Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

TỘI PHẠM NƠI THÁNH VÀ TRONG CHỨC TẾ LỄ

CNum1632Dore_DeathOfKorahDathanAndAbiram
Đất nuốt Cô rê


Đức Giê-hô-va bèn phán cùng A-rôn rằng: Ngươi, các con trai ngươi, và tông tộc ngươi phải mang lấy những tội lỗi phạm trong nơi thánh; còn ngươi và các con trai ngươi phải mang lấy những tội lỗi phạm trong chức tế lễ.  Cũng hãy biểu đến gần ngươi các anh em mình, là chi phái Lê-vi, tức tông tộc ngươi, đặng các người đó hiệp với ngươi và hầu việc ngươi; nhưng ngươi và các con trai ngươi phải ở trước Trại bảng chứng. Các người đó sẽ gìn giữ điều chi ngươi truyền dạy, và điều nào thuộc về cả Trại; chỉ không nên lại gần những vật thánh, cũng đừng lại gần bàn thờ, e khi chúng nó phải chết, và các ngươi cũng chết luôn chăng.  Vậy các người đó sẽ hiệp với ngươi coi sóc điều chi thuộc về hội mạc, và giữ công việc của Trại; một người ngoại nào chẳng nên đến gần các ngươi.  Các ngươi phải coi sóc điều chi thuộc về nơi thánh và bàn thờ, để đừng có sự thạnh nộ cùng dân Y-sơ-ra-ên nữa.  Còn ta đây, trong dân Y-sơ-ra-ên ta đã chọn lấy anh em các ngươi, là những người Lê-vi, mà ban cho các ngươi, vì đã dâng cho Đức Giê-hô-va rồi, đặng làm công việc của hội mạc.  Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải kỹ lưỡng lo cho xong chức tế lễ, quản trị các điều chi thuộc về bàn thờ, và vật chi ở phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ của các ngươi là một việc ta phong cho như một của ban: người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử.






















Có những qui tắc về sự thờ phượng và nghi lễ tôn giáo thời Cựu ước của dân Y-sơ-ra-ên, cũng như những qui định cho các thầy tế lễ chịu trách nhiệm thi hành những điều luật nầy để họ có thể tránh được những vi phạm tội lỗi khi thi hành chức vụ Chúa giao cho.

Vào thời Môi-se đền tạm là nhà của Đức Chúa Trời, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của toàn dân Y-sơ-ra-ên. Giữa lúc chinh chiến, họ khiêng hòm giao ước của Chúa đi giữa đoàn quân, khi đến nơi đóng trại thì hòm giao ước được đặt trong đền tạm để thờ phượng và cầu vấn Đức Chúa Trời.


Thế nên đền tạm là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời giữa dân Ngài, gồm có ba phần như sau:
  • Nơi chí thánh: là nơi có chứa hòm giao ước, mỗi năm Thầy Tế lễ cả vào đó một lần và phải mang theo hương và huyết của chiên con lễ chuộc tội.
  • Nơi bàn thờ: Mọi người nam Israel và các thầy tế lễ thường xuyên hằng ngày được phép đến khu vực nầy, đứng bên cạnh bàn thờ để hầu việc Chúa và dâng tế lễ. Phần sân ngoài nầy có thùng rửa bằng đồng và bàn thờ bằng đồng để dâng các loại của lễ. 
  • Phần nơi thánh: nằm giữa hai phần kia, gồm có ba vật dụng: bàn thờ vàng xông hương, bàn bày bánh thánh, và chơn đèn bảy ngọn. Hằng ngày, sáng và chiều, các thầy tế lễ ra vào nơi thánh hầu viêc Chúa. Họ phải xông hương trên bàn thờ vàng ngày hai lần, công việc chính của họ là châm dầu vào đèn bảy ngọn, cắt tim đèn, và thay đổi bánh thánh, mỗi tuần một lần vào ngày sa bát. Vì Xuất hành 30:7-8 có chép, “Mỗi buổi sớm mai, khi A-rôn làm đèn, sẽ xông hương tại nơi đó.  Vào lúc chiều tối, khi A-rôn thắp đèn, cũng sẽ xông hương; ấy là một thứ hương phải xông trước mặt Đức Giê-hô-va luôn luôn, trải qua các đời”.

Về sự hầu việc của các thầy tế lễ tại nơi thánh:

Những tội lỗi thuộc trong nơi thánh xảy ra cho chi phái Lê vi, các con trai và tông tộc người có thể mang lấy những tội lỗi vi phạm trong nơi thánh, và vi phạm trong chức tế lể. “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng A-rôn rằng: Ngươi, các con trai ngươi, và tông tộc ngươi phải mang lấy những tội lỗi phạm trong nơi thánh; còn ngươi và các con trai ngươi phải mang lấy những tội lỗi phạm trong chức tế lễ”( Dân 18:1).

Qui tắc về sự thờ phượng và những nghi lễ tôn giáo cùng những qui định cho các thầy tế lễ phải chịu trách nhiệm thi hành những điều luật nầy.Theo (Dân số ký 18:2-3)
“Cũng hãy biểu đến gần ngươi các anh em mình là chi phái Lê vi, tức tông tộc ngươi, đặng các người đó hiệp với ngươi và hầu việc ngươi; nhưng ngươi và các con trai ngươi phải ở trước Trại bảng chứng. Các người đó sẽ gìn giữ điều chi ngươi truyền dạy; và điều nào thuộc về cả Trại; chỉ không nên lại gần những vật thánh, cũng đừng lại gần bàn thờ, e khi chúng nó phải chết, và các ngươi cũng chết luôn chăng.”

Thầy tế lể, con trai và tông tộc sẽ hiệp một để coi sóc hội mạc và công việc của trại, phải thận trọng thi hành chức tế lễ như một đặc ân là thiên chức được ban cho, vì thế người ngoại không được đến gần. Chúa đã chọn những người Lê vi trong dân Israel  hầu việc thuộc Nơi Thánh và bàn thờ để cơn thịnh nộ không giáng trên Israel.

Chúng ta cũng thấy Đức Chúa Trời nhắc nhỡ và cảnh báo họ thận trọng kỉnh kiền trong công việc Ngài giao phó ở câu (Dân 18:7)  “Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải kỷ lưỡng lo cho xong chức tế lễ, quản trị các điều chi thuộc về bàn thờ, và vật chi ở phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ của các ngươi là một việc ta phong cho như một của ban: người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử”

Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy rằng có một số tội chúng ta phạm trước mặt con người, trong khi một số tội khác thì phạm trước mặt Đức Chúa Trời. Một số tội chúng ta phạm nghịch lại các luật thông thường, luật dân sự, luật đạo đức, luật hành vi, trong khi một số khác là các tội lỗi vi phạm trong công tác của Đức Chúa Trời, là những tội nghịch lại nơi thánh của Chúa, tức là có các tội chúng ta phạm trong đời sống hằng ngày, và các tội lỗi mà chúng ta phạm trong công tác của Đức Chúa Trời. Trong Dân số ký chúng ta thấy tội lỗi của các thầy tế lễ là tội nghịch lại nơi thánh. Nếu dùng thuật ngữ ngày nay thì đó là hầu hết các tội lỗi của chúng ta đều là những tội thông thường, nhưng một công nhân của Chúa có thể phạm một vài tội đặc biệt là tội trong công tác của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề nầy.

Những người không tham gia công tác trong hội thánh sẽ không phạm tội về nơi thánh. Nhưng những ai tham dự công việc nhà Chúa, nhiệt thành dâng mình làm tôi tớ Ngài, ngoài tất cả những tội thông thường trong đời tư, họ rất có thể vi phạm thêm tội lỗi thuộc về nơi thánh của Đức Chúa Trời.

Những đầy tớ trưởng thành của Chúa khuyên chúng ta đừng quên ba điều sau đây trong công tác của Đức Chúa Trời:

  1. Khởi xướng công tác của Đức Chúa Trời phải theo ý chỉ Ngài. Chúng ta thường có ý riêng khi nghĩ rằng mình nên làm điều nầy điều kia, nhưng Đức Chúa Trời có chương trình riêng của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta không nên làm cố vấn cho Ngài, mà phải tìm kiếm ý muốn của Chúa trong công tác, rồi tận tâm bước theo công tác đó của Ngài. Chúng ta không có quyền khởi xướng bất cứ điều gì. Ý chỉ của Đức Chúa Trời phải là sự khởi đầu duy nhất cho mọi công tác của Ngài.

  1. Động lực đẩy mạnh công tác Đức Chúa Trời tiến triển là quyền năng thần thượng của Ngài: không phải bằng sức lực và tài nguyên riêng của chúng ta. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn thành ý chỉ Đức Chúa Trời trong công tác Ngài bằng khả năng riêng của mình. Quyền năng và phương tiện một người dùng để hoàn thành ý muốn Đức Chúa Trời vẫn có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta có nguy cơ là sử dụng sức riêng, tư tưởng, ân tứ, hoặc khẩu tài riêng để làm cho công tác Đức Chúa Trời phát triển. Áp ra ham sử dụng sức riêng để sản sinh Ích ma ên, hầu thỏa đáp yêu cầu của Chúa là một ví dụ điển hình.

  1. Kết quả công tác của Đức Chúa Trời phải vì vinh quang của Đức Chúa Trời chớ không phải đem vinh hiển về cho chúng ta. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta chia sẻ vinh quang của Ngài. Do đó Ngài chọn lựa những người yếu đuối, khờ dại mà thế giới coi thường, để chứng tỏ rằng Ngài làm công tác qua họ, chớ không do họ thành đạt công tác Ngài, hầu “chẳng một xác thịt nào khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời” (1 Cor. 1:29). Ngài có thể ban mọi sự cho con người, thậm chí Ngài sẵn sàng ban Con một của Ngài, nhưng Ngài không ban vinh hiển mình cho con người. Sau khi làm được vài việc gì đó cho Chúa như làm báp têm, dẫn dắt ai đó tin Chúa, chúng ta bắt đầu lấy cắp vinh hiển của Đức Chúa Trời. Lấy cắp vinh hiển của Đức Chúa Trời là phạm tội trong nơi thánh của Ngài.

Còn một tội lỗi nữa trong nơi thánh là tội bất cẩn khi đến gần nơi thánh.  Trong (Dân 18: 3) Lời Chúa phán là không được đến gần vật thánh và bàn thờ, nếu vi phạm sẽ bị chết, đó là ý chỉ Chúa nhắc nhỡ cần phải cảnh giác trong sự hầu việc Chúa nơi thờ phượng Ngài vì là nơi thánh, là nơi Đức Chúa Trời ngự để tôi tớ Chúa cầu vấn phải giử sự kính cẩn trang nghiêm và thận trọng trong công việc tế lễ, phải làm đúng theo lời phán dạy. Chỉ một điều bất cẩn chúng ta sẽ thấy ngay hậu quả tai hại vô cùng để chúng ta thấy rằng nơi tôn thờ Chúa là thánh thiện và mầu nhiệm là dường nào.

Cái chết của Na-đáp và A-bi-hu:  là hai người con trai của A-rôn, lúc dâng hương cho Chúa họ đã dâng lên một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va không đúng theo lời phán dặn của Ngài, liền bị lửa của Chúa nuốt tiêu và họ đã chết liền tại chổ (Lê vi ký 10:2-3) “ Một ngọn lửa phát ra từ trước mặt Đức Giê-hô-va thiêu nuốt họ ; họ chết trước mặt Đức Giê-hô-va”“..Đó là điều Đức Giê-hô-va đã phán: Giữa những người đến gần Ta, Ta sẽ tỏ bày đức thánh khiết; Và trước mặt toàn dân Ta sẽ được tôn vinh”.Đó là sự trừng phạt vì không vâng theo lời Chúa dạy tại nơi thánh.

Không được uống rượu khi vào hội mạc:

Chúa có ngăn cấm A-rôn cùng các con trai của ông khi vào hội mạc không được uống rượu và các chất say, nếu vi phạm sẽ phải chết, đó là sứ mạng đời đời của thầy tế lể cùng tông tộc người Lê vi, trải qua thế đại hầu cho họ  phân biệt đươc điều thánh và điều chẳng thánh, sự thánh khiết và sự chẳng thánh khiết để họ kính cẩn gìn giữ không bị sai phạm .

Người có bệnh tật không được dâng lễ thánh:

Vì là người lãnh đạo dân chúng nên thầy tế lễ không được để cho mình bất khiết và phàm tục nên qua mọi thế hệ không một người nào trong dòng dõi làm chức tế lễ có khuyết tật được đến gần để dâng thức ăn lên Đức Chúa Trời mình (Lê vi 21:18-21) “Không một ai có khuyết tật như sau mà được đến gần: người mù loà, què quặt, dị tướng, dị dạng. Người bị gãy chân hay gãy tay, gù lưng, còi cọc, mắt có tật, ghẻ chốc, vẩy nấm, hay tinh hoàn bị giập. Bất cứ người nào trong dòng dõi A-rôn bị khuyết tật đều không được đến gần để dùng lữa dâng tế lễ lên Đức Giê-hô-va. Vì bị khuyết tật, người đó cũng không được đến gần dâng thức ăn lên Đức Chúa Trời mình” Còn người được ăn vật thực của Chúa là các vật chí thánh, vật đó được biệt riêng ra thánh nhưng họ không được đi đến  bức màn và gần bàn thờ mà có tật nơi mình để các nơi thánh không bị ô uế, bởi do Đức Giê-hô-va đã làm nơi đó nên thánh. Vì ý của Chúa là: “Ta sẽ nhờ những kẻ lại gần ta được thánh hoá và được vinh hiển trước mặt cả dân chúng”.

Tính cách, tâm tính của người đến gần Chúa để hầu việc Ngài rất là hệ trong. Còn cách thức người đến gần Ngài cũng quan trọng không kém. Chúa sẽ được tôn thánh và vinh hiển hay không trước mặt dân chúng là do họ.

Dân số ký 18 cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa những vật thánh và những vật tầm thường. Có nhiều điều thánh và không tầm thường. Các thầy tế lễ thay bánh thánh, châm dầu vào đèn bảy ngọn, xông hương mỗi ngày, năm nầy qua năm kia, dễ rơi vào tình trạng nhàm chán, coi thường các vật thánh, và bất cẩn làm sai trật.

Lần đầu tiên anh em làm báp têm cho ai, chia sẽ bài giảng, bẻ bánh, anh em rất nghiêm túc, nhưng dần dần mọi việc thánh đó trở nên tầm thường cho anh, là lúc anh em có thể phạm tội trong nơi thánh rồi.

Đức Chúa Trời cấm những người có các khuyết tật đó đến gần hầu việc Ngài. Thật ra, câu nầy không áp dụng theo nghĩa đen cho dân Tân ước, vì ngày nay giữa hội thánh có nhiều đầy tớ Chúa chột mắt, có tật chân..v.v. Nhưng nguyên tắc thuộc linh ở đây là—những ai xác thịt, “có một khuyết tật trong mình”, tức là còn các khuyết tật thuộc linh như mù lòa, bất thường, loạn thị, câm điếc, không quân bình thuộc linh, cực đoan, dị dạng, không nên đến gần hầu việc Chúa. Ngài không chấp nhận công tác của những người khuyết tật thuộc linh như vậy.

Kinh thánh Cựu ước chép lại những gương xấu về những người phạm tội trong nơi thánh “để dạy dỗ chúng ta, hầu nhờ sự nhẫn nại và sự yên ủi do Kinh thánh mà chúng ta được hi vọng”. Trong Cô-rinh-tô 10: Phao lô cũng nói thêm, “những sự đó đều treo gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ ham muốn điều ác như họ đã ham muốn”.

Có nhiều trường hợp về những người phạm tội trong nơi thánh như: 

       -    Vua Sau-lơ đã chiến thắng dân Am môn, dân A ma léc cách hiển hách, ông liền   
            lấy thái độ ngạo mạn, tự thị dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời, và bị mất nước.
-          Na đáp và A bi hu, hai thầy tế lễ, hai con trai của A rôn, tự ý dâng lửa lạ lên bàn thờ xông hương và Chúa đã giết họ chết.
-          Bè đãng Cô rê và 250 nhà lãnh đạo Israel vào thời Môi se dâng hương, đã bị ngọn lửa thánh khiết của Đức Chúa Trời quét sạch. Còn gia đình Cô rê bị đất hả miệng ra nuốt mất.
-          Ba chị em Mi ri am, A rôn, Môi se, tạm gọi là những bậc khai quốc công thần đối với vương quốc Israel và Vương quốc Chúa, nhưng vì có tội trong nơi thánh, họ đều ngã chết trong đồng vắng, không được phép vào đất hứa. Miriam lên mặt với Môi se, vì bà là ân nhân của Môi se, rồi vì ganh tị, và bà bị Chúa hình phạt cách nghiêm khắc.
-          Vua Ô xia, lấy tư cách, thái độ của vị vua thành đạt, thành công  đã vào nơi thánh với ý định dâng hương cho Chúa. Đức Chúa Trời hình phạt ông bị bệnh phong, phải ở riêng đến mãn đời, cách ô nhục.
-          Khi Hội thánh vừa khai sinh tại Jerusalem, hai vợ chồng A na nia và Sa phia ra, đã phạm tội trong nơi thánh, trước buổi nhóm họp của Hội thánh. Chúa phán xét cho hai ông bà tắt thở ngay tại chỗ.

Có ba hậu quả hay ba sự hình phạt dành cho người có tội phạm trong nơi thánh của Chúa:

Thứ nhất, là mất quyền năng sự sống, con người trở nên nhạt nhẽo, vô vị trong chức vụ mình. Thứ hai, là nếm trải sự chết thuộc linh, thậm chí có thể mắc bệnh hoặc chết cách thuộc thể. Đức Chúa Trời không cho phép những người phạm tội như vậy tiếp tục hầu việc Ngài. Thứ ba là phải chịu sự xét đoán tại tòa án Đấng Christ. Tại đó sẽ không có tội lỗi nào lớn hơn tội phạm trong nơi thánh của Đức Chúa Trời được xét xử.

Chúng ta thấy tội nghịch tại Nơi thánh thì không cần đến con người phán xét, Đức Chúa Trời sẽ trực tiếp phán xét điều đó. Những ai đến gần nơi thánh cách khinh suất đều bị chết ngay lập tức. Những tội thông thường Chúa xét đoán chậm hơn, nhưng tội phạm nghịch lại Nơi thánh là tội xúc phạm trực tiếp nghịch lại Đức Chúa Trời, Ngài sẽ trức tiếp phán xét tội đó. Vì đó là nơi thánh thuộc về Đức Chúa Trời, nơi cư ngụ của Ngài, và các tội lỗi trong nơi thánh là xâm phạm đến vinh hiển Đức Chúa Trời, xâm phạm đến chính Đức Chúa Trời. Đấy là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Có thể ngày nay Chúa không lập tức giết ngay người phạm tội nơi thánh, nhưng kẻ phạm tội bị Ngài loại ra khỏi công tác hay họ sẽ rơi vào tình trạng khô hạn, chết chóc thuộc linh trong chính mình, không còn được hội thánh yêu chuộng nữa.

Thưa anh em,
Chúa khuyên chúng ta cầu xin Chủ Mùa gặt sai thêm nhiều con gặt vào đồng lúa chín vàng. Những vị tôi tớ lớn của Chúa luôn luôn động viên những con cái Chúa có một ta lâng của Chúa, đang chôn giấu dưới đất, thì hãy mau đào ta lâng mình lên để dự phần hầu việc Chúa. Cá nhân tôi thật vui mừng, vì so với hơn ba thập niên trước, ngày nay số lượng tôi tớ phục sự Chúa trong các hội thánh người Việt trên toàn cầu đông hơn số lượng người hầu việc Chúa trước năm 1975 rất là nhiều. Tác giả Thi thiên 110: 3 nói, “dân Chúa sẽ tình nguyện hiến thân. như sương móc trong lòng rạng đông,”

Nhưng anh em ơi, tôi thật sự lo ngại khi còn nhìn thấy nhan nhản đây đó nhiều công nhân phạm tội trong nơi thánh, rất nhiều người mệnh danh tôi tớ thánh của Đức Chúa Trời đang gây án trong công tác thần thượng của Ngài.

Anh em có thấy ai đó đang ưa đứng đầu (the first) như Đi-ô-trép giữa anh em mình không? ( 3 Giăng 9)  Người đó cũng đang lấy lời xấu xa nói càng, nói nghịch cùng các bậc trưởng thượng không? Anh em có thấy một số người đang đánh đập bạn đồng công, đồng ngũ của mình chăng? Anh em có thấy một số người đang hầu việc Chúa theo lối bao sân, giành đất, không biết vị trí hạn chế của mình trong Thân Thể Chúa, mà cứ lo chủ trị trên đức tin và chức năng của các chi thể khác không? Phao lô trăn trối với Ti mô thê, là con thuộc linh, và là bạn đồng lao trẻ rằng có Alexandre làm hại ông nhiều, và hết sức chống cự lời Phao lô giảng. (2 Tim 4:14-15). Có các Alexandre như vậy hôm nay, đang tấn công chức vụ rao giảng lời lẽ thât của người khác, và hãm hại chức vụ người khác nặng nề. Anh em có thấy họ chăng?...

Ôi vàng thau lẫn lộn, ngọc đá không phân! (2 Ti-mô-thê 2:20) tiên đoán trước khi Hội thánh chung trở thành Nhà Lớn, đầy vẽ phô trương và bề ngoài, thì sự phân biệt những chiếc bình vàng, bình bạc với bình gỗ, bình đất sẽ là câu đố khó cho mọi tín đồ. Xin Chúa giải cứu chúng ta khỏi những chiếc bình gỗ và bình đất ấy, là những tôi tớ Chúa đang gây tội phạm rất nhiều trong nơi thánh ngày nay.

Chúng ta thấy chẳng riêng tôi tớ Chúa bị vấp phạm với Ngài ở thế hệ ngày nay và mai sau, mà ngay cả thời trước sử sách còn ghi lại một tấm gương tôi tớ Chúa bị trừng phạt ngay tức khắc vì lý do gì? Chính là việc Đức Chúa Trời đã giết Vua Sau lơ, người Chúa chọn, là đầy tớ của Đức Jehovah, là vị khai sáng vương quốc Israel, như sau:“Ấy vậy, vua Sau-lơ chết, vì tội lỗi mình đã phạm cùng Đức Giê-hô-va, và vì chẳng có vâng theo mạng lịnh của Ngài; lại vì đã cầu hỏi bà bóng,  chẳng có cầu hỏi Đức Giê-hô-va; vậy, vì cớ ấy Ngài giết người, dời nước người cho về Đa-vít, con trai Gie-sê.” ( 10:13-14).
Vua đã phạm tội trong công tác của Đức Chúa Trời. Thế nên chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa thương xót giải cứu các tôi tớ Chúa đang thừa hành công tác của Ngài biết ý thức vâng giữ mạng lệnh Chúa và ghi khắc lời Ngài hầu tránh khỏi tội vi phạm nầy cùng Chúa. Amen./

Minh Khải –Gò Công 14-3-2013