Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

CHẲNG TẠI NÚI NẦY, CHẲNG TẠI JERUSALEM

Có một anh em Cơ Đốc nhân thông công với tôi về việc những người dân tại xứ Sa-ma-ri đã thờ phượng Đức Chúa Trời trên các đồi núi xứ Sa-ma-ri mà người phụ nữ tiểu thôn Si-kha có đề cập đến với Chúa Giê-su bên giếng nước và Giăng chương 4 có chép, bạn tôi tin rằng những người thờ phượng đó đã được cứu, nhưng nhiều nhà giải kinh lên án bạn tôi tin theo đạo lạc.

Theo tôi đây là một chủ đề thú vị cho tôi có cơ hội trình bày ý kiến của mình trong bài viết sau đây:

 Xứ Palestine vào thời của Chúa Giê-su được chia làm ba miền rõ rệt. Miền bắc là Ga-li lê, vùng đất cửa ngõ của sự giao thông giữa dân Israel và dân tộc các  nước như Ba-tư, A-Si-ri, Ba-By-Lôn, Sy-ri đang đi trên con đường thiên lí bắc nam xuyên qua Ga-li-lê. Miền trung là xứ Sa-ma-ri, có một loại dân lai tạo giữa dân Israel với dân các nước như Ba-tư, Ba-by-lôn mà các vua A-si-ri đưa đến cư trú tại vùng đất trống, bỏ hoang, sau khi 10 chi phái Bắc quốc Israel đã bị lưu đày. Dân các nước đến xứ Sa-ma-ri và cưới gả lẫn lộn với dân Israel cùng đinh còn sót lại trong xứ thánh. Kết quả sinh ra  dân Sa-ma-ri, mà người Do thái thời Chúa Giê-su rất gớm họ. Đến nỗi người Do thái ở Ga-li-lê hay ở Giu-đê muốn đi lại thăm viếng lẫn nhau, dân Do thái đó phải đi vòng qua bên kia sông Giô-đanh, tuyệt đối tránh đi ngang qua xứ Sa-ma- ri, nhưng Chúa thường đi qua lại xứ đó. Miền nam là xứ Giu đê, nơi có dân Israel chính thống và đa số là dân Giu-đa hay Do thái cư trú tại đây. Đó là người Israel chính thống, tuyệt đối tuân theo luật lệ, điều răn Cựu ước

Đền thờ Jerusalem được xây lại khoảng năm  536 TCN, và trước đó chừng chừng 200 năm, vương quốc Israel gồm 10 chi phái ở miền bắc đã bị đế quốc A-si-ri (Iraq) tiêu diệt và đem dân chúng đó đi lưu đày. Mười chi phái nầy đã lưu vong khắp trái đất kể từ ngày đó mãi đến năm 1948 S.C. họ mới hồi hương về đất Israel  từ từ. Trong khi họ bị lưu đày, “Vua A-si-ri đem người ở Ba-by-lôn, Cu-tha, A-va, Ha-mát và Sê-phạt-va-im, đặt ở trong các thành của Sa-ma-ri, thế cho dân Israel. Chúng chiếm lấy nước Sa-ma-ri, và ở trong các thành nó. Khi chúng bắt đầu trú ngụ tại đó, thì không kính sợ Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va sai sư tử đến giết mấy người trong bọn chúng.  Người ta bèn nói với vua A-si-ri rằng: Các dân mà vua đã đem qua đặt trong các thành của Sa-ma-ri không biết lệ thờ phượng thần của xứ, vì vậy thần đó có sai sư tử đến giết họ, tại họ không biết lệ thờ lạy thần của xứ vậy.  Vua A-si-ri liền truyền lịnh rằng: Trong những thầy tế lễ mà các ngươi đã bắt ở đó đem qua đây, các ngươi hãy lấy một người, dẫn về ở tại trong xứ đó đặng dạy lệ thờ lạy thần của xứ.  Ấy vậy, một kẻ trong những thầy tế lễ mà chúng đã bắt ở Sa-ma-ri đem đi trở về, ở tại Bê-tên, và dạy dỗ dân phải thờ lạy Đức Giê-hô-va làm sao” (2 Các Vua 17)

 Tác giả sách Các vua, có lẽ là Giê-rê-mi, chép lại sự hình thành dân Sa-mari, là tổ phụ của dân Sa-ma-ri sống trong thời Chúa Giê-su, và cho chúng ta thấy sự việc họ thờ phượng Đức Gia-Vê và đồng thời thờ lạy các thần riêng của dân tộc họ cách song song.

 Bạn có tin rằng dân Sa-ma-ri đã thờ phượng Chúa tại các núi Sa-ma-ri cả một thế kỉ trước khi dân Giu-đa (Do thái) hồi hương về Nam quốc ở Jerusalem xây dựng đền thờ để thờ phượng Chúa chăng?. Đương nhiên dân hồi hương thời Xô-rô-ba-bên, E-xơ-ra, Nê hê mi tái thiết đền thờ và có sự thờ phượng thánh theo luật Môi-se mà Chúa rất hài lòng. Nhưng còn dân sa-ma-ri lúc ấy thì thể nào?

Ông E-xơ-ra viết, “Khi các thù nghịch của Giu-đa và Bên-gia-min hay rằng những người đã bị bắt làm phu tù được về cất đền thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel, bèn đi đến Xô-rô-ba-bên và các trưởng tộc mà nói rằng: Chúng tôi muốn đồng xây cất với các ngươi, vì chúng tôi tìm cầu Đức Chúa Trời của anh em, cũng như anh em, và chúng tôi đã tế lễ cho Ngài từ đời Ê-sa-Ha-đôn, vua A-si-ri, đem chúng tôi lên đây. Nhưng Xô-rô-ba-bên, Giê-sua, và các trưởng tộc khác của Israel, đáp với chúng rằng: Các ngươi chẳng được phần chung với chúng ta đặng cất một đền thờ cho Đức Chúa Trời của chúng ta; song chúng ta, chỉ một mình  chúng ta, sẽ cất một đền cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel, như Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, đã truyền bảo chúng ta” (E-xơ-ra 4).

Dân Sa-ma-ri nói, “chúng tôi tìm cầu Đức Chúa Trời của anh em, cũng như anh em, và chúng tôi đã tế lễ cho Ngài từ đời Ê-sa-Ha-đôn, vua A-si-ri, đem chúng tôi lên đây”.

Tại sao Xô-rô-ba-bên và các cấp lãnh đạo Do thái đã từ chối lời thỉnh nguyện hợp lí của dân Sa-ma-ri và E-xơ -ra còn dán nhãn họ là “kẻ thù nghịch của Giu đa và Bên gia min”?

 Dân Israel nói chung đã rơi vào thái cực cho rằng mình là tuyển dân độc quyền, duy nhất của Chúa, không thể hòa nhập với bất cứ dân tộc nào, và quên lãng phương diện khác là Chúa giao cho họ sứ mạng làm ánh sáng cho muôn dân. Họ phải gìn giữ nếp sống thánh khiết của mình trong đời sống riêng để duy trì mức độ tin kính tốt nhất, nhưng họ còn phải có sứ mạng truyền giáo, phải mở lòng ra tiếp nhận những kẻ thờ phượng Chúa cách sai lạc, cách pha trộn của dân Sa-ma-ri như vậy. Tình thần kỳ thị người khác hệ phái, cái tâm hẹp hòi đó đã thể hiện trong đời sống tiên tri Giô-na, và trong hội thánh đầu tiên tại Jerusalem rất rõ ràng, và vẫn còn di chứng trong các loại cộng đồng dân Chúa ngày nay.---chỉ yêu thương, chỉ tiếp nhận những ai đồng quan điểm nhỏ nhặt, riêng tư của mình mà thôi.

 --Chúa Giê-su nhận xét và đánh giá sự thờ phượng của dân Sa-ma-ri nầy như thế nào?

 Dân Sa -ma-ri cứ thờ phượng Đức Gia-Vê theo sự dạy dỗ của một tiên tri nào đó từ trước khi Xô-rô-ba-bên hồi hương. Có người nó họ có bộ Ngũ Kinh, năm sách của Môi-se, nên Chúa Giê-su có nói “Nhơn đó tục ngữ rằng: 'Người nầy gieo, kẻ kia gặt,' là đúng lắm. Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không lao khổ, còn các ngươi thì đã vào tiếp hưởng công lao của họ” (Giăng 4:37-38). Chúa nói có một số người đến gieo giống cho dân Sa-ma-ri mấy trăm năm nước khi Chúa đến bên giếng ngày hôm đó.  Cho nên  họ đã thờ phượng Chúa, cách biệt với đền thờ tại Jerusalem suốt khoảng hơn 6 thế kỉ, kéo dài mãi cho đến ngày Chúa Giê-su nói chuyện với người phụ nữ tại giếng Gia-cốp. “Người đàn bà nói rằng: “Thưa ông, tôi nhìn thấy ông là tiên  tri. Tổ phụ chúng tôi thờ lạy trên núi nầy, còn các ông lại nói nơi  đáng thờ lạy là tại Jerusalem”.  Đức Jêsus phán rằng: “Đàn bà kia ơi, hãy tin ta, giờ đến, các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi nầy, cũng chẳng tại Jerusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy  điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do-thái”.

Người đàn bà nói ”Tổ phụ chúng tôi thờ lạy trên núi nầy, còn các ông lại nói nơi  đáng thờ lạy là tại Jerusalem” phản ảnh sự kỳ thị của dân Do thái tại Jerusalem đối với dân Sa-ma-ri và cuộc thờ phượng của họ tại núi Sa-ma-ri, vốn có gốc rễ  kể từ thời Xô-rô-ba-bên rồi.

 Nhưng Chúa nói,“các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi nầy, cũng chẳng tại Giê-ru-sa-lem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy  điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do-thái”.

Chúa chấp nhấn chung chung sự thờ phượng của dân Sa-ma-ri từ hơn 6 thế kỉ trước, và Ngài đánh giá đó là sự thờ phượng  “điều các ngươi không biết”—vì họ không biết rõ về về thuộc tánh của Đức Gia-Vê mà mọi ý nghĩa trong sự thờ lạy, nhưng quả thật Chúa có nhìn nhận sự thờ lạy của tổ phụ dân Sa ma ri từ suốt 6 thế kỉ trước.

--BIỆN GIẢI:

Viết đến đây, tôi nghĩ nhiều bạn sẽ phản bác tôi, cho rằng tôi là người dị giáo, lạc đạo.

 Tôi nghĩ sau rằng hơn 6 thế kỉ họ thờ phượng Chúa cách sai trật, dù Chúa như cho phép và có lưu ý đến họ, nên Ngài đã cố ý đến giếng Si-kha và biện minh cho sự thờ phượng của dân Sa-ma-ri trong 6 thế kỉ trước là có thực. Tôi tin trải qua 6 thế kỉ,  hàng ngàn người đã được cứu rỗi qua hình thức thờ phượng có lỗi lầm đó, khi họ cũng có bộ Ngũ Kinh Môi se và sự hướng dẫn của một thầy tế lễ Lê-vi.

--Bạn có  nhìn thấy sự thờ phượng Chúa của ông Giê-trô, bố vợ của Mô-se không? Ông không phải là người Israel, không thông hiểu bộ luật Môi-se như sách Lê-vi kí diễn giải về cách thờ phượng Đức Gia-Vê, thế mà sao Chúa chấp nhận sự thờ phượng của ông?  Vì ông dám dâng tế lễ  tại trại quân Israel cạnh chân núi Si-nai trước khi Chúa ban hành bộ luật cho Môi-se. “Đoạn Giê-trô, cha của vợ Môi-se, lấy một của-lễ thiêu và các tế vật dâng lên Đức Chúa TRỜI, và A-rôn đến cùng với tất cả các trưởng-lão Y-sơ-ra-ên để ăn bánh với cha vợ của Môi-se trước mặt Đức Chúa TRỜI” (Xuất hành 18:12).

Bạn không thể phủ nhận ông Giê trô là con cái của Chúa. Tổ phụ ông cũng có lẽ đã dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời hàng trăm năm trước rồi, từ sau cơn nước lụt phải không?

-- Ông Gióp cũng là người ngoài dân Israel, ông đã thờ phượng Chúa ra sao? “Và xảy ra, khi chu-kỳ các ngày tiệc tùng đã chấm dứt, Gióp sai và biệt chúng nên thánh, thức dậy sớm vào buổi sáng và dâng các của-lễ thiêu theo con số của tất cả chúng; vì Gióp nói: "Có thể các con trai của ta mới phạm tội và nguyền-rủa Đức Chúa TRỜI trong tâm của chúng chăng." Gióp đã làm liên-tục như vậy” (Gióp 1: 5).

 Ai dạy Gióp cách thờ phượng Chúa như vậy?. Ông không có kinh thánh Cựu ước như dân Sa-ma-ri có, nhưng chắc chắn ông là con cái thật của Chúa.

-- Còn Bê-tu-ên và La -ban, bố và anh vợ của Y-sác, họ thờ phượng Chúa ra sao và do ai dạy dỗ họ? La-ban thưa rằng "Xin vào, người được phước của Đức GIA-VÊ!-- Lúc đó La-ban và Bê-tu-ên trả lời và nói: "điều này đến từ Đức GIA-VÊ; vì vậy chúng ta không thể nói cùng ngươi không thích hợp hay tốt. Kìa, Rê-bê-ca ở trước mặt ngươi, hãy dẫn nó đi, và hãy cho nó làm vợ của con trai của chủ ngươi, như Đức GIA-VÊ đã phán" (Sáng. 24:31 50-51).

Bạn tin cha con La ban là con cái thật của Chúa không? Đó là những người tín đồ yếu đuối, vừa thờ lạy Chúa vừa thờ lạy các gia tượng (Teraphim) trong nhà, như các Cơ Đốc nhân làm tôi hai chủ ngày nay vậy (Sáng. 31:18).

 Ba-la-am là một pháp sư có tính cách tồi tệ, nhưng ông cũng có thể dâng của tế lễ cho Chúa, dù ông ở ngoài tuyển dân Israel và bộ luật Môi-se. Bạn nghĩ Ba-la-am là con cái thật của Chúa không?

 Nếu các bạn tin một phần những người từ dân Sa-ma-ri, ông Gióp, cho đến Ba-la-am đều là con cái của Chúa, thì tôi xin hỏi bạn: về lịch sử cụ thể, không phải dã sử, của nước Việt Nam có từ khoảng năm 4 TCN trong quốc gia của Hai Bà Trưng-- những người Việt cổ nào đó, sống trước Hai Bà Trưng, nếu họ thờ  phượng Đức Chúa Trời theo lương tâm, lương tri thuần chính, họ có được cứu chăng chiếu theo Rô ma 2: 14-16?  “Vả, khi dân Ngoại bang, vốn không có luật pháp, theo bổn tánh mà làm những việc hiệp luật pháp, thì họ, dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật  pháp cho mình.  Ấy họ tỏ ra công việc của luật pháp đã ghi trong lòng họ, lương  tâm họ cũng cùng làm chứng, và tư niệm của họ thay nhau khi thì cáo trách, khi  thì bàu chữa, là điều sẽ tỏ ra trong ngày mà Đức Chúa Trời bởi Jêsus Christ sẽ  xét đoán sự kín nhiệm của người ta y theo Tin Lành của tôi”.

 Thưa các bạn, trước khi Chúa ra đời, khoảng năm 4 TCN, những người Việt cổ đã thờ phượng Đức Chúa Trời theo lương tâm, họ có được cứu hay không?

 Tóm lại, Chúa Giê-su đúc kết, “Các ngươi thờ lạy điều các ngươi (dân Sa-ma-ri) không biết, chúng ta (dân Israel) thờ lạy điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do-thái.  Nhưng giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật lấy  tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha, vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ  lạy Ngài.  Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì cần phải lấy tâm  linh và lẽ thật mà thờ lạy.”

 Ánh sáng đã đến rồi.  Chúa Giê su là ánh sáng của thế giới (Giăng 8:12).

“Nhưng giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi”. Chúa Giê-su là ánh sáng, nay đã đến rồi, mọi cách thờ phượng trên núi Sa-ma-ri xưa kia, và phương cách thờ phượng theo bộ luật của Môi-se tại Jerusalem đều phải được hủy bỏ. Từ nay mọi người phải đến cùng Chúa Giê-su để thờ lạy Đức Chúa Trời trong tâm linh và  lẽ thật, thì sẽ được cứu và được Ngài chấp nhận.

 Khải Đạo- May 22, 2021