Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 19


NHU CẦU CỦA NHỮNG NGƯỜI Ở DƯỚI ÁCH NÔ LỆ CỦA TỘI – SỰ SỐNG GIẢI THOÁT (1)

Trong bản ký thuật của Phúc Âm này, chín trường hợp đã được chọn lựa để minh chứng Chúa Jesus là sự sống và là nguồn cung ứng sự sống cho con người. Trong các chương từ ba đến bảy có sáu trường hợp hình thành một nhóm về dấu lạ. Về phương diện tích cực, sáu trường hợp này tượng trưng cho các phương diện của Chúa là sự sống và nguồn cung ứng sự sống cho chúng ta, ấy là tái sinh, làm thỏa mãn, chữa lành, làm sống động, nuôi dưỡng và làm hết khát. Ba trường hợp sau, trong các chương từ tám đến mười một, hình thành một nhóm khác về dấu lạ. Về phương diện tiêu cực, ba trường hợp ấy tượng trưng cho Chúa là sự sống cho chúng ta để giải cứu chúng ta khỏi ba điều tiêu cực chính, ấy là tội lỗi, sự đui mù và sự chết.

Là những con người sa ngã, chúng ta thường xuyên bị tội lỗi, sự đui mù và sự chết quấy nhiễu. Sự đui mù thật ra có nghĩa là sự tối tăm. Khi bị mù, anh em ở trong bóng tối, vì không có điều gì tạo nên bóng tối nhiều cho bằng sự đui mù. Sự đui mù, tối tăm và sự chết ra từ tội. Tội là nhân tố cơ bản gây nên sự đui mù, tối tăm và sự chết. Nếu chúng ta phạm tội, chắc chắn chúng ta đui mù vì sự đui mù luôn luôn đi đôi với những điều tội lỗi. Tội đem đến sự chết, nhưng giữa tội và sự chết luôn luôn có sự đui mù. Sau khi phạm tội và trước khi gặt lấy sự chết, anh em có sự tối tăm. Vì vậy, tội, sự đui mù và sự chết là ba điều tiêu cực mà Chúa phải xử lý. Cách duy nhất để xử lý những điều tiêu cực này là Chúa cần phải trở nên sự sống đời đời và thiên thượng của chúng ta.


Trường hợp trong Giăng chương 8, là trường hợp thứ bảy trong chín trường hợp, bàn đến vấn đề tội cách đầy đủ. Không chương nào trong Kinh Thánh bàn đến vấn đề tội cách rộng rãi và kỹ lưỡng như chương 8 của sách Giăng. Trong chương này, chúng ta có câu trả lời cho mọi nan đề về tội. Như chúng ta sẽ thấy, trong chương chín và mười tiếp theo chương này, vấn đề đui mù được xử lý cách triệt để. Sau cùng trong chương mười một, vấn đề sự chết được xử lý cách triệt để. Sau chương mười một sẽ không có trường hợp nào thêm vào vì những trường hợp tích cực đều đã được bàn đến và những điều tiêu cực đã được xử lý. Bây giờ, chúng ta hãy xem cách Chúa là sự sống xử lý tội là điều tiêu cực đầu tiên.

I. TÔN GIÁO CỦA LUẬT PHÁP NGHỊCH VỚI ĐẤNG TA LÀ VĨ ĐẠI
Trường hợp này bày tỏ rằng tôn giáo của luật pháp (8:5, 17), như đã được tượng trưng bởi đền thờ (8:2, 20), không thể giải phóng người ta khỏi tội và sự chết của tội. Tuy nhiên, với tư cách là Đấng Ta Là, Chúa Jesus trở nên Con Loài Người bị treo trên thập tự giá cho những người bị rắn độc cắn, Ngài có thể làm điều mà tôn giáo và luật pháp không thể làm. Tôn giáo của việc giữ luật pháp chống nghịch với Đấng Ta Là vĩ đại. Chương này bày tỏ rằng giữa vòng loài người trên đất có hai điều – một tôn giáo và một thân vị sống động. Tôn giáo này rất xuất sắc, cao cả và siêu việt. Đó không phải là tôn giáo ngoại đạo, hay tôn giáo mê tín, mà là tôn giáo điển hình, giúp người ta thờ phượng Đức Chúa Trời, giúp người ta biết Đức Chúa Trời theo cách bề ngoài của văn tự, và giúp người ta giữ luật pháp của Đức Chúa Trời để làm hài lòng Ngài và tự làm hoàn hảo chính mình. Đây là tôn giáo tốt nhất mà mọi người Do Thái tiêu biểu đều hãnh diện. Nếu xem xét tôn giáo chính thống của người Do Thái, anh em sẽ nhận thấy đó là tôn giáo trổi hơn hết. Tôn giáo này không giả dối, nhưng tuyệt đối thật và chân chính. Mọi sự liên quan đến tôn giáo này đều tốt nhất. Tôn giáo này có nhiều điều thánh khiết. Giữa vòng những điều thánh khiết này là Lời Thánh của Đức Chúa Trời. Không ai có thể phủ nhận điều này.

Do Thái giáo là tôn giáo thật duy nhất. Hồi giáo là sự giả mạo của Do Thái giáo, và kinh Kô-ran, tức Kinh Thánh của Hồi giáo là sự giả mạo về Cựu Ước và một phần của Tân Ước. Mô-ha-mét không sáng tác gì mới cả. Ông ta chỉ chép lại Cựu Ước và những phần thuộc Tân Ước. Do đó, Hồi giáo là một tôn giáo giả mạo. Ngoài Do Thái giáo và Hồi giáo, không có tôn giáo nào khác. Phật giáo không phải là một tôn giáo tiêu biểu, mà là một sự phi lý. Tôn giáo giúp người ta thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách dạy họ con đường đúng đắn. Tuy nhiên, trong Phật giáo không có Đức Chúa Trời. Trong Phật giáo, mọi người đều có thể trở nên một ông Phật. Trong Phật giáo, nếu tu luyện cho đến khi đạt được một mức độ hoàn hảo nào đó, anh em có thể thành Phật. Đó là điều tuyệt đối vô lý, không chứa đựng một sự dạy dỗ đúng đắn nào cả. Do đó, Phật giáo không được kể là một tôn giáo đúng đắn. Những sự dạy dỗ của Khổng Tử thì sao? Đó không phải là một tôn giáo, mà là những sự dạy dỗ có tính đạo đức. Những sự dạy dỗ của Khổng Tử chỉ cho người ta cách cư xử, nhưng không chỉ cho họ cách thờ phượng Đức Chúa Trời. Đừng bao giờ kể sự dạy dỗ của Khổng Tử là tôn giáo. Vì vậy, trên đất chỉ có một tôn giáo đúng đắn, chân thật và điển hình, là tôn giáo do người Do Thái hình thành theo Lời Thánh. Cơ Đốc giáo, kể cả Công giáo, ra từ Do Thái giáo. Do đó chỉ có một tôn giáo tiêu biểu trên đất.

Chỉ có một Kinh Thánh. Chúng tôi đã nêu lên rằng kinh Kô-ran là sự giả mạo Lời Thánh do Sa-tan thực hiện. Không ai có thể phát minh một điều gì giống như Kinh Thánh. Ai có thể viết một quyển Kinh Thánh khác? Pla-tô hay Khổng Tử có làm được điều đó không? Không ai có thể viết một quyển Kinh Thánh khác vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể viết một quyển sách kỳ diệu như vậy. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ viết một quyển Kinh Thánh nữa, nên sẽ không bao giờ có một quyển Kinh Thánh khác. Không ai có thể viết Kinh Thánh. Ai có thể viết một quyển sách như Kinh Thánh thì đủ điều kiện làm Đức Chúa Trời. Ai có thể bắt chước một quyển sách như vậy? Ai có thể bắt chước những điều sâu thẳm của sự khôn ngoan trong Kinh Thánh? Nếu anh em làm được thì anh em phải là Đức Chúa Trời. Anh em có tin rằng Phúc Âm Giăng chỉ được viết bởi một người đánh cá ở xứ Ga-li-lê không? Anh em có tin rằng chính Giăng có thể viết một quyển sách như vậy không? “Ban đầu đã có Lời... và Lời đã là Đức Chúa Trời”, “Ta là sự sáng của thế gian”, “Ta là bánh sự sống”, “Ta có thể cho ngươi nước sống” – Chỉ có Jesus mới nói được những điều như vậy. Chỉ có Jesus mới có thể viết một quyển sách như Phúc Âm Giăng.

Nhưng tuyển dân của Đức Chúa Trời, những người được Ngài lựa chọn, đã có quan niệm sai lầm. Họ không chú ý đầy đủ đến một tiêu điểm, ấy là chính Đức Chúa Trời trong Con và với tư cách là Linh muốn đến trong loài người để làm sự sống và mọi sự của họ. Dân của Đức Chúa Trời đã trật mục tiêu này, họ gom góp hết mọi điều lệ, luật pháp và mọi điểm tốt lành khác, rồi sắp đặt những điều ấy lại với nhau, tạo nên một tôn giáo để giết chính mình bằng tôn giáo ấy. Thật đáng thương! Do đó, vào thời điểm của Giăng chương 8, trên đất có hai điều: một tôn giáo và một thân vị sống động. Tất cả chúng ta cần phải thấy sự tương phản này.

Do Thái giáo thì chân chính và tuyệt diệu, tốt đẹp về mọi phương diện ngoại trừ một điều, ấy là nghịch lại Đấng Ta Là vĩ đại. Tôn giáo có thể tốt, nhưng không thể ban sự sống cho anh em. Tôn giáo không thể giúp anh em bởi vì anh em chết. Người chết không cần điều gì tốt, họ cần sự sống. Chỉ có sự sống mới có thể giúp người chết. Giả sử anh em nói với một người chết: “Tội nghiệp con người đáng thương, đây là vàng và kim cương! Anh đừng chết như thế. Hãy nhìn vàng đây – vàng giá trị biết bao! Hãy nhìn viên kim cương này – kim cương quí giá biết bao!” Nói với người chết như vậy là khờ dại. Người chết không nghe được gì cả. Trong chương 5, chúng ta thấy những vòm cổng ở gần ao, trên đó có những người mù, què và teo quắp. Nếu anh em giảng cho những người như vậy, họ sẽ nói: “Đừng mất thì giờ vô ích. Tôi không cần điều tốt. Tôi cần sự sống”.

Chúa Jesus là ai? Ngài chính là Giê-hô-va, tức Đấng Ta Là. Theo Sáng Thế Ký chương 1, danh của Đức Chúa Trời là Ê-lô-him. Danh này liên hệ đến sự sáng tạo của Ngài. Tuy nhiên, sau sự sáng tạo, trong Sáng Thế Ký chương 2, khi Đức Chúa Trời cố gắng hình thành mối liên hệ với con người, một danh khác của Ngài đã được đề cập, đó là Giê-hô-va, Ta Là Đấng Ta Là. Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời trong mối liên hệ với loài người. Vào thời điểm của chương tám, Giê-hô-va đứng ở đó trong hình dạng của một con người nhỏ bé mang tên Jesus, có nghĩa rằng Giê-hô-va là Đấng Cứu Rỗi. Một lần nữa, tôi xin nói rằng anh em phải học bài học đừng quan tâm đến bề ngoài. Nếu chỉ quan tâm đến bề ngoài, chắc chắn anh em sẽ trật mục tiêu. Những nhà tôn giáo thời đó đã trật mục tiêu vì họ khinh miệt Jesus nhỏ bé ấy. Ngài không có phong độ, bề ngoài không dễ thương, không đẹp đẽ hay lôi cuốn. Tuy nhiên, Ngài là Đấng Ta Là Vĩ Đại.

A. Trở Nên Con Loài Người
Đấng Ta Là vĩ đại này, tức là chính Đức Chúa Trời trong mối liên hệ với loài người, đã trở nên Con Loài Người. Điều này thật đầy ý nghĩa. Để Giê-hô-va trở nên Con Loài Người có nghĩa là Ngài phải khiêm nhường, phải hạ mình. Điều này vô cùng cần thiết vì mọi nan đề tiêu cực đều ở trong loài người. Tội ở trong loài người. Con rắn, Ma quỉ, cũng ở trong loài người. Loài người là điểm tập trung của mọi nan đề. Nếu Đức Chúa Trời định giải quyết mọi nan đề cơ bản của con người, chính Ngài phải trở nên một con người. Sa-tan biết tầm quan trọng của điều này. Sa-tan không sợ Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời. Hắn sợ Chúa Jesus là một con người. Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã trở nên một con người.

B. Bị Treo Trên Thập Tự Giá Vì Con Người Để Quăng Ma Quỉ Ra
Là một con người, Ngài bằng lòng bị treo lên (3:14) như con rắn bằng đồng trong đồng vắng (Dân. 21:4-9). Khi nói rằng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, chính yếu tôi có ý nói Ngài chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta và cất tội chúng ta đi. Nhưng Kinh Thánh muốn nói gì khi nói rằng Ngài bị treo lên? Kinh Thánh chính yếu nói đến việc Ngài xử lý con rắn, là Ma quỉ. Hầu hết mọi người khi đọc đến chữ “bị treo lên” thì không hiểu. Con Loài Người bị treo lên như con rắn bằng đồng không những để xử lý tội, mà còn để xử lý con rắn. Giăng 12:31-32 cho thấy khi Con Loài Người bị treo lên, kẻ cầm quyền thế giớinày, là Ma quỉ, đã bị phán xét và quăng ra. Đấng Christ không những bị đóng đinh, Ngài còn bị treo lên. Trong việc Ngài bị treo lên, con rắn bị phơi bày, bị phán xét và quăng ra. Con rắn, tức Ma quỉ, đã bị phán xét và quăng ra do sự việc Jesus được treo lên. Ai ở trên cây trụ ấy? Con rắn. Trong xác thịt của Jesus, Đức Chúa Trời đã đặt con rắn trên cây trụ và phơi bày cho toàn cõi hoàn vũ để cả vũ trụ có thể thấy rằng kẻ thù của Ngài, là con rắn, đã ở trên cây trụ. Do đó, Jesus bị treo lên để phán xét Ma quỉ và quăng hắn ra.

II. CÁC PHƯƠNG DIỆN LIÊN QUAN ĐẾN TỘI
A. Không Con Người Nào Không Có Tội
Các nhà tôn giáo hết sức tìm cách bắt lỗi Chúa Jesus. Sau chương năm và bảy, họ cố gắng đặt Ngài vào một hoàn cảnh khó xử. Họ bắt một người đàn bà tội lỗi và đem bà ta đến Chúa Jesus. Theo luật, một người đàn bà tội lỗi như vậy phải bị ném đá chết, nhưng các nhà tôn giáo không làm như vậy. Họ đem bà đến với Chúa để tìm cách gài bẫy Ngài. Họ nói: “Thưa Thầy, đàn bà nầy bị bắt tại trận về tội ngoại tình. Vả, trong luật pháp Môi-se đã truyền cho chúng ta hãy ném đá người dường ấy. Còn Thầy thì nói làm sao?” Những nhà tôn giáo thật bạo dạn. Họ hỏi Chúa một câu hỏi rất hóc búa. Nếu Ngài nói họ phải ném đá bà ta cho đến chết, thì Ngài sẽ mất địa vị của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc. Làm thế nào một Đấng Cứu Rỗi lại có thể nói một tội nhân như vậy phải bị ném đá cho chết? Dĩ nhiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi thì không thể nói như vậy. Nhưng mặt khác, nếu Ngài bảo họ không nên ném đá phụ nữ ấy cho đến chết, thì họ sẽ nói Ngài vi phạm luật pháp. Câu hỏi này là mánh khóe xảo quyệt của kẻ thù. Những nhà tôn giáo nghĩ họ rất khôn. Nhưng thật ra họ ngu dại. Họ nghĩ Chúa Jesus sẽ thấy khó trả lời và họ sẽ có một cơ hội tuyệt hảo để bắt Ngài.

Khi nghe họ hỏi câu đó, Ngài không nói một lời. Cách khôn ngoan nhất để trả lời một câu hỏi không phải là trả lời, mà là trả lời sau, hay trả lời chậm. Phản ứng đầu tiên của Chúa trước câu hỏi của họ là không vội trả lời. Chúng ta cũng phải học hỏi sự khôn ngoan này. Khi người ta đến gặp anh em với một câu hỏi khẩn cấp, anh em phải học nơi Chúa. Ngài chỉ cúi xuống viết trên đất. Sự im lặng làm người ta dịu xuống, giống như nước lạnh làm nguội nước sôi. Khi Chúa cúi xuống viết, Ngài làm dịu tình hình nóng bỏng. Đồng thời, do Ngài làm lắng dịu tình hình căng thẳng, người đàn bà được an ủi. Tôi tin rằng bằng cách cúi xuống viết trên đất, Chúa Jesus đã chỉ cho những con người tôn giáo ấy thấy họ không nên kiêu ngạo như vậy, mà phải hạ mình xuống một chút. Họ phải nhận biết rằng mình cũng tội lỗi như người đàn bà ấy.

Khi còn trẻ, tôi cố gắng khám phá xem Chúa Jesus viết gì trên đất. Suốt nhiều thế hệ, không ai có thể nói Ngài viết gì. Tôi đoán có thể Ngài đã viết: “Giữa vòng các ngươi, ai là người không có tội?” Đang khi người Pha-ri-si hỏi phải làm gì đối với một người đàn bà như vậy, có lẽ Chúa Jesus đã viết xuống một chữ lớn: “Ai không có tội?” Mọi người đều nhìn chăm chăm vào Chúa khi Ngài cúi xuống viết trên đất. Rồi Chúa đứng lên nói: “Ai trong các ngươi là vô tội, hãy ném đá nàng trước đi” (8:7). Dường như Chúa muốn nói: “Các ngươi có thể ném đá bà ta đến chết, nhưng phải có một người bắt đầu. Không ai xứng đáng ném viên đá đầu tiên ngoại trừ người không có tội. Ai trong các ngươi không có tội hãy ném đá bà ta trước đi”. Lời này đâm thấu lương tâm họ. Tôi tin rằng trước khi Ngài nói những lời này, khi Ngài còn đang viết trên đất, thì lương tâm họ đã bị đụng chạm. Những con người tôn giáo này làm gì? Họ ra đi từng người một, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất cho đến những người nhỏ tuổi nhất. Người lớn tuổi nhất, là người khôn ngoan nhất, đi trước. Họ biết mình không đủ điều kiện dẫn đầu trong việc ném đá cho đến chết người đàn bà ấy. Nhưng họ đủ điều kiện đi đầu trong việc bỏ chạy. Tất cả những người trẻ tuổi hơn đều theo sau họ.

Ai là người không có tội? Không ai cả. Đừng lên án người khác, vì đang khi anh em lên án họ, anh em cũng giống như họ. Anh em không đủ điều kiện lên án người khác. Anh em là “cá mè một lứa”. Nếu kết án một con cá khác, đơn giản anh em kết án chính mình. Chỉ có Đấng Ta Là Vĩ Đại là vô tội, và chỉ một mình Ngài đủ điều kiện kết tội. Chúa Jesus khôn ngoan biết bao! Sau khi những con người tôn giáo đi khỏi, hãy xem Chúa bày tỏ chính Ngài cho người đàn bà tội lỗi cách yêu thương và nhẹ nhàng biết bao. Ngài hỏi bà xem có ai lên án bà không, bà đáp: “Thưa Chúa, không ai hết”. Rồi Jesus nói: “Ta cũng không định tội ngươi” (8:11). Đó là tiếng nhạc cho tâm hồn sợ hãi của người đàn bà”.

Biến cố này bày tỏ sự khôn ngoan của Chúa. Người ta đến để lên án người đàn bà tội lỗi, nhưng câu hỏi của Chúa cáo trách họ về tình trạng tội lỗi của chính mình. Khi người ta đến gặp anh em với những thắc mắc, anh em nên cẩn thận xoay câu hỏi về phía họ. Anh em nên trả lời bằng cách hỏi họ về chính họ. Rồi anh em đánh vào lương tâm họ và thuyết phục họ. Cuối cùng họ sẽ bị cáo trách và bỏ chạy.

B. Nguồn Gốc Của Tội – Ma Quỉ
Ma quỉ là nguồn gốc của tội (8:44). Tội là bản chất của Ma quỉ, và tội, tức bản chất của Ma quỉ, là sự giả dối. Tội là dối, một tình trạng không thật. Mọi điều tội lỗi đều không thật. Hậu quả của sự giả dối này là sự chết và sự tối tăm. Sự chết và sự tối tăm, tức những điều giả dối, đều chống nghịch với thực tại. Vì ma quỉ là cha của những kẻ nói dối, hắn là nguồn của tội. Yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời, hành động như sự sống và sự sáng trong con người, giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ cho tội. Nhưng yếu tố gian ác của ma quỉ, hành động như tội bởi sự chết và sự tối tăm trong con người, khiến con người nô lệ cho tội. Bản chất của hắn là giả dối và đem đến sự chết cùng sự tối tăm. Với sự tối tăm là sự giả dối, trái nghịch với lẽ thật, tức thực tại.

Ma quỉ là ông cha gian ác đã sinh ra nhiều đứa con tội lỗi (1 Gi. 3:10). Con cái tội lỗi là tất cả những người theo Ma quỉ. Do đó, trong 1 Giăng 3:10, chúng ta có từ ngữ “con cái của Ma quỉ”. Vì Ma quỉ là cha của các tội nhân nên các tội nhân là “con cái của Ma quỉ”. Ma quỉ là con rắn xưa (Khải. 12:9; 20:2), và các tội nhân cũng là “những con rắn, dòng dõi rắn lục” (Mat. 23:33; 3:7). Vì vậy, họ cần Chúa bị treo lên trong hình dạng con rắn trên thập tự giá cho họ (Gi. 3:14).

C. Nô Lệ Của Tội
Ai phạm tội là nô lệ của tội (8:34). Một người nô lệ luôn luôn ở dưới một ách nào đó. Sa-tan, là Ma quỉ, đã đem toàn thể nhân loại vào ách tội bằng cách truyền chính hắn như bản chất tội lỗi vào trong con người, buộc họ phạm tội. Không ai có thể tự giải thoát chính mình khỏi tình trạng nô lệ này.

D. Hậu Quả Của Tội – Sự Chết
Hậu quả của tội là sự chết (8:24, 51-52). Trong câu 24 Chúa nói: “Nếu các ngươi chẳng tin Ta là Đấng hằng hữu, thì các ngươi chắc chết trong tội lỗi mình”. Sự chết đến qua tội. “Sự chết đã lan khắp mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội” (La. 5:12). Hễ người nào phạm tội thì người ấy bị định phải chết. Do đó, hậu quả của tội là sự chết.

E. Những Điều Chính Yếu Của Tội
Ba điều chính yếu của tội là ngoại tình hay gian dâm, giết người và nói dối (8:3, 41, 44). Đó là những phương diện tội lỗi nhất của tội. Xin hãy suy xét xem anh em có thể tìm được phương diện nào của tội mà tội lỗi hơn là sự ngoại tình, sát nhân và dối trá không? Không có điều gì tội lỗi hơn ba phương diện này, là những điều tượng trưng cho toàn bộ mối liên hệ của tội. Tất cả những điều tội lỗi đều bao hàm trong ba loại này. Ngoại tình hay gian dâm có nghĩa là rối loạn. Bất cứ điều gì làm cho nhân loại rối loạn đều là một loại ngoại tình hay gian dâm. Sát nhân là giết người, và dối trá là lừa gạt. Tất cả những gì tội lỗi đều hoặc gây rối, giết chết hay lừa gạt con người.

III. LÀM THẾ NÀO GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ TỘI?
A. Chỉ Một Người Không Có Tội
Chương này bày tỏ thêm một điều về phương diện tích cực, vì chúng ta được biết thế nào mình có thể được cứu khỏi tội. Trước hết chương này bày tỏ về một Đấng duy nhất không có tội. Trong cả vũ trụ ai là Đấng vô tội? Chỉ có chính Chúa Jesus mà thôi. Ngài không có tội (8:7, 9).

B. Chỉ Có Jesus Đủ Điều Kiện Lên Án Tội Nhưng Ngài Không Lên Án
Ai đủ điều kiện lên án anh em? Ai có thể đứng ở vị trí này? Chỉ có Đấng vô tội mà thôi. Đấng duy nhất đủ điều kiện và có thể đứng ở vị trí lên án anh em là chính Chúa Jesus, vì Ngài không có một vết tích nào của tội. Mặc dầu Ngài đủ điều kiện lên án anh em, nhưng Ngài không làm điều đó.

C. Bị Treo Lên Vì Tội Của Tội Nhân
Chúa Jesus bị treo lên vì tội của tội nhân (8:28). Tội là hiện thân của con rắn và tội của tội nhân là chất độc của con rắn. Để cứu chuộc, Chúa Jesus phải làm Chiên Con của Đức Chúa Trời, nhưng để xử lý bản chất con rắn, Ngài phải bị treo lên trong hình dạng một con rắn. Để xử lý bản chất tội lỗi, rắn độc của nhân loại, Ngài phải bị treo lên thập tự giá dưới hình dạng một con rắn.

D. Đủ Điều Kiện Để Tha Thứ Tội Của Con Người Và Có Thể Giải Thoát Con Người Khỏi Ách Nô Lệ Của Tội
Chúa đủ điều kiện tha thứ tội của con người và có thể giải thoát họ khỏi ách nô lệ của tội (8:32, 34). Chúa không những ban sự sống cho chúng ta, Ngài cũng vào bên trong chúng ta làm sự sống của chúng ta. Sự quỉ quyệt của Sa-tan không những chỉ khiến chúng ta làm một điều gì đó sai trật, mà hắn còn tiêm chính hắn vào trong chúng ta. Do đó, tội không còn chỉ là khách quan, là một việc làm sai phạm ở bề ngoài. Tội ở trong chính bản chất của chính chúng ta. Tội không còn ở bên ngoài chúng ta, mà là ở bên trong chúng ta. Tội đã trở nên chính bản ngã của chúng ta. Tội là bản chất của chúng ta. Vì vậy, bất cứ điều gì ở bên ngoài bản chất chúng ta đều không thể giúp chúng ta giải quyết tội là điều ở trong bản chất của mình. Chúng ta cần một sự sống khác vào bên trong mình. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một thân vị có thể vào bên trong chúng ta, làm sự sống của chúng ta để đối phó với bản chất rắn độc trong chúng ta. Khổng Tử hay Pla-tô không thể làm điều đó. Đấng duy nhất có thể làm điều đó là Giê-hô-va, Đấng Ta Là vĩ đại. Chỉ chính Ngài mới có thể vào trong chúng ta như sự sống để chống lại bản chất rắn độc trong chúng ta. Tình trạng nô lệ của chúng ta không phải là một sự việc bề ngoài, mà là ở bên trong, thậm chí ở trong bản chất của chúng ta. Chúng ta cần một sự sống khác, một sự sống mạnh mẽ hơn, phong phú hơn, cao cả hơn, để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ này. Chỉ có Chúa mới có thể làm một sự sống như vậy, và Ngài thật là sự sống ấy vì Ngài là sự sống thần thượng. Sự sống thần thượng cao hơn sự sống loài người. Sự sống thần thượng cũng cao hơn sự sống Sa-tan. Khi vào trong chúng ta, sự sống thần thượng này đánh bại sự sống và bản chất của rắn độc.

E. Có Thể Cứu Con Người Khỏi Hậu Quả Của Tội – Sự Chết
Chúa có thể cứu con người khỏi hậu quả của tội, là sự chết (8:24, 51-52). Một khi tội đã bị xử lý, tự phát hậu quả của tội bị cất đi. Tôn giáo của luật pháp không thể làm điều này, vì tôn giáo ấy thuộc về cây kiến thức, dẫn đến sự chết (Sáng. 2:17). Jesus là cây sự sống dẫn đến sự sống (Sáng. 2:9). Theo nguyên tắc, cứu người khỏi hậu quả của tội là đổi sự chết thành ra sự sống.

--