Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

BẢY HÌNH ẢNH MINH HỌA VỀ ISRAEL (Bắc Quốc)


                
Vào thời tiên tri Hosea, vương quốc Israel chia đôi. Mười chi phái phía bắc xây dựng nước Israel (Ephraim). Hai chi phái phía nam là nước Judah. Tiên tri Hosea thi hành chức vụ tiên tri chủ yếu cho Bắc quốc trong suốt thời trị vì của các vua Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah, là các vua Judah và trong thời kỳ của vua Jeroboam, con trai vua Joas, vua Bắc quốc. Thời gian chức vụ lời tiên tri của Hosea kéo dài khoảng 60 năm.

Trong chương 7 và 8 sách tiên tri của ông, Chúa đã bày tỏ cho chúng ta thấy các tội lỗi dân Chúa ở Bắc quốc.


Về mặt xã hội, các tội phạm hình sự của Israel là: giả dối, trộm cắp, cướp bóc, tà dâm, gian ác, nói dối, say sưa, và nhạo báng.

Đối với Đức Chúa Trời, Ephraim lìa bỏ Đức Chúa Trời, dùng vàng bạc chế tạo ra hai tượng bò con bằng vàng để thờ lạy. Họ làm thêm nhiều bàn thờ để phạm tội. Nói chung, đối với Chúa thì Ephraim phạm tội tà dâm thuộc linh.

Trên đây là bản tóm tắt tổng quát về tình trạng tội lỗi của Bắc quốc Israel. Nhưng Hosea là nhà tiên tri có tài ăn nói, có cách diễn tả sống động, gợi hình. Đức Chúa Trời đã dùng ông minh họa 7 hình ảnh về chân tướng và hành vi của dân Chúa ở Bắc Quốc như sau:


  1. Israel là chiếc bánh không xoay trở: -7:8
“Ép-ra-im xen lộn với các dân khác; Ép-ra-im khác nào bánh chưa quay”, Hosea 7:8. Bản Truyền thống (TT) dịch “bánh chưa quay”; bản Hiệu đính (HĐ) dịch “bánh không trở”, còn bản Phổ thông (PT) sửa lại là “bánh chỉ chín có một mặt”.

Israel sống cực đoan, cường điệu trong phương diện pha trộn, liên kết với các dân ngoại, mà mặt kia thì không gắn kết Đức Chúa Trời. Họ quá đà ở chiều ngang, và không có tựa mình vào chiều đứng. Ngày nay dân Chúa cũng sa vào hoặc thái cực nầy của lẽ thật mà bỏ sót thái cực kia. Người ta chú ý phúc âm văn hóa, hội nhập với thế giới, mà quên phúc âm sống thánh khiết biệt riêng cho Đức Chúa Trời.

Trong bản xếp hạng các ân tứ ở I Corinhto 12:4-10, ân tứ về  giảng lời Chúa đứng đầu, các ân tứ phép mầu đứng cuối. Nhưng có lắm người quá nhấn mạnh các ân tứ hạng cuối cũng như ân tứ quyền năng, tiếng mới, chữa bệnh mà bỏ qua các ân tứ hàng đầu là lời khôn ngoan, lời tri thức của Đức Thánh Linh. Đây là bánh không quây trở.

  1. Israel như người có tóc bạc: -7:9
“Các dân ngoại đã nuốt sức mạnh nó, mà nó không biết! Tóc đầu nó bạc lém đém, mà nó chẳng ngờ!” (Hosea 7:9). Theo y khoa, người có tóc bạc sớm là người thiếu nguyên tố đồng trong cơ thể, sức khỏe người đó đã xuống rồi. Cái răng cái tóc cái gốc con người. Người cao tuổi mà tóc còn đen nhánh, là người còn sức khỏe sung mãn. Người có tóc bạc sớm là người xuop61ng dốc về sứ khỏe.

Nhã ca 5:11 nói Lương nhân của Sulamít có “Đầu .. bằng vàng thật ròng; Lọn tóc người quăn, và đen như quạ.”, chứng tỏ người đầy sức sống sung mãn. Còn Quan xét 16:11 bày tỏ sau khi tóc bị cạo, sức lực siêu phàm của Sam sôn bị mất.  Kinh thánh ghi lại: “Nàng khiến Sam-sôn nằm ngủ trên đầu gối mình, gọi một người, biểu cạo bảy mé tóc trên đầu chàng. Như vậy, nàng khởi làm khốn khổ người, sức lực bèn lìa khỏi người.  Bấy giờ nàng nói: Ớ Sam-sôn, người Phi-li-tin xông hãm ngươi! Người thức dậy mà rằng: Ta sẽ ra như các lần trước, và gỡ mình cho thoát khỏi tay chúng nó! Nhưng người chẳng biết rằng Đức Giê-hô-va đã lìa khỏi mình.” (Quan 16:19). Người “có tóc bạc lém đém” ngụ ý người đã bị Satan làm hao mòn sức lực thuộc linh của mình mà không biết.

  1. Bồ câu ngây dại:- 7:11
“Ép-ra-im như bồ câu ngây dại, không có trí khôn: vì chúng nó kêu Ê-díp-tô, đi đến cùng A-si-ri.” Bản HD ( dịch “bồ câu khờ khạo”, còn bản PT sửa lại là “bồ câu dễ bị lừa gạt, ngờ nghệch”. Bản RcV dịch “bồ câu khờ dại, không có sự hiểu biết”.

Mathio 3:16 nói rằng Đức Thánh Linh lấy hình bồ câu ngự xuống đậu trên Chúa Jesus khi Ngài chịu báp têm. Nên ý nghĩa tượng trưng đầu tiên của chim bồ câu trong Kinh thánh là Đức Thánh Linh.

Ý nghĩa tượng trưng thứ hai về bồ câu trong Kinh thánh chép trong lời phát biểu của David ở Thi thiên 55:4-8-, “Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi, Sự kinh khiếp về sự chết đã áp lấy tôi. Nỗi sợ sệt và sự run rẩy đã giáng trên tôi, Sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi. Tôi có nói: Ôi! Chớ chi tôi có cánh như bồ câu, Ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng. Phải, tôi sẽ trốn đi xa, Ở trong đồng vắng. Tôi sẽ lật đật chạy đụt khỏi gió dữ, Và khỏi giông tố.”. David sánh mình như bồ câu, phải bay đi phương xa để tránh gió dữ do sự đàn áp, bắt bớ của vua Sau lơ. Cho nên bồ câu tượng trưng thánh đồ của Chúa.

Nhưng ở đây bồ câu ngây dại, ngụ ý bồ câu khờ dại, thiếu sự hiểu biết thuộc linh. Chúa nói, “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết.”(Hosea 4: 6). Tín đồ khờ dại, thiếu hiểu biết lẽ thật sẽ bị Satan lừa gạt dẫn đường. Nguyện Chúa cho chúng ta làm những bồ câu thuộc linh, đầy dẫy sự hiểu biết lẽ thật và hiểu biết Chúa.

  1. Chim trời: 7:12
“Đang khi chúng nó đi đó, Ta sẽ giăng lưới trên chúng nó, Ta sẽ làm cho chúng nó ngã xuống như những chim trời; Ta sẽ sửa phạt chúng nó y như giữa hội chúng nó đã nghe.”(Hosea 7:12). Câu nầy không nói chim rừng mà nói chim trời.

Trong Mathio 13: Chúa Jesus giải thích về “chim trời” (birds of heave) như sau: “Kìa, có người gieo đi ra gieo.  Đương khi gieo, có hột rơi nhằm mé đường, chim trời đến ăn nuốt hết.... Khi người nào nghe Lời của nước trời mà không hiểu, thì quỉ dữ đến đớp điều đã gieo trong lòng người; ấy là giống đã gieo nhằm mé đường.... Nước trời ví như một hột cải mà người kia lấy gieo trong ruộng mình;  hột ấy thật nhỏ hơn cả các giống khác, song khi đã lớn lên thì to hơn các thứ rau, và trở nên cây cối, đến nỗi chim trời tới đậu trên nhành nó được."

Theo lời Chúa Jesus, chim trời là các quỉ, từ không trung xuống địa cầu ăn hột giống Lời Chúa trong người mới vừa nghe Lời ấy. Đó là các quỉ, các thiên sứ ác. Còn chim trời cư ngụ trong cây to, cơ đốc giáo giới sa bại, bành trướng, là các kẻ ác, và cũng có thể là các quỉ nữa.
Dân Chúa vào thời Hosea trở nên giống người quỉ, và người ác. Thí dụ, buổi sáng, chúng ta thức dậy, tương giao cầu nguyện, đọc Kinh thánh, chúng ta chạm Chúa, được xức dầu Thánh Linh, chúng ta là thánh đồ của Chúa. Buổi trưa có thể, chúng ta nổi giận với vợ con, hành động và la lối như một con quỉ. Xin Chúa giải cứu chúng ta để chúng ta không sống giống như một con quỉ, hay một người ác độc.

  1. Cây cung sai lệch: 7:16
Bản TT dịch “Chúng nó xây lại, song không hướng về Đấng Rất Cao. Chúng nó giống như cung giở trái”. Bản HĐ , “cây cung bị hỏng”. bản PT, “cây cung đã chùng, không thể bắn thẳng được”. Bản Anh văn RcV, “cây cung lừa dối” ( the deceiful bow). Đây là cây cung sai trái, hư hỏng, sai lệch, không bắn được mũi tên trúng mục tiêu người sử dụng nó.

Thi thiên 45: 5 chép, “Các mũi tên Ngài bén nhọn, Bắn thấu tim kẻ thù nghịch vua”. Cây cung của Chúa Jesus bắn tên trúng mục tiêu là ngực kẻ thù, Satan. Còn đời sống dân Chúa thời Hosea cũng như dân thánh thời hôm nay thì giống như cây cung hỏng, sai lệnh, khi dùng nó để bắn tên đi, mũi tên không trúng mục tiêu. Thi thiên 45 và Hosea 7:16 nói lên tình trạng chiến tranh giữa Đức Chúa Trời và Satan suốt các thời đại, nhưng đa số cuộc đời thánh đồ sống sai lệch mục tiêu của Chúa, nên không góp phần vào ngày chiến thắng cuối cùng của Chúa được. Xin Chúa cho chúng ta xây lại với Chúa, sống đáp trúng nguyện vọng Ngài.

  1. Cái bình chẳng ai ưa thích:8:8
Hosea 8:8 được bản TT dịch là “khí mạnh”; bản HĐ sửa lại là “vật dụng”, nhưng bản RcV dịch sát nghĩa là “chiếc bình” (vessel).

Bình là container, được chế tạo ra với mục đích chứa đựng vật gì đó. Theo ý định của Đức Chúa Trời, bình là hồn con người, phải chứa đụng Chúa, rồi sau đó bình cung cấp Chúa cho người khác, là đổ Chúa ra cho người. Trong II Cor. 4:7, Phao lô nói, “Nhưng chúng tôi có (đựng) của báu (Đấng Christ) nầy trong bình bằng đất,...”. Nhưng dân thánh thời Hosea, bình của họ không chứa đựng Chúa, nhưng chứa đựng tội lỗi, chứa hai con bò con bằng vàng, nên họ không còn là chiếc bình được ưa thích nữa.

Hội thánh nào được loài người ưa thích là vì Hội thánh đó có chứa đựng Chúa. Nếu chiếc bình của hồn bạn chỉ chứa tội lỗi, mà không có chứa Chúa được bao nhiêu, thì không ai thích nghe bạn giảng dạy hay đọc bài bạn sáng tác bao giờ. Bạn phải là bình đầy dẫy Chúa luôn luôn. Xin Chúa gìn giữ chúng ta để chúng ta không sa ngã thành chiếc bình không còn ai ưa thích nữa.


  1. Con lừa rừng đi một mình: Hosea 8:9
“Vì chúng nó đã lên A-si-ri, như con lừa rừng đi một mình”. Bản PT dịch, “như con lừa hoang đi rong”. Bản H Đ dịch, “như con lừa hoang lang thang một mình”.

Xuất Ai cập ký chép 13:11-13, “Khi Đức Giê-hô-va đã đưa ngươi vào bờ cõi xứ Ca-na-an, như Ngài đã thề cùng ngươi, và tổ phụ ngươi, khi Ngài đã ban xứ đó cho rồi,  thì hãy đem dâng cho Đức Giê-hô-va những con trưởng nam cùng cả con đầu lòng đực của súc vật ngươi, vì chúng nó đều sẽ thuộc về Đức Giê-hô-va. Nhưng mỗi con lừa đầu lòng, ngươi phải bắt chiên con hay là dê con mà chuộc; bằng không, ngươi hãy vặn cổ nó.” Những câu trên đây bày tỏ con chiên tượng trưng tín đồ, còn con lừa là người vô tín phải nhờ con chiên chuộc mạng thay thế mới khỏi bị bẻ cổ, là bị phán xét. Như vậy con lừa tượng trưng người ngoại, người chưa tin Chúa.

Hosea nói dân Chúa thời của ông giống như con lừa hoang đi lang thang một mình. Họ là dân thánh Đức Chúa Trời mà không sống trong nhà Chủ mình, nhưng đi lang thang, vô mục đính như dân vô tín đi lang thang trong thế giới nầy ngày nay.

Tóm lại bảy hình ảnh nầy minh họa thực trạng thuộc linh của dân chúa thời Hosea và tín đồ thời kỳ của chúng ta. Xin Chúa cứu chúng ta thoát khỏi bảy tình trạng nầy. Amen.

Minh Khải
GC. 21-1-2013