Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

LỄ VƯỢT QUA TRONG CHỨC VỤ CỦA CHÚA GIÊ-SU-

Ý nghĩa lễ Vượt Qua là gì? Tôi tin tất cả chúng ta sẽ nói: Lễ vượt qua là nhờ lấy huyết chiên con đổ ra, bôi lên thanh ngang và hai cột cửa mà thiên sứ của Chúa sẽ vượt qua ngôi nhà đó, không xông vào giết chết con đầu lòng trong nhà ấy.

Đó là ý nghĩa của mặt trái, nhưng mặt phải của lễ Vượt qua là gì?  Tôi tin đó là sự giải phóng dân Israel ra khỏi cảnh trạng sống làm nhà nô lệ, để tự do bước theo chân Đức Giê-hô-va trên con đường thánh khiết  của Ngài.

 Có 34 Lễ Vượt qua trong đời sống làm người của Chúa Giê-su và chỉ có 4 lễ Vượt qua trong chức vụ 3, 5 năm của Ngài.  Sự chết của Chúa xảy ra trong lễ Vượt qua thứ tư trong chức vụ Ngài. Khi hiện ra trong vinh quang với Chúa Giê-su trên núi hóa hình, hai ông Môi se và Ê-li đã đàm đạo với Chúa về “sự qua đời của Ngài mà Ngài sắp làm trọn tại Giê-ru-sa-lem” (Lu- ca 9:31).

Theo nguyên ngữ Hi lạp, danh từ “sự qua đời” là exodos, tiếng Anh là Exodus. Exodus là tên sách thứ nhì trong Kinh thánh- Xuất Hành. Chữ nầy có nghĩa an exit, sự thoát ra ngoài, ngụ ý sự qua đời, là thoát ra khỏi cuộc sống nầy để bước vào cuộc sống khác.

 Do đó đối với dân Israel, lễ Vượt qua là thoát ra khỏi kíp lưu dày trong nhà nô lệ tại Ai-cập để bước vào cuộc sống  hầu việc Chúa. Đối với Chúa Giê-su, qua lễ Vượt qua, Ngài thoát ra khỏi cuộc đời Con Người và bước vào cuốc sống của Con Người phục sinh, là Con Đức Chúa Trời. Trong Rô-ma 1: 4 Phao lô nói về nhân tánh của Chúa Giê-su thì “theo thần-linh của sự thánh-khiết, thì nhơn sự từ kẻ chết sống lại đã được chứng minh cách có quyền là Con Đức Chúa Trời, tức là Jêsus Christ,Chúa chúng ta”. Trong tâm linh của Chúa Giê-su có cả Đức Chúa Trời Tam nhất cư ngụ từ ngày Ma-ri bắt đầu có thai. Cho nên sau khi phục sinh, nhân tánh Ngài được gọi là Con Đức Chúa Trời, và thơ Hê bơ-rơ 1:8  còn đi xa hơn  nữa khi nói Chúa phục sinh đó là; “Hỡi Đức Chúa Trời, ngai Chúa còn mãi từ đời đời đến đời đời, Quyền trượng của nước Chúa là quyền trượng ngay  thẳng”.

Là Con hằng hữu không có nhân tánh, Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, đồng đẵng với Đức Chúa Trời,  còn sau khi phục sinh, nhân tánh của Ngài cũng được thần hóa, trở thành Đức Chúa Trời có nhân tánh bên trong.

 Cho nên trong bài nầy tôi muốn trình bày sau khi chính mình thoát ra ngoài, thì đồng thời Ngài cũng đưa dẫn dân Ngài đi theo.

1.    Lễ Vượt Qua Thứ Nhất: 2:13-

Qua lễ Vượt qua thứ nhất Chúa Giê-su khải thị về Ngôi nhà Cha lớn hơn. Ngài mở đầu cho chuyển động xây dựng nhà Cha lớn hơn. Trước khi phục sinh Ngài hứa, “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.  Khi ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, thì ta sẽ trở lại, tiếp các ngươi về với ta, hầu cho ta ở đâu, thì các ngươi cũng ở đó.  Nơi ta đi các ngươi đã biết, cũng biết đường nữa.” Thô-ma nói rằng: “Thưa Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu,làm sao biết đường được?”  Jêsus phán rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi  ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:1-6).

 Đa số con dân Chúa mê tín và tin rằng Chúa Giê-su về thiên đàng và cất nhà cửa bằng vàng bằng ngọc hầu sau nầy cấp phát cho chúng ta. Thực ra Chúa Giê-su vào trong Đức Chúa Trời và thân thể Ngài sau khi sống lại được mở rộng là một Thân thể vĩ đại, có thể chứa nổi hàng triệu chi thể là các tín đồ.

 Giăng 14:23 nói mỗi tín nhân là một chỗ ở (Mone—mansion) của Đức Chúa Trời, và trong Nhà của Cha, tứ là trong Thân thể lớn lớn mà Chúa sẽ xây dựng lại sau 3 ngày, cũng có rất nhiều “chỗ ở”  (mone—mansions).

 Mỗi tín nhân là một mone, và có nhiều mone như vậy trong nhà Cha, hay trong đền thánh, trong thân thể mà Chúa Giê- su lập lại sau khi Ngài chết ba ngày (Giăng 2:19). Cho nên chúng ta đừng coi nhà mà Chúa xây dựng khi Ngài ra đi là nhà cửa bằng vàng ngọc trên trời.  Vì sau ba ngày, Chúa Giê-su đã trở lại đem những tín nhân như Phi-e-rơ, Giăng và cho mỗi người cư trú một chỗ ở trong Đức Chúa Trời. Đó là Nhà của Cha, có nhiều chỗ ở vậy.

2.Lễ Phu-rim  5:1-

Năm sau trong chức vụ của Chúa, thay vì chép về Lễ Vượt Qua, sứ đồ Giăng chép về lễ Phu rim, “Sau việc đó, đến một kỳ lễ của dân Do-thái, Jêsus lên Giê-ru-sa-lem” (Giăng 5:1).

 Nhiều nhà giải kinh dựa vào câu Giăng 5:24, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin  Đấng đã sai ta, thì có sự sống đời đời, không đến sự định tội, song đã vượt khỏi  sự chết mà vào sự sống rồi”.  Vì trong sách Ê-xơ-tê, chúng ta biết dân Isarel thời đó đã vượt khỏi sự chết diệt chủng mà vào sự sống, đã thoát khỏi sự định tội do mưu kế ác độc của Ha-man và vào sự sống bình an.

 Lễ Phu-rim là tháng A-đa  (12) đến trước vào cuối năm, và lễ Vượt qua mà Giăng chương 5 không có chép, xảy ra vào dầu năm mới, nhằm tháng Nisan.

Trong lễ Phu-rim và lễ Vượt qua nầy, Chúa đem dân Ngài thoát khỏi sự định tội  mà vào sự sống đời đời, ra khỏi sự chết mà vào sự sống.

Nhưng dân Chúa đã được vào thiên đàng chưa? Nhiều người  còn lẫn lộn khi nói rằng ngày nay sau khi qua đời, tín nhân được vào thiên đàng. Điều đó sai lầm, vì chúng ta chưa có thân thể phục sinh, và thịt và huyết thiên nhiên nầy không thể hưởng nước Chúa trên thiên đàng.

Cho nên ngày nay, sau khi tin Chúa, tín nhân chỉ được đem vào lãnh vực thần thượng và thuộc linh, đem vào sự sống đời đời về mặt tình trạng, không phải thiên đàng về mặt vị trí hay địa điểm.

2.Lễ Vượt Qua thứ ba. 6: 2

 Trong thời gian của lễ Vượt qua lần thứ ba trong chức vụ của mình, Chúa Giê-su đã giảng một bài về Bánh Sự sống là chính Ngài.

Bối cảnh lịch sử của bài giảng nầy là dân Israel hồi xưa vào thời Môi-se đã đi lang thang trong đồng vắng, trong tình trạng thất bại chán chường, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thành tín nuôi họ bằng ma-na rơi xuống từ trời suốt 40 năm.

Chúa ngụ ý dân Ngài vào thời của Ngài và thời của chúng ta hôm nay, họ cũng đều đang lưu lạc trong sa mạc thuộc hồn, trong đồng vắng tâm lý. Họ cần ăn một loại Ma Na mới, là Bánh hằng sống, là Đấng Christ mà Cha đã gởi đến.

Chúa Giê-su muốn đem dân Chúa thoát ra khỏi đồng vắng để vào sự vui hưởng Bánh hằng sống là thân vị Đấng Christ đến đời đời. Những tín nhân xưa nay vấp phạm và không hiểu nổi câu: “nếu các ngươi không ăn thịt của Con người và uống huyết của Người, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu” (Giăng 6:53).

Hãy ăn thịt và uống huyết Chúa Giê-su qua lời Kinh thánh, anh chị em sẽ được thoát ta khỏi sa mạc thuộc linh của hội thánh hôm nay và bước vào lãnh vực vui hưởng Đấng Christ hằng sống hiện thực.

4. Lễ Vượt Qua thứ tư:

 Sáng thế kí 2:7 chép, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một hồn sống”.. “Sinh khí” là hơi sự sống.

A-đam, người đầu tiên là một hồn sống, sanh sản ra một nhân loại có hồn sống suốt 4000 năm lịch sử Cựu ước.

 Sau khi phục sinh, Chúa Giê-su đến cùng các môn đồ, Giăng 20: 22 chép, “Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên họ mà rằng: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh”. “Thánh Linh” theo nguyên văn là “Hơi Thở Thánh”.

Nhờ tiếp lấy Hơi thở thánh, là Thánh Linh, tât cả thánh dân hôm nay là dân của tâm linh, dân thuộc linh, còn dòng A-đam cũ là dân thuộc hồn.

 Chúa Giê-su đã được sinh ra dưới luật pháp (Ga-la-ti 4:4), sinh ra trong Cựu ước, sanh ra trong sáng tạo cũ.

Trong lẽ Vượt qua thứ tư trong chức vụ Ngài, cũng là lễ Vượt qua cuối cùng, Chúa đã chết trong kỳ lễ ấy và trong ngày thứ ba ngày sống lại. Khi sống lại, Chúa Giê su dẫn  những tín nhân Tân ước ra khỏi Cựu ước, khỏi luật pháp Cựu ước và khỏi sáng tạo cũ để bước vào sáng tạo mới, và Tân ước cách trọn vẹn.

 Anh chị em đã thoát ra khỏi Cứu ước và ra khỏi sáng tạo cũ chưa?. Những ai còn tối tăm, lo phục hồi luật pháp lễ nghi Cựu ước, như tuân thủ ngày sa bát, là bằng chứng họ chưa được Vượt qua gì cả.  1 Cô- rinh-tô 14:20-22 cũng bày tỏ rằng nói tiếng lạ là một chi tiết của luật pháp Cựu ước, tức là thuộc về sáng tạo cũ. Những người luyện tập nói tiếng lạ, tìm cách  nhóm họp ngày sa bát, phuc hồi chế độ ăn thú vật tinh sạch---tất cả họ đều còn ở trong nhà nô lệ tại Ai-cập. Thật đáng thương thay!

 Minh Khải June 3, 2021