Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 23




NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHẾT – SỰ SỐNG LÀM SỐNG LẠI (1)

Trường hợp làm cho La-xa-rơ sống lại từ người chết chắc chắn là một trường hợp kỳ diệu. Ở đây chúng ta thấy trường hợp của một người đã chết, đã chôn bốn ngày và bắt đầu có mùi. Tuy nhiên, người ấy đã được sống lại. Tại sao ba sách Phúc Âm kia không ghi lại trường hợp kỳ diệu này? Dầu trường hợp này rất kỳ diệu, ba sách Phúc Âm kia không nói gì về trường hợp này cả. Trường hợp phục sinh này không thích hợp với mục đích của ba sách Phúc Âm kia, mà chỉ phù hợp với Phúc Âm Giăng mà thôi. Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca là những Phúc Âm được viết ra với mục đích khác hơn là trình bày về sự sống. Giăng là Phúc Âm về sự sống. Vì vậy, Thánh Linh giữ trường hợp này lại cho Giăng. Sự kiện này chứng minh Phúc Âm Giăng là sách sự sống.


I. NGƯỜI CHẾT VÀ NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHẾT
Trong Giăng 11:1-4 chúng ta thấy người chết và nhu cầu của người. La-xa-rơ không những bị bệnh mà còn chết nữa (11:14). Do đó, ông không cần sự chữa lành, mà cần sự phục sinh. Trong sự cứu rỗi của Chúa, không những Ngài chữa lành người bệnh; Ngài còn ban sự sống cho người chết. Cho nên Ngài ở lại hai ngày cho đến khi người bệnh chết (11:6). Chúa không cải thiện hay điều chỉnh con người; Ngài tái sinh họ và làm cho họ sống lại. Vì vậy, trong trường hợp đầu tiên trong chín trường hợp là về sự tái sinh và trường hợp sau cùng là về sự phục sinh; sự kiện ấy bày tỏ rằng mọi phương diện khác nhau của Đấng Christ, tức Đấng là sự sống cho chúng ta, như đã được tiết lộ trong bảy trường hợp kia, đều theo nguyên tắc của sự tái sinh và sự phục sinh. Trường hợp sau cùng này là sự thay đổi thật sự từ chết qua sống.

Trước khi đi vào vấn đề Đấng Christ làm cho La-xa-rơ sống lại từ người chết, chúng ta phải nhận thức rằng Phúc Âm Giăng bày tỏ hai điều. Về phương diện tích cực, sách này khải thị Đấng Christ đến để làm sự sống cho chúng ta. Con Đức Chúa Trời là Lời của Đức Chúa Trời, tức là sự bày tỏ Đức Chúa Trời. Là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời, Ngài đã đến trong xác thịt để làm sự sống cho chúng ta. Ý tưởng trung tâm này được tìm thấy trong mỗi chương suốt cả Phúc Âm ấy. Về mặt tiêu cực, sách này cũng bày tỏ rằng tôn giáo, thậm chí là Do Thái giáo của người Do Thái, rất đối kháng với Đấng Christ là sự sống. Nếu đọc kỹ sách này, anh em sẽ thấy thế nào thậm chí tôn giáo lành mạnh và chân chính ấy cũng chống đối Đấng Christ là sự sống. Trong mười chương đầu của Phúc Âm Giăng, sự chống đối duy nhất Chúa chúng ta gặp phải đã đến từ tôn giáo của người Do Thái. Tôn giáo chống đối Ngài, từ bỏ Ngài, khước từ Ngài và bắt bớ Ngài. Cuối cùng, vào cuối chương mười, Ngài buộc phải rời bỏ tôn giáo. Ngài từ bỏ đền thờ, thành thánh, và mọi điều tốt lành của tôn giáo Do Thái và đến một chỗ đứng mới.

Nơi mỗi chương từ chương một đến chương mười, chúng ta có thể thấy một điểm là tôn giáo chống lại Đấng Christ. Trong chương một chúng ta thấy tôn giáo mong đợi sự xuất hiện của một vị lãnh tụ vĩ đại. Tôn giáo mong đợi một vị mệnh danh là Đấng Mê-si-a, Ê-li hay tiên tri đã được hứa. Tuy nhiên, Đấng Christ không đến như một lãnh tụ vĩ đại, nhưng như Chiên Con nhỏ bé của Đức Chúa Trời để hoàn thành sự cứu chuộc và với bồ câu nhỏ bé để sinh ra những viên đá được biến đổi cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Do đó, ngay trong chương đầu tiên của Phúc Âm này, chúng ta tìm thấy một dấu chỉ cho thấy tôn giáo đã đi con đường sai lầm, con đường khác hơn con đường sự sống. Có một sự khác biệt rất lớn giữa tôn giáo và sự sống.

Trong chương hai chúng ta thấy tôn giáo cố gắng hủy diệt sự sống, vì tôn giáo tìm cách tiêu trừ Jesus. Nhưng Jesus, tức sự sống thần thượng, sẽ làm cho chính mình Ngài sống lại bước ra khỏi sự hủy diệt ấy. Sự sống không những chịu được sự hủy diệt, mà còn có thể làm cho Ngài sống lại, ra khỏi sự hủy diệt của sự chết.

Trong chương ba chúng ta thấy Ni-cơ-đem, một người thuộc giới thượng lưu, giữ quan niệm tôn giáo về Chúa Jesus, gọi Ngài là Ra-bi và nói Ngài là giáo sư từ Đức Chúa Trời sai đến. Mọi quan niệm như vậy đều là tôn giáo.

Trong chương bốn chúng ta thấy ngay cả một người đàn bà Sa-ma-ri nghèo nàn, đê hèn, vô đạo đức, thuộc giai cấp thấp cũng nắm giữ một quan niệm thuộc tôn giáo. Vào một lúc nào đó trong khi nói chuyện với Chúa, bà nói về sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Mặc dầu tôn giáo giữa vòng người Sa-ma-ri không chính thống, nhưng đó cũng là tôn giáo. Người Sa-ma-ri có truyền thống và di sản tôn giáo riêng.

Trong chương năm chúng ta thấy tôn giáo chống đối sự sống đến mức tột cùng. Đó là do sự kiện Chúa Jesus làm cho một người bất năng được sống động vào ngày Sa-bát. Đối với người Do Thái, dường như Ngài đã vi phạm luật lệ của họ về ngày Sa-bát. Kết quả là họ bắt đầu chống đối Ngài. Thật vậy, họ đã bắt đầu chống đối Ngài rất nhiều. Qua trường hợp này chúng ta thấy thế nào luật lệ và điều lệ của tôn giáo chống đối Chúa là sự sống cho người thiếu thốn. Chúa là sự sống của chúng ta là một điều, nhưng tôn giáo với mọi luật lệ và điều lệ của nó lại là một điều khác. Đấng Christ là sự sống và tôn giáo với các điều lệ của nó không bao giờ đi chung với nhau.

Chúng ta cũng có thể thấy một điều gì đó về tôn giáo trong chương sáu. Khi dân chúng thấy Jesus nuôi đoàn dân đông với năm ổ bánh và hai con cá, họ nói: “Ấy thật là tiên tri phải đến thế gian!” (6:14). Họ định ép Chúa làm vua (6:15). Đó là quan niệm tôn giáo. Chúa Jesus rút lui khỏi họ, vì Ngài muốn tiếp tục làm một chiếc bánh nhỏ bé, có thể làm thức ăn cho dân chúng.

Chúng ta thấy một quan niệm tôn giáo khác trong chương bảy. Dân chúng tại một lễ tiệc tôn giáo đang thảo luận về Jesus, nhưng Jesus đứng kêu lên, bảo họ quay khỏi tôn giáo khô khan của mình và đến với nguồn nước sống.

Chúng ta thấy hơn về tôn giáo trong chương tám. Những học giả tôn giáo và người Pha-ri-si cố gắng gài bẫy Chúa theo cách tôn giáo, bằng cách hỏi Ngài phải xử lý người đàn bà ngoại tình như thế nào. Nhưng Chúa trả lời theo cách của sự sống, phơi bày tình trạng thiếu khôn ngoan của họ trong việc bám lấy tôn giáo của mình và Ngài làm cho họ phải im lặng xấu hổ.

Trong chương chín tôn giáo càng chống đối sự sống cách mạnh mẽ hơn. Nơi chương năm, Chúa làm cho một người bất năng sống động vào ngày Sa-bát. Trong chương chín, Ngài mở mắt một người mù. Ngài cố tình làm điều này vào ngày Sa-bát. Tại sao Chúa Jesus không đến với người mù trước hay sau ngày Sa-bát? Ngài làm điều đó với ý định vi phạm nghi lễ chết chóc của tôn giáo chết chóc. Điều đó khuấy động sự chống đối sự sống của tôn giáo. Chúa cố ý vi phạm điều lệ về ngày Sa-bát trước mắt những con người Do Thái nặng tinh thần tôn giáo. Người mù được sáng mắt, nhưng người Pha-ri-si lại bị mù lòa do tình trạng chống đối của mình. Người Do Thái nghĩ rằng Jesus chống đối tôn giáo của họ rất nhiều vì Ngài vi phạm luật lệ của tôn giáo họ. Do đó họ rất giận dữ với Chúa và bắt đầu chống đối Ngài. Thậm chí họ “dứt phép thông công” người đàn ông đã được Chúa chữa lành (9:34). Khi họ đuổi người mù ra khỏi nhà hội của mình, họ đã “dứt phép thông công” ông với Do Thái giáo. Rồi Chúa Jesus nắm lấy cơ hội mà nói với họ rằng Do Thái giáo không là gì khác hơn là một chuồng chiên để tạm thời giữ chiên lại ít lâu. Bây giờ đồng cỏ đã sẵn sàng, chiên sẽ được phóng thích khỏi chuồng và được đưa vào đồng cỏ. Chúa Jesus cho họ biết vì họ đã “dứt phép thông công” người mù khỏi tôn giáo mình, nên một con chiên đã được phóng thích khỏi chuồng ấy, và được đưa vào trong Đấng Christ là đồng cỏ sống động. Vào cuối chương mười, Chúa ra khỏi chuồng Do Thái giáo.

Trong mười chương đầu của Phúc Âm này chúng ta thấy sự chiến đấu, vật lộn, giữa tôn giáo và sự sống. Cuối cùng Chúa từ bỏ tôn giáo ấy và ra khỏi. Bây giờ Ngài ở đâu? Ngài ở bên ngoài tôn giáo. Ngài không có gì liên quan với tôn giáo. Bây giờ trong chỗ đứng mới của Ngài, không có yếu tố tôn giáo nào cả. Mọi yếu tố tôn giáo đều đã bị loại trừ.

II. SỰ NGĂN TRỞ CỦA Ý KIẾN CON NGƯỜI
Bây giờ chúng ta đến trường hợp sau cùng. Trường hợp này không ở trong chuồng Do Thái giáo, mà ở bên ngoài. Sau khi Chúa ra khỏi Giê-ru-sa-lem, Ngài đến một căn nhà tại Bê-tha-ni của một anh em và hai chị em, là những người rất yêu Ngài. Trước khi Ngài đến, có một điều đã xảy ra trong gia đình. Người anh, tức La-xa-rơ bị đau nặng, các chị em nhắn tin cho Chúa, có nghĩa là họ cầu nguyện với Ngài (11:3). Cầu nguyện không có gì sai cả. Nếu anh em gặp rắc rối, anh em phải nhắn tin cho Chúa. Bất cứ lúc nào anh em cũng có thể gửi đến Ngài một lời. Anh em có thể gửi tin tức về mọi tình huống đến cho Ngài. Nhưng Ngài muốn làm gì thì tùy Ngài.

Chương mười một có một mục đích cụ thể. Chương ấy cho chúng ta thấy ngoài sự chống đối của tôn giáo, tư tưởng loài người là sự ngăn trở mạnh mẽ nhất đối với sự sống. Suốt những chương trước, nan đề mà sự sống đối diện là với tôn giáo. Như chúng ta đã thấy, trong mỗi chương, sự sống bị tôn giáo chống đối. Nhưng không có tôn giáo trong chương mười một, mà có một loại ngăn trở khác, đó là sự ngăn trở của ý kiến con người. Chương này đã bày tỏ điều gì ngăn trở quyền năng phục sinh của Chúa? Đó là ý kiến con người. Chương này trình bày rõ ràng thế nào ý kiến của con người đã ngăn trở quyền năng phục sinh của Chúa. Một khi ý kiến của con người bị bắt phục, sự sống phục sinh sẽ được bày tỏ. Đây không phải là vấn đề trong tôn giáo, mà là vấn đề trong Hội thánh, trong căn nhà tại Bê-tha-ni, là mô hình thu nhỏ của nếp sống Hội thánh. Tại Giê-ru-sa-lem, anh em ở trong tôn giáo; tại Bê-tha-ni, anh em ở trong Hội thánh địa phương. Tại Giê-ru-sa-lem anh em có tôn giáo; trong Hội thánh địa phương, anh em có nan đề là ý kiến con người. Trong các chương từ một đến mười, Đấng Christ là sự sống được bày tỏ cách đầy đủ, và đồng thời tôn giáo bị phơi bày. Bây giờ trong chương mười một, Đấng Christ là sự sống phục sinh được khai mở, nhưng đồng thời ý kiến con người cũng lộ ra. Mặc dầu không có nan đề tôn giáo trong Hội thánh, nhưng có một loại ngăn trở khác, là sự ngăn trở của ý kiến con người. Chúa là sự sống phục sinh, nhưng Ngài bị các ý kiến con người ngăn trở. Chương này đầy dẫy ý kiến con người.

Ma-thê và Ma-ri cho rằng lẽ ra Chúa nên đến ngay. Đó là ý kiến của họ. Nhưng Chúa không bao giờ lấy ý kiến của ai làm nền tảng hành động. Ngài luôn luôn hành động theo ý muốn của Ngài. Họ nghĩ Chúa nên đến ngay, nhưng Chúa cố ý ở lại thêm hai ngày nữa.

Chúa là sự phục sinh và sự sống, nên sự chết không thành vấn đề đối với Ngài. Ngài nuốt sự chết cách dễ dàng. Sự chết có thể là nan đề đối với chúng ta, nhưng không thành vấn đề đối với Ngài. Ngài là sự sống phục sinh có thể đắc thắng sự chết và nuốt nó đi. Tuy nhiên, khi đến phần áp dụng Ngài là sự phục sinh của mình, chúng ta đối diện với nan đề ý kiến con người. Trong bài này, tôi muốn gây ấn tượng sâu xa nơi anh em về vấn đề ý kiến của chúng ta. Nan đề trong nếp sống Hội thánh khiến chúng ta không thấy được sự sống phục sinh của Đấng Christ chính là ý kiến của chúng ta.

Nếu cẩn thận đọc chương này, anh em sẽ thấy ngay cả sự chết của La-xa-rơ cũng do Đức Chúa Trời dự bị. Trong sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một hoàn cảnh cho phép một môn đồ của Jesus chết. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời đã cung ứng một tình huống chết chóc như vậy để làm cho quyền năng phục sinh của Đấng Christ được bày tỏ ra. Không có sự chết thì không cách nào bày tỏ sự phục sinh. Sự phục sinh cần có sự chết. Làm thế nào sự phục sinh được bày tỏ ra nếu không có sự chết? Chúng ta cần ngợi khen Chúa về cái chết của La-xa-rơ. Nếu Ma-thê và Ma-ri thấy được rằng sự phục sinh sẽ không bao giờ được bày tỏ ra nếu không có sự chết, thì chắc hẳn họ đã ngợi khen Chúa khi thấy anh mình chết. Họ hẳn đã biết rằng sự chết sẽ bày tỏ sự phục sinh của Chúa. Nếu như vậy thì đã không có ý kiến của con người.

Chúng ta có thể áp dụng điều này cho các tình huống tại Hội thánh địa phương. Trong Hội thánh địa phương luôn luôn có một người nào đó bị “chết”; một người nào đó hay một điều gì đó chết chóc. Mỗi khi thấy tình trạng chết chóc như vậy, những người trách nhiệm bối rối và thưa với Chúa: “Chúa ơi, đây không phải là Hội thánh của Ngài sao? Ngài không yêu Hội thánh của Ngài sao? Ngài không biết một điều gì đó trong Hội thánh đang chết sao? Chúa ơi, xin đến ngay”. Đó là lời cầu nguyện tốt, nhưng theo ý kiến con người. Anh em càng cầu nguyện như vậy, Chúa càng ở xa. Ngài sẽ chậm đến để làm cho ý kiến con người bị kiệt quệ.

Khi mới thấy ánh sáng trong chương này, tôi phì cười. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều ý kiến như vậy trong chương này. Chắc chắn Chúa biết La-xa-rơ bệnh và Ngài biết chính xác phải giải quyết tình huống như thế nào, dầu họ không báo tin cho Ngài. Nhưng họ đã nhắn tin cho Ngài mà Ngài lại không rúng động vì tin ấy. Đôi khi rất khó lay chuyển Chúa. Trong buổi nhóm cầu nguyện anh em có thể thưa: “Chúa ơi, chúng con lay chuyển cánh tay Ngài”, nhưng anh em càng cố gắng chuyển động tay Ngài, tay Ngài càng từ chối không chịu chuyển động. Chúa không bao giờ chuyển động theo ý kiến của anh em. Khi nghe tin ấy, lòng Ngài cương quyết không chuyển động. Ngài ở lại nơi Ngài đang ở thêm hai ngày nữa.

A. Ý Kiến Của Các Môn Đồ
Trong 11:8-16 chúng ta thấy ý kiến của các môn đồ. Khi tin tức về bệnh tình của La-xa-rơ đến, lòng Chúa không lay chuyển. Chắc hẳn các môn đồ bối rối và hoang mang. Anh em có thể tưởng tượng họ thất vọng biết bao. Sau hai ngày, thình lình Chúa tỏ ý muốn đến thăm La-xa-rơ. Ngài nói: “Bạn La-xa-rơ chúng ta đã ngủ rồi, nhưng Ta đi đánh thức người” (11:11). Các môn đồ liền nói với Ngài: “Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành” (11:12). Ở đây chúng ta thấy ý kiến con người của các môn đồ. Khi Chúa không muốn đi thì họ bối rối, khi Chúa sắp đi thì họ nghĩ không cần đi. Một khi Chúa tỏ ý muốn đi thăm La-xa-rơ, tất cả các môn đồ đều bày tỏ ý kiến của mình. Họ nói với Chúa rằng đi như vậy nguy hiểm vì người Do Thái tìm cách ném đá Ngài (11:8). Đó là ý kiến con người, luôn luôn nghịch lại ý muốn Chúa. Tuy nhiên, khi Chúa đã quyết định đi thăm La-xa-rơ, không ai có thể thay đổi điều đó. Cuối cùng các môn đồ đồng ý đi, nhưng với một thái độ của nhà tuận đạo, sợ bị người Do Thái bắt bớ, vì một người giữa vòng họ nói: “Chúng ta cũng hãy đi, để chết với Ngài” (11:16). Nhiều khi tại mỗi Hội thánh địa phương tình huống y hệt như vậy. Có rất nhiều ý kiến.

B. Ý Kiến Của Ma-thê
Khi Chúa đến, Ma-thê là người đầu tiên ra đón Ngài (11:20). Nhưng trước khi Chúa nói, Ma-thê đã mở miệng và đưa ra một ý kiến khác: “Thưa Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết” (11:21). Cô phàn nàn Chúa đã đến quá trễ. Chúa nói với cô: “Anh ngươi sẽ sống lại” (11:23). Điều này có nghĩa là Chúa sẽ làm cho ông ấy sống lại ngay. Nhưng Ma-thê nói: “Tôi biết rằng trong cuộc sống lại ngày sau rốt thì người sẽ sống lại” (11:24). Ma-thê giải thích lời này của Chúa để hoãn lại sự phục sinh hiện tại cho đến ngày sau cùng. Thật là một cách giải nghĩa kỳ lạ về lời thần thượng! Ôi, kiến thức về những giáo lý chính thống đã ngăn cản người ta, khiến họ không vui hưởng sự sống phục sinh của Chúa trong hiện tại! Rồi Chúa Jesus nói với cô: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta, dẫu đã chết, cũng chắc sống; còn hễ ai sống mà tin Ta, thì đời đời hẳn chẳng hề chết. Ngươi tin điều đó chăng” (11:25-26). Dường như Chúa muốn nói với cô: “Đó không phải là vấn đề thời gian. Đối với Ta, thời gian không thành vấn đề. Không có điều gì quá trễ và không có điều gì quá sớm. Hễ Ta có mặt tại đây, mọi sự đều bình yên vô sự, vì Ta sẽ làm cho anh ngươi sống lại”. Rồi Ngài hỏi Ma-thê: “Ngươi tin điều đó không?” Ma-thê đáp: “Thưa Chúa, phải, tôi đã tin Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian” (11:27). Điều cô trả lời hoàn toàn không phải điều Chúa hỏi. Cô không sáng tỏ Chúa đang nói gì. Kiến thức cũ kỹ, chiếm trọn [tâm trí] đã ngăn cản cô hiểu lời mới mẻ của Chúa.

Ma-thê giống nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay, là những người có quá nhiều kiến thức và giáo lý. Ma-thê nói: “Tôi biết rằng trong cuộc sống lại ngày sau rốt thì người sẽ sống lại”. Điều này nghe thật phù hợp với Kinh Thánh và đúng đắn. Rồi Chúa hỏi cô có tin rằng Ngài sẽ làm cho La-xa-rơ sống lại không, cô nói: “Tôi đã tin Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời”. Cô tin vào một loại giáo lý dạy rằng Chúa là Đấng Christ và là Con Đức Chúa Trời. Cô tin vào một loại giáo lý dạy rằng Chúa sẽ làm cho mọi thánh đồ đã chết được sống lại vào ngày sau cùng. Cô có đủ mọi kiến thức, nhưng đó không phải là kiến thức sống động mà Chúa dạy dỗ. Tất cả những ý kiến khác nhau của cô đều do ở chỗ cô đã có đủ mọi kiến thức. Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân có nhiều ý kiến vì họ có rất nhiều giáo điều. Khi có ai hỏi họ về sự sống bề trong, họ liền bắt đầu chia sẻ ý kiến của mình. Quá nhiều kiến thức và quá nhiều giáo lý sinh ra những ý kiến bất tận.

Sau khi Ma-thê nói cô tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, thì cô bỏ đi, gọi Ma-ri em mình. Ma-thê nói: “Thầy đến kia và gọi em” (11:28). Tuy nhiên, tại đây tôi không tìm được một lời nào nói Chúa gọi Ma-ri. Đó là điều do Ma-thê gợi ý. Đó là ý kiến do Ma-thê tự nghĩ ra. Một lần nữa chúng ta thấy trong Ma-thê là một con người đầy dẫy ý kiến riêng. Cô quá tích cực trong ý kiến của mình đến nỗi cô không bao giờ im lặng được. Có lẽ anh em yêu Chúa rất nhiều, nhưng giống như Ma-thê, anh em không thể im lặng được.

C. Ý Kiến Của Ma-ri
Ma-ri đến với Chúa theo lời gọi của Ma-thê. Cô lặp lại điều ban đầu Ma-thê đã nói với Chúa: “Thưa Chúa, nếu có Ngài đây, thì anh tôi không chết” (11:32). Đây cũng là một ý kiến, một lời phàn nàn đối với Chúa.

Chúa không bao giờ tranh luận; Ngài cũng không chấp nhận ý kiến của họ. Đơn giản là họ không hiểu rằng hễ khi nào Chúa có mặt, mọi sự đều tốt đẹp. Họ không thể nhận biết điều đó, vì họ rất buồn và thậm chí họ còn khóc lóc. Vì lý do ấy Chúa than thở trong linh và buồn bực (11:33). Ngài không than thở về cái chết của La-xa-rơ, nhưng về sự kiện không một người nào trong số những người buồn rầu ấy biết Ngài là sự phục sinh hiện tại, và Ngài buồn bực vì điều ấy. Kế đến Chúa hỏi họ nơi đặt xác La-xa-rơ. Họ nói với Ngài: “Thưa Chúa, xin đến xem” (11:34). Câu trả lời này rất tốt. Đó là ý kiến tốt nhất. Khi Hội thánh có nan đề, đừng nói quá nhiều. Chỉ hãy nói: “Thưa Chúa, xin đến xem”. Lúc ấy, Chúa khóc cảm thông với nỗi buồn của họ về cái chết của La-xa-rơ.

D. Ý Kiến Của Người Do Thái
Trong 11:36-38 chúng ta thấy ý kiến của người Do Thái. Họ nghĩ Chúa khóc (11:35) vì Ngài yêu La-xa-rơ. Nhưng vài người thắc mắc tại sao Chúa không giữ cho La-xa-rơ khỏi chết. Những ý kiến ấy cộng với sự thiếu hiểu biết của người Do Thái về khả năng của Chúa làm cho La-xa-rơ sống lại đã khiến Chúa than thở một lần nữa.

E. Lại Ý Kiến Của Ma-thê
Khi đến mộ, Chúa bảo họ lăn tảng đá đi. Một lần nữa, Ma-thê cản trở Chúa bằng ý kiến của mình. Cô nói: “Thưa Chúa, bây giờ ảnh đã thúi, vì chết đã bốn ngày rồi” (11:39). Cô cảm thấy dời tảng đá đi không ích lợi gì. Trong chương này không có gì tôn giáo, nhưng có nhiều ý kiến cản đường Chúa. Mặc dầu Chúa là sự sống cho mọi người trong Hội thánh, Ngài gặp phải rất nhiều ý kiến con người từ mọi người trong Hội thánh. Điều này giống như Ngài gặp phải các ý kiến của các môn đồ, Ma-thê, Ma-ri, và những người bạn Do Thái của họ.

F. Ý Kiến Thuộc Về Cây Kiến Thức Đối Kháng Với Cây Sự Sống
Mọi ý kiến ra từ tâm trí con người. Vì thế, tất cả đều thuộc về cây kiến thức, là điều trái nghịch với cây sự sống. Cây sự sống thật sự là chính Chúa để chúng ta vui hưởng. Khi bám lấy những ý kiến của mình, chúng ta bị giữ cách xa sự vui hưởng Chúa là sự sống phục sinh của mình. Khi ý kiến của mình bị đánh bại, chúng ta dễ bước vào sự vui hưởng chính Chúa cách trọn vẹn.

III. SỰ SỐNG PHỤC SINH
A. Ban Sự Sống Cho Người Chết
Chúa là sự sống phục sinh ban sự sống cho người chết. Ngài là sự phục sinh và sự sống. Trong sự phục sinh, sự sống này được truyền vào trong người chết để làm cho họ sống lại từ cõi chết. Đó là sự sống làm cho sống lại.

B. Cần Sự Thuận Phục Và Hợp Tác
Của Con Người
Ở đây chúng ta cần phải thấy một điểm. Đó là Chúa có thể làm cho La-xa-rơ sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, Ngài không thể làm gì vì ý kiến loài người liên tục ngăn trở Ngài. Ngài bị những ý kiến ấy ngăn trở cho đến lúc chúng bị đánh bại. Cuối cùng Ma-thê đã bị bắt phục với một mức độ thuận phục nào đó. Chúa có sự sống phục sinh, quyền năng phục sinh, nhưng cần có sự hợp tác của chúng ta, cần có sự thuận phục của chúng ta. Sự thuận phục của chúng ta có nghĩa là gì? Nghĩa là từ bỏ ý kiến của chúng ta. Anh em phải từ bỏ ý kiến của mình và để Chúa nói. Khi Ngài bảo chúng ta: “Hãy dời tảng đá này đi”, thì chúng ta cần phải đơn giản dời nó đi. Chúng ta phải thuận phục, hợp tác và phối hợp với Ngài. Chúng ta phải thuận phục lời Ngài, hợp tác với Ngài và phối hợp với quyền năng phục sinh. Tại sao Chúa là Đấng có thể làm cho người chết phục sinh lại không tự dời tảng đá đi? Vì quyền năng phục sinh của Ngài đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta. Một khi họ đã lăn tảng đá đi, Chúa kêu lớn tiếng: “Ớ La-xa-rơ, hãy ra!” (11:41-43), và La-xa-rơ được làm cho sống lại từ người chết. Ông đã nghe tiếng của Chúa hằng sống, được làm cho sống động và sống lại từ người chết. Sau khi ra khỏi mộ, La-xa-rơ vẫn cần sự hợp tác của con người. Tay chân La-xa-rơ bị quấn bằng vải liệm và mặt ông bị quấn bằng khăn. Vì vậy, Jesus nói với họ: “Hãy mở cho người, để người đi” (11:44). Họ phải tháo vải liệm khỏi La-xa-rơ phục sinh. Họ làm điều đó và công tác phục sinh được hoàn tất.

Chúng ta cũng phải hợp tác với Chúa để giải thoát những người bị những giải băng cột trói. Trong Hội thánh, khi Chúa làm cho người ta sống lại từ tình trạng chết chóc, chúng ta cần hợp tác với Ngài để giải thoát họ khỏi bị nô lệ vào những điều thuộc đất. Nhờ hợp tác như vậy, Hội thánh trở nên chứng cớ cho Chúa là sự sống. Chúa có thể dời tảng đá khỏi mộ và Ngài có thể tháo băng cho La-xa-rơ, nhưng Ngài không làm điều đó. Ngài muốn mời chúng ta hợp tác với Ngài. Tuy nhiên, trước khi có thể hợp tác với Ngài, trước hết chúng ta cần phải từ bỏ ý kiến của mình và hành động theo ý Ngài. Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta cần phải từ bỏ ý kiến của mình, thuận phục lời Chúa và việc Chúa làm, hợp tác với quyền năng phục sinh của Ngài.

Đó là bài học nghiêm trọng mà mỗi một người trong các Hội thánh địa phương cần phải học. Đặc biệt là những “Ma-thê” và những “Ma-ri”, tức những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm, phải học từ bỏ ý kiến của mình, giao nộp chính mình và ý kiến của mình cho Chúa, hợp tác với Ngài và với quyền năng phục sinh của Ngài. Nếu những người lãnh đạo tại bất cứ hội thánh địa phương nào từ bỏ các ý kiến của họ, phó nộp chính mình cho lời Chúa, và hợp tác với quyền năng phục sinh của Ngài, Hội thánh ấy sẽ thấy sự sống phục sinh. Đó là một phần của khải thị chính yếu trong chương này, tức là sự phó nộp ý kiến con người và sự hợp tác của những người yêu Chúa với quyền năng phục sinh của Ngài. Ngày nay Chúa vẫn đang chờ đợi cơ hội bày tỏ quyền năng phục sinh của Ngài, nhưng Ngài khó có được sự thuận phục, hợp tác và phối hợp. Là những người lãnh đạo trong các Hội thánh địa phương, chúng ta có thể bận rộn cầu nguyện và xin Chúa làm nhiều điều theo ý kiến của mình. Chúng ta phải từ bỏ ý kiến mình, phó nộp mọi ý kiến để Ngài xem xét, và hợp tác với Ngài. Khi Ngài yêu cầu anh em dời tảng đá đi, thì hãy dời nó đi. Khi Ngài bảo anh em làm một điều gì, hãy làm điều đó. Rồi anh em sẽ thấy sự sống phục sinh. Anh em sẽ thấy quyền năng phục sinh. Đó là một phần của khải thị trong Giăng chương 11. Hầu hết mọi người chỉ thấy câu chuyện La-xa-rơ được làm cho sống lại từ cõi chết. Họ không thấy sự khải thị trong chương này, ấy là ở bên ngoài tôn giáo, trong các Hội thánh địa phương, những ý kiến loài người chúng ta là điều ngăn cản Đấng Christ là sự sống.

C. Sự Thay Đổi Thật Từ Chết Qua Sống
Làm cho người chết sống lại thật sự là đổi sự chết thành ra sự sống. Ý nghĩa của trường hợp này giống như ý nghĩa của dấu lạ hóa nước thành rượu. Ý kiến của Ma-ri trong dấu lạ ấy đã cản trở Chúa trong việc hóa nước thành rượu, thì ý kiến của Ma-thê trong trường hợp này cũng ngăn trở quyền năng phục sinh của Chúa. Khi ý kiến của Ma-ri bị đánh bại, quyền năng biến đổi của Chúa được bày tỏ ra. Khi ý kiến của Ma-thê bị đánh bại, quyền năng phục sinh của Chúa đắc thắng.
-