Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

TRUYỀN GIẢNG TRONG BẢO TỐ


                                   
Tôi rời VN với tâm trạng của một người “bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ dòng sông…”.  Ngày tôi đi, lòng tôi đau, nỗi đau nghìn trùng. Tôi đi mang theo tất cả, chỉ để lại con đường, những con đường in hằn vết chân các bạn đồng hành.  Với tâm trạng như thế, tôi đến thờ phượng Chúa trong một nhà thờ mà mỗi tuần tôi đều phải khóc, dù không ai làm phiền gì tôi.  Sau một năm ngồi yên lặng, chứng kiến, lắng nghe những điều thật xót xa cho nhà Chúa và cho bầy chiên, tôi xin đi truyền giáo.  Đây cũng là một việc quá lạ đối với HT này. 


Tôi xin đến Bayou La Batre (Alabama), nơi có trận bảo Katrina tàn phá gần như trơ trọi cả một vùng.  Một năm nay, HT có cử Thi, một thanh niên dến đó để giúp đở đồng bào xin trợ cấp, xin phiếu khám sức khoẻ, chở đi khám bệnh…. Chúng tôi đi ba người: hai MS trẻ và tôi.  Sau ba ngày thăm viếng và tổ chức một buổi truyền giảng đầu tiên để thăm dò, Chúa cứu được bảy người.  Vì bận việc HT, hai vị MS về trước, tôi ở lại thêm hai tuần nữa với Thi, cùng chiên đấu lẻ loi. Vị Bishop người Mỹ hỏi tôi: “Lần truyền giảng sắp tới ai lo? Ai giảng? Ai hướng dẫn chương trình? Ai tập hát? Ai cầu nguyện cho đồng bào tiếp nhận Chúa? Ai lo âm thanh? Ai lo power point?” Ông lắc đầu khi nghe chỉ một tiếng trả lời từ một phụ nữ: “Tôi!”.  Mỗi đêm, Thi và tôi cầu nguyện, góp ý cùng nhau.  Tôi lắng nghe Thi nói về những gì Thi biết nơi đây.  Tôi cũng cần Thi góp ý cho bài giảng dù rằng Thi chưa học gì về thần học.  Suốt ngày, chúng tôi đi thăm đồng bào và lắng nghe.  Người Việt nơi đây đa số là những thuyền nhân đến từ Rạch Giá, Hà Tiên.  Thuyền đáp vào đây, đồng bào “xin chọn nơi nầy làm quê hương”, không đi đâu hết.  Từ già đến trẻ, không học hành, không hội nhập gì với xã hội Mỹ.  Chúng tôi đi trên những con đường đá đỏ gồ ghề như ở VN.  Chúng tôi đến khu nhà lắp ráp của chánh phủ cất lên, từng dãy nhà tôn giống nhau, bên vòng rào có tấm bảng ghi dòng chữ “Village Bayou”.  Nhà nhà đều có sân cỏ mênh mông, nước ngập xâm xấp, đi phải vén quần.  Trong sân nhà, đầy những dây bầu, dây mướp, cây bạc hà, rau, cà… Thậm chí có những hàng lu để dọc mái hiên để hứng nước mưa!  Ngoài sân, thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy vài bà cụ ngồi vò quần áo trong thau xà bông. Có một nơi như thế trên đất Mỹ!  Vào nhà nào, chúng tôi cũng nghe tâm sự vơi đầy:

-“ Cô ơi, trai tráng ở đây, chiều thứ Sáu lãnh lương, đem nướng tiền vào sòng bạc, tối Chúa Nhật trở về, mặt mày phờ phạt, ủ rũ…. Và cứ tiếp tục hết tháng ngày”
-“ Cô ơi, khi lớp già chúng tôi chết hết, con cháu chúng tôi không biết đi về đâu?” (Nơi đây, hiện có trên 100 trẻ em đang bị nhốt trong tù!”

Chúng tôi cũng nghe được, nơi một ông cụ nửa mê nửa tỉnh, thuật lại câu chuyện con trai của ông chở cháu đi trong xe, đi nhậu, bỏ con trong xe, chiều ra, đứa bé chết khô, da nứt nẻ….
Có một người cha trẻ, đứng trên cầu, nắm chân bốn đứa con, từng đứa quăng xuống cầu như người ta ném rác!!.....

Suốt tuần, Thi đi mời, nhờ người nấu ăn, chúng tôi tiếp tục đi thăm viếng.  Giảng gì đây? Hát gì đây? Tôi nhớ Thầy LHK có dạy: “Hoa Sen, Hoa Sún chỉ có thể nở hoa khi thân cây của nó ăn rễ sâu trong bùn lầy, nếu nó chê ao bùn đó, chỉ có thể khô héo.  Khi chúng ta xa rời nền văn hóa của dân tộc mình thì chúng ta cũng như cây bị bứng khỏi mảnh đất nó đã ăn rễ sâu hay tệ hơn, như con cá bị quăng ra khỏi nước”.

Tôi quyết định đem những bài dân ca đã phổ lời thánh ra sử dụng trong buổi truyền giảng này.  Tôi cũng ứng dụng hai câu ca dao mà người Việt nào cũng thuộc:
Lạy Trời mưa xuống…..” và “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.  Đó chính là “Kính Chúa, yêu người”.  Lời Chúa và chính Chúa Jêsus rất thân gần với dân tộc Việt. 

Còn một ngày nữa thì chương trình bắt đầu.  Đài khí tượng thông báo có bảo lớn.  Chương trình ca nhạc của đoàn văn nghệ đã bán vé, bây giờ trả vé và cáo lỗi.  Ca đoàn của một HT ở California hứa yểm trợ, bây giờ cũng không đến được.  Thi đi hồi lại chương trình, nhưng đồng bào không đồng ý.  Anh chị em nói: “Chúng tôi sẽ xăn quần lội đến, đừng bỏ, chúng tôi buồn lắm!!”

Buổi chiều hôm đó, đồng bào đến hơn bảy chục người. Thi lo điều động thức ăn và đón rước những anh chị em ở xa.  Một mình tôi “bò dưới đất” cắm dây điện, thử máy móc….Lo lắng tràn ngập lòng tôi.  Chúng tôi sắp ghế vòng tròn…

Mở đầu buổi truyền giảng, làn điệu dân ca trổi lên, già trẻ vổ tay reo hò, hát thật to…Quá bất ngờ cho tôi. Tôi lau nhanh dòng lệ, niềm phấn khởi dâng trào.  Một luồng sinh lực chạy trong tôi, tôi không còn cảm giác “chỉ có một mình”.  Tôi quay cuồng trong những bài hát, bài giảng, những trò chơi, lời mời gọi tiếp nhận Chúa.  Tổng cộng khoảng ba mươi người tin nhận. Khi mọi người ăn uống, tôi ngồi thở trong góc, nước mắt tuôn trào vì sung sướng, vì cảm động.  Bố con ông Bishop “bò xuống đất” thu xếp hiện trường và đem đến cho tôi dĩa thức ăn.  Ai cũng nói: “Vui quá! Thật là vui!”.  Vâng, thật là vui. “Tạ ơn Cha Từ Ái đã cứu anh chị em, tạ ơn Cha Từ Ái đã sử dụng con”

Đêm về, nụ cười còn trong giấc ngủ của tôi.  Nhưng, trời tờ mờ sáng, loa phóng thanh kêu vang: “Mọi người chuẩn bị trốn bão!”. Thi chạy cuống cuồng lo cho các cụ già, phi cơ chuyến về của tôi delay.  Ngày hôm sau, đồng bào vẫn nhốn nháo, phi cơ vẫn delay! Thế đấy, cuộc sống ở Bayou La Batre là thế.
Sau ba ngày chạy đua trốn bão, Thi chở tôi ra phi trường.  Đường đêm vắng vẻ, cây cối rậm rạp hai bên đường, xa xa thấp thoáng những hàng cột dạ quang.  Trên cao, trăng lưỡi liềm mĩm cười với tôi….Thi hỏi tôi nho nhỏ: “Cô biết tại sao mọi người đều bỏ hết, chỉ còn lại hai cô cháu mình?”. Tôi im lặng.  Thi tự trả lời: “Vì Chúa muốn chỉ ban ân phước này cho Cô và em”

HT Bayou được mở ra….Tôi trở vể nơi HT “nhà”, một HT mà có lần tôi tâm sự nhiều điều với Thầy LHK. Trong điện thư hồi âm, Thầy viết: “Đọc chuyện Một Nghìn Lẻ Một Đêm của cô P.T., nước mắt Thầy bổng nhiên rơi lả chã, rơi không ngừng được.  Vì sao Tin Lành đã thành Tin Ác, vì sao Tin Mừng đã thành Tin Dữ”.  Xa quê hương hơn nửa đời người, tâm tình của Người Thầy Dấu Yêu là như thế đó.  Chúng ta có khóc được như Thầy khi nhìn thấy Tin Lành thành Tin Dữ không? Là những học trò, chúng ta có chuyên chở hộ Thầy những gánh nặng nầy không?

Và, hiện nay, Chúa ban cho tôi một nơi chốn bình yên: một HT ở South Phila, người Việt gốc Hoa.  Mỗi lần nguyện cầu, tôi thưa với Chúa trong dòng nước mắt: “Tạ ơn Chúa, Chúa biết lòng con, ban cho con một nơi chốn bình yên, thật bình yên!”
Ghi lại những dòng này để nhân lên nỗi vui và để tri ân Thầy, người Thầy chẳng những dạy dỗ mà còn chia sớt niềm vui nỗi buồn với học trò trong suốt hành trình tiến về Thiên Quốc.

Hoa Sa Mạc