Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 21





NHU CẦU CỦA NGƯỜI MÙ TRONG TÔN GIÁO –THỊ GIÁC CỦA SỰ SỐNG VÀ SỰ CHĂN DẮT CỦA SỰ SỐNG (1)

Như chúng tôi đã đề cập, chín trường hợp trong Phúc Âm Giăng được chia ra làm hai nhóm. Sáu trường hợp đầu bày tỏ thế nào Chúa, là sự sống của chúng ta, có thể ứng xử với những điều tích cực, trong khi ba trường hợp sau bày tỏ thế nào Chúa, là sự sống của chúng ta, có thể xử lý những điều tiêu cực. Chúng ta hãy ôn lại các trường hợp ấy một lần nữa. Sáu trường hợp đầu bày tỏ Chúa là sự sống để tái sinh, làm thỏa mãn, chữa lành, làm sống động, nuôi dưỡng và làm hết khát. Sáu dấu hiệu này tạo thành một nhóm vì bàn đến những phương diện tích cực của sự sống Ngài. Ba trường hợp sau giải quyết những điều tiêu cực về tội, sự đui mù và sự chết. Tội gây nên sự đui mù và dẫn đến sự chết. Vì vậy, ba điều đó – tội, sự đui mù và sự chết – tạo thành một nhóm bày tỏ thế nào Chúa, là sự sống của chúng ta, giải quyết những điều tiêu cực này. Trong sáu trường hợp đầu Chúa đem chúng ta đến những điều tích cực, nhưng trong ba trường hợp sau, Ngài giải cứu chúng ta khỏi những điều tiêu cực vì Ngài giải cứu chúng ta khỏi tội, sự đui mù và sự chết.


Theo 20:30-31, người viết cho thấy Jesus làm nhiều dấu lạ. Trong tất cả những trường hợp này, người viết chỉ chọn ra chín dấu lạ. Vì vậy, những dấu lạ này phải đầy ý nghĩa và thứ tự chúng được trình bày cũng phải rất quan trọng. Chẳng hạn như trường hợp đầu tiên là về sự tái sinh, và trường hợp sau cùng là về sự phục sinh từ người chết. Do đó trường hợp đầu là về sự tái sinh trong bước đầu của sự sống, và trường hợp sau cùng là về sự phục sinh sau khi cuộc đời chấm dứt. Hơn nữa trong nhóm các trường hợp sau, tội xếp hàng đầu trong số những điều tiêu cực vì tội là nguồn gốc của sự đui mù và sự chết. Sự đui mù bắt nguồn từ tội, và sự chết là kết cuộc sau cùng của tội. Trong bài này chúng ta sẽ bàn đến vấn đề đui mù.

Một vài độc giả Kinh Thánh không sáng tỏ rằng Giăng chương 10 là sự tiếp nối của Giăng chương 9. Tuy nhiên, nếu đọc cẩn thận, anh em sẽ thấy chương mười là phần tiếp tục của chương chín. Vì vậy hai chương này hình thành một phần của Lời Thánh. Giăng 10:21 giúp chúng ta nhận biết chương mười là phần nối tiếp của chương chín, vì câu hỏi được nêu lên: “Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?” Tuy nhiên, mỗi chương bàn đến một điểm khác nhau. Trong hai chương này, hai phương diện chính yếu về chính Chúa được khải thị: Chúa ban thị giác cho người mù và Chúa chăn dắt các tín đồ bên ngoài tôn giáo.

I. THỊ GIÁC CỦA SỰ SỐNG DÀNH CHO NGƯỜI MÙ
Trường hợp này tiếp tục chứng minh tôn giáo của luật pháp không thể làm điều gì tốt lành cho một người mù, nhưng Chúa Jesus là ánh sáng của thế giớimới có thể truyền thị giác cho người ấy theo cách của sự sống (10:10, 28). Dấu lạ này được thực hiện vào ngày Sa-bát. Dường như một lần nữa Chúa cố ý làm một dấu lạ vào ngày Sa-bát để phơi bày sự hư không của các lễ nghi tôn giáo.

Cũng như tội trong chương trước, sự đui mù là vấn đề sự chết. Người chết chắc chắn đui mù. “... thần của đời nầy đã làm mù tâm tư của kẻ chẳng tin”. Cho nên họ cần “sự sáng chói của phúc âm vinh hiển của Đấng Christ” chiếu sáng trên họ (2 Cô. 4:4), “mở mắt họ, khiến họ xây khỏi tối tăm mà hướng về sự sáng, khỏi quyền bính của Sa-tan mà hướng về Đức Chúa Trời” (Công. 26:18). Theo nguyên tắc được đưa ra trong chương hai, đây cũng là sự thay đổi từ chết qua sống.

A. Mù Bẩm Sinh
Xin chúng ta đọc 9:1-3. “Khi Jesus đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra. Môn đồ hỏi Ngài rằng: ‘Ra-bi, ai đã phạm tội, người nầy hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù?’ Jesus đáp rằng: ‘Người nầy không phạm tội, cha mẹ người cũng không, nhưng ấy để cho công việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người’ ”. Các môn đồ nêu lên câu hỏi này theo kiến thức tôn giáo của họ. Họ nghĩ rằng người này bị mù như vậy ắt hẳn do tội của anh hay do tội của cha mẹ anh. Cũng giống như trong 4:20-25 và 8:3-5, câu hỏi này là vấn đề có hay không, thuộc về cây kiến thức dẫn đến sự chết (Sáng. 2:17), nhưng câu trả lời của Chúa trong 9:3 chỉ cho họ Đức Chúa Trời, là cây sự sống dẫn đến sự sống (Sáng. 2:9). Chúng ta đã thấy trong Phúc Âm Giăng Chúa không bao giờ trả lời những câu hỏi như vậy bằng một câu trả lời có hay không, đúng hay sai. Lý do là vì Phúc Âm Giăng là sách sự sống, không phải sách kiến thức về thiện và ác. Vì vậy, Chúa nói người đàn ông bị mù là để “công việc của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trong người”.

Vì sao Chúa không bao giờ trả lời với một chữ “có” hay “không”? Vì những câu trả lời “có”, “không” đến từ cây kiến thức về thiện và ác. Thiện và ác cũng giống như có và không. Trong khi có và không thuộc về cây kiến thức về thiện và ác, trong Phúc Âm này, Chúa đến với chúng ta như cây sự sống. Cây sự sống là Đức Chúa Trời là sự sống của chúng ta. Do đó, trong Phúc Âm này Chúa không bao giờ trả lời với người ta là có hay không. Ngài luôn luôn nhắc họ về Đức Chúa Trời. Chúa không lấy có hay không làm câu trả lời, nhưng Ngài nhắc đến Đức Chúa Trời là cây sự sống. Câu trả lời của Chúa trong chương 9 câu 3 đem các môn đồ Ngài trực tiếp đến với Đức Chúa Trời, tức là câu trả lời ấy đem họ đến với cây sự sống. Ở điểm này, các môn đồ vẫn rất nặng tinh thần tôn giáo, bám lấy những quan niệm tôn giáo của mình, vốn thuộc về cây kiến thức về thiện và ác, nhưng nhiều lần Chúa tìm cách xoay họ khỏi cây kiến thức để hướng về cây sự sống. Các môn đồ ấy đã được Chúa huấn luyện về vấn đề này suốt ba năm rưỡi. Thậm chí sau thời gian đó, một trong các môn đồ là Phi-e-rơ đã không hoàn toàn thoát khỏi quan niệm tôn giáo, vì trong Công-vụ 10:9-16 chúng ta thấy ông vẫn còn nặng tinh thần tôn giáo, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cây kiến thức về thiện và ác. Có lẽ chúng ta tự cho rằng mình đã thoát khỏi cây kiến thức, nhưng ngay cả bây giờ chúng ta có thể vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của nó rất nhiều.

Khi còn là tội nhân, chúng ta mất thị giác và không thấy gì cả. Sự đui mù của chúng ta là do bản chất tội lỗi của mình gây ra. Trong chương chín, người này bị mù từ lúc mới ra đời, nghĩa là sự đui mù nằm trong bản chất một người khi người ấy ra đời. Tội nhân chúng ta đui mù từ trong bản chất vì chúng ta bẩm sinh là như vậy. Anh em có bao giờ nhận thấy mọi tội nhân đều bẩm sinh đui mù không? Vì vậy, nếu thừa nhận mình là tội lỗi, chúng ta cũng phải thừa nhận mình đui mù.

B. Nhận Ánh Sáng
1. Bởi Ánh Sáng Của Sự Sống
Khi Chúa Jesus thấy người mù này, Ngài nói: “Khi Ta còn ở thế gian, thì Ta là sự sáng của thế gian” (9:5). Chúa là ánh sáng của sự sống (8:12). Sự đui mù là do thiếu hụt ánh sáng của sự sống. Mỗi một người chết đều là một người mù. Chắc chắn người chết không thể thấy gì cả. Vì vậy, sự đui mù chỉ về tình trạng thiếu sự sống. Nếu có sự sống, anh em có thị giác, vì ánh sáng mở mắt anh em. Cho nên trước hết, Chúa nêu lên rằng người mù cần ánh sáng của sự sống.

2. Bởi Sự Xức Dầu Của Lời Sự Sống Hòa quyện Với Nhân Tính
Câu 6 là một câu rất hay: “Ngài phán như vậy rồi, thì nhổ nước miếng xuống đất, lấy hòa thành đất sét, đem thoa mắt người mù”. Khi còn là một Cơ Đốc nhân trẻ tuổi, vì không hiểu ý nghĩa của câu này, tôi đã cười khi đọc thấy Chúa làm như vậy. Điều Ngài làm rất lạ kỳ. Không ai thích chạm đến nước miếng của người khác. Nhưng Chúa Jesus trộn nước miếng của Ngài với đất và làm thành đất sét. Rồi Ngài dùng đất sét để xức mắt người ấy. Phúc Âm Giăng là một sách của những hình ảnh, và sự kiện này là một bức ảnh. Chúng ta không nên hiểu sự kiện này chỉ theo giấy trắng mực đen. Chúng ta cần phải cầu nguyện và trông đợi Chúa để nhận được ý nghĩa thật.

Tôi không thể nói với anh em là tôi đã dành bao nhiêu thì giờ nghiên cứu điểm này. Tôi tham khảo nhiều quyển sách, cố tìm một lời giải nghĩa, nhưng không tìm được. Một ngày kia, cách đây không quá hai mươi lăm năm, tôi thấy vấn đề hòa quyện của sự sống thần thượng với nhân tính. Từ ngữ “hòa quyện” này đã được chúng ta sử dụng không quá hai mươi lăm năm. Nếu đến những tiệm sách Cơ Đốc, anh em sẽ không tìm được một quyển nào nói đến vấn đề hòa quyện. Cùng lắm là các sách nói về sự liên hiệp với Chúa và đồng nhất với Ngài. Không một quyển nào bàn đến vấn đề hòa quyện. Vào năm 1958, khi đến thăm đất nước này lần đầu, tôi chia sẻ một bài về sự hòa quyện của sự sống thần thượng với nhân tính. Một người giảng đạo, tốt nghiệp đại học Oxford, liền điều chỉnh tiếng Anh của tôi, nói rằng hòa quyện không đúng, bảo rằng tôi nên dùng từ ngữ “cùng hòa quyện”. Tôi đáp: “Tôi không biết chắc từ ngữ này có phải là từ ngữ tiếng Anh đúng đắn hay không, vì tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, nhưng tôi thật sự biết có một sự kiện như vậy giữa sự sống thần thượng và nhân tính”. Về sau, qua sách Lê-vi Ký, tôi biết chắc từ ngữ hòa quyện là từ ngữ đúng.

Từ ngữ “hòa quyện” được dùng trong Lê-vi Ký 2:5. “Nếu ngươi dùng vật chiên trong chảo để làm của lễ chay, thì phải bằng bột mịn không men, hòa quyện với dầu”. Đó là một biểu tượng. Bột mịn tượng trưng cho nhân tính của Chúa Jesus, và dầu tượng trưng cho Thánh Linh, tức thần tính của Chúa Jesus. Vì vậy, trong thân vị của Chúa Jesus có sự hòa quyện của thần tính với nhân tính. Do đó, khi đến thăm đất nước này lần thứ hai, tôi bắt đầu mạnh dạn nói về sự hòa quyện của sự sống thần thượng với nhân tính chúng ta. Một vài người lưu ý tôi đừng nói nhiều về điều này, mà nên ở trong giới hạn của sự đồng nhất và liên hiệp. Tôi nói: “Các anh ơi, tôi không quan tâm đến quan niệm của con người. Tôi chỉ quan tâm đến Lời thuần khiết mà thôi. Còn Lê-vi Ký 2:5 – bột mịn được hòa quyện với dầu thì sao? Đừng đến với tôi. Các anh nên đến với Môi-se. Ông mới là người đầu tiên dùng từ ngữ ấy”. Kể từ năm 1963 Chúa đã cho chúng ta gánh nặng xuất bản tờ báo mang tựa đề The Stream. Trong tờ báo này, nhiều lần chúng ta đã nói về sự hòa quyện. Hiện nay nhiều người đã học được ý tưởng này.

Bây giờ chúng ta có thể trở lại Giăng chương 9 và áp dụng khái niệm này về sự hòa quyện của thần tính với nhân tính. Đất sét trong 9:6, cũng như trong La Mã 9:21, tượng trưng cho nhân tính. Con người là đất sét. Tất cả chúng ta đều là đất sét. Còn nước miếng là gì? Ở đây, nước miếng là một điều gì “ra từ miệng” (Mat. 4:4) của Chúa, tượng trưng cho “lời... là linh và sự sống” của Ngài (Gi. 6:63). Nói theo nghĩa bóng, nước miếng là Lời, là linh và sự sống, ra từ miệng Chúa. Lời ra từ miệng Christ là linh. Do đó, hòa quyện nước miếng với đất sét tượng trưng cho sự hòa quyện nhân tính với Lời sống động của Chúa. Từ ngữ “được xức dầu” chứng minh điều này, vì Linh của Chúa là Linh xức dầu (Lu. 4:18; 2 Cô. 1:21-22; 1 Gi. 2:27). Vậy thì nước miếng tượng trưng cho Lời, sự tuôn chảy của chính yếu tố hay thể yếu của chính Chúa. Đất sét được hòa quyện với nước miếng. Điều này có nghĩa là Chúa hòa quyện thể yếu của Ngài với chúng ta bởi Lời Ngài và thậm chí với Lời Ngài. Theo bản chất chúng ta là đất sét, và chính thể yếu của Chúa trong Lời là nước miếng. Trước đây, khi còn là tội nhân, chúng ta chết. Rồi khi nghe Lời Chúa, Lời ấy đến trong chúng ta là những con người được làm nên bằng đất sét. Khi chúng ta nghe và tiếp nhận phúc âm, thì thật sự là nước miếng của Chúa đã vào trong chúng ta, là những con người bằng đất sét. Nói cách khác, đất sét nhận lấy điều gì đó ra từ miệng Chúa và hòa quyện với điều đó.

Sự hòa quyện thần tính với nhân tính là dầu xức thắng thế nhất trên cả trái đất. Không dầu xức nào có thể trổi hơn. Chúa đã lấy đất sét hòa quyện nước miếng mà xức đôi mắt đui mù của người ấy. Điều này tượng trưng cho sự xức dầu của Linh sự sống. Sự xức dầu của Linh sự sống theo sau sự hòa quyện của Chúa trong Lời Ngài với đất sét. Ngay sau khi anh em nhận Chúa qua Lời Ngài, thì có sự xức dầu của Linh sự sống. Việc Chúa xức mắt người mù bằng đất sét làm bằng nước miếng Ngài có nghĩa là bởi sự xức dầu bằng Lời của Chúa, tức Linh Ngài, hòa quyện với nhân tính chúng ta mà mắt chúng ta, vốn bị Sa-tan làm cho đui mù, được sáng.

3. Bởi Sự Vâng Phục Lời Sự Sống Và Sự Rửa Sạch Nhân Tính Cũ
Sau khi mắt người mù được xức bằng đất sét, thì người ấy mù hơn trước. Bây giờ có một lớp đất sét dày che mắt ông. Chúa bảo ông: “Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê” (9:7). Người đàn ông đi, rửa và trở về thì thấy được. Rửa ở đây là tẩy sạch đất sét. Điều này có nghĩa là rửa sạch nhân tính của chúng ta, như chúng ta đã từng được rửa như vậy trong báp-têm (La. 6:3-4, 6). Người mù đi và rửa nghĩa là người ấy vâng theo Lời ban-sự-sống của Chúa. Vì thế, ông nhận được thị giác. Nếu ông không đi để rửa sạch đất sét sau khi được xức bằng đất sét, thì ông còn bị mù hơn trước. Do đó, vâng phục sự xức dầu đem lại thị giác cho chúng ta.

Từ ngữ Si-lô-ê nghĩa là được sai đi. Điều này rất ý nghĩa. Sự xức dầu của Linh sự sống nghĩa là anh em luôn luôn ở trong vị trí được sai đi. Sự xức dầu đặt chúng ta trên chỗ đứng được sai đi. Vì vậy, chúng ta phải vâng lời. Chính Chúa luôn luôn đứng trong vị trí được Cha sai đi và Ngài luôn luôn vâng lời. Bây giờ Chúa đặt chúng ta trong cùng một vị trí như là những người được Ngài sai đi. Sau khi chúng ta tiếp nhận Chúa trong Lời Ngài và có sự xức dầu của Ngài, Ngài đặt chúng ta ở vị trí được sai đi. Bây giờ chúng ta phải vâng phục sự sai phái của Ngài. Sau khi nhận được Chúa trong Lời Ngài, bước đầu tiên anh em nên bước để vâng lời là gì? Một khi anh em đã tin Chúa và nhận Ngài trong Lời Ngài, Chúa sẽ yêu cầu anh em đi đến một cái “ao”. Bước đầu tiên là Chúa sẽ sai anh em đến một cái “ao”. Ngài sai anh em đi để rửa và chịu báp-têm. Từ đó về sau, hằng ngày và suốt ngày, anh em cần áp dụng sự rửa sạch này. Hằng ngày anh em cần nhận thức rằng mình đang được rửa suốt cả ngày. Ngay chính hôm nay, tôi đã được rửa vài lần. Một mạng lệnh từ nơi Chúa luôn luôn theo sau sự xức dầu của Linh sự sống bên trong anh em: “Hãy đi và rửa”.

Chương này trình bày về một người mù. Chúa nhào đất sét và dùng đất sét ấy mà xức cặp mắt của người mù. Rồi Chúa bảo ông rửa nơi ao Si-lô-ê. Một khi người mù đã rửa mắt mình, đất sét ra đi. Đất sét là gì? Đất sét tượng trưng cho sự sống thiên nhiên hoặc bản ngã con người. Khi anh em đi chịu báp-têm, thì con người cũ, đất sét cũ, được rửa đi. Sau khi rửa, đất sét bị chôn và chìm dưới nước. Con người cũ của anh em bị chôn dưới nước sau khi anh em chịu báp-têm. Tuy nhiên, đồng thời anh em có nhận biết rằng mình phải áp dụng sự rửa sạch của báp-têm hằng ngày không? Mỗi ngày trong đời sống Cơ Đốc nhân của mình, anh em phải áp dụng sự rửa sạch của báp-têm bằng cách đặt bản ngã và bản chất con người cũ dưới nước sự chết.

Anh em cần phải nhớ rằng sự xức dầu bên trong luôn luôn đòi hỏi anh em áp dụng sự rửa sạch của báp-têm cho chính mình. Nếu không áp dụng điều này, anh em không bao giờ có thể vâng phục trong việc đi theo sự xức dầu. Sự xức dầu bên trong luôn luôn đòi hỏi anh em đi đến ao Si-lô-ê và làm cho mình chết đi. Anh em phải chôn chính mình là đất sét dưới nước sự chết. Có lẽ anh em đã nhận được một sự xức dầu sáng hôm nay. Nếu thờ ơ không áp dụng sự rửa sạch của báp-têm cho chính mình, anh em không thể vâng phục sự xức dầu ấy. Mạng lệnh đặt chính mình dưới nước sự chết theo ngay sau sự xức dầu. Sự xức dầu đòi hỏi anh em kết liễu đất sét cũ kỹ. Khi làm như vậy, anh em sẽ nhận được thị giác và ánh sáng. Theo kinh nghiệm của chúng ta, sau khi chúng ta đi theo sự đòi hỏi của sự xức dầu để đặt chính mình vào nước sự chết, chúng ta ở trong ánh sáng rất dư dật và có thị giác rất sáng tỏ. Mọi sự đều sáng tỏ đối với chúng ta vì bây giờ chúng ta vừa có thị giác, vừa có ánh sáng. Mặt trời thật ở trong chúng ta. Mắt chúng ta được mở ra và chúng ta thấy rất rõ vì đã nhận được thị giác. Bây giờ chúng ta đang ở trong ánh sáng.

Điều gì đã xảy ra nếu người mù không chịu vâng theo khi Chúa truyền lệnh đi và rửa? Mặc dầu mắt anh đã xức đất sét, thái độ từ chối còn làm cho anh thậm chí còn mù hơn nữa. Cho đến lúc ấy, điều Chúa đã làm là một cái màn hay một sự che phủ thay vì là cất màn che đi. Cũng vậy, nếu chúng ta không vâng theo sự xức dầu của Linh sự sống và đặt chính mình vào sự chết, sự xức dầu sẽ trở nên màn che mắt chúng ta thay vì mở chúng ra. Nhưng nếu chúng ta vâng theo sự xức dầu của Linh sự sống và đặt mình vào sự chết, mắt chúng ta sẽ mở ra. Tóm lại, chúng ta sẽ có thị giác và ở trong sự sáng. Nếu không, sự bất tuân của chúng ta sẽ làm cho sự xức dầu của Linh sự sống trở nên màn che mắt mình. Rồi chúng ta sẽ bị mù nặng hơn và bị đem vào sự tối tăm sâu hơn.

Khi mới nhận được sự giải nghĩa này, tôi đã cười. Tôi nói: “Chao ôi, việc trộn đất sét với nước miếng đã kỳ lạ rồi. Bây giờ tôi lại nhận được một cách giải nghĩa kỳ lạ như vầy đây”. Ban đầu tôi không thể tin được. Tuy nhiên, khi cầu nguyện và kiểm lại với kinh nghiệm của mình, thì tôi tin. Nếu làm giống như tôi, anh em sẽ thấy đó là sự giải nghĩa đúng đắn. Nhiều lúc anh em có sự soi sáng bởi Linh thần thượng hòa quyện với nhân tính của mình. Trong một khoảng thời gian ngắn, mắt anh em bị che phủ và tạm thời anh em bị mù hơn bao giờ hết. Cuối cùng, sau khi vâng theo Lời ban-sự-sống, bản chất cũ của anh em sẽ được rửa sạch. Khi ấy anh em có một bầu trời quang đãng. Xin hãy kiểm tra lại với kinh nghiệm của mình. Đó là trình tự mỗi khi anh em nhận ánh sáng.

Chỉ đọc hay học Kinh Thánh thì không đủ. Nếu không có sự hòa quyện của sự sống thần thượng với nhân tính của mình, anh em sẽ không bao giờ có thể thấy ánh sáng của Lời. Anh em có thể đọc, nhưng không thể thấy. Có lẽ anh em đã đọc một câu nào đó trong Kinh Thánh nhiều lần, nhưng không thấy ánh sáng trong đó. Một ngày kia anh em bắt đầu thấy. Ngay lập tức mắt anh em bị che phủ và tạm thời anh em còn đui mù hơn. Nhưng nếu anh em vâng theo Lời sống động và nói: “A-men, Chúa Jesus”, ngay lập tức anh em có cảm nhận một điều gì đó đã rớt khỏi mắt mình và anh em có ánh sáng. Nhân tính cũ của anh em rớt đi và anh em có thể nhìn vào các tầng trời. Đó là cách nhận lãnh ánh sáng.

Có ba bước chúng ta phải đi theo để nhận lãnh thị giác cho mắt mình. Trước hết, đất sét phải nhận lấy nước miếng và được hòa quyện với nước miếng. Nói cách khác, con người cũ, tức đất sét, phải nhận lấy Lời Chúa như nước miếng và hòa quyện với Chúa trong Lời Ngài. Rồi bước thứ hai sẽ theo sau – tức là sau khi nhận lãnh Chúa trong Lời Ngài, anh em sẽ có sự xức dầu. Cuối cùng bước thứ ba theo sau sự xức dầu; ấy là sự đòi hỏi phải giết chết bản ngã cũ. Đất sét cũ phải bị đặt dưới nước sự chết. Bởi ba bước này mắt anh em sẽ được mở ra. Khi ấy anh em sẽ có thị giác và luôn luôn ở trong sự sáng. Anh chị em ơi, ngay hôm nay, nếu muốn có thị giác và ở trong sự sáng, trước hết anh chị em phải tiếp nhận Chúa trong Lời Ngài. Mặc dầu đã được tái sinh, anh chị em vẫn phải nhận lãnh Chúa trong Lời Ngài và được hòa quyện với Ngài ngày càng hơn. Anh chị em vẫn là đất sét và cần nước miếng từ miệng Chúa, tượng trưng cho chính thể yếu của Chúa. Mỗi lần anh chị em tiếp nhận Chúa trong Lời Ngài, sự xức dầu sẽ theo sau. Sau đó sự xức dầu sẽ ra lệnh cho anh chị em, tức con người bằng đất sét, phải bị đặt vào nước sự chết và đứng trong vị trí của một người được sai đi. Một người được sai đi không bao giờ làm theo ý riêng mình, mà làm theo ý muốn của người sai phái. Là một người được sai đi, anh chị em phải làm và hành động như một người được sai đi. Người được sai đi không làm gì theo ý riêng của mình, nhưng làm mọi sự theo ý người đã sai mình.

Đừng nghĩ câu chuyện chữa lành người mù thật đơn giản. Khi còn trẻ, tôi nghĩ câu chuyện này đơn giản và thậm chí còn buồn cười. Nếu có mặt tại đó, có lẽ tôi không để Chúa làm như vậy. Có lẽ tôi đã nói: “Làm như vậy không tốt cho sức khỏe và không vệ sinh. Kinh khủng quá! Dơ bẩn quá! Cả đất sét và nước miếng đều dơ bẩn. Ngài chỉ đặt những điều dơ bẩn lên mắt của người ấy. Không, không! Con không muốn làm vậy đâu!” Câu chuyện này khá buồn cười, nhưng với sự giúp đỡ của Linh Chúa, chúng ta có thể nhận thấy nguyên tắc kỳ diệu chứa đựng bên trong. Chúng ta có thể thấy trước hết mình phải tiếp nhận và hòa quyện với Chúa trong Lời Ngài. Rồi chúng ta sẽ có sự xức dầu của Linh sự sống trong mình, là điều sẽ đặt chúng ta vào vị trí của người được sai đi. Kế đến chúng ta sẽ vui lòng bị gạt bỏ và vui lòng loại bỏ đất sét trong mình. Chúng ta sẽ bằng lòng được chôn dưới nước sự chết để giết chết bản ngã. Cuối cùng thị giác chúng ta được phục hồi và chúng ta được vui hưởng ánh sáng. Chúng ta phải sống theo nguyên tắc này hằng ngày. Đó cũng là đổi sự chết thành sự sống.

C. Bị Tôn Giáo Bắt Bớ
Nhận lãnh thị giác là điều tốt. Tuy nhiên hãy chuẩn bị chịu bắt bớ từ tay của tôn giáo đui mù. Người mù được sáng mắt bị đuổi ra (9:34), nghĩa là ông bị dứt phép thông công, bị khai trừ khỏi nhà hội. Điều này có nghĩa là bị bỏ ra khỏi chuồng, như Chúa nói đến trong Giăng 10:3-4. Mặc dầu bị Do Thái giáo dứt phép thông công, anh được Chúa Jesus tiếp nhận.

D. Tin Nơi Con Đức Chúa Trời
Người mù đi đến chỗ tin Jesus là Con Đức Chúa Trời (9:35-38). Người mù nhận được thị giác bởi một sự tin tưởng mù mờ. Ông tin nhưng không sáng tỏ. Ông là người ngây thơ. Ông tin mà không thật sự nhận biết Jesus là ai. Ông tin cách ngây thơ. Mặc dầu ông không biết rõ Jesus là ai, ông thật đã tin Ngài là một người đặc biệt và tranh luận về điều đó với người Pha-ri-si. Cuối cùng người Pha-ri-si đuổi ông ra. Kế đến Chúa Jesus tìm thấy ông và Ngài nói: “Ngươi có tin Con Đức Chúa Trời chăng?” (9:35). Người mù trả lời: “Thưa Chúa, Người ấy là ai, hầu cho tôi tin Người?” (9:36). Ông tin, nhưng không biết Chúa Jesus. Khi ấy Chúa nói với ông: “Ngươi đã thấy Người, và ấy là Người đang nói cùng ngươi đây” (9:37). Rồi người mù tuyên bố: “Thưa Chúa, tôi tin; rồi lạy Ngài” (9:38). Anh tin rằng con người Jesus là Con của Đức Chúa Trời. Do đó, người mù không những nhận được thị giác, mà chính anh còn được Chúa Jesus tiếp nhận.

Điều đó có nghĩa là Chúa, như người chăn, đã vào chuồng chiên, nhìn thấy một con chiên nhỏ bé, đui mù, Ngài mở mắt cho nó và dẫn chiên ấy ra khỏi chuồng chiên. Theo một ý nghĩa, con chiên bị ném ra; theo một nghĩa khác, Chúa dẫn nó ra. Người Pha-ri-si đuổi ông ra, nhưng Chúa Jesus đưa ông ra. Chúa không đưa ông ra khỏi địa ngục nhưng ra khỏi chuồng chiên. Như chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong bài tiếp theo, chuồng chiên là Do Thái giáo, tức tôn giáo giữ luật pháp. Người mù, giống như những người mù và què bên các vòm cổng trong chương năm, bị nhốt nơi vòm cổng giữ luật pháp. Rồi Chúa Jesus đến, không những như sự sống mà cũng như người chăn, để dẫn ông ra khỏi chuồng.

Chúa có quyền tể trị tối cao. Nhiều người giữa vòng chúng ta đã ở trong chuồng tôn giáo. Có lẽ anh em ở đó như một người què. Chúng ta đều ở nơi vòm cổng ấy. Cảm tạ Chúa Jesus về sự tể trị của Ngài. Ngài đến với tư cách là sự sống để chữa lành mắt bị đui mù của chúng ta và với tư cách là người chăn để dẫn chúng ta ra khỏi chuồng.

E. Bị Phán Xét Bởi Sự Sống
Trong Giăng 9:39-41, Jesus nói: “ ‘Ta vì sự xét đoán mà đến thế gian, hầu cho kẻ không thấy thì thấy được, còn kẻ thấy, lại hoá mù’. Những người thuộc bọn Pha-ri-si cùng ở với Ngài nghe điều đó, thì nói với Ngài rằng: ‘Chúng ta cũng mù chăng?’ Jesus phán rằng: ‘Nếu các ngươi mù, thì không có tội gì; nhưng nay các ngươi nói: Chúng ta thấy, nên tội các ngươi vẫn còn’ ”. Chúa bảo người Pha-ri-si rằng Ngài đến để phán xét. Nhưng Ngài bảo Ni-cơ-đem Ngài đến không phải để phán xét mà là để cứu rỗi (3:17). Ngài tìm thấy một hồn khao khát nơi Ni-cơ-đem; vì vậy, Ngài đến không phải để phán xét thế gian, mà để cứu thế gian. Tuy nhiên, Ngài thấy sự kiêu ngạo nơi người Pha-ri-si, vì vậy Ngài đến để phán xét họ. Chúa đến để phán xét hay để cứu anh em tùy thuộc vào thái độ của anh em. Nếu thái độ của anh em giống như Ni-cơ-đem, Ngài sẽ đến để cứu anh em. Nếu thái độ của anh em giống như người Pha-ri-si, Ngài sẽ đến để phán xét anh em. Chúa đến với anh em như một Quan Án hay như một Đấng Cứu Rỗi tùy thuộc vào thái độ của anh em.

Chúa sẽ biện minh cho chính Ngài cách nghiêm trang khi một người nào kiêu ngạo khẳng định về mình với nhiều lời tuyên bố. Thái độ đó đơn giản bày tỏ rằng họ không cần Chúa. Kết quả là Chúa sẽ để một người như vậy trong tình trạng đui mù của mình. Chúng ta phải rất cẩn thận đừng kiêu ngạo nói rằng mình thấy. Nếu chúng ta tuyên bố mình thấy, Chúa sẽ để mặc cho chúng ta mù. Chúa nói Ngài sẽ ban thị giác cho người không thấy, nhưng Ngài sẽ làm cho những người tuyên bố mình thấy bị mù. Đó là lời xác minh nghiêm trang của Chúa. Vì vậy, chúng ta phải khiêm nhường và đừng kiêu ngạo. Kiêu ngạo đơn giản có nghĩa là đui mù và tối tăm.
---