SỰ SỐNG TẨY RỬA TRONG TÌNH YÊU ĐỂ
DUY TRÌ MỐI TƯƠNG GIAO (1)
Trong bài này chúng ta đến chương
13, là một chương rất thú vị và đầy ý nghĩa. Có lẽ tất cả các Cơ Đốc nhân đều
biết có một chương thuật về việc Chúa rửa chân cho các môn đồ trong các sách
Phúc Âm. Người nào cũng thấy chương này có vẻ dễ hiểu, nhưng thật ra nhận biết
ý nghĩa thật của chương này là điều không dễ chút nào. Thông thường các Cơ Đốc
nhân chỉ tin rằng rửa chân cho người khác là bày tỏ tình yêu đối với họ. Thậm
chí một số tín đồ còn nhất định giữ việc rửa chân mỗi khi đến bàn của Chúa. Tại
bàn của Chúa, họ rửa chân cho nhau để bày tỏ tình yêu đối với nhau. Điều này chẳng
có gì sai nếu không biến việc này thành lề luật. Nếu không làm thành lề luật,
thì những cơ hội bày tỏ tình yêu đối với nhau bằng cách rửa chân cho nhau ấy
cũng tốt. Trong quá khứ có vài lần tôi rửa chân cho những người khác, và những
người khác rửa chân cho tôi. Thỉnh thoảng chúng ta phải để Chúa dẫn dắt và chỉ
bảo mình làm điều này cho nhau. Nhưng việc rửa chân tượng trưng cho một điều
quan trọng hơn. Như chúng ta đã thấy, mọi sự đề cập trong Phúc Âm này là dấu hiệu
nói lên một điều gì đó thuộc linh và sâu xa hơn. Vì vậy, rửa chân cũng là dấu
hiệu tượng trưng cho một điều gì đó thuộc linh và sâu xa hơn. Tìm ra ý nghĩa
thuộc linh của dấu hiệu này là điều khá khó khăn. Như thế, ý nghĩa thuộc linh
sâu hơn của dấu hiệu này là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi ấy,
chúng ta cần phải nhận thức vị trí của chương này trong toàn bộ Phúc Âm Giăng.
Chương này được đặt ở bước ngoặt của Phúc Âm Giăng. Phúc Âm Giăng chính yếu được
chia làm hai phần. Phần thứ nhất, gồm các chương từ một đến mười ba, trình bày
thế nào Chúa là Lời đời đời, tức là chính Đức Chúa Trời, và là Con Đức Chúa Trời
đã đến qua sự nhục hóa hầu đem Đức Chúa Trời vào trong con người để làm sự sống
của con người nhằm sinh ra Hội thánh. Phần thứ hai, gồm các chương từ mười bốn
đến hai mươi mốt, cho biết thế nào Chúa là Con Loài Người đã trải qua sự chết
và sự phục sinh để đem con người vào trong Đức Chúa Trời, hầu cho con người và
Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời và con người, được xây dựng với nhau thành một nơi
cư ngụ hỗ tương. Chương mười ba ở cuối phần một, là lằn ranh phân chia và là bước
ngoặt, chuyển bản ký thuật từ hướng này sang hướng kia.
Tư tưởng chính trong phần đầu
Phúc Âm Giăng là gì? Ấy là Chúa là Lời đời đời, tức biểu hiện của Đức Chúa Trời,
đến để làm sự sống của chúng ta, đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, và làm cho
chúng ta thành những Chi thể của Thân thể Ngài. Chương một bày tỏ Chúa là Lời đời
đời, tức là sự bày tỏ Đức Chúa Trời. Kế đến chúng ta thấy Chúa đến để làm sự sống
của chúng ta, Ngài đến để chúng ta nhận Ngài làm sự sống của mình để đáp ứng mọi
nhu cầu của mình. Chín trường hợp được lựa chọn cho thấy Chúa là sự sống có thể
đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Kế đến chương mười hai bày tỏ Chúa là hạt lúa
mì phải trải qua sự chết và sự phục sinh để sản sinh ra chúng ta, là nhiều hạt.
Chúng ta đang được hòa quyện với nhau như một ổ bánh, là Thân thể Ngài, tức là
Hội thánh.
Tư tưởng chính của phần hai là
Chúa đã nhục hóa, chịu đóng đinh, và phục sinh, Ngài biến hóa từ xác thịt thành
ra Linh. Ngài đã biến hóa từ sự bày tỏ Đức Chúa Trời trong xác thịt thành ra
Linh để Ngài có thể đến trong chúng ta như sự sống. Xin lưu ý rằng tôi dùng từ
ngữ “biến hóa”. Chúa được biến hóa từ xác thịt thành ra Linh để Ngài có thể đến
trong linh chúng ta, làm sự sống trong linh chúng ta, và làm một với chúng ta
trong linh chúng ta. Là Linh, Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài.
Bây giờ Ngài và chúng ta, chúng ta và Ngài, có thể hòa quyện thành một.
Trong phần đầu của Phúc Âm Giăng,
Chúa đến để đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta, và trong phần cuối, Chúa đi để
đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Trong mười hai chương đầu, Chúa đến bằng
cách nhục hóa để đem Đức Chúa Trời vào trong con người; trong tám chương cuối,
Chúa đi bằng cách chết và phục sinh để đem con người vào trong Đức Chúa Trời.
Phần đầu cho thấy Ngài đến như thế nào, và phần cuối cho thấy Ngài đi ra sao.
Ngài đến bằng sự nhục hóa để đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta. Ngài đi bởi
sự chết và sự phục sinh để đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời.
Chương mười ba đứng giữa hai phần
này như một bước ngoặt. Câu 3 chép: “Jesus biết... mình đã từ Đức Chúa Trời đến,
cũng sẽ về cùng Đức Chúa Trời nữa”. Ngài đến từ Đức Chúa Trời và sắp trở về với
Đức Chúa Trời. Vì lý do ấy, tôi nói rằng chương mười ba là bước ngoặt trong
Phúc Âm này.
Chương này đã làm cho tôi rất bận
tâm suốt một thời gian khá dài. Tôi thắc mắc vì sao việc rửa chân không được ghi
lại trước chương mười một hay sau chương mười bốn. Tôi không hiểu vì sao sự kiện
này lại ghi trong chương mười ba. Tôi bối rối vì vị trí của chương này, vì tôi
đi đến chỗ nhận biết rằng từ chương một đến chương mười hai, Chúa là Lời đã đến
để truyền chính Ngài là sự sống cho nhiều người và cuối cùng Hội thánh đã ra đời.
Hội thánh có mặt trong chương mười hai. Chúa là Chiên Con của Đức Chúa Trời cất
tội đi, Ngài đã bị treo lên trong hình dạng một con rắn để xử lý bản chất rắn độc,
và Ngài cũng là hạt lúa mì rơi xuống đất chết đi để sinh ra nhiều hạt. Theo một
ý nghĩa, vào thời điểm của chương mười hai, mọi sự đều hoàn tất. Đối với tôi,
dường như không cần có chương mười ba. Do đó, tôi bối rối, suy nghĩ rằng chương
mười bốn nên theo ngay sau chương mười hai và hoàn toàn không cần chương mười
ba. Tôi dành nhiều thì giờ ở với Chúa để tìm ra lý do vì sao chương mười ba lại
là cần thiết. Cuối cùng Chúa bảo tôi lý do chúng ta cần chương mười ba là vì
chương ấy đi sau chương mười hai. Việc rửa chân được tìm thấy trong chương mười
ba là điều rất ý nghĩa. Trong chương mười ba, tại chính bước ngoặt của Phúc Âm
Giăng, Chúa rửa chân cho các môn đồ Ngài. Điều này có ý nghĩa thâm sâu.
I. CHÍNH CHÚA ĐÃ RỬA CHÂN
A. Thương Yêu Cho Đến Cuối Cùng
Câu 1 nói rằng Chúa “đã thương
yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian” và Ngài “cứ thương yêu họ đến cuối cùng”.
Vì tình yêu này, Chúa rửa chân cho các môn đồ Ngài. Vì vậy, việc rửa chân này
là vấn đề tình yêu, yêu cho đến cùng. Không có điều này, tình yêu của Chúa đối
với chúng ta không đến cùng, không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Điều này
cho thấy tầm quan trọng của việc rửa chân. Đó là nhu cầu cao nhất của chúng ta.
Trong chín trường hợp trước, Chúa đã đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Nhưng
sau tất cả những điều ấy, chúng ta vẫn cần rửa chân. Vì vậy, Chúa phải lo liệu
việc này bằng cách bày tỏ cho chúng ta tình yêu đến cùng của Ngài.
B. Nhận Biết Mọi Sự Đã Được Ban
Cho Ngài
Câu 3 cho thấy lý do vì sao Chúa
rửa chân cho các môn đồ. Ấy là vì Ngài biết “Cha đã giao mọi sự trong tay mình,
và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về cùng Đức Chúa Trời nữa” (c. 3). Lúc
ấy Ngài nhận biết ba điều: (1) Cha đã ban mọi sự vào trong tay Ngài; (2) Ngài từ
Đức Chúa Trời đến; (3) Ngài sắp trở về với Đức Chúa Trời. Vì ba điều này, Ngài
rửa chân cho các môn đồ. “Mọi sự” mà Cha đã ban cho Ngài chính yếu là các môn đồ;
việc Ngài từ Đức Chúa Trời đến đã đem Đức Chúa Trời vào trong các môn đồ Ngài;
và khi trở về với Đức Chúa Trời, Ngài phải lìa các môn đồ này. Cha đã ban các
môn đồ cho Ngài, và Chúa đã đem Đức Chúa Trời vào trong họ, nhưng bây giờ Ngài
sắp lìa xa họ. Nhờ sự kiện Ngài từ Đức Chúa Trời đến và đem Đức Chúa Trời vào
trong họ mà mối liên hệ giữa các môn đồ và Đức Chúa Trời trong Ngài đã hiện hữu.
Bây giờ Ngài sắp lìa khỏi họ. Khi Ngài lìa họ rồi, làm thế nào mối liên hệ giữa
các môn đồ và Đức Chúa Trời được duy trì? Mối liên hệ ấy phải được duy trì bằng
sự rửa chân. Rửa chân là rửa khỏi chân tất cả bụi đất ngăn trở mối tương giao
giữa Đức Chúa Trời và con người. Khi làm như vậy, Chúa bày tỏ cho các môn đồ thấy
cách họ duy trì mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời trong Ngài.
Cách hiểu biết này có thể được
xác nhận theo nghĩa tiêu cực qua câu 2, là câu nói rằng lúc ấy ma quỉ “đã để ý
phản Ngài vào lòng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con Si-môn”. Mục đích gian ác của ma quỉ
là giữ người ta xa khỏi mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nhưng điều Chúa làm khi
Ngài rửa chân cho các môn đồ là giữ họ trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời
trong Ngài. Trong khi ma quỉ hành động để giữ người ta xa khỏi mối quan hệ này
với Đức Chúa Trời, Chúa làm công việc rửa chân là phương cách để giữ các môn đồ
Ngài trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời trong Ngài.
C. Cởi Áo Ngoài
Khi Chúa Jesus sắp rửa chân cho
các môn đồ, Ngài cởi áo ngoài của mình ra (c. 4). Áo ngoài ở đây tượng trưng
cho các mỹ đức và thuộc tính của Chúa được bày tỏ ra. Như vậy, cởi áo ngoài ra
có nghĩa là Ngài cởi bỏ những gì Ngài có trong biểu hiện của Ngài. Nếu Chúa ở
trong những gì Ngài “là” trong các mỹ đức và thuộc tính Ngài, thì Ngài không thể
rửa chân cho các môn đồ Ngài.
D. Thắt Lưng
Khi Chúa đã cởi áo ngoài rồi, thì
Ngài thắt lưng mình bằng một cái khăn (c. 4). Nói theo nghĩa bóng, Chúa thắt
lưng chính Ngài có nghĩa là Ngài bị ràng buộc và giới hạn bằng sự khiêm nhường
(đc. 1 Phi. 5:5). Trong sự khiêm nhường Ngài từ bỏ sự tự do của mình để có thể
phục vụ các môn đồ Ngài.
E. Lấy Nước Rửa Chân Cho Các Môn
Đồ
1. Nước Tượng Trưng Cho Thánh
Linh, Lời, Và Sự Sống
Chúa lấy nước rửa chân cho các
môn đồ (c. 5). Ở đây nước tượng trưng cho Thánh Linh (Tít 3:5), Lời (Êph. 5:26;
Gi. 15:3), và sự sống (Gi. 19:34). Như chúng ta sẽ thấy, Chúa rửa chúng ta về mặt
thuộc linh bởi sự hành động của Thánh Linh, bởi sự soi sáng của Lời, và bởi sự
vận hành của luật sự sống bề trong. Trong Kinh Thánh, mỗi một điều trong ba điều
này đều được tượng trưng bằng nước.
2. Rửa Sạch Bụi Đất Bám Vào Vì Tiếp
Xúc Với Những Điều Thuộc Về Đất
Qua sự nhục hóa, Chúa đã “đến” để
đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta. Qua sự chết và sự phục sinh Ngài “đi” để
đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Cả hai điều đều xảy ra trong linh chúng
ta. Nói về linh chúng ta, Đức Chúa Trời đã được đem vào trong chúng ta bởi sự đến
của Chúa, và chúng ta đã được đem vào trong Đức Chúa Trời bởi sự đi của Chúa.
Tuy nhiên, nói về thân thể vật lý của mình, chúng ta vẫn còn ở trên đất này.
Trong linh mình, chúng ta đã được liên kết với điều gì thiên thượng, thuộc linh
và đời đời, nhưng trong thân thể mình, chúng ta vẫn còn ở trên đất. Trong linh
chúng ta, Chúa đã đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta và chúng ta vào trong Đức
Chúa Trời; trong linh mình, chúng ta đã là một với Đức Chúa Trời; và trong linh
mình chúng ta đang ở trong cõi thiên thượng vì chúng ta ở trong Đức Chúa Trời.
Nhưng trong thân thể mình chúng ta vẫn còn ở trên đất. Nói về linh đã tái sinh
của mình, chúng ta không còn là cõi sáng tạo cũ; chúng ta là cõi sáng tạo mới.
Tuy nhiên, bàn về thân thể mình, chúng ta vẫn còn ở trong cõi sáng tạo cũ và ở
trên đất. Một mặt chúng ta là cõi sáng tạo mới, chúng ta ở trong Đức Chúa Trời,
và chúng ta ở trong cõi thiên thượng. Điều này đúng và là một thực tại. Mặt
khác, chúng ta vẫn ở trong cõi sáng tạo cũ, vẫn còn ở trên đất.
Mặc dầu có sự sống thần thượng và
đã trở thành Hội thánh, chúng ta vẫn đang sống trên đất trong xác thịt sa ngã
này. Chúng ta thường bị dơ bẩn do những sự tiếp xúc thuộc về đất. Điều này
không thể tránh được, vì chúng ta không thể không chạm đến những điều thuộc đất.
Trong thân thể mình, chân chúng ta là những chi thể đụng chạm đất. Hằng ngày,
chúng ta chạm đến đất bằng bàn chân mình. Vào thời xưa tại xứ Giu-đa, hầu như
người ta di chuyển khắp nơi bằng cách đi bộ, dùng bàn chân mình tiếp xúc với mặt
đất. Mỗi khi tiếp xúc với mặt đất, bàn chân họ chắc chắn bị dơ bẩn. Do đó họ rất
cần rửa chân. Về mặt thuộc linh chúng ta cũng cần như vậy.
Dơ bẩn khác với tình trạng tội lỗi.
Tội lỗi là một việc, và dơ bẩn là một việc khác. Anh em có thể hoàn toàn vô tội
mà vẫn rất dơ bẩn. Có lẽ không có gì sai trật, nhưng anh em dơ bẩn chỉ vì tiếp
xúc với đất. Anh em có nhận biết mình vẫn đang ở trong thân thể và vẫn đang bước
đi trên trái đất này không? Chúng ta thường xuyên tiếp xúc với trái đất, và điều
này làm cho chúng ta dơ bẩn. Vì vậy hầu như chúng ta luôn luôn không được sạch
sẽ. Do đó chúng ta cần rửa chân.
3. Duy Trì Mối Tương Giao Với
Chúa Và Với Nhau
Anh em biết người Do Thái rửa
chân họ vào lúc nào không? Họ thường đặc biệt rửa chân khi đến dự tiệc. Tiệc là
trung tâm của sự tương giao. Vào thời ấy người Do Thái mang xăng-đan, và vì đường
xá bụi bặm, chân họ dễ bị dơ bẩn. Khi đến dự tiệc, nếu họ ngồi vào bàn với đôi
chân dơ bẩn duỗi ra, thì bụi bặm và mùi hôi từ bàn chân sẽ ngăn trở sự tương
giao. Vì vậy, để dự tiệc cách thoải mái, họ cần rửa chân. Khi những người khách
được mời đến bữa tiệc là nơi họ tương giao với nhau, thì họ phải rửa chân trước
khi tương giao. Không rửa chân, sự tương giao sẽ bị ngăn trở. Trước khi có thể
quây quần dự tiệc và tương giao tại bàn, họ phải được rửa sạch. Nếu không, dĩ
nhiên là họ không thể nào tương giao thoải mái được. Hơn nữa, họ không ngồi tại
bàn như chúng ta; mà họ ngồi nghiêng người trên sàn nhà, chân duỗi ra, không ngồi
trên ghế hay băng ghế. Nếu chân họ dơ bẩn, mùi hôi sẽ rất kinh khủng. Đôi khi họ
đi xa trên đường sình lầy; vì thế, chân họ rất dơ bẩn và bay mùi khó chịu. Nếu
họ quây quần lại và ngồi duỗi chân ra, sự tương giao của họ sẽ không mấy thú vị.
Vì Phúc Âm Giăng là sách của các
dấu hiệu, những gì được ghi lại ở đây về việc rửa chân cũng phải được kể là một
dấu hiệu có ý nghĩa thuộc linh. Chúng ta không nên chỉ nhận lấy việc rửa chân
theo ý nghĩa thuộc thể, mà cũng phải theo ý nghĩa thuộc linh. Vì đây là dấu hiệu,
nên ý nghĩa của sự rửa chân là để tương giao với Chúa và với nhau. Nếu anh em
chỉ đến và duỗi đôi chân không rửa của mình ra, sự tương giao giữa anh em với
những người khác sẽ bị ngăn trở. Đang khi sống trên thế gian này, hằng ngày
chúng ta vẫn còn đụng chạm mặt đất. Đất mà chúng ta đụng đến làm cho chúng ta
dơ bẩn và ngăn trở sự tương giao với Chúa và với nhau. Vì vậy, rửa chân có
nghĩa là khi chúng ta còn ở trên đất, Chúa là Linh ban-sự-sống rửa chân chúng
ta, có nghĩa là Chúa luôn luôn giữ cho bước đi của chúng ta được sạch khỏi mọi
loại bụi đất vì tiếp xúc với những điều thuộc đất. Ngày nay chúng ta phải nhận
thức rằng Chúa đang sốt sắng tẩy rửa và giữ chúng ta sạch sẽ khỏi mọi bụi đất
đã dính vào do chúng ta tiếp xúc với trái đất.
Trong chương mười ba, Chúa nêu
gương bằng cách rửa chân các môn đồ để họ có thì giờ tương giao vui thỏa, vui
hưởng Chúa và vui hưởng nhau. Ngày nay chúng ta cần được rửa chân như vậy. Sự rửa
chân không nên chỉ là vấn đề về phương diện thuộc thể, mà phải theo phương diện
thuộc linh nhiều hơn, là điều rất có ý nghĩa đối với đời sống thuộc linh của
chúng ta. Ngày nay, thế gian này dơ bẩn, và thánh đồ chúng ta rất dễ bị ô uế. Để
duy trì được mối tương giao vui thỏa với Chúa, và với nhau, chúng ta cần được rửa
chân theo cách thuộc linh.
4. Khác Với Việc Rửa Sạch Tội Bởi
Huyết
Như chúng tôi đã đề cập, bị dơ bẩn
không có nghĩa là chúng ta tội lỗi. Nhiều lúc anh em không tội lỗi, nhưng dơ bẩn.
Bụi bặm ở khắp mọi nơi, nên rất dễ bị dơ bẩn. Đang khi sống trên đất, dầu anh
em ngồi một chỗ không nhúc nhích, anh em vẫn sẽ trở nên dơ bẩn. Trái đất này đầy
bụi bặm. Do đó khi làm bất cứ điều gì, anh em cũng sẽ bị dơ bẩn. Thậm chí khi
lái xe trên đường đến buổi nhóm, mắt anh em có thể tình cờ trông thấy một điều
gì đó làm cho anh em trở nên dơ bẩn. Trước khi lên xe, linh của anh em sống động
và được nâng cao, tuy nhiên, sau khi lái xe mười phút, dầu anh em không cố ý
nhìn, nhưng chỉ bởi thấy những điều gì đó trên đường đến buổi nhóm, anh em bị
dơ bẩn và linh mình bị chùng xuống. Thỉnh thoảng chúng ta có thể trở nên dơ bẩn
ngay cả trong sự tương giao của mình.
Chúng ta cần sự tẩy sạch của huyết
đối với những tội lỗi, nhưng đối với những điều dơ bẩn, chứ không phải tội lỗi,
thì chúng ta cần sự tẩy rửa thuộc linh. Chúng ta cần sự tẩy rửa bởi Thánh Linh,
Lời sống động và sự sống bề trong.
Vì tình trạng dơ bẩn rất gần với
tình trạng tội lỗi, nên khó có thể phân biệt, khó có thể đưa ra một hình ảnh
minh họa rõ ràng. Có thể một ngày kia anh không được vui với vợ mình. Chồng
không vui với vợ không phải là điều tội lỗi. Anh không ghét vợ hay nói xấu vợ
hoặc nói nặng nhẹ gì với vợ. Anh không giận dữ với vợ. Anh chỉ ít nhiều không
vui với vợ thôi. Nhiều lúc vợ yêu chồng cách quá đáng. Chồng cần vợ yêu mình, nhưng
đôi lúc tình yêu của người vợ trở nên quá đáng. Có lúc vợ yêu chồng bằng loại
tình yêu không đúng lúc. Khi cần đến tình yêu thì tình yêu rất ngọt ngào, nhưng
khi tình yêu được bày tỏ quá nhiều, thì nó trở nên thái quá. Tình yêu thái quá ấy
có thể trở nên một sự phiền nhiễu. Giả sử, vì quan tâm đến sức khỏe của chồng,
người vợ muốn anh mặc áo khoác trong khi anh không thật sự cần. Chị sợ anh bị cảm
nên muốn anh mặc thêm áo. Mối quan tâm ấy làm phiền anh và khiến anh không vui.
Tình trạng không vui ấy không phải là tội lỗi. Người chồng không nói gì cả; anh
không bày tỏ gì cả. Anh chỉ hơi không vui với vợ mình. Tình trạng hơi không vui
ấy sẽ ngăn trở sự tương giao vui thỏa giữa hai người.
Chúng ta nên làm gì trong trường
hợp đó? Có lẽ anh em sẽ áp dụng huyết, và nói: “Chúa ơi, con không vui với vợ
con vì vợ con đã yêu con thái quá. Con xin áp dụng huyết của Ngài vào tình trạng
này”. Thế nhưng, làm như vậy không hiệu quả. Anh em cần một sự tẩy rửa khác,
không phải là sự tẩy rửa của huyết, mà là sự rửa sạch bởi Linh, Lời sống động
và sự sống bề trong. Ai có thể cho anh em sự rửa sạch này? Trước hết là chính
Chúa Jesus, và sau đó là một thánh đồ hay các thánh đồ có nhiều sự sống. Anh em
cần dành thì giờ ở trong sự hiện diện của Chúa. Hãy lưu lại trong sự hiện diện
của Chúa thì Ngài sẽ đến với anh em, rửa sạch anh em, không phải bằng huyết,
nhưng bằng Linh, Lời sống động và sự sống bề trong. Khó có thể nói khi nào Ngài
rửa xong. Đôi lúc chỉ mất vài phút để rửa sạch bụi đất; vào những lúc khác có
thể mất đến nửa ngày. Mỗi khi anh em cần được rửa sạch như vậy, chỉ cần mở
chính mình ra cho Chúa trong khi anh em đang dành thì giờ ở trong sự hiện diện
của Ngài và để sự sống bề trong tuôn chảy trong anh em. Tự phát một điều gì đó
sống động sẽ tuôn chảy, tưới nước, rửa sạch anh em và anh em sẽ được sạch sẽ trở
lại. Linh anh em sẽ được nâng cao và cả bản thể anh em sẽ rất vui thỏa trong sự
hiện diện của Chúa. Đó là sự tẩy sạch bằng nước sống trong sự hiện diện của
Chúa.
Các anh chị em sống và phục vụ
chung với nhau rất dễ gây tổn thương cho nhau mà không biết. Có thể họ không
cãi nhau, vì cãi nhau là tội lỗi. Họ chỉ làm tổn thương nhau mà không biết. Có
lẽ anh em làm tổn thương tôi mà không biết điều đó. Nhưng tôi thì biết rất rõ
mình bị tổn thương. Do đó cả hai chúng ta đều trở nên tương đối dơ bẩn. Vì vậy,
chúng ta khó duy trì mối tương giao vui vẻ với nhau. Dầu không nói gì và cố gắng
học bài học thập tự giá, chúng ta vẫn thấy mối tương giao của mình trở nên chết
chóc. Chúng ta cần được rửa sạch.
Có thể các anh em sống chung
trong nhà tập thể họp lại với nhau để cầu nguyện. Một vài người khá sống động
còn những người khác lại không sống động gì cả vì họ bị dơ bẩn và linh họ chùng
xuống. Đôi khi tất cả anh em đều tê cóng và sa sút trong linh. Không phải vì tất
cả đều tội lỗi. Họ không phê phán nhau hay cãi nhau. Thế nhưng, tất cả các anh
em đều bị dơ bẩn chỉ vì họ sống với nhau một thời gian dài mà không được rửa
chân cách đúng đắn. Họ cũng cần được rửa chân.
Dơ bẩn rất gần với tội lỗi. Nếu
chỉ đi xa hơn sự dơ bẩn nửa bước, anh em sẽ phạm tội. Sự dơ bẩn ngăn cản mối
tương giao của chúng ta. Càng nhìn anh em, linh tôi càng khó lên cao. Càng nhìn
tôi, linh anh em càng xuống thấp. Ngay cả có nói chuyện với nhau chăng nữa,
chúng ta không thể nói cách vui vẻ. Chúng ta không bao giờ có thể giả bộ làm gì
trái với con người mình. Nếu linh chúng ta vui thỏa thì lời nói của chúng ta
cũng vui thỏa. Nhưng nếu không có linh vui thỏa mà chúng ta lại giả bộ vui vẻ
trong lời nói, tình hình sẽ càng tệ hơn. Anh em có biết vì sao nhiều lúc các
anh chị em không thể cầu nguyện khi nhóm lại với nhau không? Vì tất cả đều dơ bẩn.
Tất cả đều cần rửa chân cho nhau.
Chúa rửa chân cho chúng ta bằng sự
hành động của Thánh Linh, bằng sự soi sáng của Lời và bằng sự vận hành của luật
sự sống bên trong. Hôm nay Chúa luôn luôn rửa sạch bằng Thánh Linh bên trong
chúng ta, bằng Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh soi sáng chúng ta, và bằng sự
sống bề trong vận hành trong chúng ta. Chúa có thể rửa chúng ta mỗi ngày nhiều
lần. Tôi có thể làm chứng rằng Chúa rửa tôi vài lần trong một ngày bằng Linh, Lời
và sự sống bề trong. Tôi phải bước đi trên đất vì tôi sống trên đất. Tôi không
thể tránh tiếp xúc với mặt đất. Tôi phải giao tiếp với họ hàng và những anh chị
em thân mến. Thỉnh thoảng một người bạn đến thăm tôi. Tôi không thể tránh mặt.
Nhưng sau khi người ấy ra về, tôi cảm thấy mình dơ bẩn. Đó là sự tiếp xúc thuộc
đất. Hơn nữa, tôi phải ra tiệm để mua sắm, nhưng sau khi ở cửa hàng bách hóa về,
tôi có cảm giác mình vừa đến Ha-đét. Khi ra khỏi tiệm, tôi cần được rửa sạch
ngay. Mỗi khi đi mua sắm, chân tôi chạm mặt đất và trở nên rất dơ bẩn. Nhưng
Thánh Linh, Lời Đức Chúa Trời, và sự sống bề trong đang hành động và vận hành để
liên tục rửa sạch tôi. Nếu không, tôi không thể duy trì mối tương giao của mình
với Chúa.
Sau một tuần lễ mà ngày ngày phải
tiếp xúc với những điều thuộc đất, anh em có cảm thấy mình cần được rửa sạch
khi đến với bàn của Chúa vào Chúa Nhật không? Đúng thế, anh em thật cảm thấy cần
được rửa chân để tẩy sạch mình khỏi bụi đất đã dần dần bám vào mình khi phải tiếp
xúc với những điều thuộc đất trong tuần. Chúng ta cần được rửa sạch, không những
là được tẩy rửa bằng huyết vì cớ tội lỗi, nhưng là được rửa sạch bằng công tác
của Thánh Linh, bằng sự soi sáng của Lời, bởi sự hành động của sự sống bề trong
để tẩy sạch bụi đất đến từ những sự tiếp xúc thuộc đất.
5. Không Chỉ Về Mặt Thuộc Thể, Mà
Còn Về Mặt Thuộc Linh
Bây giờ chúng ta đã biết ý nghĩa
thật của việc rửa chân. Đó là vấn đề duy trì mối tương giao trong sự sống, chứ
không chỉ là vấn đề thuộc thể; trái lại đó phải là một sự thực hành thuộc linh.
Chúng ta cần phải ẩn dụ hóa dấu hiệu này và không chỉ hiểu theo phương diện thuộc
thể. Theo ý nghĩa thuộc linh của dấu hiệu này, chúng ta cần để cho Linh, Lời sống
động và sự sống bề trong rửa đi mọi bụi đất đã dần dần bám vào mình đang khi
chúng ta sống trong xác thịt và bước đi trên trái đất đầy bụi bặm này.
-