Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

GIỮ NGUYÊN TẮC NGÀY SA BÁT


Shabbat candles
Theo tiếng Hebrew, từ ngữ “sa bát” có nghĩa là an nghỉ, ngừng lao động.

Xuất hành 31:15-17, “Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sa bát, tức là ngày nghỉ hoàn toàn, biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va. Trong ngày sa-bát hễ ai làm một việc chi sẽ bị xử tử.  Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các thế hệ của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho Ta cùng dân Y-sơ-ra-ên, vì Đức Giê-hô-va đã làm ( to make) nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và tỉnh dưỡng ( refresh—làm cho khỏe khắn, tươi mới lại).”


Sáng thế ký 2:2-3, “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài đã ban phước cho ngày thứ bảy, thánh hoá nó; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã sáng tạo (to create) và đã làm nên (to make)  rồi”.

Đức Chúa Trời ban phước, thánh hóa ngày sa bát, và gọi là ngày thánh.

Tại làm sao Đức Chúa Trời có thể an nghỉ? Trước khi sáng tạo A đam đầu tiên, Ngài bận tâm vì sự phát sinh dường như đột biến của Lucifer thành Satan, thù nghịch của Ngài. Nếu Ngài trực tiếp tiêu diệt loài thọ tạo nầy thì danh giá Đấng Tạo Hóa vạn năng của Ngài bị giảm hạ. Do đó Ngài phải lao động sáng tạo trong 6 ngày. Sau khi sáng tạo xong con người, Ngài thỏa mãn và an nghỉ, vì Ngài đã nắm được trong tay một công cụ khả dĩ biểu lộ bản chất Ngài và có khả năng thay mặt Ngài triệt để xử lý Satan.

Đức Chúa Trời được tỉnh dưỡng nơi con người; Đức Chúa Trời sáng tạo con người theo hình ảnh của chính Ngài, có một nhân linh để con người có thể tương giao với Ngài, do đó con người là sự tỉnh dưỡng của Đức Chúa Trời.

Con người như một thức uống làm tươi tỉnh để thỏa cơn khát của Đức Chúa Trời và làm Ngài thỏa mãn, Khi Đức Chúa Trời đã làm xong công việc và bắt đầu nghỉ ngơi, Ngài đã có được con người như bạn đồng hành.

A đam đầu tiên được Đức Chúa Trời sáng tạo chiều thứ sáu. Sau khi được sáng tạo, A đam nghỉ đêm thứ sáu và cả ngày thứ bảy, sa bát.  Khi A đam được sáng tạo, trước tiên ông được bước vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời trong ngày thứ bảy rồi mới làm việc. Ngày thứ bảy của Đức Chúa Trời là ngày thứ nhất trong sự hiện hữu của con người. Vì đối với Đức Chúa Trời, ngày sa bát là ngày nghỉ ngơi và tỉnh dưỡng, tuy nhiên đối với con người, là bạn đồng hành của Đức Chúa Trời, ngày nghỉ ngơi và tỉnh dưỡng nầy là ngày thứ nhất của con người và là ngày vui hưởng những gì Đức Chúa Trời đã sắm sẵn.

Nếu không biết cách vui hưởng với Đức Chúa Trời, vui hưởng chính Đức Chúa Trời và được đầy dẫy Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không biết cách làm việc với Ngài cũng như làm một với Ngài trong công tác thần thượng của Ngài. Con người vui hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hoàn thành trong công tác của Ngài.
Vậy, với Đức Chúa Trời, làm việc rồi nghỉ ngơi; với con người, nghỉ ngơi rồi mới làm việc.

Trong thời Tân ước, A đam sau cùng làm công việc của Đức Chúa Trời trên thập tự giá, công việc đó thành tựu vào chiều thứ sáu khi Ngài nói “xong rồi” từ trên cây thập tự.

Ngài nghỉ ngơi tối thứ sáu, cả ngày thứ bảy sa bát, như Lu ca 23:54 và 24: 1 chép, “Đoạn, người ta hạ thi thể xuống, lấy vải gai mịn mà liệm, rồi để Ngài nằm trong huyệt đã đục trong vầng đá, là huyệt chưa hề chôn ai hết. Bấy giờ là ngày sắm sửa, và sắp bắt đầu ngày sa-bát. Các người đàn bà đã từ Ga-li-lê đến với Ngài đều theo sau, xem mồ mả và thi thể Ngài để nằm thể nào; rồi trở về, sắm sửa những thuốc thơm và dầu thơm. Nhằm ngày sa-bát, họ nghỉ ngơi theo điều răn. Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, khi mờ sáng, các đàn bà ấy đem thuốc thơm đã sắm sẵn cùng đến mộ. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ,  bèn vào, nhưng không thấy thi thể của Chúa Jêsus. Đang phân vân về việc ấy, thì kìa, có hai người đứng bên họ, mặc áo sáng rỡ. Họ đều thất kinh, cúi mặt xuống đất, thì hai người ấy nói với họ rằng: “Sao các ngươi tìm Đấng sống trong vòng kẻ chết?  Ngài không ở đây đâu, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ thể nào Ngài đã phán cùng các ngươi khi còn ở Ga-li-lê, mà rằng: 'Con người cần phải bị nộp trong tay tội nhân, chịu đóng đinh trên thập tự giá, đến ngày thứ ba thì sống lại.'”

Vào sáng ngày của Chúa, là ngày thứ nhất trong tuần lễ, A đam sau cùng đã trở nên Linh ban sự sống (I Cor. 15:45). Sau khi sống lại, Chúa có khả năng ngự vào Phi e rơ, các sứ đồ và môn đồ đầu tiên và cho toàn thể Hôi thánh mãi đến bây giờ. Hội thánh là nhân loại mới được tái tạo vào ngày phục sinh của Chúa. Sứ đồ Phi e rơ nói, “Chúc tụng Đức Chúa Trời và Cha của Chúa chúng ta là Jêsus Christ! Ngài theo sự thương xót cả thể của mình mà tái sanh chúng ta để được hi vọng sống bởi sự từ kẻ chết sống lại của Jêsus Christ,” ( I Phi e rơ 1:2). Câu nầy nói Đức Chúa Trời đã tái tạo, tái sinh chúng ta vào ngày Chúa Jesus sống lại. Động từ “đã tái sanh” ở đây là “has regenerated”, nói lên hành động tái sinh chúng ta, của Đức Chúa Trời kéo dài từ quá khứ lúc Chúa Jesus sống lại và còn mãi đến hôm nay. Công việc tái tạo của Đức Chúa Trời vẫn còn tiếp tục.

Thi thiên 118: 22-24 chép, “ Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà.  Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi.  Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy.”.

Hòn đá ở đây là Chúa, còn bị “loại ra” là bị giết chết; “trở nên đá đầu góc nhà” là Ngài sống lại. “Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy” là ngày Chúa Jesus phục sinh, ngày Chúa nhật.

A đam đầu tiên hiện hữu rồi bước vào tận hưởng sự an nghỉ và dự bị của Đức Chúa Trời. Toàn thể tín đồ Tân Ước, theo quan điểm Đức Chúa Trời đều đã hiện hữu trong ngày phục sinh của Chúa. Ngày đó là ngày sự an nghỉ của chúng ta trong Tân ước. Cũng như A đam đầu tiên phải vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời rồi mới bước ra làm việc, thì cũng vậy hội thánh Tân ước phải vào sự an nghỉ của Chúa Jesus rồi mới có khả năng làm việc cho Ngài.

Tôi xin lặp lại, thánh đồ Cựu ước phải tuân giữ ngày sa bát theo nghĩa đen, còn thánh đồ Tân uớc phải tuân giữ nguyên tắc ngày sa bát, tức là vui hưởng hết nội dung ngày sa bát.

Thật đáng tiếc là có nhiều tín đồ Tân ước lại còn tuân giữ ngày sa bát theo nghĩa đen, như Giáo hội cơ đốc phục lâm An thất nhật đã làm. Đó là Đạo Sa bát, họ chủ trương hai điều:
  1. Tín đồ Tân ước phải nhóm họp vào ngày sa bát để thờ phương Chúa. Họ dạy dỗ như vậy vì họ mắc chứng bệnh loạn thị thuộc linh, nhìn lẫn lộn giữa Cựu uớc và Tân ước.
  2. Tín đồ Tân ước phải nổ lực vâng giữ luật pháp Cựu ước. hành động vâng giữ luật pháp Cựu ước sẽ bổ túc vào công tác cứu chuộc của Đấng Christ trên thập tự giá. Lời dạy dỗ nầy là tà giáo, là giày đạp huyết Con Đức Chúa Trời. Vì công tác hoàn tất của Chúa Jesus trên thập giá đã quá đầy đủ rồi, loài người không cần thêm vào điều gì nữa.

Thưa anh chị em,
Tín đồ Tân ước phải làm gì để tuân giữ nguyên tắc ngày sa bát. Heb. 4:9-10 chép, “Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi sa-bát cho dân Đức Chúa Trời.  Bởi chưng ai vào sự nghỉ ngơi của Ngài, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy.”

Sự an nghỉ sa bát là Đấng Christ như sự an nghỉ của chúng ta hôm nay. Trong thời đại Hội thánh, Chúa là Đấng Christ thuộc thiên, Đấng đã an nghỉ với công việc của Ngài và đang ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Trời trên các từng trời. Ngài là sự an nghỉ cho chúng ta trong nhân linh chúng ta. Ma thi ơ chép lời Chúa Jesus, “Hỡi hết thảy những kẻ đương lao khổ và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi.  Vì Ta có lòng nhu mì, khiêm ti, nên hãy mang lấy ách của Ta, học theo Ta, thì hồn các ngươi sẽ được nghỉ ngơi”.

“ Lao khổ và gánh nặng”. Câu nầy không chỉ ám chỉ sự lao khổ do tranh đấu giữ các điều răn của luật pháp Cựu ước, các qui tắc tôn giáo cũng như lao nhọc tranh đấu để được thành công trong bất cứ công việc nào. Do đó bất cứ ai lao nhọc đều luôn luôn có gánh nặng nề. Chúa kêu gọi loại tín đồ có gánh nặng đến cùng Ngài để được an nghỉ.


“Hãy mang lấy ách của Ta”. Mang ách của Chúa là nhận lấy ý chỉ của Cha, không bị bất cứ nghĩa vụ nào với kinh luật hay tôn giáo điều chỉnh hoặc kiểm soát, cũng không nô lệ  cho công việc nào nhưng được ý muốn của Cha thúc ép.

Ách của Chúa là ý muốn của Cha và gáng nặng của Ngài là công tác thực hiện ý muốn của Cha; một ách như vậy thật dễ chịu, không cay đắng, và một gánh như vậy thật nhẹ nhàng, không nặng nề.

Nguyên tắc thần thượng ở đây là Đức Chúa Trời không yêu cầu chúng ta làm việc cho đến khi chúng ta tận hưởng, sau khi đã tận hưởng trọn vẹn với Ngài và vui hưởng Ngài, chúng ta có thể cùng làm việc với Ngài, tức là mang ách của Ngài.

Giữ nguyên tắc ngày sa bát là bước vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời để vui hưởng các sự dự bị, thành quả của Đức Jehovah Cựu ước và của Chúa Jesus trên thập tự giá, sau đó bước ra xây dựng đền tạm và xây dựng Hội Thánh, đó là mang lấy ách của Chúa---vui hưởng Đức Chúa Trời trước khi làm công tác của Ngài.
Đối với dân Israel Cựu ước, vì họ không vào sự an nghỉ Đức Chúa Trời trước, nên họ lưu lạc và ngã chết trong đồng vắng cả một thế hệ.

Trong sách Xuất hành 31:,  Đức Chúa Trời có phán về sự an nghỉ sa bát cho Israel sắp thi công xậy đền tạm. Và trong khi thực hiện công tác của Đức Chúa Trời để xây dựng Hội thánh, được tiêu biểu bởi việc xây dựng đền tạm, chúng ta phải mang một dấu hiệu chứng tỏ rằng chúng ta là dân của Đức Chúa Trời và chúng ta cần Ngài; khi đó chúng ta mới có thể, không chỉ làm việc cho Đức Chúa Trời mà còn đồng công với Đức Chúa Trời bằng cách làm một với Đức Chúa Trời; Ngài sẽ là sức mạnh để chúng ta làm việc, là năng lực để chúng ta lao tác.

Anh em ơi, đừng tuân giữ luật pháp theo nghĩa đen, mà phải áp dụng cùng thực hành việc giữ nguyên tắc ngày sa bát trong cả đời sống mình, trong sự xây dựng hội thánh hôm nay, hầu cuối cùng anh em sẽ bước vào sự an nghỉ 1000 năm trong vương quốc thiên hi niên—như là phần thưởng của anh em. Nếu không thực hành việc giữ nguyên tắc ngày sa bát nầy, anh em sẽ mất sự an nghỉ vương quốc, mà còn bị quăng vào chỗ khóc lóc nghiến răng. Tại đó anh em chịu sự xử lý kỷ luật của Chúa, và không được sự an nghỉ gì cả trong thiên hi niên./.

Minh Khải-- 6-3-2013