúa Trời là
tha thứ anh em về các tội phạm của anh em. Do đó, lời cầu nguyện
thật không biểu lộ những ý kiến của chúng ta; đúng ra, chúng biểu
lộ ý định của Đức Chúa Trời qua lời phát ngôn của chúng ta.
Chúng tôi đã nói trước rằng mọi lời cầu nguyện đạt tiêu chuẩn
đều không do con người khởi xướng mà do Đức Chúa Trời. Sự khởi xướng
này có nghĩa là Đức Chúa Trời xức dầu ý định của Ngài vào trong
con người. Sau khi nhận được ý định này, người ấy chuyển ý định này
thành lời và thốt ra những lời ấy với Đức Chúa Trời. Đó là cầu
nguyện. Vì vậy, khi anh em cầu nguyện cho sự cứu rỗi của những người
thân và bạn bè mình, nếu lời cầu nguyện của anh em đúng đắn thì anh
em phải tin rằng trong vũ trụ Đức Chúa Trời có ý định cứu người
thân và bạn bè của anh em. Ý định này của Đức Chúa Trời không bao
giờ có thể được biểu lộ hay hoàn thành bởi chính Đức Chúa Trời.
Đó là quy luật. Đức Chúa Trời muốn mọi người đều được cứu; đây là
ý định của Ngài. Nhưng nếu không một ai cầu nguyện cho mọi người thì
họ không thể được cứu. Vì vậy, trừ khi anh em cầu nguyện cho người
thân hay bạn bè của mình và qua đó, biểu lộ sự khao khát của Đức
Chúa Trời thì ý định của Ngài không thể được thực hiện và người
thân hay bạn bè của anh em không thể của cứu. Do đó, khi đến trước
mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, chúng ta đừng vội cầu nguyện theo
ý riêng của mình, vì loại cầu nguyện này thường là do chúng ta khởi
xướng chứ không do Đức Chúa Trời. Khi cầu nguyện, trước hết chúng ta
phải yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời, tương giao với Ngài và để
Ngài xức dầu ý định của Ngài vào trong chúng ta; bởi đó, lời cầu
nguyện của chúng ta có thể biểu lộ ý định của Ngài.
VII.CẦU NGUYỆN LÀ
Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
BƯỚC VÀO Ý ĐỊNH CỦA CON NGƯỜI
Mọi lời cầu nguyện đúng đắn cũng là việc ý định của Đức
Chúa Trời bước vào trong ý định của con người. Người cầu nguyện như
vậy phải là người thường xuyên đến gần Đức Chúa Trời, để cho Đức
Chúa Trời chiếm lấy người và sống trong Đức Chúa Trời; bởi đó Đức
Chúa Trời có cơ hội đặt niềm khao khát của Ngài vào trong người ấy.
Ban đầu, đó là ý định của Đức Chúa Trời, nhưng bây giờ ý định đó
được bước vào trong con người và trở thành ý định bên trong của con
người. Chẳng hạn, như đã đề cập, có thể anh em đang cầu nguyện cho
một người thân hay người bạn nào đó được cứu. Cuối cùng, trong khi
cầu nguyện, anh em bắt đầu biểu lộ niềm khao khát của Đức Chúa Trời
là cứu người đó. Điều này chỉ có thể xảy ra vì anh em là người
đến gần Đức Chúa Trời. Vào một lúc nào đó, trong khi đang đến gần
Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời đặt ý định của Ngài là cứu người
thân hay một người bạn nào đó vào trong anh em; bởi đó, niềm khao
khát của Đức Chúa Trời trở thành niềm khao khát của anh em. Vì thế,
khi cầu nguyện cho vấn đề này, điều đó như thể là anh em đang biểu
lộ sự khao khát của anh em, mà thật ra đó là chính niềm khao khát
của Ngài được biểu lộ ra.
Vì lý do này, nhiều lần khi nhiều người yêu cầu chúng ta cầu
thay cho họ, chúng ta không thể nhận lời yêu cầu đó vì biết rằng lời
cầu nguyện đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời không được theo quyết
định của riêng chúng ta; nhưng theo gánh nặng chúng ta nhận được từ
Đức Chúa Trời khi tiếp xúc với Ngài và chạm được Ngài. Do đó, khi
bắt đầu cầu nguyện, chúng ta không thể đem theo mình các sự việc của
người khác và cầu nguyện cho họ.
Bởi đó, trước khi mở miệng cầu nguyện cho một số vấn đề,
chúng ta cần có một lượng thời gian đáng kể để mở toàn bản thể
mình ra trước mặt Đức Chúa Trời. Không một người nào biết cầu
nguyện lại có thể đến trước mặt Đức Chúa Trời và mở miệng cầu
nguyện ngay. Đúng ra, người mà hàng ngày luôn có một linh cầu nguyện
thì yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời, không nói nhiều và không đề
xuất nhiều. Người ấy cầu nguyện khi những ý định của Đức Chúa Trời
được xức vào trong người từng điều một. Do đó, cầu nguyện cũng là
ý định của Đức Chúa Trời bước vào trong ý định của con người.
VIII.CẦU NGUYỆN
LÀ KHÁT VỌNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
XUYÊN QUA CON NGƯỜI
RỒI TRỞ VỀ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Mọi lời cầu nguyện đúng đắn được thốt ra không phải bằng những
lời hình thành trong tâm trí con người nhưng bằng những lời lưu xuất
từ gánh nặng cụ thể bên trong. Gánh nặng đó đến từ đâu? Đến từ sự
kiện ý định của Đức Chúa Trời đang được xức vào trong chúng ta qua
Linh, và bởi đó, trở thành ý định của chúng ta. Dựa trên ý định
này và gánh nặng cảm nhận được bên trong, chúng ta đến trước mặt
Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Do đó, có thể nói rằng lời cầu
nguyện của chúng ta là ý định của Đức Chúa Trời xuất phát từ Đức
Chúa Trời, xuyên qua chúng ta rồi trở lại với Ngài.
IX.CẦU NGUYỆN LÀ
BỐC DỠ GÁNH NẶNG CỦA CHÚNG TA
TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong lời cầu nguyện đúng đắn, anh em luôn cảm thấy ban đầu bị
đè rất nặng nhưng cuối cùng thì rất nhẹ. Nếu lúc bắt đầu cầu
nguyện, anh em bàng quan và đến lúc cuối anh em vẫn bàng quan; nếu anh
em không bị đè nặng cũng không thấy nhẹ nhõm; nếu dường như không có
gì khác biệt dù anh em có cầu nguyện hay không thì hãy biết rằng
lời cầu nguyện anh em không đạt tiêu chuẩn. Lời cầu nguyện xứng hợp
với tiêu chuẩn phải là lời cầu nguyện trong đó anh em trước hết, đến
gần Đức Chúa Trời. Trong khi anh em đến gần Đức Chúa Trời thì một ý
định nào đó bước vào trong anh em trở thành gánh nặng của anh em,
làm anh em cảm thấy cần phải đến trước mặt Đức Chúa Trời để đổ
lòng mình ra và bốc dỡ gánh nặng của mình. Và sau khi đã cầu
nguyện đủ, lập tức anh em cảm thấy nhẹ nhõm bên trong, gánh nặng
được bốc dỡ. Nếu không có tình trạng này, lời cầu nguyện của anh em
không hoàn toàn đúng đắn.
X.MỤC ĐÍCH CỦA CẦU NGUYỆN LÀ
TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI
Lời cầu nguyện đúng đắn không
phải là làm con người vui hưởng trong sự thành đạt của mình hay đạt
được kết quả, nhưng là làm cho Đức Chúa Trời được vinh hiển 100%.
Đúng là anh em cầu nguyện; đó là Đức Chúa Trời Đấng đáp lời và
hoàn thành lời cầu nguyện của anh em, nhưng anh em không nên có một
chỗ nào trong điều này. Nếu sau khi lời cầu nguyện nào đó được hoàn
thành mà anh em có một chỗ nào trong đó, thì phải biết rằng có
điều gì đó sai trật với lời cầu nguyện của anh em – anh em vẫn chưa
học thấu đáo các bài học cầu nguyện. Cho nên, nguyên tắc này rất
quan trọng.
Trong Giê-rê-mi chương 29, Đức Chúa
Trời phán: “Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Khi bảy mươi năm sẽ mãn
cho Ba-by-lôn, Ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành
cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất này. Đức Giê-hô-va phán: Vì
Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi là ý tưởng bình an, không
phải tai hoạ, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng
của mình” (câu 10-11). Những lời này tuyên bố ý định của Đức Chúa
Trời đối với dân I-xra-ên; đây là những điều Ngài có ý định thực
hiện. Nhưng cho tôi hỏi các anh chị em, làm thế nào Đức Chúa Trời có
thể thực hiện ý định của Ngài? Theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời,
ý định của Đức Chúa Trời phải được thực hiện qua lời cầu nguyện
của con người trên đất. Không có lời cầu nguyện của con người, khát
vọng của Đức Chúa Trời không thể được hoàn thành. Loại người nào
được Đức Chúa Trời dùng để cầu nguyện cho ý định của Ngài? Chỉ có
một loại người, đó là người sống trước mặt của Đức Chúa Trời, chờ
đợi trước mặt Ngài và để cho Đức Chúa Trời khởi xướng. Khi đọc
sách Đa-ni-ên, anh em có thể thấy rằng Đa-ni-ên là người thật sự không
khởi xướng bất cứ điều gì trước mặt Đức Chúa Trời. Ông chờ đợi
trước mặt Đức Chúa Trời, chỉ quan tâm đến Đức Chúa Trời chứ không
quan tâm đến chính mình. Vì thế, ông chạm được và hiểu được ý định
đặc biệt này của Đức Chúa Trời và biết rằng Đức Chúa Trời sẽ lại
xoay chuyển tình trạng phu tù của con cái I-xra-ên khi 70 năm đã mãn.
Vì khao khát của Đa-ni-ên hợp với ý định của Đức Chúa Trời, ông đã
kiêng ăn và đổ niềm khao khát này ra trước mặt Đức Chúa Trời trong
sự cầu nguyện. Như vậy, khát vọng và ý định của lòng Đức Chúa
Trời ra từ Đức Chúa Trời đi vào trong Đa-ni-ên, xuyên qua ông và cuối
cùng trở lại ngai của Đức Chúa Trời. Khi đó, ngai của Đức Chúa Trời
lập tức hành động liên quan đến tình trạng đó. Hành động này sẽ
không vì sự vui hưởng của Đa-ni-ên hay làm cho ông được vinh hiển, nhưng
để Đức Chúa Trời được vinh hiển. Đây là vấn đề rất ý nghĩa. Mặc
dù Đ-ni-ên cầu nguyện cho người khác để Đức Chúa Trời khiến họ trở
về, nhưng chính Đa-ni-ên đã không trở về. Có thể cuối cùng ông đã
trở về, nhưng trong Kinh Thánh không có lời ký thuật rõ ràng về điều
này. Dường như ông đã xin Đức Chúa Trời một điều và Đức Chúa Trời
đã hoàn thành điều ấy, song chính ông đã không dự phần trong kết quả
đó.
Vì thế, về nguyên tắc cầu
nguyện, toàn bản thể anh em từ đầu đến ngón chân phải bị gạt qua
bên. Bản thể anh em không có chỗ trong sự cầu nguyện. Ban đầu, chính
Đức Chúa Trời là Đấng khởi xướng, trong khi tiến hành thì có anh em,
nhưng anh em là người hợp tác với Đức Chúa Trời và cuối cùng, đó
là vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đây là sự cầu nguyện thật – con
người được liên hiệp với Đức Chúa Trời và hợp tác với Ngài trên
đất, để cho Ngài biểu lộ chính Ngài và hoàn thành mục đích của
Ngài qua con người. Chính vì dựa trên điều này mà chúng ta có 10
nguyên tắc này. Bằng cách thử nghiệm 10 nguyên tắc này, anh em có thể
nói mình đang cầu nguyện loại cầu nguyện nào. Nếu tất cả 10 nguyên
tắc này đều áp dụng cho lời cầu nguyện của anh em thì lời cầu
nguyện của anh em trước mặt Đức Chúa Trời là thuần khiết, không có
nhiều sự pha trộn của bản ngã trong đó. Nhưng ngày nay số người trên
đất có thể trải qua thử nghiệm 10 nguyên tắc này thật ít ỏi làm
sao. Điều này đòi hỏi việc học tập các bài học này một cách rất
nghiêm túc. Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng ta để chúng ta có
thể kiên quyết theo đuổi vấn đề này./.