NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁT – SỰ SỐNG
GIẢI KHÁT (2)
Trong chương năm chúng ta đã thấy
sự tương phản giữa sự sống và tôn giáo, nhưng sự bắt bớ thật sự vẫn chưa bắt đầu.
Sự bắt bớ bắt đầu trong chương bảy.
II. SỰ SỐNG DƯỚI SỰ BẮT BỚ CỦA
TÔN GIÁO
A. Âm Mưu Của Tôn Giáo Và Lễ Tiệc
Của Tôn Giáo
Đang khi các nhà tôn giáo dự lễ,
họ âm mưu giết Jesus (7:1-2). Đó là hình ảnh chính xác về tôn giáo ngày nay, vì
theo nguyên tắc, tôn giáo ngày nay cũng giống như vậy. Một mặt, các nhà tôn
giáo thờ phượng Đức Chúa Trời, trong khi mặt khác, họ âm mưu giết những người
thật sự tìm kiếm Đức Chúa Trời. Nếu là một người thật sự tìm kiếm sự sống, anh
em phải được chuẩn bị để nhìn biết tôn giáo đang nỗ lực giết anh em. Điều này xảy
ra từ thế kỷ đầu tiên mãi cho đến ngày nay. Trong mọi thế kỷ, những người thật
tìm kiếm sự sống đã bị những nhà tôn giáo bắt bớ. Chẳng hạn như Madame Guyon
trong thời mình đã bị những nhà tôn giáo bỏ tù. Hễ anh em đi với Chúa theo sự sống
bề trong và không theo những điều bề ngoài, anh em sẽ bị những con người nặng
tinh thần tôn giáo bắt bớ.
Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo
Hóa (1:1, 10). Tuy nhiên, là một con người, Ngài chịu đựng sự bắt bớ từ các tạo
vật của Ngài (7:1). Đấng Tạo Hóa mà phải chịu đựng sự bắt bớ của các tạo vật
thì không phải là điều dễ. Ngài kiên nhẫn biết bao! Ngài khiêm nhường biết bao!
Nhưng Chúa đã làm như vậy. Ngay cả những lễ tiệc tôn giáo cũng cung cấp cơ hội
cho sự bắt bớ này (7:2, 11). Những nhà tôn giáo lợi dụng lễ tiệc tôn giáo để bắt
bớ Chúa Jesus.
B. Sự Sống Chịu Đựng Sự Vô Tín Của
Dân Chúng
Người Do Thái bắt bớ đang tìm
cách giết Chúa Jesus (7:1, 21, 25, 30, 32, 34). Vì những nhà tôn giáo Do Thái
đang âm mưu hại Chúa Jesus, Ngài phải thận trọng phần nào. Nếu chỉ sơ hở một
chút, Ngài có thể rơi vào tay họ. Ngài không thể hành động tự do. Mặc dầu Chúa
là Đức Chúa Trời Toàn Năng, nhưng là một con người ở dưới sự bắt bớ, Ngài bị giới
hạn trong các hoạt động của mình. Một mặt những nhà tôn giáo tìm cách giết
Ngài, mặt khác những người em vô tín thách thức Ngài tìm vinh quang thế giới(7:3-4).
Dường như các em Ngài muốn nói với Ngài: “Tại sao anh không lên Giê-ru-sa-lem?
Anh nên làm cho mình nổi tiếng đi chứ”. Cả sự bắt bớ của người Do Thái và sự
thách thức của các em Ngài đều đến từ kẻ thù là Sa-tan. Sa-tan xúi giục người
Do Thái tìm cách giết Chúa và xúi giục những người em vô tín của Ngài thách thức
Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem làm cho mình nổi danh để được vinh quang. Ngày nay
tình hình tương tự như vậy. Thỉnh thoảng một vài anh em đề nghị chúng tôi làm một
số điều để được danh tiếng và được nhiều người biết đến. Nhưng được nhiều người
biết đến và nổi danh là điều đáng sợ. Nếu anh em định nổi danh, thì tốt hơn anh
em nên chịu mang tiếng xấu.
C. Sự Sống Bị Giới Hạn Trong Thời
Gian
Trong 7:6-9 chúng ta thấy Chúa bị
giới hạn trong thời gian. Chúa nói với các em Ngài: “Thì giờ Ta chưa đến, còn về
các ngươi thì giờ được tiện luôn” (7:6). Mặc dầu Chúa là Đức Chúa Trời đời đời,
vô hạn, vô biên (La. 9:5), Ngài sống trên đất như một con người, bị giới hạn
ngay cả trong vấn đề thời gian. Chúa bằng lòng mất sự tự do của Ngài, bị ràng
buộc trong vấn đề thời gian, và làm theo ý Cha để Ngài có thể cung ứng nước sống
động của sự sống cho chúng ta. Cả chương bảy bày tỏ thế nào Chúa hành động như
một con người bị giới hạn về mọi phương diện.
D. Sự Sống Tìm Kiếm Vinh Quang Của
Đức Chúa Trời
Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng
(Ês. 9:5), nhưng là một con người ở dưới sự bắt bớ, Ngài bị giới hạn trong hoạt
động của mình (Gi. 7:10). Ngài không hành động cách tự do. Mặc dầu Chúa là Đức
Chúa Trời toàn tri, nhưng với tư cách là một con người thấp hèn, Ngài dường như
là người mù chữ. “Người Do Thái lấy làm lạ, mà nói rằng: Người nầy chẳng từng học,
làm sao biết chữ?” (7:15). Dầu Chúa học ít, Ngài biết mọi sự. Không những Ngài
biết chữ, Ngài còn biết trí, lòng và linh của loài người. Chúa không muốn tìm
vinh quang của mình, nhưng tìm vinh quang của Đức Chúa Trời (7:17-18).
E. Nguồn Gốc Và Căn Nguyên Của Sự
Sống –
Đức Chúa Trời Cha
Nguồn và gốc của Chúa là Đức Chúa
Trời Cha (7:25-36; 13:3). Mặc dầu nguồn gốc của Ngài là Đức Chúa Trời Cha, Ngài
đến như một con người quê ở Na-xa-rét thuộc xứ Ga-li-lê (7:27, 42, 52;
1:45-46). Có một thời gian tôi không được vui với Chúa vì cảm thấy Ngài thiếu
thành thật trong Giăng chương bảy. Đối với tôi dường như Ngài có phần nào thiếu
minh bạch. Ngài nói với người ta rằng nguồn gốc của Ngài là Đức Chúa Trời,
nhưng quê của Ngài ở Na-xa-rét. Ở đây có một nguyên tắc quan trọng: trong mọi sự
liên quan đến Chúa, dáng dấp bề ngoài không bao giờ có vẻ tốt đẹp, nhưng nội
dung bên trong rất tuyệt vời. Điều này cũng đúng về sự khôi phục của Chúa ngày
nay. Nếu nhìn biểu hiện bề ngoài của sự khôi phục, anh em sẽ thấy không có gì hấp
dẫn. Tuy nhiên, tình trạng bên trong hoàn toàn khác. Anh em đừng bị bối rối về
dáng dấp bề ngoài. Khi nhìn Chúa ở bề ngoài, người ta thấy Ngài chỉ là một người
Na-xa-rét. Ngài không có phong độ, vẻ dễ thương, vẻ đẹp hay sự quyến rũ. Nhưng
bên trong Ngài chính là Đức Chúa Trời. Đôi khi tôi nói với Chúa: “Chúa ơi, vì
sao trong số những người Ngài đem vào sự khôi phục của Ngài trên đất nước này lại
có rất ít ai đẹp? Thậm chí có một số người ăn mặc không chỉnh tề khi đi nhóm”.
Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhìn thấy có báu vật trong những bình bằng đất. Chúa đã
bảo tôi đừng quan tâm đến dáng vẻ bề ngoài. Người Na-xa-rét ấy bề ngoài có vẻ
không lôi cuốn, nhưng nội dung bên trong của người thì xuất sắc và thiên thượng.
III. TIẾNG KÊU CỦA SỰ SỐNG
DÀNH CHO NGƯỜI KHAO KHÁT
A. Ngày Sau Cùng Tượng Trưng Cho
Sự Chấm Dứt Mọi Sự Hưởng Thụ Về Những Thành Công Của Đời Người
Vào ngày sau cùng của kỳ lễ, là
ngày trọng thể, Jesus đứng lên kêu mời những người khát (7:37-39). Ngày sau
cùng tượng trưng cho sự chấm dứt mọi sự hưởng thụ về những thành công của đời
người. Dầu anh em có đạt được thành công nào chăng nữa, rồi cũng có ngày sau
cùng. Chẳng hạn, dầu anh em có thể có một cuộc hôn nhân tuyệt vời, cuộc hôn
nhân ấy sẽ không tồn tại mãi.
Nhóm chữ “ngày sau cùng” xuất hiện
trong cả chương sáu và bảy (6:39-40; 7:37). Tuy nhiên, hai loại ngày sau cùng
này thì khác nhau. Ngày sau cùng trong chương sáu là ngày tận cùng xảy ra trong
một tương lai xa, khi Chúa làm cho chúng ta sống lại. Còn ngày sau cùng trong
chương bảy chỉ về nhiều ngày sau cùng trong đời người. Ngày sau cùng quan trọng
nhất nằm trong tương lai, nhưng trước ngày ấy, chúng ta có nhiều ngày sau cùng
trong đời người của mình. Bộ áo quần anh em cho là có giá trị sẽ có ngày sau
cùng. Cuộc hôn nhân của anh em rồi cũng sẽ có ngày sau cùng. Mọi sự đều có ngày
sau cùng của nó. Lễ Lều tạm tiếp diễn trong bảy ngày, nhưng ngày thứ bảy là
ngày cuối cùng của kỳ lễ. Sau cùng có nghĩa là sự kết thúc. Dầu anh em giàu có
bao nhiêu rồi cũng có lúc chấm dứt. Dầu anh em khỏe mạnh bao nhiêu rồi cũng có
khi kết thúc. Sẽ có ngày sau cùng đối với tài sản của anh em, ngày sau cùng đối
với sức khỏe của anh em, ngày sau cùng đối với gia đình anh em, ngày sau cùng đối
với người vợ hay chồng yêu dấu của mình, ngày sau cùng đối với cha mẹ mình,
ngày sau cùng đối với con cái mình, ngày sau cùng đối với mọi hoàn cảnh của
mình – tóm lại, có một ngày sau cùng!
Khi tôi đến tuổi bốn mươi, người
ta bắt đầu nói với tôi: “Cuộc đời bắt đầu ở tuổi bốn mươi”. Nhưng những người
khác bảo tôi: “Anh ơi, anh phải nhận biết rằng sau tuổi bốn mươi, cuộc đời đã
bước vào buổi xế chiều rồi. Khi mới ra đời, cuộc đời anh bắt đầu như buổi bình
minh. Vào tuổi bốn mươi, cuộc đời anh là ở giữa trưa. Sau tuổi bốn mươi, cuộc đời
anh đã về chiều. Có lẽ một lúc nào đó sau tuổi sáu mươi, cuộc đời anh sẽ chấm dứt”.
Không sớm thì muộn, sẽ có ngày cuối cuộc đời.
Hãy nhìn vào hình ảnh người
Israel lao khổ suốt năm cho đến khi họ thâu hoạch bắp và rượu. Họ nhận được mọi
sự do công lao của đôi tay mình. Cuối cùng, công khó họ qua đi, điều còn lại
cho họ là tụ họp với nhau và vui hưởng mùa màng đã thu hoạch trong bảy ngày.
Ngày thứ bảy là ngày quan trọng nhất, đó là ngày cuối cùng. Ngày cuối cùng là
ngày họ giải tán.
B. Tiếng Kêu Hãy Đến Và Uống
Vào ngày cuối cùng của kỳ lễ,
trong khi dân chúng đang giải tán, Chúa đứng lên kêu gọi: “Nếu người nào khát,
hãy đến cùng Ta mà uống” (7:37). Dân chúng không thỏa mãn. Những điều họ đã vui
hưởng trong suốt bảy ngày qua không làm cho họ hết khát. Nếu đến và uống
Christ, họ sẽ có những dòng sông nước sống tuôn chảy từ trong bản thể sâu thẳm
nhất của mình. Nước sống là Thánh Linh tuôn chảy ra từ vầng đá bị đập.
Như chúng ta sẽ thấy, khi Chúa
nói những lời này, Thánh Linh chưa “sẵn sàng”, vì Chúa chưa bị đánh đập và chưa
được vinh hóa (7:39). Chúa được vinh hóa có nghĩa là gì? Đơn giản có nghĩa là
Ngài phải được phục sinh (Lu. 24:26). Chúa được biến hóa từ thân thể mong manh
của Ngài thành một Linh vinh hiển qua sự chết và sự phục sinh của Ngài. Trước
khi lên thập tự giá, Chúa là vầng đá, nhưng Ngài chưa bị đánh đập hay bị đóng
đinh trên thập tự giá. Khi Ngài bị đóng đinh và phục sinh, nước sống tuôn chảy
ra từ Ngài vào trong chúng ta để làm cho chúng ta hết khát. Vào ngày sau cùng của
kỳ lễ lạc của anh em – vào lúc kết thúc mọi niềm vui và hưởng thụ, là khi anh
em vẫn cảm thấy khát – anh em cần phải đến với Jesus này và nhận lãnh nước sống
để làm cho mình hết khát.
Có một thiếu nữ sống trong một
gia đình rất giàu có. Cô liên tục theo đuổi những thú vui. Một ngày kia cô dự một
buổi dạ vũ dành cho những người thuộc giới thượng lưu tại nước Anh. Cô rất vui
thích dự buổi dạ vũ và tận hưởng những giờ phút tuyệt vời. Sau khi tiệc tàn, cô
trở về nhà. Trong khi thay quần áo, cô cảm thấy vẫn khát khao điều gì đó. Rồi
ném hết tất cả y phục khiêu vũ và giày vớ, cô kêu lên: “Những thứ này có ích gì
cho tôi!” Sau khi vui vẻ hưởng thụ, cô vẫn cảm thấy khát khao điều gì đó. Lúc ấy,
có một tiếng nói bên trong thầm thì với cô: “Ngươi phải cầu nguyện với Đức Chúa
Trời”. Tuy nhiên, cô tự nhủ: “Tôi không tin có Đức Chúa Trời; làm sao tôi cầu
nguyện với Ngài được?” Nhưng tiếng nói ấy tiếp tục thì thầm: “Cứ thử nói một lời
với Đức Chúa Trời. Hãy nói: Đức Chúa Trời ơi, nếu có một Đức Chúa Trời, xin hãy
làm cho con được thỏa mãn”. Cuối cùng, cô đã cầu nguyện như vậy. Ngay ngày hôm
sau cả cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Cô được thỏa mãn. Nước sự sống Chúa ban
cho cô đã làm cho cô hết khát.
Nếu nghiên cứu tiểu sử của các
thánh đồ, anh em sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện khác tương tự như vậy. Nhiều người
có học vấn cao, rất thành công, rất giàu sang, và có nhiều điều để vui thỏa,
nhưng cuối cùng họ đều cảm thấy mình thất bại vì mọi sự đều trở nên khô khan đối
với họ. Nhưng khi ấy có tiếng kêu: “Nếu ai khát, hãy đến cùng Ta mà uống”. Mặc
dầu có thể anh em đang vui hưởng những ngày tốt đẹp, nhưng cuối cùng sẽ đến
ngày sau cùng, là khi mọi sự vui thỏa qua đi và anh em cảm thấy khát. Hãy nhớ,
chỉ có chính Chúa Jesus mới có thể ban cho anh em nước sống làm anh em hết
khát.
C. Dòng Chảy Của Những Sông Nước
Sống
Chúa Jesus nói: “Kẻ nào tin Ta
thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh Thánh đã
chép vậy” (7:38). Trong 4:14, Chúa nói rằng ai uống nước Ngài ban cho chúng ta,
sẽ có một mạch nước trong mình phun trào lên cho đến sự sống đời đời. Trong chương
7, Chúa có phần đi xa hơn. Ngài nói rằng ai uống nơi Ngài thì người ấy sẽ có những
dòng sông nước sự sống tuôn chảy. Chúa không nói về chỉ một dòng chảy mà là nhiều
dòng sông. Sông nước sống duy nhất là Thánh Linh. Từ con sông duy nhất ấy, nhiều
dòng sông sẽ chảy ra. “Những sông nước sống” này là nhiều dòng chảy thuộc nhiều
phương diện khác nhau của sự sống (đc. La. 15:30; 1 Tê. 1:6; 2 Tê. 2:13; Ga.
5:22-23) của một “sông nước sự sống” duy nhất (Khải. 22:1), tức là “Linh sự sống”
của Đức Chúa Trời (La. 8:2). Một dòng sông là dòng sông bình an, và những dòng
sông khác là vui mừng, an ủi, công chính, sự sống, thánh khiết, yêu thương,
kiên nhẫn và khiêm nhường. Tôi không biết có tất cả bao nhiêu dòng sông. Các
dòng sông nước sống này tuôn ra từ những nơi sâu thẳm của bản thể chúng ta. Đó
là Đấng Christ như sự sống. Theo nguyên tắc đã được đưa ra trong chương hai,
dòng chảy của những sông nước sống này cũng là sự thay đổi từ chết qua sống. Sự
chết bắt nguồn từ cây kiến thức, và sự sống bắt nguồn từ cây sự sống.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đến
một buổi nhóm và ngồi đó mà không có dòng nước sống tuôn chảy? Chắc chắn đó sẽ
là buổi nhóm chết. Nếu không ai có gì để tuôn tràn ra, sự chết sẽ thắng thế.
Tuy nhiên, nếu mỗi người có vài dòng sông tuôn chảy ra, cuối cùng buổi nhóm sẽ
được tràn ngập, sẽ đầy dẫy sự sống. Đó là sự thay đổi từ chết qua sống.
D. Linh Chưa Sẵn Sàng
Câu 39 chép: “Nhưng Ngài nói điều
này về Linh, là Đấng mà những ai tin vào Ngài sắp nhận lãnh; vì Linh chưa [sẵn
sàng], vì Jesus chưa được vinh hóa” .Nhiều Cơ Đốc nhân không hiểu từ ngữ “chưa”
trong câu này. Bản Kinh Thánh King James thêm chữ “ban cho” in nghiêng, cho thấy
câu này đã làm cho các dịch giả bối rối. Nhưng câu 39 không có nghĩa là Linh
“chưa được ban cho”; mà có nghĩa là Linh “chưa” sẵn sàng. Linh chưa ở tại đó.
Linh của Đức Chúa Trời vẫn ở đó từ ban đầu (Sáng. 1:1-2), nhưng Linh là “Linh của
Đấng Christ” (La. 8:9), “Linh của Jesus Christ” (Phil. 1:19) thì “chưa [sẵn
sàng]” vào lúc Chúa Jesus nói lời này, vì Ngài chưa được vinh hóa. Jesus được
vinh hóa khi Ngài phục sinh (Lu. 24:26). Sau khi Ngài phục sinh, Linh của Đức
Chúa Trời trở nên Linh Jesus Christ nhục hóa, chịu đóng đinh, và phục sinh,
Linh ấy đã được Đấng Christ thở vào trong các môn đồ vào buổi tối ngày Ngài phục
sinh (Gi. 20:22). Linh bây giờ là “Đấng an ủi khác, là Linh của thực tại” mà Đấng
Christ đã hứa trước khi Ngài chết (Gi. 14:16-17). Khi Linh là Linh của Đức Chúa
Trời thì Ngài chỉ có yếu tố thần thượng. Khi Ngài trở nên Linh của Jesus Christ
qua sự nhục hóa, đóng đinh và phục sinh của Đấng Christ, thì Ngài vừa có yếu tố
thần thượng vừa có yếu tố con người, cùng với tất cả thể yếu và thực tại của sự
nhục hóa, đóng đinh, và phục sinh của Đấng Christ. Vì vậy, bây giờ Ngài là Linh
bao-hàm-tất-cả của Jesus Christ như nước sống để chúng ta nhận lãnh.
Chúng ta đã thấy Jesus được vinh
hóa khi Ngài phục sinh. Trong sự phục sinh, Chúa trở nên Linh ban-sự-sống (1
Cô. 15:45). A-đam sau cùng, tức Đấng Christ trong xác thịt, đã trở nên Linh
ban-sự-sống trong sự phục sinh. Kể từ đó, Linh của Jesus Christ vừa có yếu tố
thần thượng vừa có yếu tố con người, kể cả thực tại của sự nhục hóa, đóng đinh
và phục sinh của Đấng Christ.
Trong Sáng Thế Ký chương 1, chúng
ta có Linh của Đức Chúa Trời. Linh của Đức Chúa Trời chỉ là chính Đức Chúa Trời
bước ra để đến với cõi thọ tạo của Ngài. Vào thời điểm của Sáng Thế Ký chương
1, trong Linh của Đức Chúa Trời chỉ có thần tính. Một ngày kia, Đức Chúa Trời
nhục hóa để làm một con người là Jesus Christ. Ba mươi ba năm rưỡi sau đó, Đấng
Christ bị đóng đinh. Sau khi chịu đóng đinh, Ngài trải qua sự phục sinh và
thăng thiên, và Linh của Đức Chúa Trời trở nên Linh của Jesus Christ nhục hóa
và phục sinh. Bây giờ, Linh của Jesus Christ đang bước ra để chạm đến loài người.
Trước đây, ấy là Linh của Đức Chúa Trời đến để chạm đến cõi thọ tạo của Ngài chỉ
với thần tính, nhưng bây giờ Linh của Jesus Christ bước ra để đến với loài người
bằng thần tính, nhân tính, hiệu lực của sự chết bao-hàm-tất-cả của Ngài và với
yếu tố phục sinh. Trước khi Đấng Christ phục sinh, một Linh như vậy “chưa sẵn
sàng”.
Chúng ta có thể dùng hình ảnh
minh họa của một ly nước được pha thêm vào nhiều thứ. Nước trải qua một giai đoạn
để sữa được pha thêm vào. Nước ấy lại trải qua một giai đoạn khác để mật ong,
trà và muối được pha thêm vào. Cuối cùng nước ấy trở thành một thức uống
bao-hàm-tất-cả. Trước khi nước trải qua tất cả những chặng này, một thức uống
tuyệt vời như vậy “chưa sẵn sàng”, mặc dầu nước trong ly đã sẵn sàng rồi. Bây
giờ, nước ấy là thức uống bao-hàm-tất-cả. Cũng vậy, Linh mà Chúa Jesus đã hứa
trong 7:39 và 14:16-17 không phải là Linh chỉ với thần tính như nội dung của
Ngài, mà là Linh với thần tính, nhân tính, sự chết bao-hàm-tất-cả, sự phục sinh
và sự thăng thiên. Bây giờ, chúng ta không những có Linh của Đức Chúa Trời, mà
cũng có Linh của Jesus Christ. Một Linh bao-hàm-tất-cả như vậy ban cho chúng ta
dòng chảy của những sông nước sự sống.
Thỉnh thoảng khi một đứa bé cần uống
thuốc, người mẹ nào khôn ngoan sẽ “hòa” thuốc ấy trong một thức uống. Khi đứa
bé uống thức uống ấy vào, nó cũng uống thuốc trong đó nữa. Có “thuốc” trong
Linh bao-hàm-tất-cả. Thuốc này là sự chết tiêu trừ của Đấng Christ ở trong
Thánh Linh hôm nay. Càng nói: “Ô, Chúa Jesus”, anh em càng nhận được Linh
bao-hàm-tất-cả. Sau vài phút, anh em có thể cảm thấy Linh giết chết tính nóng nảy,
kiêu ngạo, ích kỷ và những điều tiêu cực khác. Anh em có bao giờ cố gắng kể
chính mình đã chết theo La Mã chương 6 chưa? Nếu có, anh em biết càng kể mình
đã chết, anh em càng sống động. Tuy nhiên, trong Linh bao-hàm-tất-cả có sự giết
chết của thập tự giá. Sự chết được đề cập trong La Mã chương 6 bây giờ đã được
bao hàm trong Linh như được bày tỏ trong La Mã chương 8. Vì vậy, Linh bao-hàm-tất-cả
này liên tục đặt anh em trên thập tự giá như được đề cập trong La Mã 8:13. Hiệu
lực giết chết của sự chết Đấng Christ không những chỉ ở trên thập tự giá, vì nếu
như vậy thì hiệu lực ấy không đắc thắng cho chúng ta. Ngày nay hiệu lực giết chết
ấy ở trong Linh của Jesus Christ. Khi Linh chuyển động trong chúng ta, hiệu lực
giết chết của thập tự giá xuyên thấu vào trong bản thể chúng ta. Ngài sẽ giết
chết mọi yếu tố tiêu cực trong bản thể chúng ta. Hơn nữa, trong thức uống
bao-hàm-tất-cả này có chất bổ dưỡng. Trong Linh này có mọi điều chúng ta cần.
IV. SỰ CHIA RẼ GÂY NÊN DO BIỂU HIỆN
BỀ NGOÀI
CỦA SỰ SỐNG
Trong 7:40-52 chúng ta thấy sự
chia rẽ gây nên do biểu hiện bề ngoài của Chúa. Jesus thật là một người gây rối.
Ngài gây nên sự chia rẽ. Ngày nay, những người tìm kiếm sự sống cũng gây rối và
chia rẽ. Đấng Christ là dòng dõi Đa-vít, sinh tại Bết-lê-hem (7:42; Lu. 2:4-7),
nhưng Ngài xuất hiện như một người Na-xa-rét đến từ Ga-li-lê (7:52). Mặc dầu
Chúa ra đời tại Bết-lê-hem, Ngài lớn lên tại Na-xa-rét, một thành phố bị dân
chúng thời ấy khinh miệt. Ngài là dòng dõi của Đa-vít nhưng Ngài đến như một
người Na-xa-rét (Mat. 2:23). Ngài lớn lên như một “cái rễ ra từ đất khô”, không
có “hình dung hay sự đẹp đẽ”, “không có sự tốt đẹp để chúng ta ưa thích Ngài.
Ngài bị người ta khinh dể và chối từ” (Ês. 53:2-3). Vì thế, chúng ta không nên
nhận biết Ngài theo xác thịt (2 Cô. 5:16), nhưng theo Linh. Vì Chúa được trưởng
dưỡng tại Na-xa-rét, nên người ta không kể Ngài là người sinh tại Bết-lê-hem.
Một số người hiểu Đấng Christ
theo biểu hiện bề ngoài (7:27, 41-42, 52) bằng cách nhận lấy cây kiến thức là
điều dẫn đến sự chết (Sáng. 2:17). Xin hãy nghe lời họ nói. “Kinh thánh há chẳng
nói rằng Đấng Christ do dòng giống Đa-vít mà đến, ra từ Bết-lê-hem là làng của
Đa-vít sao?” (7:41-42). Lời nói này chỉ là sự sử dụng tâm trí. Lý luận này thuộc
tâm trí, theo nguyên tắc của cây kiến thức. Tuy nhiên, một số người hiểu Đấng
Christ theo thực tại bề trong của Ngài (7:40, 50-51) bằng cách nhận lấy cây sự
sống là điều dẫn đến sự sống (Sáng. 2:9). Đừng chú ý đến biểu hiện bề ngoài.
Anh em cần phải thấy những gì ở bên trong. Có Đấng Christ ở bên trong không? Tất
cả chúng ta cần phải biết Đấng Christ theo thực tại bề trong chứ không theo biểu
hiện bề ngoài.
Toàn thể Phúc Âm Giăng cho chúng
ta một hình ảnh gây ấn tượng sâu đậm. Một ngày kia, Chúa Jesus đến Bê-tha-ni và
ở lại trong một ngôi nhà nhỏ với La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri (Gi. 12:1-2). Tại
Giê-ru-sa-lem thời đó có đền thờ. Trong đền thờ thánh ấy có các thầy tế lễ mặc
áo dài tế lễ mà dâng các sinh tế trên bàn thờ và đốt hương đúng cách thức. Mọi
sự trong đền thờ đều quyến rũ. Nhưng trong căn nhà nhỏ tại Bê-tha-ni không có
gì cả – không có thầy tế lễ, không có áo tế lễ, không có bàn thờ, không có của
lễ, và không có trầm hương. Chỉ có hai chị em nghèo và một anh em. Vào thời ấy,
chính Đức Chúa Trời ở trong đền thờ hay trong căn nhà nhỏ bé ấy? Ngài đã ở
trong căn nhà nhỏ bé ấy. Giả sử lúc ấy anh em muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời thì
anh em sẽ đi đâu? Anh em đến căn nhà nhỏ bé ấy hay đến đền thờ? Tất cả chúng ta
đều sẽ đến đền thờ, và có lẽ không ai trong chúng ta đến ngôi nhà nhỏ bé ấy.
Tuy nhiên, Jesus, chính là hiện thân của Đức Chúa Trời, lại không ở trong đền
thờ mà trong căn nhà nhỏ bé. Cuối cùng, giữa vòng chúng ta sẽ có sự chia rẽ vì
phần đông chúng ta sẽ đi đến đền thờ và chỉ một số ít đến căn nhà nhỏ là nơi có
Jesus. Những người đến đền thờ ắt hẳn nghĩ rằng đến căn nhà nhỏ để tìm Đức Chúa
Trời là điều ngu dại. Như vậy, chúng ta cần phải học tập đi theo Chúa Jesus
theo thực tại bề trong, chứ không theo biểu hiện bề ngoài. Nguyên tắc này sẽ tồn
tại mãi mãi. Ngợi khen Chúa vì Ngài ở với người thấp hèn.
Khi Chúa ở trên đất, Ngài không
có một diện mạo lôi cuốn. Ngày nay, trong nếp sống Hội thánh khôi phục của Ngài
cũng vậy; không có sự quyến rũ bề ngoài. Tuy nhiên, nếu anh em vào bên trong nếp
sống Hội thánh trong sự khôi phục của Chúa, thì anh em sẽ thấy vẻ đẹp của Đấng
Christ tại đó. Ngài không phải là người Na-xa-rét – Ngài là dòng dõi Đa-vít! Đó
là Đấng Christ! Ha-lê-lu-gia!-
-