Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

BA NẤM MỒ-


 

Tại sao cuối sách Giô-suê, một nhân vật nào đó, có thể là Phi-nê-a, do lời đặn dò trước của Giô-suê, đã đặt bút miêu tả ba nấm mồ của ba nhân vật thượng thặng là Giô-suê, Giô-sép và Ê-lê-a-sa?

Tại sao sau những trang sử vẻ vang chinh phục đất hứa cách oai hùng, sách Giô suê lại chấm dứt với một cảnh trạng ảm đạm dường như tuyệt vọng vậy?

1.    Mộ của Giô-suê:

“Sau các việc đó, Giô-suê, con trai Nun, đầy tớ Đức Gia-Vê qua đời, thọ được một trăm mười tuổi. Người ta an táng người trong lãnh thổ cơ nghiệp người tại Thim-nát Sê-rách, trên miền rừng núi Ép-ra-im, phía bắc núi Ga-ách” (Giô-suê 24:29-30).

 Dù là con người thông thường hay tôi tớ Chúa, ai cũng phải chết, nhưng tại sao Chúa cho phép chép về ngôi mộ của Giô-suê tại đây.? Giô-suê là người lãnh đạo dân Israel chinh phục đất hứa trong một thời gian dài chừng 40 năm. Ông ra khỏi Ai cập và theo làm tôi tớ hầu hạ Môi se vào năm khoảng 20 tuổi. Sau khi Môi-se qua đời, ông được 60 tuổi, rỗi dẫn dắt dân Israel trong 40 năm chinh phục xứ thánh. Năm ông 100 tuổi, cuộc chinh phục đất hứa dừng lại,  lúc ấy Chúa phán với ông, “Khi Giô-suê về già, tuổi đã cao, Đức Giê-hô-va phán với ông rằng: “Con đã già, tuổi đã cao, mà đất phải đánh chiếm thì còn nhiều lắm.  Đây là đất còn lại: Tất cả các địa phận của dân Phi-li-tin và tất cả các địa phận của dân Ghê-su-rít gồm từ sông Si-cô đối diện Ai Cập cho đến biên giới Éc-rôn về phía bắc, vốn được coi là thuộc về dân Ca-na-an . Địa phận của dân  A-vim  từ phía nam, toàn xứ Ca-na-an và Mê-a-ra, vốn thuộc về dân Si-đôn, cho đến A-phéc và đến tận biên giới dân A-mô-rít.  Địa phận của dân Ghi-bê-lít, và cả Li-ban về hướng mặt trời mọc, từ Ba-anh Gát ở chân núi Hẹt-môn cho đến cửa khẩu của Ha-mát. Còn tất cả cư dân miền đồi núi, từ Li-ban cho đến Mít-rê-phốt Ma-im, luôn cả dân Si-đôn… “ (Giô- suê 13;1-6)

 Lãnh thổ đất hứa còn rộng hơn những gì đã chinh phục rồi, nhưng không có người kế tục công cuộc chinh phục và về mặt khác, dân Israel chưa đủ dân số để chiếm hữu và vui hưởng hết miền đất, nên công cuộc chinh phục phải dừng lại. Và cuộc đời Giô-suê sau 10 năm hưu hạ tại thành phố sản nghiệp, Thim-nát Sê-rách (Phần Hưởng Từ Mặt Trời),  ông đã qua đời và được chôn cất tại đó. Nấm mồ của Giô-suê nói lên rằng công cuộc chinh phục đất hứa phải dừng lại.

Cuộc đời của Cơ Đốc nhân cá nhân hay nếp sống của giáo hội nói chung phải tiếp tục tiến lên, không được phép ngừng. Trong Cựu ước khi nào dân Chúa dừng lại thụ hưởng, từ bỏ tư thế thượng phong, quên tư thế chiến thắng trên kẻ thù, ngày đó dân Chúa thối lui và sa bại. Đa- vít nói ngày nào tôi kêu cầu, có nghĩa ông phải tranh chiến cùng các quỷ trong sự cầu nguyện tiếp tục không ngừng, nếu ngừng cầu nguyện đuổi quỷ, ma quỷ sẽ tấn công, Đa vít thất bại, “Ngày nào con kêu cầu, Các kẻ thù của con sẽ thối lui” (Thi thiên 56:9).

 Cuộc đời chiến thắng của bạn, đáng lẽ là: “nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần (Rô. 8:37), bạn đã dừng lại, sống hưu hạ, buông vũ khí, ngừng đuổi quỷ mỗi ngày, giống như  bạn  bị chôn cất trong nấm mồ như Giô suê phải không? Cộng đồng dân Chúa ngày nay, đã bỏ mất thế đắc thăng trên kẻ thù, nên hội thánh của bạn có bị chôn lấp chưa?

 Bạn còn có thể hát bài hát sau đây chăng?--

 “Nào dám đánh mất thế đắc thắng ấy,

Jesus lãnh đạo tôi tiến,

Miền bóng tối chẳng thể cản lối,

Thẳng đến ngai vàng vinh hiển,

Cho tôi, người lính Ngài, Chúa ơi,

Thêm năng lực sử dụng gươm,

Cho tôi làm người luôn đắc thắng,

Bởi chính Lời là gươm thánh”.

Từ trong Cựu ước đến Tân ước, Chúa luôn muốn chúng ta: “đi tới, sức lực lần lần thêm” (Thi 84:7), “ơn càng thêm ơn” (Giăng 1:16), từ “đức tin đến đức tin“ (Rô ma 1:17) và “vinh quang đến vinh quang” (2 Cor. 3: 18), Ngài không bao giờ muốn chúng ta hưu hạ hay chịu chôn vùi hoặc dừng lại.

2.    Mộ của Ê-lê-a-sa:

Ê-lê-a-sa, con trai A-rôn, cũng qua đời và được an táng tại Ghi-bê-a, là nơi Phi-nê-a, con trai người được cấp trên miền đồi núi Ép-ra-im” (Giô suê 24:33).

Ê-lê-a-sa là con trai A-rôn, là thượng tế nối nghiệp A-rôn, khi A-rôn đã chết vào năm thứ 40 cuối hành trình qua sa mạc.

Về sản nghiệp cấp cho con cháu Kê-hát, nhà Lê vi, thì Giô-suê 21:4-5 chép, “Người ta bắt thăm cho các họ hàng Kê-hát; những con cháu của  thầy tế lễ A-rôn về dòng Lê-vi bắt thăm được mười ba thành bởi trong chi phái  Giu-đa, chi phái Si-mê-ôn, và chi phái Bên-gia-min.  Còn những con cháu khác của Kê-hát, theo thăm được mười cái  thành của chi phái Ép-ra-im, của chi phái Đan,và của phân nửa chi phái  Ma-na-se”. Lê-vi sinh Kê-hát, Ghẹt-sôn và Mê-ra-ri là ba chi tộc người Lê vi. Kê-hát sinh Am-ram, Dít-sê-ha, Hếp rôn và U-xi-ên.

Dít -sê ha sinh Cô-rê, tổ phụ của tiên tri Samu-ên, nên 1 Samu-ên 1 chép Sa-mu-ên  xu61t tah6n từ vùng đồi núi chi phái Ép-ra-im. Còn Ê-lê-a-sa là con trai A-rôn, mà theo Giô 21:13-19 “Người ta cấp cho con cháu thầy tế lễ A-rôn thành Hếp-rôn, là thành ẩn náu cho kẻ sát nhân, và đất chung quanh thành; Líp-na và đất chung  quanh thành,  Giạt-thia và đất chung quanh thành, Ê-thê-mô-a và đất chung  quanh thành.  Hô-lôn và đất chung quanh thành, Đê-bia và đất chung quanh  thành,  A-in và đất chung quanh thành,Giu-ta và đất chung quanh  thành, Bết-Sê-mết và đất chung quanh thành: hết thảy chín cái thành của hai chi  phái nầy.  Người ta lại lấy trong chi phái Bên-gia-min mà cấp cho họ,  Ga-ba-ôn và đất chung quanh thành, Ghê-ba và đất chung quanh thành,  A-na-tốt và đất chung quanh thành, cùng Anh-môn và đất chung quanh thành: hết thảy bốn cái thành.  Cộng các thành của những thầy tế lễ, con cháu A-rôn, là mười  ba cái thành với đất chung quanh”. Như vậy đáng lẽ sản nghiệp của Ê-lê-a-sa phải ở thành hếp rôn, là thành ẩn náu, trong chi phái Giu đa.

Nhưng Giô suê 24:33 lại chép “Ê-lê-a-sa, con trai A-rôn, cũng qua đời và được an táng tại Ghi-bê-a, là nơi Phi-nê-a, con trai người được cấp trên miền đồi núi Ép-ra-im”. Tại sao Ê-lê a-sa bậc tôn trưởng của nhà A-rôn không được cấp  sản nghiệp tại Hếp rôn mà phải lãnh cơ nghiệp tại vùng núi Ép-ra-im?

Nên Giô suê 21 giải thích vấn nạn đó, “Những người Lê-vi thuộc về họ hàng con cháu khác của Kê-hát,  được mấy thành trong chi phái Ép-ra-im làm phần của mình. Người ta cấp cho họ Si-chem, thành ẩn náu cho kẻ sát nhân, ở trên núi Ép-ra-im, và đất chung quanh thành, Ghê-xe và đất chung quanh thành,  Kíp-sa-im và đất chung quanh thành, Bết-Hô-rôn và đất chung quanh thành: hết thảy bốn cái thành.  Người ta lấy trong chi phái Đan,cấp cho họ Ên-the-kê và đất chung quanh thành, Ghi-bê-thôn và đất chung quanh thành,  A-gia-lôn và đất chung quanh thành, Gát-rim-môn và đất chung quanh thành: hết thảy bốn cái thành.  Lại lấy trong phân nửa chi phái Ma-na-se, Tha-a-nác và đất chung quanh thành,Gát-Rim-môn và đất chung quanh thành: hết thảy hai cái thành.  Cộng là mười cái thành và đất chung quanh thành cho những họ  hàng của các con cháu khác của Kê-hát”.

 Trên đồi núi Ép-ra-im có Si chem là thành phố ẩn náu, rất lớn, lưu dấu lịch sử của cha ông như Áp-ra-ham, Gia cốp. Tại sao Phi-nê a không được lãnh sản nghiệp tại Hếp rôn mà lãnh lại vùng núi Ép ra im, rất có thể  là Si chem, nhưng chưa chắc lắm? nên Sau đó Ê-lê-a sa được chôn cất tại đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại  rằng thượng tế A-rôn có 4 con trai, đều là thầy phó tế: Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-sa và Y-tha-ma. Hai con đầu vì dâng hương bằng lửa lạ, Chúa phạt cả hai đều chết. Ê-lê-a- sa lên làm thượng tế và truyền lại cho Phi-nê-a. Trong thời Các quan xét, “Đương khi ấy, hòm giao ước của Đức Chúa Trời ở tại đó, có Phi-nê-a, con trai Ê-lê-a-sa, cháu A-rôn, phục sự trước mặt Đức Giê-hô-va. Vậy, dân Y-sơ-ra-ên cầu vấn Đức Giê-hô-va mà rằng: Tôi còn  phải giao chiến cùng người Bên-gia-min, anh em tôi, hay là tôi phải đình lại? “ (Thẩm 20:27-28).

 Vào đầu sách 1 Sa-mu-ên,  chúng ta không biết tại sao chức tế lễ của nhà Phi-nê-a chuyển sang cho nhà Hê li, thuộc dòng Y-tha-ma, vốn không được làm thượng tế khi A-rôn còn sống.

 Có A-bia-tha, dòng Hê-li theo hầu việc Chúa bên cạnh vua David lưu vong. Sau đó có Xa-đốc, dòng dõi của Ê-lê-a-sa, đầu quân theo David với 22 anh em chi tộc Ê-lê-a-sa (1 Sử kí 12: 26-28). Khi David lên ngôi tại Si-ôn, A-bia tha, chi tộc Y-tha-ma,  làm thầy thượng tế, nhưng khi Sa-lô-môn lên ngôi, A-bi tha bị loại bỏ, và con của Xa đốc, chi tộc Ê-lê-a-sa, làm thượng tế.

 Có thể có sự tranh trưởng, có xảy ra sự tranh giành của nhà Y tha ma, nên Phi- nê -a, thay vì nhận cơ nghiệp tại Hếp-rôn đã phải nhận tại vùng Si chem, và bố của ông, là Ê-lê-a-sa, phải sống hưu hạ và được chôn cất tại vùng đó.

 Ngôi mộ của Ê-lê- a-sa nói lên sự chôn cất của chức tế lễ chính thống, do Chúa ấn định cho nhà Ê-lê-a-sa, chờ đến ngày Sa-lô-môn lên ngôi phục hồi.

 Ngày nay cũng có sự tranh giành, sự tranh trưởng thắng lợi của những mục tử thế mạnh. Nhiều sự oan ức, thua thiệt, nhiều tôi tớ Chúa bị chôn vùi trong suốt thời kỳ ám thế, chờ vào lúc Sa-lô-môn, tượng trưng Đấng Christ trong vương quốc thiên hi niên biện minh cho kẻ cô thế và trừng phạt, sa thải kẻ bất pháp, bất lương, bất nghĩa.

3.    Mộ của Giô-sép

“Hài cốt của Giô-sép mà dân Y-sơ-ra-ên đã đem ra khỏi Ai-cập  được an táng tại Si-chem, trong miếng đất Gia-cốp đã mua của con cái Hê-mô, cha Si-chem,giá một trăm nén bạc;dòng dõi Giô-sép được đất này làm cơ nghiệp” (Giô-suê 24: 32).

 Theo thứ tự ngôi mộ Giô-sép đứng thứ nhì, nhưng tôi muốn đem xuống bàn luận sau hai ngôi mộ kia để làm giải pháp cho hai nấm mồ chứa nhiều  tiêu cực, oan ức trong đó.

 Sáng thế kí 50: 25-26 chép, “Giô-sép bảo các con trai của Israel thề mà rằng: Quả thật,  Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ  nầy.  Đoạn,Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một cái quan tài tại xứ Ai-cập”.

 Xuất hành 13:19 chép tiếp, “Môi-se dời hài cốt Giô-sép theo mình, vì Giô-sép có bắt dân Y-sơ-ra-ên thề quyết rằng: Chắc Đức Chúa Trời sẽ viếng các ngươi; hãy dời hài cốt ta theo các ngươi khỏi đây”.

Hài cốt của Giô-sép được táng tại Si-chem, nên sứ đồ Giăng miêu tả, “Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần  đồng ruộng mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình.  Tại đó có cái giếng Gia-cốp… Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng nầy lại cho chúng tôi, chính người uống  giếng nầy, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa” (Giăng 4:)

 Giô sép làm tiêu biểu cho Đấng Christ. Hài cốt ông được chôn tại si chem, gần Si-khá,  gần bên giếng Gia cốp.  Từ trong sự chết của Đấng Christ phát ra một giếng nước sống đến nỗi, “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:14).

Kết Luận:

Mộ của Giô sép còn nằm đó mãi đến hôm nay. Mộ của Chúa thì trống không. Ngài đã sống lại trở nên nguồn nước sống ban cho chúng ta uống thỏa mãn. Qua giá trị sự chết của Ngài, một dòng nước hằng sống vẫn văng ra, không ứ đọng, nhưng tuôn tràn cho đến cõi vĩnh cửu.

 Từ trong ngôi mộ của Giô-sép thuộc linh, là Chúa Giê-su, một thủy lưu vô hạn đã  quét sạch lịch sử co cụm của thánh dân, họ đang tiến tới theo triều lên cao của dòng nước sống nầy. Dòng nước cũng đã xóa sạch nỗi oan ức nhiều đời của dòng dõi thầy tế lễ mà Chúa chọn, lại bị chà đạp.

Mộ Giô suê đã chôn vùi thế thượng phong chiến thắng của dân thánh. Mộ Ê-lê-a-sa chôn những cuộcc đời thầy tế lễ bị trù dập, thanh trừng trong nhà Chúa trải nhiều đời. Chỉ có ngôi mộ Giô-sép là giải phái cho hai ngôi mộ kia. Ngợi khen Chúa. “Đức Giê-su đáp: “Ai uống nước nầy rồi cũng khát lại, nhưng uống nước Ta ban cho sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nước Ta  ban cho sẽ biến thành giếng nước trong người, tuôn tràn sự sống vĩnh  phúc.”

 Bản TKTC dịch, “Giê-xu trả lời và phán cùng bà: “Mọi người uống từ nước này sẽ lại khát; nhưng hễ ai uống từ nước mà Ta sẽ cho hắn, sẽ chẳng bao giờ khát; nhưng nước mà Ta sẽ cho hắn sẽ trở thành trong hắn một giếng nước trào lên đến sự sống đời đời”

 Minh Khải-- April 13, 2021