Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

NHÀ TIÊN TRI GIỐNG NHƯ MÔI-SE—

 Deut. 18:15, “Jehovah thy God will raise up unto thee a prophet from the midst of thee, of thy brethren, like unto me; unto him shall ye hearken;”

Phục 18:15, "GIA-VÊ Đức Chúa TRỜI của ngươi sẽ dấy lên cho ngươi một đấng tiên-tri như ta từ giữa ngươi, từ anh em ngươi, các ngươi sẽ lắng nghe người”.

Do Chúa khải thị, nên trước khi qua đời, Môi se nói rằng Chúa sẽ dấy lên một vị tiên tri giống như ông. Lời nầy ứng nghiệm ưu tiên trong sự xuất hiện của Chúa Giê-su, là Đại Tiên Tri của Đức Chúa Trời. Thân vị và lời nói của Ngài đều là Lời (Logos) của Đức Chúa Trời. Về mặt nhân tánh, thân vị và chức vụ tiên tri của Ngài giống như nguyên tắc đời sống của Môi-se, và còn trổi hơn gấp trăm lần nữa, vì Hê-bơ rơ 3: chép, “Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời như một người đầy tớ …Nhưng Chúa Cứu Thế thì trung tín như con trai quản trị nhà Đức Chúa Trời”.

Lời tiên tri nầy đã và sẽ ứng nghiệm nhiều lần qua việc Chúa sẽ dấy lên những tiên tri giống như Môi-se. Nhưng theo Phục. 34:10, không có người nào, ngoại trừ Chúa Giê-su, hơn Môi se: “Về sau, trong dân Y-sơ-ra-ên không có tiên tri nào như Môi-se, là người được CHÚA biết mặt đối mặt”.

Nói chung các tiên tri chân thật tiếp theo sau Môi-se phải giống ông về những điểm nào? Tôi xin giải luận một số điểm như sau. Bạn có thể dùng những điều nầy để cân đo đời sống mình và nếp sống những giảng sư, mục tử, sứ đồ đương thời để coi họ là tiên tri thật hay giả, và nếu là tiên tri thật thì mức độ chân thật, chân chính và mức lượng thuộc linh của họ đến đã lên mức nào. Xin nhớ là phải dùng siếc- lơ nơi thánh mà cân đo họ, đừng lấy cái cân non, cân giả trong bao của bạn.

1/Lịch sử thuộc linh:

Chức vụ tiên tri của Môi se đã được chuẩn bị trong 80 năm. Bốn  mươi năm học lời Chúa với cha mẹ và học khoa học, tri thức Ai cập, rồi tiếp đến 40 năm học trường đồng vắng. Dấu hiệu ông là người tốt nghiệp khi ông ngậm ngùi thốt lên lời tuyệt vọng của một con người tưởng mình sắp qua đời: “Còn các ngày của đời chúng con, chúng có 70 năm, Hay nếu do sức khỏe, thì 80 năm, Tuy nhiên niềm hãnh-diện của chúng chỉ là lao-khổ và buồn-thảm; Vì một thoáng nó đi mất và chúng con bay đi” (Thi. 90). Khi ông viết những lời nầy ông đã 80 tuổi. Tất cả tham vọng, hoài bảo, sở thích, nhiệt huyết của tuổi trẻ đều tiêu mất cả. Sau 40 năm nhục nhã sống bên vợ như người ở đợ, và chăn chiên trong sa mạc nắng cháy, ông nghĩ mình sắp sửa qua đời.

Một tôi tớ già nua, tuổi trên 90 nói với ông Watchman Nee, khi ông Nee mới lên 30 tuổi đầy nhiệt huyết rằng: “Đức Chúa Trời thực sự sử dụng một người từ khoảng 70 đến 80 tuổi đời”. Mà cuộc đời đến năm 70 tuổi ấy, ít nhất cũng đã phải trải qua một lịch sử thuộc linh dưới sự xử lí của Chúa ít ra cũng phải 60 năm. Cho nên có người hỏi Watchman Nee, anh dùng mấy ngày để soạn một bài giảng?”. Ông Nee trả lời: “Cả một cuộc đời”.

Lịch sử thuộc linh đời bạn ra sao, có trải qua nhiều thập niên học tập như Môi se, Sa-mu-ên, Giê rê mí  hay Phao lô không? Đọc qua kinh thánh, tôi biết rằng chức vụ bi thương của Ô sê kéo dài 60 năm, sống chung với người vợ trắc nết, lăng loàn, chức vụ tiên tri của Ê-li-sê kéo dài 60 năm trong sự nghèo nàn, bị vua chúa khinh khi loại bỏ. Còn Ê-sai, dù hầu việc Chúa trải 3, 4 triều đại, chức vụ 60 năm của ông cũng có một lịch sử đau thương khi phải sống còn để rao ra lời Chúa truyền bảo. Trong thời của Môi-se, dân chúng thọ khoảng 120 tuổi, nên dù Môi se có phải chịu Chúa huấn luyện 80 năm đi nữa,  ông vẫn còn có thể hầu việc được khoảng 40 năm nữa. Nhưng trong thời chúng ta hiện nay, tuổi thọ con người chỉ có khoảng 80 đến 85, cho nên nếu một người tin Chúa vào năm 10 tuổi, sau 60 năm được Chúa xử lí, và nếu người ấy tốt nghiệp, thì vào khoảng năm 70 tuổi, người ấy có thể được Chúa sử dụng đôi phần nào đó mà thôi.

2/ Đời sống cầu nguyện.

Đời sống thuộc linh của một tiên tri không thể lớn hơn, hay có trọng lượng nặng hơn đời sống cầu nguyện ẩn giấu của ông.

Môi se  đã chầu chực, không ăn không uống trước mặt Chúa, trên núi Si-nai hai lần, mỗi lần 40 ngày 40 đêm. Ông cũng đã đổ ra cả mạng sống khi phải nhịn ăn để cầu nguyện 40 ngày, 40 đêm trong trại quân Israel, hai lần nữa cho dân thánh đang đứng trước bờ vực thẳm hủy diệt. Một lần về vụ bê vàng, và một lần cầu nguyện xin Chúa dung tha Israel phản loạn không chịu vô chiếm hữu đất hứa.

Tiên tri Sa-mu ên nổi danh là “người cầu nguyện”. ”Sa-mu-ên là một người trong số những người cầu khẩn danh Ngài”(Thi 99). Ông thức trắng nhiều đêm cầu nguyện cho vua Sau-lơ và vận nước Israel  đang nằm trong tay một vị vua háo danh. Sứ đồ Phao-lô đêm ngày mang gánh nặng, giảm bớt giờ ngủ nghỉ, để cầu thay cho các hội thánh địa phương mà ông đã thành lập. Nếu bạn không có được một phần kinh nghiệm nào trong các đời sống cầu nguyện như vậy, thì bạn nên bỏ đi ảo tưởng nghĩ rằng mình là tiên tri, là giảng sư bậc nhất, hoặc là sứ đồ gì gì đó.

3/Được Chúa phán dạy thường xuyên:

Có một người đã đếm tổng quát những câu: “Đức Giê hô va phán cùng Môi se” xuất hiện trong bốn sách Xuất hành, Lê vi kí, Dân số kí và Phục truyền, thì con số đó lên đển 3 hay 4 ngàn lần. Đó là bằng chứng xác thịt cho tiên tri chân thật của Đức Chúa Trời. Phục truyền 18: 20 chép, “Nếu có tiên tri nào tự phụ nhân danh Ta nói điều gì mà kỳ thực Ta không truyền dạy, hay có tiên tri nào nói tiên tri nhân danh các thần khác, đều phải bị xử tử.” Những làm sao chúng ta biết được rằng tiên tri đó rao giảng lời của mình, không do Chúa truyền dạy? Kinh thánh cho chúng ta biết: “Nếu một tiên tri nhân danh CHÚA công bố một điều gì mà điều đó không xảy ra hay không ứng nghiệm, đó không phải là sứ điệp do CHÚA phán dạy. Tiên tri đó đã nói vì tự phụ. Anh chị em đừng sợ người ấy”

4/Nếp sống bề ngoài:

Theo tôi thấy những ai là tiên tri thật ngày hôm nay thì cũng phải ít nhiều kinh nghiệm những điều đã xảy ra trong đời sống Môi se với một mức độ nào đó:

a/ Bị vợ lấn lướt: Môi se sống nhà bố vợ, nên vợ ông mạnh hơn ông trong quyền lãnh đạo gia đình, đến nỗi bà không cho ông cắt bì cho hai cậu con trai, ít ra cũng đã 30 tuổi, khi ông lên đường trở lại Ai cập. Chúa đón đường giả vờ định “giết” ông, có lẽ qua một cơn bệnh, nên bà bị buộc phải nhường cho ông cắt bì cho hai con trai, rồi Chúa tha chết cho Môi-se. (Xuất 4: 24-26).

b/ Anh em ruột và anh em trong dân Chúa lấn lướt ông. Dân số kí 12.

c/ Ngoài Chúa Giê-su là Đấng tự chứng “Ta có lòng nhu mì khiêm nhường” thì Môi se là người duy nhất trong dân Chúa được Thánh Kinh làm chứng: “Môi-se là một người rất khiêm tốn, khiêm tốn nhất trần gian” (Dân 12:3).

d/ Bị những thành phần đối lập, đố kị trong dân Chúa mạ lị, chửi bới không thôi. Cô- rê và đồng bạn nói với Môi se: “Ông đã đem chúng tôi ra khỏi một xứ đượm sữa và mật để giết chúng ta trong sa mạc, như thế chưa đủ sao? mà bây giờ ông còn muốn tể trị trên chúng ta sao?  Hơn nữa, ông đâu có đem chúng tôi vào một xứ đượm sữa và mật, đâu có cho chúng tôi thừa hưởng ruộng đất và vườn nho? Liệu ông muốn móc mắt những người đó sao?” (Dân 16).

e/Không lợi dụng của cải của dân Chúa- “Môi-se …thưa với CHÚA: “…Tôi chẳng từng lấy của họ một con lừa, cũng chẳng bao giờ làm thương tổn một ai trong vòng họ.”. Tiên tri Sa mu ên cũng dõng dạc nói trước mặt dân Israel:  Bây giờ tôi đứng dậy trước mặt anh chị em. Nếu tôi có làm điều gì sai quấy, xin anh chị em tố cáo tôi trước mặt CHÚA và trước mặt vua được Ngài xức dầu. Tôi có bắt bò của ai không? Bắt lừa của ai không? Tôi có bóc lột người nào không? Tôi có hà hiếp ai không? Tôi có nhận hối lộ của ai để tự bịt mắt mình, để mặc họ muốn làm gì tùy ý không? Nếu có, tôi xin đền bù lại cho anh chị em”(1 Sa-mu ên 12:3). Nhiều mục tử ngày nay không đủ khả năng đồng thanh  với Môi se, Sa muên hay như sứ đồ Phao lô: “Tôi chẳng tham bạc, vàng, hoặc y phục của ai cả (Công 20:33). Những ai có thể nói như vậy mới là tiên tri chân thật của Đức Chúa Trời.

f/ Không áp chế thánh dân:

 Môi se nói; “Môi-se …thưa với CHÚA: Tôi …chẳng bao giờ làm thương tổn một ai trong vòng họ.”

 Sứ đồ lão thành là Phi e rơ khuyên các trưởng lão khi cai trị hội thánh: “không chủ trị trên những kẻ được giao cho, nhưng làm gương cho cả bầy”. Theo nguyên ngữ Hi lạp, động từ “chủ trị” có nghĩa là “vận dụng quyền làm chúa” . Tôi thấy quá nhiều bạo chúa  đang chủ trị, đang áp chế con dân của Chúa mà mình làm quản nhiệm. Đó không phải là dấu hiệu  cho phát ngôn nhân chân chính của Đức Chúa Trời.

Nguyện Chúa ban cho ánh sáng thần thượng đầy đủ của Ngài để chúng ta nhận biết những ai là tiên tri chân thật, những ai là tiên tri giả trong thời chúng ta hiện nay, và chúng ta có đức tin không sợ những lời nói dối của các tiên tri giả như Chúa có nói trước: “Tiên tri đó đã nói vì tự phụ. Anh chị em đừng sợ người ấy” (Phục 18:22).

M. K. October 27, 2020