Lu-ca 6:38, “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho
lại; họ sẽ lấy lường lớn, giậm, lắc, đầy tràn, mà đổ vào lòng các ngươi. Vì các
ngươi dùng lường nào mà lường ra thể nào, thì cũng sẽ được lường lại thể ấy”.
Mặt trời hào phóng một cách lạ thường, không
giây phút nào là nó không chiếu sáng nhất.
Các nhà khoa học cho biết, bên trong mặt trời,
cứ mỗi giây có một tỉ lệ tương đương với bốn triệu con voi được chuyển hóa
thành ánh sáng, một thứ quà tặng chỉ biết cho đi, không bao giờ biết nhận lại. Mặt trời vẫn tiếp tục đốt cháy nó. Nếu sự hào phóng này ngừng lại, đương nhiên tất
cả năng lượng sẽ mất nguồn cung cấp, mọi sự sẽ chết và bất động. Chúng ta, và mọi vật trên hành tinh này, sống
được là nhờ sự hào phóng của mặt trời.
Trong sự hào phóng này, mặt trời phản ánh sự
giàu có của Đức Chúa Trời, một sự hào phóng mời gọi chúng ta cũng trở nên hào
phóng theo, mở rộng quả tim, dấn thân nhiều hơn để tận hiến bản thân mình trong
công việc hi sinh, để làm chứng nhân cho sự giàu có của Đức Chúa Trời.
Nhưng điều này không dễ. Một cách bản năng, chúng ta có khuynh hướng tự
nhiên là tích trữ và để dành cho cuộc sống được an toàn. Bản chất chúng ta là sợ và sống chùm với
nhau. Vì vậy, dù nghèo hay không, chúng
ta đều có cảm nhận thiếu thốn, luôn luôn sợ mình không có đủ, và vì không có đủ,
chúng ta phải cẩn thận khi cho, chúng ta không thể quá hào phóng được.
Nhưng Đức Chúa Trời làm ngược lại với điều tự
nhiên trên. Đức Chúa Trời rộng rãi, giàu
có, quảng đại, và hào phóng vượt ra ngoài những lo sợ và tưởng tượng nhỏ nhoi của
chúng ta. Vũ trụ của Đức Chúa Trời quá
phong phú và phi thường. Kích thước của
vũ trụ, chỉ tính riêng về những gì con người đã khám phá, cũng đã là không tưởng
tượng nổi. Quá dồi dào và hào phóng là
thuộc tính của Đức Chúa Trời.
Chúng ta thấy điều này qua dụ ngôn Người gieo
giống trong Kinh Thánh: Người gieo giống, đại diện cho Đức Chúa Trời, người mà
Đức Giê-su mô tả, không phải là người tính toán, gieo cẩn thận và chỉ gieo ở những
mảnh đất màu mỡ. Người gieo giống này gieo
không phân biệt nơi gieo: bên vệ đường, trong bụi gai, trên đá, nơi mảnh đất cằn
cỗi, cũng như nơi đất tốt tươi. Hình như
ông quá dư hạt giống nên có thể nói cách gieo giống của ông xuất phát từ tính
hào phóng của sự dồi dào hơn là tính thận trọng của sự thiếu thốn. Chúng ta cũng thấy sự giàu có này trong dụ
ngôn người làm công vườn nho, gia chủ, đại diện cho Đức Chúa Trời, trả công đồng
đều cho tất cả người làm công, không phân biệt ai trước ai sau. Đức Chúa Trời, như chúng ta biết, giàu có vô
hạn và không bao giờ tính toán chi li trong việc ban phát.
Đức Chúa Trời cũng rộng rãi và quảng đại khi
tha thứ, như chúng ta thấy trong các phúc âm.
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, người cha tha cho người con hoang
đàng, ông cho vượt trên sự giàu có của ông, nhiều khi sự giàu có này làm cho
nhân phẩm bị mất vì quá tính toán cho mình.
Chúng ta cũng thấy sự rộng rãi này nơi Đức Giê-su khi Người tha thứ cho
kẻ hành hình cũng như tất cả những ai bỏ Người trong cuộc thương khó. Qua những gì chúng ta thấy, Đức Chúa Trời quá
giàu tình yêu, quá giàu lòng thương xót nên Ngài mới phung phí, quá quảng đại,
không tính toán, không kỳ thị, dám nhận bất trắc, và có quả tim rộng lượng vượt
quá trí tưởng tượng chúng ta.
Và đó là lời mời gọi: Để có được một khái niệm
về sự giàu có của Đức Chúa Trời, một giàu có dám nhận bất trắc, chúng ta cần có
một quả tim luôn rộng mở và một lòng quảng đại vượt lên trên bản năng sợ hãi, bản
năng làm chúng ta nghĩ rằng, chỉ vì chúng ta không có đủ nên cần tính toán chi
li nhiều hơn.
Trong tất cả các phúc âm, phúc âm thánh Lu-ca
chứa đựng một trong những sứ điệp mạnh mẽ nhất về đức công bình (cứ sáu hàng là
có một thách thức trực tiếp với đức công bình đối với người nghèo) nhưng tuy thế,
trong phúc âm thánh Lu-ca, Đức Giê-su vẫn nhắc nhở về mối hiểm nguy của giàu
có, Ngài không bao giờ lên án sự giàu có hay người giàu có. Hơn thế Người phân biệt sự giàu có quảng đại
và giàu có bủn xỉn. Người giàu có quảng
đại tốt lành vì họ tỏa ra và hiện thân cho sự giàu có và lòng quảng đại của Đức
Chúa Trời trong khi người giàu có bủn xỉn không tốt bởi vì họ đưa ra một hình ảnh
sai lầm về sự giàu có, quảng đại, và quả tim rộng lớn của Đức Chúa Trời.
Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta
đong đấu nào sẽ nhận lại đấu đó. Điểm
chính là nói lên rằng không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta hít
vào. Điều đó không chỉ đúng về mặt sinh
thái học mà nó còn đúng cho mọi khía cạnh chung của cuộc sống. Nếu chúng ta thở ra sự bủn xỉn, chúng ta sẽ
hít vào sự bủn xỉn; nếu chúng ta thở ra tính nhỏ nhen, chúng ta sẽ hít vào tính
nhỏ nhen; nếu chúng ta thở ra sự gắt gỏng cay chua, chúng ta cũng sẽ hít vào sự
gắt gỏng cay chua đó; và nếu chúng ta thở ra sự thiếu thốn khiến chúng ta tính
toán và dè dặt, thì sự toán tính và dè dặt đó sẽ là không khí chúng ta hít
vào. Nhưng, nếu nhận thức được sự giàu
có của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thở ra lòng quảng đại và bao dung, và khi đó
chúng ta sẽ hít không khí quảng đại và bao dung vào. Chúng ta hít vào những gì chúng ta thở ra.
Tôi chưa bao giờ gặp ai thật sự có lòng quảng đại
mà họ lại không nói rằng, lúc nào họ cũng nhận được nhiều hơn ban cho. Và tôi cũng chưa bao giờ gặp một ai thật sự
có quả tim rộng rãi mà lại sống trong cảm nhận mình thiếu thốn. Để có lòng quảng đại và quả tim rộng mở thì
trước hết chúng ta phải tin vào sự giàu có và lòng quảng đại của Đức Chúa Trời.
Nhờ sự giàu có của Đức Chúa Trời mà chúng ta nhận
được ánh sáng mặt trời, một vũ trụ lớn lao hào phóng vượt sức tưởng tượng của
loài người. Đó không phải chỉ là thử
thách cho tinh thần và trí tưởng tượng, nhưng đặc biệt là thử thách cho quả
tim, để nó trở nên giàu có và quảng đại hơn.
Nguồn : mục tử Ron Rolheiser