Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

TA SẼ Ở ĐÂY CHO ĐẾN KHI NGƯƠI TRỞ LẠI-


 

“Ghê-đê-ôn thưa lại rằng: Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin  ban cho tôi một dấu rằng chính Chúa phán cùng tôi.  Xin chớ dang khỏi đây cho đến khi tôi trở lại cùng Ngài, đem  của lễ tôi, để trước mặt Ngài. Ngài đáp: Ta sẽ ở đây cho đến khi ngươi trở lại.  Ghê-đê-ôn bèn đi vô, dọn sẵn một con dê con, lấy một ê-pha bột làm những bánh nhỏ không men. Người để thịt trong rổ, đổ nước thịt vào nồi, rồi đem ra dâng các món ấy cho Ngài ở dưới cây thông” (Các Quan xét 6: 17-19).

 Thánh kinh khải thị Chúa của chúng ta là một Đức Chúa Trời kiên nhẫn vô hạn, có khả năng chờ đợi khôn lường. Chúa không hề vội vàng trong công việc, một năm trong thời gian trên trái đất chỉ là một ngày đối với Ngài. Cả cõi đời đời chỉ là một ngày vĩnh cửu trước mặt Chúa.

 Khi Ngài đề ra một việc gì, phát ra tiếng gọi một ai đó, Ngài kiên nhẫn chờ đợi người đó trở lại vâng phục Ngài. Chúa kêu gọi sự tình nguyện, Ngài không ép buộc một ai vâng lời Ngài. Ngài từng phán “Nếu ai muốn theo Ta…”. Chữ “nếu” là thời gian trì hoãn của chúng ta vâng lời Chúa, tức là thời gian Chúa chờ đọi chúng ta trở lại với Ngài sau khi nghe tiếng Ngài gọi. Thời gian kéo dài của chữ “nếu” dài ngắn tùy theo mỗi người.

Kinh thánh  bày tỏ những người trở lại cùng Chúa như sau:

1/--Áp-ram và Tha rê:

Công vụ chương 7: 2,“Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ phụ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn  ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran”. Sau khi được Tha Rê (Chậm Trễ) dẫn dắt đến Cha- ran, Áp-ra-ham sống ở đó mãi đến năm cha ông qua đời, thì ông được 135 tuổi, tức là Đức Chúa Trời đã chờ ông đến 60 năm. Sau khi Tha-rê chết, Chúa hiện ra lần thứ hai tại Cha-ran, kêu gọi ông đến Ca-na-an. Như Vậy Chúa đã chờ Áp-ra-ham 60 năm cho đến khi ông trở lại và làm theo lời Chúa kêu gọi lúc đầu.

 2/Giô-na—

 Giô na 1:1,“Có lời Đức Giê-hô-va phán cho Giô-na con trai A-mi-tai như

vầy:  Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta”.

 Giô-na nghe tiếng Chúa xong thì trốn đi, không muốn vâng lời Chúa, vì ông không muốn cho đế quốc A-si-ri ăn năn tội lỗi để thoát cơn đoán phạt của Chúa. A-si-ri là kẻ thù truyền kiếp của Israel.

 Sau khi bị quăng xuống biển, bị cá nuốt, và ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, Giô na được con cá lớn đó nhả ra trên đất khô. Tử hải cảng Gia-phô, đất Israel, Giô-na đi tàu trên biển Đại trung Hải về phía Ta-rê-si, Tây Ban nha. Chúng ta không biết con hải vật nầy khạc Giô na lên bờ biển nào? Cho nên cũng vài ba ngày sau  “Lại có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-na lần thứ hai mà rằng:  “Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và rao cho  nó lời ta đã dạy cho ngươi. Vậy Giô-na chờ dậy và đi đến Ni-ni-ve, theo lịnh của Đức  Giê-hô-va. Vả, Ni-ni-ve là một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường.  Giô-na khởi đầu vào trong thành đi một ngày, thì rao giảng và nói rằng: Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô na 3:1-4).

 Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi Giô -na trở lại điểm mà Ngài đã kêu gọi ông đi Ni-ni-ve lần đầu.

 3/-Dân Israel-

Bảy mươi người trong gia đình Gia-cốp sống tại Ai-cập khoảng 4 thế kỉ, đã trở  nên một tập thể đông khoảng vài triệu người. Chúa giới thiệu tập thể nầy với Pha-ra-ôn, vua Ai-cập đương thời, “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Hãy cho dân ta đi, đặng nó giữ một lễ cho ta tại đồng vắng” (Xuất 5:1).

 Sau khi đem dân Israel đó ra khỏi Ai-cập, Chúa bày tỏ cho dân Israel mục đích của Ngài là: “Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta”. Chúa muốn Israel trở thành một vương quốc thầy tế lễ, một dân tộc thánh khiết cho Ngài trên cả trái đất.

 Dân Israel ra khỏi Ai-cập khoảng năm 1450 TCN, cố gắng sống nếp sống vương quốc thầy tế lễ và làm dân thánh của Chúa, nhưng đến thời vua Ô-xia miền Bắc năm 785 TCN, và đời vua Ê-xê-chia năm 725 Nam quốc, qua miệng của tiên tri Ô-sê Chúa tuyên bố công khai rằng: “Sau khi Lô-Ru-ha-ma thôi bú, nàng (vợ Ô-sê) chịu thai và sanh một trai. Đức Giê-hô-va phán rằng: Hãy đặt tên nó là Lô-Am-mi; vì các ngươi chẳng phải là dân ta nữa, và ta sẽ không làm Đức Chúa Trời các ngươi nữa” (Ô-sê 1:8-9). Kể từ thời Ô-sê, Chúa không còn nhìn nhận Israel là tuyển dân của Ngài.

Rồi vào thời chức vụ của Chúa Giê-su, Chúa không còn coi đền thờ tại Jerusalem là nhà của Ngài nữa, nhưng là nhà riêng của chính họ. Chúa phán, “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!  Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Ma-thi-ơ 23: 38-39).

 Từ thời tiên tri Ô-sê, Chúa phải chờ đợi gần 28 thế kỉ qua, cho đến khi Israel trở lại làm dân thánh khiết của Ngài, là sau khi Chúa Giê-su tái lâm. “Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái” (Ê-sai 66:8).

 Dân Israel mới sẽ được lập quốc trở thành một dân tộc mới đáp trúng mục tiêu của Đức Chúa Trời đề ra tại núi Si-nai. Từ núi Si-nai, Chúa phải đợi đến khoảng 3500 năm để Israel giủ bụi bặm và đứng lên: “Hỡi Si-ôn, hãy thức dậy, thức dậy, mặc lấy sức mạnh ngươi! Hỡi Giê-ru-sa-lem, là thành thánh, hãy mặc lấy áo đẹp! Vì rày về sau kẻ không chịu  phép cắt bì và kẻ ô uế sẽ không vào nơi ngươi nữa.  Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chỗi dậy, giũ bụi bặm đi, và ngồi lên;  hỡi con gái Si-ôn, là kẻ phu tù, hãy cởi trói nơi cổ ngươi. Vậy nên dân ta sẽ biết danh ta;thật, trong ngày đó, nó sẽ biết rằng chính ta là Đấng phán rằng: Nầy, ta đây!” (Ê-sai 52:1-2, 6).

4/-Phi-e-rơ; khi Ngươi trở lại-

Trước khi Ngài chết, Chúa báo trước cùng Phi-e-rơ, “Si-môn ơi, Si-môn, nầy, Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì.  Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không bị  mất. Vậy, đến khi ngươi đã trở lại, thì hãy làm cho vững vàng anh em ngươi” (Lu-ca 22:31-32).

 Phi-e-rơ đã kiêu ngạo chủ quan, tự tin, nên ông đã sa ngã khi chối Chúa ba lần. Vài ba tiếng đồng hồ sau ông đã trở lại với Chúa, Khoảng tuần lễ sau, tại bờ biển Ga-li-lê Chúa đã phục hồi danh dự và uy tín của  ông trước 6 môn đồ đánh cá trên biển Ga-li-lê và ăn sáng với Chúa tại bờ biển đó.

 Chúa tạo cơ hội để ông nói ra trước mặt các anh em là “Con yêu Chúa” ba lần ứng cho ba lần ông đã chối bỏ danh Ngài.

5/-Mác trở lại-

Mác là một cậu ấm, một công tử của một thế gia tại Jerusalem, con trai một quân nhân La mã và mẹ là Ma-ri, người israel. Khi ra đi tập sự hầu việc Chúa lần đầu tiên với Phao-lô và Ba-na-ba, có lời chép về Mác như sau: “Vậy, Sau-lơ và Ba-na-ba đã chịu Thánh Linh sai đi…cũng có Giăng theo làm thừa sai cho họ--Phao-lô với đồng bạn từ Ba-phô giương buồm sang Bẹt-giê thuộc Bam-phi-ly. Nhưng Giăng lìa họ, trở về Giê-ru-sa-lem” (Công 13:4-5, 13).

 Mới ra đi hầu việc Chúa được mấy tháng, Giăng cũng gọi là Mác, đã bỏ cuộc, trở về cùng mẹ tại Giê-ru-sa-lem.

 Sau đó vài ba năm, Ba-na-ba đem ông đi đảo Chíp-rơ huấn luyện ông lần nữa. Cám ơn Chúa 10 năm sau, Mác đã trở lại điểm xuất phát mà Chúa đã gặp ông lần đầu, ông trở nên một thanh niện hữu dụng cho nhà Chúa khi Phi-e-rơ dùng ông làm thông dịch viên tại xứ Ba-by-lôn—“Hội thánh tại Ba-by-lôn, là kẻ được chọn với anh em, chào thăm  anh em, con tôi là Mác cũng vậy” (1 Phi-e-rơ 5:13).

Vài năm sau nữa, Phao-lô rất cần sự hợp tác của Mác, Phao- lô nói với Ti-mô-thê, “chỉ có Lu-ca ở với ta. Hãy đem Mác đến với con, vì người có ích

cho ta về chức vụ” ( 2 Ti-mô-thê 4: 11)

 Mác đã trở lại  điểm xuất phát khi mà Chúa chạm đến ông làn đầu khi ông dâng mình ra đi vì Danh Ngài tại các buổi nhóm trong hội thánh tại An-ti-ốt.

6/ Các tôi tớ riêng rẽ của Chúa

Ma-thi-ơ 21: 28-32,"Các ngươi nghĩ sao? Một người kia có hai con trai, đến bảo đứa thứ nhứt rằng: 'Con ơi, hôm nay hãy ra làm vườn nho.' 29 Đứa ấy thưa rằng: 'Tôi không muốn', nhưng sau hối hận rồi đi.  Đoạn,người đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy rằng:  'Thưa cha, vâng,' nhưng rồi không đi. Trong hai con đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha?"Họ đáp  rằng: "Đứa thứ nhứt." Jêsus phán cùng họ rằng: "Quả thật,ta nói cùng các ngươi, bọn thâu thuế và phường kỵ nữ vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi.   Giăng do đường công nghĩa đến cùng các ngươi, mà các ngươi không tin người,  nhưng bọn thâu thuế và phường kỵ nữ thì tin người; còn các ngươi dẫu thấy vậy,  mà rồi cũng không ăn năn để tin người ”.-

Theo bạn, đứa con thứ nhất, con trưởng ở đây là ai? Do lời Chúa nói, “bọn thâu thuế và phường kỵ nữ vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi”, thì tội nhân của dân ngoại vào nước ngàn năm của Chúa trước dân Israel truyền thống là dân Pha-ri-si…

 Điều tôi nhấn mạnh ở đây là sự cách khoảng thời gian  khi một người gặp Chúa, và thời điểm người ấy trở lại đáp ứng sự đòi hỏi của Chúa.

Khoảng thời gian cách trở như vậy là bao nhiêu năm trong đời sống của bạn? Vài  giờ đồng hồ như Phi-e-rơ, hay mấy ngày như Giô na, hoăc 60 năm như Áp-ra -ham. Đừng để tính cách lần lữa, trì hoản ngăn trở bạn chậm trở lại với Chúa, với sự kêu gọi hay sự đòi hỏi của Chúa mà bạn đã biết rõ ngay từ ban đầu.

Khải Đạo—March 3, 2021