Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

HÌNH BÓNG HAY TIÊU BIỂU?

Con rắn bằng đồng-Giăng 3:14


Hình bóng là cái bóng của cái hình, còn tiêu biểu là tượng trưng cho một hình ảnh với vài nét chấm phá của một chân dung cho một hình thể hiện thực trong Tân ước.

Có rất nhiều hình bóng, nhiều tiêu biểu trong Cựu ước được chứa đựng trong 4 lãnh vực: Đấng Christ, Đức Thánh Linh, Hội Thánh và sự cứu rỗi, được các hình thể trong Tân ước xác nhận
.

Thí dụ, nếu bạn có cơ may tìm được các tập kỷ yếu, các tập lưu ảnh thời đã qua, mà trong đó có hình ảnh thân phụ của bạn, bạn sẽ nhận diện hình ảnh ông ngay. Tại sao?—Vì bạn đã quá quen thuộc vẻ mặt, dáng dấp của cha mình hôm nay, nên bạn rất dễ nhận ra bất cứ hình ảnh nào của ông trong các giai đoạn quá khứ của ông. Hình bóng học hay tiêu biểu học trong Cựu ước cũng như vậy. Khi so sánh với Tân ước, chúng ta dễ nhận ra các hình ảnh của Đấng Christ, Đức Thánh Linh, Hội Thánh và sự cứu rỗi, đã được phác họa, có khi sơ lược, hoặc cách minh bạch trong Kinh thánh Cựu ước.

Tân ước dùng 5 từ ngữ sau đây minh họa cho môn học nầy:

  1. SKIA: shadow, foreshadowing. Việt văn dịch là hình bóng, hay sự dự báo:
--Colose 2:16, 17, “Vậy nên, chớ để ai xét đoán anh em về đồ ăn đồ uống, hoặc ngày lễ hoặc ngày trăng non, hoặc ngày sa bát. Ấy đều là hình bóng của những sự sẽ đến, còn thể (body) thì là Đấng Christ”.

Trong câu kinh thánh nầy Phao lô nói mọi sự liên quan lễ tiệc, ngày hội họp, thức ăn, đồ uống của dân Israel trong Cựu ước đều là các hình bóng của các thực thể trong nếp sống dân Chúa thời Tân ước. Đấng Christ là vầng đá ban cho nước sống (I Cor. 10:4), là bánh ma na từ trời (Giăng 6:35), là lễ vượt qua (I Cor.5:7), là ngày sa bát, sự nghỉ ngơi (Math.11:28)..v..v..

--Hê bơ rơ 8:5, “Những kẻ ấy phụng sự theo kiểu rập và hình bóng (skia) của các việc trên trời, chánh như khi Môi-se sắp làm nhà trại, thì Đức Chúa Trời cảnh giới ông rằng: “Hãy cẩn thận, làm mọi sự theo kiểu mẫu đã chỉ cho người trên núi”.

Moses mô phỏng làm ra đền tạm và mọi vật dụng trong đó đúng theo kiểu mẫu mà Chúa cho ông thấy trên núi với Chúa. Dân Israel Cựu ước phụng sự Đức Chúa Trời bằng các hình bóng của các vật đời đời trên trời. Các vật dụng trong đền tạm là các hình bóng của các vật đời đời trên trời mà đang được thể hiện trong nếp sống dân Chúa ngày nay.

Ngày xưa họ có chơn đèn bảy ngọn bằng vàng ròng, nay chúng ta có Đấng Christ là chơn đèn soi sáng chúng ta. Cả đền tạm, đền thờ kiên cố và mọi vật dụng trong đó đều là hình bóng của Đấng Christ và các vật đời đời, thưộc linh. Mong anh em sẽ tìm nghiên cứu các hình bóng ấy.

--Hê-bơ rơ 10:1, “Vả, luật pháp chỉ là hình bóng của các sự tốt đẹp hầu đến, chớ không phải là hình ảnh thật của các vật, nên đều không bao giờ có thể cậy các sinh tế đồng một thứ như mỗi năm hằng dâng lên đó, mà khiến kẻ đến gần trở nên trọn vẹn được...”
Trong câu Kinh thánh nầy, Phao lô nói toàn bộ luật pháp là Ngũ Kinh (Torah) là hình bóng của các sự tốt đẹp hầu đến. Các sự tốt đẹp hầu đến là các hình ảnh thật, đang được biểu lộ trong hội thánh ngày nay, và sẽ phô bày trong thành thánh Jerusalem mới đến đời đời. Ngay sau đó ông nói đến sự bất túc, bất toàn, thiếu khả năng của các của lễ trong Cưu ước. Tất cả các của lễ bằng bò đực, dê đực đó chỉ là hình bóng cho thân thể Đấng Christ là của lễ đời đời, dâng một lần đủ cả. Xin Chúa cho anh em thấy được nhiều hình bóng trong trong luật pháp Cựu ước.

  1. TUPOS Anh văn là type, figure; Việt văn là tiêu biểu, hình dáng, hình thể. Có nhiều tín đồ dịch sai lầm chữ type nầy cách không sáng tỏ là “biểu tượng”.
--La mã 5:14, “Dầu vậy, từ A -đam cho đến Môi-se sự chết vẫn làm vua trên cả những kẻ chẳng phạm tội giống như sự quá phạm của A-đam, là người làm tiêu biểu về Đấng phải đến”.

A-đam là một tiêu biểu của Đấng Christ, vì I Cor. 15:45,47 nói rằng Chúa Jesus là A đam cuối cùng và là người thứ hai, vì A đam trong vười E den là Adam đầu tiên, và là người thứ nhất.

Do chìa khoá của La mã 5:14, chúng ta thấy hầu hết các nhân vật tích cực trong Cựu ướ đề là các tiêu biểu của Đấng Christ. Thí dụ vua David (Mathio 12:3), tiên tri Giô na (Math. 12:39-40); Vua Solomon (Math. 12:42), vua Giô sa phát, Xô rô ba bên  ...Melchisedek...

--I Corinhto 10:6, 11, “Vả, những sự đó đều treo gương ( nên dịch: như các tiêu biểu) cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ ham muốn điều ác như họ đã ham muốn... Vả, những sự ấy đã xảy đến cho họ đều để treo gương (như một tiêu biểu), và được chép để khuyên răn chúng ta, là các kẻ ở vào cuối cùng các đời.”

Trong câu Kinh thánh nầy nói các sự việc xảy ra, các phần lịch sử của Israel trong Cứu ước đều là các tiêu biểu, nhằm mục đích khuyên răn chúng ta tránh các gương xấu mà họ đã bước đi.

Nên cuộc di hành lang thang 40 năm của Israel trong đồng hoang làm tiêu biểu cho cuộc đời thuộc linh ầu trỉ, dẫm chân tại chỗ suốt mấy thập niên của đa số cơ đốc nhân hôm nay, thay vì trưởng thành làm thầy dạy đức tin và lẽ thật cho người khác, họ mãi làm con trẻ chỉ có khả năng uống sữa của Lời Chúa do người khác mớm cho.

Mong anh em tìm hiểu các chi tiết trong lịch sử Israel Cựu ước, tất cả là các tiêu biểu cho đời sống thuộc linh chúng ta hôm nay, là những người ở vào cuối các thời đại. Thí dụ lịch sử xuất hành ra khỏi Ai cập là lịch sử Cơ đốc nhân mới tin Chúa và theo Ngài. Còn lịch sự hồi hương của Israel từ Babylon trở về quê hương để xây lại đền thờ, và thành phố Jerusalem thì làm tiểu biểu cho kinh nghiệm nào của cơ đốc nhân? Đáng tiếc là đa phần cơ đốc nhân không dám nhìn nhận phần hồi hương đó phải áp dụng cho sự hồi hương của dân Chúa từ Babylon mẫu hội, tôn giáo mà trở về với nếp sống hội thánh xây dựng theo những nguyên tắc ban đầu trong Tân ước. Các giáo sư cơ đốc ngày nay đã quên tác phẩm của Martin Luther, nhan đề “ Sự lưu đày của Hội Thánh tại Babylon”. Thật đáng tiếc!!!

  1. PARABOLE, tiếng Anh là parable, symbol, tiếng Việt là ngụ ngôn, biểu hiệu.
--Heb. 9:9, “Điều ấy là biểu hiện (biểu hiệu) cho thời kỳ hiện tại, chứng rằng cả lễ vật lẫn sinh tế dâng lên đó không thể làm cho kẻ phụng sự được trọn vẹn về lương tâm; vì ấy chẳng qua là các điều lệ thuộc xác thịt, can thiệp đến việc ăn uống và các thứ tắm rửa, được thiết lập cho đến thời kỳ chấn hưng vậy”. Chữ :biểu hiện” trên đây nên sửa lại là “biệu hiệu”. “Điều ấy” (đền tạm và mọi sinh hoạt) làm biểu hiệu cho thời kỳ hiện tại của Tân ước. Còn Đấng Christ sẽ phô bày đền tạm của các sự tốt đẹp hầu đến (Heb 9:11).

--Heb. 11:19, “Người kể rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đến đỗi kẻ chết sống lại; người cũng ví như từ trong chỗ ấy mà được nhận lại con mình”. Từ ngữ “ví như” cần sử lại là “biểu hiệu” hay “có ý ngụ ngôn”. Abraham nhận lại con trai mình, ngụ ý, làm biểu hiệu cho sự phục sinh của Đấng Christ.

Câu Heb. 11:19 ngụ ý Y sác là một biểu hiệu cho Đấng Christ. Nếu Phao-lô ví Y sác giống như Đấng Christ, thì từ đó chúng ta thấy các hình bóng ngẫu hợp, hình ảnh giống như Đấng Christ là Giô sép, Moses, Giô suê ...v....v.. Các phụ nữ Cựu ước như Eva, Rê be ca, Sê-phô-ra (vợ Moses); Ạc sa  (vợ Ốt ni ên), Ru tơ vợ Bô ô, A-bi-ga-in (vợ David), Sulamit (vợ Solomon) đều được ví như hội thánh.

4.UPODEIGMA: Anh Ngữ là antitype, imitation, exemple, model, pattern; tiếng Việt là kiểu rập, mẫu:

Heb. 8:5, “Những kẻ ấy phụng sự theo kiểu rập và hình bóng của các việc trên trời, chánh như khi Môi-se sắp làm nhà trại, thì Đức Chúa Trời cảnh giới ông rằng: “Hãy cẩn thận, làm mọi sự theo kiểu mẫu đã chỉ cho người trên núi”.

Các thầy tế lễ Cựu ước hầu việc Đức Chúa Trời bởi các vật dụng là kểu rập của các vật trên trời. Do đó các vật như nắp thi ân là kiểu rập của vật đời đời là Chúa Jesus. La mà 3:24 chép, “Christ Jêsus, là Đấng Đức Chúa Trời đã thiết lập làm tế lễ vãn hồi,” (nơi vãn hồi tế, là ngôi thương xót). Tất cả các vật dụng trong đền tạm cũng là kiểu rập, cách hình bóng của các vật đời đời.

--Heb. 9:23, “Vậy, những kiểu rập của các vật trên trời cần phải nhờ tế vật ấy mà tẩy sạch, còn chính các vật trên trời thì phải nhờ sinh tế càng tốt hơn mới được sạch”.
Một lần nữa, Câu nầy nói mọi vật dùng để phụng sự Đức Chúa Trời trong đền at5m, hay đền thờ đều là kiểu rập của những gì thần thượng, đời đời.

  1. ANTITUPOS: Anh ngữ là antitype, representation serving as a counterpart to; tiếng Việt là tiêu biểu đối chiếu, là sự tượng trưng.

Hình ảnh đối chiếu là hình ảnh trắc diện. Thí dụ, Luca 18:1-8 nói về quan án không kính sợ Đức Chúa Trời và quả phụ xin quan xét lẽ công bình cho mình. Quan án đó là một hình ảnh đối chiếu của Đức Chúa Trời.

--I Phi ero 3:21, “nước ấy là tiêu biểu đối chiếu về báp têm hiện nay cứu rỗi anh em....”. Bản RcV dịch, “tám hồn đã được đem đến cách an toàn qua (bởi) nước. Mà (nước) như tiêu biểu đối chiếu, bây giờ cũng cứu anh em, đó là báp têm”.
Nước lụt là một tiêu biểu đối chiếu cho báp têm ngày nay cứu chúng ta. Trong nước lụt, mọi người ngoài tàu đều chết theo nghĩa đen, qua báp têm ngày nay, thế nhân quanh ta không chết theo nghĩa đen, nhưng bị kể là chết trong tội lỗi, trong án phạt đối với chúng ta, những người được cứu bởi báp têm trong Danh Chúa Jesus.

--Heb. 9:24, “nơi thánh bởi tay người ta làm, là tiêu biểu đối chiếu của nơi thánh thật, bèn là vào chính trên trời để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”.

Tóm lại, một bức hình bằng một nghìn lời nói. Ngày nay, khi dạy giáo lý cho thiếu nhi, chúng ta thường dùng tranh ảnh Kinh thánh để minh họa, để làm thị trợ cho các em dễ hiểu. Đức Chúa Trời dùng tranh ảnh để minh họa Con Ngài và các lẽ thật thần thượng cho chúng ta dễ lãnh hội. Một phần lớn Kinh Cựu ước là sách hình. Các hình ảnh đó là tiêu biểu cho Chúa Jesus, là hình bóng cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là hình ảnh của Đức Thánh Linh, là các biểu hiệu của Hội thánh Tân ước. Nguyện Chúa cho chúng ta hiểu giá trị và chỗ đứng của môn tiêu biểu học nầy trong Kinh thánh, rồi gia công tìm học các hình ảnh tiêu biểu ấy hầu tìm nhìn của chúng ta về Đấng Christ càng thêm mở rộng, phong phú và rõ ràng. Amen.


Dân thời cũ biểu hiệu nhiều lần,
Hội thánh, Đấng Christ, Linh, Cứu ân,
Hình bóng mọi điều trong Cựu ước,
Hôm nay hình thể phô bày luôn.

Minh Khải—30-6-2013