Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

TIÊU BIỂU CỦA MIỀN ĐẤT CANAAN

Thổ sàn Canaaan

“Khi vua A-rát, người Ca-na-an, ở nơi Nam phương, hay rằng Y-sơ-ra-ên theo đường do thám đi đến, bèn hãm đánh Y-sơ-ra-ên, và bắt mấy người cầm tù. 2 Y-sơ-ra-ên bèn hứa nguyện cùng Đức Giê-hô-va rằng: Nếu Chúa phó dân nầy vào tay tôi, tất tôi sẽ diệt các thành của nó. 3 Đức Giê-hô-va nhậm lời dân Y-sơ-ra-ên và phó dân Ca-na-an cho. Người ta diệt hết dân đó và các thành của nó,” (Dân. 21:1-2).

“Khi họ đã dẫn năm vua nầy đến cùng Giô-suê, thì Giô-suê gọi hết thảy người nam của Y-sơ-ra-ên, và nói cùng các binh tướng đã đi với mình, mà rằng: Hãy lại gần, đạp chân lên cổ của các vua nầy. Họ bèn đến gần, đạp chân trên cổ các vua ấy.  Đoạn, Giô-suê nói cùng họ rằng: Chớ ngại, và chớ kinh khủng; khá vững lòng bền chí, vì Đức Giê-hô-va sẽ làm như vậy cho hết thảy thù nghịch các ngươi, mà các ngươi sẽ chiến cự.” (Giô suê 10:24-25).


“Nhưng ta chỉ sự hằng sống ta mà quả quyết rằng, sự vinh quang của Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp trái đất!  Trong mọi người đã thấy sự vinh quang ta, phép lạ ta đã làm tại xứ Ê-díp-tô và nơi đồng vắng, là các người đã thử ta mười lần và đã không nghe lời ta,  thì chẳng một ai sẽ thấy xứ mà ta thề hứa cho tổ phụ chúng nó. Chẳng ai mà đã khinh ta sẽ thấy xứ đó đâu!  Nhưng vì kẻ tôi tớ Ca-lép ta không đồng lòng cùng chúng nó, theo ta một cách trung tín, thì ta sẽ đem người vào xứ mà người đã có đi, và dòng dõi người sẽ được xứ làm sản nghiệp.”( Dân 14:21-24).


Sách Giô-suê là một sách có những tiêu biểu sâu nhiệm. Tôi không nói rằng tất cả những tiêu biểu trong sách ấy đều sâu nhiệm. Tôi nói rằng có nhiều điều sâu nhiệm trong sách Giô-suê. Để hiểu ý nghĩa việc dân Y-sơ-ra-ên bước vào Ca-na-an và cuộc chiến tại Ca-na-an, trước hết chúng ta phải biết Ca-na-an tượng trưng cho điều gì. Một số người nghĩ rằng Ca-na-an chỉ về thiên đàng. Nhưng nếu Ca-na-an tượng trưng cho thiên đàng thì sẽ có chiến trận trên thiên đàng sao? Nếu cẩn thận trong khi đọc, chúng ta sẽ kết luận rằng Ca-na-an không thể là tiêu biểu về thiên đàng. Canaan tiêu biểu việc Israel chinh phục các lực lượng Satan ở bình diện cao, các nơi trên trời hầu có thể chiếm hữu và vui hưởng các sự giàu có của Canaan, ngụ ý các sự phong phú vô lượng trong Đấng Christ.

 Đó là tiêu biểu về địa vị thiên thượng của chúng ta. Điều này tương tự như cõi thiên thượng được nói đến trong Ê-phê-sô. Một mặt, chúng ta được đồng ngồi với Đấng Christ trong cõi thiên thượng. Mặt khác, chúng ta chiến đấu chống lại và chinh phục các thế lực thuộc linh trong cõi thiên thượng (Êph. 6:12). 

Chinh phục đất Canaan


Việc chinh phục và chiếm hữu đất Canaan có hai ý tưởng:

  1. Mặt tích cực: Canaan, miền đất phong phú—Phục 8:7-10 tiêu biểu Đấng Christ tổng bao hàm với các sự phong phú vô lượng của Ngài.
  2. Mặt tiêu cực: Nó ngụ ý phần trên không trung, phần thuộc thiên của vương quốc tối tăm của Satan. Là nhà cai trị của thế giới nầy (Giăng 12:31) và nhà cai trị của quyền bính khoảng không (Eph. 2:2), Satan có quyền bính của hắn (Sứ 28:16) và các thiên sứ của hắn (Mathio 25:41), chúng là các thuộc cấp của hắn như các chấp chánh, quyền năng, các nhà cai trị tối tăm của thế giới nầy (Eph. 6:12). Do đó, hắn có vương quốc riêng (Mathio 12:26), và quyền bính của sự tối tăm (Col. 1:13).

Dân Canaan tiêu biểu các thiên sứ sa ngã, các thiên sứ nổi loạn mà đã theo Satan (Khải. 12:4,7). Chúng trở nên các bậc quyền năng, nhà cai trị, các quyền bính trong vương quốc satan (Đa. 10:13,20).

Cuộc chiến đấu của con cái Israel chống lại dân Canaan để họ có thể chiếm hữu và vui hưởng miền đất tốt lành tiêu biểu tình trạng chiến tranh thuộc linh của toàn thể hội thánh, bao gồm mọi chi thể, chống lại “các lực lượng thuộc linh tà ác trên các nơi trên trời” (Eph. 6:12), hầu các thánh đồ có thể vui hưởng Đấng Christ như miền đất tốt lành. Hội thánh phải là một chiến sĩ tập thể như vậy, chiến đấu chống lại các lực lượng trên không của Satan đến nỗi dân Đức Chúa Trời chiếm thêm Đấng Christ cho sự xây dựng Thân thể Đấng Christ, thiết lập và làm lan tràn vương quốc của Đức Chúa Trời đến nỗi Đấng Christ có thể trở lại thừa kế trái đất.

Vậy trong tiêu biểu học của Cựu ước, miền đất Canaan có hai phương diện:

Trong việc nghiên cứu tiêu biểu, chúng ta đừng dừng lại tại sách Giô-suê, mà còn phải nghiên cứu sách Ê-phê-sô.Thật ra, sách Giô-suê không những phải được đọc chung với Ê-phê-sô, mà còn phải được đọc chung với Hê-bơ-rơ nữa. Việc tiến vào Ca-na-an trong sách Giô-suê tượng trưng cho hai điều: cuộc chiến thuộc linh (trong Ê-phê-sô) và sự an nghỉ (trong Hê-bơ-rơ). Ở đây, sự an nghỉ rõ ràng chỉ về vương quốc ngàn năm. Vì vậy, Ca-na-an không phải là tiêu biểu về thiên đàng mà là tiêu biểu về sự an nghỉ có tính chất vương quốc. Không phải người nào đã đi qua dưới huyết của chiên con hay ăn chiên con của lễ Vượt-qua đều bước vào Ca-na-an; chỉ hai người được vào Ca-na-an. Những người khác đều chết trong đồng vắng. Trên sáu trăm ngàn người nam ra khỏi Ai cập trên 20 tuổi mà chỉ có hai người đauợc ban thưởng được vào Xứ Canaan .Nhiều người được kêu gọi nhưng một số ít được chọn. Vậy, Ca-na-an là tiêu biểu về vương quốc. Việc tiến vào Ca-na-an tượng trưng cho việc chúng ta trị vì trong vương quốc. Không phải mọi tín đồ tin Chúa trong thời Tân ước đều vào vương quốc 1000 năm, chỉ những ai trưởng thành thuộc linh và đắc thắng mà thôi.

Một khi được sáng tỏ về điểm căn bản này thì chúng ta sẽ nhận thấy phần nào trong Giô-suê là tiêu biểu về địa vị của một Cơ-đốc-nhân trong cõi thiên thượng ngày nay và phần nào là tiêu biểu về phần thưởng của người ấy trong tương lai, trong vương quốc Đấng Christ.

Tóm lại, miền đất Canaan làm tiêu biểu cho hai điểm. thứ nhất, địa vị thuộc thiên của các tín đồ trong Đấng Christ. Họ có địa vị đắc thắng trên các lực lượng Satan và thừa hưởng các sự phong phú vô lượng của Đấng Christ. Thứ hai, miền đất nầy làm tiêu biểu sự an nghỉ, sự trị vì trong vương quốc ngàn năm dành cho một thiểu số tín đồ trưởng thành và đắc thắng từ các thời đại./.