Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 17


NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁT – SỰ SỐNG GIẢI KHÁT (1)

Chúng ta đã bàn đến năm trong chín trường hợp của Phúc Âm này. Trong trường hợp thứ nhất, Chúa nói chuyện với một người thượng lưu, đạo đức về sự tái sinh của sự sống. Qua sự tân sinh của chúng ta, Chúa là sự sống thứ hai của chúng ta, tức sự sống thần thượng. Trong trường hợp thứ hai, Chúa nói với một người đàn bà thấp kém, vô luân về sự thỏa mãn của sự sống. Chính Chúa là nước sống làm thỏa mãn những tấm lòng không thỏa mãn. Trong trường hợp thứ ba, Chúa chữa lành cho một đứa bé hấp hối. Chúa chữa lành những người đang hấp hối bởi lời ban sự sống của Ngài qua đức tin của họ. Trong trường hợp thứ tư, Chúa làm sống động một người bất năng đã bị bệnh ba mươi tám năm. Điều này cho thấy Chúa làm sống động người bất năng bởi sự sống. Trong trường hợp thứ năm, Chúa nuôi năm ngàn người bằng bánh sự sống. Điều này bày tỏ Ngài là bánh sống thiên thượng làm thỏa mãn đoàn dân đói. Vì vậy, nói tóm lại, Chúa tái sinh bằng sự sống thần thượng trong trường hợp thứ nhất, ban nước sống trong trường hợp thứ hai, chữa lành người hấp hối bởi lời ban-sự-sống trong trường hợp thứ ba, làm sống động người bất năng trong trường hợp thứ tư, và nuôi dưỡng đoàn dân đông bằng bánh sự sống trong trường hợp thứ năm.

Bây giờ trong chương bảy chúng ta đến trường hợp thứ sáu – nhu cầu của người khát. Trường hợp này tương phản với trường hợp thứ năm – nhu cầu của người đói. Trong trường hợp trước, rõ ràng Chúa được bày tỏ là bánh sự sống để thỏa mãn người đói, nhưng trong trường hợp này Chúa đem dòng nước sống đến để làm cho chúng ta hết khát. Trong trường hợp thứ năm thì người ta đói, nhưng trong trường hợp thứ sáu thì người ta khát. Trường hợp thứ năm trình bày bánh sống, và trường hợp thứ sáu giới thiệu nước sống. Bánh sự sống dành cho người đói, và những sông nước sống dành cho người khát. Đối với người khát, Đấng Christ là sự sống giải khát. Ngài chính là sự sống có khả năng làm cho người ta hết khát.


Ý tưởng về Chúa là thức ăn và nước uống của chúng ta được tìm thấy khắp nơi trong Lời Thánh. Chẳng hạn như trong Sáng Thế Ký chương 2, cây sự sống là hình ảnh về Chúa như nguồn cung ứng thực phẩm của chúng ta. Bên cạnh cây sự sống trong Sáng Thế Ký chương 2 là dòng sông, đó là hình ảnh mô tả Chúa đem dòng sông nước sống đến cho chúng ta. Nói cách khác, hình ảnh này bày tỏ mục đích của Chúa trong việc sáng tạo con người, ấy là con người phải ăn và uống. Nếu không ăn, họ sẽ đói, nếu không uống, họ sẽ khát. Chúa là thức ăn làm thỏa mãn cơn đói của chúng ta, và Ngài là nước sống làm cho chúng ta hết khát.

Về sau trong Lời Thánh, con cái Israel cũng có cả thức ăn và nước uống trong khi họ đi qua đồng vắng. Một mặt, họ có ma-na từ trời làm thức ăn hằng ngày (Xuất. 16:14-15); mặt khác, họ có nước sống chảy từ vầng đá bị đập để làm cho họ hết khát (Xuất. 17:6).

Trong Phúc Âm Giăng, Chúa cũng là bánh sống và Ngài ban nước sống để thỏa mãn sự đói khát của đoàn dân đông. Cha, Con và Linh, ba thân vị của Đức Chúa Trời Tam Nhất, liên quan rất nhiều đến vấn đề thức ăn và nước uống. Đức Chúa Trời Cha là nguồn, Đức Chúa Trời Con là thức ăn, và Đức Chúa Linh là nước uống. Thân vị thứ nhất của Đức Chúa Trời Tam Nhất là nguồn của thân vị thứ hai là thức ăn, từ Ngài thân vị thứ ba tuôn ra như thức uống.

1 Cô-rin-tô 10:3-4 cũng nêu ra hai điều này. Trong đó, chính Đấng Christ là thức ăn thuộc linh và Ngài là vầng đá bị đập vỡ từ đó tuôn ra thức uống thuộc linh. Thánh Linh là thức uống thuộc linh tuôn chảy từ Đấng Christ bị đóng đinh. Vì vậy, Đấng Christ là thức ăn của chúng ta và Thánh Linh tuôn ra từ Đấng Christ là thức uống của chúng ta.

Sau cùng chúng ta đến phần cuối của Lời Thánh là nơi chúng ta thấy Giê-ru-sa-lem Mới. Một lần nữa, dòng nước sống là Thánh Linh, và cây sự sống mọc trong dòng chảy là Đấng Christ (Khải. 22:1-2). Như vậy có một đường hướng thống nhất chạy suốt cả Lời Thánh, cho chúng ta thấy rằng Đấng Christ là thức ăn thuộc linh của chúng ta, Thánh Linh là thức uống thuộc linh của chúng ta, và con người cần cả ăn lẫn uống để thỏa mãn sự đói khát của mình.

Phúc Âm Giăng là sách đầy những hình ảnh. Tác giả dùng các nhân vật và hình ảnh cùng với lời nói dễ hiểu vì các vấn đề sự sống quá sâu xa, thâm thúy, huyền nhiệm và trừu tượng. Nếu Giăng chỉ dùng những lời đơn giản, người ta sẽ khó dò tìm ra được sự phong phú. Vì thế, dưới sự cảm thúc của Đức Chúa Trời, Giăng dùng nhiều hình ảnh khác nhau. Trong chương bốn, chúng ta có hình ảnh của một Cứu Chúa bị khát và một tội nhân cũng bị khát gặp nhau ở giếng Gia-cốp. Trong chương năm, chúng ta thấy một đám đông gồm nhiều người bệnh hoạn, mù lòa, què quặt, teo quắp chờ đợi bên ao. Trong chương sáu, chúng ta thấy đồng vắng, núi và biển sóng gió. Trên biển có một chiếc thuyền bị sóng dồi, và mọi người trên thuyền sợ hãi. Thình lình, một người đi trên sóng đến với họ. Đó là người đã nuôi đoàn dân đói với năm ổ bánh và hai con cá. Trong chương bảy, chúng ta còn thấy một bức tranh khác nữa.

I. QUANG CẢNH LỄ LỀU TẠM
A. Tương Phản Với Quang Cảnh Lễ Vượt Qua Trong Chương Sáu
Trường hợp thứ sáu là sự nối tiếp của trường hợp thứ năm, vì vấn đề thức ăn có liên quan đến nước. Liên hệ đến điều này cũng có một sự tương phản khác. Trong quang cảnh của trường hợp thứ năm, có lễ Vượt qua. Trong quang cảnh của trường hợp được đề cập nơi chương bảy này có lễ Lều tạm. Lễ Vượt qua là lễ đầu tiên trong các lễ hằng năm của người Do Thái, và lễ Lều tạm là lễ sau cùng (Lê. 23:5, 34). Lễ Vượt qua, vì là lễ đầu tiên trong năm, tượng trưng cho sự khởi đầu của đời người (đc. Xuất. 12:2-3, 6), là điều liên quan đến việc con người tìm kiếm sự thỏa mãn và dẫn đến tình trạng đói của con người. Lễ Lều tạm, vì là lễ cuối cùng trong năm, chỉ về sự hoàn tất và thành công của đời người (đc. Xuất. 23:16), là điều sẽ kết thúc và đưa đến tình trạng khao khát của con người. Trong quang cảnh lễ Vượt qua, Chúa trình bày chính Ngài là bánh sự sống, làm thỏa mãn cơn đói của loài người. Trong quang cảnh lễ Lều tạm, Chúa hứa Ngài sẽ tuôn tràn nước sống, là nước làm cho loài người hết khát.

Lễ Vượt qua diễn ra vào khoảng đầu năm, là lúc người ta làm việc và lao khổ nặng nhọc. Trường hợp cho năm ngàn người ăn bày tỏ tình trạng người ta làm việc để thỏa mãn cơn đói, nhưng không được thỏa mãn. Họ lao khổ, làm việc, tìm kiếm một điều gì đó để thỏa mãn, mà không thể được. Trái lại, lễ Lều tạm xảy ra khi mùa thu hoạch đã qua. Dân chúng đã thâu bắp và rượu (Phục. 16:13-14). Tất cả mùa màng đều đã được gặt hái, và dân chúng đến với nhau tại lễ Lều tạm để vui hưởng, thưởng thức mọi thứ với gia đình mình, thậm chí với các đầy tớ mình. Chúng ta cần phải nhận biết rằng trong lễ Lều tạm dân chúng không lao khổ vì họ đã làm xong công việc, mùa màng đã gặt hái, bắp và rượu đã thâu xong. Đó là thời gian vui vẻ để vui hưởng – nhưng họ vẫn khát! Trường hợp thứ sáu bày tỏ rằng ngay cả sự thành công của họ cũng không làm cho họ hết khát.

Nếu đọc những câu Kinh Thánh về lễ Vượt qua trong Xuất Ai Cập Ký chương 12, anh em sẽ thấy lễ Vượt qua chỉ về hay ngụ ý nói đến sự khởi đầu của đời người. Dĩ nhiên lễ Vượt qua dành cho sự cứu rỗi. Khi được cứu rỗi, chúng ta có một khởi đầu mới. Lễ Vượt qua luôn luôn cử hành vào tháng Giêng trong năm. Như vậy, lễ này đánh dấu một sự khởi đầu mới mẻ. Theo một ý nghĩa, tất cả những người trẻ tuổi đều ở trong lễ Vượt qua, vì đời sống họ mới bắt đầu và họ có nhiều cao vọng. Dầu có lẽ chưa tốt nghiệp đại học, anh em cũng mong sau khi tốt nghiệp đại học mình sẽ là giáo sư, bác sĩ hay luật sư. Đó là lễ Vượt qua. Chúng ta đã thấy lễ Vượt qua luôn luôn chấm dứt bằng một cơn đói. Sau khi tốt nghiệp anh em sẽ không có gì hơn là “đói”. Càng đạt được địa vị cao trong nghề nghiệp, anh em càng cảm thấy đói. Càng kiếm được nhiều tiền, anh em càng không thỏa mãn. Trong Giăng chương sáu, lễ Vượt qua, tức là bước khởi đầu của cuộc đời, chấm dứt trong tình trạng bị đói.

B. Tượng Trưng Cho Sự Hoàn Tất Và Thành Công Của Cuộc Đời Với Sự Vui Hưởng Theo Cách Tôn Giáo
Sau khi đã thâu hoạch trọn mùa màng, người Do Thái dự lễ Lều tạm để vui hưởng những gì họ đã thâu hoạch được trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời (Xuất. 23:16; Phục. 16:13-15). Vì vậy, lễ này tượng trưng cho sự hoàn thành, thành đạt, và thành công trong nghề nghiệp, việc học hành, và những vấn đề khác của đời người, kể cả tôn giáo, cùng với sự vui mừng và hưởng thụ của những điều đó. Do đó, lễ Lều tạm ngụ ý sự hoàn thành trong công việc, thành quả đạt được và nghề nghiệp của anh em. Mặc dầu có thể thành công trong nghề nghiệp hay sự nghiệp của mình, anh em cần phải nhận biết điều đó sẽ dẫn đến một tình trạng bị khát. Cuối cùng, sau khi làm việc cả đời, anh em sẽ khát, vì điều gì cũng có ngày cuối cùng của nó. Mọi sự đều chấm dứt. Ngày cuối cùng luôn luôn là ngày quan trọng. Sau khi người ta đạt được một thành công nào đó, những người khác sẽ tổ chức cho họ một lễ kỷ niệm. Ngày lễ kỷ niệm của một người luôn luôn là ngày cuối cùng của người ấy. Đó là sự kết thúc, một sự kết thúc trống rỗng, đưa đến tình trạng bị khát. Trong chương sáu, chúng ta có sự khởi đầu của cuộc đời, đưa đến tình trạng bị đói; trong chương bảy, chúng ta có sự thành công và hoàn tất của cuộc đời, chấm dứt trong tình trạng bị khát. Trường hợp trong chương sáu trình bày rằng những con người lao khổ, làm việc, tìm kiếm và phấn đấu để tìm một điều gì đó thỏa mãn cơn đói của mình, nhưng không đạt được. Trường hợp trong chương bảy cho thấy rằng người ta đã có mọi sự mình cần, nhưng nhận thấy những điều ấy không làm cho mình hết khát. Họ đã đạt được mọi sự; họ đã hưởng thụ mọi sự. Nhưng với mọi thành công, mọi thành quả, ngay cả với mọi điều liên quan đến các lễ tiệc của mình, tức tôn giáo và đền thờ, họ vẫn không hết khát. Vì vậy, hai trường hợp ấy so sánh những người làm việc với những người đang nghỉ ngơi. Nhưng dầu đang làm việc hay nghỉ ngơi, anh em không thể làm cho mình đỡ đói hay hết khát.

Tuy nhiên Chúa là thức ăn cho những người lao khổ và Ngài sẽ cung cấp nước sống cho những người nghỉ ngơi. Thật ra, nhân loại chỉ tồn tại theo một trong hai tình trạng. Một là vì họ thiếu điều gì đó mà họ phải tìm kiếm, làm việc, phấn đấu và lao khổ; hai là vì họ có mọi sự nên họ có thể vui mừng hưởng thụ sự giàu có của mình. Nói cách khác, ban đầu anh em thấy mình không có gì cả; vì vậy, anh em phải làm việc và lao nhọc. Chẳng hạn, có thể anh em đang ở năm đầu đại học và phải khổ công học hành. Điều đó cũng giống như lễ Vượt qua. Sau khi tốt nghiệp, lãnh bằng cấp và có một nghề nghiệp tốt đẹp, anh em trở nên giàu có. Điều này giống như lễ Lều tạm vì công việc và sự lao khổ đã qua đi. Bây giờ anh em đang nghỉ ngơi và sống trong tình trạng vui mừng, hưởng thụ những lợi ích của công lao mình.

Anh em đang dự lễ nào – lễ Vượt qua hay lễ Lều tạm? Dầu đang dự lễ nào chăng nữa, anh em vẫn đói và khát. Dầu ở tình trạng nghèo hay giàu, dầu đang thiếu thốn hay dư dật, anh em cũng nhận biết mình đang đói hay khát. Nhiều sinh viên nước ngoài đến xứ Mỹ giàu có để học, nhưng trên thực tế, họ chỉ là những người đói. Sau khi cố gắng học hành trong vài năm, cuối cùng họ lấy được bằng Tiến Sĩ. Một số sẽ trở nên rất giàu có, nhưng họ vẫn là những người khát mà thôi.

Là một thanh niên, có lẽ anh em đang suy xét việc lập gia đình. Điều này bày tỏ anh em đang đói – đói một người vợ, đói một người giúp đỡ mình, đói một gia đình và con cái. Tôi phải nói với anh em rằng dầu anh em cưới được người vợ hiền nhất và có những đứa con ngoan nhất, sở hữu được mọi điều tốt nhất, cuối cùng anh em cũng sẽ đến bảy mươi hay tám mươi tuổi. Đó sẽ là lễ Lều tạm của anh em mà tại lễ ấy anh em vui mừng trong mọi sự và hưởng thụ mọi sự. Lúc ấy, anh em sẽ khám phá ra rằng không một điều gì có thể làm cho mình hết khát. Tại lễ Vượt qua, anh em đói, nhưng sau lễ Lều tạm, anh em vẫn khát. Khi nộp đơn vào đại học, anh em đói, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh em vẫn khát. Khi mới lập gia đình, anh em đói, bây giờ sau khi lập gia đình rồi, anh em cảm thấy mình vẫn khát.

Ngợi khen Chúa vì Đấng Christ là bánh sự sống cho những người lao khổ tại lễ Vượt qua. Nền giáo dục đại học không bao giờ có thể là bánh sự sống. Chỉ có chính Chúa mới có thể là sự thỏa mãn của chúng ta. Hơn nữa, chỉ có Đấng Christ mới có thể làm cho những người đang nghỉ ngơi và vui mừng tại lễ Lều tạm hết khát. Thậm chí khi có mọi sự, bắp và rượu, người ta nhận biết vẫn còn một cơn khát dai dẳng bên trong. Họ có thể vui mừng hưởng thụ sản phẩm trong tay mình, nhưng chỉ có Chúa mới có nước sống làm cho họ hết khát.

Nếu thấy được hai tiệc này, anh em sẽ thấy hai giai đoạn của tình trạng con người và hai phương diện của Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống cho chúng ta. Một mặt, Ngài là bánh sự sống đang khi chúng ta lao khổ; mặt khác, Ngài cung ứng nước sống đang khi chúng ta nghỉ ngơi. Một khi nhìn thấy ý tưởng này, anh em sẽ hiểu trọn Giăng chương bảy. Dầu là một chương dài, ý tưởng của chương này ngắn gọn. Ý tưởng ấy là khi thành công trong mọi thành tựu của mình, khi hưởng thụ mọi của cải mình, khi vui mừng trong mọi hoàn cảnh tốt nhất của mình, khi ấy anh em sẽ nhận thấy mình chưa hết khát. Không có điều gì đủ để làm anh em hết khát. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho anh em hết khát bằng cách ban cho anh em nước sống.

C. Nhắc Nhở Về Nhu Cầu Phải Có Đền Tạm Đời Đời Với Nước Sự Sống Tuôn Chảy Trong Đó
Đức Chúa Trời chỉ định lễ Lều tạm này để con cái Israel nhớ thế nào tổ phụ họ đã sống trong lều trại khi họ lang thang trong đồng vắng (Lê. 23:39-43) với lòng mong đợi bước vào sự an nghỉ của miền đất tốt lành. Vì vậy lễ này cũng nhắc nhở rằng ngày nay người ta vẫn còn ở trong đồng vắng và cần bước vào sự an nghỉ của Giê-ru-sa-lem Mới, là đền tạm đời đời (Khải. 21:2-3). Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cũng sống trong lều, trông mong đền tạm đời đời này (Hê. 11:9-10), trong đó sẽ có “sông nước sự sống, chảy ra từ ngai Đức Chúa Trời và Chiên Con” để làm cho loài người hết khát (Khải. 22:1, 17). Vào cuối một kỳ lễ như vậy, với một bối cảnh như vậy, Đấng Christ đã rao ra lời hứa về những sông nước sự sống, là điều sẽ thỏa mãn lòng mong đợi của con người cho đến đời đời (Gi. 7:37-39).

Lễ Lều tạm nhắc nhở dân chúng rằng họ cần đền tạm đời đời với sông nước sự sống tuôn chảy trong đó. Cách đây nhiều năm tôi đọc vài bài báo nói rằng vào thời xưa, khi dân Israel mừng lễ Lều tạm tại Giê-ru-sa-lem, họ dựng một tảng đá rất lớn và trên tảng đá ấy họ có những dòng nước chảy để nhắc lại rằng tổ phụ họ đã lang thang trong đồng vắng và uống những dòng nước chảy ra từ vầng đá bị nứt. Gần bên vầng đá ấy có thể họ dựng những túp lều cho thấy thế nào tổ phụ họ đã sống trong trại và lang thang trong đồng vắng, nhưng có vầng đá nứt ra với nước sống để giải khát cho họ. Mọi điều này có nghĩa là cả đời người ở trong đồng vắng. Dầu anh em là người đổ rác hay Tổng thống, người lao động hay giáo sư, anh em đang lang thang trong đồng vắng, dầu ở chung cư cao ngất hay sống trong một căn nhà gạch, anh em đang sống trong lều. Lều tượng trưng cho nơi ở tạm thời. Nếu so với Giê-ru-sa-lem Mới, ngay cả một lâu đài cũng là lều. Chúng ta đều là những lữ khách lang thang trong đồng vắng, sống trong lều, cần uống nước sống ra từ vầng đá. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng một ngày kia lễ Lều tạm thật sẽ đến. Lễ ấy sẽ ở trong trời mới, đất mới, mà trong đó Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là đền tạm đời đời. Khải Thị 21:3 nói rằng Giê-ru-sa-lem Mới là đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người. Đó là đền tạm thật, cố định, đời đời. Trong đền tạm Giê-ru-sa-lem Mới sẽ có sông nước sống liên tục làm cho tuyển dân của Đức Chúa Trời hết khát. Do đó, lễ Lều tạm nhắc nhở rằng chúng ta có một tương lai như vậy và làm cho chúng ta nhận thức rằng mình không bao giờ có thể thỏa mãn với những điều của thời đại này. Đó là những điều thuộc về cuộc hành trình của lữ khách. Tất cả rồi sẽ chấm dứt. Chúng ta là những người du hành. Chúng ta đang đi đến mục tiêu sau cùng, tức đền tạm đời đời là Giê-ru-sa-lem Mới trong trời mới và đất mới. Tại đây chúng ta không có nước thật sự làm cho mình hết khát; nước ấy ở trong Giê-ru-sa-lem Mới.

--