Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

HAI NGƯỜI ANH CẢ ĐÁO ĐỂ-


1  Ê-li-áp

Tiên tri Sa-mu-ên miêu tả “Khi chúng đến, Sa-mu-ên thấy Ê-li-áp, bèn thầm rằng: Quả hẳn,  kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài.  Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa mu-ên 16).

Ê-li-áp tìm cách dìm David từ rất sớm, bắt em út chăn chiên cho mình và cho gia đình. Tại sao không nhờ gia nhân chăn chiên mà bắt thằng em  thơ dại xông pha chiến đấu với  gấu và sư tử? Vì David đã nói khi chăn chiên ông đã giết một con sư tử và một con gấu. Tại sao Ê-li-áp lướt quyền của cha già, Gie-sê?

Ngày tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho Đa-vít, Ê-li-áp càng chất chứa thêm tư tưởng đố kị em mình. Quả thật Ê-li-áp bất chấp kẻ chịu xức dầu sẽ làm tân vương ngày sau, là em út của mình, anh cứ thù ghét em mình.

 Tại chiến trường, em mình nghe lời cha già đến thăm ba anh của mình, coi có bình an giữa lằn tên mũi đạn hay không. David đem thứ ăn cho các anh mình, thế mà Ê-li-áp đành hồ đồ mở miệng tuôn tràn những lời cay đắng hằn học: “Nhưng Ê-li-áp, anh cả người, nghe Đa-vít nói như vậy, nổi giận người, mà nói rằng: Cớ sao mầy đến đây? Mầy bỏ ít con chiên của chúng ta trong đồng vắng cho ai? Tao biết tánh kiêu ngạo và sự tinh nghịch của lòng mầy. Ấy đặng xem tranh chiến nên mầy mới đến”.

 Ô một người anh cả!. Trong đời sống theo Chúa của mình, từ ngày đầu anh em tin Chúa, gia nhập hội thánh, anh chị em có gặp những người anh cả đáo để như vậy, hằn học, cản đường tiến lên của anh chị em không? Có ai bắt bớ, xỉa xói anh chị em không? Những con người chỉ nhìn anh em với con mắt như ngọn đèn đỏ, không hề bật đèn xanh nhìn anh chị em bao giờ.

 Cám ơn Chúa, David đã vựợt qua, và cuối cùng Ê-li-ap và con cái của ông cũng sống nhờ vào vương quyền mà Chúa ban cho David.

2.    Anh cả của người con trai hoang đàng:

Lu ca diễn tả về chàng: “Khi ấy con trai cả ở ngoài đồng, trở về gần đến nhà, thì nghe tiếng đàn ca nhảy múa,  bèn gọi một tôi tớ mà hỏi ấy là việc gì.  Nó thưa rằng:'Em cậu về, nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì  được em về bình yên mạnh khoẻ.' Song con cả tức giận, không chịu vào. Cha ra khuyên nó.  Nhưng nó đáp cùng cha rằng: 'Nầy, con hầu việc cha đã bấy nhiêu  năm, chưa từng trái mạng cha, mà cha chẳng hề cho con một con dê con để ăn mừng  với bạn hữu con.  Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn nuốt gia sản cha với  phường kỵ nữ rồi trở về, thì cha lại vì nó làm thịt bò con mập!' Người cha nói rằng: 'Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của  cha là của con.  Nhưng lấy làm phải lắm mà ăn mừng và vui vẻ,vì em con đây đã  chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được'” (Lu-ca 15).

Anh nầy tượng trưng cho dân Cựu ước đang sống trong thời Tân ước, đang lao nhọc dưới gánh nặng của bộ luật Cựu ước. Lạo động cực khổ mà thiếu ăn thuộc linh, không dám ăn, thiếu vui hưởng kho tàng nhà Cha hằng ngày.

 Cuối chương 20 và đầu chương 21 trong sách Ma-thi-ơ, Chúa  kể hai ẩn dụ về những kẻ làm vườn nho và những kẻ dự tiệc cưới. Hai ẩn dụ nầy nói lên hai hạng loại con dân Chúa hôm nay. Người làm vườn, lao động cực nhọc ám chỉ dân Tân ước mà còn vất vả nỗ lực tuân thủ luật pháp Cựu ước, y như người anh cả nầy tự thú:  'Nầy, con hầu việc cha đã bấy nhiêu  năm, chưa từng trái mạng cha”. Anh chị em có thấy những người đang vật vả  theo đuổi cách phục hồi ngày sa bát hôm nay không? Đáng thương lắm thay! Họ không vui hưởng gì trong  kho tàng nhà Cha.

 Những người ngồi dự tiệc cưới tượng trưng dân Tân ước biết sự giàu có Chúa ban cho mình và quyền mình được tận hưởng trong sự giàu có ấy; “cha lại vì nó làm thịt bò con  mập”.

Lòng anh hẹp hòi nên anh nghĩ Cha anh cũng hẹp dạ như anh. Anh không biết  quyền tận hưởng kho tàng Cha dành cho mình. Anh sống đói rách kham khổ, gò bó dưới gánh nặng làm vườn Cựu ước, nên anh cũng muốn mọi người tín đồ tin Chúa sau mình cũng nghèo đói thuộc linh như anh vậy, phải lam lũ thuộc linh như anh mới được..

 Hodos—May 27, 2021