Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Sự sống cho việc xây dựng

Chúng ta không bàn gì về đề tài mới. Tôi cảm thấy khó khăn khi chọn một tựa đề. Trọng tâm của buổi thông công hôm nay là sự sống. Trong những tháng trước, hay trong khoảng 1,5 năm, chúng ta đã thấy rất nhiều về những gì mà Chúa muốn làm, mục tiêu Ngài là gì, cũng như thời đại này sẽ kết thúc như thế nào. Chúng ta cũng đã thấy những gì sẽ xảy ra cho thế gian, chúng ta đã thấy mình thể lãnh phần thưởng gì. Con đường để đạt những điều này vẫn luôn là sự sống mà chúng ta nhận được từ Chúa. Sự sống này phải tăng trưởng trong chúng ta và phải được thể hiện qua chúng ta.


Tất cả chúng ta đều muốn thắng, muốn trở thành người đắc thắng, muốn có mặt trong Khải Huyền 14: làm trái đầu mùa khi Chúa trở lại. Chúng ta muốn chín trong sự sống. Để đạt được điều đó thì nền tảng cũng phải đúng. Nền tảng này luôn là những gì mà chúng ta đã nghe trong nhiều năm qua. Giăng cũng nói, đó là điều răn mới nhưng cũng là điều răn cũ. Nó không có mới. Quan trọng là chúng ta, qua nhiều năm trong cuộc sống Hội Thánh, đừng quên nó một cách đơn giản. Chúng ta thấy viễn tượng cao, nhưng con đường để đến đó vẫn là con đường cũ. "Con đường cũ" ở đây mang nghĩa tích cực.

Khi chúng ta bắt đầu trong tâm linh, chúng ta nhận biết sự sống, tận hưởng sự sống và nhận thêm được sự sống. Theo thời gian, sự sống giảm đi dần, nhưng mấy hoạt động của chúng ta thì vẫn còn. Điều này chẳng có ích gì cho chúng ta cũng như chẳng có ích gì cho Chúa, và chúng ta bị trượt vào tôn giáo. Cái vỏ vẫn còn nhưng nội dung thì đã mất.

Cho nên, tôi nghĩ chúng ta phải quay trở về với nền tảng: tận hưởng Chúa, ăn và uống Chúa, không phải theo một phương pháp mà là trong mối quan hệ gần gũi với Chúa. Vì thế tôi đã lựa chọn vài câu Kinh Thánh. Tôi không biết anh em nghĩ gì khi Chúa nói trong Giăng 14:15: "Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì các người sẽ giữ gìn các điều răn Ta". Anh em nghĩ gì? Điều này có nghĩa gì với anh em? Tôi đã từng nghe cha mẹ nói với con cái: "Nếu con yêu bố mẹ thì con phải làm điều này, không được làm điều kia". Nhưng câu Kinh Thánh này không có nghĩa như vậy. Chúa không muốn hăm dọa chúng ta như cha mẹ thỉnh thoảng làm với con cái mình. Nhưng ở đây, Chúa muốn nói là: Hãy ở trong mối quan hệ với Ta và kết quả sẽ là con giữ điều răn của Ta. Cách giải thích như trong ví dụ tôi nói chính là sự dạy dỗ của tôn giáo: Anh em bày tỏ sự yêu mến Chúa qua cách anh em gắng sức mình để giữ Lời Ngài. Chúa hoàn toàn không ám chỉ vậy mà Ngài muốn nói rằng: Hãy ở trong muốn quan hệ, ở trong mối quan hệ yêu thương đối với Ta, rồi kết quả sẽ là ngươi giữ lời Ta. Điều này là kết quả, là bông trái.

Tương tự, câu 1.Giăng 2:3 "Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài" không có nghĩa là anh em đã biết Chúa, biết Ngài muốn gì rồi anh em gắng sức mình để làm. Đó chính là con người cũ, đó là tôn giáo: tôi gắng sức mình để làm hài lòng Đức Chúa Trời, tôi gắng sức mình để làm điều mà tôi cho rằng có lẽ nó sẽ làm đẹp lòng Chúa. Hôm qua, trong nhóm thanh thiếu niên, tôi nghe một người anh em kể lại cuộc nói chuyện với một người phụ nữ trong tuần lễ giảng Phúc Âm. Bà này nói mình làm rất nhiều cho Đức Chúa Trời. Người anh em này hỏi lại: bà cũng có đọc Kinh Thánh chứ? Bà trả lời là "Không". Đó chính là tôn giáo. Tôi làm nhiều cho Đức Chúa Trời, nhưng theo hiểu biết và theo quan niệm của tôi.

Tất cả đều biết Gia-cốp trong sách Sáng Thế Ký. Gia-cốp đã lừa anh mình, làm mất quyền con trưởng và sự chúc phước của anh. Sau đó, anh ông nổi giận nên ông phải trốn đi. Và trên đường đi, ông gặp Đức Chúa Trời. Ông đến một nơi, đó là nhà của Đức Chúa Trời. Ông chọn một tảng đá gối đầu nằm ngủ và Đức Chúa Trời hiện ra với ông. Tại nơi này, ông khấn nguyện rằng: "Nếu Đức Chúa Trời ở cùng với tôi, gìn giữ tôi trên đường tôi đang đi" (Sáng Thế Ký 28:20). Điều này chính là tôn giáo, là cái vỏ bọc rỗng: tôi làm điều gì đó, tôi đi đường của tôi, và Đức Chúa Trời phải chúc phước. Chúng ta không được theo hướng này, vì nó làm mất quan hệ với Đức Chúa Trời. Theo dòng chảy cuộc đời, Gia-cốp đã học hỏi nhiều, đã trải qua nhiều gian khổ và được Đức Chúa Trời sửa trị nhiều. Cuối cùng, ông hoàn toàn khác hẳn. Thậm chí, Gia-cốp và Giô-sép có liên quan với nhau. Gia-cốp đã được sửa trị để cuối cùng Giô-sếp có thể cai trị. Hình ảnh nói lên rằng, chúng ta phải được sửa trị để hy vọng một ngày nào đó có thể cùng trị vì với Chúa. Nhưng đó chỉ là chuyện bên lề.

Chúa muốn chúng ta ở trong sự thông công với Ngài, và cũng muốn chúng ta mang người khác vào trong sự thông công này. Đó mới là trọng tâm. Điều mà anh H.J. chia sẻ tuần trước đã làm tôi rất cảm động: Khi chúng ta giảng Phúc Âm, điều quan trọng không phải là người ta hiểu hay thấy, nó có thể tốt khi người ta nhận ra mình là một tội nhân và ăn năn. Nhưng để làm gì? Để họ bước vào sự thông công này và nhận được sự sống. Chúa muốn có mối quan hệ này. Thi Thiên 37:4 "Hãy vui mừng (khoái lạc) nơi Chúa". Đây là một câu rất thú vị. Vui mừng nơi Chúa có nghĩa là có sự thích thú nơi Chúa, vui thích nơi Ngài. Từ tiếng Anh là "delight",  nghĩa là niềm vui của anh em. Đó chính là một mối quan hệ, một quan hệ rất tích cực, rất đẹp, một quan hệ vui mừng; và từ mối quan hệ sinh ra tất cả mọi điều. Từ mối quan hệ này, anh em nhận được sự sống. Mối quan hệ này cũng chính là sự thông công mà Giăng nói đến trong 1.Giăng 1:3, và mọi người phải đi vào sự thông công này. Anh em hãy đọc với sự chú ý 1.Giăng 1:1-4, trong câu 4 "Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy". Không phải "sự vui mừng của anh em" mà là "sự vui mừng của chúng tôi". Khi một người đi vào trong sự thông công này thì đó là một niềm vui. Đương nhiên người  đó cũng vui, nhưng người đã dẫn người này đến sự thông công cũng sẽ kinh nghiệm được sự vui mừng. Và nó sẽ làm sự vui mừng trở nên đầy dẫy, khi có người khác đi vào sự thông công. Như vậy, Chúa có thể thay đổi con người. Trong sự thông công này, chúng ta nhận được sự sống, và sự sống sẽ thay đổi chúng ta.

Vấn đề căn bản của con người là sự chết. Tôi xin nhắc lại điều này một chút. Khi con người được tạo dựng, con người không có sự sống của Đức Chúa Trời. Sáng Thế Ký nói rằng, Đức Chúa Trời tạo ra con người, hà sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một tâm hồn sống. Cái mà con người đã chưa có được chính là sự sống của Đức Chúa Trời. Trong lúc này, con người trống rỗng; sạch sẽ nhưng trống rỗng. Sau đó, Đức Chúa Trời đặt con người trước Cây Sự Sống và nói con người phải ăn trái cây này. Đáng tiếc là con người đã không làm vậy, nhưng lại ăn từ cây khác, Cây Hiểu Biết Điều Thiện Điều Ác. Đức Chúa Trời phán rằng từ ngày ăn trái cây đó, con người sẽ chết. Con người đã chết, không ngã xuống chết liền nhưng sự chết đã đi vào trong con người. Sau khi sinh ra, mỗi người đều sẽ chết. Đây là một điều hiển nhiên. Tuổi thọ mỗi người không giống nhau, một số sống đến 80 tuổi, có người sống đến 90 tuổi, nhưng sớm muộn đều sẽ chết.

Vấn đề của con người là con người đã chết, như câu Ê-phê-sô 2:1 mà chúng ta đã đọc: "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác của mình". Vì con người đã chết, nên con người không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và không thể thực hiện Lời Chúa được. Điều này chỉ thực hiện được khi con người biết sự sống và tận hưởng sự sống của Đức Chúa Trời. Sự sống này đến từ mối quan hệ với Chúa. Chúa nói: "Còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật" (Giăng 10:10). Đó chính là mong muốn của Ngài. Điều thú vị là Giăng kết thúc một số giai đoạn trong Kinh Thánh như ông viết sách Phúc Âm cuối cùng. Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết rằng Chúa muốn xây dựng Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Phúc Âm Giăng nói chúng ta cần sự sống để làm điều đó. Sau đó đến sách Công Vụ Các Sứ Đồ, các sách thư của Phao-lô và các sách thư khác, đều nói rất nhiều về Hội Thánh cũng như về chương trình Đức Chúa Trời. Như sách Ê-phê-sô chương 3 nói về kế hoạch đời đời, những gì Chúa đã sắp đặt trước. Từ lịch sử chúng ta biết sự khởi đầu của Hội Thánh, nhưng cũng có sự suy tàn, đặc biệt là lúc Giăng viết sách thư Giăng và sách Khải Huyền. Những sách của ông kết thúc sách Tân Ước và thậm chí toàn bộ Kinh Thánh. Qua những sách này, chúng ta lại thấy mình cần sự sống.

Nếu chúng ta không có sự sống, không biết sự sống này, không tận hưởng nó, thì ta sẽ lại rơi vào tôn giáo và sẽ chỉ còn một cái vỏ. Anh em có thể làm tất cả những gì mình đã kinh nghiệm trong cuộc sống Hội Thánh như tĩnh nguyện, gọi tên Chúa, đi nhóm thường xuyên cũng như tham gia các nhóm phục vụ,  làm tất cả, nhưng không có sự sống, vì nó đã trở thành thói quen của anh em. Không có nghĩa những thói quen này là xấu, mà những thói quen này tốt. Nhưng nếu Chúa muốn tiến lên với chúng ta, thì chúng ta cần sự sống. Chúng ta cần sự sống cách mới mẻ, chúng ta luôn cần sự sống.

Khi Chúa quay trở lại, Ngài không muốn có những người rất hiểu biết Kinh Thánh, những người có thể nhanh chóng trích dẫn mọi câu Kinh Thánh và có thể đưa ra mọi thông tin. Chúa muốn có trái đầu mùa, những trái đến từ sự sống. Anh em có thể đọc hết sách về hạt giống cũng như sự tăng trưởng, điều kiện phát triển của hạt giống..., anh em có thể học tất cả. Nhưng từ đó sẽ không có trái nào cả. Dù anh em biết hết tất cả, nhưng không có trái nào. Điều đó chẳng tác dụng gì. Đối với Chúa cũng vậy. Chúa không muốn có những người biết tất cả, nhưng Chúa muốn có trái. Sự sống này phải tăng trưởng để mình trưởng thành và sinh ra trái. Chúa tự nói về mình rằng, Ngài là gốc nho, còn chúng ta là các nhánh nho. Phao-lô nói chúng ta đã được cấy ghép vào trong Ngài. Chúng ta đã trở thành một cơ quan sống động cùng với Ngài, sự sống Ngài đang ở trong chúng ta.

Vì chúng ta muốn có sự sống này, nên chúng ta cũng đi nhóm, không phải để trao đổi hiểu biết mà để cung cấp sự sống. Như Phao-lô nói trong 1.Cô-rinh-tô 3:6: "Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Ðức Chúa Trời đã làm cho lớn lên". Phao-lô cũng nói chúng ta có đủ thầy rồi. Nó không phải là mối quan hệ giữa thầy và trò, mà là mối quan hệ của sự sống. Buổi nhóm phải là thời gian để chúng ta phân phát sự sống. Khi đứng lên nói điều gì đó, tôi không muốn dạy một điều gì mà tôi đã học ba mươi năm trước và có thể anh em chưa biết hay đã quên. Điều mong muốn của chúng ta là sự sống, sông nước sự sống phải chảy từ chúng ta. Đó chính là buổi nhóm. Chúng ta phải tưới nước cho nhau, cho và nhận sự sống. Sự sống này tôi không nhận được nếu tôi không quan tâm đến nó trong mỗi ngay hay cả tuần. Sự sống mà tôi có thể phân phát được phải đến từ đời sống hằng ngày của tôi, là điều tôi thu thập từ mối quan hệ với Chúa trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng ta sống trong sự thông công với Chúa, sống trong mối quan hệ yêu thương với Chúa, chúng ta sẽ có sự sống và hơn thế nữa là sự sống dư dật như Chúa nói. Sự sống này không đến từ buổi nhóm, sự sống này là một người đang sống trong tôi chứ không phải là một trạng thái. Sự sống không phải là một trạng thái. Thỉnh thoảng người ta nói về một người sôi nổi, sống động là người đó sống. Nhưng đó không phải vậy. Anh em có thể ngồi yên ở đó, nhưng anh em vẫn sống.

Sự sống không phải là một trạng thái mà là một người đang sống trong chúng ta, Đấng muốn tăng trưởng trong chúng ta và muốn thành hình trong chúng ta (Ga-la-ti 4:19), và muốn biểu lộ ra ngoài. Nó là điều quan trọng mà chúng ta phải nhìn thấy mới. Chúng ta phải đến với Chúa, nói với Ngài: "Lạy Chúa, chúng con muốn nhìn thấy mới điều này. Con muốn có kinh nghiệm mới với Ngài. Con muốn có sự sống, là sự sống Đức Chúa Trời đầy dẫy trong Ngài. Con muốn sự sống này từ bên trong con phải tuôn chảy ra ngoài".

Một sự dạy dỗ tốt có thể rất hấp dẫn, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên nhàm chán với chúng ta. Khi nghe lại lần thứ ba, anh em nói rằng anh em biết nó rồi, đã nghe rồi. Nhưng sự sống là chuyện khác. Lúc nào anh em cũng cần nó cả. Để có sự sống, chúng ta cần chạm đến Chúa. Câu chuyện trong Lu-ca 8, người con gái gần mười hai tuổi của Giai-ru nằm gần chết và người đàn bà bị xuất huyết đã mười hai năm, nghĩa là sự sống bị cạn dần. Bà đến và muốn chạm Chúa Giê-su cho bằng được. Bà đến đằng sau Ngài, sờ vào gấu áo Ngài. Dù có nhiều người đông đảo đang lấn ép, xô đẩy, Chúa đứng lại nói: "Dừng lại, có ai đã chạm đến Ta?". Mọi người vây xung quanh Ngài, nhưng chỉ mình người đàn bà này đã chạm đến Ngài. Đó là điều mà chúng ta muốn nói đến. Chúa nói là Chúa biết có quyền năng phát ra từ Ngài. Máu liền cầm lại, và sự sống không mất nữa. Trong lúc đó, con gái của Giai-ru đã chết, Chúa đã làm nó sống lại.

Thực ra, sự sống chính là thông điệp của Phúc Âm. Con người thiên nhiên đã chết và sự sống cứ giảm dần đi. Nhưng Chúa muốn chúng ta có sự sống và được sự sống dư dật. Từ sự sống này sản sinh ra trái. Chúng ta phải tuyệt đối chú ý điều này. Đặc biệt là trong buổi nhóm như buổi nhóm lớn, nhóm tại nhà, trong các buổi thông công, mục tiêu của chúng ta phải là truyền sự sống, cung cấp sự sống, để trồng và tưới, và từ đó có sự tăng trưởng. Chúng ta không làm nên sự tăng trưởng, đó là điều Chúa ban cho. Nhưng chúng ta phải hướng đến sự sống. Vì thế ở đây, Giăng nói đến Lời của sự sống khi liên hệ đến sự thông công. Khi chúng ta đến với Lời, thì Lời phải là Lời sự sống cho chúng ta. Khi anh em đến với Lời Chúa trong giờ tĩnh nguyện vào buổi sáng, hãy nói với Chúa: "Lạy Chúa, con muốn có sự sống. Con không muốn đọc Kinh Thánh theo thói quen, mà con muốn có sự sống".

Nhận được sự sống từ một câu Kinh Thánh còn tốt hơn là chỉ đọc cả đoạn, vì chính sự sống này sẽ thay đổi anh em. Nếu sự sống này lớn lên, thì sẽ sinh trái và sẽ có sự biến đổi. Ví dụ, nếu một người anh em mới biết Chúa, có tóc dài, hút thuốc, anh em có thể nói người đó cắt tóc và cai thuốc. Có thể có tác dụng, hoặc cũng có thể không. Nhưng nếu người đó bắt đầu tận hưởng Chúa, có thể kéo dài vài tuần; nhưng anh em sẽ thấy sẽ có điều gì đó thay đổi. Hãy chỉ người đó cách tận hưởng Chúa, mang người đó vào sự thông công với Chúa, đừng cho người đó một luật lệ nào cả vì luật pháp không thể ban sự sống được (Ga-la-ti 3) . Tốt hơn là mang người đó vào trong sự thông công với Chúa, để người đó làm quen với sự sống, cảm nhận sự sống và có sự vui mừng trong Chúa. Kinh Thánh nói rằng, sự vui mừng trong Chúa là sức mạnh của chúng ta (Nê-hê-mi-a 8:10) hay hãy vui thích nơi Chúa. Như thế, Chúa sẽ ban ánh sáng. Giăng nói sự sống là ánh sáng của con người. Nếu một người có sự sống, thì cũng sẽ nhận được ánh sáng. Nếu có ánh sáng thì sẽ có thay đổi. Sự sống làm biến đổi con người, chứ không phải luật pháp làm. Con người cũ cần luật pháp, nhưng con người mới cần sự sống. Cho nên khi đến với Lời Chúa, chúng ta phải xem mình có nhận được sự sống hay không? Nếu anh em nói: "điều gì đó làm tôi cảm động", thì tôi cũng trông đợi sự thay đổi trong anh em. Chúng ta dễ nói như vậy, nhưng không có sự thay đổi.

Lời Chúa rất quan trọng, khi chúng ta đến với Lời thì đó là Lời của sự sống. "Ðiều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã chạm, về Lời sự sống" (1.Giăng 1:1). Câu này là lời tóm tắt về cách chúng ta phải đọc Lời như thế nào. Khi đến với Lời Chúa, chúng ta phải thấy Chúa ở trong đó, chiêm ngưỡng và chạm đến Ngài. Sự sống sẽ đến từ đó và sẽ sinh ra trái. "Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe (cụ thể là Lời sự sống) mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được thông công với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được thông công với Ðức Chúa Cha, và với Con Ngài là Ðức Chúa Jêsus Christ" (1.Giăng 1:3). Chúng ta mang người khác vào trong sự thông công này. Khi một người kể nan đề của anh ta cho tôi, tôi không thể làm gì, cũng không thể cho lời khuyên gì được. Thỉnh thoảng có những vấn đề mà chúng ta chẳng biết phải nên nói gì. Nhưng điều mà chúng ta luôn làm được là mang những anh em khác vào sự thông công này, mang họ trở lại mối quan hệ với Chúa và Chúa có thể thay đổi. Tôi không biết Chúa có thay đổi tình thế hay không, nhưng Ngài sẽ luôn thay đổi chúng ta. Có thể Ngài sẽ thay đổi tình thế, có thể không. Điều đó tùy thuộc vào Chúa. Điều quan trọng là chúng ta đi vào mối quan hệ với Chúa và sự thông công với Ngài. Nếu sự sống này sẽ lớn lên trong chúng ta, thì Hội Thánh hình thành và cũng có trái đầu mùa, điều  mà Chúa muốn thu hoạch khi Ngài trở lại.

Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài sẽ cất lên những người thông hiểu Kinh Thánh, mà Chúa muốn có trái. Đừng hiểu sai ý tôi. Biết Kinh Thánh và các mối liên hệ không phải là điều xấu, nhưng điều đầu tiên phải là: Tôi muốn có sự sống và cũng muốn phân phát sự sống. Khi chúng ta làm chứng, chúng ta phải chú ý rằng có sự sống hay không, chứ đừng có giáo lý (sự dạy dỗ). Sự dạy dỗ thú vị, nhưng không thay đổi gì được cả. Thỉnh thoảng thay đổi được nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chứ không bao giờ kéo dài. Nhưng sự sống sẽ biến đổi chúng ta. Ngợi khen Chúa!

(Dịch từ tiếng Đức "Leben für den Aufbau" của Thomas)