Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 20


NHU CẦU CỦA NHỮNG NGƯỜI Ở DƯỚI ÁCH NÔ LỆ CỦA TỘI – SỰ SỐNG GIẢI THOÁT (2)

F. Phương Cách Giải Thoát
1. Nhờ Ánh Sáng Của Sự Sống
Chúa Jesus giải thoát chúng ta khỏi tội bằng cách nào? Ngài làm điều đó bằng cách vào trong chúng ta như ánh sáng của sự sống. Ánh sáng này không phải ở bên ngoài chúng ta; mà ở bên trong chúng ta. Khi chúng ta tiếp nhận Chúa, Ngài vào trong chúng ta làm sự sống của chúng ta. Đó là sự sống cư ngụ bên trong bây giờ chiếu sáng chúng ta. Đó là ánh sáng. Sự chiếu sáng của sự sống cư ngụ bên trong này sẽ dần dần và tự phát làm cho chúng ta được tự do. Được tự do khỏi ách nô lệ của tội không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có thời gian. Mặc dầu anh em được làm cho sống động trong một giây, nhưng được tự do khỏi tội thì không đơn giản như vậy.

Chúng ta có thể dùng tính nóng nảy của mình để minh họa. Mọi người đều nóng tính. Nếu không nóng tính, anh em không phải là người. Cái bàn không nóng tính. Dầu anh em đập cái bàn bao nhiêu chăng nữa, nó sẽ không bao giờ mất bình tĩnh vì nó đâu có bình tĩnh để mà mất. Còn anh em thì sao? Mỗi người ít nhiều đều nóng nảy, và tính nóng nảy này là biểu hiện đầu tiên của bản chất rắn độc trong chúng ta. Biểu hiện chủ yếu của Sa-tan trong chúng ta là tính nóng nảy. Khi một người nổi nóng, bề ngoài của người ấy trông giống con rắn. Khi nổi nóng, không ai trông giống thiên sứ cả. Khi nổi nóng với vợ mình, anh em trông giống như một con quỉ. Khi một bà mẹ nhân từ nổi nóng với con mình, đứa con sẽ sợ hãi vì bà trông giống như một con quỉ. Khi chúng ta nổi nóng, bản chất rắn độc bày tỏ ra. Tánh nóng nảy của chúng ta quấy rầy chúng ta rất nhiều; nó làm chúng ta bối rối luôn. Suốt năm mươi năm làm một Cơ Đốc nhân tìm kiếm Chúa, không điều gì quấy rầy tôi nhiều hơn là tính nóng nảy của mình. Thật khó thoát khỏi tính nóng nảy của mình biết bao! Qua kinh nghiệm bản thân, tôi có thể làm chứng rằng từ ngày Chúa Jesus vào trong tôi, Ngài đã trở nên sự sống của tôi. Sự sống ấy liên tục chiếu sáng trong tôi. Jesus càng chiếu sáng trong tôi, tôi càng thoát khỏi tính nóng nảy của mình. Thỉnh thoảng khi tôi nổi nóng, ánh sáng này chiếu sáng cách mạnh mẽ. Anh em không kinh nghiệm điều này sao? Khi anh em nổi nóng với vợ mình thì ánh sáng chiếu đến. Những người không tin Chúa càng nổi nóng thì càng có tính nóng để mà nổi nóng. Nhưng khi chúng ta, là các Cơ Đốc nhân tìm kiếm Chúa, bắt đầu nổi nóng, thì chúng ta thấy mình càng ít tính nóng để nổi nóng. Đôi khi một anh em hay chị em đang nổi nóng thì bị sự chiếu sáng bên trong ngăn chặn mình lại. Có một điều gì đó ở bên trong chiếu sáng trên mình, giết chết bản chất rắn độc của mình. Sau năm mươi năm kinh nghiệm, tôi có thể nói bây giờ tôi rất khó nổi nóng. Suốt năm mươi năm, chất “phóng xạ thiên thượng” đã và đang giết chết bản chất rắn độc nóng nảy của tôi.


Phóng xạ được dùng để chữa trị một vài chứng bệnh. Bệnh nhân được đặt dưới chất phóng xạ, và tia phóng xạ truyền vào trong bệnh nhân. Chúng ta có chất phóng xạ thiên thượng bên trong mình, và chất phóng xạ này giết chết bản chất rắn độc. Đó là ánh sáng sự sống làm chúng ta được tự do khỏi ách nô lệ của tội.

2. Bởi Con Là Thực Tại
Chúng ta được giải thoát khỏi tội không những bởi sự chiếu sáng của ánh sáng sự sống, mà còn bởi Con là thực tại (8:32, 36). Thực tại không phải là cái gọi là lẽ thật của giáo lý; mà là thực tại của lẽ thật, tức là chính Chúa (14:6; 1:14, 17). Trong 8:32 chúng ta được biết “thực tại sẽ giải phóng các ngươi” .Giăng 8:36 cho chúng ta biết “Con giải phóng các ngươi”. Điều này minh chứng rằng Con, tức chính Chúa, là thực tại. Vì Chúa là hiện thân của Đức Chúa Trời (Côl. 2:9), Ngài là thực tại của những gì Đức Chúa Trời “là”. Vì vậy, thực tại chính là yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời được chúng ta nhận biết. Khi Chúa, là Đấng Ta Là, đến trong chúng ta như sự sống, Ngài chiếu sáng trong chúng ta như ánh sáng, đem yếu tố thần thượng là thực tại vào trong chúng ta. Thực tại này, là yếu tố thần thượng được truyền đạt vào trong chúng ta và được chúng ta nhận thức, thực tại này giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội bởi sự sống thần thượng là ánh sáng của loài người. Con của Đức Chúa Trời, là sự đầy đủ của Đức Chúa Trời Tam Nhất, là thực tại. Đang khi chiếu sáng trong chúng ta như sự sống, Ngài hành động để đem thực tại của Ngài, tức yếu tố thần thượng của Ngài, vào trong bản thể chúng ta. Đó không phải là một sự soi sáng suông, mà là một sự soi sáng đem thực tại của những gì Đức Chúa Trời “là” vào trong bản thể chúng ta. Cuối cùng, ngày lại ngày, năm này qua năm khác, yếu tố thần thượng ấy sẽ tích tụ trong bản thể chúng ta. Như vậy, trong bản thể chúng ta sẽ có một lượng thực tại thần thượng. Không ai có thể phủ nhận điều này.

Tôi đã là một Cơ Đốc nhân tìm kiếm Chúa trên năm mươi năm. Tôi không nói mình không thể ngã hay vấp. Ngày mai tôi có thể vấp vì người vợ yêu quí của mình hay vì một trong các anh em mình. Tuy nhiên, dầu tôi có thể vấp đến mức nào đi nữa, yếu tố thần thượng đã được đem vào bản thể tôi suốt năm mươi năm qua không bao giờ mất được. Dầu tôi vấp, tôi sẽ vấp với lượng yếu tố thần thượng rất nhiều của mình.

Nhờ sự soi sáng của sự sống bên trong và nhờ sự hành động của yếu tố thần thượng trong chính bản thể mình, chúng ta được tự do khỏi ách nô lệ của tội. Điều này giống như cách điều trị của y khoa để chữa những chứng bệnh trong máu. Rất khó loại trừ bệnh tật trong máu. Chúng ta cần đến thuốc. Nếu anh em uống thuốc mỗi ngày vài lần, một mặt thuốc sẽ hủy diệt vi trùng, mặt khác, thuốc truyền thêm yếu tố tích cực vào thân thể anh em cách hữu cơ. Yếu tố tích cực này sẽ cung cấp chất bổ vào các mô của thân thể tôi. Cuối cùng, bệnh sẽ bị nuốt mất. Nhờ tiến trình chuyển hóa này, yếu tố cũ bị thải ra và được thay thế bằng yếu tố mới. Đó là cách sự sống thần thượng giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội. Đó không phải là vấn đề kể mình đã chết theo La Mã chương 6. Nhiều người trong chúng ta đã thử điều này trong quá khứ và thấy không hiệu quả. Không, anh em phải kinh nghiệm Jesus sống động trong mình như ánh sáng chiếu soi và như yếu tố thần thượng hành động ở bề trong. Cuối cùng, yếu tố thiên thượng, thần thượng sẽ được thêm vào trong bản thể chúng ta. Đó là sự cứu rỗi của chúng ta.

Làm thế nào Chúa có thể giữ chúng ta không phạm tội nữa? Làm thế nào Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ và xiềng xích của tội? Đơn giản vì Đấng Ta Là lớn lao đã trở nên sự sống của chúng ta, và sự sống này là ánh sáng của sự sống. Khi chúng ta tiếp nhận Ngài, Ngài trở nên sự sống của chúng ta, và sự sống này trở nên chính ánh sáng đem chúng ta ra khỏi sự tối tăm của tội. Chỉ có ánh sáng của sự sống mới có thể giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích và ách nô lệ của tội. Chúa có thể tha thứ chúng ta vì Ngài là Con Loài Người, là Đấng chết cho chúng ta bằng cách chịu treo trên thập tự giá. Bây giờ, Chúa có thể giải cứu chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội vì Ngài là Đấng Ta Là lớn lao đang sống trong chúng ta. Bây giờ, Ngài trở nên sự sống, là ánh sáng trong chúng ta. Ánh sáng của sự sống này có thể giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội và giải cứu chúng ta khỏi sự tối tăm của tội. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức rằng mình được tự do chỉ bởi sự kiện Christ trở nên sự sống và ánh sáng của chúng ta. Hơn nữa, sự sống và ánh sáng này cũng sẽ đem chúng ta vào lẽ thật, tức là vào thực tại. Sau khi tiếp nhận và vui hưởng Chúa Jesus như sự sống và ánh sáng của mình, anh em sẽ thấy chính sự sống và ánh sáng thần thượng này đem anh em vào trong thực tại. Sau khi được đưa vào trong thực tại, anh em sẽ được giải cứu khỏi sự giả dối. Lý do vì sao người ta phạm tội cách dễ dàng là vì họ được sinh ra trong sự giả dối. Vì do ma quỉ, tức kẻ thù của Đức Chúa Trời, sinh ra, nên họ đều là những người nói dối bẩm sinh. Ma quỉ, tức cha của những kẻ nói dối, là kẻ nói dối lớn nhất. Vì vậy cha của những kẻ nói dối đã đem tất cả các tội nhân vào sự tối tăm của sự giả dối. Sự sống thuộc ma quỉ đã đem họ vào trong sự tối tăm, và sự tối tăm đã đem họ vào sự giả dối. Do đó, người ta rất dễ phạm tội khi họ ở trong sự giả dối. Nhưng ngợi khen Chúa, bây giờ chúng ta đã tiếp nhận Chúa vào trong mình làm sự sống và ánh sáng của mình. Sự sống và ánh sáng này đem chúng ta vào trong thực tại, là điều sẽ giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích và ách nô lệ của tội.

Trong phân đoạn này có sự so sánh giữa hai người cha. Một là cha của những kẻ nói dối, cha của sự giả dối, sát nhân và ngoại tình. Ban đầu, chúng ta do người cha này sinh mình ra. Chúng ta không nên nghĩ rằng mình chỉ do cha mẹ sinh ra. Một mặt, chúng ta do cha mẹ sinh ra, nhưng mặt khác, chúng ta do cha của sự giả dối sinh ra. Hắn là kẻ nói dối lớn nhất, còn chúng ta là những kẻ nói dối nhỏ hơn, tất cả đều là những kẻ nói dối bẩm sinh. “Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỉ” (8:44). Chúng ta đều do cha của sự giả dối này sinh ra. Kết cuộc, chúng ta là con của sự dối trá. Chúng ta không nên nghĩ rằng mình bẩm sinh là người Mỹ hay người Hoa, vì mỗi người bẩm sinh đều là kẻ nói dối.

Ngợi khen Chúa vì có một người cha khác là Cha thiên thượng, Cha của ánh sáng và lẽ thật. Ngài là Đấng Ta Là vĩ đại, là Đấng đã nhục hóa làm người. Là Con Loài Người, Ngài đã bị treo trên thập tự giá vì tội chúng ta và chết cho chúng ta. Bây giờ nếu chúng ta tin Ngài và tin những gì Ngài đã làm cho mình thì Ngài, tức Đấng Ta Là, là Cha của sự sống, sẽ đến trong chúng ta để làm sự sống và ánh sáng cho chúng ta. Khi ấy, Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi sự giả dối để vào trong thực tại, khỏi sự tối tăm để vào trong vương quốc của ánh sáng, là nơi chúng ta sẽ được giải thoát khỏi xiềng xích và ách nô lệ của tội.

IV. THÂN VỊ CỦA CHÚA
Trong chương này còn có nhiều điều hơn, vì chương này bày tỏ thân vị của Chúa, ấy là cho chúng ta biết Chúa là ai.

A. Đấng Ta Là Vĩ Đại
Chúa là Giê-hô-va, Đấng Ta Là vĩ đại (8:24, 28, 58). “Ta Là” chính là ý nghĩa của danh Giê-hô-va (Xuất. 3:14), và Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời trong mối liên hệ với loài người (Sáng. 2:7). Vì vậy, danh này chỉ về Chúa là Đức Chúa Trời hằng hữu trong mối liên hệ với loài người. Là Đấng Ta Là vĩ đại, Chúa là Đấng đời đời, hiện hữu từ đời đời đến đời đời. Ngài không có lúc bắt đầu hay chấm dứt của thời gian. Là Đấng Ta Là vĩ đại, Ngài là Đấng tự hữu, hằng hữu cho đến đời đời. Không những Ngài là Jesus, tức là người từ Na-xa-rét, mà Ngài còn là Đấng Ta Là vĩ đại.

Nói rằng Chúa là Đấng Ta Là có nghĩa Ngài là tất cả những gì chúng ta cần. Điều này cũng giống như có một ngân phiếu trống, trên đó anh em có thể điền số tiền mình cần. Nếu anh em cần ánh sáng, anh em chỉ cần điền vào “ánh sáng”, rồi Chúa sẽ là ánh sáng cho anh em. Nếu anh em cần sự an ủi, Chúa sẽ là sự an ủi của anh em. Loại ngân phiếu này không bao giờ bị trả lại vì không bao giờ thiếu tiền ký gửi trong trương mục thiên thượng. Anh em hãy dạn dĩ viết vào đó một số lượng lớn. Anh em viết gì thì tùy thuộc vào anh em. Chúa là mọi sự anh em cần. Bây giờ tùy anh em điền vào điều mình cần. Ngài là Đấng Ta Là vĩ đại.

B. Trước Áp-ra-ham Và Lớn Hơn Áp-ra-ham
Là Đấng Ta Là vĩ đại, tức Đức Chúa Trời đời đời, hằng hữu, Chúa có trước Áp-ra-ham và Ngài lớn hơn Áp-ra-ham (8:53). Người Do Thái không hiểu điều này và tranh luận với Chúa. “Người Do Thái nói với Ngài: Thầy chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy Áp-ra-ham sao? Jesus nói với họ: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi, trước khi Áp-ha-ham hiện hữu, Ta là” (8:57-58, RcV). Văn phạm ở đây thật vụng về, vì Chúa phán: “Trước khi Áp-ha-ham hiện hữu, Ta là”. Theo văn phạm, lẽ ra Ngài phải nói: “Ta đã là”. Nhưng Ngài là Đấng hiện tại, Đấng Ta Là. Dầu trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Ngài luôn luôn là Đấng hiện tại.

C. Con Là Thực Tại
Như chúng tôi đã nêu lên qua những gì đã được đề cập trong các câu 32 và 36, Con là thực tại. Chúa là Con, là thực tại để truyền mọi yếu tố thần thượng vào trong các tín đồ Ngài.

D. Con Loài Người
Một phương diện khác của Chúa đó là Ngài là Con Loài Người. Một mặt, Ngài là Đấng Ta Là vĩ đại; mặt khác, Ngài là Con Loài Người (8:28). Người Do Thái treo Con Loài Người lên, nhưng họ không thể treo Đấng Ta Là. Điểm này dường như rất kỳ lạ, nhưng theo câu 28, mãi đến khi treo lên Con Loài Người, họ mới biết Ngài là Giê-hô-va, tức Đấng Ta Là vĩ đại. Ngài bị treo lên trong hình dạng con rắn cho những tội nhân bị rắn độc cắn để quăng ra con rắn xưa (Gi. 3:14; 12:31-34; Khải. 12:9; 20:2). Ngài bị treo lên để xử lý bản chất rắn và xử lý chính con rắn.

Làm sao Chúa có thể làm một Đấng không có tội? Đó là vì Ngài là Giê-hô-va, tức Đấng Ta Là vĩ đại. Làm thế nào Chúa định tội được? Cũng bởi vì Ngài là Đấng Ta Là vĩ đại. Nhưng làm thế nào Ngài là Giê-hô-va có thể tha tội? Anh em cần phải nhớ rằng Giê-hô-va không bao giờ có thể tha tội. Nếu Giê-hô-va tha tội thì Ngài hóa ra không công chính. Chỉ có một cách để Ngài tha tội, và đó là bằng cách làm Con Loài Người, bị đóng đinh trên thập tự giá. Nói cách khác, Ngài chỉ có thể tha tội bằng cách cứu chuộc. Không có sự cứu chuộc, chính Đức Chúa Trời không thể nào tha tội. Không có sự cứu chuộc thì không có nền tảng nào để tha tội cả. Vì Ngài bị treo lên thập tự giá như Con Loài Người, mang tội lỗi của chúng ta, và cứu chuộc chúng ta khỏi mọi tội lỗi, nên Ngài có vị trí để tha tội.

Cả Phúc Âm Giăng cũng bày tỏ rằng Chúa là Lời và là Linh. Trong toàn bộ Phúc Âm này có tư tưởng ấy. Một khi anh em nhìn thấy thân vị kỳ diệu của Chúa trong Phúc Âm này, anh em sẽ hỏi: “Ngài ở đâu và làm sao tôi có thể tiếp xúc với Ngài được?” Ngợi khen Chúa vì Ngài ở trong Lời và ở trong Linh, vì Ngài là Lời và Ngài là Linh. Bây giờ anh em có cả Lời và Linh. Nếu anh em tiếp xúc với Linh và tiếp nhận Lời, khi ấy anh em có chính Chúa. Anh em có mọi sự bằng cách cứ ở và tiếp tục ở trong Lời Chúa (8:31). Nếu anh em giữ mình tiếp xúc với Lời Chúa, có nghĩa là anh em đang ở trong chính Chúa. Bằng cách tiếp xúc với Lời, anh em đang tiếp xúc với nguồn của sự sống đời đời, bất tận.

Kết quả là vì anh em luôn luôn tiếp xúc với chính Chúa nên anh em sẽ không bao giờ nếm sự chết (8:51). Điều này đã được lịch sử minh chứng. Có vài thánh đồ khi sắp chết, họ không nếm sự chết dầu họ đang hấp hối. Chẳng hạn như khi D. L. Moody hấp hối, ông chết cách can đảm. Ông chết mà không nếm sự chết vì ông cứ ở trong Chúa và tiếp xúc với nguồn sự sống. Tương tự như vậy, nếu cứ ở và tiếp tục ở trong Lời Chúa, chúng ta cũng sẽ tiếp xúc với nguồn sự sống luôn luôn. Khi ấy, chúng ta sẽ không bao giờ nếm sự chết. Chúng ta sẽ vượt qua sự chết mà không nếm sự chết.


Phúc Âm Giăng là sách sự sống. Trong Phúc Âm này, nhiều lần người ta hỏi Chúa những câu hỏi với ý định để Ngài trả lời có hay không. Tuy nhiên, Chúa không bao giờ trả lời có hay không. Chẳng hạn như trong chương bốn, người đàn bà Sa-ma-ri nói: “Tổ phụ chúng tôi thờ lạy trên núi nầy, còn các ông lại nói nơi đáng thờ lạy là tại Giê-ru-sa-lem” (4:20). Nói cách khác, bà đang hỏi Ngài nơi nào là nơi đúng đắn để thờ phượng. Chúa Jesus không nói nơi nào là đúng. Ngài nói rằng Đức Chúa Trời là Linh và chúng ta phải thờ phượng Ngài trong linh (4:24). Vấn đề không phải là ở đây hay ở đó, mà là chúng ta có thể tiếp xúc với Đức Chúa Trời, là cây sự sống, trong linh hay không. Chúa Jesus không trả lời có hay không, nhưng Ngài xoay bà về linh con người để tiếp xúc với Đức Chúa Trời, là cây sự sống. Trong chương tám nguyên tắc cũng giống như vậy khi người Pha-ri-si đem đến một người đàn bà tội lỗi và hỏi Chúa có nên ném đá bà ta không. Một lần nữa, Chúa không trả lời có hay không. Ngài nói: “Ai trong các ngươi là vô tội, hãy ném đá nàng trước đi” (8:7). Câu trả lời của Chúa xoay người ta đến với Chúa, là cây sự sống. Về sau, khi đến chương chín, chúng ta sẽ thấy các môn đồ hỏi Chúa một câu về người mù bẩm sinh, chất vấn Ngài xem tội thuộc về ai, tội của người mù hay của cha mẹ người mù đã làm cho người ấy bị mù bẩm sinh. Chúa trả lời họ bằng cách nói rằng: “Không phải người này đã phạm tội cũng không phải cha mẹ người, nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong người” (9:3, RcV). Một lần nữa, Chúa trả lời bằng cách chỉ cho họ Đức Chúa Trời là cây sự sống. Phúc Âm Giăng là sách sự sống và không bao giờ cho chúng ta câu trả lời theo cây kiến thức về thiện và ác, nhưng luôn luôn xoay người ta đến với cây sự sống. Không có câu trả lời đúng hay sai, tốt hay xấu, có hay không. Chỉ có một điều là sự sống. Anh em không cần đúng, cũng như anh em không cần sai. Anh em chỉ cần quan tâm đến sự sống. Khi anh em có sự sống, mọi sự đều tốt đẹp.