Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

CHUYỆN VỀ M.E. BARBER (1-5)






Phần Một
"Như không được biết đến" (2 Côr. 6:9)1

1866-1930
M.E. Barber ít được biết đến, không những trong thế giới nói chung mà còn ở giữa hầu hết các Cơ Đốc nhân. Một số người nhận thấy tên cô2 xuất hiện trên trang3 "Những dòng suối trong sa mạc" (Streams in the desert"), nhưng tất cả chỉ có vậy. Cô là người Anh, nhưng chúng ta không thể tìm thấy tên  trong quyển "Tự điển Tiểu sử các Danh nhân của quốc gia" (The Dictionary of National Biography). Cô là một nhà truyền giáo, nhưng không giống như David Livingston hay Hudson Taylor, những người đã hoàn thành những công việc lớn lao. Phạm vi công tác của cô không rộng lớn, hầu như hạn hẹp trong một làng quê hẻo lánh ở một góc của Trung Quốc. Cô không giống như John Wesley, người đã có thể nói rằng "Toàn thể giới là giáo xứ của tôi".  Cô đã viết một số bài thánh ca, nhưng không giống như các bài thánh ca được viết bởi Charles Wesley hoặc Isaac Watts, có thể được tìm thấy trong hầu hết các quyển thánh ca Cơ Đốc giáo. Cô yêu Chúa và trưởng thành trong đời sống thuộc linh, nhưng không giống như Madame Guyon hay Andrew Murray là những người đã để lại nhiều nhiều văn phẩm tồn tại đến hiện nay.
 Dường như cô là là một khách lữ hành cô đơn, lặng lẻ xuất hiện trên đất. Cô sinh năm 1866 ở Peasehall, County Suffolk, Anh Quốc, con gái của Louis Barber (thợ làm và sửa chữa bánh xe của xe kéo, xe bò), được Chúa cất đi ở tuổi 63; trong cuộc đời ngắn ngủi, hai lần được Chúa kêu gọi đi đến Trung Quốc, cô đã từ bỏ quê nhà, một thân một mình du hành trên con đường hằng ngàn dặm tới một đất nước lạc hậu.

           Cô sống ở một làng quê gần Phúc Châu (Foochow), lặng lẻ dâng hiến những năm tháng tốt nhất đời mình để công tác cho Chúa, tiếp tục cách trung tín cho đến khi chết vào ngày 1, tháng Ba, năm 1930. Lúc chôn cất cô, một anh em nói: "'Chị đã làm tất cả những gì có thể làm'– giống như Mary" (Mác 14:8). Watchman Nee, người đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cô, đã không có mặt lúc chôn cất cô, nhưng sau đó đã viết những lời tán dương cô trong quyển sách nổi tiếng của anh, "Nếp sống Cơ Đốc Bình thường" (The Normal Christian Life). Trong chương cuối, "Mục tiêu của Phúc Âm" (được in riêng rẽ với tựa đề "Tại sao phí như vậy?), Watchman Nee trích dẫn lời  cô: "Chúa ơi, tôi sẵn lòng phá vỡ trái tim tôi để có thể làm thỏa lòng Ngài". Ngày kia, có người đã hỏi cô: "Những yêu cầu để làm việc cho Chúa là gì?". Cô trả lời: "Yêu cầu để làm việc cho Chúa là không làm việc". Một số người trẻ Trung Hoa, đã nhận được sự giúp đỡ từ cô, tỏ ra lo nghĩ về cô. Họ thắc mắc: "Tại sao cô không đi ra để thiết lập các buổi nhóm họp và công tác trong một thành phố lớn hơn?". Thay vì thế, cô sống trong một làng nhỏ, nơi có vẻ như không có việc gì xảy ra. Dường như uổng phí cuộc đời khi cô sống ở đó. Một anh em suýt nữa lớn tiếng với cô: "Không ai biết Chúa như chị. Chị biết Kinh Thánh cách sống động hơn hết. Chị không thấy nhu cầu xung quanh sao? Tại sao chị không đi ra để hoàn thành một việc gì đó? Chị chỉ ngồi đây dường như không làm gì cả. Chị đang hoang phí thì giờ, sinh lực, và tiền bạc; chị đang hoang phí mọi sự".
Hoang phí ư? Câu trả lời được làm rõ sau nhiều năm. Cô là một hạt giống sự sống được Đức Chúa Trời gieo tại Trung Quốc. Hạt giống này chắc chắn đã trải qua sự cô đơn, sỉ nhục và ẩn dật. Như cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài làm cho cô đơm bông kết trái. Chỉ Đức Chúa Trời mới biết có bao nhiêu người đã nhận được sự giúp đỡ thuộc linh từ cô cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều kỳ diệu là đây: Đức Chúa Trời khiến cho cô kết quả dư dật. Trong khi cô còn đang sống, Đức chúa Trời đã không cho cô biết như vậy. "Ôi sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và tri thức của Đức Chúa Trời, sự phán quyết của Ngài không thể nào dò thấu, và những đường lối Ngài không thể nào hiểu được!  Vì ai biết được Chúa nghĩ gì? Hay ai có thể làm mưu sĩ cho Ngài? (Rô. 11:33-34, BD2011).
-
 Phần Hai
"Mùi dầu thơm ngào ngạt tỏa ra" (Giăng 12:3)
Cô Barber đã về với Chúa  cách đây hơn 50 năm. Những người nhận được giúp đỡ từ cô rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng thời gian không làm phai mờ ấn tượng sâu sắc mà cô đã để lại cho chúng ta. Một chị em lớn tuổi, người lúc còn trẻ đã được gặp cô Barber, nhớ về cô: "Cô trung người, không cao cũng không thấp, gương mặt đầy đặn gây cho chúng ta ấn tượng về sự nhân hậu, có sức thuyết phục, kỉnh kiền và điềm đạm. Cô đầy dẫy ánh sáng của Chúa đến đỗi hễ khi người ta ngồi bên cô thì luôn cảm thấy được an ủi. Khi nói, giọng cô dịu dàng và đầy vui vẻ, nét mặt luôn vui tươi của cô khiến cho người ta quên đi những khốn khổ của đời người. Cô có thể nói lưu loát thổ ngữ Phúc Châu."
Về sự cung ứng thuộc linh của Cô Baber cho người ta, chị em nói trên nhớ lại: "Sự phát ngôn của cô đầy ánh sáng và sự sống, có thể khiến cho người ta từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa trọn đời." Và một anh em cao tuổi, là một sinh viên khi lần đầu gặp cô, về sau đã trở thành đứa con thuộc linh và người đồng công của cô, nhớ lại rằng: "Lần đầu tiên tôi gặp cô, đôi mắt cô sáng long lanh4, tóc bạc trắng và gương mặt sáng ngời như thiên sứ. Cô có vẻ mặt đáng yêu của một người mẹ. Hành vi thánh thiện, trang phục đơn sơ, luôn luôn tươi cười nhân hậu. Cô khác với các ngoại kiều khác ở Trung Quốc. Bước đi cô khoan thai. Cô không chỉ có thanh danh mà còn là một gương mẫu tốt. Mọi việc cô làm đều vì Chúa và vì vinh hiển của Chúa."
Trong quyển "Nếp sống Cơ Đốc Bình thường", Watchman Nee nhắc tới một chị em đã ảnh hưởng tới anh cách sâu sắc, đó chính là cô Barber. Khi cô về với Chúa, anh bày tỏ cảm xúc của mình: "Cô là một người rất sâu nhiệm trong Chúa và, theo ý kiến của tôi, sự tương giao mà cô có với Chúa và sự trung tín cô biểu hiện với Ngài là hiếm thấy trên đất này." Đang khi cung ứng và trong sự trò chuyện riêng tư, anh thường nhắc tới cô. Anh nói: "Suốt cuộc đời tôi, tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn hết là từ cô", và, "lợi ích lớn nhất trong cuộc đời của tôi là biết cô Barber".
Anh Nee đã đến Anh Quốc và Mỹ Quốc vào năm 1933. Sau khi nhóm họp với những người lãnh đạo Cơ Đốc danh tiếng như D.M. Panton, George Cutting, James Taylor và Austin Sparks, anh nói: "Thật khó mà tìm thấy người nào có thể so sánh được với cô Barber". Vào năm 1933, khi nói với một đồng công về sự phục vụ, anh biểu lộ cảm xúc: "Nếu cô Barber vẫn còn đây, tình hình của chúng ta sẽ khác hơn". Anh xem cô như một Cơ Đốc nhân đang chiếu sáng. Khi bước vào nơi cư ngụ của cô, lập tức anh cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi khởi sự công tác cho Chúa, anh Nee quyết tâm vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời bất kể hoàn cảnh như thế nào, vì vậy anh tự coi như mình sẵn sàng vâng phục ý muốn của Ngài. Nhưng khi đến thăm hỏi, trò chuyện với cô Barber về Chúa hay đọc Kinh Thánh với cô, anh nhận thấy mình còn thiếu hụt về sự vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời.

Khi cô Barber sống ở Âu Thuyền Chùa (Pagoda Anchorage), cô luôn luôn phát ngôn cho Chúa. Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ ý muốn Ngài qua cô mà còn phát ngôn qua con người của cô. Một lần kia, anh Nee làm chứng: "Tôi đã nghe nhiều anh chị em nói về sự thánh hóa, vì vậy tôi bắt đầu nghiên cứu về giáo lý thánh hóa. Tôi tìm thấy khoảng chừng 200 câu Kinh Thánh nói về sự thánh hóa, bèn học thuộc lòng và sắp xếp chúng theo trình tự, nhưng vẫn chưa sáng tỏ sự thánh hóa là gì. Tôi cảm thấy trống rỗng ở bên trong cho tới ngày gặp được người chị em cao tuổi này. Chị ấy là thánh. Vào ngày đó mắt tôi mở ra. Tôi đã thấy được thánh hóa là gì. Người mà tôi gặp là thánh. Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ về điều này. Ánh sáng này thúc đẩy tôi tiến tới. Tôi không thể trốn thoát, và điều này khiến tôi thấy sự thánh hóa."
Vào năm 1922, cô Barber đã 56 tuổi. Anh Nee vẫn còn trẻ, mới được cứu không hơn  hai năm. Anh đầy ắp trong đầu những dự án, những ý tưởng lớn, những kế hoạch phi thường để có thể tiếp xúc với người ta và tác động đến họ, tất cả đều đang chờ đợi Đức Chúa Trời phê chuẩn. Anh cảm thấy rằng nếu nhiều điều mà anh có trong tay có thể đem vào thực hành thì sẽ là kỳ diệu. Anh rất hồ hởi mang tất cả những điều đó đến với cô Barber, hi vọng thuyết phục cô đồng ý rằng tất cả sẽ phải được thực hiện. Sau này, anh làm chứng rằng: "Trước khi tôi mở miệng ra nói về các kế hoạch của mình, chị ấy đã nói một vài lời có trọng lượng. Rồi ánh sáng đã đến làm cho tôi hổ thẹn. Công việc của tôi quá thiên nhiên, đầy ắp với  yếu tố con người mà thôi. Khi ánh sáng đến, tôi được đem đến chỗ chỉ có thể thưa với Chúa: 'Chúa ơi! Tâm trí tôi chỉ đang lưu ý đến hoạt động của xác thịt. Ở đây có một người không hề nghĩ về những việc như thế. Động cơ và hi vọng duy nhất của người ấy là vì Đức Chúa Trời.'"
Trong một giấy tờ tư liệu đểlại, cô đã viết: "Tôi không cần gì cho chính mình cả; tôi muốn mọi sự cho Đức Chúa Trời." Đây là lời cầu nguyện cô dâng lên Chúa. Lời này có thể đã được rút ra từ tự truyện của một nhà lãnh đạo quốc gia lỗi lạc, người đã nói: "Cho chính tôi, tôi không cần gì cả. Tôi muốn mọi sự cho đất nước mình." Sau này, Watchman Nee trích dẫn lời cầu nguyện gây cảm kích này như phương châm của ông. Chắc chắn lời cầu nguyện này đã xuất phát từ sâu thẳm bên trong bản thể của cô Barber, miêu tả và giải bày cách chính xác đời sống của cô.

Phần Ba

"...cư ngụ trong đất hứa như một kiều dân" (Hê. 11:9)

 Lần đầu cô Barber đến Trung Quốc là vào năm 1899. Cô đã được phái đến Phúc Châu [Foochow], Phúc Kiến [Fukien], ở đó cô dạy trong Trường Nữ Trung học Tau Su (một trường do Anh Quốc Giáo khởi lập và điều hành) trong  bảy năm. Bởi vì sự sống phong phú của Đấng Christ tuôn chảy trong nếp sống tuyệt hảo của cô, nhiều học sinh được thu hút đến  do mong muốn được nghe lời giáo huấn của cô. Điều này làm cho viên Hiệu Trưởng của trường sanh lòng ghen ghét và tố cáo cô phạm mười điều bất pháp. Khi cẩn thận tra xét sự việc trước mặt Chúa, cô cảm thấy: "Nếu ngón cái tranh cải với ngón út thì chỉ làm tổn thương đầu; vì vậy ta phải rời khỏi trường này thôi." Cô đầu phục Chúa hoàn toàn và lặng lẽ rời khỏi Trường Nữ Trung học Tau Su. Dẫu vậy, một bản kể "tội" cô đã được gởi đến các trụ sở chính của hội truyền giáo Anh Quốc. Lúc đó, cô học tập giữ im lặng dưới bóng thập tự giá. Cô thà chịu hiểu lầm hơn là tự biện minh. Cô trở về Anh Quốc và tiếp tục tránh sự tự minh oan cho đến khi một anh có trách nhiệm của công tác truyền giáo bảo cô: "Là người có quyền trên cô, tôi buộc cô phải nói cho tôi nghe những sự việc đã xảy ra tại Trung Quốc. Không được giấu kín điều gì." Khi ấy cô mới chịu kể cho anh ấy nghe những việc đã xảy ra.
Sau khi trở về Anh Quốc, cô gặp anh D.M Panton, chủ bút tạp chí Cơ Đốc "Rạng Đông" [The Dawn]. Cô nhận được nhiều giúp đỡ từ ông. Ông rất sáng tỏ về vấn đề các giáo phái. Ông cũng biết các lời tiên tri của Kinh Thánh và các lẽ thật về sự đắc thắng. Cô chịu ảnh hưởng của ông về việc sống như một người trông đợi Chúa trở lại. Cô ở lại Anh Quốc hai năm. Suốt thời gian đó cô vận dụng đức tin, cầu xin Chúa mở lối để trở lại công tác ở Trung Quốc. Cuối cùng, với sự tương giao của D.M. Panton và Hội thánh Giáo Đường Surrey [the Surrey Chapel], ở Norwich, cô trở lại Trung Hoa; lần này, không có hội truyền giáo lớn nào hậu thuẫn. Cháu gái của cô, cô Ballord, người nhỏ hơn cô 20 tuổi, cùng đi với cô. Cô Ballord có vài khoản tiền tiền tiết kiệm nhỏ, còn cô Barber chỉ có Chúa của Thi Thiên 23 là sự cung cấp của mình. Giống như Áp-ra-ham, cô trông cậy Chúa cung cấp những thứ cần dùng và hướng dẫn cô nơi nào phải đến. Trong khi con tàu vượt Sông Min ở Trung Quốc, cô yên lặng ngưỡng trông Chúa, nương dựa nơi Ngài về những nhu cầu và tương lai. Khi đến phong cảnh xinh đẹp của Âu Thuyền Chùa [Pagoda Anchorage], cô cảm thấy đây là địa điểm Đức Chúa Trời đã sắp xếp cho công tác của cô. Sau đó, cô mướn một ngôi nhà và sống ở đó cho đến khi về với Chúa. Chủ nhà là chị Shia, giám đốc một cô nhi viện.
Âu Thuyền Chùa là một nơi hẻo lánh gần biển, ở đó cô Barber sống trong một căn nhà đơn sơ, tương phản rõ nét với ngôi nhà tốt đẹp mà cô đã sống khi lần đầu ở Trung Quốc. Để đi đến nhà của cô, từ Phúc Châu người ta phải bắt một tàu hơi nước đi đến Mai Quê[Mai Wei], từ Mai Quê lại đi trên một thuyền nhỏ đến một làng gần đó, rồi đi bộ theo một con đường trên sườn đồi tới vài ba căn nhà gỗ, đã xưa cũ. Một trong các căn nhà đó là phòng ngũ của cô Barber, nơi cô tương giao với Chúa. Các căn khác dành cho việc tiếp khách. Âu Thuyền Chùa đối với cô Barber giống như Ca-na-an đối với Áp-ra-ham vậy. Nó là đất hứa của cô. Nhưng liệu Đức Chúa Trời có lấy đi đất hứa này không? Sau khi cô Barber đã sống ở đó một ít lâu, chủ nhà đã quyết định dùng các căn nhà này để làm một cô nhi viện. Bà ấy muốn cô Barber dời đi, và đã sai các công nhân đến tu sửa các căn nhà. Có vẻ như thời gian cô Barber ở đó đã hết. Tuy nhiên, cô tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ không đi ngược lại với điều Ngài đã hứa. Cô cầu nguyện với lòng tin chắc chắn: "Ô Đức Chúa Trời là Cha, tôi nài xin Ngài làm chắc lời Ngài đã hứa." Cuối cùng, chủ nhà sai người đến cho cô biết rằng các căn nhà đã được tu sửa sẽ là của cô. Cô ở đó cho đến khi về với Chúa vào năm 1930. Cô Ballord tiếp tục công tác tại Âu Thuyền Chùa đến năm 1950, khi cô rời "đất hứa" của Đức Chúa Trời trở về Anh Quốc.
-
Phần Bốn
"Bền chí đợi chờ, ông đã nhận được điều đã hứa." (Hê. 6:15)1

Chùa Âu Thuyền đã được Chúa chuẩn bị, nhưng thường thì rõ ràng là "Đức Chúa Trời không hề hứa rằng bầu trời luôn màu xanh" (Hymns #720). Một ngày kia, do sức ép từ mọi phía, cô hoàn toàn  chán nản và tuyệt vọng, nhưng Chúa đứng với và ban sức lực  cho cô. Do trải nghiệm này, cô đã viết bài thơ sau đây (Hymns #662):

 "Mục tiêu hướng tới", tiến lên!
Lòng không sợ hãi, cô đơn đã đành.
Đấng tiên phong vẫy gọi anh,
Vậy thì anh hỡi, sao anh nao sờn?

"Mục tiêu hướng tới", tiến lên!
Đôi mắt rực lửa canh đường anh đi.
Loài người thì có ra chi?
Lời khen ngợi, tiếng khinh khi bất cần.

"Mục tiêu hướng tới", tiến lên!
Cầm cày nhìn thẳng, chẳng nên ngoái nhìn.
Mão triều vinh hiển sẵn dành,
Ngài khen: "Tốt lắm", lòng anh rộn ràng.

"Mục tiêu hướng tới", tiến lên!
Đôi khi ta phải điếc, câm, đui mù.
Đuổi theo Đấng Christ, cho dù,
Đường lên đồi ấy2 mịt mù, máu rơi.
   
Từ sự cô đơn, thử thách được diễn tả trong bài thơ trên, người ta có thể thấy như một đồng công của cô đã nhớ lại:

Từ Hwei Chen, một thành phố miền núi phồn vinh, cô di chuyển đến Âu Thuyền Chùa, ở đó, cô sống một đời sống cô đơn, quạnh quẽ: Không ai có cùng suy nghĩ, không ai thông cảm, không có sự hỗ trợ tài chánh, chỉ đơn sơ tin cậy Chúa cung cấp mọi nhu cầu. Lúc đó, các nhà truyền giáo người phương tây sống tại Phúc Châu đã nghe tiếng đồn rằng: "Cô Barber ngụ lại tại Âu Thuyền Chùa. Cô sống nghèo khó– thường không đủ thức ăn, đồ mặc." Một nhà nữ truyền giáo đến nơi thăm cô, thấy rõ sự việc xảy ra: Cô Barber đang cho một con chó con ăn bánh mì và sữa. Chị em ấy nói: "Tiếng đồn về chị là dối trá. Đức Chúa Trời đang ban cho chị ân điển rất lạ lùng." Nghe vậy, cô Barber chỉ mỉm cười, nói: "Cám ơn Chúa! Ca ngợi Ngài!"

Tuy nhiên, thật ra chẳng phải cô không bao giờ trải qua sự khó khăn về tài chính. Một ngày kia, cô có những hóa đơn cần phải thanh toán, nhưng đã cạn túi. Vào lúc đó, có một người theo tân phái đến dâng cho cô một khoản tiền trợ giúp, nhưng bởi vì người ấy bảo cô đừng "mê tín" về Đức Chúa Trời, cho nên cô từ chối sự giúp đỡ ấy.
Cho dù cần tiền cách khẩn thiết, cô trung tín tin cậy Chúa, và Ngài đã chăm lo những cần dùng của cô. Ngày hôm sau, cô nhận được một khoản tiền lớn do anh D.M. Panton từ Norwich, Anh Quốc gởi đến. Cô viết thư hỏi tại sao anh ấy đã gởi cho cô số tiền ấy, anh trả lời rằng vào lúc cô có cần, anh ấy không biết tình cảnh của cô, nhưng đang khi cầu nguyện, anh cảm thấy nên gởi cho cô món tiền.
Cô Barber quan tâm đến các nguyên tắc thuộc linh. Cô muốn sống như người Y-sơ-ra-ên, mỗi ngày trong đồng vắng gom nhặt ma-na, hay như Ê-li ở bên khe Kê-rít (1 Các Vua 17:3) trông đợi Đức Chúa Trời sai những con quạ đem bánh và thịt đến nuôi ông. Một ngày kia, có hai anh em từ hải ngoại đến thăm cô Barber và các đồng công của cô. Các anh em này quan tâm đến đời sống của các đồng công về tài chánh, và gợi ý các đồng công nên làm việc gì đó vì cớ Chúa, chẳng hạn như gởi đến cho họ trà xanh Trung Hoa và đồ thêu. Họ sẽ bán trà để sinh lợi tức cho công việc Chúa. Nhưng cô Barber từ chối gợi ý đó. Cô trung tính giữ theo các nguyên tắc thuộc linh.
 -

Phần Năm
"Hãy phục hưng công việc Ngài giữa các năm" (Hab. 3:2)1
 Cô Barber là người chuyên tâm cầu nguyện. Cô tin cậy Chúa sẽ cung cấp không chỉ những cần dùng của cô mà còn các nhu cầu cho công tác nữa. Cả cô lẫn cô Ballord đều cảm thấy cách sâu sắc rằng trong xác thịt họ rất bị hạn chế. Một vài người ngạc nhiên tự hỏi liệu hai người phụ nữ này làm được gì cho Chúa. Họ là các chị em yếu đuối, không có sự hỗ trợ của một hội truyền giáo nào2, nhưng họ không yếu ớt trong nhận thức thuộc linh sâu sắc.
 Họ muốn Trung Quốc xoay lại với Đấng Christ , bất kể đất nước này lạc hậu và rộng lớn đến đâu. Điều này dường như một giấc mơ xa vời, nhưng họ thấy rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một vài người trẻ cho mục đích của Ngài, và đã cầu nguyện cho điều này trong hơn mười năm.
Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của họ. Một cuộc phấn hưng lớn xảy ra ở gần nơi họ cư trú, và Ngài đã dấy lên một số người trẻ là những người yêu thương Chúa. Trong số đó có Leland Wong, Lian Zin Wong, Faithful Luke, Zai-Shen Chen và Watchman Nee. Trong các chị em có Son-Fan Gi, Shi Gen Song và Rei-Yu Lin. Các chị em này có ấn tượng sâu sắc với cô Barber nên đã di chuyển đến để sống chung và cùng nhau công tác. Chị Gi từ bỏ việc dạy học, dời đến Âu Thuyền Chùa và ở lại với cô Barber cho tới khi cô qua đời.  Sau đó, khi Chúa đã cất cô Barber đi, để tưởng nhớ cô, chị Song cảm thấy được Chúa hướng dẫn dời đến Âu Thuyền Chùa để ở với chị Gi cho tới khi chị em này về với Chúa.
Để đáp ứng nhiều nhu cầu thuộc linh, cô Barber chuẩn bị một khu nhà xung quanh nơi cô cư trú để tiếp khách. Một trong những căn nhà này được dùng làm nơi nhóm họp, ở đây các buổi nhóm dành cho sự soi sáng được tổ chức đều đặn. Trong một hoặc hai tuần, cô sẽ giúp đỡ các học viên và người trẻ có lòng khao khát. Một vài người nhớ lại rằng trong các kỳ hội đồng đó mỗi ngày có đến ba buổi học Kinh Thánh. Sau mỗi buổi nhóm, những người tham dự được khích lệ xem lại những điều họ đã ghi chép, viết ra thành những bài thơ và thực hiện những phân công khác nữa.
Thêm vào các kỳ hội đồng, những lớp học lẽ thật được tổ chức dành cho các thân hữu ở những làng lân cận, là những người có lòng đói khát phúc âm. Trong các lớp học này, những lẽ thật phúc âm – như sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, tội của con người, sự phán xét và sự cứu rỗi của Chúa – được giải bày cách có hệ thống. Bằng cách nào cô Barber có thể thực hiện công tác huấn luyện để dấy những con người lên? Cô không dựa vào sự dâng hiến, cũng không trông cậy vào việc quảng cáo hay sự ủng hộ mạnh mẽ về tài chánh. Cô chỉ đơn sơ tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng những nhu cầu.
Một ngày kia, một anh em tên là Dr. Mike từ hải ngoại đến thăm viếng Âu Thuyền Chùa. Anh này đến thăm hỏi cô Barber và tiếp xúc với nhiều đồng công thân yêu của cô. Anh rất vui lòng và rất ấn tượng với những gì trông thấy. Bởi vì các đồng công không có lương định kỳ, anh cảm nghĩ rằng đời sống họ phải gặp khó khăn. Vì vậy, anh gợi ý: "Tại sao cô không đặt cho nhóm của cô một cái tên? Khi trở về đất nước mình, tôi có thể tường trình với hội truyền giáo của tôi. Họ sẽ đều đặn gởi tiền cho cô. Rồi thì, cô có thể công tác mà không lo lắng về tài chánh." Tuy nhiên, cô Barber khăng khăng khước từ gợi ý của anh. Con đường của đức tin thật sự là một con đường quạnh quẽ.
  Cô đã giúp đỡ gì cho những người trẻ? Chúng ta có thể có được một vài ý tưởng từ sự hồi tưởng của một chị lớn tuổi:

Vì tôn trọng tuổi tác, chúng tôi gọi cô là Cô Barber, nhưng cô không đồng ý. Cô nói: "Tất cả chúng ta đều ở trong Chúa, bất kể già hay trẻ, tất cả đều như nhau. Trong Chúa không có sự khác biệt về tuổi tác. Các chị em có thể gọi tôi là chị Barber." Từ lúc đó trở đi, tất cả các chị em lớn tuổi đều được gọi là "chị em".

Lời dạy dỗ của cô cho các chị em nhấn mạnh họ phải nghiêm trang và mong mỏi sống cách yên lặng, phục tùng. Cô nhắc đi nhắc lại 1Tê-sa-lô-ni-ca và 1Ti-mô-thê, giải bày hai sách này từng chi tiết. Việc này để lại một ấn tượng sâu sắc.
Cô dạy các chị em vâng phục lẽ thật và quyền bính; nhấn mạnh việc trùm đầu là rất quan trọng. Cô khuyên nhủ các chị em ít nói, học tập tin cậy Đức Chúa Trời, không tranh chấp lời lẽ, là điều vô ích, chỉ làm hư hỏng người nghe. Cô quí trọng những ai chân thành yêu thương Chúa, quan tâm đến Watchman Nee, Kwang-hsi Weigh và Faithful Luke, coi họ như con cái thật trong đức tin. Đổi lại, họ được cảm động để từ bỏ mọi sự và trọn đời phục vụ Chúa. 
Shalom Do sưu tầm và dịch thuật-
 http://shalom-do.blogspot.com/2014_07_01_archive.html