Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 30-




SỰ BAN PHÁT ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT ĐỂ SINH RA NƠI CƯ NGỤ CỦA NGÀI (2)

C. Nhiều Chỗ Ở Là Nhiều Chi Thể Của Thân Thể Đấng Christ, Tức Là Hội Thánh
Trong nhà Cha có nhiều chỗ ở (14:2). Từ ngữ Hi Lạp mang ý nghĩa “chỗ ở” trong câu 2 là hình thức số nhiều của cùng một chữ được dịch là “chỗ ở” trong câu 23. “Chỗ ở” có nghĩa là gì? Nhiều chỗ ở tức là nhiều Chi thể của Thân thể Đấng Christ (La. 12:5), là đền thờ của Đức Chúa Trời (1 Côr 3:16-17). Thân thể của Chúa có nhiều Chi thể, và mỗi Chi thể là một chỗ ở. Nhiều chỗ ở là nhiều Chi thể của Thân thể. Điều này được câu 23 minh chứng cách đầy đủ. Câu này nói Chúa cùng với Cha sẽ lập chỗ ở với người yêu Ngài. Mỗi người yêu của Jesus là một chỗ ở. Tất cả chúng ta là những chỗ ở của công trình xây dựng của Đức Chúa Trời. Công trình xây dựng này là Thân thể Đấng Christ, và tất cả những chỗ ở là những Chi thể của Thân thể Đấng Christ.


D. Trải Qua Sự Chết Và Sự Phục Sinh Để Đem Con Người Vào Trong Đức Chúa Trời Nhằm Mục Đích Xây Dựng Nơi Cư Ngụ Của Đức Chúa Trời
Các từ ngữ “Ta đi” trong câu 2 có nghĩa là Chúa trải qua sự chết và sự phục sinh để đem con người vào trong Đức Chúa Trời để xây dựng nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Đó là sự xây dựng Hội thánh được đề cập trong Ma-thi-ơ 16:18. Trong câu này Chúa nói: “Ta sẽ lập Hội thánh Ta”. Ở đây, trong câu 2, Chúa nói: “Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ”. Đây có phải là hai điều riêng rẽ không? Không thể có điều đó. Chúa chỉ có một công tác. Ngài không chuẩn bị một chỗ trên trời cho chúng ta, đồng thời Ngài lại xây dựng Hội thánh trên đất. Như vậy không hợp lý. Nếu đặt hai phân đoạn Kinh Thánh này lại với nhau, chúng ta sẽ thấy việc chuẩn bị một nơi chính là sự xây dựng Hội thánh. Để Chúa xây dựng Hội thánh, Ngài phải chuẩn bị một nơi. Kết quả sau cùng sẽ là sự xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới (Khải. 21:2). Bây giờ Chúa đang xây dựng Hội thánh. Sự xây dựng Hội thánh tương đương với sự xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới. Như chúng ta đã thấy, trong cả vũ trụ, Đức Chúa Trời chỉ có một sự xây dựng – sự xây dựng nơi cư ngụ sống động của Ngài bằng những người được cứu chuộc của Ngài.

E. “Để Sắm Sẵn Một Chỗ” – Mở Đường Cho Con Người Vào Trong Đức Chúa Trời
“Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ” nghĩa là Chúa sẽ chuẩn bị một chỗ, hoàn thành sự cứu chuộc, mở đường, và tạo một chỗ đứng cho con người để được vào trong Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là Chúa sẽ mở đường cho chúng ta để được ở trong Đức Chúa Trời. Đó là tư tưởng chính yếu của chương này. Nếu chúng ta muốn để Đức Chúa Trời cư ngụ trong mình, trước hết chúng ta phải vào trong Ngài. Nếu chúng ta không vào trong Ngài, Ngài sẽ không vào trong chúng ta. Một khi chúng ta cư ngụ trong Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ cư ngụ trong chúng ta.

Nhưng làm thế nào những người tội lỗi như chúng ta có thể vào trong Đức Chúa Trời? Làm sao chúng ta có thể vào trong Đức Chúa Trời công chính và thánh khiết được? Đó là điều không thể có được. Chúng ta vốn là những người tách biệt với Đức Chúa Trời. Anh em có biết chúng ta cách xa Đức Chúa Trời bao nhiêu không? Đó phải là một khoảng cách rất xa. Anh em có bao giờ đo khoảng cách giữa mình với Đức Chúa Trời không? Anh em có bao giờ đếm xem có bao nhiêu chướng ngại vật giữa mình với Ngài không? Chướng ngại vật đầu tiên là tội, thứ hai là những tội lỗi của chúng ta, thứ ba là thế gian, thứ tư là ma quỉ, kẻ cai trị hay bá chủ thế gian, và thứ năm là sự chết. Ngoài những điều ấy, xác thịt, bản ngã, con người cũ cũng làm gia tăng sự xa cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Chúng ta rất xa cách Đức Chúa Trời. Làm thế nào chúng ta được đem vào trong Ngài? Làm thế nào tội nhân được vào trong Đức Chúa Trời? Tất cả những yếu tố phân rẽ, những chướng ngại vật là tội, các tội lỗi, thế gian, ma quỉ, sự chết, xác thịt, bản ngã phải bị xóa sạch. Rồi chúng ta mới được đem đến gần Đức Chúa Trời, không những đến với Ngài, mà còn vào trong Ngài nữa.

Vì vậy, cần phải làm, cần phải có một sự chuẩn bị nào đó. Chúa phải làm công tác chuẩn bị. Ngài phải đi, không phải lên các tầng trời, mà là lên thập tự giá để cất bỏ mọi chướng ngại vật. Tất cả các chướng ngại vật đều đã được sự chết bao-hàm-tất-cả của Chúa cất bỏ. Trên thập tự giá, Chúa đã xóa sạch mọi hàng rào giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài đã xử lý tội, các tội lỗi, thế gian, bá chủ của thế gian, xác thịt, bản ngã, con người cũ, và ngay cả sự chết. Bởi sự chết và sự phục sinh, Chúa đã mở đường và chuẩn bị một chỗ để chúng ta được đem vào trong Đức Chúa Trời. Tôi tin đó là ý nghĩa đúng đắn của câu “Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ”.

Ở Mỹ có nhiều đường cao tốc. Sự chết và sự phục sinh của Chúa đã chuẩn bị đường cao tốc để đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Trước khi Ngài bị đóng đinh, có rất nhiều chướng ngại vật, nhiều sự ngăn trở, cản đường khiến chúng ta không đến với Cha được. Không có con đường nào vào trong Cha được. Nhưng bởi sự chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa đã làm đường, chuẩn bị đường và mở đường cao tốc để có thể đem bất cứ người nào vào trong Đức Chúa Trời ngay lập tức. Chúa đã dời mọi núi non, nối mọi chỗ đứt đoạn, lót đường và trả tất cả lệ phí cầu đường. Chúng ta không cần phải trả gì cả. Chúng ta có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời.

Bởi sự chết và phục sinh của Ngài, không những Chúa đã mở con đường vào trong Đức Chúa Trời, mà còn chuẩn bị một chỗ đứng cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời và trong Đức Chúa Trời. Xin hãy nghe tin mừng này, ấy là một chỗ trước mặt Đức Chúa Trời và trong Đức Chúa Trời đã được chuẩn bị cho chúng ta. Hễ tin vào danh Chúa Jesus, chúng ta có một chỗ đứng trước mặt Đức Chúa Trời và trong Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta phải la lên: “Ha-lê-lu-gia! Tôi có một chỗ đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Thậm chí tôi còn có một chỗ đứng bên trong Đức Chúa Trời nữa”. Ngay cả Đức Chúa Trời cũng không thể từ chối tôi. Ô, vì công tác chuẩn bị của Đấng Christ, Đức Chúa Trời công chính không bao giờ có thể đuổi tôi ra. Tôi có một chỗ đứng vững chắc như vậy trong Đức Chúa Trời”. Tôi có thể làm chứng với anh em rằng tôi rất chắc chắn về sự kiện tôi ở trong Đức Chúa Trời. Không có Đấng Christ bị đóng đinh và phục sinh, chúng ta không bao giờ có được sự bảo đảm này. Nhưng vì Chúa đã trải qua thập tự giá và Ngài đã được làm cho sống lại từ người chết, chúng ta biết mình có một vị trí trước mặt Đức Chúa Trời và một chỗ đứng trong Ngài.

Đừng nghĩ rằng Chúa đang lên trời chuẩn bị một lâu đài trên thiên đàng để một ngày kia chúng ta có thể lên thiên đàng và sống trong lâu đài ấy. Tư tưởng này quá thấp thỏi, giống như Phật giáo. Những sự dạy dỗ của Công giáo có tư tưởng này, và ở một mức độ lớn lao, những sự dạy dỗ của Cải Chánh giáo cũng vậy. Chúng ta phải loại bỏ tư tưởng ấy khỏi chúng ta, là tư tưởng giống như Phật giáo. Thậm chí, bản Kinh Thánh tiếng Hoa còn dùng nhóm chữ “lâu đài trên thiên đàng” để dịch chữ “trời” trong Hê-bơ-rơ 9:24 và 1 Phi-e-rơ 3:22. Mọi người Hoa đều biết từ ngữ “lâu đài trên thiên đàng” là từ ngữ của Phật giáo. Đó là chữ do Phật giáo đặt ra. Tôi rất buồn vì Cơ Đốc giáo đã tiếp nhận từ ngữ này. Công giáo tiếp nhận nhiều điều từ chủ nghĩa thế tục. Đó là men được nói đến trong Ma-thi-ơ 13:33, mà qua câu ấy Chúa bảo chúng ta về người đàn bà giấu men trong bột mì mịn. Bột mì mịn trong ẩn dụ này chỉ về Con Đức Chúa Trời là bánh hằng sống để nuôi dưỡng chúng ta, và người đàn bà tượng trưng cho Giáo hội Công giáo La Mã. Men mà bà ta lấy tượng trưng cho những điều tội lỗi, ô uế chẳng hạn như chủ nghĩa ngoại giáo và chủ nghĩa thế tục. Giáo hội Công giáo đem chủ nghĩa ngoại giáo vào các giáo lý và sự dạy dỗ liên quan đến Đấng Christ. Tư tưởng về việc sống trong một lâu đài trên thiên đàng là một loại men trong bột mì.

Sự cứu chuộc của Chúa không phải để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta trên trời. Sự cứu chuộc của Chúa là để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta trong Đức Chúa Trời. Tư tưởng này thần thượng biết bao! Tư tưởng này ở một bình diện cao nhất. Chúa cứu chuộc chúng ta để đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời, để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta trong Đức Chúa Trời. Sau khi đọc cả Tân Ước, anh em thấy Kinh Thánh nói chúng ta ở đâu? Sau khi chúng ta được cứu chuộc, được cứu rỗi, được tái sinh, xin cho biết chúng ta ở đâu. Chúng ta ở trong Đấng Christ và ở trong Đức Chúa Trời. Ngay cả Thư tín đầu tiên của Giăng cũng mặc khải rằng chúng ta ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong chúng ta (4:13). Tư tưởng chính yếu trong toàn bộ Tân Ước là sau khi đã được cứu và được tái sinh, chúng ta ở trong Đức Chúa Trời và ở trong Đấng Christ. Đức Chúa Trời và Đấng Christ là nơi ở của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta đã trở thành nơi ở cho Đức Chúa Trời. Do đó, Đức Chúa Trời và chúng ta, chúng ta và Đức Chúa Trời là một nơi ở hỗ tương. Chúa nói cách rõ ràng Ngài chuẩn bị một nơi ở cho chúng ta trong Đức Chúa Trời, chứ không phải ở trên thiên đàng. Ngài chuẩn bị một chỗ để chúng ta vào trong Đức Chúa Trời, Ngài nói Ngài đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời bởi sự cứu chuộc của Ngài. Bởi sự chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài đã đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa vì mỗi người chúng ta có một chỗ ở trong Đức Chúa Trời! Anh em thích điều nào hơn, một chỗ ở trên trời hay một chỗ ở trong Đức Chúa Trời?

Sự ra đi của Chúa là để đem con người vào trong Đức Chúa Trời nhằm mục đích xây dựng nơi ở của Ngài. Ngài đi lên thập tự giá để hoàn thành sự cứu chuộc, cất bỏ mọi chướng ngại vật giữa con người và Đức Chúa Trời, hầu Ngài có thể mở đường và tạo một chỗ đứng để con người vào trong Đức Chúa Trời. Chỗ đứng trong Đức Chúa Trời được mở rộng, trở nên chỗ đứng trong Thân thể Đấng Christ. Tất cả những ai không có chỗ đứng này, tức một chỗ trong Đức Chúa Trời, thì không có chỗ trong Thân thể Đấng Christ, tức nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Chúa đi hoàn thành sự cứu chuộc là để chuẩn bị một chỗ ở trong Thân thể Ngài cho các môn đồ.

F. Chúa Ra Đi Tức Là Chúa Đến
Trong câu 3 Chúa nói: “Khi Ta đi... Ta sẽ trở lại”. Tôi rất thích câu này. Lời này chứng tỏ rằng sự ra đi của Chúa (qua sự chết và sự phục sinh) là Ngài đến (với các môn đồ – cc. 18, 28). Cách sử dụng thì ở đây rất lạ đối với tiếng Anh, có nghĩa là sự ra đi của Ngài là sự đến của Ngài, Ngài đến bằng cách ra đi. Sự ra đi của Chúa không phải là lìa khỏi mà thật ra là một bước của việc Ngài đến. Sự chết và sự phục sinh của Chúa là một bước tiến của việc Ngài đến. Ngài ra đi chịu chết là Ngài đến trong chúng ta. Ý định của Chúa là Ngài vào trong các môn đồ. Ngài đến trong xác thịt (1:14) và ở giữa các môn đồ, nhưng khi Ngài ở trong xác thịt, Ngài không thể vào trong họ. Ngài phải đi một bước xa hơn là trải qua sự chết và sự phục sinh để Ngài được biến hóa từ xác thịt thành ra Linh, để Ngài có thể vào trong họ và ở trong họ, như được bày tỏ trong các câu từ 17 đến 20. Sau khi phục sinh, Ngài đến thở chính Ngài là Thánh Linh vào trong các môn đồ (20:19-22). Vì vậy, sự ra đi của Ngài chỉ là sự đến của Ngài.

Tôi xin dùng một chuyện đã xảy ra tại Đài Loan cách đây nhiều năm để minh họa. Một ngày kia tôi mua một trái dưa hấu thật to. Khi đem về nhà, tôi đặt trái dưa trên bàn ăn, và tất cả các con tôi đều náo nức. Rồi tôi đem trái dưa ấy vào trong bếp. Một trong các con tôi la lên: “Bố đừng đem trái dưa đi!” Tôi bảo chúng nó im lặng vì tôi đem dưa đi là để chúng nó có thể ăn dưa, để trái dưa lớn như thế có thể vào bên trong chúng nó. Trái dưa phải trải qua một tiến trình, phải được xẻ ra và cắt thành từng miếng. Sau vài phút, trái dưa lớn ấy “trở lại” với mấy đứa bé dưới hình thức những miếng dưa. Tất cả chúng nó đều vui vẻ. Chưa đến một giờ đồng hồ, trái dưa biến mất. Trái dưa đi đâu? Đi vào trong các đứa bé. Cuối cùng, tất cả các đứa bé đều trở thành “những đứa bé dưa”. Việc đem trái dưa đi không có nghĩa là trái dưa đi mất. Việc đem dưa đi là một bước tiến xa hơn trong việc đưa trái dưa vào trong các đứa bé. Jesus giống như trái dưa ấy. Làm thế nào các môn đồ ăn nuốt Ngài được? Không cách nào. Ngài cần phải trải qua một tiến trình, được cắt thành nhiều mảnh. Ngài lên thập tự giá, tại đó Ngài bị cắt và trải qua một tiến trình, không phải thành từng miếng, mà thành nước dưa hấu uống rất ngon. Bây giờ Jesus không còn chỉ là trái dưa hấu mà cũng là nước dưa hấu. Ai uống Jesus thì nhận Jesus vào trong mình. Jesus trải qua sự chết để Ngài trở lại là Đấng Christ trong sự phục sinh.

G. “Tiếp Các Ngươi Về Với Ta”
Chúa nói: “Ta sẽ trở lại, tiếp các ngươi về với Ta” (c. 3). Điều này không có nghĩa là Chúa tiếp chúng ta vào một nơi nào đó, mà là Ngài tiếp chúng ta vào trong chính Ngài. Chúa tiếp các môn đồ về với Ngài chính là Ngài đặt họ vào trong Ngài, như được thấy qua nhóm chữ “các ngươi ở trong Ta” trong câu 20.

H. “Ta Ở Đâu, Thì Các Ngươi Cũng Ở Đó”
Trong câu 3 Chúa nói Ngài sẽ tiếp chúng ta về với chính Ngài để “Ta ở đâu, thì các ngươi cũng ở đó”. Chúa ở đâu? Có phải Ngài ở trên trời không? Không, Ngài ở trong Cha. Chúa muốn các môn đồ Ngài cũng ở trong Cha (cc. 17, 21). Vì Chúa ở trong Cha, Ngài cũng sẽ đem chúng ta vào trong Cha. Do ở trong Chúa mà chúng ta là các môn đồ của Ngài cũng ở trong Cha. Chúa ở trong Cha. Nhờ sự chết và sự phục sinh, Chúa đã đem chúng ta vào trong chính Ngài. Do ở trong Ngài mà chúng ta cũng ở trong Cha, vì Ngài ở trong Cha. Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó. Được như vậy là nhờ Chúa chết đi và sống lại. Trước khi Ngài chết và phục sinh, Chúa Jesus ở trong Cha, nhưng các môn đồ thì không. Sau khi Ngài chết và phục sinh, tất cả các môn đồ vào trong Cha, y như Chúa đã và đang ở trong Cha. Lúc ấy Chúa có thể nói: “Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó”.

I. “Đường Đi” Là Chính Con
Con đường để chúng ta vào trong Đức Chúa Trời là chính Chúa. Vì con đường là một thân vị sống động, cho nên nơi Chúa đem chúng ta đến cũng phải là một thân vị sống động, là chính Đức Chúa Cha. Chính Chúa là con đường sống động để đem loài người vào trong Đức Chúa Cha, là nơi chốn sống động. Giống như chúng ta, các môn đồ nghĩ rằng cả nơi cư ngụ lẫn con đường đều là nơi chốn, chứ không phải là thân vị. Tuy vậy, Chúa nói với họ: “Ta là đường đi”.

J. “Thực Tại” Trở Nên Con Đường
Trong câu 6, Chúa Jesus cũng nói rằng Ngài là thực tại. Con đường cần thực tại. Nếu Chúa không là thực tại của anh em, thì không bao giờ Ngài có thể là con đường của anh em. Thực tại trở nên con đường.

K. “Sự Sống” Đem Đến Thực Tại
Thực tại cần sự sống. Chính Chúa là sự sống đối với chúng ta. Sự sống này đem thực tại đến với chúng ta, và thực tại trở nên con đường để chúng ta vào trong Cha. Trước hết, Đấng Christ là sự sống của chúng ta. Sau đó, sự sống này đem mọi thực tại về Đức Chúa Trời Tam Nhất đến với chúng ta. Cuối cùng, thực tại về Đức Chúa Trời Tam Nhất là con đường để chúng ta vào trong Cha. Khi Chúa là sự sống đối với chúng ta, thì chúng ta có thực tại. Khi Chúa là thực tại của chúng ta, chúng ta có con đường để vào trong Cha.

Suốt nhiều năm, tôi không hiểu vì sao Chúa đặt con đường trước, lẽ thật hay thực tại thứ hai, và sự sống sau cùng. Cuối cùng tôi mới hiểu ý nghĩa của thứ tự này. Nếu Chúa sẽ là con đường của chúng ta, Ngài phải là thực tại của chúng ta, nếu Ngài sẽ là thực tại của chúng ta, Ngài phải là sự sống của chúng ta. Bởi có Ngài là sự sống, chúng ta có Ngài là thực tại, bằng cách có Ngài là thực tại, chúng ta có Ngài là con đường vào trong Cha. Chính Chúa là con đường, con đường này là thực tại, và thực tại ở trong sự sống.

Trong câu 6 Chúa không nói: “Không bởi Ta, không ai lên thiên đàng được”. Không, Ngài nói: “Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha”. Chúa không có ý định đem chúng ta lên trời, mà là đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời, vào trong Cha. Chúa không phải là con đường để đem các tín đồ lên trời mà là đem họ vào trong Cha.

L. “Đến Với Cha”
Là thân vị sống động, Cha là đích điểm, và là thân vị sống động, Con là con đường. Con đường và nơi đến đều không phải nơi chốn. Con đường là Con, và nơi đến là Cha. Nhờ Con chúng ta vào trong Cha. Cả con đường và nơi đến đều là những thân vị sống động. Qua sự chết và sự phục sinh của Con, tất cả chúng ta đều đã vào trong Cha. Bây giờ Con ở trong Cha, và chúng ta cũng ở trong Cha vì chúng ta ở trong Con.
--