Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

THẦY GIẢNG KHÔNG CÓ LỜI GIẢNG SỐNG-




Chữ “thầy giảng” trong bài nầy không nhất thiết là mục tử, trưởng lão, quản nhiệm hay hàng giáo phẩm trong cộng đồng dân Chúa. Tôi ngụ ý những người nào nói và viết ra lời Chúa cách thông thường.
A-hi-mát, con trai của Xa-đốc, nói cùng Giô-áp rằng: Xin cho phép tôi chạy đem cho vua tin lành nầy rằng Đức Giê-hô-va đã xử công bình và giải cứu người khỏi kẻ thù nghịch mình. Giô-áp đáp: Ngày nay ngươi sẽ chẳng làm kẻ đem tin lành, một ngày khác ngươi sẽ làm; ngày nay cái tin chẳng được lành, vì vương tử đã chết.  Giô-áp bèn nói cùng Cu-si rằng: Hãy đi thuật cho vua điều ngươi đã thấy. Cu-si lạy Giô-áp, rồi chạy đi. A-hi-mát, con trai của Xa-đốc, lại nói cùng Giô-áp rằng: Mặc dầu xảy đến điều chi, hãy để cho tôi chạy theo sau Cu-si. Giô-áp tiếp: Hỡi con, cớ sao con muốn chạy đi? Việc báo tin nầy sẽ chẳng thưởng gì cho con. Người thưa: Mặc dầu, tôi muốn chạy đi. Giô-áp nói cùng người rằng: Hãy chạy đi. Vậy, A-hi-mát chạy qua đồng bằng và bươn tới trước Cu-si--…..Nhưng vua hỏi rằng: Chàng Áp-sa-lôm trai trẻ được bình an vô hại chăng? A-hi-mát thưa rằng: Khi Giô-áp sai kẻ tôi tớ vua và chính tôi đi, thì tôi thấy có sự ồn ào dữ dội dấy lên; nhưng tôi chẳng biết là chi.  Vua phán cùng người rằng: Hãy lui ra và đứng tại đó. Người bèn lui ra và chờ.-- Cu-si bèn đến, và tâu rằng: Nầy là một tin lành cho vua chúa tôi. Ngày nay Đức Giê-hô-va đã xử công bình cho vua và giải cứu vua khỏi các kẻ dấy lên phản nghịch cùng vua.  Vua nói cùng Cu-si rằng: Chàng Áp-sa-lôm trai trẻ được bình an vô hại chăng? Cu-si đáp: Nguyện các kẻ thù nghịch vua chúa tôi, và hết thảy những người nào phản nghịch đặng hại vua, bị đồng số phận với người trai trẻ ấy” (2 Sa-mu-ên 18:19-32).
Trong câu chuyện trên chúng ta thấy ba hạng loại thầy giảng như sau:


1-    Thầy giảng không có lời sống-
A-hi-mát, con trai Xa-đốc, dòng dõi thầy tế lễ chính quy, nhưng không có sứ điệp, không có lời sống. Ông không được sai phái mà cố tự biên tự diễn cho hành động của mình. Ông cũng như nhiều mục tử chức nghiệp khác làm bầy chiên thất vọng vì họ không nghe được lời hằng sống của Chúa từ bài giảng hằng tuần của ông. Bài giảng của ông không có sự cảm thúc và xức dầu của Thánh Linh.
Bạn có biết cách soạn bài giảng của đa số các mục tử không? Khi soạn bài gỉảng, họ không được Chúa đề xuất soi sáng, cảm thúc, khải thị hay xức dầu tươi mới trong kinh thánh mà chỉ tìm những bài giảng cũ của người khác và xào nấu lại cách vô hồn thành bài giảng của mình.
Một tôi tớ cao niên của Chúa được người ta hỏi ông tốn mấy ngày để soạn một bài gỉảng. Ông đáp chừng 40 năm hoặc lâu hơn nữa thì càng tốt. Hai mươi năm đầu tiếp nhận lời kinh thánh và 20 năm sau chịu Chúa xử lí để kinh nghiệm, có khi đắc thắng, lắm khi thất bại, cho đến khi lời kinh thánh cấu tạo và thành hình trong con người. Lúc đó bản ngã đã giảm hạ 70 % rồi. Có thể nhiều mục tử, giảng sư giảng đạo mấy chục năm nhưng dường như không hề nhận được sự khải thị đề xuất từ kinh thánh để nảy sinh bài giảng mới, mà toàn đi chép bài của người khác để giảng lại mà thôi.
Chúa lên án, “Bởi vậy, này, Ta đang chống những tiên-tri đó," Đức GIA-VÊ tuyên-bố, "những kẻ ăn-cắp lẫn nhau các lời của Ta. Này, Ta đang chống những tiên-tri đó," Đức GIA-VÊ tuyên-bố, "những kẻ dùng lưỡi của chúng mà tuyên-bố: 'Chúa tuyên-bố.' Này, Ta đang chống những kẻ đã nói chiêm-bao giả," Đức GIA-VÊ tuyên-bố, "và đã thuật lại chúng, và đã làm dân Ta lầm-lạc bởi các điều dối trá và khoe-khoang liều-lĩnh của chúng; nhưng Ta đã chẳng sai chúng hay ra lệnh cho chúng, chúng cũng đã chẳng cung-cấp cho dân nầy cái phúc-lợi nhỏ nhất," Đức GIA-VÊ tuyên-bố.” (Giê 23:30-32 TKTC).
Người muốn có được lời Chúa trong bài giảng của mình thì trước đó lời kinh thánh phải được trồng (Gia cơ 1:21), cứ ở (remains- Giăng 15:7), tiến hành (Giăng 8:37), nội trú dồi dào (Cô-lô-se 3:16) và cấu tạo trong bản thân người ấy từ nhiều năm rồi. Lời kinh thánh đã trở nên nguồn sống, trở thành kinh nghiệm chủ quan, người giảng mới có lời sống thực nghiệm khi giảng khi Chúa cảm thúc. Bài giảng không do Chúa soi sáng đề xuất thì giống như “vùng hoang-vu, hay đất không gieo-trồng được..là đất sẽ không màu-mỡ, Và không có sương trời từ bên trên”.
2-    Thầy giảng có sứ điệp mặc định
Trong cộng đồng Cơ Đốc giáo có một dòng chức vụ kia có tri thức kinh thánh siêu việt. Cộng đồng nầy có lời khuyên mà cũng như ra lệnh, mọi người không cần nghiên cứu kinh thánh e khi lạc đường mà chỉ cần đọc và giảng theo bài giảng có sẵn. Cho nên những thầy giảng, mục tử, tín đồ trong giáo hội nầy đều được cài đặt chế độ mặc định khi giảng lời Chúa. Do đó con dân Chúa lười biếng, không tha thiết tìm kiếm Chúa, tìm kiếm sự soi sáng từ Thánh Linh. Người ta không tìm kiếm Tác Giả của kinh thánh qua kinh văn, mà chỉ nghiên cứu để giảng bài giảng của loài người cách thuộc lòng. Đó không phải là lời sống tức thì do Chúa ban cho dân Ngài qua thầy giảng.
Dĩ nhiên khi giảng lời Chúa chúng ta cũng phải vay mượn cách giới hạn lời người đi trước, nhưng cá nhân thầy giảng nếu không chạm được Chúa và tâm linh mình không tiếp nhận được sự khải thị mới từ kinh thánh khơi mào cho bài giảng của mình, thì người đó chỉ là người máy giảng lời của người khác mà thôi.
Chúa xét đoán lời giảng mặc định như sau: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về Ta?” (Giăng 18:30). Lời văn tự như vậy làm cho chết, chỉ lời của Linh Chúa khải thị cách  mới mẻ mới truyền đạt sự sống cho dân Ngài.

3-    Thầy giảng có lời giảng theo kinh nghiệm-
--Ngôi Lời trở nên xác thịt-
Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã được nhục hóa làm người. Chúa Jesus là Đức Chúa Trời mặc lấy hình người. Về nhân tính, Ngài có con người thiên nhiên vô tội, nhưng không có xác thịt tội lỗi. Lời Ngài nói, việc Ngài làm đều thể hiện tư tưởng, và Lời Đức Chúa Trời.
Theo một ý nghĩa giới hạn, vì con người thiên nhiên của chúng ta là bản ngã hư hoại, và chúng ta còn có xác thịt hư thối, nhưng lời kinh thánh phải thành hình trong chúng ta, như hột giống châm rễ mọc lên trong hồn chúng ta. Mặt khác, Lời Chúa phải phá vỡ bản ngã, tàn phá xác thịt chúng ta trước, khi ấy chúng ta mới có thể rao giảng lời kinh thánh.

--Tính cách người giảng phải tạm tương đương tiêu chuẩn đạo đức trong kinh thánh-.
Sau khoảng 40 năm, Chúa có thể tạo nên trong chúng ta một tính cách thuộc linh tạm phù hợp tiêu chuẩn đạo đức của Kinh thánh, chúng ta mới có thể giảng lời kinh thánh được. Rô-ma 2:21-23 chép, “ngươi dạy kẻ khác, mà ngươi lại không tự dạy mình sao? Ngươi rao giảng rằng chớ nên trộm cắp, mà ngươi lại trộm cắp ư? Ngươi nói rằng chớ gian dâm, mà ngươi lại gian dâm ư? Ngươi gớm ghét hình tượng, mà ngươi lại trộm cắp của chùa miễu ư?  Ngươi khoe khoang về luật pháp, mà ngươi lại phạm luật pháp làm nhục Đức Chúa Trời ư”.
Há bạn không cảm thấy sượng sùng, ngượng ngập khi giảng những bông trái của xác thịt trong Ga-la-ti 5: 19-21….gian dâm, ô-uế, phóng đãng…. trong khi chính mình chưa thắng được những việc làm xác thịt ấy sao?. Những tín nhân giàu có ham tiền không có năng lực giảng bài trừ việc làm tôi hai chủ: --ma-môn và Đức Chúa Trời- bao giờ.

--Nếu bạn chưa làm nổi lời Chúa bạn không nên giảng những lời ấy-.
Nếu bạn chưa thực hành lời nào đó trong kinh thánh bạn không nên giảng lời đó. Vì thầy thông giáo và người Pha-ri si thời Chúa Jesus, không thực hành được lời Kinh thánh nên Chúa Jesus kết tội họ:"Các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si đều ngồi trên toà của Môi-se. Vậy, hễ họ bảo các ngươi điều gì, thì hãy giữ và làm theo, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ; vì họ nói mà không làm. Họ buộc những mang nặng khó đương, để trên vai người ta, còn chính họ thì không khứng lấy ngón tay mà động đến”(Mathio 23:2-4). Ai giảng điều mình không thực hành nổi là người nói dối, là kịch sĩ, là thầy giảng thuộc dòng Pha-ri-si.
Giô-áp trao sứ điệp cho Cu-si và bảo Cu-si chạy báo tin cho vua Đa-vít. Chúng ta đọc thấy Cu-si giảng lời mình đã tiếp nhận, lời thành hình trong tấm lòng ông, nên ông nói ra với quyền năng thuyết phục cặp theo: “Nguyện các kẻ thù nghịch vua chúa tôi, và hết thảy những người nào phản nghịch đặng hại vua, bị đồng số phận với người trai trẻ ấy”.
Trong bài giảng được Chúa đề xuất cảm thúc, khải thị và xức dầu, luôn luôn có cái lõi. Cái lõi đó là những ý tưởng, lời xức dầu của Chúa ban cho người giảng, người viết. Những lời ấy có khả năng thấu suốt tâm hồn người nghe, người đọc, đem lại sự bồi dưỡng lâu dài và tạo tác thuộc linh cách bền vững bên trong..

--Kết Luận-
Nguyện Chúa tạo nên nhiều thầy giảng có lời sống động—là lời kinh thánh đã được trồng, được thành hình trong tâm hồn người ấy sau nhiều năm chịu kỉ luật của Chúa. Lời kinh thánh đã tàn phá xác thịt người ấy, thì lời người giảng ra cũng tàn phá xác thịt người nghe. Lời kinh thánh đã thánh hóa và nâng tính cách người ấy gần tương đương tiêu chuẩn đạo đức kinh thánh, nên người đó sẽ rất dễ có lời sống tức thì rao ra để nuôi dưỡng tín đồ theo nhu cầu. Số lượng giảng sư trong hội thánh ngày nay xuất thân từ dòng dõi A-hi-mát, từ giai cấp thầy thông giáo và người Pha-ri-si rất đông, nên con dân Chúa sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
-
Thánh Kinh đã hơn ba ngàn tuổi,
Là Cây Sự Sống thật vô biên,
Hằng ngày bạn hái được trái mới,
Nuôi mình và nuôi cả bầy chiên?
-
“Chúa ơi, xin cứu chúng con. Amen”.
Minh Khải- 07-01-2019