Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

LÓT, MỘT ANH EM-


 

Ý nghĩa của tên “Lót” có nghĩa là “Dark Coloured”--Nhuộm Đen, hay “concealed”, Che đậy, Giấu giếm..

Chấp sự Ê-tiên nói rằng Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng Áp-ra-ham tại U-rơ, xứ  Canh Đê. Chúa chỉ gọi một mình Áp-ra-ham, nhưng Sáng thế kí 11 chép rằng Tha-rê, bố của Áp-ra-ham nắm quyền lãnh đạo vợ chồng Áp-ra-ham, và Lót, cháu nội, rời khỏi Canh đê, chỉ đi nửa chặng đường đến đất hứa rồi dừng lại. Họ lưu lại Cha-ran trong 60 năm, cho đến khi Tha-rê qua đời. Sáng thế kí 12: 4-5 chép, “Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy; Lót đồng đi với người. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm. Áp-ram dẫn Sa-rai, vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an; rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an”.

 Chúa kêu gọi Áp-ra-ham, ông đồng đi với Chúa. Áp-ra-ham kêu gọi Lót, Lót đồng đi với Áp-ra-ham. Giống như chúng ta trực tiếp nghe tiếng gọi của Chúa, chúng ta được cứu, chúng ta mời bạn bè theo Chúa, họ tin Chúa qua sự rao giảng phúc âm của chúng ta.

Do tin Chúa, thế hệ thứ hai là Lót cũng được sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận Lót là người công bình, “Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì  cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình) (2 Phi-e-rơ 2:7-8). Lót là con cái thuộc linh của Áp-ra-ham, và là con chân thật của Đức Chúa Trời.

Về mặt huyết thống, Áp-ra-ham là bác ruột của Lót, và Lót là cháu của Áp-ra-ham. Nhưng Đức Thánh Linh cảm thúc tác giả Sáng thế kí là Môi se viết rằng: “Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó đến đất Đan” (Sáng thế kí 14:14).

 Trong tiếng Hê-bơ-rơ không có danh từ “cháu”. Chỉ có chữ “con” và “anh em”. Cho nên từ ngữ “cháu mình”, dù hầu hết các bản Kinh thánh Việt văn đều dịch là “cháu”, nhưng trong nguyên ngữ hay một số bản Kinh thánh Anh văn, vốn là  thành ngữ “anh em của mình” – (his brother).

 Khi bạn tin Chúa, bạn là con của Chúa, rồi sau đó con trai của bạn tin Chúa, nó cũng được gọi là con của Chúa, không hề được gọi là “cháu” của Chúa. Vì trước mặt Đức Chúa Trời, bạn và con bạn đều là anh em thuộc linh, ngang hàng nhau.

 Trong hội thánh tại Cô lô se có trưởng lão, như mục tử, tên là Phi-lê-môn. Ông có một một nô lệ tên là Ô-nê-sim. Khi ở nhà thì Ô-nê-sim quỳ xuống phục vụ Phi-lê-môn, nhưng khi hai người đến buổi nhóm của hội thánh Cô-lô-se, thì trước mặt Chúa và hội thánh hai người phải gọi nhau là anh em.

 Ngày nay Kinh thánh dạy người đáng tuổi cha, anh em phải gọi là cha, (1 Tim. 5:1-2), nhưng khi  nhóm trước mặt Chúa, mọi tín đồ già hay trẻ đều là anh em của nhau.

 Sau khi ở trong xứ hơn 10 năm, Áp-ra-ham dẫn vợ mình và Lót cháu mình xuống Ai-cập để tìm cái ăn. Chúa đã thương xót giải cứu vợ chồng Áp-ra-ham, lại còn được nhà vua ban cho nhiều của cải và bầy gia súc đông vầy. Ông Lót cũng vậy.

 Hai gia đình cùng dắt nhau về vùng đất Bê-tên, là nơi Áp-ra-ham đã lập bàn thờ thứ hai hồi mấy năm trước. Xảy khi có sự tranh chấp về đồng cỏ cho bầy súc vật, hai đoàn mục đồng của hai bác cháu tranh đấu với nhau. Vì Lót cũng có nhiều gia súc.

Áp-ra-ham cho Lót chọn lựa lấy phân nửa cánh đồng cho bầy súc vật sống, và do đó hai bác cháu phân rẽ nhau. Dĩ nhiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham hãy ra khỏi vòng thân nhân, nhưng trong sự việc nầy, Áp-ra-ham có lỗi. Nếu có thể giải quyết cho Lót chọn cánh đồng phía tây, tránh Sô-đôm, có lẽ Lót không đi đến một kết cuộc bi thảm như vậy. Vì Lót là con thuộc linh của Áp-ra-ham, Áp-ra-ham không nên cắt đứt sự thông công với Lót, thì có lẽ Lót sẽ tránh được Sô-đôm, một thành phố đồng tính trong thời ấy.

Khi nhìn cánh đồng trải dài đến sông Giô Đanh, tác giả Sáng thế kí phơi bày bụng dạ của Lót như sau: “Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông  Giô-đanh, là nơi  thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va  và như xứ Ai-cập vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh  và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau.  Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm.  Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va” (13:10-13)..

 Tôi tin rằng vợ chồng Lót bàn luận rất kĩ trước khi phát biểu lời nầy cùng Áp-ra-ham, “Đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va  và như xứ Ai-cập vậy”. Lót đánh giá cánh đồng đó giống như “vườn Đức Giê-hô-ha” và như “xứ Ai-cập”.

Có hai sự việc vương vấn trong tầm nhìn và tư tưởng của vợ chồng Lót.

-- “Như vườn của Đức Giê-hô-va”:

Vườn nầy là vườn Ê-đen. Khu vườn nầy lúc ấy không còn nữa. Thủy tổ của Lót sau cơn nước lụt, là Nô-ê  còn chưa thấy, Áp-ra-ham cũng vậy mà làm sao Lót có tư tưởng, có cảnh quan đó  đã gây ấn tượng trong tâm trí ông?

Tôi nghĩ đó là ảo tưởng của Lót, mơ điều không có, trong sự mê tín. Con dân Chúa ngày nay cũng có ảo tưởng, ảo giác như vậy khi họ mơ rằng khi Chúa tái lâm họ sẽ được vào thiên đàng, ăn sung mặc sướng, sống trong miền cực lạc. Đó là sự mê tín, một loại thuốc an thần cần uống vào  những lúc họ gặp khổ nạn trong đời sống.

 Thực ra sau khi Chúa tái lâm, con dân Chúa không có vào thiên đàng liền, mà tất cả phải qua tòa án Đấng Christ để chia luồng cho họ. Một phần sẽ vào vương quốc 1000 năm trên địa cầu cũ nầy, một phần lớn phải vào nơi khóc lóc nghiến rang, vì Chúa đã nói rõ trong Mathio 24, 25 rồi. Tôi khuyên bạn bỏ ảo tưởng cuồng tín, loại bỏ sự mê tín đó đi. Hãy chuẩn bị cho mình phải ứng hầu trước phiên tòa của Chúa xét xử chính mình nay mai.

--"Như xứ Ai-cập”.

 Tại sao Lót ví sánh cánh đồng kéo dài đến sông Giô-đanh giống xứ Ai cập. Mà chắc gì điều đó là sự thật. Gióp đã xuống Ai cập, đã nếm mùi hoan lạc, sung sướng ở một đất nước đượm sữa và mật đó một thời gian rồi. Cảnh thịnh vượng, hoan lạc của Ai-cập cứ lởn vởn trong đầu óc của ông, nên ông nghĩ cánh đồng kéo dài đến Sô-đôm cũng giống xứ Ai-cập được phần nào. Từ tư tưởng tìm kiếm sự thịnh vượng, hoan lạc, dần dần Lót  di trú đến thành phố đại tội là Sô-đôm, để thường trú.

Thời xưa, nhà cầm quyền của thành phố ngồi ở cổng thành, vì mỗi thành phố chỉ có một  ngõ ra vào. Lót làm quan chức rồi.

 Lời cầu nguyền lần thứ 6 của Áp-ra-ham với Chúa là ông xin Chúa tha thứ cho Sô-đôm nếu gia đình Lót có đủ 10 người công nghĩa. Như vậy Áp-ra- ham ước tính rằng Lót phải có 5, 6 đứa con trai gái, cộng với hai vợ chồng Lót và các  chàng rễ theo đạo vợ mà tin Chúa, thì con số 10 người công bình không là vấn đề.

 Cuối cùng thảm cảnh đã xảy ra. Vợ chết, con cái chết, Lót quá sợ hãi cùng với hai con gái còn lại chui rút trong hang núi và lưu lại hai hậu tự là tổ phụ hai dân tộc Am-môn, Mô áp, là dân Jordania hiện nay. Đó là hai kẻ thù truyền kiếp, ở sát sườn của Israel. Vì đã bị Ai cập và Sô đôm nhuộm đen cuộc đời, Lót mất tất cả,

Chúa nói trước, “Nước Ai-cập sẽ là một nước yếu hèn hơn hết các nước, và sẽ  không dấy lên trên các nước nữa; ta sẽ khiến chúng nó kém đi, hầu cho chúng nó  không cai trị các nước nữa. Nước ấy sẽ không còn làm sự nhờ cậy cho nhà Y-sơ-ra-ên; khi  nhà Y-sơ-ra-ên trông xem chúng nó thì sẽ nhắc lại sự gian ác; và chúng nó sẽ  biết rằng ta là Chúa Giê-hô-va” (Ezekiel 29:15-16).

 Chúa đã tiêu diệt Sô-đôm khoảng năm 2000 TCN, làm suy yếu Ai cập mãi đến hôm nay, để làm một bài học hầu chúng ta hôm nay không theo gương ông Lót, không bị Sô đôm hay Ai cập tân thời thu hút nữa.

 Nhưng tạ ơn đức thương xót của Chúa, trong nước ngàn năm, hai dân tộc Am- môn và Mô áp vẫn còn hiện hữu, vì “ Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm  giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội  lỗi” (Xuất hành 34:6-7).

 Minh Khải-- May 6, 2021