Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Thánh Kinh Sử Địa -1- TÌM HIỂU VỀ U-RƠ VÀ HA-RAN.


 Bản kinh văn Truyền thống đã ngự trị hơn 100 năm trên dân Chúa nói tiếng Việt trên cả thế giới, và vô tình che mắt họ không nhìn ra một chi tiết sử địa về hai địa danh quan hệ là U-rơ và Ha ran trong sách Sáng thế ký.

Công 7:2, 4 “Ðức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta khi ông còn ở tại Mê-sô-pô-ta-mi-a, trước khi ông sống tại Cha-ran. Ông lìa xứ Canh-đê và đến định cư tại Cha-ran. Rồi từ đó, sau khi thân phụ của ông qua đời, Ngài đem ông vào xứ nầy, xứ quý vị hiện đang sống.
Sáng. 11: 28--32 “Ha-ran qua đời trước mặt Tha-rê cha của ông, tại quê hương của ông, ở U-rơ, trong xứ của người Canh-đê. Áp-ram và Na-cô đều cưới vợ. Vợ của Áp-ram tên Sa-rai, còn vợ của Na-cô tên Minh-ca con gái của Ha-ran. Ha-ran là cha của Minh-ca và Ích-ca. Sa-rai hiếm muộn và không con. Tha-rê dẫn Áp-ram con trai của ông, Lót cháu nội của ông, tức con trai của Ha-ran, và Sa-rai vợ của Áp-ram, tức dâu của ông, ra khỏi U-rơ, xứ của người Canh-đê, để đến xứ Ca-na-an. Nhưng khi đến Cha-ran, họ định cư tại đó. Tha-rê hưởng thọ hai trăm lẻ năm tuổi, rồi qua đời tại Cha-ran”.
Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ và các các bản dịch Anh văn khác thì con của Tha rê là Ha-ran. Ha ran là bố của Lót và là bố vợ của Na-cô. Trạm dừng chân của hai cha con Tha-rê là Ha-ran, chớ không phải Cha ran. “Cha ran” là cách viết, cách dịch sai lầm của tên “Ha ran”. Thị trấn nầy mang tên của Ha-ran, bố của Lót.
U-rơ là một thành phố, là quê quán của gia tộc Tha-rê. U-rơ nằm trong xứ Canh đê, vùng Ba-by-lôn (Ba-bên), cũng gọi là xứ Si-nê -a (Sáng 10:10; Xa 5:11). U-rơ nằm ở hạ lưu sông Ơ-phơ-rát còn thị trấn Ha-ran (Cha-ran) nằm về phía thượng lưu, gần thành Baghdad của nước Irak hiện nay. Thi trấn Ha-ran cũng gần khu vực có thành Damascus của Syria hiện tại. Khoảng cách từ U-rơ đến Ha-ran, theo đường bộ ngày nay là khoảng 600 dăm, tức là gần 800 km.
Áp-ram ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời vinh hiển, còn Tha-rê có thêm một lý do riêng để lên đường, sau khi con ông là Ha-ran chết tại U-rơ, nên hai cha con đã bỏ quê hương U-rơ ra đi trong cuộc hành trình rất xa xôi, 800 km. (Xem Giô suê 24: 2).

Các học giả cho rằng bản kinh thánh của người Sa-ma-ri (2 Vua 17:24-28) ghi tuổi thọ của Tha-rê là 145 thay vì 205 như hầu hết các bản Kinh thánh khác. Nếu sự kiện nầy chính xác, thì Tha rê được 70 tuổi sanh Áp-ram, đến năm ông 85 tuổi thì Áp-ram được 15 tuổi, là thời điểm Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram tại U-rơ. Hai bố con và cả đoàn ra đi trong năm đó, và đến định cư tại Ha ran 60 năm. Vào lúc đó Tha-rê qua đời, hưởng tho 145 tuổi , và Áp-ram đươc 75. Nên Sáng thế ký 12: 4, “Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời khỏi Ha-ran (Cha-ran)”.

Vấn đề ngộ nhận của đa số dân Chúa là sau khi Áp-ram rời bỏ Ha ran đi xuống xứ Ca-na-an, rồi sau đó chừng 65 năm, Ê-li-ê-se, quản gia của Áp ra ham đã đi cưới vợ cho Y-sác tại xứ sở của Na-cô (Sáng 24) và tiếp sau đám cưới của Y-sác Rê be ca chừng 97 năm nữa, Gia cốp vâng lời cha mình đến nhà cậu ruột là La-ban để cưới vợ, thì hai sự việc chọn vợ của hai trường hợp đó xảy ra tại U-rơ hay Ha-ran?

Sáng thế ký 24: 10, “Đoạn, người đầy tớ bắt mười con lạc đà trong bầy của chủ mình, đem theo đủ các tài vật của chủ đã giao, rồi đứng dậy đi qua xứ Mê-sô-bô-ta-mi, đến thành của Na-cô”. Chữ “Mê-sô-bô-ta-mi” có nghĩa là vùng đất giữa hai con sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát. Có bản Kinh thánh khác dịch là A-ram Na-ha-ra-im, theo sát nguyên văn Hê bơ-rơ, mà chữ “A-ram” có liên hệ xứ sở dân Syria, sống gần Ha-ran, ở thượng lưu sông Ơ Phơ rát.

Các nhà giải kinh lại lập luận rằng tại thành Na-cô nầy có mặt La-ban và bố ông là Bê-tu-ên. Bê tu ên là con trai thứ 8 của Na cô (Sáng. 22:20-24). Thị trấn Na-cô không khải là U-rơ mà là một làng mạc tại vùng Ha-ran. Các nhà giải kinh cũng lập luận rằng sau khi Tha-rê qua đời, và trước khi Áp-ram đi vào xứ Ca-na-an, thì cả gia đình của Na cô đã di dời từ U-rơ đến định cư tại Ha ran, tại cơ ngơi của Tha rê đã tạo lập từ 60 năm trước. Đó là lý do chính xác khi Y-sác sai Gia cốp đi cưới vợ Kinh thánh chép như sau; “Y-sác bèn gọi Gia-cốp, chúc phước cho và dặn rằng: Con chớ chọn một người vợ nào hết trong bọn con gái Ca-na-an. Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan A-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con”(Sáng 28:1-2). Nơi ở của Bê-tu-ên và La ban, con trai Bê-tu-ên, không phải là U-rơ mà là Ha ran, vì các gả chăn chiên, bạn bè của Ra-chên xác nhận như sau: “Gia-cốp hỏi họ, “Thưa anh em, anh em từ đâu đến đây?” Họ đáp, “Chúng tôi từ Cha-ran (Ha-ran) đến.” (Sáng. 29: 4). Anh em nhớ Ha-ran là nơi Tha rê cư ngụ sau khi ra khỏi U-rơ, khoảng 232 năm trước khi Gia-cốp đến đó.

Thế thì, vì sự phiên dịch sai lầm địa danh Ha-ran thành Cha-ran, mà suốt cả 100 năm qua, tín nhân nói tiếng Việt tin tưởng sai lầm là Ê-li-ê-se và Gia cốp đã đến U-rơ để cưới vợ cho Y-sác và cho Gia-cốp.
Tóm lại một lời, cha con Tha-rê đã lìa bỏ nguyên quán U-rơ ra đi trong hành trình 800 cây số, đến định cư tại Ha-ran trong 60 năm. Sau khi Tha-rê chết, Áp-ram vào đất hứa thì cả gia đình Na-cô rời bỏ U-rơ di chuyển đến Ha-ran định cư thay thế.
Minh Khải 3-7-2022