Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

RUTH – TĂNG TRƯỞNG ĐẾN MỨC TRƯỞNG THÀNH--6


TÌM THẤY CHRIST
DƯỚI SỰ SẮP XẾP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

          Hai chương đầu của Ruth cho chúng ta biết nhiều về kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta. Trong chương hai chúng ta có ba phía: Naomi, Ruth và Boaz. Naomi thì trưởng thành và chăm sóc cho sự thịnh vượng của Ruth. Ruth có khả năng và sẵn lòng tiếp nhận sự hướng dẫn của Naomi. Boaz chăm sóc cả hai người họ từ nguồn cung ứng phong phú của ông. Nếu ao ước trở nên trưởng thành, chúng ta phải không chỉ có Christ như nguồn cung ứng phong phú, mà còn có một người trưởng thành biết cách giúp đỡ chúng ta  và chỉ dẫn chúng ta trong các vấn đề liên quan đến Christ.


TRƯỞNG THÀNH TRONG CHRIST
DƯỚI SỰ CHỈ DẪN CỦA NAOMI

          Trong chương ba của Ruth, chúng ta nhìn thấy một bức tranh về một người trưởng thành trong Christ. Ruth đã trải qua nhiều điều rồi. Nàng đã mót lúa cho đến cuối mùa gặt lúa mạch và lúa mì (Ruth 2: 23). Qua một khoảng thời gian, nàng đã dự phần vào nhiều kinh nghiệm lúa mạch, tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa, và lúa mì, tượng trưng cho sự chết của Ngài. Trong nếp sống hội thánh, chúng ta kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Chúa và được đồng hóa với sự chết của Ngài (Phil 3: 10). Sau một lượng kinh nghiệm nào đó, chúng ta trở nên một chi thể khá trưởng thành trong nếp sống hội thánh. Cho dù vậy, chúng ta vẫn cần các kinh nghiệm được mô tả trong chương ba.

          Tôi rất ấn tượng với một bài thánh ca nọ. Tôi luôn nghĩ thánh ca đó được viết bởi một người có kinh nghiệm phong phú về Christ, giống như Watchman Nee. Thật ngạc nhiên vì tôi khám phá ra rằng thánh ca đó được viết bởi một chị em trẻ. Khi đến thăm nước Anh, tôi chủ định đến nơi chị ấy từng sống để có thể tìm hiểu đôi chút về chị ấy. Về sau, tôi khám phá ra rằng chị ấy không sáng tác được bài thánh ca nào khác ngang bằng với bài thánh ca đó. Tại sao như vậy? Đó là vì chị ấy chưa bao giờ có một người có thể chỉ dẫn mình, vì vậy chị ấy không bao giờ có thể tăng trưởng như đáng phải tăng trưởng.

          Tôi cảm tạ Chúa vì Watchman Nee có Margaret E. Barber để chỉ dẫn anh ấy, và Witness Lee có Watchman Nee. Luôn luôn phải có một ai đó có kinh nghiệm hơn chúng ta có thể chăn dắt và chỉ dẫn chúng ta trong nhiều phương diện.

          Những người trẻ thích độc lập. Họ thích hoạch định con đường riêng của mình. Nhưng một người trẻ mà không có Naomi sẽ thấy khó tăng trưởng đúng đắn.
          Tôi đã gần bảy mươi tuổi. Tôi bắt đầu theo Chúa khi tôi mười bảy tuổi. Từ lúc đó, cuộc đời tôi đã xoay quanh hội thánh. Nếu anh em hỏi tôi đã nhận được các phước hạnh phong phú gì trong cuộc đời mình, tôi sẽ phải nói, ngoài Chúa, Lời và nếp sống hội thánh, tôi đã được chúc phước bởi các Naomi.

          Nếu không bởi các Naomi, nếp sống hội thánh của chúng ta sẽ suy thoái thành một câu lạc bộ xã hội. Những người chúng ta biết rõ nhất là những người ở trong nếp sống hội thánh. Đây là những người chúng ta có thể nói chuyện. Vì vậy, thật dễ dàng làm cho nếp sống hội thánh trở nên một nếp sống xã hội đơn thuần. Một khi điều này xảy ra, nó sẽ có một mục đích khác hơn Christ. Khi ở trong nếp sống hội thánh vì các lý do xã hội nhiều hơn Christ, chúng ta sẽ hụt mất Christ và kết thúc trong một điều gì đó ngoài Christ.

MỘT LỜI CHỨNG VỀ MỘT SỐ NAOMI
          Hãy để tôi minh họa. Khi tôi còn là một Cơ Đốc nhân trẻ, một anh em lớn tuổi hơn chăm sóc cho tôi mời tôi tham dự một khóa huấn luyện dành cho các anh em học tập cung phụng Lời. Tôi là một trong những người trẻ nhất có mặt ở đó. Sau khi mỗi anh em chia sẻ một sứ điệp phúc âm mà mình chuẩn bị, những người khác phê bình sự chia sẻ của người ấy. Tôi đã chuẩn bị cho lượt mình, và sau khi chia sẻ, tôi cảm thấy khá vui sướng. Những người khác cũng cảm thấy rằng tôi đã làm tốt. Khi đó, anh em lớn tuổi hơn này nói: “Tôi không hiểu. Anh đã dành nhiều thời gian kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, nhưng anh chưa từng cho chúng tôi biết nó kết thúc như thế nào. Tâm tính của anh dường như quá lơi lỏng. Từ giờ trở đi, tôi mạnh mẽ khuyên anh sống một nếp sống tự kỷ luật”. Tôi không thể nói với anh em lời đó đã giúp đỡ tôi thế nào. Điều đó đã thay đổi toàn bộ sự vận hành của tôi. Tất cả chúng ta đều cần những Naomi như vậy.

MỐI QUAN TÂM CỦA NAOMI VỀ ÍCH LỢI CỦA RUTH
          Trong phân đoạn này của Ruth 3, Naomi nói: “Con gái ta ơi, ta chẳng tìm kiếm sự an toàn cho con để con có thể được an lành sao?” (câu 1). Naomi bận tâm về tình trạng của Ruth. Bà quan tâm đến sự an toàn, sự sung túc và sự phát triển của nàng.

          Một số người chăm sóc người khác chỉ để đem họ vào trong các chương trình. Họ cố gắng đem người khác ràng buộc vào một điều gì đó. Đó không phải là cách Naomi chăm sóc Ruth. Bà tìm kiếm điều tốt nhất cho nàng theo nhu cầu cụ thể của nàng, xem xét điều gì ích lợi cho Ruth. Mội người chúng ta cần một người nào đó yêu chúng ta  theo cách này.

          Trong Ruth 3: 2, Naomi bảo Ruth: “Vậy, Boaz, chủ của những người nữ trẻ tuổi mà con ở với, không phải là họ hàng của chúng ta sao?”. Nói cách khác, anh em không có một Đấng Christ sống động sao? Và anh em không có các bạn đồng hành trong nếp sống hội thánh sao? “Thật ra, tối nay ông ấy sẽ sàng sảy lúa mạch ở sân đập lúa”. Sàng sảy là một diễn trình mà trong đó gió tách vỏ của hạt lúa được đập khỏi nhân của nó. Lúa mạch biểu thị cho sự phục sinh, nhưng hễ có lớp vỏ thì sự phục sinh không thể được thực tại hóa đầy đủ. Khi lớp vỏ được sàng sảy đi, thì sự sống, hoặc hạt lúc mạch, được biểu lộ và có thể được phân phát vào trong người khác.

          Boaz, là người đại diện cho Chúa, sẽ làm một điều gì đó vào lúc đó, và Naomi, là người chăm sóc Ruth, biết điều ông sẽ làm. Về một mặt, Ruth đã trải qua một số kinh nghiệm mót lúa mì và lúa mạch. Nàng có một mức độ trưởng thành mà trước đây nàng chưa sở hữu. Boaz đang chuyển động và Ruth sẵn sàng. Naomi là người duy nhất có thể đặt cả hai lại với nhau. Việc có khả năng nhận ra cơ hội này và hành động theo đó không phải là một điều nhỏ nhặt.

NHẬN BIẾT CẢ CHÚA
LẪN NHỮNG NGƯỜI CHÚNG TA PHỤC VU
          Đúng ra Naomi có thể bằng lòng với số lúa mà Ruth thâu lượm được dưới sự rộng lượng của Boaz. Họ có thể tích trữ được một phần đáng kể vào lúc đó. Họ có thể sung túc, thậm chí khá giả. Nếu Naomi không quan tâm đến sự hoàn hảo thêm nữa của Ruth, bà đã có thể vui sướng với điều Ruth đang sản sinh. Ruth đã mót lúc ít nhất suốt hai mùa gặt; nàng có một công việc tốt với một thu nhập ổn định. Nói về mặt thuộc linh, chúng ta có thể nói với người mà chúng ta ở với: “Ngợi khen Chúa! Ngài đã chúc phước anh cách dư dật, và anh đang kinh nghiệm một nếp sống hội thánh dịu ngọt”. Có thể Ruth tiếp tục đem về nhà một epha lúa mỗi ngày. Có sự chúc phước. Trong nếp sống hội thánh điều này có thể được giải thích là sự gia tăng hoặc làm phong phú. Nhưng Naomi không bị kiểm soát bởi điều này; bà quan tâm đến sự tiến bộ liên tục của Ruth. Trong thực tế, Ruth đang hấp hối. Có vẻ như nàng đang làm tốt, nhưng nếu không nhận lấy bước kế tiếp được chuẩn bị cho mình, nàng sẽ bắt đầu suy yếu. Vì vậy, Naomi đang quyết liệt thức canh chờ cơ hội để Ruth có thể nhận lấy biết ké tiếp này.

          Khi phục vụ người khác, chúng ta phải có hai khả năng này. Về một mặt, chúng ta phải biết tình trạng của những người chúng ta phục vụ. Bước kế tiếp họ cần nhận lấy là gì? Mặt khác, vì sự tiến bộ của họ, chúng ta phải có khả năng nhìn thấy cách Chúa chuyển động. Khi đó, chúng ta phải hành động vào đúng thởi điểm. Chúa đang công tác như thế nào? Ngài đang sàng sảy lúa mạch của Ngài; Ngài đang giải phóng quyền năng phục sinh đầy đủ của Ngài. Nếu chúng ta biết cách phát hiện ra sự vận hành này của Chúa, và nếu chúng ta nhận ra sự sẵn sàng của những người chúng ta chăm sóc để dự phần vào điều đó thì Chúa phục sinh có thể chuyển động phong phú giữa vòng chúng ta trong nếp sống hội thánh. Mọi lớp vỏ phải bị loại bỏ và thực tại của sự phục sinh sẽ được biểu lộ cách đầy quyền năng. Naomi đã nhìn thấy cả nhu cầu của Ruth lẫn chuyển động của Boaz, giống như chúng ta phải thấy nhu cầu của những người chúng ta chăm sóc và sự chuyển động hiện nay của Chúa.

LỜI KHUYÊN CỦA NAOMI
          Naomi cho Ruth một lời khuyên cụ thể. Bà dường như đang nói: “Ruth, hãy ngồi thẳng dậy và lắng nghe cẩn thận những điều ta sẽ nói với con bây giờ. Con phải tìm được sự an toàn, và vì điều này con phải phát triển. Boaz đang chuyển động, và bây giờ là thời điểm hành động. Đây là điều con phải làm: Trước hết, hãy tắm rửa. Thứ hai, hãy xức dầu mình và thay trang phục. Thứ ba, hãy đi xuống sân đập lúa. Thứ tư, hãy ẩn mình cho đến khi Boaz ăn uống xong. Thứ năm, khi người ấy ngủ, hãy mở chăn dưới chân người ấy và nằm xuống, cuối cùng người ấy sẽ bảo con phải làm gì”.

ĐƯỢC TẨY SẠCH
          Thứ nhất, Naomi bảo Ruth  tắm rửa. Điều này chắc chắn ngụ ý sự tẩy sạch tội. Vì điều này, anh em phải xưng nhận (1 John 1: 9) hoặc bước đi trong ánh sáng như Ngài ở trong ánh sáng (câu 7). Hãy xưng nhận tội lỗi mình khi anh em đến với Chúa và nếu Ngài không ban cho anh em cảm nhận nào để xưng nhận bất cứ điều gì cụ thể, hãy nói với Ngài: “Chúa ơi, tôi là một tội nhân được cứu bởi ân điển. Tôi đến với sự hiện diện của Ngài để vui hưởng Ngài và dự phần vào Ngài”. Đôi khi, mặc dù anh em không dành thời gian ở một mình với Chúa, nhưng anh em vẫn kinh nghiệm việc tẩy sạch khi tương giao với người khác. Anh em cảm thấy được làm tươi mới lại và sẵn sàng theo đuổi Chúa một lần nữa. Hãy học tập đến với Chúa cách riêng tư để xưng nhận tội lỗi mình, và học tập đến với ánh sáng qua sự tương giao với người khác.

ĐƯỢC XỨC DẦU VÀ MẶC TRANG PHỤC
          Sau đó Ruth tự xức dầu và thay trang phục. Việc xức dầu và mặc trang phục chỉ về điều gì? Trong Ezekiel 16: 8-9, Chúa nói thể nào Ngài trải áo Ngài trên Israel và che phủ sự lõa lồ của nàng. Trang phục trong Ruth và chiếc áo trong Ezekiel chỉ về cùng một điều. Sau đó Ngài nói: “Ta đã thề một lời thể nguyện với các ngươi và lập một giao ước với các ngươi, và các ngươi trở nên thuộc về Ta…Sau đó Ta tẩy sạch các ngươi trong nước; phải, Ta tẩy sạch triệt để huyết của các ngươi, và Ta xức dầu các ngươi”. Ở đây, Chúa nói rằng Ngài che phủ họ, tẩy sạch họ và xức dầu họ. Trong Kinh Thánh, sự xức dầu cứ ở trong chúng ta và ngụ ý sự hiến dâng (1 John 2: 27; Xuất 30: 30). Từ Ezekiel chúng ta thấy rằng chúng ta cần một sự hiến dâng dựa trên việc che phủ, tẩy sạch và xức dầu của Ngài. Sự hiến dâng này không dựa trên khả năng của chúng ta nhưng trên công tác cứu chuộc của Christ.

          Theo Ezekiel 16, việc che phủ, tẩy sạch và xức dầu đều được Chúa hoàn thành. Chúng ta đến với Chúa như thế nào? Chúng ta đến dựa trên sự che phủ của Ngài vì sự bảo vệ chúng ta, sự tẩy sạch của Ngài vì sự cứu chuộc chúng ta, và sự xức dầu của Ngài vì công tác cấu thành của Ngài trong chúng ta. Chúng ta đến với Chúa đem theo điều Chúa đã công tác trên chúng ta và trong chúng ta.

          Đôi khi, chúng ta cảm thấy thắng thế và đầy hy vọng. Có thể chúng ta vừa mới đưa ra một lời chứng tốt. Vào lúc đó chúng ta cảm thấy mình rất đáng được chấp nhận. Hoặc chúng ta cảm thấy những năm làm Cơ Đốc nhân của chúng ta đã làm cho chúng ta trở nên đáng chấp nhận đối với Chúa hơn là những người dường như ở dưới những bậc thang thấp hơn. Không, chúng ta chỉ nên đem đến với Chúa và hiến dâng cho Ngài điều Ngài đã làm trong chúng ta. Trang phục chúng ta mặc phải là chính Chúa, Đấng đã trở nên sự che phủ và cấu thành của cách sống chúng ta. Trang phục trong Kinh Thánh thường tiêu biểu cho cách sống và hành vi của chúng ta. Khi đến với Chúa, chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không có gì để khoe khoang. Thay vì vậy, chúng ta phải nói: “Chúa ơi, tôi đã yêu Ngài nhiều năm, nhưng mọi sự tôi có thể đem đến là điều Ngài đã truyền vào trong tôi như trang phục, sự tẩy sạch và xức dầu. Một điều gì đó của Ngài bây giờ ở trong tôi, và đây là mọi điều tôi có để gặp Ngài”.

          Trong chương một, Ruth đã dâng chính nàng theo điều nàng đã thấy về Đức Chúa Trời. Trong chương ba, nàng dâng chính mình theo Đức Chúa Trời là Đấng nàng đã kinh nghiệm. Đến lúc này, anh em không có đôi điều của Chúa sao? Đừng đem bản thể thiên nhiên, con người thiên nhiên, tài năng thiên nhiên hoặc sự nhiệt thành thiên nhiên của anh em đến với Chúa trong nỗ lực làm vui lòng Ngài. Anh em phải tự chuẩn bị mình với những điều Ngài đã cấu thành từ chính Ngài vào trong anh em.

ĐI XUỐNG SÂN ĐẠP LÚA
          Sau mọi điều này, Ruth phải đi xuống sân đập lúa. Từ điểm này, kinh nghiệm của nàng sẽ ở trong bóng tối, vào ban đêm. Chúng ta có thể đã mong đợi rằng là một Cơ Đốc nhân bước theo Chúa, chúng ta sẽ ở trong sự vui hưởng mọi lúc. Thật ra, từ lúc chúng ta dâng mình cho Chúa theo cách này, chúng ta bắt đầu bước vào trong sự chết, sự chịu khổ, hiểu lầm, nói xấu và khó khăn. Điều này xảy ra vì chúng ta ao ước theo Chúa và chỉ theo một mình Ngài.

          Trong Ruth 3: 13-14, Boaz bảo Ruth ngủ ở đó cho đến bình minh. Trong kinh nghiệm của chúng ta, điều này sẽ kéo dài bao lâu? Chúng ta không thể nói chắc, nhưng có một giai đoạn kéo dài trong đó Chúa chờ chúng ta trưởng thành. Trong thời gian này, những người khác sẽ hiểu lầm chúng ta. Chúng ta sẽ có vẻ quá cực đoan trong mắt họ, giống như Jesus khi gia đình Ngài nghĩ rằng Ngài “điên” (Mark 3: 21). Một người nào đó trong gia đình chúng ta có thể nói: “Đi đến trường thần học là một điều, hoặc thậm chí phục vụ Chúa trọn thời gian là một điều, nhưng đừng bao giờ dâng mình theo Chúa cách tuyệt đối như vậy. Đừng giống như Chúa, là Đấng đã dâng chính Ngài”. Việc chịu đựng loại nỗi khổ này mà chính Chúa đã chịu đựng là thời gian ban đêm. Chúng ta vẫn đang chờ đợi bình minh đó. Cho dù chúng ta chịu hiểu lầm, nhưng bây giờ có một loại vui mừng, vì chúng ta biết rằng từ lúc này trở đi, ngoài Chúa ra, sẽ không còn ai khác. Ruth không còn có thể xem xét việc cưới ai khác nữa. Nàng sẽ không sống cho ai khác. Điều này trở nên sự nhận thức của nàng trong suốt đêm đó khi nàng nằm yên lặng dưới chân ông.

CHÚ Ý NƠI ÔNG NẰM XUỐNG
          Naomi bảo Ruth đừng tỏ mình cho Boaz cho đến khi ông ăn uống xong. Đây là kinh nghiệm trong sự hiến dâng của những người dâng lại cho Chúa điều Chúa đã truyền vào trong họ. Một số tín đồ công khai loan báo sự hiến dâng của họ theo cách phô trương, thậm chí trước khi nói với Chúa về điều đó. Sự hiến dâng thật được thực hiện cách riêng tư trước mặt Chúa và sau đó được sống ra. Nhiều tín đồ chưa từng kinh nghiệm điều này. Họ dành nhiều thì giờ nói chuyện trên điện thoại nhưng có rất ít sự thông công với Chúa. Hơn nữa, họ huênh hoang và ngoan cố với Chúa. Thay vì kiên nhẫn để cho Ngài có sự vui hưởng trước, họ phàn nàn, than van và nài nỉ Chúa làm một điều gì đó cho họ ngay lập tức. Tuy nhiên, trong sự hiến dâng sâu hơn này, chính Chúa đã trở nên trung tâm chứ không phải chính chúng ta.

          Sau đó, chúng ta lưu ý nơi Chúa nằm xuống. Đây là nơi chúng ta phải đến dâng mình cho thân vị sống động của Christ, không phải bất cứ nơi nào khác. Chúng ta không thể chỉ nằm xuống trong cánh đồng và nói: “Ngợi khen Chúa, tôi ở trong nếp sống hội thánh!”. Chúng ta phải đến đúng nơi Chúa ở.

          Khi còn trẻ, tôi đã dâng mình cho Chúa vì hội thánh. Ngày nay, tôi ở trong nếp sống hội thánh vì Chúa. Cuối cùng, tất cả chúng ta phải có thể nói: “Chúa ơi, tôi yêu Ngài. Tôi sẽ chỉ đi theo Ngài. Ngài nằm xuống ở đâu, tôi nằm xuống nơi chân Ngài. Tôi không xứng đáng. Tôi cũng không đủ tiêu chuẩn. Tất cả đều là sự thương xót của Ngài”.

          Chúng ta phải kinh ngạc về sự vâng phục của Ruth đối với Naomi. Nếu tôi là Ruth, tôi hẳn sẽ đầy dẫy sự chất vấn và e sợ. “Trang phục? Trang phục nào? Và nếu tôi đi đến đó và không thể tìm thấy Boaz thì sao? Nếu tôi tìm thấy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ấy thấy tôi và đá tôi ra ngoài? Hoặc nếu tôi có thể tìm thấy ông ấy và ngủ ở đó, chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ấy thức dậy và nổi giận với tôi? Tôi sẽ cảm thấy rằng cuộc đời tôi thế là hết, vì đã ngủ nơi chân của một người đàn ông suốt đêm. Naomi, lời khuyên của bà thật vô lý. Chẳng phải bây giờ chúng ta sống thoải mái rồi sao?” Đây không phải là điều nhiều người trong chúng ta kinh nghiệm khi dâng mình tuyệt đối cho Chúa sao? Chúng ta không thỏa mãn với việc làm các chi thể tác nhiệm trong nếp sống hội thánh sao? Nhiều người đang làm tốt trong nếp sống hội thánh, nhưng họ từ chối theo Christ. Những người trưởng thành trong nếp sống hội thánh phải tập trung chỉ vào Christ.

SỰ ĐÁP ỨNG CỦA RUTH
          Ruth sở hữu một điều gì đó quý báu, vì nàng đáp lại Naomi: “Tôi sẽ làm mọi điều mẹ nói”. Sau đó nàng đi đến sân đập và tìm thấy Boaz ở đó, giống như Naomi đã nói.

BOAZ NẰM XUỐNG NƠI CHÂN ĐỐNG LÚA MẠCH
          Kinh Thánh bảo chúng ta rằng sau khi ăn uống, Boaz đã rất phấn khởi (Ruth 3: 7). Có thể ông cảm nhận bằng trực giác rằng có một điều gì đó kì diệu sắp diễn ra. Sau khi ăn xong, ông đi nằm nơi chân đống lúa mạch. Boaz không nằm xuống trên đỉnh đống lúa của ông. Điều này biểu thị rằng, cho dù Chúa ở trong sự phục sinh, nhưng Ngài vẫn có thể vươn đến nơi chúng ta ở. Đống lúa mạch biểu thị cho sự phục sinh. Chúa nằm xuống tại một điểm có thể đến được rất gần với chúng ta trong khi vẫn ở trong sự phục sinh, nhưng vẫn ở nơi mà chúng ta có thể tìm thấy Ngài. Vì điều này, chúng ta có một con đường tiếp cận Ngài, như Ruth đã có thể tiếp cận Boaz.

          Khi Boaz nằm ngủ bên cạnh đống lúa, Ruth đã lẻn vào, mở chăn đắp chân ông và nằm xuống. Mọi sự diễn ra như Naomi đã nói. Điều này không lạ lùng sao? Khi những người chăm sóc chúng ta nói cho chúng ta biết con đường tìm thấy Chúa, chúng ta phải cảm thấy tin chắc rằng Chúa sẽ theo đó chúc phước cho chúng ta.

BOAZ SỬNG SỐT VÌ SỰ HIỆN DIỆN CỦA RUTH
          Lúc nửa đêm, Boaz sửng sốt vì sự hiện của Ruth. Chúng ta có thể tưởng tượng được rằng ông duỗi chân ra và đột nhiên khám phá ra có một người khác đang nằm đó. Ông sửng sốt. Tôi thích điều này. Theo một ý nghĩa tích cực, chúng ta có khả năng làm Chúa sửng sốt. Điều này không kì diệu sao? Trong Nhã Ca 4: 9, vị vua nói với Shulamite: “Em gái ta, người phối ngẫu của ta, nàng đã làm lòng ta say đắm; nàng đã làm say đắm lòng ta bằng một cái liếc mắt, bằng một xâu chuỗi nơi cổ nàng”. Khi Chúa nhìn thấy chúng ta, Ngài có phần mất bình tĩnh. Chúng ta quá hấp dẫn đối với Ngài!

          Đôi lúc chúng ta đổ lòng mình ra cho Ngài, Ngài bị chúng ta chinh phục. Ngài nhìn thấy vẻ đẹp của nhân tính chúng ta được thần tính truyền vào, và Ngài bị bắt lấy. Hơi thở Ngài ngừng lại khi Ngài nhìn thấy điều ở trong chúng ta. Chúng ta đáng yêu đối với Ngài. Có thể khi Ngài nhận thức chúng ta yêu Ngài biết bao, thì Ngài sửng sốt. Tôi thích điều này. Tôi càng có thể làm Ngài sửng sốt theo cách này, tôi sẽ càng vui sướng. Chúng ta không nên quá tầm thường trong mắt Ngài; mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài phải trở nên một mối liên hệ lôi cuốn.

          Khi Boaz khám phá ra Ruth nơi chân ông, mạo hiểm mọi sự, bao gồm danh tiếng của nàng, ông hỏi rằng: “Nàng là ai?” Tôi có phần tin rằng ông biết, nhưng ông đang ở trong một tình trạng kinh ngạc. Ruth đáp lại: “Tôi là Ruth, đầy tớ gái của ông. Hãy nhận lấy đầy tớ này dưới cánh của ông, vì ông là một người họ hàng gần” (Ruth 3: 9). Ruth dường như đang nói: “Tôi đã thuộc về ông. Bây giờ, hãy kết hôn với tôi. Ông đã nhận tôi vào; bây giờ, hãy làm trọn điều ông đã bắt đầu”. Boaz là một người họ hàng gần của người chồng đã mất của Ruth, và Boaz có trách nhiệm dấy lên con cái theo tên của người chồng đã mất của nàng (Phục 25: 5). Boaz đã nói về việc thể nào nàng đến Israel để tìm kiếm sự bảo vệ dưới cánh Jehovah (Ruth 2: 12). Ông tin chắc rằng Jehovah sẽ đền đáp nàng. Bây giờ nàng đã nhận lấy sự nương náu dưới cánh của Boaz, như thể nhắc nhở ông về lời ông, ngoài ra điều nàng có ý nói cách thẳng thắn – “Hãy kết hôn với tôi”.

          Chúng ta cần một tấm lòng ao ước đối với Chúa. Về một mặt, chúng ta phải đặt sang một bên mọi điều chúng ta có: hy vọng, khát vọng, mơ ước, sự mong đợi và niềm ao ước của chúng ta. Mặt khác, chúng ta phải đặt chính mình và tương lai mình vững chắc nơi sự thương xót của Chúa. Chúng ta phải dâng mình cho một mình Ngài, không dựa trên bất cứ điều gì chúng ta có, nhưng hoàn toàn trên công tác Ngài đã bắt đầu trong chúng ta. Khi đó, chúng ta cần nhận lấy cơ hội mà Chúa ban cho chúng ta để tăng trưởng đến mức trưởng thành dưới sự hướng dẫn của những người có khả năng biện biệt cả tình trạng của chúng ta lẫn cách Chúa chuyển động. Trong loại tình trạng này, chúng ta phải bám chặt lấy Chúa. Chúng ta phải thẳng thắn với Ngài vì chứng cớ của Ngài. Đó không còn là vì ích lợi của chúng ta mà chúng ta tìm kiếm Ngài; đó là vì điều ở trong lòng Ngài. Chúng ta đang tìm kiếm Ngài vì điều Ngài muốn, và điều này làm Ngài sửng sốt.

SỰ CHÚC PHƯỚC HỖ TƯƠNG
          Ruth đang nói: “Boaz, ông đã nhận ra rằng tôi đến để nương náu dưới cánh của Jehovah. Cánh đó là cánh của ông. Vì vậy, hãy nhận lấy đầy tớ gái của ông dưới cánh của ông”. Boaz đáp lại: “Ta sẽ làm mọi điều nàng yêu cầu. Đừng sợ. Cuộc đánh cược của nàng được an toàn với ta, vì nàng đúng. Ta là họ hàng gần của nàng. Nàng nghĩ rằng nàng được phước nhưng thật ra nàng đang trở nên phước hạnh cho ta”.

          Boaz đã chúc phước cho Ruth rồi bằng cách cung ứng cho nhu cầu của nàng. Dựa trên điều đó, Ruth đã trưởng thành, nhưng nàng vẫn cần nhận lấy một bước nữa. Dưới sự chăm sóc khôn ngoan của Naomi, nàng đã tìm thấy Boaz và bước vào trong mối liên hệ với ông, trong đó ông trở nên trung tâm của nàng. Nàng không còn chỉ lệ thuộc vào ông vì nguồn cung ứng nữa. Từ giờ trở đi, nàng sẽ học tập nhận biết ông như trung tâm và mọi sự của nàng, chuyển động khi ông chuyển động, được kết hiệp với ông để sản sinh một điều gì đó vì lòng ao ước của ông./.