Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 16


NHU CẦU CỦA NGƯỜI ĐÓI – SỰ SỐNG NUÔI DƯỠNG (2)

II. THẾ GIỚI RỐI LOẠN VÀ ĐẤNG CHRIST
BAN SỰ BÌNH AN
Chúng ta sống trong một thế giới rối loạn. Thế giới này chỉ toàn là rắc rối. Đời sống gia đình, đời sống học đường và mọi loại nghề nghiệp, tất cả đều rắc rối. Ai được bình an? Tổng thống, các thượng nghị sĩ, các thành viên quốc hội? Ai được bình an? Không ai bình an cả. Dầu anh em là ai đi nữa, anh em cũng bị bối rối. Tất cả chúng ta đều có những điều rắc rối. Đừng khoe khoang rằng cuộc hôn nhân của anh em là tốt đẹp nhất. Tôi không tin có một cuộc hôn nhân nào hoàn toàn tốt; cuộc hôn nhân nào cũng có ít nhiều thiếu hụt. Bởi sự định trước có tính cách tể trị của Chúa, tất cả chúng ta phải lập gia đình – không cách nào thoát – nhưng người nào lập gia đình cũng thấy mình mắc phải những điều rắc rối.

Đấng Christ đến trong thế giới rối loạn này với tư cách là Đấng Christ ban bình an (6:16-21). Giăng chương 6 không những mô tả một thế giới đói khát mà còn mô tả một thế giới rối loạn nữa. Đấng Christ là Đấng Christ nuôi dưỡng đối với một thế giới đói khát và là Đấng Christ ban bình an cho một thế giới rối loạn. Thế giới có thể quấy rối mọi người, nhưng không thể quấy rối Ngài.


A. Biển Động Và Gió Thổi Tượng Trưng Cho Những Rắc Rối Trong Đời Người
Biển động và gió thổi mạnh tượng trưng cho những rắc rối trong đời người. Dưới biển là các quỉ, và trên không là các ác linh. Đó là tại sao chúng ta gặp rắc rối. Làm sao chúng ta mong có một ngày bình an? Chúng ta không thể trông mong như vậy trong thế giới mình đang sống.

B. Jesus Đi Bộ Trên Biển Tượng Trưng Cho Quyền Cai Trị Của Ngài Trên Mọi Rắc Rối Của Đời Người
Jesus đã đi bộ trên biển (6:19). Điều này có nghĩa là Chúa có thể cai trị trên mọi rắc rối của đời người. Ngài có thể đi trên những ngọn sóng gây rối của cuộc đời, và mọi sự bất ổn đều ở dưới chân Ngài. Đấng Christ bước đi trên đầu sóng. Dường như càng có nhiều sóng thì Ngài càng thích thú bước đi trên chúng. Sóng làm cho các môn đồ Ngài sợ hãi, nhưng Ngài bước trên những ngọn sóng ấy. Dường như Ngài nói: “Hỡi các quỉ, hãy cứ gây những đợt sóng lớn nữa đi thì Ta sẽ càng vui thích. Ta có thể bước đi trên đầu những ngọn sóng của ngươi”. Đó là Đấng Christ ban sự bình an.

Khi các môn đồ đón Ngài vào thuyền, ngay lập tức thuyền vào bờ là nơi họ muốn đến (6:21). Anh em muốn có một đời sống bình an không? Nếu muốn, anh em phải đón Jesus vào “thuyền” của mình. “Thuyền” của anh em có thể là cuộc sống hôn nhân, gia đình, hay nghề nghiệp. Khi Ngài vào “thuyền” của anh em, anh em sẽ vui hưởng sự bình an với Ngài trong cuộc hành trình đời người. Nếu anh em tiếp nhận Đấng Christ vào cuộc hôn nhân của mình, cuộc hôn nhân của anh em sẽ bình an. Nếu anh em tiếp nhận Ngài vào gia đình mình, gia đình anh em sẽ được bình an. Nếu anh em nhận Ngài vào nghề nghiệp mình, nghề nghiệp anh em sẽ được bình an. Không có Đấng Christ, thế giới đói khát. Không có Đấng Christ, thế giới cũng rối loạn. Nhưng có Ngài, chúng ta có sự thỏa mãn và bình an. Ngài là Đấng Christ nuôi dưỡng và Đấng Christ ban bình an. Ngợi khen Chúa!

III. BÁNH SỰ SỐNG
A. Những Người Tìm Thức Ăn Hư Nát
Trong các câu 22 đến 31 chúng ta thấy những người tìm thức ăn hư nát. Họ tìm kiếm sự thỏa mãn. Dầu người ta đang tìm loại thức ăn nào chăng nữa, họ đều đang tìm sự thỏa mãn. Họ đang tìm cách làm một điều gì đó và làm việc cho Đức Chúa Trời. Họ cũng tìm dấu lạ và phép lạ. Quan niệm của loài người sa ngã đối với Đức Chúa Trời luôn luôn là mình phải làm một điều gì đó cho Ngài và làm việc cho Ngài. Đó là nguyên tắc của cây kiến thức về thiện và ác trong Sáng Thế Ký chương 2. Quan niệm của Chúa về [thái độ của] loài người đối với Đức Chúa Trời là con người tin vào Ngài, tức là tiếp nhận Ngài như sự sống và nguồn cung ứng sự sống. Đó là nguyên tắc của cây sự sống trong Sáng Thế Ký chương 2. Câu giải đáp cho người tìm kiếm thức ăn hay hư nát là tiếp nhận Chúa bằng cách tin vào Ngài (6:29).

B. Thức Ăn Còn Lại Đến Sự Sống Đời Đời
Trong các câu từ 32 đến 71 chúng ta thấy thức ăn còn lại đến sự sống đời đời. Nếu đọc phần này cách cẩn thận, chúng ta tìm thấy Chúa đã nhục hóa, bị đóng đinh, sống lại để cư ngụ trong chúng ta, rồi thăng thiên, và chúng ta thấy Ngài đã trở nên Linh ban-sự-sống, sau cùng là Đấng được hiện thân trong Lời sống động của Ngài. Bây giờ chúng ta hãy xem xét mỗi một phương diện này.

1. Đến Với Con Người Bằng Cách Nhục Hóa Để Ban Sự Sống Cho Con Người
Các câu 35 đến 51 bày tỏ rằng Chúa đã đến với con người bằng cách nhục hóa để Ngài có thể ban sự sống cho họ. Nhờ cách nào chúng ta có thể nhận Chúa như thức ăn, như bánh sự sống? Chương này bày tỏ phương cách ấy theo nghĩa bóng, nhưng suốt nhiều thế hệ, người ta đã bỏ qua điều này. Trước hết, Chúa nói rằng Ngài “từ trên trời mà xuống” (6:33, 38, 41, 42, 50, 51, 58). Nhưng Ngài từ trên trời xuống bằng cách nào? Ngài xuống bằng cách nhục hóa. Ngài trở nên một con người bằng cách dự phần vào thịt và huyết (Hê. 2:14). Ngài đến trong xác thịt và Ngài đến như một con người. Ma quỉ và các ác linh ghét điều ấy. Do đó, cách duy nhất để thử nghiệm xem một người có ác linh hay không là hỏi quỉ hay ác linh ấy xem nó có xưng nhận rằng Jesus Christ đã đến trong xác thịt hay không (1 Gi. 4:2). Sự nhục hóa là bước đầu tiên mà Chúa đã trải qua để trở nên sự sống của chúng ta.

Câu 35 chép: “Jesus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta hẳn chẳng hề đói, ai tin Ta hẳn chẳng hề khát”. Bánh sự sống là nguồn cung ứng sự sống dưới hình thức thực phẩm, giống như cây sự sống (Sáng. 2:9), cũng là nguồn cung ứng sự sống, “có thể ăn được”. Ai đến với Chúa sẽ không bao giờ đói, và ai tin Ngài sẽ không bao giờ khát. Theo nguyên tắc đã được nêu lên trong chương hai, điều này cũng là thay đổi từ chết qua sống. Sự chết bắt nguồn từ cây kiến thức, và sự sống bắt nguồn từ cây sự sống.

Câu 46 chép: “Ấy chẳng phải rằng có ai đã thấy Cha đâu, trừ ra Đấng từ Đức Chúa Trời đến, Đấng ấy đã thấy Cha”. Giới từ Hi Lạp được dịch là “từ”, có nghĩa là “bên cạnh của”. Ý nghĩa ở đây là “từ với”. Chúa không những “từ” Đức Chúa Trời, mà cũng “với” Đức Chúa Trời nữa. Đang khi Ngài từ Đức Chúa Trời, Ngài vẫn ở với Đức Chúa Trời (8:16, 29; 16:32).

Trong câu 47 Chúa nói: “Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi, ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời” .Tin vào Chúa không giống như tin Ngài (c. 30). Tin Ngài nghĩa là tin rằng Ngài đúng và thật, nhưng tin vào Ngài, nghĩa là tiếp nhận Ngài và liên kết với Ngài như một. Sự sống đời đời được đề cập trong câu này là sự sống thần thượng, sự sống bất thọ tạo của Đức Chúa Trời, không những có tính cách vĩnh viễn về thời gian, mà còn có tính cách đời đời và thần thượng trong bản chất.

2. Bị Giết Để Loài Người Ăn Ngài
Sự chết của Chúa là bước thứ hai Ngài đã thực hiện để làm cho chính Ngài trở nên sẵn sàng để chúng ta nhận lấy như thức ăn. Ngài chết cho chúng ta, không theo cách bình thường, nhưng theo cách rất khác thường. Ngài bị giết bằng cách bị đóng đinh trên thập tự giá. Sự chết ấy phân rẽ huyết khỏi thịt Ngài. Nếu là một người Do Thái sống trong thời đó, anh em đã rất quen thuộc với điều này. Tôi từng đọc một bài báo mô tả cách người Do Thái giết chiên con trong lễ Vượt qua. Bài báo nói rằng người Do Thái đặt chiên con trên thanh gỗ chữ thập. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều biết Đế quốc La Mã đóng đinh tử tội trên thập tự giá; tuy nhiên, người Do Thái đã từng dùng phương cách đó trước Đế quốc La Mã rất lâu để giết chiên con vào lễ Vượt qua. Họ dùng hai thanh gỗ buộc lại thành một thập tự giá. Họ trói hai chân chiên vào chân của thập tự giá rồi dang ra hai chân chiên còn lại mà buộc vào thanh gỗ nằm ngang. Sau đó, họ giết chiên con để tất cả máu của nó chảy ra hết. Họ cần tất cả máu của nó để rảy trên các khung cửa. Vì vậy, máu hoàn toàn bị tách rời khỏi thịt chiên.

Chúa đã chết cách tương tự như vậy. Thật ra sự chết của Ngài xảy ra vào thời điểm của lễ Vượt qua. Chúng ta đã thấy Giăng chương 6 nằm trong khung cảnh lễ Vượt qua của người Do Thái. Do đó tâm trí của dân chúng đầy dẫy những tư tưởng về lễ Vượt qua. Với bối cảnh ấy, Chúa bảo họ phải ăn thịt và uống huyết Ngài. Thay vì nhận lấy huyết của chiên con lễ Vượt qua và ăn thịt nó, bây giờ họ hiểu rằng Chúa là Chiên Con thật của lễ Vượt qua của Đức Chúa Trời. Tất cả những chiên con lễ Vượt qua trước kia của họ đều là biểu tượng về Đấng Christ. Bây giờ Ngài là Chiên Con thật sẽ chịu giết vì họ. Huyết Ngài sẽ đổ ra vì tội lỗi họ và thịt Ngài sẽ được họ ăn vào vì sự sống thật của họ. Một mặt, huyết Ngài sẽ cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của mình; mặt khác, thịt Ngài sẽ cung ứng sự sống cho họ.

Người Do Thái không hiểu điều này, thậm chí họ bỏ qua sự kiện Chúa là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Nhưng ngày nay chúng ta biết Chúa là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đã chết cho chúng ta, đổ huyết Ngài ra vì sự cứu chuộc tội lỗi chúng ta, và phó thịt Ngài cho chúng ta ăn để làm sự sống của mình. Bởi đức tin chúng ta nhận lấy huyết Ngài, và bởi đức tin chúng ta ăn thịt Ngài. Rồi chúng ta mới có Ngài làm sự sống của mình.

Để loài người có thể ăn Ngài, Chúa phải bị giết. Chúng ta không thể ăn một thức ăn nào nếu trước hết món ấy không bị “giết” đi. Cho nên nhà bếp là nơi làm thịt. Chẳng hạn như chúng ta không thể ăn một con bò hay một con gà còn sống. Trước hết, chúng phải bị giết đi. Ngay cả một củ hành trước hết cũng phải bị “giết” đi rồi chúng ta mới ăn được. Nếu nó không bị giết bằng dao, thì cũng bị “giết” bằng răng chúng ta. Tương tự như vậy, Chúa phải bị giết để chúng ta ăn Ngài.

Trong câu 51, Chúa nói: “Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian, ấy là thịt Ta”. Ở điểm này, bánh trở nên thịt. Chúng ta đã thấy bánh thuộc về sự sống thực vật, chỉ dành để nuôi dưỡng, và thịt thuộc về sự sống động vật, không những để nuôi dưỡng mà còn để cứu chuộc. Trước khi loài người sa ngã, Chúa là cây sự sống (Sáng. 2:9), chỉ để nuôi dưỡng loài người. Sau khi họ sa vào tội, Chúa trở nên Chiên Con (Gi. 1:29), không những chỉ để nuôi dưỡng loài người, nhưng cũng để cứu chuộc họ (Xuất. 12:4, 7-8). Chúa ban thân thể Ngài, tức là thịt Ngài, chết cho chúng ta để chúng ta có sự sống. Huyết được thêm vào trong câu 53, trong câu ấy Chúa nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người và uống huyết của Người, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu”. Ở đây huyết được thêm vào vì huyết là cần thiết cho sự cứu chuộc (Gi. 19:34; Hê. 9:22; Mat. 26:28; 1 Phi. 1:18-19; La. 3:25).

Trong câu 54 Chúa nói: “Ai ăn thịt Ta, uống huyết Ta, thì có sự sống đời đời, Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt”. Ở đây thịt và huyết được đề cập cách riêng rẽ. Khi huyết bị tách rời khỏi thịt, thì chỉ về sự chết. Như vậy, ở đây rõ ràng Chúa nói về sự chết của Ngài, tức là việc Ngài bị giết. Ngài ban thân Ngài và đổ huyết Ngài cho chúng ta để chúng ta có sự sống đời đời. Ăn thịt Ngài là bởi đức tin mà tiếp nhận tất cả những gì Ngài đã làm qua việc phó thân thể Ngài cho chúng ta, và uống huyết Ngài là bởi đức tin tiếp nhận tất cả những gì Ngài đã hoàn thành qua việc đổ huyết Ngài ra cho chúng ta. Ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài như vậy là tiếp nhận Ngài là sự sống và nguồn cung ứng sự sống trong sự cứu chuộc của Ngài bằng cách tin vào những gì Ngài đã làm cho chúng ta trên thập tự giá. Nhờ so sánh câu này với câu 47, chúng ta thấy ăn thịt Chúa và uống huyết Chúa tương đương với việc tin vào Ngài, vì tin là tiếp nhận (1:12).

3. Phục Sinh Để Cư Ngụ Bên Trong
Chúng ta đã thấy sự nhục hóa là bước thứ nhất và sự đóng đinh là bước thứ hai. Sự phục sinh là bước thứ ba mà qua đó Chúa đã làm cho chính Ngài trở thành sự sống sẵn sàng cho chúng ta. Một vài lần trong Giăng chương 6 Chúa đề cập đến một điều gì đó về “sự sống” và “sống động”. Một mặt Ngài nói rằng Ngài là bánh sự sống; mặt khác Ngài nói Ngài là bánh sống động (6:35, 51). Anh em có hiểu sự khác biệt giữa bánh sự sống và bánh sống động không? Có lẽ anh em thấy hai nhóm chữ này có ý nghĩa giống nhau. Tuy nhiên, phương cách đúng đắn để học Lời Chúa là nghiên cứu cả hai nhóm chữ và xem xét lý do tại sao hai nhóm chữ này khác nhau. Bánh sự sống chỉ về bản chất của bánh là sự sống; bánh sống động chỉ về tình trạng của bánh là sống động. Ngài là bánh sống động. Mặc dầu Ngài đã bị đóng đinh và bị giết, Ngài vẫn đang sống động. Chỉ một mình Ngài là Đấng sống động trong sự phục sinh. Câu 56 ngụ ý vấn đề phục sinh. “Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy”. Lời này cho thấy Chúa cần phải phục sinh để Ngài có thể ở trong chúng ta làm sự sống và nguồn cung ứng sự sống cho chúng ta. Chúa không thể ở trong chúng ta trước khi Ngài phục sinh. Ngài chỉ có thể ở trong chúng ta sau khi Ngài sống lại. Do đó, câu 56 cho thấy Chúa sẽ phục sinh và trở nên Linh cư trú bên trong.

Trong câu 57, Chúa nói: “Như Cha hằng sống đã sai Ta, và Ta sống bởi Cha, thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy”. Ăn là nhận lấy thức ăn vào trong mình để hấp thụ vào thân thể mình cách hữu cơ. Vì vậy, ăn Chúa Jesus là tiếp nhận Ngài vào trong chúng ta để Ngài được hấp thụ bởi con người mới đã được tái sinh theo cách của sự sống. Khi ấy chúng ta sống bởi Ngài là Đấng chúng ta tiếp nhận. Bằng cách đó Ngài sống trong chúng ta như Đấng phục sinh (14:19-20). Theo nguyên tắc, đây cũng là sự thay đổi từ chết qua sống.

4. Thăng Thiên
Sự thăng thiên theo sau sự phục sinh. Sự thăng thiên của Chúa được đề cập trong câu 62. Để trả lời cho các môn đồ đang phàn nàn về lời Ngài, Chúa nói: “Thoảng hoặc các ngươi thấy Con Loài Người lên nơi Người vốn ở khi trước thì thể nào?” Ở đây, trong câu này, sự thăng thiên của Ngài được đề cập cách rõ ràng. Sự thăng thiên là bằng cớ chứng tỏ công tác cứu chuộc của Ngài đã hoàn tất (Hê. 1:3). Chúa đã thăng thiên đến với Cha, và Cha đã chấp nhận Ngài. Đó là bằng cớ chứng tỏ rằng công tác của Ngài trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta đã được Cha chấp nhận. Do đó, Chúa được ngồi bên tay hữu Cha. Công tác của Ngài trên thập tự giá đã làm thỏa mãn Đức Chúa Trời Cha.

5. Trở Nên Linh Ban-Sự-Sống
Câu 63 chép: “Ấy là Linh làm cho sống động, xác thịt chẳng ích chi”. Ở điểm này, Linh là Đấng ban sự sống được nêu lên. Sau sự phục sinh và qua sự phục sinh, Chúa Jesus, tức Đấng đã trở nên xác thịt (1:14), trở nên Linh là Đấng ban sự sống, như đã được đề cập rõ ràng trong 1 Cô-rin-tô 15:45. Đó là với tư cách là Linh ban-sự-sống mà Ngài có thể trở nên sự sống và nguồn cung ứng sự sống cho chúng ta. Khi chúng ta tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa bị đóng đinh và được phục sinh thì Linh, tức Đấng ban sự sống cho chúng ta, đến trong chúng ta để truyền sự sống đời đời vào trong chúng ta.

Nhiều người hiểu câu 63 không đúng, nghĩ rằng thịt tượng trưng cho nhân tánh với bản chất loài người. Theo văn mạch, xác thịt ở đây chỉ về thịt của thân thể vật lý của Ngài, giống như trong các câu trước Chúa nói rằng thịt Ngài có thể ăn được. Người Do Thái không thể hiểu làm thế nào Ngài có thể ban thịt Ngài cho họ ăn. Họ nghĩ rằng Ngài sẽ ban cho họ thịt của thân thể vật lý của Ngài (c. 52). Họ không hiểu lời Chúa cách đúng đắn. Đối với họ đó là lời khó nghe (c. 60). Đến đây, Chúa nói rằng ấy là Linh ban sự sống, và xác thịt không ích lợi gì. Nói cách khác, Ngài bảo họ rằng Ngài sẽ trở nên Linh. Theo nghĩa đen Ngài sẽ không ở trong xác thịt, nhưng Ngài sẽ biến hóa từ xác thịt thành ra Linh. Như vậy, trong câu 63 Chúa đã giải thích rằng những gì Ngài muốn cho họ ăn không phải là thịt của thân thể vật lý của Ngài; thịt thuộc về xác thịt thì không ích lợi gì. Tuy nhiên, điều Ngài sẽ ban cho đời đời là Linh, tức Đấng ban sự sống, là chính Ngài trong sự phục sinh.

Anh em đã nhận lãnh Đấng Christ nào? Anh em nhận lãnh Đấng Christ trong xác thịt hay Đấng Christ là Linh? Sứ đồ Phao-lô nói rằng trước kia có người biết Đấng Christ trong xác thịt, nhưng bây giờ họ không còn biết Ngài theo cách ấy nữa (2 Cô. 5:16). Bây giờ, họ biết Đấng Christ là Linh (2 Cô. 3:17). Trước khi chết và phục sinh, Chúa nhục hóa trong xác thịt; sau khi chết và phục sinh, Ngài biến hóa từ xác thịt thành ra Linh (1 Cô. 15:45). Vì vậy, Đấng Christ hiện nay chúng ta tiếp nhận không phải là Đấng Christ trong xác thịt, mà là Đấng Christ là Linh. Khi đến Giăng chương 20, chúng ta sẽ thấy vào đêm của ngày Chúa phục sinh, Ngài đến với các môn đồ, thở trên họ và nói: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh” (20:22). Đó là chính Ngài sau khi phục sinh, vì sau khi phục sinh, Ngài đã được biến hóa thành Linh. Ngài không còn ở trong xác thịt như trước khi Ngài bị đóng đinh. Bây giờ Ngài là Linh; vì vậy, họ phải nhận lãnh Linh. Trước khi chết, lúc ở trong xác thịt, tất cả những gì Ngài có thể làm là ở với và ở giữa các môn đồ, nhưng Ngài không thể ở trong họ. Bây giờ, Ngài là Linh nên Ngài ở trong chúng ta cách dễ dàng.

Ngày nay, chúng ta không cần tiếp xúc với Chúa cách thuộc thể. Vì Ngài là Linh nên chúng ta có thể tiếp xúc với Ngài là Linh ở trong chúng ta. Ngài là Linh ban-sự-sống. Vì Ngài là Linh, chúng ta có thể nhận Ngài và ăn Ngài như thức ăn của mình.

Khi tiếp nhận Chúa Jesus, chúng ta nhận được Linh là Đấng ban sự sống. Chúng ta có thể chứng minh điều này bằng sự kêu cầu danh Chúa Jesus. Khi kêu “Ô, Chúa Jesus”, chúng ta nhận được Linh. Chúng ta kêu cầu Chúa Jesus, nhưng lại nhận được Linh. Tại sao vậy? Vì Chúa Jesus ngày nay là Linh. Sự kiện chúng ta nhận được Linh khi kêu cầu danh Chúa Jesus chứng minh một cách hùng hồn rằng ngày nay Chúa Jesus là Linh. Tất cả những ai nói: “Ô, Chúa Jesus”, thì ở trong Linh (1 Cô. 12:3). Jesus là danh, và Linh là thân vị. Linh là thân vị của Jesus. Đến đây chúng ta cần đọc Giăng 14:26. “Nhưng Đấng Yên Ủi, tức là Thánh Linh, mà Cha sẽ nhơn danh Ta sai đến, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi”. Cha sai Đấng Yên Ủi, là Thánh Linh, trong danh Con. Linh được sai đến trong danh Con. Linh là ai? Linh là thân vị của Jesus. Do đó, chúng ta có cả danh và thân vị. Cách tốt nhất để nhận được Linh là kêu cầu danh Chúa Jesus. Mỗi khi kêu: “Ô, Chúa Jesus”, anh em nhận được thân vị, và thân vị ấy là Linh. Khi nào kêu cầu danh Chúa Jesus, chúng ta nhận được Linh. Linh là thân vị của Chúa Jesus yêu quí.

6. Được Hiện Thân Trong Lời Sự Sống
Đấng Christ, là bánh sự sống, được hiện thân trong Lời sự sống. Mặc dầu Linh kỳ diệu, nhưng Linh quá huyền nhiệm. Chúng ta cần một điều gì đó chắc chắn, có thể thấy được, rõ ràng và có thể đụng chạm được – đó là Lời sự sống. Trong câu 63 Chúa nói: “Những lời Ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống”. Lời rất vững chắc.

“Những Lời” trong câu này là rhema trong tiếng Hi Lạp, có nghĩa là lời phán tức thì và hiện tại, khác với lo gos, có nghĩa là lời cố định, như trong Giăng 1:1. Ở điểm này, các lời theo sau Linh. Linh sống động và thật, nhưng có phần nào huyền nhiệm, không rõ ràng, và khó hiểu đối với người ta, nhưng lời thì vững bền. Trước hết, Chúa cho thấy để ban sự sống, Ngài sẽ trở nên Linh. Rồi Ngài nói rằng các lời Ngài phán ra đều là linh và sự sống. Điều này cho thấy lời nói của Ngài là hiện thân của Linh ban-sự-sống. Hiện nay Ngài là Linh ban-sự-sống trong sự phục sinh, và Linh được hiện thân trong lời Ngài. Khi nhận lãnh lời Ngài bằng cách sử dụng linh mình, chúng ta nhận được Linh là sự sống.

Lời ở bên ngoài chúng ta. Khi tôi tiếp nhận Lời vào trong mình, ngay lập tức lời trở nên Linh. Khi tôi nói Lời ra, một lần nữa Linh trở nên Lời. Khi anh em tiếp nhận Lời vào trong mình, Lời trở nên Linh một lần nữa, và khi anh em nói ra Lời, Lời lại trở thành Linh. Khi rao giảng phúc âm, thật ra là chúng ta đang rao giảng Lời. Khi người ta tin phúc âm, ấy là họ tin Lời. Dầu có vẻ kỳ lạ, nhưng khi người ta tiếp nhận Lời, Lời thật sự trở thành Linh bên trong họ. Chẳng hạn như nếu anh em đến với Chúa qua Giăng 3:16, có lẽ anh em cầu nguyện: “Chúa ơi, con cảm tạ Ngài vì Ngài thật tốt lành đối với con. Ngài đã ban Con Ngài cho con”. Điều gì xảy ra bên trong anh em khi anh em tin những lời này? Khi anh em tin những lời này, một điều gì đó bên trong anh em được làm cho sống lại và trở nên sống động. Tôi không có ý nói rằng anh em nhận kiến thức trong tâm trí mình, nhưng một điều gì đó rất sống động trong lòng và linh anh em. Anh em tin Lời, nhưng anh em tiếp nhận Linh. Lời ở bên ngoài anh em đã trở nên Linh bên trong anh em. Đó là Lời ở bên ngoài, nhưng đã trở nên Linh bên trong. Khi lắng nghe và tiếp nhận Lời, thì anh em cũng đã tiếp nhận Linh. Điều này rất huyền nhiệm và kỳ diệu.

Chúa là Linh và là Lời. Đấng Christ phục sinh là Linh, Linh là Lời, Lời là Linh, và Linh là Chúa phục sinh để chúng ta vui hưởng. Bây giờ chúng ta biết Ngài là gì và Ngài ở đâu. Như vậy, khi tiếp xúc với Lời trong linh, chúng ta thật sự tiếp xúc với chính Chúa là bánh hằng sống. Khi tiếp nhận Lời trong linh, chúng ta đang tiếp nhận chính Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống dư dật. Hiện nay, hằng ngày chúng ta đang tham dự vào Đấng Christ phục sinh kỳ diệu này như thức ăn, sự sống, và nguồn cung ứng sự sống của mình. Ngài là Linh ban-sự-sống và Ngài là Lời sự sống.

Trong câu 68, Si-môn Phi-e-rơ nói một điều rất thú vị. “Thưa Chúa, chúng tôi đi đến cùng ai? Ngài có lời của sự sống đời đời”. Chương này kết thúc với Lời sự sống, là cách duy nhất để tiếp nhận Chúa. Vấn đề ngày nay tóm lại là Lời. Nếu tiếp nhận Lời, anh em sẽ có Linh bên trong; nếu có Linh bên trong thì anh em có Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống bên trong.

Chúng ta đã thấy sáu bước bởi đó Đấng Christ đã làm cho chính Ngài trở nên sẵn sàng cho chúng ta tiếp nhận – nhục hóa, đóng đinh, phục sinh, thăng thiên, trở nên Linh ban-sự-sống và được hiện thân trong Lời sự sống. Chúa đã nhục hóa, chịu đóng đinh, phục sinh, thăng thiên, biến hóa từ xác thịt thành ra Linh và đã được hiện thân trong Lời. Lời là hiện thân của Linh Chúa. Anh em không thể nói mình không biết làm thế nào tiếp xúc với Chúa, vì Chúa đã được hiện thân trong Lời. Ngài là Linh và là Lời. Nếu anh em tiếp nhận Lời, anh em sẽ có Linh là sự vui hưởng Đấng Christ của mình.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu được sự khác biệt giữa quan niệm con người và tư tưởng thần thượng. Quan niệm con người, có tính cách tôn giáo, là điều người Do Thái hỏi trong câu 28: “Chúng tôi phải làm chi để làm công việc của Đức Chúa Trời?” Suốt cả Lời Thánh, chỉ trong chương này người Do Thái tôn giáo mới hỏi một câu như vậy. Sự dạy dỗ của tôn giáo luôn luôn khuyên chúng ta làm và làm. Quan niệm của con người là làm; tư tưởng của Đức Chúa Trời là tin.

Công việc mà Đức Chúa Trời mong muốn và định trước cho chúng ta làm là tin vào Con Ngài. Giới từ “trong” trong câu 29 nên được dịch là “vào” theo văn mạch tiếng Hi Lạp. Chúa Jesus không bảo chúng ta tin Ngài, nhưng tin vào Ngài. Giăng chương 6 cho thấy có hai cách tin – tin Ngài và tin vào Ngài. Sau khi Chúa trả lời câu hỏi của họ, người Do Thái hỏi vặn lại câu trả lời của Ngài trong câu 30, rằng: “Thế thì, Thầy làm dấu lạ gì, để cho chúng tôi thấy mà tin Thầy? Thầy làm gì?” Họ nói “tin Thầy”, nhưng đó không phải là điều Chúa nói. Chúa bảo họ “tin vào Ngài”. Giới từ này giống y như giới từ được dùng trong La Mã 6:3 tức trong nhóm chữ “báp-têm vào trong Đấng Christ”. Như chúng ta đã thấy, tin Ngài nghĩa là tin rằng Ngài là thật và mọi điều về Ngài là đúng. Nhưng tin vào Ngài nghĩa là tiếp nhận Ngài, được liên kết và hòa quyện với Ngài như một. Khi anh em tin vào Ngài thì sẽ có một sự liên hiệp và sự hiệp nhất giữa anh em và Đấng Christ. Nói cách khác, anh em đã vào trong Ngài và đã tiếp nhận Ngài vào trong mình. Theo tư tưởng thần thượng, không có gì để chúng ta làm ngoài ra tin vào Đấng Christ và tiếp nhận Ngài vào trong chúng ta hằng ngày.

“Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta, thì ở trong Ta, Ta cũng ở trong kẻ ấy”. Đối với chúng ta, công việc của Đức Chúa Trời không gì khác hơn là ăn Đấng Christ, tiếp nhận Ngài, và sống bởi Ngài. Quan niệm loài người của chúng ta cần phải được điều chỉnh về vấn đề làm việc cho Đức Chúa Trời. Hằng ngày chúng ta phải ăn Đấng Christ để có thể sống bởi Ngài. Có một vài lần trong chương này Chúa nói ai ăn Ngài sẽ sống bởi Ngài (6:51, 57, 58). Nan đề ngày nay không phải việc làm, mà là sự sống. Anh em đang sống loại sự sống nào? Anh em có thỏa mãn với sự sống mình đang sống không? Nếu không ăn và uống Đấng Christ, anh em không có sự sống. Nếu không có sự sống, làm sao anh em sống được? Câu 53 chép: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người và uống huyết của Người, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu”. Tư tưởng thần thượng không phải là làm việc cho Đức Chúa Trời, mà là nhận lấy Đấng Christ làm thức ăn và thức uống của mình. Bởi ăn và uống Đấng Christ, chúng ta sẽ đầy dẫy Ngài. Khi ấy, chúng ta sẽ sống cho Đức Chúa Trời cách đúng đắn.

Câu mạnh mẽ nhất và lạ lùng nhất trong cả Kinh Thánh là câu 57. “Như Cha hằng sống đã sai Ta, và Ta sống bởi Cha, thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy”. Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng và Đấng Tạo Hóa của vũ trụ này khuyên chúng ta ăn Ngài. Con người không bao giờ có thể có một tư tưởng như vậy. Nếu lời này không do Chúa nói ra, tôi tin rằng không ai trong chúng ta có đủ can đảm nói rằng mình phải ăn Chúa. Dĩ nhiên chúng ta có thể nói mình phải thờ phượng và kính sợ Chúa, tin cậy và vâng lời Chúa, cầu nguyện và làm việc cho Chúa. Chúng ta có thể dùng nhiều động từ khác để giải thích những gì mình phải làm cho Chúa, nhưng chúng ta sẽ e sợ khi suy nghĩ rằng mình nên ăn Ngài. Tất cả chúng ta đều phải ăn một ngày ba bữa để sống. Nói cách khác, chúng ta sống nhờ ăn. Cũng vậy, chúng ta phải ăn Chúa để có thể sống bởi Ngài. Điểm quan trọng nhất trong cả chương 6 của sách Giăng là Chúa là thức ăn của chúng ta, là bánh sự sống. Ăn Ngài không phải là vấn đề một lần đủ cả. Đó là việc hằng ngày và ngay cả đó là kinh nghiệm Chúa từng giây phút. Dầu ở Đông hay Tây, người ta liên tục ăn để sống. Vì thế, tất cả chúng ta cũng phải tiếp xúc với Chúa và ăn Ngài. Chúng ta không chỉ là những người yếu đuối, mà còn là những người đói cần Chúa là nguồn cung ứng sự sống cho mình. Chúng ta có thể ăn Chúa vì Ngài là bánh sự sống. Ngài có thể ăn được như một miếng bánh mì. Chúng ta cần phải vận dụng linh mình để ăn Ngài là Lời và là Linh. Khi ấy chúng ta có thể tiếp nhận Ngài vào trong mình, tiêu hóa Ngài, kinh nghiệm Ngài, và áp dụng Ngài từng giây phút. Đó là tất cả – và không có gì khác. Chúng ta cần phải quên đi những hoạt động và công tác của mình, học tập ăn Đấng Christ và sống bởi những gì chúng ta ăn nơi Ngài. Đó là đường lối thần thượng của sự sống cho nếp sống hằng ngày của chúng ta.

--