Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Nhã Ca 1--BÀI CA CỦA MỌI BÀI CA


“Sách Nhã Ca của Solomon.
Hãy để chàng hôn tôi bằng những nụ hôn của miệng chàng! Vì tình yêu chàng ngon hơn rượu. Dầu xức của chàng có hương thơm dễ chịu; danh chàng giống như dầu đổ ra; vì vậy các trinh nữ yêu chàng. Hãy lôi cuốn tôi, chúng tôi sẽ chạy theo chàng - vua đã đem tôi vào trong các căn phòng của chàng - chúng tôi sẽ vui mừng và hoan hỉ trong chàng; chúng tôi sẽ ca tụng tình yêu chàng hơn cả rượu. Họ yêu chàng cách chính đáng.” (Nhã Ca 1:1-4)
LỜI GIỚI THIỆU
Trong sứ điệp này, chúng ta sẽ xem xét vấn đề kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta như được mô tả trong sách Nhã Ca. Mỗi câu trong sách Nhã Ca đều mô tả một kinh nghiệm thuộc linh. Nếu chúng ta đồng cảm với lời chia sẻ thì điều này chỉ tỏ rằng chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị bối rối bởi lời chia sẻ thì có lẽ điều này chỉ tỏ rằng chúng ta chưa bước vào trong kinh nghiệm đó. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể học tập từ sách này. Nếu là những người ao ước có một kinh nghiệm sâu xa hơn về Chúa thì chúng ta cần bước vào trong sách Nhã Ca.

SÁCH NÀY DÀNH CHO TOÀN BỘ ĐỜI SỐNG CHÚNG TA
Nhã Ca là một sách dành cho toàn bộ đời sống chúng ta. Sách này khải thị mọi kinh nghiệm mà chúng ta sẽ phải trải qua. Chúng ta không thể tránh né các kinh nghiệm được khải thị trong tám chương này. Bất kể các kinh nghiệm của chúng ta sâu sắc, tuyệt hảo hoặc phong phú đến đâu thì cũng phải được tìm thấy trong tám chương này. Hơn nữa, bất kể gánh nặng thuộc linh của chúng ta lớn đến đâu, hoặc công tác thuộc linh của chúng ta có phạm vi rộng đến đâu, mọi nguyên tắc thuộc linh liên quan đều có thể được tìm thấy trong sách này. Tám chương này quá phong phú đến nỗi mỗi câu, mỗi tiết đều có thể được áp dụng cho tình trạng của chúng ta và có thể trở nên sự giúp đỡ cho chúng ta.
Khi chúng ta bước theo Chúa, sách này là một sự hướng dẫn tuyệt vời. Sách này cho thấy chúng ta hiện đang ở đâu, chúng ta cần có những kinh nghiệm nào, và nên tiến lên như thế nào. Sách này có thể giúp đỡ chúng ta rất nhiều để có một kinh nghiệm mạnh mẽ và tích cực về việc theo đuổi Christ. Sách Nhã Ca cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chưa trưởng thành - chúng ta phải tiếp tục dâng mình cho Chúa và làm mới lại sự hiến dâng của mình cho Chúa cách liên tục để Chúa có thể đem chúng ta tiến lên từng giai đoạn một.
Chúng ta rất dễ thỏa mãn. Chỉ cần nhận được một ít phước hạnh hoặc sự vui hưởng hay kinh nghiệm là chúng ta đã thỏa mãn, và chỉ cần sự phục vụ của chúng ta có một ít tác động hay hiệu quả là chúng ta đã thỏa mãn. Chúng ta không thể chứa đựng nhiều phước hạnh từ Chúa. Đôi khi Chúa hiện ra với chúng ta nhưng chúng ta không nhận ra Ngài. Đôi khi Đức Chúa Trời kỷ luật chúng ta nhưng chúng ta không nhận thức được điều đó. Đôi khi chúng ta không biết tại sao mình ở trong sự tối tăm và mất sự hiện diện của Chúa. Và đôi khi chúng ta không hiểu tại sao mình lại đang ở trong cõi thiên thượng kinh nghiệm sự phong phú của Chúa.
Mọi tình trạng này chỉ ra rằng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Chúng ta cần trả giá thêm nữa để tiến lên. Đây là lý do tại sao Chúa nói: “Hỡi các con gái Jerusalem, ta nài khuyên các ngươi bởi những con linh dương hoặc những con nai cái trong các cánh đồng, đừng làm kinh động hoặc đánh thức người yêu của ta, cho đến khi nàng vui thỏa” (3:5). Chúa phải chờ đợi cho đến khi chúng ta vui thỏa.
Một Cơ Đốc nhân tìm kiếm bình thường cần phải lao tác trong sách này. Chúng ta cần phải quen thuộc với sách này và trả giá để kinh nghiệm mọi sự phong phú được khải thị trong đó. Nếu được trang bị theo cách này thì chúng ta sẽ dễ dàng công tác với Chúa trong môi trường của mình. Chúng ta sẽ hiểu khi nào “bình minh ló dạng” và “bóng tối trốn đi”, rồi chúng ta sẽ có thể cảm tạ và ngợi khen Chúa thay vì bị hoang mang và vấp ngã. Chúng ta sẽ có thể nói với Chúa: “Ô Chúa, cảm tạ Ngài về thời gian này và tình trạng này. Điều đó không vô ích, và nước mắt của tôi không vô ích”.
TIÊU ĐIỂM TRUNG TÂM CỦA SÁCH NHÃ CA: ĐẤNG CHRIST
Cũng thật ý nghĩa khi sách này không bị ảnh hưởng bởi thời gian. Sách này luôn luôn tươi mới. Sau khi hoàn tất chương đầu tiên, chúng ta có thể nghĩ rằng mình đã sở hữu kinh nghiệm được khải thị trong đó rồi. Tuy nhiên, mỗi lần đọc lại, chúng ta cần phải cảm thấy được làm mới lại và được thu hút hơn nữa. Sách này đem chúng ta đến với Đấng Christ như trung tâm chủ đích đời đời của Đức Chúa Trời. Mọi sự vận hành của Đức Chúa Trời đều tập trung vào Christ. Đức Chúa Trời muốn chúng ta chỉ có được Christ, chỉ kinh nghiệm Đấng Christ, và chỉ vui hưởng Đấng Christ. Đây là một sách nói về “chỉ một mình Đấng Christ”. Sách này bày tỏ cho chúng ta làm thế nào Đấng Christ có thể trở nên kinh nghiệm chủ quan của chúng ta. Đó là lý do tại sao sách này quá quý báu như vậy.
ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀ SÁCH NHÃ CA
Sách Nhã Ca là câu chuyện về đời người. Sách này bắt đầu bằng: “Sách Nhã Ca của Solomon.” “Các bài ca” của sách này là những cuộc đời. Mỗi người có cuộc đời của riêng mình, và mỗi cuộc đời là một bài ca. Cuộc đời của mỗi người được cứu là một bài ca trước mặt Chúa. Thật không thể có một mối liên hệ với Chúa mà không có chút “âm nhạc” thuộc linh nào.
Kinh nghiệm của một Cơ Đốc nhân bình thường trước mặt Chúa là một bài nhã ca. Có vô số bài ca trong thế giới, mỗi người đều đang theo đuổi và viết nên một trong những bài ca này, Chúa chúng ta dẫn chúng ta đến bài ca giá trị nhất. Đó là bài ca về việc kinh nghiệm Đức Chúa Trời. Một số người đang theo đuổi tiền bạc trên đất, vì vậy tiền tài trở nên bài ca của cuộc đời họ. Một số người đang theo đuổi quyền lực, do đó quyền lực trở nên bài ca của họ, Cơ Đốc nhân chúng ta cần vui hưởng bài ca vượt trên mọi bài ca khác, bài ca của mọi bài ca.
Mỗi người đều có sự theo đuổi riêng, kế hoạch riêng và niềm ao ước riêng. Tuy nhiên, trong sách này Chúa cho chúng ta biết rằng chúng ta cần đánh giá đời sống của mình theo mối liên hệ của chúng ta với Chúa. Chỉ có đời sống yêu Chúa mới là đời sống có giá trị. Chỉ có đời sống yêu Chúa mới là bài nhã ca. chỉ có đời sống yêu Chúa mới có giá trị đời đời suốt cõi đời đời. Chỉ có đời sống yêu Chúa mới là một đời sống đầy sự vui hưởng. Trong khi những người khác đang theo đuổi sự vui mừng và các bài ca của cuộc đời họ, Chúa nói với chúng ta: “Nếu không có Ta, nếu không có bài ca của Ta, nếu không có âm nhạc của Ta, thì cuộc đời ngươi trống rỗng, vô dụng và không có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời. Một cuộc đời như vậy cuối cùng không có ý nghĩa gì trên đất này”.
KINH NGHIỆM CỦA CHÚNG TA VỀ SÁCH NHÃ CA THÌ QUÝ BÁU VÀ GIÁ TRỊ
Có nhiều thánh đồ yêu Chúa và dâng mọi sự cho Ngài. Khi gặp họ, anh em biết họ có bài nhã ca của họ, và anh em, là một người yêu Jesus, cũng nhận thức anh em có bài nhã ca của mình. Nếu không có một mối liên hệ tốt lành với Chúa hay với hội thánh thì anh em có thể cảm thấy rằng đối với những người khác, Chúa đáng yêu hơn. Anh em có thể cảm thấy rằng Chúa của họ dịu ngọt hơn và bài ca của họ thú vị hơn. Tuy nhiên, nếu có một mối liên hệ lành mạnh với Chúa, anh em sẽ nhận thức: “Chúa không chỉ thuộc về các anh em; Ngài cũng là của tôi. Giá trị Chúa của tôi không kém hơn Chúa của các anh em. Chúa là người yêu của anh em và Ngài cũng là người yêu của tôi. Tôi đang kinh nghiệm bài ca của chính mình, và đó cũng là một bài nhã ca.”
Ngợi khen Chúa vì Ngài không vị nể con người. Anh em không nên khinh thường chính mình. Anh em không nên hối tiếc vì dường như anh em không sở hữu các ân tứ hay tài năng của những người khác. Anh em chỉ nên quan tâm đến mối liên hệ của mình với Chúa. Nếu có tình yêu giữa anh em và Chúa, anh em sẽ cảm thấy mình có bài ca hay nhất. Bài ca này là đặc biệt đối với anh em. Chỉ cần mối liên hệ này tồn tại thì bất kể thích điều gì hoặc theo đuổi điều gì, anh em cũng sẽ khám phá ra Chúa là bài Nhã Ca, vì Ngài là Đấng quý báu nhất đối với anh em.
CHÍNH CHÚA LÀ BÀI NHÃ CA CỦA CHÚNG TA
Kinh nghiệm của người nữ Shulammite trong chương 1 là bài Nhã Ca. Kinh nghiệm của nàng trong chương 8 vẫn là bài Nhã Ca. Bất kể chúng ta ở đâu, bất kể chúng ta có bao nhiêu năm ở trước mặt Chúa, bất kể chúng ta còn non trẻ hay trưởng thành bao nhiêu về mặt thuộc linh, hễ là một Cơ Đốc nhân bình thường, chúng ta phải có Chúa như bài Nhã Ca của mình. Sống một nếp sống như người yêu của Chúa là theo đuổi bài ca vượt trên mọi bài ca.
Thật đáng lưu ý là sách này nhấn mạnh đến thập tự giá và công tác của thập tự giá. Tuy nhiên, khởi đầu kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta không tập trung vào thập tự giá nhưng vào một bài ca tuyệt vời. Khi gặp một người vô tín, chúng ta cần có cảm nhận: “Chúa ôi, cảm tạ Ngài. Bài ca bên trong tôi thú vị hơn. Bài ca bên trong tôi dịu ngọt hơn. Bài ca bên trong tôi là một bài nhã ca.” Đây là tình trạng bình thường của một Cơ Đốc nhân. Nếu một người không biết mình có một bài ca bên trong thì mối liên hệ của người ấy với Chúa không lành mạnh.
Anh chị em ơi, anh chị em cần phải để cho Christ trở nên sự thỏa mãn tuyệt đối trong suốt cuộc đời Cơ Đốc của mình. Tình trạng của anh chị em có thể thay đổi. Các giai đoạn trong nếp sống loài người của anh chị em có thể tiến tới. Cách anh chị em phục vụ và công tác có thể thay đổi. Tuy nhiên, anh chị em phải nhớ rằng Chúa luôn luôn là trung tâm và thực tại của mọi sự. Khi anh chị em đi theo Chúa và dâng mọi sự cho Ngài, Ngài không ban cho anh chị em điều gì khác hơn chính Ngài. Cuối cùng, anh chị em sẽ không nhận được gì từ Ngài ngoại trừ chính Ngài. Ban đầu, Ngài là mọi sự. Cuối cùng, Ngài sẽ vẫn là mọi sự. Đời sống không có Ngài thì hoàn toàn vô nghĩa.
Trong 1:1, chúng ta có thể thấy rằng bài ca của Solomon là bài Nhã Ca. sách này là của Solomon. Mọi giai đoạn, mọi kinh nghiệm và mọi sự phục vụ đều có liên hệ đến Solomon. Điều này chỉ tỏ rằng mỗi giai đoạn của chúng ta là Chúa, mỗi kinh nghiệm của chúng ta là Chúa, và mỗi sự phục vụ của chúng ta là Chúa.
ĐÁNH MẤT CHÚA NHƯ TÌNH YÊU ĐẦU NHẤT CỦA CHÚNG TA LÀ ĐÁNH MẤT BÀI NHÃ CA
Hễ khi nào anh em đánh mất sự dịu ngọt trong mối liên hệ của mình với Chúa thì anh em đã sa ngã. Nếu đánh mất tình yêu đầu nhất của mình đối với Chúa thì anh em không thể nói với người khác rằng anh em có bài nhã ca. hễ khi nào trọng tâm của anh em là nếp sống phục vụ hoặc nhu cầu của anh em về việc được trang bị bằng lẽ thật chứ không phải là chính Chúa thì khi ấy anh em đã đánh mất bài nhã ca của mình. Những điều khác, thậm chí là những điều tốt lành và cần thiết, đã chiếm chỗ của Chúa. Chỉ người nào sống trước mặt Chúa mới có thể nói với người khác rằng mình có bài nhã ca.
Chúa muốn chúng ta có loại nếp sống nào? Ngài ao ước chúng ta có một nếp sống với bài nhã ca. Mặc dù trong tám chương này, nàng Shulammite kinh nghiệm sự thất bại và yếu đuối, nhưng tất cả những kinh nghiệm đó đều xảy ra dưới sự tể trị của Ngài như một phần của bài nhã ca này. Chúa ao ước chúng ta sẽ luôn luôn có thể nói với mọi người: “Tôi có một bài nhã ca. Chúa của tôi là tốt nhất. Chúa của tôi đẹp đẽ nhất. Ngài là mọi sự và trong mọi sự. Sự phục vụ của tôi là theo Chúa mà tôi yêu. Sự cầu nguyện và lao tác của tôi là theo Chúa mà tôi yêu. Cuộc đời và hơi thở của tôi là theo Chúa mà tôi yêu. Ngày nay mọi sự tôi có là theo Chúa mà tôi yêu.” Một người như vậy là người sống trong thực tại của sách Nhã Ca.
Anh em có thể nói với người khác rằng anh em đang sống trong sách Nhã Ca không? Nếu không thể thì anh em không đang ở trong một tình trạng bình thường và lành mạnh. Có lẽ trong quá khứ, theo sách này, anh em đã tiến bộ được vài chương trong kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, nếu ngay bây giờ anh em không thể nói rằng Chúa là bài nhã ca của mình thì anh em không còn có thể nói mình có một chỗ trong sách này.
“HÃY ĐỂ CHÀNG HÔN TÔI”
Câu 2 nói: “Hãy để chàng hôn tôi bằng những nụ hôn của miệng chàng!” Kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta bắt đầu với: “Hãy để chàng hôn tôi.” Điều đó bắt đầu với tình yêu. Đây thật là một sự khởi đầu dịu ngọt! Điều đó không phải từ chúng ta nhưng từ Chúa. Một người có thể được cứu nhưng lại sống một nếp sống tôn giáo, có lẽ chỉ tham dự các buổi nhóm Chủ Nhật. Một ngày kia, không bởi một lý do cụ thể nào, có một Đấng hiện ra đem người ấy vượt khỏi mọi điều này. Ồ, bây giờ người này la lên: “Hãy để Ngài! Hãy để Ngài!” vì người ấy đang chạm đến chính Đấng của vũ trụ. Bây giờ người ấy đột nhiên cảm thấy nếp sống của mình đầy dẫy Ngài. Thậm chí người ấy không cần phải nói: “Chúa tôi.” Người ấy cảm thấy không cần bất cứ sự giải thích nào. Khi có Ngài, cuộc đời chúng ta khác. Chúng ta ở trong tình yêu. Chúng ta có tình yêu của Ngài. Bây giờ chúng ta yêu Ngài, và dường như giải thích là thừa.
Một người không yêu Chúa thì rất cẩu thả và tùy tiện. Trái lại, một người yêu Chúa thì nhạy cảm với niềm khao khát. Khi nói về Chúa, người ấy có đầy cảm nhận: “Ngài quá quý báu. Ngài đã làm say đắm lòng tôi. Tôi nhớ Ngài.” Anh em không cần phải bảo người ấy nên cầu nguyện bao nhiêu lần và trong bao lâu. Người ấy luôn luôn cảm nhận: “Ô Chúa, tôi yêu Ngài”. Khi đi học, người ấy sẽ nói: “Chúa ôi, tôi yêu Ngài.” Khi đi làm, người ấy sẽ nói: “Chúa ôi, tôi yêu Ngài. Tôi ao ước Ngài sẽ hôn tôi bằng những nụ hôn của miệng Ngài. Tôi trông mong gặp Ngài mặt đối mặt. Chúng ta được ràng buộc với nhau. Ô Chúa, tôi muốn hiến dâng mọi sự cho Ngài.”
Đây phải là kinh nghiệm của anh em trọn cả đời sống anh em. Anh em cần phải sống trong cảm nhận này trọn đời. “Hãy để Ngài.” Anh em không cần phải giải thích Ngài là ai. Ngài là Đấng đã làm cho lòng anh em say đắm. Anh em và Ngài có một mối liên hệ vượt trội, dịu ngọt và không tả xiết.
“VÌ TÌNH YÊU CHÀNG NGON HƠN RƯỢU”
Người yêu nói tiếp trong câu 2: “Vì tình yêu chàng ngon hơn rượu”. Người này mới nói “chàng” (ngôi thứ ba), bây giờ lại nói “chàng” (ngôi thứ hai). Trong thế giới của người yêu này chỉ có “Chàng” (ngôi thứ ba), “Chàng” (ngôi thứ hai), và “tôi” “Chàng” (ngôi thứ ba) là Chúa. “Chàng” (ngôi thứ hai) cũng là Chúa. Điều mà người yêu dấu muốn là “Chàng” (ngôi thứ hai) - Chúa. Điều nàng muốn là “Chàng” (ngôi thứ ba) - Chúa. Ý tưởng này tương tự như một câu từ sách Thi Thiên: “Trên trời tôi có ai khác hơn Ngài? Và trên đất tôi không ao ước ai ngoài Ngài” (Thi 73:25). Sách Nhã Ca bắt dầu với “hãy để chàng” và tiếp tục với “vì... của chàng.” Ban đầu người tìm kiếm đang cầu nguyện. Bây giờ nàng đang làm chứng: “Tôi chỉ có một thế giới. Dù trong lời chứng hay trong lời cầu nguyện của tôi, tôi chỉ tập trung vào Chúa. Ngoài Ngài ra tôi không có gì trong cuộc đời tôi, vì tình yêu của Ngài ngon hơn rượu”.
“RƯỢU” ĐẠI DIỆN CHO NHỮNG ĐIỀU TỪNG LÀM THỎA MÃN CHÚNG TA
Rượu đại diện cho một điều gì đó từng làm thỏa mãn chúng ta và làm cho chúng ta có sự vui hưởng. Tất cả chúng ta đều đã từng có một loại rượu nào đó mà chúng ta nghĩ rằng đó là điều tốt nhất trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta cảm nhận: “Chúa ôi, tình yêu của Ngài ngon hơn bất cứ loại rượu nào tôi đã từng có. Khi tôi có tình yêu của Ngài thì mọi điều tôi đã nếm trải trước đây nhạt dần”. Làm thế nào để chúng ta sống nếp sống này của sách Nhã Ca? Chúng ta phải tự hỏi: “Tôi còn có bất cứ loại rượu nào ngon hơn tình yêu của Ngài không?” Nếu có một nếp sống theo đuổi bình thường, chúng ta sẽ có một cảm nhận sâu xa bằng không có gì ngon hơn tình yêu phong phú của Chúa. Bất kể một điều gì đó trong thế giới có vẻ hấp dẫn và vinh hiển đến đâu, tình yêu của Chúa vẫn ngon hơn nhiều. Mỗi khi chạm đến Chúa, chúng ta đều có thể làm chứng: “Chúa ôi, tình yêu của Ngài ngon hơn bất cứ loại rượu nào khác trên đất này”.
BAN ĐẦU CHÚA HIỆN RA VỚI CHÚNG TA TRONG TÌNH YÊU         CỦA NGÀI
Chúa chúng ta không thể khải thị chính Ngài cho chúng ta một lần đủ cả, vì như thế chúng ta sẽ không thể đứng nổi trước mặt Ngài. Ngài quá hoàn hảo. Ngài quá thánh khiết và công nghĩa. Cuối cùng, khi nhận biết Ngài thêm nữa, chúng ta sẽ kinh nghiệm việc thẩm phán của Ngài. Nhưng nếu phải kinh nghiệm mọi sự thẩm phán của Ngài ngay từ lúc bắt đầu theo đuổi Ngài thì chúng ta sẽ chết, không chỉ về mặt thuộc linh mà còn về mặt thuộc thể. Nếu Ngài khải thị mọi sự vinh hiển của Ngài cho chúng ta thì không ai có thể sống sót. Khi Chúa hiện ra với Isaiah, ông đã nói: “Khốn thay cho tôi, vì tôi bị kết thúc!” (Isa. 6:5). Chúa không thể khải thị chính Ngài cách đầy đủ cho một người nào đó chỉ mới bắt đầu yêu Ngài. Vì vậy, trước hết Ngài hiện ra trong tình yêu để nâng đỡ người tìm kiếm của Ngài. Do đó, vào lúc khởi đầu nếp sống Cơ Đốc của chúng ta, kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta là về tình yêu của Ngài. Trong tình yêu của Ngài, Ngài thu hút chúng ta. Theo cách này, Ngài khích lệ lòng chúng ta theo đuổi Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện với Ngài chỉ một chút: “Hãy để Ngài hôn tôi bằng những nụ hôn của miệng chàng!” Nhưng điều đó không được tiếp nối bằng: “vì chính chàng ngon hơn rượu”. Thay vì vậy, câu này được tiếp tục bằng: “vì tình yêu chàng ngon hơn rượu”. Ở giai đoạn này, chúng ta không đang chạm đến chính Chúa cách sâu xa. Chúng ta chỉ đang chạm đến tình yêu của Ngài. Khi chúng ta yếu đuối và cầu xin sự tha thứ, Chúa nói với chúng ta: “Ta yêu ngươi. Ta tha thứ cho ngươi”. Vì chúng ta có một khả năng rất giới hạn ở điểm này, nên Chúa chỉ có thể để chúng ta chạm đến tình yêu của Ngài. Chúng ta vẫn không biết Ngài phong phú như thế nào. Ở giai đoạn này, chúng ta chưa khám phá ra sự phong phú của thân vị Ngài.
Nếu muốn vui hưởng chính Chúa, chúng ta cần trả một giá để dành thời gian ở trước mặt Chúa. Chúng ta nhìn thấy Ngài bao nhiêu tùy thuộc vào khả năng của chúng ta. Khải tượng và kinh nghiệm mà chúng ta có thể tiếp nhận tùy thuộc vào mức lượng sự sống của chúng ta. Chúng ta càng tăng trưởng, Ngài sẽ càng bày tỏ cho chúng ta Ngài là ai. Ngài thì vô hạn. Chúng ta cần phải khao khát tăng trưởng trong sự sống thêm nữa. Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy mình có thể kinh nghiệm chính Chúa.
“DẦU XỨC CỦA CHÀNG CÓ HƯƠNG THƠM DỄ CHỊU”
Câu 3 tiếp tục nói: “Dầu xức của chàng có hương thơm dễ chịu”. Dầu xức chỉ về chính Chúa như Đấng đã trải qua mọi diễn trình. Khi anh em còn non trẻ trong Chúa, Ngài rất dịu dàng với anh em. Ngài ban cho anh em tình yêu của Ngài và anh em vui hưởng Ngài như Đức Chúa Trời đã diễn tiến. Khi ấy Ngài trở nên dầu để xức anh em và hòa lẫn với anh em. Dường như Ngài quên đi sự thánh khiết, vinh hiển, tôn trọng và sức mạnh của Ngài và trở nên một Đấng khiêm nhường, bước vào trong linh anh em để anh em vui hưởng, để hòa lẫn với anh em. Trong diễn trình này, anh em sẽ vui hưởng và kinh nghiệm Ngài như dầu xức, và Ngài sẽ truyền chính Ngài vào trong anh em.
“DANH CHÀNG GIỐNG NHƯ DẦU XỨC ĐỔ RA”
Câu 3 tiếp tục: “Danh chàng giống như dầu xức đổ ra”. Danh này thật ra là công tác của Chúa. Như kết quả của công tác Ngài, Ngài có danh vượt trên hết mọi danh. Theo sách Philippians, Chúa “đã tự hạ mình, trở nên vâng phục thậm chí cho đến chết, và là cái chết trên thập tự giá. Vì vậy Đức Chúa Trời cũng đã tôn cao Ngài và ban cho Ngài danh vượt trên hết mọi danh” (Phil. 2:9). Danh của Chúa đã được sản sinh như một kết quả của mọi công tác Ngài. Do đó, danh Ngài chỉ về công tác của Ngài.
Ban đầu, khi bắt đầu yêu Chúa, chúng ta chỉ tìm kiếm tình yêu của Ngài. Dần dần, chính Chúa được cấu thành trong chúng ta, đem chính Ngài vào trong chúng ta như dầu xức. Ngài quá dịu dàng, không hề thẩm phán chúng ta, mặc dù chúng ta biết sự yếu đuối và tội của mình đối nghịch với Ngài. Chúng ta cũng biết về công tác, các thành tựu, và đặc biệt là sự cứu rỗi của Ngài. Chúng ta biết Chúa là Đấng đã yêu chúng ta, đi đến thập tự giá vì chúng ta, chết cho chúng ta, phục sinh vì chúng ta, và hiện đang sống trong chúng ta để trở nên sự sống của chúng ta. Bây giờ Ngài là sự vui mừng, thỏa mãn, vui hưởng, nguồn cung ứng và sức lực của chúng ta. Điều chúng ta hiện đang kinh nghiệm là công tác của Chúa như một danh giống như dầu xức đổ ra. Tuy nhiên, ở điểm này kinh nghiệm của chúng ta vẫn chưa đạt đến các chiều sâu.
“CÁC TRINH NỮ YÊU NGÀI”
Câu 3 tiếp tục: “Vì vậy các trinh nữ yêu Ngài”. Khi anh em không có một tấm lòng vì Chúa, anh em không có các trinh nữ để đồng hành; anh em chỉ có những người bạn. Anh em có thể chuyện trò với các bạn của mình về mọi thứ, như là phim ảnh, thể thao, hay thậm chí các kế hoạch cho tương lai của anh em. Tuy nhiên, khi bắt đầu yêu Chúa, anh em khám phá ra rằng có rất nhiều người yêu Chúa giống như anh em. Đây là các trinh nữ. Họ trinh bạch và thuần khiết. Họ không quan tâm đến ai ngoài Chúa. Những người chưa từng chạm đến. Chúa thì chỉ có thể lao vào sự tán gẫu và tranh luận với nhau, còn những người đã chạm đến Chúa cũng có khả năng chạm đến tình yêu của người khác đối với Chúa.
KHI BẮT ĐẦU YÊU CHÚA, ANH EM KHÁM PHÁ RA MỘT MỐI DÂY RÀNG BUỘC VỚI NHỮNG NGƯỜI YÊU NGÀI
Anh chị em ơi, nếu phục vụ mà không chạm đến Chúa thì sự phục vụ của anh chị em có thể làm cho anh chị em bận rộn, nhưng anh chị em sẽ không biết nhiều về sự đồng hành đích thực. Tuy nhiên, một khi chạm đến Chúa, anh chị em sẽ khám phá ra rằng có rất nhiều anh chị em tốt lành trong hội thánh, và anh chị em sẽ đánh giá cao các trinh nữ này. Trước đây, mặc dù anh chị em có những người bạn, nhưng không có sự xây dựng, và anh chị em đơn độc. Nếu chỉ có những người bạn thì anh chị em thường tụ tập khi có một điều gì đó cùng sở thích, và khi mối quan tâm chung biến mất thì anh chị em đi theo các con đường riêng của mình. Tuy nhiên, khi tìm thấy các trinh nữ, anh chị em đã tìm thấy sự tương giao thật. Anh chị em khám phá ra xung quanh mình có rất nhiều người đi theo Chúa và yêu Chúa. Anh chị em không nên vui hưởng rượu của tình yêu Chúa một mình, nhưng phải cùng với các trinh nữ khác.
CÁC TRINH NỮ LÀ THỰC TẠI CỦA HỘI THÁNH
Các trinh nữ này là thực tại của hội thánh. Không ai có thể nhìn thấy hội thánh ngoài kinh nghiệm của 1:3. Dân chúng có thể nói về hội thánh, nhưng điều đó sẽ không thực tế nếu không có các trinh nữ. Hội thánh là thật đối với những người được thu hút không chỉ bởi Chúa mà còn bởi các anh chị em. Hội thánh được cấu tạo bởi những người không chỉ tương giao với Chúa mà còn với các anh chị em. Một người như vậy không còn sống nếp sống cá nhân nữa, vì người ấy đang theo đuổi Chúa cùng với các thánh đồ. Một người như vậy có thể làm chứng: “Chúa ôi, các trinh nữ yêu Ngài”.
Một người yêu Chúa không bao giờ có thể bỏ lại phía sau năm yếu tố được tìm thấy trong các câu 2 và 3. Thứ nhất, một người như vậy luôn luôn ở dưới sự thu hút của Chúa. Thứ hai, một người như vậy luôn luôn tìm kiếm để biết được tình yêu của Chúa. Thứ ba, người tìm kiếm của Chúa tìm kiếm chính Chúa như Đấng đã diễn tiến, như dầu xức có hương thơm dễ chịu. Thứ tư, người này sẽ luôn luôn đánh giá cao công tác của Chúa. Như được khải thị trong việc danh Chúa là dầu xức đổ ra. Thứ năm, người yêu của Chúa cũng sẽ luôn luôn yêu hội thánh và đánh giá cao các thánh đồ. Ở điểm này, hội thánh được biểu lộ. Bất kể anh em đang ở đâu trong sự tăng trưởng trong sự sống của mình, anh em cũng phải kinh nghiệm năm chi tiết này lặp đi lặp lại ở các mức độ ngày càng sâu hơn.
“HÃY LÔI CUỐN TÔI; CHÚNG TÔI SẼ CHẠY THEO CHÀNG”
Câu 4 nói: “Hãy lôi cuốn tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng”. Điều này chỉ tỏ rằng khi Chúa lôi cuốn anh em, mọi người khác cũng sẽ đi theo Ngài. Anh chị em ơi, khi ở với các trinh nữ, anh chị em phải tôn trọng ảnh hưởng của mình đối với việc tiến lên của người khác. Anh chị em trọng yếu đến nỗi khi anh chị em sống thì mọi người đều sống, và khi anh chị em chết thì mọi người đều chết.
Một người thật sự yêu Chúa thì bị ràng buộc với người khác. Người ấy biết rằng việc “hãy lôi cuốn tôi” sẽ dẫn đến kết quả là “chúng tôi sẽ chạy theo chàng”. Kinh nghiệm của người ấy trước mặt Chúa trở nên phước hạnh của các thánh đồ, và kinh nghiệm của các thánh đồ trở nên phước hạnh của người ấy. Người tìm kiếm cầu nguyện: “Xin hãy lôi cuốn tôi. Nếu Ngài muốn chúng tôi đi theo Ngài thì Ngài phải lôi cuốn tôi, vì nếu Ngài lôi cuốn tôi, tất cả chúng tôi sẽ chạy theo Ngài”.
Anh chị em ơi, nguyên tắc cũng y như vậy cho đến phần kết thúc của sách này. Trong tám chương này, nguyên tắc luôn luôn là “tôi” và “chúng tôi”. Không ai có thể kinh nghiệm tám chương này một mình. Chúng ta cần kinh nghiệm mọi điều này cùng với các trinh nữ khác. Đó là nguyên tắc “Hãy lôi cuốn tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng”.
“VUA”
Câu 4 nói: “Vua đã đem tôi vào trong các căn phòng của chàng - chúng tôi sẽ vui mừng và hoan hỉ trong chành; chúng tôi sẽ ca tụng tình yêu chàng hơn cả rượu. Họ yêu chàng cách chính đáng”. “Vua”, “các căn phòng của chàng”, và “tình yêu” được đề cập ở đây. Sự cai trị trong đời sống của một người thay đổi khi người ấy biết Christ. Nhờ tình yêu, bây giờ người ấy có một vị Vua trong lòng mình. Vua có quyền bính trên người này bởi tình yêu của Ngài.
QUYỀN BÍNH CỦA VUA ĐƯỢC LẬP NỀN TRÊN TÌNH YÊU
Ban đầu chúng ta xem mình là trung tâm cách thoải mái. Chúng ta đi đâu tùy thích. Rồi một ngày kia chúng ta bắt đầu yêu Chúa, và chúng ta đã dâng mình cho Ngài. Từ đó trở đi chúng ta bắt đầu kính sợ Đức Chúa Trời. Không ai có thể được dạy dỗ để kính sợ Đức Chúa Trời, vì sự kính sợ Đức Chúa Trời đến từ tình yêu của một người đối với Đức Chúa Trời. Càng yêu Ngài, chúng ta càng sợ làm tổn thương Ngài hoặc làm điều có lỗi với Ngài. Quyền bính đến từ tình yêu. Người chúng ta yêu là vua của chúng ta. Khi chúng ta yêu Chúa cách tuyệt đối, Chúa là Vua của chúng ta cách tuyệt đối. Khả năng để Chúa cai trị trong đời sống chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta yêu Ngài bao nhiêu. Nếu chúng ta dâng chính mình cho Ngài mà không hề giữ lại thì Ngài sẽ là Vua của chúng ta cách trọn vẹn.
Bất cứ điều gì anh em yêu đều là vua của anh em. Nếu phim ảnh chiếm hữu tấm lòng của một người thì nó là vua của người ấy. Nếu tiểu thuyết chiếm hữu tấm lòng của một người thì người ấy trao cho tiểu thuyết quyền để cai trị trên mình. Nếu Chúa đã chiếm hữu tấm lòng của anh em thì Ngài là Vua của anh em. Sự chuyển giao quyền bính từ mọi điều khác cho Christ không ra từ “một cảm thức về quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng ra từviệc nhìn thấy giá trị vô song” (Hymns, #437). Nếu tình yêu của Chúa chạm đến anh em, anh em sẽ nói với Ngài: “Chúa ôi, Ngài là Vua tôi”.
Theo một ý nghĩa tích cực, đi theo Chúa thì rất dễ, anh em không cần phải nghiến răng và dâng mình. Anh em chỉ cần chạm đến tình yêu của Ngài. Khi ấy tự phát anh em sẽ nói: “Ô Chúa, tôi phải có Ngài như Vua tôi. Cả tấm lòng tôi thuộc về Ngài”. Khi lìa bỏ Chúa như tình yêu đầu nhất của mình, anh em rơi vào trong lĩnh vực của “cảm thức về nghĩa vụ”. Tuy nhiên, khi tình yêu của Chúa dư dật trong anh em thì tình yêu dư dật của Ngài sẽ khiến cho anh em tăng trưởng trong sự sống theo cách tự nhiên nhất, và anh em sẽ sống một nếp sống nhận lấy Ngài làm Vua của mình trong mọi sự.
“... ĐÃ ĐEM TÔI VÀO TRONG CÁC CĂN PHÒNG CỦA CHÀNG”
Kế đến, người yêu của Chúa nói: “Vua đã đem tôi vào trong các căn phòng của chàng” (c. 4). Vua đã đem nàng vào trong một nơi mà nàng có thể tương giao với chàng và có một mối liên hệ vượt quá ngôn từ.
VUI HƯỞNG SỰ TƯƠNG GIAO BÍ MẬT BÊN TRONG CÁC CĂN PHÒNG CỦA VUA
Khi có loại tương giao này với Chúa, anh em không thể mô tả điều đó với ai khác ngoại trừ Ngài. Đây là kinh nghiệm về “những căn phòng”. Càng có kinh nghiệm này, anh em càng có thể đi con đường của Chúa. Mỗi người yêu Chúa đều có kinh nghiệm của riêng mình về các căn phòng của Vua. Kinh nghiệm của anh em về phương diện này thì không dành cho bất cứ người nào khác. Trong chỗ này, Chúa khải thị những điều chỉ dành cho anh em và Ngài. Nếu cứ ở trong kinh nghiệm này, trong căn phòng bên trong của linh anh em, thì anh em sẽ tăng trưởng trong mối liên hệ của anh em với Chúa.
Chúng ta sẽ không tăng trưởng nếu chúng ta luôn luôn bận rộn trong sân ngoài. Tất cả chúng ta phải ở trong các căn phòng và có mối liên hệ đặc biệt này với Chúa. Chỉ những người như vậy mới có thể thật sự đi theo Chúa. Vì vậy, chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào các công tác của mình. Thay vì vậy, chúng ta nên dành thêm thời gian ở trong các căn phòng của Vua.
Kinh nghiệm về các căn phòng này có tính tăng tiến. Càng có kinh nghiệm này, anh em càng được chúc phước. Các căn phòng là nơi anh em chạm đến Chúa và Chúa chạm đến anh em, là nơi anh em vui hưởng Chúa và Chúa vui hưởng anh em, và là nơi anh em ở với Chúa và Chúa ở với anh em. sự thân mật này vượt quá ngôn từ. Điều đó là vô hạn lượng.
Chúng ta phải luôn luôn có một nếp sống yêu thương bí mật với Chúa. Chúng ta cần phải có một điều gì đó giữa Chúa và chúng ta mà chỉ thuộc riêng chúng ta; điều đó không dành cho bất cứ người nào khác. Chúng ta cần phải có những kinh nghiệm và mối tương giao với Chúa mà không thể mở ra với người khác, vì điều đó là đặc biệt giữa Chúa và chúng ta, không phải để tiết lộ cho người khác. Tình yêu giữa Chúa và chúng ta không phải để chúng ta phô trương hay khoe khoang.
Không có nhiều người gìn giữ những bí mật với Chúa như vậy. Điều này có thể có ba nguyên nhân. Thứ nhất, có thể họ không có một mối liên hệ gần gũi với Chúa. Thứ hai, có thể họ thân mật với Chúa nhưng không có bí mật nào với Ngài. Thứ ba, có thể họ có một bí mật nhưng lại tiết lộ thay vì giữ kín điều đó.
Là những Cơ Đốc nhân bình thường, chúng ta cần phải có một bí mật với Chúa. Tình yêu giữa chúng ta và Chúa vượt quá sự theo đuổi hoặc sự biểu lộ bên ngoài. Bí mật này chỉ dành cho Chúa và chúng ta. Tình yêu mà chúng ta có và những lời chúng ta nói với Ngài không phải để cho người khác biết. Tuy nhiên, chúng ta thường có hứng thú với các công tác hơn là quan tâm đến Chúa. Nguyện Chúa cứu chúng ta và đem chúng ta vào trong các căn phòng của Ngài hơn nữa.
“CHÚNG TÔI SẼ VUI MỪNG VÀ HOAN HỈ TRONG CHÀNG, CHÚNG TÔI SẼ CA TỤNG TÌNH YÊU CHÀNG HƠN CẢ RƯỢU”
Khi vua lôi cuốn “tôi” vào trong các căn phòng của chàng, kết quả là “chúng tôi” “sẽ vui mừng và hoan hỉ trong chàng”; “chúng tôi” sẽ ca tụng tình yêu chàng hơn cả rượu” (c. 4). Vì anh em đã có kinh nghiệm nên những người khác vui mừng và hoan hỉ trong Chúa. Điều này chỉ tỏ rằng kinh nghiệm cá nhân, kín giấu của anh em trong các căn phòng của Vua ảnh hưởng đến người khác. Anh em không ở một mình nhưng được gắn kết với người khác. Như kết quả từ kinh nghiệm của anh em về các căn phòng, anh em có một sự biểu hiện và biểu lộ khiến cho các trinh nữ khác vui mừng và hoan hỉ trong Chúa.
Một người có kinh nghiệm về các căn phòng của Chúa không cần phải hô la hoặc nói quá nhiều; người ấy sẽ làm cho người khác có cảm nhận rằng mình giống như một tân lang trong thời kỳ trăng mật. Người ấy sẽ vui mừng, sôi nổi và đầy sự sống. Loại người này có thể đem người khác đến với Chúa, và thậm chí  có thể khiến cho người khác ca tụng tình yêu của Chúa. Ai có thể giúp đỡ người khác yêu Chúa? Những người ở trong kinh nghiệm về tình yêu của Chúa. Nếu anh em được thẩm thấu trong tình yêu của Ngài và đang vui hưởng một mối liên hệ dịu ngọt với Ngài trong linh mình thì thật dễ để anh em giúp người khác yêu Chúa. Những người gặp gỡ anh em sẽ nhận thức rằng tình yêu của Chúa ngon hơn rượu. Sự vui hưởng tươi mới của anh em trong tình yêu khiến cho người khác lại khám phá ra tình yêu của Chúa. Chính việc anh em ở trong sự sống chứ không phải việc anh em nói nhiều đem sự giúp đỡ thật đến cho người khác. Một người ở trong sự sống thật sự có thể ảnh hưởng đến dân chúng. Nhờ anh em, những người khác sẽ nói với Chúa: “Chúng tôi sẽ vui mừng và hoan hỉ trong Ngài; chúng tôi sẽ ca tụng tình yêu của Ngài hơn cã rượu”.
“HỌ YÊU CHÀNG CÁCH CHÍNH ĐÁNG”
Cuối cùng, câu 4 nói: “Họ yêu chàng cách chính đáng”. Bằng chứng của một trinh nữ là người ấy yêu Chúa cách chính đáng, nghĩa là tình yêu của người ấy không có bất cứ niềm ao ước, sự trông mong  hay điều kiện nào khác. Do đó, một trinh nữ chân thật đi theo Chúa vô điều kiện, phục vụ vô điều kiện, và sống trong sự tương giao với Chúa cách vô điều kiện. Đối với một người như vậy, sự vui mừng không thể thay thế chính Chúa - thậm chí sự hiện diện của Chúa cũng không thể thay thế chính Chúa. Một người  như vậy rất vâng phục để yêu Chúa đến nỗi người ấy không đòi hỏi bất cứ điều gì. Ngoài Chúa ra, người ấy không ao ước bất cứ điều gì và không yêu bất cứ điều gì.
Nếu các thánh đồ trong một hội thánh chỉ quan tâm đến Chúa và sự vui hưởng Chúa thì điều đó bày tỏ rằng họ yêu Chúa cách chính đáng. Một số người không yêu Chúa cách chính đáng. Trong tình yêu của họ có nhiều điều kiện. Khi một hội thánh thiếu các trinh nữ thì sẽ có nhiều điều kiện trước khi các thánh đồ thuận phục Ngài hoặc dâng mình. Chúng ta cần có nhiều người yêu Chúa cách chính đáng. Càng có nhiều người yêu Chúa theo cách này thì trong hội thánh sẽ càng có sự sống và sự tươi mới.
Sự xây dựng hội thánh không tùy thuộc vào các công nhân nhưng tùy thuộc vào những người yêu Chúa. Khi những người yêu này đến với nhau thì hội thánh có thể được xây dựng. “Sự tranh đấu” không phải là cách để xây dựng. Thí dụ, nếu anh em cảm thấy mình phải chiến đấu để trở nên công chúa thì kết cuộc có thể là anh em sẽ giết chết rất nhiều trinh nữ mà anh em cảm thấy đang cạnh tranh với mình.
Đức Chúa Trời ao ước có được một nhóm người như các trinh nữ yêu Ngài cách chính đáng. Các trinh nữ như vậy không có bất cứ kế hoạch nào cho chính họ. Nếu có nhiều trinh nữ yêu Chúa cách chính đáng, Ngài sẽ có một hội thánh yêu Ngài cách chính đáng, khi ấy sẽ rất dễ để hội thánh này được xây dựng. Vấn đề là có bao nhiêu người trong chúng ta yêu Ngài cách chính đáng? Có bao nhiêu người yêu Ngài mà không có bất cứ sự đòi hỏi, cầm giữ hay điều kiện nào? Bao nhiêu người trong chúng ta có một tình yêu thuần khiết như vậy đối với Ngài? Chúng ta có quá nhiều công nhân và quá ít người yêu trong hội thánh. Chúng ta thích so sánh mình với người khác: “Ai trong số chúng tôi được biểu lộ nhiều hơn? Ai là người dẫn dắt?” Khi chúng ta chỉ là các công nhân thì đó là một tình trạng sa ngã.
Chúng ta quá quen với công tác đến nỗi chúng ta huấn luyện dân chúng công tác thay vì yêu Chúa. Dường như chúng ta có thể khoan dung cho việc dân chúng xa cách sự hiện diện của Chúa, nhưng chúng ta không thể chịu nổi việc công tác của chúng ta sụp đổ. Chúng ta chú trọng vào công tác nhiều hơn là mối liên hệ yêu thương của các thánh đồ với Chúa. Sách Nhã Ca khải thị cho chúng ta rằng bất cứ điều gì ngoài việc yêu Chúa đều không cần thiết. Sự phục vụ đích thực ra từ tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Nguyện Chúa dấy lên trong hội thánh nhiều người yêu hơn nữa, là những người chỉ quan tâm đến Ngài!
NHU CẦU NGÀY NAY: CÁC TRINH NỮ YÊU CHÚA CÁCH CHÍNH ĐÁNG
Anh chị em ơi, tôi có một gánh nặng lớn. Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng ta để mở mắt chúng ta! Nguyện chúng ta nhìn thấy hội thánh cần các trinh nữ yêu Chúa cách chính đáng biết bao! Các thánh đồ như vậy không có kế hoạch cho tương lai của họ và không quan tâm đến bất cứ địa vị nào trong hội thánh. Họ không muốn bất cứ điều gì cho chính mình; họ chỉ tập trung vào Chúa. Nếu Ngài nói: “Hãy dừng lại” thì họ dừng lại. Nếu Ngài nói: “Hãy đi” thì họ đi. Nếu Ngài nói: “Hãy trả giá” thì họ trả giá. Nếu Ngài nói: “Hãy lìa bỏ tất cả” thì họ lìa bỏ tất cả. Vì họ yêu Chúa cách chính đáng nên mọi sự suy xét và mong đợi khác đều bị đặt qua một bên.
Nguyện Chúa xức dầu các lời này để chúng ta có thể yêu Ngài cách chính đáng! Nguyện Chúa có được một nhóm người yêu Ngài cách chính đáng trong các hội thánh ngày nay! Chỉ khi ấy các hội thánh mới có thể được xây dựng.
Sưu Tầm