Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Con Sông Và Cái Ngai


 Autumn bouquet of flowers Stock Photography

“Năm thứ ba mươi, ngày mồng năm tháng tư, khi ta đương ở giữa phu tù, trên bờ sông Kê-ba, các từng trời mở ra, và ta xem những sự hiện thấy của Đức Chúa Trời”.

“Từ giữa nó, thấy giống như bốn vật sống, hình dạng như vầy: bộ giống người,  mỗi con có bốn mặt và bốn cánh.  Chân nó thẳng, bàn chân như bàn chân bò con đực; sáng ngời như đồng bóng nhoáng.  Dưới những cánh nó, bốn bên đều có tay người; bốn con có mặt và có cánh mình như sau nầy:..”
“Tôi nhìn các sinh vật, thì này bên cạnh mỗi sinh vật có bốn bộ mặt có một bánh xe ở dưới đất.  Hình thù và cấu trúc của các bánh xe lấp lánh như mã não. Đó là hình thù của chúng. Còn cấu trúc của chúng giống như một bánh xe ở giữa một bánh xe.  Lúc di chuyển, bốn bánh xe đi về bốn phía ; lúc đi, chúng không quay vào nhau.  Các vành bánh xe rất lớn. Tôi nhìn, thì này cả bốn vành bánh xe đầy những mắt ở chung quanh.  Khi các sinh vật đi, các bánh xe bên cạnh chúng cũng đi ; và khi các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, thì các bánh xe cũng lên theo. Thần khí đẩy đi đâu, các sinh vật đi tới đó và các bánh xe cũng cất lên theo, vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe”


“Từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một Người ở trên ngai đó, ở trên cao”.

“Kế đó, người dẫn ta đem ta về cửa nhà; và nầy, có những nước văng ra từ dưới ngạch cửa, về phía đông; vì mặt trước nhà ngó về phía đông; và những nước ấy xuống từ dưới bên hữu nhà, về phía nam bàn thờ”. (Exech. 1:1,5-8,15-20,26;47:1).

Bây giờ chúng ta suy nghiệm liên hệ của “sông nước sự sống “ nầy với cái ngai, và với trung gian biểu hiệu nầy—cherubim, các bánh xe—sự quản trị của cái ngai, và với Người trên đó. Chúng ta đã thấy vật đối chiếu của điều nầy trong Tân ước. Jesus đã sống lại và được lập lên “vượt qua cả các bậc chấp chánh, quyền bính, thế lực, chủ trị, và mọi danh xưng, chẳng những trong đời nầy thôi đâu, mà cũng trong đời hầu đến nữa” (Epheso 1:20-21), và rồi từ Ngài, Chúa được tôn cao, trong ngày tôn cao và vinh hóa của Ngài—ngày ngũ tuần—con sông tuôn đổ ra, theo con đường xuyên qua ngôi nhà, tức hội thánh, đến cùng các dân tộc. Bây giờ khi đến cùng con sông nầy trong mối liên hệ của nó với cái ngai và với điều mà tôi gọi là trung gian biểu hiệu của sự quản trị của cái ngai—các sinh vật, các bánh xe, bầu trời, Linh của sự sống, chớp nhoáng và năng lực—chúng ta cần nắm rõ những gì phán cùng chúng ta trong thời nầy.

Tình trạng của hội thánh ảnh hưởng toàn thể cõi sáng tạo:
Sách Khải thị chứa rất nhiều điều gần gũi với những gì trong các lời tiên tri của Exechien, soi sáng cho việc nầy. Như chúng ta biết, sách Khải thị đã được viết cách rất đặc biệt trong mối liên quan đến sự tẻ tách và suy đồi thuộc linh của hội thánh- vì mọi sự đều được cột chặt với hội thánh, thậm chí các dân tộc và vương quốc của satan. Các điều nầy chiếm chỗ rộng rãi trong sách khác, nhưng Đức Chúa Trời bắt đầu với hội thánh, được đại diện trong các hội thánh địa phương, và chấm dứt với hội thánh, đại diện trong Jerusalem mới thiên thượng, và tất cả những gì ở giữa đều có liên hệ đến hội thánh. Sách đó được viết ra vì sự suy đồi và dời đổi của hội thánh khỏi địa vị nguyên thủy, và sách đưa ra một sự lý luận kinh khủng rằng mọi sự đều tùy thuộc trên tình trạng thuộc linh của hội thánh.

Điều nầy soi sáng cho sách Exechien, vì cớ nó đã được viết ra cùng mục đích. Về lịch sử, sách liên hệ về sự dời đổi, suy thoái của Israel, đó là một sự nhấn mạnh sáng tỏ về cùng điều nầy. Các dân tộc chịu ảnh hưởng và vướng mắc, mọi vương quốc buộc chặt với điều nầy. Những gì xảy ra cho dân Israel nầy đều có hiệu quả trên mọi dân khác. Cõi thọ tạo nầy là một toàn thể tập hợp, và điều Đức Chúa Trời đã đặt ở trung tâm- dân Ngài- là điều có ảnh hưởng toàn cõi sáng tạo. Phao-lô nhấn mạnh cách sáng tỏ khi nói, “cả cõi sáng tạo rên rỉ và lao khổ…” Chờ đợi gì? – “sự hiển lộ các con của Đức Chúa Trời” (Rô 8:22, 19). Toàn cõi sáng tạo vướng mắc trong điều trung tâm nầy: mối lưu tâm của Đức Chúa Trời trong dân Ngài. Dân Ngài không chỉ là trung tâm đối với các mối lưu tâm của Chúa, nhưng họ gây ảnh hưởng đến các điều khác. Ma quỷ biết điều đó, và chúng ta phải sống động đối với điều đó. Điều cần thiết là Chúa phải có dân Ngài trong một tình trạng đúng, như ý định Ngài. Không thể gọi là phóng đại hay quá nhấn mạnh khi nói về tầm quan trọng của hội thánh trong tình trạng đúng.

Sông nước sự sống, như chúng ta thấy trong lời giải thích của Giăng, thì không gì khác hơn Đức Thánh Linh được biểu hiện trong sự đầy đủ--con sông sự sống—trong chỗ thứ nhất, có liên hệ đến dân của Đức Chúa Trời, hội thánh, nhà Đức Chúa Trời, và xuyên qua họ đến cùng các dân tộc. Kinh thánh làm sáng tỏ đủ về điều đó ở ban đầu, trong sách Sáng thế ký, con sông chảy ra từ miếng vườn trong Sáng thế ký 2:10 cũng là con sông trong Exech. 47. Con sông ảnh hưởng đến toàn xứ. Cuối cùng trong sách Khải thị, cũng như vậy. Con sông chảy ra, ban sự sống cho cây cối, “và lá nó dùng chữa lành cho các dân tộc” (Khải 22:2). Anh em thấy, điều gì ở bên trong với dân Đức Chúa Trời đều có ý định ban tính chất cho những người trong thế giới nầy. Ý tưởng của Chúa là trước hết mọi sự, dân Ngài phải nhận dư dật từ Ngài bởi Đức Thánh Linh và nhận cách dư dật đến nỗi có các con sông từ trong họ tuôn đổ ra. Dĩ nhiên phương tiện nhận lãnh tối quan trọng. “Nếu người nào khát hãy đến cùng Ta mà uống”, và khi nào anh ta đã đầy dẫy, “các con sông nước sự sống sẽ tuôn đổ ra từ anh ta”. Đây là tư tưởng và sự dự liệu của Đức Chúa Trời.

Chê-ru-bim
Bây giờ trở lại điều mà tôi gọi là” trung gian vận dụng của cái ngai”, và sự tuôn đổ của sông sự sống, hay sự đầy đủ của Linh, có vài điều đơn giản nhưng rất quan trọng đáng ghi nhớ. Nhưng thứ nhất, chỉ một hay hai lời về các hữu thể là cherubim. Họ được đề cập cách đầy đủ không ít hơn 8 lần trong kinh thánh, và nhiều lần tham chiếu hơn. Trong Sáng thế ký họ ở bên ngoài khu vườn, bảo vệ con đường, họ ở ngoài. Trong sách Xuất hành, họ cư ngụ trong đền thánh, an nghỉ, không ở bên ngoài nhưng ở bên trong. Tôi tưởng điều nầy mang theo tầm quan trọng riêng, khi chúng ta thấy trong chương sau đây. Trong sách Các Vua, họ đứng và chờ đợi, họ đang chờ vua. Trong Ê-sai 6, họ đốt cháy và bay. Trong sách Khải thị 4, họ ca hát và thờ lạy.  trong Exechien họ được đề cập cách đầy đủ hai lần, chương 1 và 10, họ nhìn thấy và họ chạy –khải tượng và hành động—nắm lấy toàn bộ tình hình, và làm cái gì đó tương ứng. Chú ý năng lực của họ là năng lực của Đức Thánh Linh. Linh ở trong họ--“Linh của các sinh vật”, và Linh ở trong “các bánh xe”—quyền năng và năng lực hoạt động là của Linh, nhìn thấy tất cả, và tất cả đều hoạt động tương quan với những gì đã thấy.

Nghị Quyết Của Đức Chúa Trời Đang Vận Hành
Tôi không nói thêm Cherubim là gì. Mọi loại giải thích đã được đưa ra. Tôi nghĩ, điều cuối cùng, đầy đủ nhất là họ biểu hiệu cho hội thánh. Tôi không nói gì thêm. Bất luận họ là gì, trong bất cứ trường hợp nào họ cũng là hiện thân các nguyên tắc của cái ngai. –Con Người trên ngai vận dụng mục đích trường cửu của Ngài. Tôi tưởng Phao-lô tổng hợp mọi điều nầy cho chúng ta trong một tuyên bố: “Đấng vận hành mọi sự theo nghị quyết của ý chỉ Ngài” (Eph.1:11). Đó là nghị quyết Đức Chúa Trời vận hành. Chúng ta sẽ được thỏa mãn khi nhận thấy điều đó. Đó là điều mạnh mẽ biết bao! Hãy xem mọi đặc chất ở đây trong Exechien 1—các đặc chất của hoạt động, của tình trạng sinh động. Đó là một sự sống sung mãn, các cơn gió xô xát, các chiếc bánh xe ồn ào, nhiều con mắt, những đôi chân chạy lẹ, không chuyển hướng, sự bền đỗ không xê dịch của bước đi thẳng tắp, chớp nhoáng, than lửa đỏ, các đám mây, và gió lốc—đó là hoạt động không ngơi nghỉ. Mọi điều đó có nghĩa gì? Nó ngụ ý “năng lực kinh khủng”. “Đấng vận hành—và chữ đó “vận hành” là động từ energeo theo Hi lạp văn, từ đó chúng ta có chữ energy (năng lực). “Đấng vận hành mọi sự theo nghị quyết của ý chỉ Ngài”. Nhờ Phao-lô chúng ta hiểu rõ điều nầy ngay trong thời kỳ nầy.

Tôi tin rằng giữa nhiều điều chúng ta cần khôi phục, có điều nầy: chúng ta cần khôi phục một sự xác quyết, sự tin tưởng và xác tín rằng, dù mọi sự có ra sao, Đức Chúa Trời giống như điều nầy trong thời chúng ta, rằng, xuyên qua mọi sự, trên mọi sự, phía sau mọi sự, Đức Chúa Trời đang theo đuổi các nghị quyết của Ngài—Ngài đang tiến lên, không ngừng hoạt động, không trệch hướng, với năng lực kinh khủng, Ngài đang vận hành mọi sự theo nghị quyết của ý chỉ Ngài. Đôi khi, lúc chúng ta nhìn ra, chúng ta ngạc nhiên dường như Đức Chúa Trời đang làm gì, nên trong những lúc cầu nguyện chúng ta cố ép Đức Chúa Trời hành động. Điều chúng ta cần là nhận thức rằng Đức Chúa Trời đang hoạt động, và hãy đứng chung hàng với các hoạt động của Ngài. Có lẽ Ngài không đang làm những gì chúng ta muốn Ngài làm, hay điều gì chúng ta nghĩ Ngài phải làm, Ngài đang không dùng phương tiện chúng ta nghĩ Ngài phải dùng—phương tiện lớn lao, công tác lớn lao của chúng ta. Ngài không đi theo lối đó, nhưng Ngài đang theo đuổi mục đích của Ngài- cách thong thả , bền bỉ, không trệch hướng, và nhu cầu của dân Đức Chúa Trời là phải được đứng chung vào hướng thẳng tắp của các bước đi Ngài có từ cõi vĩnh cửu đến giờ.

Vì Ngài đang bước đi, Ngài đang bước đi trong thời chúng ta, điều đó có thể thấy được—nhiều hay ít trong thế giới. Dù được thấy hay không, thực sự vẫn tồn tại.—hay kinh thánh chúng ta không đúng, và Phao-lô đã lầm lỗi! Tôi luôn luôn hoan hỉ khi thấy được điều nầy: khi Phao-lô đã ngừng các cuộc hành trình trong thế giới và mọi hoạt động kinh khủng của ông giữa các dân tộc bị cắt bỏ, đó là lúc ông đã thấy các bước đi của Đức Chúa Trời từ cõi vĩnh cửu, tức khi ông đã viết thơ Epheso, chứa đựng các nghị quyết vĩnh cửu của Đức Chúa Trời. Há đó không phải là một điều kỳ diệu sao? Khi chúng ta bị kéo ra khỏi công tác, khi chúng ta không thể chạy đi đây đó và làm mọi thứ việc, khi có lẽ về mặt vật lý chúng ta không thể làm gì nữa, nhưng Đức Chúa Trời đang cứ tiến lên. Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng, khi chúng ta dừng lại, Đức Chúa Trời đã phải dừng, và nếu chúng ta không tiến lên, vâng, Đức Chúa Trời sẽ không tiến lên. Nguyện chúng ta được giúp đỡ  để hiểu các bước đi của Ngài, và bước vào các bước đi của Ngài. Đó là điều ở đây trong Exechien. Trước hết mọi sự, anh em có vật trung gian: bốn vật sống—4 phương diện. Bốn luôn luôn là con số của vũ trụ. Có 4 ngọn gió, 4 phương hướng, 4 mùa quanh năm. Mọi sự liên hệ đến vũ trụ là 4. Vào cuối kinh thánh, chúng ta đọc rằng thành phố vuông vức, có các cổng ở bốn phía—đó là tính phổ thông của sự quản trị, tính phổ quát của lợi ích và giá trị. Bốn thuộc về vũ trụ. Đức Chúa Trời đang chuyển động – nhưng không theo lãnh vực tự mãn của chúng ta; Ngài không bị cột trói hoạt động trong góc nhỏ bé của chúng ta, hay bị đóng kín trong cái hộp bé xíu của chúng ta. Đức Chúa Trời có các mối lưu tâm lớn như vũ trụ trong lòng Ngài. Chúng ta cần được mở rộng thật lớn.

Rồi nhân tố vượt trổi là đây: Linh: “Mỗi con đi thẳng tới, Linh khiến đi đâu thì đi đó, không xây mình lại trong khi đi” (Exech. 1:12). Linh là nhân tố vượt trổi. Ngài đang cai trị mọi điều.

     Thứ ba, chúng ta có nhân tố bao hàm: con người. Có Người trên ngai, và rồi có phương diện người của cherubim. Anh  em ghi nhận”bốn con đều có mặt người”, chấm phẩy, rồi các hình dạng khác thêm vào. Một con có mặt sư tử, con khác có mặt bò, con khác mặt chim ưng, nhưng mặt người là nhân tố trổi vượt trong trung gian của các nghị quyết thần thượng. Đó là quan niệm của Đức Chúa Trời về con người, xuyên qua người và cùng với người bày tỏ ra. Có một Người trên ngai. Vâng, chính Đức Chúa Trời, nhưng hãy nhớ, Đức Chúa Trời đã vinh hóa một người, điều đó vẫn là chủ tâm của Ngài khi dựng nên loài người. Ngài đã nắn người ở đó, trong vinh quang và bây giờ, các nghị quyết của Ngài là đưa nhiều người đồng hóa theo hình ảnh người đó. Mọi điều đang xảy ra ở đây là hoạt động của Đức Chúa Trời tìm nắm một người tập thể và tập hợp, phù hợp theo Người đã được vinh hóa.

Đời sống của anh em và của tôi—các năng lực của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có năng lực dường nào trong đời sống chúng ta, có năng lực kinh khủng dường bao ở phía sau sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời với chúng ta! Chúng ta sẽ không thể tiến lên một ngày, nếu không có năng lực kinh khủng của sự kiên nhẫn Ngài hậu thuẫn. Cảm tạ Đức Chúa Trời, chúng ta được an ủi vì các lẽ thật và thực tế nầy-- Đức Chúa Trời thẳng tiến đến nơi chúng ta lưu tâm. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời về điều đó. Nhiều lúc tôi tẻ đường, bỏ lối, tôi ngồi dựa cây giêng giếng, gieo mình dưới gốc cây, “đủ rồi, Chúa ôi, xin cất mạng sống tôi—tình thế xấu quá”. Nhiều lúc chúng ta như vậy, tẻ hướng, gieo mình, ngã lòng, vì cớ chúng ta gặp nhiều khó khăn trong mình và trong kẻ khác, hay thất vọng. Song le, chúng ta đã trở lại, không do quyết tâm hay năng lực riêng—chúng ta đứng lên, đưa bước chân đi, và chúng ta đã đi xa hơn nữa. Lý do là: Đức Chúa Trời không từ bỏ, Đức Chúa Trời đang tiến lên! Anh em ơi, nếu anh  em chán nản, tuyệt vọng hôm nay, đó là tại anh  em, không phải tại Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang tiến lên. Hãy tin và nắm vững; Đức Chúa Trời đang thẳng tiến, Ngài không bỏ cuộc. Ngài thẳng tiến, không dừng lại, không trệch hướng. Hãy nắm lấy Ngài như tàu điện bám vào dây cáp và di động mãi. Điều bối rối là Israel đã ra đi. Israel đã để Đức Chúa Trời đi mất, và họ ở lại phía sau. Nếu chúng ta mất hi vọng, ngã lòng, xin Chúa giúp chúng ta chổi dậy trong đức tin hôm nay và lại bám lần nữa để tiến lên. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đã ban Linh Ngài cho chúng ta. Chúng ta có thể nắm lấy Linh và nắm giữ sự sống. Há không phải là điều Phao-lô nói, “hãy nắm lấy sự sống” (1 Tim 6:12). Sự sống đó đang tiến lên. Đây là sự sống, sự đầy đủ của sự sống, đã thể hiện hay đại diện trong các cherubim nầy—và nó đang tiến lên. Nếu anh em thích ẩn dụ về con sông—hãy lặn xuống sông và để cho nó nâng anh em tiến lên!” Hãy nắm giữ sự sống”.

Bốn Phương Diện Của Cherubim
Bây giờ, chúng ta đến biệu hiện 4 mặt của Linh.—các điều cốt yếu của mục đích thần thượng và nghị quyết thần thượng.

Thứ nhất, phương diện sư tử làm trung gian hoạt động của Đức Chúa Trời. Mặt nầy có nghĩa sự cai trị và quyền bính thuộc linh. Người khôn ngoan đó, Solomon nói về sư tử rằng, nó “chẳng lui lại trước mặt loài nào cả” (Châm 30:30). Sư tử đã không bao giờ biết thối lui và chạy trốn. Nếu nó tiến lên, chỉ có sự chết bắt nó dừng lại. Bước đi của Linh giống như vậy. Hoặc anh và tôi có tiến lên hay không, đều đó không gây trở ngại cho bước đi của Linh. Ngài phải thi hành và hoàn thành các nghị quyết vĩnh cửu của Đức Chúa Trời, Ngài đang tiến lên đến cứu cánh đó—Ngài đang tiến lên làm điều đó. Tại đây sự cai trị tối thượng và quyền bính của Linh trong các nghị quyết của Đức Chúa Trời và trong hội thánh là thiết yếu. Phải có sự cai trị thần thượng, quyền bính thần thượng nầy bởi Đức Thánh Linh. Mọi sự phải phục Ngài. Đó là một tuyên bố phải được mở rộng một cách đáng kể, nhưng chúng ta có thể thấy điều nầy đúng vào lúc đầu biết bao, từ ngày ngũ tuần trở đi. Phương diện sư tử của Linh đã đến và tiến lên—có quyền bính có sự cai trị, bởi Đức Thánh Linh được biểu lộ dường nào trong hội thánh. Ai chận đứng Linh đều bị thiệt hại.

Rồi đến phương diện của con bò. Đây là nhân tố sức mạnh, hay năng lực. Chúng ta nhớ trong đền thờ, Solomon đúc một thùng rửa, bể chứa 16 ngàn lít Anh nước—một trọng lượng đáng kể. Vật gì nâng cái bể ấy? 12 con bò, biểu hiệu của sức mạnh. Tôi không giải luận về chức năng của cái bể hay của các con bò, chỉ  đưa ra thực sự là 12 con bò phô bày đặc tính của sức mạnh, của năng lực, để gánh trách nhiệm, để mang các gánh nặng, để thể hiện các mục đích. Đây là sức mạnh, năng lực, quyền năng của Đức Thánh Linh để thể hiện các mục đích của Đức Chúa Trời” Không bởi sức lực, hay quyền năng nhưng bởi Linh Ta, Đức giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa 4:6). Lời chú thích bên lề bản kinh thánh ghi: ”không bởi quân đội”. Quân lực là ý tưởng của con người về năng lực, quan niệm của thế giới về sức mạnh. Nhưng Đức Chúa Trời phán, “không—chỉ bởi Linh Ta”, tối thượng hơn quân đội nào, lớn hơn mọi quân đội họp lại, trong năng lực, sức mạnh và quyền năng. Đó lá quyền năng của Đức Tháh Linh. Chúng ta hãy nhiệt tình tìm kiếm rằng, Chúa, Linh có thể biểu lộ chính Ngài trong sự đầy đủ lớn hơn, như một con sông của quyền năng.

Thứ ba, phương diện người. Điều nầy biểu thị sự thông minh và hiểu biết. Giữa mọi tạo vật, con người là loài duy nhất có loại hiểu biết và thông minh nầy. Dĩ nhiên, đôi lúc chúng ta tưởng có vài loài vật có cảm thức tốt hơn loài người. Nhưng trong cảm thức cao hơn hết, con người là tạo vật thông minh, và được định làm loài thông minh trong sáng tạo của Đức Chúa Trời. Sự thông minh trong sự hiểu biết liên hệ đến loài người. Đức Thánh Linh khao khát ban cho anh  em và tôi, cho hội thánh tổng quát, chính Linh của Ngài, để hiểu biết, thông minh và tri thức. quan hệ biết bao. Nếu Đức Thánh Linh sắp thể hiện các mục đích của Đức Chúa Trời, và nếu chúng ta phải biết Đức Thánh Linh trong sự đầy đủ nầy, do con sông nước hằng sống làm tượng trưng, thì điều quan trọng và đích thực cốt yếu là chúng ta có được sự hiểu biết thuộc linh về các mục đích của Đức Chúa Trời là gì. Vâng, Linh đòi hỏi chúng ta có sự thông minh để hiểu biết Ngài đang theo đuổi. Một lượng năng lực quá lớn đã bọ lãng phí, nhiều sức mạnh đã tiêu hao cho mục đích không thiết thực, thể hiện nhiều điều không đâu, và chúng ta xếp chung hàng cách trực tiếp và ăn khớp theo chiều hướng trong mục đích của Linh. Suy nghĩ, qui hoạch và cố sức làm nhiều điều cho Đức Chúa Trời theo phán đoán và lý luận riêng của mình đều vô dụng.Chúng ta phải biết Đức Thánh Linh đang làm gì—Ngài đang thực sự làm gì. Nên chúng ta phải có sự thông minh và hiểu biết tâm trí và các đường lối của Linh.

Cuối cùng phương diện chim ưng là gì? Đó là sự chuyển động tự do. Có khi nào anh  em thấy chim ưng giăng cách bay, anh  em sẽ có ấn tượng là nó rất tự do. Hầu như cả vũ trụ làm theo lệnh nó, hoàn toàn thoát ly khỏi bất cứ loại hạn chế và kiềm hãm nào. Đức thánh Linh đòi  hỏi điều đó. Nếu chúng ta nói Đức thánh Linh phải đến theo lối nầy, phải làm điều nầy, phải theo phương cách kia, chúng ta cản trở và cầm tù Ngài. Đức Thánh Linh sẽ không nhìn nhận chúng ta. Phiero cố sức làm như vậy với Đức Thánh Linh trong nhà Cọt nây, nhưng Đức Thánh Linh đã phản đối. Ngài đấm Phiero xuống. “Phiero, hãy nhìn nhận điều nầy, Ta tối thượng, Ta đòi hỏi sự chuyển động tuyệt đối tự do. Ta không đi dọc theo các lời giải thích, các hạn chế và các truyền thống của ngươi, ngươi rời khỏi đất lên các từng trời với Ta, và chúng ta sẽ chuyển động tự do”. Tối thượng quyền tuyệt đối của Đức Thánh Linh thiết yếu cho sự đầy đủ của biểu hiện Ngài và cho sự đầy đủ của sự sống Ngài. Ngài đòi hỏi sự tự do để chuyển động như Ngài muốn, chớ không theo cá ý tưởng và mối lưu tâm của chúng ta. Tối thượng quyền tuyệt đối của Đức Thánh Linh có tính cách cơ bản cho sự đầy đủ của sự sống./.
T. Austin-Sparks