Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Lịch Sử Của Quyển Kinh Thánh


Danh từ Kinh Thánh được dịch ra từ chữ La-tinh "biblia" có nghĩa là quyển sách. Ngày xưa người ta dùng vỏ cây cắt ra thật mỏng như tờ giấy (papyrus) để ghi chép các tài liệu, loại giấy nầy được sản xuất và bán đi các nơi từ thành phố Biblios, một hải cảng ở phía bắc nước Do Thái, của người Phê-ni-xi, gần Beyruth, Lebanon ngày nay.



Vào thế kỷ thứ 5 S. C., các Hội thánh Hy Lạp dùng danh từ "Tà Biblia" hoặc "Biblia" cho Các Quyển Sách Thánh (Kinh Thánh). Nhiều người cho rằng Jean Chrysostome trưởng lão tại thành Constantinople (398-404 S. C.), là người thứ nhất dùng danh từ nầy. Ðến thế kỷ thứ 13, thì "Tà Biblia" trở nên "Biblio" hay "Biblia[1]" theo tiếng La-tinh tức là Các Sách Thánh trở nên Kinh Thánh. Sau đó các nước Tây phương cũng chấp nhận và dùng danh từ "The Bible" hoặc "La Bible"
.

I.  Nội Dung:
Kinh Thánh gồm có phần Cựu Ước và Tân Ước. Chữ Ước trong Cựu Ước được dịch từ danh từ berith của Hy-bá-lai có nghĩa là giao ước. Trong Tân Ước, chữ Ước được dịch từ danh từ diatheke của Hy Lạp có nghĩa là chúc thư (testament) hay giao ước (covenant). Nội dung của Cựu Ước nói lên giao ước giữa Ðức Chúa Trời và dân sự của Ngài, tức là dân Do-thái. Còn Tân Ước nói về giao ước mới của Thượng Ðế với loài người, "hầu cho hể ai tin Con Ngài đều được sự sống đời đời".
A. Cựu Ước của Cơ đốc giáo và Kinh Thánh Do thái giáo (Hebrew Bible) đều giống nhau. Cựu Ước có 39 quyển sách trong khi đó Kinh Thánh Do-thái có 24. Sự khác biệt nầy là do các vị lãnh đạo Cơ đốc giáo ngày xưa đã chia các sách Tiên tri và lịch sử ra làm nhiều sách riêng biệt. Cựu Ước đã được Ðức Chúa Jêsus và các Môn đồ cùng Sứ đồ nhìn nhận và gọi là Kinh Thánh (Scripture, Holy Scriptures). Các sách của Cựu Ước và Kinh Thánh Do-thái là:

Kinh Thánh Cựu Ước
Kinh Thánh Do thái
A.  Năm quyển sách của Môi-se:
A.  Các sách luật pháp:
1.  Sáng thế ký
Sáng thế ký
2.  Xuất Ê-díp-tô ký.
Xuất Ê-díp-tô ký.
3.  Lê-vi ký.
Lê-vi ký.
4.  Dân số ký.
Dân số ký.
5.  Phục Truyền luật lệ ký.
Phục Truyền luật lệ ký.
B.  Các sách về lịch sử:
B.  Các sách tiên tri:
6.  Giô-suê.
2a.  Tiên tri trước:
7.  Các Quan xét.
Giô-suê.
8.  Ru-tơ.
Các Quan xét.
9.  Sa-mu-ên.
Sa-mu-ên (Sa-mu-ên I và II).
10.  II Sa-mu-ên.
Các Vua (Các Vua I và II).
11.  I Các Vua.
2b. Tiên tri sau:
12.  II Các Vua.
Ê-sai,
13.  I Sử ký.
Giê-rê-mi,
14.  II Sử ký.
Ê-xê-chi-ên,
15.  E-xơ-ra.
Sách mười hai: Ô-sê.
16.  Nê-hê-mi.
Giô-ên.
17.  Ê-xơ-tê.
A-mốt.
C.  Các sách văn thơ:
Áp-đia.
18.  Gióp.
Giô-na.
19.  Thi Thiên.
Mi-chê.
20.  Châm Ngôn.
Na-hum.
21.  Truyền đạo.
Ha-ba-cúc.
22.  Nhã ca.
Sô-phô-ni.
D.  Các sách tiên tri:
A-ghê.
23.  Ê-sai.
Xa-cha-ri.
24.  Giê-rê-mi.
Ma-la-chi.
25.  Ca thương.
C.  Các sách văn thơ:
26.  Ê-xê-chi-ên.
Thi Thiên.
27.  Ða-ni-ên.
Gióp.
28.  Ô-sê.
Châm Ngôn.
29.  Giô-ên.
Ru-tơ.
30.  A-mốt.
Nhã ca.
31.  Áp-đia.
Truyền đạo.
32.  Giô-na.
Ca thương.
33.  Mi-chê.
Ê-xơ-tê.
34.  Na-hum.
Ða-ni-ên.
35.  Ha-ba-cúc.
E-xơ-ra và Nê-hê-mi.
36.  Sô-phô-ni.
Sử ký (Sử ký I và II).
37.  A-ghê.

38.  Xa-cha-ri.

39.  Ma-la-chi.


Các sách Ẩn Kinh (Apocrypha): Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo La-mã và Chính thống giáo Ðông phương (Eastern Orthodox) có thêm các quyển sách lịch sử và thơ văn Do-thái khác vào. Các quyển sách nầy được gọi là Deuterocanon, có nghĩa là Thứ Kinh (secondary canon). Người Do-thái và Tin Lành gọi là Apocrypha, hay Ẩn Kinh (hidden canon), còn được gọi là Ngụy Kinh.
Các sách Ẩn Kinh được viết trong thời gian nước Do Thái bị ngoại ban đô hộ và hà hiếp từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ nhất T. C. (trong thời gian bốn trăm năm yên lặng). Các quyển sách nầy, được viết bằng tiếng Hy-bá-lai và tiếng Hy-lạp, thường không có xuất xứ rỏ ràng, và được cho vào bản dịch Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp, bản dịch La-tinh thế kỷ thứ hai, bản La-tinh Vulgate thế kỷ thứ năm, nên rất phổ thông. Nội dung của các sách nầy có nhiều chỗ đi ngược lại sự dạy dỗ của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước vì thế Hội thánh đầu tiên và Giáo Hội Công Giáo không công nhận. Mãi cho đến thời kỳ cải chánh (Reformation), vào năm 1546 S. C., Hội Ðồng Giáo Hội Công Giáo La Mã, tại thành Trent nước Ý, mới chánh thức công nhận Ẩn Kinh là Thánh (canon) để ngăn chận phong trào cải chánh vì những người theo phong trào (Protestants) không cho Ẩn Kinh như là lời của Thượng Ðế.
Hai mươi năm sau khi Ðền Thánh bị phá hủy bởi quân La mã và dân Do Thái bị tản lạc khắp nơi, vào năm 90 S. C., một số học giả Do Thái họp tại Jamnia, cách Giê-ru-sa-lem chừng 50 Km về phía tây, để thống nhất và hợp thức hóa Kinh Thánh Do Thái (họ loại bỏ Ẩn Kinh ra) vì họ nhận thức rằng chỉ có Kinh Thánh và những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh mới có thể liên kết dân Do Thái với nhau dù họ ở nơi nào trên thế giới.
Ðức Chúa Jêsus không bao giờ trích dẫn từ Ẩn Kinh trong chức vụ của Ngài tại thế, cũng như trong cả Tân Ước, với tổng cộng hơn 300 lần trích dẫn từ Cựu Ước, chúng ta không thấy chỗ nào dùng đến những quyển sách nầy. Tín hữu Tin lành cho rằng Ẩn Kinh có giá trị, đáng được nghiên cứu (Giáo sĩ Cadman đã trích dẫn nhiều đoạn từ Ẩn Kinh trong quyển Thánh Kinh Từ Ðiển của ông), tuy nhiên các sách nầy không có thẩm quyền như các sách Cựu Ước được Ðức Thánh Linh soi dẫn.

Các sách Ẩn Kinh
1. Tobit
10. Bel and the Dragon
2. Judith
11. I Maccabees
3. Phụ bản của Ê-xơ-tê
12. II Maccabees
4. Tri thức của Sô-lô-môn
13. I Esdras
5. Ecclesiasticus (Sirach)
14. Lời cầu nguyện của Ma-na-se
6. Baruch
15. Thi thiên 151
7. Thơ của Giê-rê-mi
16. III Maccabees
8. Lời cầu của A-xa-ria và ba bạn Hê-bơ-rơ
17. II Esdras
9. Susana
18. IV Maccabees

B.  Tân Ước: Thánh thư Tân Ước (canon of the New Testament) là những quyển sách được Ðức Thánh Linh soi dẫn. Làm sao chúng ta biết rằng đây là những Thánh thư hay Tân Ước thật có đúng là lời của Ðức Chúa Trời hay không? Vì có rất nhiều thơ tín và văn chương Cơ đốc từ thời Chúa Jêsus, cho nên rất khó mà biết sách nào là sách Thánh.
Vào thế kỷ thứ 4 S. C., Công giáo hội nghị (Church council) gồm mười trưởng lão đã chọn các quyển sách để biệt vào hàng Thánh thư, tức là được Ðức Thánh Linh soi dẫn để cho vào Tân Ước. Nguyên tắc lựa chọn của họ là những tài liệu thơ tín của các Môn đồ, Sứ đồ trực tiếp học hỏi từ Ðức Chúa Jêsus như Phi-e-rơ, Phao-lô, Giăng, Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca... là các quyển sách Thánh, được Ðức Chúa Trời hà hơi. Tuy nhiên nhiều Hội thánh lúc đầu hoài nghi về các sách Gia-cơ, II Giăng, III Giăng. Nhiều người cho rằng các vị trên đã được giao phó một công tác vượt quá khả năng của loài người, nhưng trên thực tế những vị nầy chỉ khẳng định các sách đã được giáo giới chấp nhận từ lâu, có nghĩa là họ đã hợp thức hoá các Thánh thư Tân Ước, chứ không phải có quyền cho quyển sách nào là thánh hay không.

Các quyển sách Tân Ước
1.      Ma-thi-ơ
10.    Ê-phê-sô
19.   Hê-bơ-rơ
2.      Mác
11.    Phi-líp
20.   Gia-cơ
3.      Lu-ca
12.    Cô-lô-se
21.   I Phi-e-rơ
4.      Giăng
13.    I Tê-sa-lô-ni-ca
22.   II Phi-e-rơ
5.      Công vụ các sứ đồ
14.    II Tê-sa-lô-ni-ca
23.   I Giăng
6.      Rô-ma
15.    I Ti-mô-thê
24.   II Giăng
7.      I Cô-rinh-tô
16.    II Ti-mô-thê
25.   III Giăng
8.      II Cô-rinh-tô
17.    Tít
26.   Giu-đe
9.      Ga-la-ti
18.    Phi-lê-môn
27.   Khải huyền

Tân Ước cũng có Thứ kinh (Apocrypha) tuy nhiên vì không có giáo hội nào nhìn nhận các quyển sách nầy nên ít người biết đến. Chúng ta không đề cập đến Thứ kinh Tân Ước nơi đây.

II.  Tác Giả:
Cơ-đốc nhân tin rằng Ðức Chúa Trời đã dùng những người viết hay trước giả để truyền đạt lời của Ngài và chính Ngài là tác giả của cả quyển Kinh Thánh. Tuy rằng có vài quyển sách mà chúng ta không biết rỏ người viết là ai, cơ đốc nhân tin quyết rằng "Cả Kinh Thánh là được Ðức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình" (II Ti-mô-thê 3:16) vì thế chúng ta cám ơn Chúa nhận lãnh lời Ngài trong Kinh Thánh dù rằng sau nầy chúng ta có thể biết xuất xứ của một quyển sách nào đó một cách tường tận hơn sự hiểu biết hiện tại.
1. Năm sách luật pháp: Ða số các học giả cho rằng Môi-se đã viết các quyển sách Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục Truyền luật lệ ký, các sách nầy được viết vào khoản năm 1400 T. C., trước khi ông mất. Ðoạn cuối của Phục Truyền luật lệ ký nói về sự qua đời của Môi-se, có lẽ được Giô-suê, người  kế vị của ông viết.
2. Các sách lịch sử:
a.      Giô-suê là người viết sách mang tên ông, ông qua đời khoản 1375 T. C., đó cũng là thời điểm mà quyển sách nầy được hoàn tất.
b.     Người ta không biết rõ ai đã viết Các quan xét. Có lẽ  sách nầy được hoàn tất vào đời vua Sau-lơ hay Ða-vít năm 1050-1000 T. C..
c.      Trước giả của sách Ru-tơ không được biết rỏ, tuy nhiên nhiều người cho rằng Sa-mu-ên đã viết quyển nầy. Sách được viết vào đời vua Ða-vít hay sau nữa vì đoạn cuối của sách có đề cập đến Ða-vít.
d.     Sa-mu-ên là người đã viết hai sách mang tên của ông. Các sách nầy kể lại từ khi Sa-mu-ên ra đời cho đến khi Áp-sa-lôn nổi loạn vào năm 975 T. C..
e.      Lúc đầu người ta cho rằng tiên tri Giê-rê-mi đã viết hai quyển sách Các Vua. Về sau người ta tin rằng có lẽ do một tiên tri không được biết tên, đồng thời với Giê-rê-mi, viết lúc đế quốc Ba-by-lôn xâm chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 587 T. C.
f.       Thầy tế lễ E-xơ-ra là người viết bốn sách Sử ký I, II, E-xơ-ra và Nê-hê-mi vào cuối thế kỷ thứ năm T. C. (Nê-hê-mi có góp phần vào việc biên chép sách Nê-hê-mi đoạn 1-7 và 11-13). Trong các bản Kinh Thánh cổ, 4 sách nầy là một.
g.     Chúng ta không biết rõ ai là trước giả của Ê-xơ-tê. Sách được viết vào khoản cuối đời vua A-suê-ru, 465 T. C..
3. Các sách thơ văn:
a.      Chúng ta không biết ai là trước giả sách Gióp. Quyển sách nầy được viết vào khoản năm 2000 T. C., có người cho rằng sách được viết vào khoản năm 950 T. C..
b.     Ða-vít là trước giả sách Thi Thiên, ngoại trừ các đoạn sau đây: Ðoạn 72 và 127 do Sa-lô-môn viết; Ðoạn 90 của Môi-se (năm 1500 T. C.); Ðoạn 50 và đoạn 73-83 do A-sáp viết; Các đoạn 42, 44-49, 84-85, 87-88 do con cháu Cô-rê viết; Ðoạn 88 do Hê-man (cùng với con cháu Cô-rê); Ðoạn 89 do Ê-than viết. Thi Thiên 137 là đoạn được viết vào năm 538 T. C. nói đến sự buồn thảm của những kẻ bị đày qua Ba-by-lôn.
c.      Sa-lô-môn là trước giả sách Châm Ngôn, ông viết sách nầy vào khoản năm 970-931 T. C.. Ðến năm 720 T. C., người ta thêm vào các đoạn 25-29. Ðoạn 30 do A-gu-rơ viết và đoạn 31 do vua Lê-mu-ên soạn.
d.     Sa-lô-môn là người viết sách Truyền đạo cùng một lúc với Châm ngôn vào khoản năm 970-931 T. C.. Nhiều học giả cho rằng cách dùng từ ngữ và câu văn cho biết sách được viết sau thời gian trên.
e.      Nhã ca cũng do Sa-lô-môn viết vào năm 965 T. C..
4. Các sách đại tiên tri:
a.      Tiên tri Ê-sai, con A-mốt, viết quyển sách mang tên ông. Sách được viết vào năm 740-700 T. C..
b.     Tiên tri Giê-rê-mi là trước giả của sách Giê-rê-mi, ông thường đọc cho thơ ký của ông là Ba-rúc chép lại. Ba-rúc hoàn tất sách nầy sau khi Giê-rê-mi chết năm 585 T. C..
c.      Ca thương không đề cập đến ai là người biên soạn. Nhiều học giả cho là Giê-rê-mi viết sách nầy vào năm 587 hay 586 T. C. trước khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay người Ba-by-lôn.
d.     Tiên tri Ê-xê-chi-ên là người viết sách mang tên ông lúc dân Do thái bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn. Sách bắt đầu lúc vua Giê-hô-gia-kin bị bắt năm 597 T. C., Giê-rê-mi làm tiên tri cho đến năm 573 T. C.
e.      Tiên tri Ða-ni-ên viết sách mang tên ông vào năm 536 T. C.. Nhiều học giả hoài nghi về điểm nầy.
5. Các sách tiểu tiên tri:
a.      Tiên tri Ô-sê, con Bê-ê-ri làm tiên tri 40 năm từ năm 755 - 715 T. C.. Ông là người viết sách Ô-sê.
b.     Tiên tri Giô-ên, con Phê-thu-ên viết sách Giô-ên. Vì sách không có đề cập đến vị vua nào nên chúng ta không biết rỏ sách được viết lúc nào, có thể vào năm 835-796 T. C.
c.      Tiên tri A-mốt, người chăn ở Thê-cô-ra viết sách A-mốt sau năm 760 T. C.
d.     Tiên tri Áp-đia viết sách Áp-đia sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào năm 687 T. C.
e.      Tiên tri Giô-na, con trai A-mi-tai viết sách Giô-na vào năm 760 T. C.
f.       Tiên-tri Mi-chê, người Mô-rê-sết, làm tiên tri từ năm 750-687 T. C.. Ông viết sách Mi-chê.
g.     Tiên tri Na-hum, người Ên-cốt, viết sách Na-hum vào năm 612 T. C. sau khi thành Ni-ni-ve bị chiếm và hủy diệt.
h.     Tiên tri Ha-ba-cúc nói về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 587 T. C., sách được viết vào năm 600 T. C.
i.       A-ghê có nghĩa là vui vẽ, hoan lạc. A-ghê nói tiên tri làm phấn khởi dân sự sau khi bị đày ở Ba-by-lôn trở về quê vào năm 520 T. C. Ông viết sách A-ghê.
j.       Xa-cha-ri, con Ba-ra-chi, viết sách Xa-cha-ri từ năm 520-475 T. C.. Có người cho rằng đoạn 9 đến 14 được thêm vào 30-40 năm sau bởi một người khác không rỏ tên.
k.     Tiên tri Ma-la-chi đã viết quyển sách mang tên ông vào năm 450 T. C.
6.     Bốn sách phúc âm:
a.      Chúng ta không biết trước giả của Ma-thi-ơ là ai. Nhiều học giả cho rằng chính Ma-thi-ơ viết sách nầy, có lẽ vào năm 45 S. C..
b.     Nhiều người cho rằng Mác là trước giả của quyển sách mang tên ông. Sách được viết vào những năm cuối của thập niên 60.
c.      Sách Lu-ca được viết cho Thê-ô-phi-lơ, một quan La-mã, vào những năm đầu của thập niên 70 S. C., có lẽ do chính ông Lu-ca viết.
d.     Chúng ta không biết ai viết sách Giăng. Có người cho Giăng đã viết sách nầy vào khoản cuối thế kỷ thứ nhất.
7.   Công vụ các sứ đồ: Trước giả của sách Công vụ các sứ đồ và sách Lu-ca là một (Lu-ca), được viết cho Thê-ô-phi-lơ, một quan La-mã, vào khoản năm 70-80 S. C.
8. Thơ tín Phao-lô: Các sách nầy đều do Phao-lô viết.
a.      Rô-ma, Cô-rinh-tô I và II được viết vào năm 56 hay 57 S. C.
b.     Chúng ta không biết Ga-la-ti được viết lúc nào, có lẽ là vào năm 53 S. C. hay là sau đó nữa.
c.      Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn được viết khi ông bị ở tù vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 S. C..
d.     Tê-sa-lô-ni-ca I và II vào năm 50 hay 51 S. C.
e.      Ti-mô-thê I, II và Tít, còn gọi là các Thơ Tín Mục Vụ, được viết vào khoản năm 65 S. C. trong cuộc hành trình thứ tư của Phao-lô giửa hai lần bị tù ở La mã.
9.     Các sách thơ tín khác:
a.      Thơ Hê-bơ-rơ không cho chúng ta biết ai là người viết. Có thể là một trong những nhân vật sau đây: Lu-ca vì cách hành văn và ông cũng biết nhiều về sự dạy dỗ của Phao-lô; A-bô-lô là người Do thái ở A-léc-xăn-đơ hoặc Ba-na-ba là người Lê-vi, cả hai đều rất thông thạo Kinh Thánh; Si-la, Phi-líp, A-qui-la, Bê-rít-sin (vợ của A-qui-la). Sách được viết trước năm 70 S. C.
b.     Gia-cơ là em của Chúa Jêsus là trước giả sách Gia-cơ. Sách được viết vào khoản năm 45-48 S. C., cũng có thể vào năm 60 S. C. vì ông dựa rất nhiều vào các thơ tín của Phao-lô trước khi ông chết vào năm 62.
c.      Si-môn Phi-e-rơ, sứ đồ của Ðức Chúa Jêsus Christ là trước giả hai quyển sách Phi-e-rơ được viết vào năm 64 hay 65 S. C.
d.     Trước giả của Giăng I, II và III là một trưởng lão (II Giăng 1) không biết tên, ông viết "Hỡi con cái bé mọn ta" (I Giăng 5:13)... Các sách nầy được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, cùng thời với Sứ đồ Giăng.
e.      Giu-đe, em của Gia-cơ (có lẽ là em của Chúa Jêsus) đã viết sách Giu-đe vào khoản cuối thế kỷ thứ nhất.
10. Khải huyền: Sứ đồ Giăng viết quyển sách nầy khi bị đày ở đảo Bát-mô ven bờ biển Tiểu Á (Thổ nhỉ kỳ). Sách được viết vào những năm cuối cùng của Ðế Quốc La mã (81-96 S. C.).

III.  Ngôn Ngữ Nguyên Bản:
Ngoại trừ vài đoạn viết bằng tiếng Aramaic, Cựu Ước được viết bằng Hy-bá-lai (Hebrew). Hy-bá-lai là một ngôn ngữ rất phong phú thời bấy giờ với các thành ngữ, lời lẽ đầy màu sắc rất thích hợp cho việc ghi chép lịch sử, thơ văn, luật pháp của Cựu Ước. Tiếng Hy-bá-lai là một trong các cổ ngữ rất xưa, ngôn ngữ nầy được bảo tồn một cách kỳ diệu và được hiện đại hóa để làm ngôn ngữ chánh của dân Do-thái ngày nay.
Tiếng Hy-bá-lai được viết từ phải sang trái, theo nguyên bản thời xưa chỉ gồm có 22 phụ âm mà thôi. Người đọc phải cho vào các nguyên âm tùy theo kiến thức ngôn ngữ của mình. Vì thế những bản Kinh Thánh Hy-bá-lai được trường tồn qua nhiều thế kỷ. Chỉ có các nguyên âm thay đổi theo thời gian và địa phương.
Nhiều học giả Do-thái thuộc phái Masoretes (do chữ masora, masorah có nghĩa là truyền thống, cổ truyền) đã tìm cách bảo tồn cách đọc chính xác bằng cách thêm vào các chấm, các gạch ở trên, dưới hay là bên trong 22 mẫu tự để chỉ cách phát âm. Các hoạt động của nhóm học giả nầy bắt đầu vào thế kỷ thứ 2 T. C. đến thế kỷ thứ 8 S. C..
Bản Kinh Thánh cổ truyền (hay bản bằng chữ Maroretes) đã được bảo tồn cho đến ngày nay một cách huyền bí. Vào năm 1947, tại Qumran ở bờ phía tây của biển chết, người ta đã tìm được di tích của các cuộn Kinh Thánh cổ (The Dead Sea Scrolls), các sách nầy được viết vào khoảng năm 200 T. C. đến năm 68 S. C.. Những cuộn Kinh Thánh nầy đã xác nhận sự chính xác của các bản Kinh Thánh ngày nay.
Trong khi đó, Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp, gọi là koine, đây là ngôn ngữ thông dụng của thời đại bấy giờ[2]. Ngôn ngữ koine có hai loại: Văn chương và phổ thông. Bốn quyển sách phúc âm được viết bằng tiếng koine phổ thông đặc biệt với ảnh hưởng của ngôn ngữ địa phương. Sau đó, các Giáo phụ chuyển sang dùng tiếng koine văn chương. Mặc dù được viết bằng tiếng phổ thông, các sách Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, II Phi-e-rơ đã đạt đến trình độ văn học rất cao.

IV.  Các Bản Dịch Kinh Thánh.
(Xin xem thêm chi tiết trong Thánh Kinh Từ Ðiển của Giáo sĩ Cadman)
Vì Kinh Thánh không còn lại một nguyên bản nào, chỉ tìm được các bản sao chép rất xưa mà thôi, nên các bản đó, có giá trị như nguyên bản, đã được gìn giữ rất cẩn thận trong những viện bảo tàng. Nên nhớ nguyên bản rất cổ của phần thứ nhất Cựu Ước đã được viết cách nay độ 3.400 năm và phần cuối cùng Tân Ước được viết xong độ 1.900 năm trước đây. Chắc Chúa không cho để lại một tờ hoặc cuốn nào của nguyên bản, sợ gây cớ vấp phạm cho người ta thờ lạy.
Kinh Thánh đã được dịch sang ngoại ngữ kể từ thế kỷ thứ 5 T. C., trong đời đấng tiên tri E-xơ-ra, khi dân Do-thái trở về nước sau thời gian bị lưu đài 70 năm tại Ba-by-lôn. Vào thời nầy có nhiều cộng đồng người Do-thái nói tiếng Aramaic, vì vậy cần phải dịch Kinh Thánh để họ hiểu. Lúc bấy giờ, khi nhóm họp trong đền thờ, có một người đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hy-bá-lai và người đứng kế bên dịch lại bằng tiếng Aramaic, giống như tình trạng nhiều Hội thánh Việt Nam ở hải ngoại.
Bước sang giai đoạn đế quốc La Mã, văn hóa thế giới chịu ảnh hưởng Hy Lạp. Rất nhiều cộng đồng Do Thái sống trong vùng nói tiếng Hy Lạp, đưa đến nhu cầu dịch Kinh Thánh ra tiếng nầy.
Vào khoảng năm 200 T.C., vua Ptolemy của Ai-cập chọn 6 học giả từ mỗi chi phái Y-sơ-ra-ên tức 72 vị (được gọi vắn tắt là bảy mươi) đến Alexandria, Ai Cập để dịch Ngũ Kinh của Môi-se ra tiếng Hy Lạp cho thư viện nổi tiếng gồm trên 200.000 quyển sách của ông. Bản dịch nầy được gọi là bản dịch Bảy Mươi hay Septuagint, chỉ gồm 5 quyển sách luật pháp Mộ-se mà thôi. Về sau các sách khác của Cựu Ước được dịch tiếp ra tiếng Hy Lạp, bởi các học giả khác, cũng được xáp nhập vào bản Bảy Mươi.
Các tín đồ đầu tiên nói tiếng Hy Lạp, nên bản Bảy Mươi (Septuagint) rất thông dụng. Khi Cơ-đốc giáo bành trướng ra nhiều quốc gia khác, Kinh Thánh đã được dịch ra tiếng Syrie và một bản dịch ra tiếng La-tinh được hoàn thành vào khoảng 100 S. C., bản thế kỷ thứ 2.
Năm 383 S. C. Giáo Hoàng Saint Damasus I nhờ Giáo phụ Saint Jerome nhuận chánh bản dịch La-tinh. Bản dịch nầy hoàn thành vào năm 405 S.C., được gọi là bản Vulgate, có nghĩa là thông dụng (bản thế kỷ thứ 5).
Bản Kinh Thánh Do Thái giáo (Hebrew Bible) hiện nay được in từ bản Masoretes năm 1088 S. C., bản nầy hiện do thư viện thành phố Saint Petersburg giữ. Bản Masoretes cổ nhất là bản Aleppo vào đầu thế kỷ thứ 10.
Sau đây là các bản cổ xưa còn tồn tại đến ngày nay:
1.   Bản Sinaiticus: Là bản Bảy Mươi do Tischendorf tìm ra trong nhà dòng Thánh Catherine trên núi Si-na-i vào năm 1859. Bản nầy được chép vào thế kỷ thứ 4. có Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp và cả Tân Ước viết rất cẩn thận trên da, hiện  được gìn giữ tại viện bảo tàng Luân đôn. Các tài liệu nầy được xuất bản thành bốn cuốn sách vào năm 1867, đây là bản cổ nhất còn lại.
2.   Bản Vaticanus: Bản nầy được chép vào thế kỹ thứ 4, và được Giáo hoàng Nicolas V để tại thư viện thành La-mã.
3.   Bản Alexandrinus: Bản nầy được chép vào thế kỷ thứ 5, và được Cyril, trưởng lão thành Constantinople, dâng cho Anh Hoàng Charles I, vào năm 1627 và được để tại viện bảo tàng nước Anh.
4.   Bản Éphraemi, tại thư viện Paris (được viết chồng lên bài của Thánh Éphraem).
5.   Bản Bazae: Bản song ngữ được viết bằng tiếng Hy Lạp và La-tinh đối ngang nhau, giữ trong trường đại học Cambridge nước Anh. Théodore de Bèze, bạn của Jean Calvin, tìm ra năm 1560 trong nhà dòng Thánh Irénée, tại Lyons.
6.   Bản Claromontanus, thế kỷ thứ 6, để tại Paris.
7.   Các bản cổ khác theo thứ tự của các chữ cái (Alphabet):
a.   Các bản Arabic.
b.   Bản Aramaic Targum (2 bản chánh là Palestinian Targum và Babylonian Targum) là các bản diển ý được dịch sau khi dân Do Thái từ Ba-by-lôn trở về.
c.   Bản Armenian: Ðược in và xuất bản lần thứ nhất tại Amsterdam năn 1666.
d.   Các bản Egyptian: Bằng tiếng Memphic, tiếng Thébaide hay các thổ ngữ khác.
đ.   Bản Ethiopic: Bằng thổ ngữ cổ Axum.
e.   Bản Gothic: Ðược dịch ra vào cuối thế kỷ thứ 4.

Bản Kinh Thánh La-tinh (Biblia Latina)
in lần đầu tiên tại Venice, Ý Ðại Lợi,
năm 1475.

g.   Bản La-tinh:
1g. Bản La-tinh cổ hoặc bản Bắc Phi thế kỷ thứ 2, dùng tiếng La-tinh bình dân cho người địa phương.
2g. Bản Itala hoặc bản Italian, thế kỷ thứ 4, dùng tiếng La-tinh của người La-mã, văn chương hơn.
3g. Bản Vulgate thế kỷ thứ 5 do Jerome hiệu đính. Ðến năm 1455, khi có máy in, quyển sách đầu tiên được in ra là quyển Kinh Thánh La-tinh Vulgate sau khi được hiệu đính một lần nữa và được gọi là bản Vulgate thế kỷ thứ 15.
h.   Bản Samaritan.
i.    Bản Slavonic: Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 9, sau nhiều thế kỷ nữa mới xong.
k.   Bản Syriac (Peshitta): Ðược dịch từ những thế kỷ đầu tiên sau Thiên Chúa.

Các bản dịch hiện đại gồm có :
Ỉ        Bản tiếng Anh đầu tiên do John Wycliffe dịch vào thập niên 1380.
Ỉ        Bản tiếng Anh của William Tyndale, năm 1525 gồm Tân Ước và năm 1531 Cựu Ước.
Ỉ        Bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Ðức từ bản Vulgate của Luther. Tân Ước được xuất bản năm 1522, cả Kinh Thánh năm 1534, và được hiệu đính năm 1544. Kinh Thánh Ðức đã giúp đỡ nhiều trong sự cải chánh Hội Thánh và cũng dùng để dịch ra tiếng Thụy Ðiển, Hòa Lan, Ðan Mạch, Phần Lan, và Ái Nhĩ Lan.
Ỉ        Năm 1604, vua James I của Anh quốc lập một hội đồng gồm 50 học giả nhuận chánh lại các bản dịch Anh ngữ đã có từ trước. Công việc được hoàn thành vào năm 1611 và được gọi là bản King James (KJV) hay là "Authorized Version". Với lời văn hoa mỹ, bản dịch đã trở thành một áng văn tuyệt tác trong kho tàng văn chương của nước Anh. Dù về sau Giáo Hội Anh Quốc cho nhuận chánh lại bản King James, công trình được hoàn tất vào năm 1895 và được gọi là bản Revised Version, nhưng đa số Hội thánh và tín đồ vẫn còn dùng bản King James cho đến ngày nay[3].
Ỉ        Nhờ các bản sao cổ mới tìm được; Brian Walton xuất bản một Tân Ước tiếng Hy Lạp, năm 1657.
Ỉ        Kinh Thánh toàn bộ được in bằng tiếng Pháp vào năm 1487; tiếng Ý vào năm 1530-32; tiếng Ðức vào năm 1534; tiếng Anh vào năm 1535; tiếng Thụy Ðiển vào năm 1541; tiếng Hòa Lan vào năm 1560; tiếng Tây Ban Nha vào năm 1569-1602; tiếng Ái Nhĩ Lan vào năm 1584; tiếng Phần Lan vào năm 1642; tiếng Ấn Ðộ (Carey) vào năm 1834; tiếng Trung Hoa (Morison) vào năm 1834; tiếng Việt Nam với La-tinh vào năm 1916; tiếng Việt Nam vào năm 1926; tiếng Ai-lao vào năm 1930; tiếng Cam-bô-chia (Tân Ước) vào năm 1934.

Vào thế kỷ thứ 20, có rất nhiều bản dịch Anh ngữ dụng ý thay thế các bản dịch xưa, văn chương đã lỗi thời. Các bản nầy gồm có :
à        The Bible: Bản dịch tiếng Mỹ, hoàn thành năm 1931.
à        Revised Standard Version của Giáo Hội Church of Christ, năm 1957.
à        Bản Kinh Thánh Jerusalem do Giáo Hội Công Giáo năm 1966 tại Anh Quốc.
à        The New English Bible hoàn tất vào năm 1970.
à        The New American Bible của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, năm 1970.
à        The New American Standard Bible năm 1971.
à        The Good News Bible của Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ, năm 1976.
à        The New International Version (NIV), Thánh Kinh Hội Nữu Ước, năm 1976.
à        The Common Bible, năm 1973, đây là bản dịch Anh ngữ đầu tiên được cả ba Giáo Hội Tin Lành, Công Giáo, và Chính Thống Giáo Hy Lạp (Greek Orthodox) công nhận.
à        The New Revised Standard Version, của The National Council of Churches,  được hoàn tất vào năm 1990, cũng được các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo thừa nhận.

V.  Kinh Thánh Tiếng Việt Nam. [4]
Theo sử liệu thì vào năm 1533, có một người Tây phương được phép rao giảng đạo Thiên Chúa ở tỉnh Nam Sơn (Nam Ðịnh). Sau đó nhiều Giáo sĩ Công Giáo Âu châu đã đến Việt Nam để truyền giáo. Mãi cho đến năm 1624, có một giáo sĩ người Pháp, một học giả tài ba lỗi lạc, là Cha Ðắc Lộ hay Alexandre de Rhodes đến Việt Nam. Ông hoạt động cả miền bắc lẫn miền nam trong 22 năm. Ông thành thạo ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam, và đã hoàn tất việc chuyển đổi chữ nôm ra tiếng Việt dùng mẫu tự La-tinh. Với vài thay đổi và tu chỉnh sau này, ngôn ngữ do ông soạn thảo đã trở thành quốc ngữ vào cuối thập niên 1910. Trong giai đoạn phôi thai của loại chữ viết mới, các Linh Mục đã bắt đầu viết các sách từ vựng Việt Nam La-tinh... Vào năm 1872, Giáo Hội Công Giáo phát hành những phần Kinh Thánh rời rạc đầu tiên bằng Việt Ngữ. Các bản nầy được dành riêng cho hàng giáo phẩm sử dụng mà thôi.

Khi đạo Tin Lành đến Việt Nam vào năm 1911, một số sách Phúc Âm đã được dịch ra tiếng Việt với mục đích chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Vào năm 1916, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA) bắt đầu cho phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh[5] sang tiếng Việt. Công trình này kéo dài gần 10 năm và đến năm 1926, các tín hữu Tin Lành Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình do Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (United Bible Societies) xuất bản. Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có nhà văn Phan Khôi, ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Ðẳng Ðông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi.
Năm 1971, nhà xuất bản Ra Khơi tại Sài Gòn phát hành Kinh Thánh toàn bộ do Linh Mục Trần Ðức Huân thực hiện, với sự giúp đỡ của Ủy Ban Phiên Dịch do Giám Mục Trương Cao Ðại hướng  dẩn.
Năm 1976, toàn bộ Kinh Thánh do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn thực hiện được hoàn tất. Phần Tân Ước trong bản dịch này được phiên dịch từ nguyên văn Hy Lạp. Tuy nhiên, vì tình hình chính trị tại Việt Nam không thuận lợi cho việc xuất bản Kinh Thánh, nên các Linh Mục dòng Chúa Cứu Thế tại La Verne, California đã cho xuất bản toàn bộ bản dịch nầy vào năm 1980.
Năm 1982, Hội Living Bible International tại Hong Kong phát hành Thánh Kinh Tân Ước do Mục Sư Tiến Sĩ Lê Hoàng Phu thực hiện. Bản dịch mới này thường được đọc giả biết đến dưới tên Thánh Kinh Tân Ước Diễn Ý.

Cũng vào đầu thập niên 1980, Giáo Hội Công Giáo phát hành bản dịch Kinh Thánh Tân Ước do Hồng Y Trịnh Văn Căn thực hiện, tại Hà Nội. Bản dịch này được Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam tái bản lần thứ nhất vào năm 1985 tại Orange County, California.
Vào năm 1987, Vietnamese Bible Inc. được thành lập tại Midland, Texas, với mục đích thực hiện một bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mới. Quyển Tân Ước đã được phát hành vào năm 1996. Toàn bộ Kinh Thánh dự trù sẽ được hoàn tất vào năm 2000.
Năm 1994, Tòa Tổng Giám Mục tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã xuất bản 30.000 Thánh Kinh Tân Ước do Linh Mục Hoàng Ðắc Ánh và Linh Mục Trần Phúc Nhân phiên dịch do Thánh Kinh Hội Quốc Tế (International Bible Societies) bảo trợ và xuất bản.
Năm 1995, toàn bộ Kinh Thánh Việt Nam đã được tái bản tại Ðà Nẵng, với vài hiệu đính nhỏ từ bản Kinh Thánh năm 1926. Việc tái bản này do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS). Ðây là bản Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin Lành Việt Nam in và phát hành tại quê nhà sau năm 1975, đến nay tổng số phát hành được trên 100.000 quyển.

Ngoài dự án phiên dịch Kinh Thánh sang Việt Ngữ của Vietnamese Bible Inc., nhiều Mục Sư cũng đang dịch các phần Kinh Thánh rời rạt với các sắc thái khác nhau, thích hợp cho các thành phần đọc giả Việt Nam ngày nay. Hiện nay, Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS) cũng đang bảo trợ một ban dịch thuật tại Việt Nam trong dự án hiệu đính bản Kinh Thánh năm 1926 để thỏa mãn nhu cầu ngôn ngữ ở quê nhà vì tiếng Việt Nam đã thay đổi nhiều trong một phần tư thế kỷ vừa qua.

VI.  Kết Luận:
Kinh Thánh là một bộ sách gồm 66 quyển được viết bởi nhiều người từ vua, quan, các nhà lãnh đạo dân Do Thái, đến y sĩ (thầy thuốc), người thâu thuế, người chài lưới, người chăn chiên... trong thời gian hơn 1500 năm. Tuy vậy lời lẽ trong Kinh Thánh từ đầu tới cuối đều oai nghiêm giống nhau như của một tác giả độc nhất. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dữ kiện xác nhận sự trung thực của Kinh Thánh.
Kinh Thánh là quyển sách đầu tiên được in ra khi loài người mới phát minh máy in vào năm 1455. Kinh Thánh cũng là một quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, số ấn hành từ trước đến nay nhiều vô số không thể kiểm kê chính xác được.
Nhờ Kinh Thánh mà nhiều sắc tộc trên thế giới có được một ngôn ngữ viết và tiếng nói, văn hóa họ được phong phú thêm hơn. Quyển Kinh Thánh còn có khả năng thay đổi đời sống vô số người từ tuyệt vọng, đau khổ đến hy vọng, hạnh phúc.
Tuy nhiên mục tiêu tối hậu của Kinh Thánh là giới thiệu cho chúng ta Chúa Cứu Thế Jêsus trong chương trình của Thượng Ðế cho loài người, nối liền mối tương giao giữa chúng ta với Ðấng Tạo Hóa.
Hương Mai