Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Tuận Đạo Trong Hôn Nhân Thánh

Tờ “Việt báo” trên mạng có viết, “Chưa bao giờ tình trạng li dị tại châu Á lại phổ biến như hiện nay. Trong 20 năm qua, tỷ lệ li dị tăng gấp đôi ở Trung Hoa và gấp ba ở Đài Loan. Tại Singapore, tỷ lệ li dị tăng 1/3 so với năm 1990, tại Thái Lan tăng gần gấp đôi. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ li dị vượt cả một số nước châu Âu như Anh, Đan Mạch, Hungary... Thậm chí tại Ấn Độ, một đất nước còn nặng truyền thống "xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", tỷ lệ này cũng ngày một tăng”.

Báo điện tử Tinmung.net thì viết về tình trạng li hôn ở Việt nam như sau, “cuộc điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, và sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ li hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ.” 

Khi bình luận về sự li hôn, một đôi lứa người Anh nói, “cô gái thường nói: “Hôn nhân như một lớp sương mù. Ở trong đó ta không biết mình sẽ đâm vào cái gì, và cái gì sắp đâm vào mình !”. Còn chàng trai kết luận: “Trước khi cưới nhau tôi là Hoàng tử. Trong ngày cưới tôi là Vua. Sau ngày cưới tôi là Lính hầu, còn hôm nay tôi là Thằng hề !”.
Một cặp vợ chồng người Mỹ nói:  “Bà vợ tuyên bố khi li hôn: “Gia đình như một chiếc xe hơi. Ta phải biết thay thế khi nó còn bán lại cho người khác được !”. Còn ông chồng thú nhận: “Gia đình đúng là một chiếc xe hơi. Tuy nhiên với loại xe này, tất cả các bằng lái đều có thể hết hạn bất thình lình !”.

Một cặp vợ chồng Việt nam nói cách phủ phàng, “Ông chồng làm nghề dược sĩ nói: “Hôn nhân là một liều thuốc chúng ta tự kê cho mình, và rất nhiều thứ đã quá hạn sử dụng !”. Vợ ông nói: “Hôn nhân là một loại thuốc, ta nhắm mắt uống, khi ta chả mắc bệnh gì !”.
Anh chị em mến,
Thú thật khi đọc xong các bài trên đây tâm hồn tôi cảm thấy chán nản cho tình trạng li hôn giữa thế giới ngoại đạo và trong vòng dân của Chúa ngày hôm nay. Hôn nhân là trò chơi, là trò hề, là một mặt trận giao tranh của hai phe, và là một cuộc mua bán hay sao?
Kinh thánh nói hôn nhân thánh là sự vui hưởng dành cho con cái Chúa. Chúng ta xem Hê-bơ-rơ 13:4, “Mọi người phải tôn trọng sự hôn nhân" (hay “hôn nhân đáng được tôn trọng mọi bề”). Truyền đạo 9:9, “Trọn các ngày của đời hư không ngươi, mà Đức Chúa Trời ban cho ngươi dưới mặt trời, hãy ở vui vẻ cùng vợ mình yêu dấu; vì đó là phần của ngươi trong đời nầy, và là điều ngươi được bởi công lao mình làm ở dưới mặt trời”, và Châm ngôn 5:18-19, “Nguyện nguồn mạch con được phước; Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang thì, Như nai cái đáng yêu, và hoàng dương có duyên tốt, Nguyện … ái tình nàng khiến cho con say mê mãi mãi”. Kinh thánh nói như vậy mà tại sao có nhiều người trong Hội Thánh cũng còn li hôn, li thân như dân ngoại?
Ngày cưới của mỗi cặp vợ chồng là ngày hai người ký tên vào hôn ước trước mặt Đức Chúa Trời. Ma-la-chi 2:14 chép, “Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi”. Trước khi đeo vào ngón tay cô dâu, chú rễ cầm chiếc nhẫn cưới và nói cùng cô dâu,“với chiếc nhẫn nầy, anh cưới em làm vợ của anh trong Danh Cha, Con và Linh”. Cô dâu cũng đáp lại những lời tương tự cùng người phối ngẫu của mình trước mặt Chúa và Hội thánh. Lời hứa nguyện trang trọng, trang nghiêm ấy đã không cầm giữ được các cuộc li hôn bi thảm. Cho nên để tránh tình trạng li hôn có thể xảy ra, hai vợ chồng phải gìn giữ hôn ước thánh của mình đến mãn đời. Nói cách khác, hai bên phải tuận đạo mới có thể duy trì nổi hôn ước nầy.
Để kết hôn, anh em phải sẵn sàng tự thuận phục lẫn nhau cách hoàn toàn. Mỗi bên phải chuẩn bị để hiến dâng chính mình cách tuyệt đối cho bên kia. Vì người kia, người nầy phải sẵn lòng từ bỏ chính mình. Để sống một nếp sống lứa đối tốt đẹp và gây dựng một gia đình hạnh phúc, đòi hỏi cả hai bên phải có sự tuận đạo sống trong cả cuộc đời
Sau khi có vợ, anh không được đứng núi nầy trông núi nọ. Tan sở, anh phải lo về nhà với vợ con, không được la cà chỗ nào. Anh phải chết đối với những sở thích, với bạn gái cũ (nếu có), với các mối dây tình cảm của thời còn độc thân. Anh chỉ còn sống tự do tương đối mà thôi. Tục ngữ nói, “trai có vợ như rợ buộc chân”.
Tuận đạo vì Chúa nghĩa đen là chết vì Chúa. Trong gia đình, người chồng phải nhận lấy chỗ đứng như vậy để chết cho vợ và các con. Điều đó có thể không nhất thiết phải chết vật lý, nhưng người chồng phải sẵn lòng đổ mạng sống mình ra, làm việc vất vả ngày đêm, vì hạnh phúc của vợ và con cái. Đôi khi, người chồng càng chết sâu hơn nữa trong sự tuận đạo sống, khi anh có phải bà vợ ở nhà lêu lỏng, bài bạc, không chu toàn việc bếp núc, giặt giũ. Tôi có một ông bạn, là tín đồ, có bà vợ như vậy, nhưng ông đã không li hôn, chịu tuận đạo trải nhiều năm, khi mỗi ngày, vì không có máy giặt, ông phải đối diện hai thau quần áo to tướng sau khi đi làm về.
Nhiều năm truớc, sau khi cưới vợ được một tháng, một thanh niên nói với tôi, “anh ơi, anh có thể giúp tôi cách từ bỏ vợ được không?”. Tôi mạnh mẽ nói, anh phải chịu “chết” trong cuộc hôn nhân. Anh không được li hôn với vợ mình, ngoại trừ một trong hai người chết vật lý.
Ma-thi-ơ 19:3-9 chép lời chúa Jêsus, “Có người Pha-ri-si đến thử Ngài mà rằng: "Người ta có phép để vợ bất cứ vì cớ gì không?" Ngài đáp rằng: "Các ngươi há chưa đọc rằng Đấng tạo hoá từ ban đầu dựng nên người có nam có nữ,  và phán rằng: 'Vì cớ đó người nam phải lìa cha mẹ mà keo sơn với vợ mình, và cả hai cùng nên một thịt hay sao?  Thế thì, họ không còn là hai nữa, bèn là một thịt mà thôi. Vậy, những kẻ mà Đức Chúa Trời đã bắt ách với nhau (theo nguyên văn), người ta chớ chia rẽ."  Họ lại hỏi Ngài rằng: "Vậy, cớ sao Môi-se đã truyền phải cho tờ ly dị đặng để vợ đi?"  Ngài phán rằng: "Ấy vì lòng cứng cỏi của các ngươi nên Môi-se cho phép các ngươi để vợ, nhưng từ ban đầu không có như vậy đâu.  Còn ta nói cùng các ngươi, hễ ai để vợ mình, không phải vì cớ gian dâm, mà cưới người khác, thì phạm tội ngoại tình; còn hễ ai cưới người bị để ấy, thì cũng phạm tội ngoại tình."
Trong những câu Kinh thánh nầy, Chúa xác quyết ấn định nguyên thuỷ của Đức Chúa Trời về hôn nhân của con người.- người nam và người nữ liên kết nhau, hay cùng mang ách chung với nhau thành một thịt, người khác không nên phân rẽ họ. Nhưng vì sự cứng cỏi của lòng người, Môi-se tạm thời ban cho họ qui định li dị. Lời của Môi-se về sự li dị đã lệch khỏi sự ấn định nguyên thuỷ của Đức Chúa Trời về hôn nhân. Nhưng để cho dân Ngài được sống trong nước trời ngày nay trong Hội Thánh Tân ước, Vua thuộc thiên đã khôi phục mối dây hôn nhân phù hợp với ấn định của Đấng Tạo Hoá vào buổi đầu. Ngài không cho phép li dị ngoại trừ một trong hai người trở thành người gian dâm.
   Chúng ta đọc lại câu 9, “Còn ta nói cùng các ngươi, hễ ai để vợ mình, không phải vì cớ gian dâm, mà cưới người khác, thì phạm tội ngoại tình; còn hễ ai cưới người bị để ấy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.Theo nguyên văn “gian dâm” ở đây là: harlotry hay whoredom= đĩ điếm. Theo lời Chúa, nếu một trong hai người trở thành đĩ điếm, thì người kia có phép li hôn. Nếu không có tình trạng gian dâm đó, thì hôn ước vẫn còn hiệu lực mãi mãi. Nếu chồng li dị vợ vì lý do nào khác đều ngoại tình khi cưới vợ khác, và người vợ bị li dị cũng ngoại tình khi tái hôn chồng mới. Đáng kinh khủng thay! Chỉ sự chết mới huỷ hôn ước của họ mà thôi. Sứ đồ Phao-lô xác nhận điều đó trong Rô-ma 7:2-3, “Ví như đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì bị luật pháp ràng buộc với chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết thì nàng được thoát ly luật pháp đối với chồng.  Vậy nên, đang lúc chồng còn sống, nếu nàng lấy người khác, thì gọi là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết rồi, thì nàng thoát ly luật pháp, dầu lấy người khác, cũng chẳng gọi là đàn bà ngoại tình đâu”.
   Mỗi cuộc hôn nhân phải bắt đầu với sự sẵn sàng tuận đạo. Đối với người vợ cũng vậy. Chị em không thể bước vào cuộc sống lứa đôi mà không cam kết như vậy. Đó là một vấn đề nghiêm túc. Cơ Đốc nhân không nên có ý tưởng về sự li dị. Họ phải có tâm trí tha thứ người phối ngẫu, sẵn lòng chịu chết, hiến dâng cuộc đời mình cho chồng và con cái ngay cả khi gặp phải người chồng xác thịt. Người vợ không nên đòi hỏi gì cho chính mình. Vì tục ngữ có câu: “gái có chồng như gông đeo cổ”. Các chị em không còn sống tự do tuyệt đối đâu, mà phải sống cuộc đời thuận phục chồng mình, dâng hiến cả cuộc đời mình vì sự an lạc của chồng con.
   Châm ngôn là cuốn sách dạy về cách cư xử và phương pháp xây dựng tính cách của người tín đồ. Vua Sa-lô-môn có quan sát cuộc sống của những ông chồng lười biếng, ông nói, “Ta có đi ngang qua gần ruộng kẻ biếng nhác, Và gần vườn nho của kẻ ngu muội, Thấy cây tật lê mọc khắp cùng, Gai góc che khuất mặt đất, Và tường đá của nó đã phá hư rồi.  Ta nhìn xem, bèn để ý vào đó; Ta thấy và nhận được sự dạy dỗ.  Ngủ một chút, chợp mắt một chút, Khoanh tay ngủ một chút,  Thì sự nghèo của con sẽ đến như một kẻ đi rạo, Và sự thiếu thốn của con áp tới như một kẻ cầm binh khí”(Châm ngôn 24;30-34). Tôi đã thấy nhiều trang hiền thê chịu tuận đạo thường xuyên khi sống chung với các đức lang quân là đệ tử của lưu linh, của rượu chè, của sự lười biếng không lao động, phó mặc việc mưu sinh cho vợ con. Nhiều bậc phu quân đã chịu tuận đạo hằng ngày trước các bà vợ mà vua Sa-lô-môn miêu tả là, “Thà ở nơi vắng vẻ, hơn là ở với một người đàn bà hay tranh cạnh và nóng giận.--Thà ở một góc trên mái nhà, hơn là ở chung nhà với người đàn bà hay tranh cạnh--Một máng xối dột luôn luôn trong ngày mưa lớn, và một người đàn bà hay tranh cạnh, cả hai đều y như nhau” (Châm ngôn 21:19; 25;24; 27:15). Nhiều đức lang quân còn phải chịu tuận đạo khi vợ mình là người “tập quen ở dưng, đi nhà nầy sang nhà khác; nào những ở dưng thôi đâu, lại còn thày lay thóc mách, lo việc phi phận, nói những điều không đáng nói” (I Ti-mô-thê 5:13), và đôi khi còn ngoại tình nữa. Tôi thật rất ngạc nhiên là các bậc phu quân, các trang hiền thê đó đã không li dị người phối ngẫu của mình, dù họ phải chịu chết, chịu tử đạo hằng ngày.
Tôi cũng đã thấy nhiều khi vợ hoặc chồng mắc bệnh nan y, không còn đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người phối ngẫu suốt nhiều năm, nhưng các ông hay bà ấy đã nhận được ân điển Chúa, chịu tuận đạo với người bạn đời bệnh hoạn ấy, chứ không li hôn hay ngoại tình. Thật đáng khen. Tôi có biết một tôi tớ Chúa đã chịu tuận đạo, chăm sóc người vợ bán thân của mình mấy năm dài như vậy!
Thưa anh chị em,
Tôi không dám nói năng liều lĩnh trước mặt các Anh Chị đã trải qua lễ ngọc trong hôn ước, vì tôi mới trải nghiệm cuộc sống hôn phối trên 40 năm mà thôi. Nhưng trước mặt Chúa, do sự thương xót của Chúa ban cho, tôi cho ý kiến của tôi về cuộc hôn nhân Cơ đốc nhân như sau. Tôi dám nói rằng đại đa số hôn nhân đều không tuyệt đối hạnh phúc. Nếu không chịu tuận đạo, phần đông đôi bạn đều đã li hôn hết rồi. Vì trong hôn nhân thường có sự tranh giành quyền lực lâu dài của hai thân vị sống động và mạnh mẽ, mà một thân vị phải tuận đạo sống thì gia đình mới tồn tại. Hoặc cả hai phải chịu chết với nhau, điều đó hiếm có. Đó là lý do nguy cơ li hôn vẫn còn đe doạ trên những cặp vợ chồng cao tuổi, và lắm lúc vì không li dị được, họ phải chọn giải pháp li thân để giữ hoà khí cho cuộc sống gia đình con cái của họ. Ô nguyện Chúa cứu chúng ta để chúng ta có đủ ân điển tuận đạo cách sâu xa trong hôn nhân, và để duy trì trọn vẹn hôn ước thời trai trẻ của mình, cả về mặt hình thức bên ngoài và thực chất bên trong.
Anh chị em ơi,
Gút lại, hãy chịu chết! Hãy từ bỏ ý định bỏ vợ, bỏ chồng. Hãy chịu tuận đạo sống. Hãy trung thành với hôn ước của mình đến mãn đời. Thà chịu lỗ lã, thiệt thòi, chớ đừng li hôn để trả thù người phối ngẫu, để tìm người bạn đời mới, vì mơ tưởng rằng mình sẽ tìm được những bù đắp cho những bất hạnh trong cuộc hôn nhân bị bạc đãi. Nếu bạn cam chịu tuận đạo trong hôn nhân thánh mà không li dị, Đức Chúa Trời sẽ dùng cuộc hôn nhân mà bạn tưởng là bất hạnh đó làm hoàn hảo nhân tánh bạn thành người thuộc linh trưởng thành trong Chúa. Vua Sa-lô-môn nói “sắt mài nhọn sắt” (Châm Ngôn 27:17). Còn Chúa thì phán, “Ấy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi.  Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi kỉnh kiền. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm linh mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét sự li dị, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm linh các ngươi, chớ sống cách phỉnh dối” (Ma-la-chi 2:14-16). (Theo bản Truyền thống và có sửa chữa theo nguyên văn Hê-bơ-rơ)
Minh Khải 1-12-2013