Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Nhã Ca 2--VƯỜN NHO

“Hỡi các con gái Jerusalem, tôi đen nhưng đáng yêu, như các lều trại Kedar, như những bức màn của Solomon. Đừng nhìn vào tôi, bởi tôi đen, vì mặt trời đã làm cháy sém tôi. Các con trai của mẹ tôi đã nổi giận với tôi; họ bắt tôi làm người giữ các vườn nho, còn vườn nho của riêng tôi, tôi không giữ. Hỡi người mà hồn tôi yêu mến, hãy cho tôi biết chàng chăn thả bầy của chàng ở đâu? Ban trưa chàng cho chúng nằm nghỉ nơi nào? Vì sao tôi phải như một người che mạng bên cạnh các bầy của các bạn đồng hành chàng? Hỡi người xinh đẹp nhất trong các người nữ, nếu chính nàng không biết thì hãy đi ra theo các dấu chân bầy, và chăn thả các dê con của nàng bên các lều trại của những người chăn. Người yêu của ta ơi, ta sánh nàng với một con ngựa cái trong các cỗ xe của Pharaoh. Đôi má nàng đáng yêu với những bím tóc có các đồ trang sức, cổ nàng đáng yêu với những chuỗi ngọc châu. Chúng tôi sẽ làm cho nàng các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc”. (Nhã Ca 1:5-11)

“TÔI ĐEN NHƯNG ĐÁNG YÊU”
Người tìm kiếm của Chúa nói trong chương 1 câu 5:“Hỡi các con gái Jerusalem, tôi đen nhưng đáng yêu, như các lều trại Kedar, như những bức màn của Solomon”. Sau khi nhìn thấy các trinh nữ, người tìm kiếm nhận thức rằng các con gái Jerusalem đã không chỉ được cứu mà còn đang sống trong nếp sống hội thánh. Khi ấy, sau khi có sự tương giao thân mật với Chúa, nàng bắt đầu nhận biết Chúa là ai, chính nàng là ai, và các anh chị em ở đâu.
Lúc ban đầu, khi ở với các trinh nữ, nàng chỉ thấy những người khác đen chứ không thấy chính mình cũng đen. Bây giờ, sau khi Chúa đem nàng vào trong các căn phòng của Ngài, nàng nhận thức chính mình cũng đen. Ban đầu nàng không có nhiều cảm nhận mình là một tội nhân, nhưng bây giờ nàng nhận thức rằng nàng thật sự là một tội nhân sa ngã. Bây giờ nàng có sự nhận thức: “Chúa ôi, tôi đen. Tôi không thể làm bất cứ điều gì, cũng không thể tác nhiệm trong nếp sống hội thánh”.
Nếu là một người chưa từng chạm đến Chúa, anh em sẽ cảm thấy mình thích hợp để phục vụ Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy chính mình trong ánh sáng của Chúa, anh em nhận thức sự đen đúa của mình và kết án chính mình. Nếu không đến với Chúa, anh em không nhìn thấy tình trạng thật của mình. Vì anh em phục vụ nên anh em nghĩ rằng đôi tay của mình không đen, và vì anh em đi theo Chúa nên anh em nghĩ rằng chân mình không đen. Anh em có thể cảm thấy trong một vài lĩnh vực của đời sống mình, anh em che giấu một ít sự đen tối, nhưng anh em không cảm thấy chính mình đen đúa như vậy.
Khi nào thì chúng ta nhận thức được mình thật sự đen đúa? Chỉ khi Chúa chiếu sáng trên chúng ta. Khi Chúa chiếu sáng trên chúng ta trong một phương diện nào đó, chúng ta thấy một phần nào đó của chính chúng ta đen đúa. Vì vậy, Chúa phải chiếu sáng trên chúng ta hết lần này đến lần khác cho đến khi chúng ta nhận thức rằng mọi điều trước đây chúng ta cho là chấp nhận được và đáng khen ngợi đều không là gì khác hơn sự đen tối cực điểm. Ngày cả tình yêu của chúng ta đối với Chúa cũng ra từ một tấm lòng đen tối.
Khi Chúa chiếu sáng trên anh em, anh em nhận thức mình đen giống như các lều trại Kedar cả bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, càng nhìn thấy sự đen đúa của mình, anh em cũng càng nhìn thấy vẻ đẹp bên trong của mình trong Chúa, và anh em nhận thức: “Tôi đen nhưng đáng yêu”. Sự đáng yêu bên trong của anh em tương ứng với mức độ anh em nhận thức sự đen đúa của mình. Càng nhận thức rằng mình đen, anh em sẽ càng đáng yêu. Điều mà anh em xem là yếu đuối, thất bại và xấu xí thật ra được Đức Chúa Trời xem là đáng yêu. Khi bị phơi bày, anh em cảm thấy yếu đuối và mỏng manh, nhưng trong một tình trạng yếu đuối và mỏng manh như vậy, anh em trở nên đáng yêu và được Đức Chúa Trời đánh giá cao.
Về một mặt, anh em giống như các lều trại Kedar, đen đúa cả bên trong lẫn bên ngoài, không có chút vẻ đẹp nào. Mặt khác, anh em giống như những bức màn của Solomon; anh em là vải lanh mịn. Anh em đáng yêu ở bên trong vì sự công nghĩa của Đấng Christ là sự che phủ của anh em. Về một mặt, anh em xem chính mình là quá nghèo nàn. Mặt khác, khi nhìn thấy sự cứu rỗi trong Đấng Christ, anh em cảm thấy mình quá phong phú và đẹp đẽ. Tình trạng này là kết quả của việc ở với Vua trong các căn phòng của Ngài.
“ĐỪNG NHÌN VÀO TÔI”
Câu 6 nói: “Đừng nhìn vào tôi”. Khi Shulammite trở nên ý thức về sự đen đúa của nàng, nàng không muốn người khác nhìn vào. Khi Chúa bắt đầu thu hút chúng ta, vì một lý do nào đó, thật dễ để chúng ta tìm kiếm sự chú ý của người khác. Khi một người nào đó nhiệt thành cho Chúa, người ấy thường ao ước nổi bật lên và được người khác đánh giá cao. Tuy nhiên, cuối cùng những người yêu Chúa và đi theo Ngài tránh xa sự chú ý của người khác.
Sau sự tương giao của nàng trong phòng của vua, Shulammite nổi bật giữa vòng các con gái Jerusalem. Điều này xảy ra trong kinh nghiệm của anh em khi các anh chị em bắt đầu nhận thấy một điều gì đó đã thay đổi và anh em khác biệt nhờ khoảng thời gian anh em ở với Chúa. Tuy nhiên, cảm nhận của người tìm kiếm là: “Đừng nhìn vào tôi”. Nàng Shulammite cảm thấy mình xấu xí đến nỗi không muốn người khác nhìn xem. Nàng có thể nói với người khác về vẻ đẹp của Chúa, và nàng cũng có thể nói với họ về sự xấu hổ của nàng trước mặt Chúa, nhưng ở mức độ này nàng biết rằng mình sa ngã, đen đúa và mỏng manh, vì vậy nàng tìm cách để cứ được giấu kín.
Trong Bản King James, câu này tiếp tục: “Vì mặt trời đã chiếu trên tôi”, có nghĩa là sự xấu hổ của nàng là do sự phơi bày của Chúa. Ánh sáng của Chúa chiếu soi giống như mặt trời, và anh em cảm thấy mềm yếu và bị phơi bày sau khi Ngài đã thực hiện công tác của Ngài. Một người như vậy không dám kiêu ngạo. Mọi người sống trong sự tương giao như vậy với Chúa đều khuyến nghị người khác đừng chú ý đến mình. Khi Chúa thật sự nhìn đến anh em, anh em sẽ không còn quan tâm đến những tiếng “amen” của người khác nữa. Anh em sẽ chỉ sống trước mặt Chúa và cảm thấy phải chịu trách nhiệm với Chúa.
“HỌ BẮT TÔI LÀM NGƯỜI GIỮ CÁC VƯỜN NHO”
Trong câu 6, người tìm kiếm tường thuật: “Các con trai của mẹ tôi đã nổi giận với tôi; họ bắt tôi làm người giữ các vườn nho”. Là một người yêu Chúa và có gánh nặng thực hiện một điều gì đó trước mặt Chúa, người tìm kiếm có vườn nho của riêng mình. Nếu anh em có một mối liên hệ thân mật với Chúa thì chắc chắn anh em sẽ có “vườn nho” của riêng mình - một điều gì đó mà anh em cảm thấy Đức Chúa Trời đã ủy thác cho mình.
Nhưng câu này chỉ ra rằng khi anh em trỗi dậy để chăm sóc vườn nho của mình, anh em sẽ bước vào trong sự tiếp xúc với “các con trai của mẹ” mình. “Các con trai của mẹ” này là ai? Họ là các anh em dẫn dắt đứng cho Chúa như những người mang trách nhiệm trong nếp sống hội thánh. Họ nhận lấy trách nhiệm trong hội thánh, vì vậy họ có liên quan đến bất cứ điều gì anh em cảm thấy mình được ủy thác. Họ cũng sắp xếp những điều khác cho anh em, vì anh em là một người yêu Chúa. Các anh em mang trách nhiệm tin cậy các anh chị em nhận biết Chúa và đã nhận được một điều gì đó từ Ngài để thực hiện gánh nặng của họ, vì vậy họ thường cứng rắn với những người yêu Chúa.
Khi anh em có một mối liên hệ thân mật với Chúa và Chúa chiếu sáng trên anh em, anh em sẽ thấy mình có gánh nặng về vườn nho. Ở điểm này, Chúa nhìn đến anh em và làm cho anh em nhận thức mình đen đúa, và các anh chị em khác sẽ nhìn anh em và nghĩ rằng anh em không sẵn lòng hợp tác hoặc chính anh em không biết phải tác nhiệm ở đâu. Nếu không có một mối liên hệ đặc biệt với Chúa thì anh em sẽ không có sự tranh cãi với các thánh đồ, và họ sẽ không chú ý đến anh em nhiều. Tuy nhiên, khi có một mối liên hệ đặc biệt với Chúa, anh em thấy mình không có sự yên nghỉ. Khi người tìm kiếm nói: “Còn vườn nho của riêng tôi, tôi không giữ”, nàng chỉ ra rằng trong một tình trạng như vậy, nàng hoàn toàn không biết làm thế nào để thực hiện điều Chúa đã ủy thác cho nàng.
“CHÀNG CHĂN THẢ BẦY CỦA CHÀNG Ở ĐÂU?”
Câu 7 nói: “Hỡi người mà hồn tôi yêu mến, hãy cho tôi biết chàng chăn thả bầy của chàng ở đâu?” Ở đây nàng có một lời cầu nguyện: “Chúa ôi, xin cho tôi biết Ngài để bầy của Ngài ăn ở nơi nào. Các anh em đã yêu cầu tôi phục vụ trong một vấn đề nào đó, nhưng tôi cảm thấy không ổn về điều đó. Tôi muốn lao tác theo gánh nặng của tôi, nhưng các anh em không đồng ý. Ô Chúa, Ngài cho bầy của Ngài ăn ở nơi nào?”
Về một mặt, nàng có sự ủy thác từ Chúa. Mặt khác, nàng vẫn tập trung vào mối liên hệ của nàng với Chúa. Vườn nho của chúng ta đại diện cho điều Chúa đã ủy thác cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng mặc dù chúng ta có thể lao tác nhiều trong việc chăm sóc vườn nho của mình, nhưng sự lao tác của chúng ta sẽ không làm thỏa mãn chúng ta và sẽ không sản sinh điều Đức Chúa Trời ao ước, vì sự lao tác của chúng ta sẽ là một điều gì đó ra từ chính chúng ta chứ không phải ra từ Đức Chúa Trời. Sự nhận thức này sẽ khiến chúng ta thốt lên một lời cầu nguyện như vậy để xin Chúa bày tỏ cho chúng ta công tác của Ngài. Nếu không có một mối liên hệ như vậy với Chúa, chúng ta sẽ không đạt đến điểm này, vì chúng ta sẽ không có cảm thức về bất cứ nan đề nào đang khi nỗ lực thực hiện điều làm cho chúng ta bận tâm trong nếp sống Cơ Đốc. Nhưng nếu thật sự yêu Chúa, chúng ta sẽ hỏi: “Hỡi Đấng mà hồn tôi yêu mến, hãy cho tôi biết Ngài để bầy của Ngài ăn ở nơi nào?”
“BAN TRƯA CHÀNG CHO CHÚNG NẰM NGHỈ NƠI NÀO”
Người tìm kiếm nói tiếp: “Ban trưa chàng cho chúng (bầy) nằm nghỉ nơi nào?” Ban trưa là thời gian “chính giữa” của một ngày, như Châm Ngôn 4:18 nói: “Nhưng lối đi của người công nghĩa giống như ánh bình minh, chiếu sáng càng hơn cho đến giữa ban ngày”. “Nằm” chắc chắn có nghĩa là nghỉ ngơi. Vì vậy câu này chỉ ra rằng người tìm kiếm ao ước bước vào trong một điều gì đó hơn nữa với Chúa, vì nàng không đang tím kiếm sự thỏa mãn trong nỗ lực phục vụ Ngài của mình. Bây giờ nàng không còn tập trung vào việc thực hiện một công tác nữa, nhưng tập trung vào nguồn cung ứng và sự yên nghỉ đầy đủ trong Đấng Christ.
Nàng đói khát nguồn cung ứng của Chúa và đang tìm cách để có được sự thỏa mãn đầy đủ trong Ngài. Trước điều này, nàng đã cố thực hiện một điều gì đó trước mặt Chúa, và nàng đã bị cản phá. Nàng đã nói với Chúa: “Chúa ôi, họ đã bắt tôi làm người giữ các vườn nho, và họ đã nổi giận với tôi. Tôi đã không thể đi bất cứ đâu, vì vậy tôi đã đến với Ngài. Hỡi Đấng mà hồn tôi yêu mến, hãy cho tôi biết Ngài chăn thả bầy của Ngài ở đâu? Ban trưa Ngài cho chúng nằm nghỉ nơi nào?”
Nếu anh em thật sự yêu Chúa thì công tác mà anh em được giao phó là gì cũng không quan trọng. Khi các anh em có cảm nhận và ý kiến của riêng họ về điều anh em nên làm, và anh em cũng có cảm nhận cũng như ý kiến của riêng mình, điều đó sẽ làm cho anh em cảm thấy bối rối về việc phải tác nhiệm như thế nào, và anh em sẽ có vẻ như có nan đề về quyền bính. Tuy nhiên, vấn đề thật sự không phải là anh em nên làm gì mà là anh em có Chúa như nguồn cung ứng và sự yên nghỉ của mình hay không. Vì vậy sẽ có một sự kêu la bên trong với Chúa: “Hỡi Đấng mà hồn tôi yêu mến, hãy cho tôi biết Ngài chăn thả bầy của Ngài ở đâu? Ban trưa Ngài cho chúng nằm nghỉ nơi nào? Nan đề của tôi không phải là tìm ra cách để lao tác mà là làm thế nào để có được nguồn cung ứng. Giải pháp cho nan đề của tôi không phải là xác định tôi cần lao tác trong vườn nho nào mà là tôi có thể tìm thấy sự yên nghỉ đầy đủ ở đâu. Nguồn cung ứng và sự yên nghỉ ở đâu? Đó là điều tôi thật sự cần phải tìm ra”.
ĐI LANG THANG LẠC LÕNG BÊN CẠNH “CÁC BẦY CỦA CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH CHÀNG”
Câu này tiếp tục nói: “Vì sao tôi phải như một người che mạng bên cạnh các bầy của các bạn đồng hành chàng?” “Che mạng” cũng có thể được dịch là “đi lang thang lạc lõng”. Ban đầu, nếp sống hội thánh rất thỏa mãn đối với người này, nhưng bây giờ nàng không biết đặt chính mình ở đâu. Nàng cảm thấy bất cứ điều gì nàng làm đều sai trật và không có chỗ cho nàng. “Các con trai của mẹ nàng” quan tâm đến gánh nặng của mọi người khác, nhưng họ phớt lờ gánh nặng của nàng. Đây là lý do tại sao một người như vậy cuối cùng trở nên lang thang bên cạnh các bầy của các bạn đồng hành nàng.
Anh chị em ơi, nếu không theo đuổi Chúa thì anh chị em sẽ không bao giờ kinh nghiệm điều này. Anh chị em sẽ chỉ là một người con gái Jerusalem trong nếp sống hội thánh, đi đến các buổi nhóm. Tuy nhiên, một khi phát triển mối liên hệ với Chúa, anh chị em khám phá ra rằng các bạn đồng hành của mình trong Chúa, tức là các đồng công của Ngài, có sự vận dụng của họ trong bầy, là điều bao hàm cả anh chị em. Nhưng anh chị em cảm thấy thế nào? Nếu họ yêu cầu anh chị em hãy đơn giản đồng đi với một điều gì đó, anh chị em cảm thấy mình không thể đồng đi, vì anh chị em quá đặc biệt. Mặt khác, anh chị em không thể chăm sóc bất cứ điều gì của chính mình. Cuối cùng, tất cả những gì một người như vậy còn có thể làm là đi lang thang bên cạnh các bầy của các bạn đồng hành nàng.
Khi bắt đầu yêu Chúa, tất cả chúng ta đều có cảm nhận này, vì chúng ta chưa biết hợp tác với người khác và tương giao trong Thân Thể là gì. Việc chúng ta đi lang thang bên cạnh bầy là do chúng ta quá chủ quan. Chúng ta chạm đến tình yêu của Chúa cách chủ quan, và chúng ta nghĩ rằng mình biết cách để đi theo Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một sự thiếu hụt lớn. Chúng ta đã kinh nghiệm sự phơi bày của Chúa, nhưng vẫn chưa kinh nghiệm sự vận hành của thập tự giá. Do đó chúng ta cảm thấy: “Đâu là chỗ đúng đắn cho tôi? Tôi có thể tác nhiệm ở đâu? Mãi cho đến khi kinh nghiệm sự phá vỡ của Linh chúng ta mới nhận thức rằng những người khác cũng đang kinh nghiệm chính điều mà chúng ta đang kinh nghiệm, và người khác cũng cảm nhận y như chúng ta. Tuy nhiên, vì quá chủ quan nên chúng ta không nhìn thấy điều này; chúng ta chỉ nhìn thấy tình trạng của riêng mình. Vì vậy chúng ta không thể hợp tác với người khác hay nhận được sự chỉ dẫn trong Thân Thể.
ĐI LANG THANG LẠC LÕNG NHƯNG VẪN CÓ ĐƯỢC                               SỰ NUÔI DƯỠNG VÀ SỰ YÊN NGHỈ TỪ CHÚA
Mặc dù nàng cảm thấy mình đang đi lang thang lạc lõng vì có sự bối rối của mình trong nếp sống hội thánh, nhưng nàng không đánh mất cái nhìn về nguyên tắc quan trọng nhất. Nguyên tắc này là chúng ta phải tập trung vào mối liên hệ của chúng ta với Chúa nhiều hơn vào công tác của chúng ta, và chúng ta cũng phải quan tâm đến sự nuôi dưỡng và yên nghỉ hơn là quan tâm đến công tác. Người tìm kiếm vẫn được điều chỉnh bởi kinh nghiệm của nàng trong các câu 2 và 3. Chúa đã hấp dẫn nàng và bắt lấy nàng bởi vẻ đẹp của Ngài. Ngoài Ngài ra, nàng nhận thức rằng mình không thể có sự nuôi dưỡng và yên nghỉ. Dù thái độ của nàng về việc phục vụ đã khiến cho nàng đi lang thang lạc lõng, nhưng nàng vẫn có thể tiến lên vì nàng ao ước Chúa. Nếu không vì điều này, nếp sống Cơ Đốc của nàng hẳn đã kết thúc tại đây.
Nếu có một tình trạng thuộc linh bình thường trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không dễ dàng bị chiếm hữu và mắc bẫy bởi công tác. Thay vì vậy, chúng ta sẽ dành thời gian để tìm kiếm Chúa. Nếu ở điểm này chúng ta bị công tác bắt lấy thì chúng ta sẽ không thể tiến lên trong sự tăng trưởng của mình. Chỉ khi nào hoàn toàn tập trung vào Chúa thì chúng ta mới có thể tiến lên về mặt thuộc linh.
Trong nếp sống hội thánh, chúng ta cần nhớ đừng bao giờ cố gắng giữ một người bằng cách đem người ấy vào trong sự phục vụ. Mặc dù có thể giữ một người ở trong nếp sống hội thánh bằng cách đem người ấy vào trong sự phục vụ trong một lĩnh vực nào đó, nhưng đây không phải là cách tốt nhất để giúp đỡ người ấy. Nói cụ thể, nếu anh em muốn làm vững lập một người trong nếp sống hội thánh bằng cách trao cho người ấy một loại trách nhiệm nào đó trước khi người ấy thật sự đụng chạm Chúa, thì thật ra anh em đang đặt trước mặt người ấy một tảng đá vấp chân.
Có một nan đề trong việc yêu cầu một người mới bắt đầu yêu Chúa phục vụ trong nếp sống hội thánh như một phương cách dễ dàng để giúp đỡ người ấy. Thí dụ, nếu một học sinh trung học được yêu cầu phục vụ trong buổi nhóm thiếu nhi, chắc chắn người ấy sẽ đến với Chúa và cầu nguyện nghiêm túc. Vì nhận thức mình thiếu kinh nghiệm, người ấy sẽ ngưỡng trông Đức Chúa Trời ban cho mình khả năng. Về một mặt, sự phục vụ này có thể sẽ củng cố sự gắn bó của người ấy với nếp sống hội thánh. Mặt khác, khi người ấy tăng trưởng và có được một số kinh nghiệm, sự phục vụ này sẽ không còn làm cho người ấy thỏa mãn. Vào lúc đó người ấy có thể biến mất khỏi nếp sống hội thánh.
Khi đang tìm cách giúp đỡ dân chúng, chúng ta cần đem họ đến với sự hiện diện của Chúa để họ có thể có một mối liên hệ trực tiếp với Chúa, hơn là chỉ đem họ đến với một công tác bên ngoài. Chúng ta cần giúp đỡ dân chúng sống trước mặt Chúa, vì điều quan trọng không phải là công tác của chúng ta mà là mối liên hệ của chúng ta với Chúa. Mặc dù công tác có thể làm thỏa mãn một nhu cầu nào đó trong một thời gian, nhưng không điều gì có thể thay thế chính Chúa.
Ở đây lời cầu nguyện của nàng rất tốt. Mặc dù nàng đang lang thang lạc lõng như một người che mạng bên cạnh các bầy thuộc các bạn đồng hành của Chúa, không biết phần chia của mình là gì, nhưng nàng vẫn đang tìm kiếm Chúa bằng cả tấm lòng. Thỉnh thoảng chúng ta cần cầu nguyện: “Chúa ôi, hãy cho tôi biết sự yên nghỉ đầy đủ nhất và sự nuôi dưỡng phong phú nhất ở đâu? Tôi không thỏa mãn, cũng không yên nghỉ. Làm thế nào tôi có thể vui hưởng Ngài thêm nữa? Làm thế nào tôi có thể nhận biết Ngài hơn nữa?”
“ĐI RA THEO CÁC DẤU CHÂN BẦY”
Khi nàng đang tranh đấu theo cách này, Chúa đã thương xót nàng. Nàng biết rằng sự nuôi dưỡng và hi vọng của nàng chỉ có thể được tìm thấy trong chính Chúa. Nàng nhận thức rằng sự nuôi dưỡng của sự sống và sự yên nghỉ chỉ đến từ Ngài. Vì vậy, bất kể bên ngoài mọi sự khó khăn và bất định đến đâu, nàng vẫn có thể tiến lên bởi việc nương dựa vào Chúa.
Rồi Chúa đáp lời cầu nguyện của nàng: “Hỡi người xinh đẹp nhất trong các người nữ, nếu chính nàng không biết thì hãy đi ra theo các dấu chân bầy, và chăn thả các dê con của nàng bên các lều trại của những người chăn” (1:8). Chúa chăm sóc nàng theo mối quan tâm của nàng trong tình trạng của nàng.
Mỗi lần chúng ta đến với Chúa theo cách này, dường như Ngài được khích lệ và cảm động bởi tình thế khó khăn của chúng ta và xem chúng ta là “người xinh đẹp nhất trong các người nữ”. Chúa biết chúng ta ở đâu, và Ngài hiểu sự phàn nàn của chúng ta. (*Nhưng vườn nho của riêng tôi, tôi không giữ. Tôi không biết chăn thả các dê con của mình ở đâu”). Ngài biết rằng việc chúng ta không biết làm gì là do tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Ngài cũng biết rằng dù bên ngoài chúng ta yếu đuối và tự cho mình là trung tâm, nhưng bên trong chúng ta vẫn đáng yêu. Vì vậy Ngài nói: “Hỡi người xinh đẹp nhất trong các người nữ, mọi sự đều ổn. Nếu nàng không biết, hãy đi ra theo các dấu chân bầy”. Chúa không đề cập đến công tác trong lời đáp của Ngài. Khi yêu Chúa, chúng ta dễ bị công tác chiếm hữu, và chúng ta muốn làm một điều gì đó cho Ngài. Tuy nhiên, niềm ao ước của Ngài là cứu những người yêu Ngài khỏi công tác.
“Các dấu chân bầy” ở số nhiều, biểu thị cho bước đi thuộc linh của tất cả các tín đồ. Từ sự đổ ra của Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần trải suốt toàn bộ lịch sử hội thánh, những người thật sự đi theo Chúa đã biểu minh tình yêu của họ giữa sự bắt bớ, hi sinh và thậm chí là tuận đạo. Ngày nay nhiều người vẫn đang đi theo con đường này để yêu Chúa. Chúng ta cần dò theo các dấu chân này và đi tiếp con đường mà các thánh đồ trước chúng ta đã bước đi.
Các nguyên tắc của sự tăng trưởng thuộc linh sẽ không bao giờ thay đổi. Giống như Chúa đã giúp Peter, James, John, Paul và nhiều thánh đồ khác tăng trưởng trong sự sống vào thời xưa, ngày nay Ngài cũng sẽ dẫn dắt anh em như vậy. Nếu anh em đang lang thang bên cạnh các bầy của các bạn đồng hành của mình và cảm thấy tuyệt vọng thì việc đọc tiểu sử của một số người yêu Chúa trước chúng ta sẽ rất tốt. Câu chuyện về các kinh nghiệm của họ với Chúa sẽ cung ứng cho anh em và giúp anh em vượt qua các khó khăn của mình.
Chúng ta cần nhận thức rằng sự nuôi dưỡng và yên nghỉ có thể được tìm thấy không chỉ qua sự theo đuổi Chúa của chúng ta cách trực tiếp mà còn từ các kinh nghiệm thuộc linh của các anh chị em khác. Ngày nay bầy đã tiến khá xa, để lại nhiều dấu chân cho chúng ta bước theo. Điều chúng ta cần phải làm là đi ra theo các dấu chân này của bầy.
Thật sai lần khi nghĩ rằng ngày nay chúng ta là sự kết thúc của sự khôi phục của Chúa và những gì các thánh đồ trước đây đã thực hiện không quan trọng lắm. Có thể chúng ta đang lao tác ở một giai đoạn khác trong công tác của Chúa, nhưng các nguyên tắc của sự sống không thay đổi. Để đi theo Chúa chúng ta cần phải có khả năng học tập từ các kinh nghiệm sự sống của những người ở phía trước chúng ta và những người đã đi trước chúng ta. Nếu không trung tín thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với những gì mà các thánh đồ khác đã đương đầu trước đây. Do đó, chúng ta phải tiếp nhận điều mà những người khác đã học. Chúa muốn cứu chúng ta khỏi công tác vào trong sự sống. Giống như Ngài đã chăn dắt những người yêu của Ngài trong quá khứ, Ngài cũng sẽ chăn dắt chúng ta theo cùng một cách như vậy.
Khi bắt đầu đi theo Chúa, vì một lý do nào đó chúng ta pha trộn những điều khác với việc yêu Chúa của chúng ta, và chúng ta dễ dàng đi lạc. Ngay cả sự theo đuổi của chúng ta cũng có thể bị pha trộn với một loại công tác nào đó. Vì vậy chúng ta phải đi ra theo các dấu chân bầy, đó là con đường sự sống. Trong việc đi theo Chúa, cuối cùng chúng ta sẽ không rơi vào trong một tình trạng mà chưa từng có ai kinh nghiệm trước đây. Thường thì chúng ta có thể kinh nghiệm một bước ngoặt bằng cách nhận lấy sự phong phú từ những người đã đi trên con đường này trước chúng ta.
“CHĂN THẢ CÁC DÊ CON CỦA NÀNG BÊN CÁC LỀU TRẠI            CỦA NHỮNG NGƯỜI CHĂN”
Chúa nói tiếp: “Và chăn thả các dê con của nàng bên các lều trại của những người chăn”. “Những người chăn” ở số nhiều. Nếu là số ít thì điều đó có thể chỉ về Chúa, nhưng trong câu này không phải như vậy. Thực ra những người chăn trong câu 8 chỉ về “các con trai của mẹ tôi” trong câu 6, là những người gây bực tức. Có lẽ anh em không thể vâng phục “các con trai của mẹ tôi” và tranh cãi với họ, vì trong nếp sống hội thánh, họ chỉ hơn anh em một chút và không đủ tư cách để cho anh em các sự chỉ dẫn. Anh em cũng có thể chất vấn tại sao họ không để cho anh em tác nhiệm theo gánh nặng của mình.
Câu trả lời của Chúa rất đặc biệt - Ngài bảo nàng hãy sống dưới quyền bính trong hội thánh. Nếu Chúa là Người Chăn lớn của bầy (Heb. 13:20; 1 Pet. 5:4) thì các anh em cũng là những người chăn đã được Chúa giao phó trách nhiệm (1 Pet. 5:2). Nếu Chúa xây dựng hội thánh (Matt. 16:18) thì các anh em cũng vậy (Eph. 4:16). Anh em không thể xem thường họ, nghĩ rằng họ chỉ là “những người con khác của mẹ tôi”. Đừng đặt họ trên cùng một mức độ với chính anh em. Anh em phải thấy họ là những người chăn được Chúa chỉ định. Khi anh em nói: “Hỡi các con gái Jerusalem”, anh em vui mừng ở giữa vòng họ. Nhưng khi anh em nói: “Các con trai của mẹ tôi đã nổi giận với tôi”, anh em đang phàn nàn về sự sắp xếp của Chúa. Dường như Chúa muốn nói: “Đừng nghĩ rằng ngươi có thể độc lập và thực hiện những điều của riêng mình chỉ vì ngươi có gánh nặng, sự ủy thác và vườn nho đặc biệt của mình. Ngươi vẫn cần chăn thả các dê con của mình bên các lều trại của những người chăn. Ngươi không thể thực hiện một điều gì đó cách độc lập với các anh em”.
Chúng ta phải học tập rằng mỗi người chăn đều có lều trại của mình. Chúa cho phép chúng ta công tác, nhưng Ngài không cho phép chúng ta công tác cách cá nhân và riêng biệt. Để công tác cho Đức Chúa Trời cách đúng đắn, chúng ta cần phải liên kết dưới các lều trại của những người chăn. Chính trị không thể cố gắng thực hiện gánh nặng của mình cách độc lập theo phương cách và ý kiến riêng của mình. Chúng ta phải học tập đem gánh nặng của mình đến với các anh em, đem đến với hội thánh điều mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ thật sự có khả năng chăm sóc người khác. Chúng ta phải chăn thả các dê con của mình bên các lều trại của những người chăn.
Về một mặt, những người bắt đầu đi theo Chúa phải theo đuổi sự tăng trưởng trong sự sống cách cá nhân, và mặt khác họ cũng cần nhận biết các dấu chân của bầy. Các dấu chân bầy cho chúng ta sự tin chắc rằng sự lao tác của chúng ta thuộc về Chúa. Chúa đã không kêu gọi chúng ta đi theo Ngài một mình. Chúa sẽ không yêu cầu chúng ta lìa khỏi nguồn cung ứng phong phú trong hội thánh. Ngay cả khi chúng ta có một vài “dê” con phải chăm sóc, chúng ta cũng cần chăn thả chúng bên các lều trại của những người chăn.
Tôi thờ phượng Chúa rất nhiều khi đến với phần lời này. Trước khi chạm được Chúa, hầu như chúng ta có thể nói amen với bất cứ điều gì trong nếp sống hội thánh. Nhưng khi đụng chạm Chúa và bắt đầu theo đuổi Ngài, chúng ta bắt đầu cảm nhận gánh nặng về một vấn đề cụ thể nào đó trong nếp sống hội thánh, và khi ấy chúng ta lang thang lạc lõng. Vào lúc ấy, chúng ta có thể đối xử với các anh em có kinh nghiệm hơn cách xem thường như thể họ chỉ là “các con trai của mẹ” chúng ta. Nhưng chúng ta cảm tạ Chúa, thay vì quở trách chúng ta về sự kiêu ngạo và ích kỷ, Ngài nhẹ nhàng điều chỉnh chúng ta rằng: “Hỡi người xinh đẹp nhất trong các người nữ, nếu chính nàng không biết thì hãy đi ra theo các dấu chân bầy, và chăn thả các dê con của nàng bên các lều trại của những người chăn”.
Vì vậy, nếu thật sự yêu Chúa, chúng ta sẽ quý báu các kinh nghiệm của những người yêu Đấng Christ trước chúng ta. Chúng ta có thể yêu Chúa nhưng lại nói: “Madame Guyon và John Wesley có gì liên quan với chúng ta ngày nay? Về sự chuyển động của Chúa thì họ đã lỗi thời rồi”. Nếu đây là cảm nhận của chúng ta thì chúng ta có thể sẽ kết thúc với việc lạc mất các dấu chân bầy.
Nếu yêu Chúa và ao ước đi theo Ngài trong sự sống, chúng ta phải tiếp nhận các kinh nghiệm mà những người đi trước chúng ta đã để lại. Nếu thật sự yêu Chúa, chúng ta không thể tự phân rẽ mình khỏi những người chăn. Chúng ta phải nhận biết những người mà Chúa đã đặt để làm người chăn giữa vòng chúng ta. Khi ấy chúng ta đơn giản chăn thả các dê con của mình bên các lều trại của những người chăn.
“NGỰA CÁI” VÀ “NHỮNG BÍM TÓC CÓ CÁC ĐỒ TRANG SỨC” - TÍNH NHANH NHẸN VÀ VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN CỦA CHÚNG TA
Chúa nói: “Người yêu của ta ơi, ta sánh nàng với một con ngựa cái trong các cỗ xe của Pharaoh” (1:9). Chúa sánh người yêu của Ngài với một con ngựa cái ở giữa các cỗ xe của Pharaoh. Về khả năng, nàng nhanh nhẹn. Về diện mạo, nàng mạnh mẽ. Nhưng về tính cách, nàng hoang dã. Nàng thiếu hụt trong cả nhân tính lẫn thần tính của Chúa, vì vậy nàng cón thô và hoang dã trong sự theo đuổi của nàng.
Câu 10 nói: “Đôi má nàng đáng yêu với những bím tóc có các đồ trang sức”. Vẻ đẹp của gương mặt chúng ta một phần được quyết định bởi đôi má chúng ta. Nhưng mái tóc được chải bới phù hợp có thể giúp đôi má chúng ta trông xinh đẹp. câu 10 nói rằng vẻ đẹp của chúng ta là nhờ các đồ trang sức. Một số người nữ biết cách làm cho mái tóc của họ xinh đẹp để thu hút sự chú ý của người nam. Về một mặt, người yêu của Chúa không muốn được nhìn xem, vì nàng nhận thức rằng mình đen. Mặt khác, nàng biết cách làm cho mình xinh đẹp để vẻ đáng yêu của nàng có thể được nhận thấy.
Cụm từ “Đôi má nàng đáng yêu với những bím tóc có các đồ trang sức” chỉ về điều gì? Việc một người chỉ mới bắt đầu yêu Chúa hành động trước mặt người khác như thể người ấy thuộc linh hơn những gì người ấy thật sự là thì không có gì lạ. Điều này là cố gắng làm nổi bật vẻ đáng yêu của mình bằng các bím tóc có các đồ trang sức. Thật ra, các thánh đồ có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng nhận biết khi một người chỉ đang “thắt các bím tóc” và nhận thức rằng hành vi đó không ra từ Linh. Sự thật là tất cả chúng ta đều giỏi thắt các bím tóc. Chúng ta biết rằng nếu công bố một điều gì đó theo một cách nào đó, chúng ta sẽ có vẻ mạnh mẽ, hoặc nếu chúng ta làm một điều gì đó theo một cách nào đó thì chúng ta sẽ trông có vẻ thuộc linh.
Vì vậy, các thánh đồ ở giai đoạn này dành nhiều thời gian “thắt bím tóc của mình” thay vì theo đuổi Chúa. Họ cố gắng vận dụng ý chí và tình cảm của mình để trở nên điều mà họ cho là thuộc linh. Về việc Đức Chúa Trời sẽ biến đổi họ như thế nào và họ sẽ trông như thế nào khi họ thực sự trưởng thành, chúng ta chưa thể thấy được vì vẻ đẹp của họ chỉ là tự tạo.
“CỔ NÀNG ĐÁNG YÊU VỚI NHỮNG CHUỖI NGỌC CHÂU” -SỰ VÂNG PHỤC THIÊN NHIÊN CỦA CHÚNG TA
Trong câu 10, Chúa tiếp tục nói: “Cổ nàng đáng yêu với những chuỗi ngọc châu”. “Cổ” đại diện cho khả năng vâng phục của chúng ta. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thường nói rằng dân Israel là một dân cứng cổ. Không người nào chỉ mới bắt đầu yêu Chúa cảm thấy mình cần vâng phục. Thay vì vậy, khi chỉ mới bắt đầu yêu Chúa, chúng ta có các ý kiến bên trong nhưng bên ngoài lại đeo một chuỗi ngọc châu, làm cho cổ chúng ta có vẻ xinh đẹp và phụ thuộc. Thực ra sự thuận phục của chúng ta không chân thật, và nếu chúng ta được yêu cầu phải vâng phục thì chúng ta không thể. Chúng ta vẫn thiếu khả năng để hiểu cái giá mà sự vâng phục đòi hỏi.
Trong một kỳ hội nghị thắng thế, hàng trăm thánh đồ có thể tuyên bố hiến dâng cho Chúa. Phần lớn các lời tuyên bố này chỉ là một chuỗi ngọc châu. Trước ngày sự hiến dâng của chúng ta được Chúa thử nghiệm, chúng ta sẽ không nhận thức mình cứng cổ như thế nào. Ở đây, người tìm kiếm có vẻ yêu Chúa và nghĩ rằng nàng yêu Chúa, nhưng sự thật không phải như vậy. Vẻ mềm mại và thuận phục của nàng trước mặt người khác chỉ là một chuỗi ngọc châu bên ngoài và không ra từ sự cấu thành của sự sống. Trước mặt con người, nàng thắt các bím tóc, và trước mặt Đức Chúa Trời, nàng đeo một chuỗi ngọc châu. Tuy nhiên, bất kể tóc nàng được thắt bím như thế nào, hoặc nàng làm gì để đeo chuỗi ngọc châu quanh cổ mình, Đức Chúa Trời vẫn có thể nhận biết nàng chỉ là một con ngựa cái hoang dã.
“CHÚNG TÔI SẼ LÀM CHO NÀNG CÁC BÍM TÓC BẰNG VÀNG”
Trong câu 11, Chúa nói: “Chúng tôi sẽ làm cho nàng các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc”. Nàng đã hỏi Chúa: “Ngài chăn thả bầy của Ngài ở đâu? Ban trưa Ngài cho chúng nằm nghỉ nơi nào?” Câu trả lời của Chúa chỉ tỏ rằng nàng cần trong tình trạng hiện tại của nàng không phải là sự nuôi dưỡng hay sự yên nghỉ, mà là công tác của tập tự giá.
Đức Chúa Trời Tam Nhất sẽ làm cho anh em các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc. “Các bím tóv bằng vàng” trong nguyên ngữ có nghĩa là một điều gì đó tương tự như một chiếc vương miện. Đó là một chiếc vòng nhỏ, một vương miện có các đường viền bằng vàng. Điều này có nghĩa là anh em phải để cho Đức Chúa Trời truyền tâm tính và bản chất của Ngài vào trong anh em. Kết quả của công tác Đức Chúa Trời bên trong anh em trở nên một chiếc vương miện nhỏ. Đôi khi anh em cảm thấy thập tự giá quá nặng nề không thể mang nổi và anh em đang bước đi trong đồng vắng trên đất khô, cằn cỗi. Tuy nhiên, sau mỗi sự chịu khổ thì vương miện này được phát triển thêm một chút trong anh em. ngoài Chúa ra, những người ở xung quanh anh em cũng có thể nhìn thấy vương miệng này, điều này chỉ tỏ rằng anh em đã tăng trưởng trong giai đoạn này của cuộc đời mình.
Thật ra, chúng ta thường thắt các bím tóc bằng cách sử dụng ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, hầu cho những người khác sẽ nhận thấy khả năng thực hiện công tác thuộc linh hoặc khả năng cung phụng trong hội thánh của chúng ta. Sự phục vụ như vậy thì nông cạn. Mặc dù chúng ta làm cho người khác nghĩ rằng mình rất có ân tứ, nhưng điều này không làm phiền Đức Chúa Trời. Ngài chỉ đơn giản đem chúng ta đến thập tự giá để điều thật sự thuộc về Ngài có thể được truyền vào trong chúng ta.
Có ân tứ thì không sai, và chúng ta không thể nói rằng ân tứ của mình là không cần thiết. Khi nhìn thấy những bím tóc có các đồ trang sức của nàng, Chúa không yêu cầu Shulammite cắt hết tóc mình. Điều Đức Chúa Trời ao ước là phát triển ân tứ của chúng ta thành một điều gì đó chân thật, một điều gì đó của chức vụ, bởi việc truyền chính Ngài vào trong khả năng của chúng ta. Điều Đức Chúa Trời quan tâm là ân tứ của chúng ta đã được cấu thành bằng vương miện hay chưa.
Đức Chúa Trời Tam Nhất muốn công tác trong chúng ta. Vì chúng ta thích các đồ trang sức và thích được nhiều người biết đến, nên Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta các bím tóc bằng vàng. Trước đây chúng ta đã trang điểm cho tóc mình, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đến để “đan dệt” tâm tính của Ngài vào trong chúng ta. Tính thuộc linh và vẻ đẹp của chúng ta chỉ là loài người, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đến để cấu tạo chính vẻ đẹp của Ngài vào trong chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng biểu hiện thần tính của Ngài. Khi ấy chúng ta sẽ không chỉ là một người yêu của Chúa mà còn là một người yêu Chúa trong mối liên hiệp với Ngài.
Thập tự giá công tác trên anh em cách không nương nhẹ, bất kể anh em có sẵn lòng hay không. Khi Đức Chúa Trời nói: “Chúng tôi sẽ làm cho nàng các bím tóc bằng vàng” thì chắc chắn Ngài sẽ làm điều đó. Diễn trình làm các bím tóv bằng vàng cho anh em là một công tác tinh tế. Ngài sẽ hoàn toàn rẽ tóc của anh em, và Ngài sẽ làm cho anh em kiệt sức đến mức anh em cảm thấy không cách gì tiến lên. Tuy nhiên, cuối cùng khi Đức Chúa Trời kết tóc anh em lại với nhau, anh em sẽ thấy rằng một điều gì đó đã được thêm vào trong anh em.
Đức Chúa Trời không công tác trong khi anh em ngủ, sau khi thức dậy, anh em khôn tìm thấy một vương miện bằng vàng được đan dệt vào trong tóc anh em. Chắc chắn anh em sẽ cảm thấy điều đó khi Chúa công tác trên anh em. Công tác của thập tự giá là điều làm sản sinh vương miện của anh em, và càng sở hữu vương miện này, anh em sẽ càng có khả năng để thật sự giúp đỡ người khác và phục vụ cách chân thật. Việc tự làm cho tóc của anh em xinh đẹp không thể đứng vững trước bất cứ loại thử thách nào trong môi trường. Những người trẻ hơn mà anh em phục vụ cũng sẽ tự làm bím tóc cho họ. Khi Satan đến để tấn công, các bím tóc của họ sẽ tức thì rớt xuống. Nếu anh em không có một điều gì đó thần thượng trong sự cấu thành của mình, được đan dệt như một chiếc vương miện qua công tác của thập tự giá, thì anh em sẽ không thể giúp đỡ những người như vậy.
Đức Chúa Trời cho phép Satan thử nghiệm mọi công tác của Ngài. Đức Chúa Trời cho phép Satan tấn công những người mà Ngài đã công tác trên họ. Nếu tóc của anh em không được làm bằng vàng thì dường như Satan sẽ không nhận thấy anh em. Nhưng ngay khi anh em sẵn lòng tiến lên với Chúa một chút, Satan sẽ đến với Đức Chúa Trời để kiện cáo anh em, và nhiều điều sẽ bất ngờ xảy ra. Đừng bị nản lòng. Kinh nghiệm của anh em qua những thời kỳ khó khăn như vậy sẽ làm sản sinh một chiếc vương miện bằng vàng bên trong anh em.
Mỗi lần đạt đến một đỉnh cao mới trong sự tăng trưởng thuộc linh của mình, anh em cần sẵn sàng cho đợt tấn công mới của Satan, và anh em cần xin Chúa bảo tồn mình. Tuy nhiên, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho phép Satan tấn công và thử nghiệm anh em theo khả năng của anh em thôi. Những người dẫn dắt, những người yêu Chúa tuyệt đối hơn, và những người phó thác cho Chúa nhiều hơn sẽ trải qua nhiều nỗi khổ hơn. Tuy nhiên, kết quả của các nỗi khổ như vậy là chiếc vương miện bằng vàng được đan dệt.
Ở giữa diễn trình này, anh em sẽ thường cảm thấy không sáng tỏ, bế tắc, nản chí, hay thậm chí chết chóc. Nhưng vào lúc ấy Linh sẽ cấu tạo anh em, và Đức Chúa Trời Tam Nhất sẽ công tác trên anh em, làm cho vàng được lộ ra hơn nữa. Càng có sự cấu thành, anh em sẽ càng có được một vương miện được kết bằng vàng. Khi nhìn một vài thánh đồ trong hội thánh, anh em đơn giản cảm thấy họ đang chiếu sáng vinh hiển và có nhiều vương miện ở trên họ. Đây là kết quả của công tác đặc biệt của Đức Chúa Trời đối với họ qua thập tự giá, bởi đó Ngài đã làm cho họ các bím tóc bằng vàng.
“ĐÔI HOA TAI BẰNG BẠC”
Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho anh em các bím tóc với đôi hoa tai bằng bạc (c. 11). Bạc biểu thị cho sự cứu chuộc, và đôi bông tai bằng bạc một lần nữa chỉ về công tác của thập tự giá. Nếu anh em ao ước đi theo Chúa và sống trước mặt Ngài, Ngài sẽ làm cho anh em đôi hoa tai bằng bạc. Nói cách khác, Ngài sẽ để cho thập tự giá công tác trên anh em. Đức Chúa Trời muốn phân rẽ “ngựa cái trong các cỗ xe của Pharaoh” khỏi thế giới bằng cách làm cho nàng đôi hoa tai bằng bạc. Đức Chúa Trời muốn anh em trải qua kinh nghiệm về sự cứu chuộc của Ngài và có được sự cứu chuộc qua ân điển. Hiện tại có thể anh em đang gắn bó với thế giới vì sự yếu đuối của mình. Ngài sẽ cứu anh em dần dần cho đến khi anh em hoàn toàn được phân rẽ khỏi thế giới. Do đó Chúa sẽ vừa cấu tạo sự sống của Ngài vào trong anh em cho sự biểu hiện thần thượng, bằng vàng của Ngài, vừa công tác trên anh em bởi thập tự giá để anh em có thể kinh nghiệm sự cứu chuộc của Ngài. Theo cách này, cuối cùng Ngài sẽ làm cho anh em trở nên cô dâu yêu dấu của Ngài, là người thật sự có khả năng tương xứng với Ngài.
Kinh nghiệm của chúng ta sẽ luôn luôn đi theo hai đường hướng này: đường hướng nuôi dưỡng và đường hướng của công tác thập tự giá. Khi chúng ta kinh nghiệm hai đường hướng này, Đức Chúa Trời sẽ có khả năng cấu tạo chúng ta bằng chính Ngài. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài không làm cho chúng ta bị hổ thẹn hoặc từ chối chúng ta vì chúng ta là một con ngựa cái hoang dã. Nguyện Chúa công tác trong chúng ta để chúng ta sẽ có nhiều sự đói khát hơn nữa về sự nuôi dưỡng của Ngài và về việc có được sự yên nghỉ của Ngài. Trong khi đó, nguyện chúng ta để cho thập tự giá công tác hầu làm cho chúng ta các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc để chúng ta có thể sống trước mặt Ngài trong một mối liên hiệp ngày càng gia tăng với Ngài.

Sưu Tầm