Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 24




NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHẾT – SỰ SỐNG LÀM SỐNG LẠI (2)

Qua việc xem xét các dấu lạ trong Phúc Âm Giăng, chúng ta có thể nhận thức trước hết Chúa đến với chúng ta như sự sống. Loại chướng ngại đầu tiên mà Ngài gặp là tôn giáo của người Do Thái, và loại thứ hai là các ý kiến loài người mà những người yêu Ngài nắm giữ. Ngày nay trong Hội thánh của Ngài, chướng ngại đến từ những ý kiến con người cũng y hệt như vậy. Vô số ý kiến của những người yêu Chúa nhất đang ngăn trở Chúa, khiến cho Ngài không làm sự sống phục sinh trong Hội thánh được. Bên ngoài Hội thánh, tôn giáo cản trở Chúa làm sự sống. Nhưng bên trong Hội thánh, những ý kiến bất tận cũng cản trở Ngài làm sự sống của chúng ta.

Chín trường hợp ấy rất ý nghĩa vì đã bày tỏ rằng Chúa là sự sống bắt đầu với sự tái sinh và kết thúc với sự phục sinh. Tất cả những trường hợp này là những dấu lạ cho thấy Chúa đến với chúng ta như sự sống trong các phương diện khác nhau. Kinh nghiệm về Chúa là sự sống của chúng ta bắt đầu với sự tái sinh và đạt đến đỉnh điểm ở sự phục sinh.


Chúa Jesus nói: “Ta là sự sống lại và sự sống” (11:25). Sự sống lại vượt trỗi sự sống. Tự mình, sự sống chỉ có sự tồn tại, nhưng sự phục sinh có thể chịu được bất cứ sự tấn công nào, thậm chí là sự tấn công của sự chết. Không những Chúa là sự sống, mà Ngài còn là sự sống lại. Sự chết không thể giữ Ngài vì Ngài có thể đắc thắng sự chết. Sự chết không thể giữ Ngài lại, vì không những Ngài là sự sống, mà Ngài còn là sự sống lại. Sự sống là năng lực để tồn tại, nhưng sự sống lại là quyền năng đắc thắng mọi điều nghịch với sự sống. Do đó, vì sự sống lại có thể đánh bại mọi sự tấn công sự sống, nên sự sống lại trổi hơn sự sống.

Theo Kinh Thánh, sự chết là một năng quyền rất lớn. Khi sự chết đến trên một người, người ấy không thể trốn khỏi nó. Ngay cả năng lực nguyên tử cũng không thể thắng hơn sự chết. Chỉ có chính Chúa, là sự phục sinh, mới có thể đánh bại sự chết. Ngài có thể giải cứu mọi người chết khỏi sự chết vì không những Ngài là sự sống mà Ngài còn là sự sống lại. Vì là sự phục sinh, Ngài có thể phá vỡ quyền lực của sự chết. Ngay cả Ha-đét cũng không thể giữ Chúa lại trong mồ mả.

Chúng ta cần phải học áp dụng sự sống phục sinh này hằng ngày. Không những chúng ta cần phải sống bởi Chúa là sự sống, mà còn phải đắc thắng bởi Chúa là sự phục sinh. Nhiều lúc hoàn cảnh của chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta giống như sự chết. Nhưng ngợi khen Chúa, mọi vấn đề chứa đựng ảnh hưởng của sự chết đều là một sự thử nghiệm, vì chúng chứng minh Chúa có là sự phục sinh hay không. Không một điều nào có thể giam hãm chúng ta, vì chúng ta có Chúa là sự sống phục sinh của mình. Dầu đang ở dưới áp lực hay đương đầu với nan đề nào chăng nữa, chúng ta vẫn có thể chịu nổi, vì chúng ta có sự sống phục sinh. Theo 11:25, Chúa không nói chúng ta không chết, nhưng nói chúng ta sẽ minh chứng cho toàn vũ trụ rằng Chúa mà chúng ta tin vào là sự phục sinh! Sa-tan sẽ hết sức cố gắng đặt chúng ta mãi mãi ở trong sự chết. Nhưng một ngày kia, dầu có thể tất cả chúng ta đều chết, chúng ta sẽ sống lại. Trong cả vũ trụ, đó sẽ là sự chiến thắng lớn lao nhất, sự chiến thắng sẽ làm chứng rằng Chúa là sự phục sinh. Tuy nhiên, ngay cả trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể nếm trước chiến thắng cuối cùng của sự phục sinh ấy. Đó là lý do vì sao sứ đồ Phao-lô nói: “Được biết Ngài và quyền năng của sự sống lại của Ngài” (Phil. 3:10).

Ý kiến con người luôn luôn cản đường dẫn đến kinh nghiệm Chúa là sự sống phục sinh trong Hội thánh. Vì vậy ý kiến con người phải được từ bỏ trước khi có thể có nếp sống Hội thánh. Chúng ta cần học bài học im lặng trong Hội thánh thay vì nói lên ý kiến của mình! Chúng ta phải im lặng hơn Ma-ri. Chúng ta không nên nói một lời nào. Chúng ta chỉ nên gửi cho Chúa một lời nhắn tin – chỉ vậy thôi. Rồi La-xa-rơ sẽ được cứu. Dầu Chúa có trả lời hay không và dầu Ngài có đến hay không, chúng ta chỉ hãy im lặng. Chúng ta chỉ giao vấn đề hoàn toàn trong tay Chúa. Rồi chúng ta không bao giờ sai lầm và Ngài không bao giờ chậm trễ. Khi Ngài đến, chúng ta không được nói một lời nào. Chúng ta nên để cho Ngài nói và cho Ngài cơ hội làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Chúng ta chỉ nên sẵn sàng hợp tác với Ngài. Đó là cách đúng đắn để có nếp sống Hội thánh. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ kinh nghiệm Đấng Christ là sự sống phục sinh.

Chương này trong sách Giăng rất có ý nghĩa khi liên hệ đến nếp sống Hội thánh. Chúa là Đấng đến với Hội thánh như sự sống phục sinh, nhưng có hai loại cản trở. Một là tôn giáo và hai là ý kiến con người. Ngay cả Cơ Đốc giáo với tư cách là một tôn giáo cũng hoàn toàn là một sự cản trở đối với mục đích mang sự sống của Chúa đến. Ngày nay có nhiều nhóm được mệnh danh là các nhóm Cơ Đốc nhân tự do, đã từ bỏ Cơ Đốc giáo như một tôn giáo. Họ đã ra khỏi các giáo phái và các tổ chức Cơ Đốc khác. Tuy nhiên, ý kiến con người thật là bất tận giữa các nhóm tự do ấy! Dầu có thể không có điều gì giống tôn giáo giữa vòng họ, nhưng biết bao nhiêu ý kiến loài người của họ đã cản đường Chúa! Vì vậy chúng ta phải học bài học không những từ bỏ tôn giáo thuộc Cơ Đốc giáo, mà cũng từ bỏ ý riêng của chính mình. Khi ấy chúng ta sẽ cho Chúa được tự do làm sự sống giữa vòng chúng ta. Một khi Chúa có thể bày tỏ chính Ngài thì Ngài sẽ có một Hội thánh sống động. Chúng ta hãy nhớ rằng tôn giáo và ý kiến là hai loại chướng ngại chính đối với dòng chảy của Chúa là sự sống của chúng ta.

Trước khi đi sâu hơn vào trường hợp cuối cùng này, chúng ta cần phải khám phá ra một nguyên tắc. Trong chương hai chúng ta đã thấy dấu lạ đầu tiên là biến nước thành rượu. Dấu lạ thứ hai trong chương bốn là làm cho con trai hấp hối của một viên quan trong triều đình sống lại. Chúng ta đã đề cập vài lần ý định của Thánh Linh trong cả Phúc Âm này là làm cho Chúa Jesus trở nên sự sống để đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Hai dấu lạ này trong chương hai và bốn bày tỏ nguyên tắc sự sống ra từ sự chết. Trong cả chín trường hợp đều có nguyên tắc sự sống trong lãnh vực của sự phục sinh để đáp ứng mọi nhu cầu con người. Bây giờ chúng ta có thể hiểu vì sao sự hóa nước thành rượu là “bước đầu của các dấu lạ”. Dấu lạ này chứa đựng nguyên tắc quan trọng hơn cả là việc đem sự sống ra từ sự chết. Đây là nguyên tắc căn bản trong cả chín trường hợp. Trong mỗi trường hợp, chúng ta không thấy gì ngoại trừ nước chỉ về sự chết. Tất cả những gì chúng ta “là” và tất cả những gì chúng ta “có” đều không là gì trừ ra là nước sự chết. Nói cách khác, chúng ta không là gì khác hơn nước sự chết và chúng ta không có gì khác hơn nước sự chết.

Nếu xem xét tình trạng của con người trong mỗi trường hợp, anh em sẽ khám phá rằng họ không có gì ngoài ra sự chết. Hãy nhìn người đàn ông tên Ni-cơ-đem. Ông không có gì cả ngoài ra nước sự chết. Hãy nhìn người đàn bà Sa-ma-ri, cơn khát của bà có nghĩa là bà đang bị sự chết đe dọa. Hãy nhìn đứa con trai hấp hối của một viên quan. Đứa bé ấy đang ở dưới sự bạo tàn của sự chết. Hãy nhìn người đàn ông bị bệnh đã ba mươi tám năm. Ông ấy có gì? Sự chết. Hãy nhìn đoàn dân đông trước khi Chúa đãi họ ăn. Họ đói vì họ không có gì khác hơn là nước sự chết. Hãy nhìn những con người tôn giáo đang khát. Những bữa tiệc của họ đã chấm dứt với sự hư không, điều này cũng nói lên sự chết. Hãy nhìn người đàn bà tội lỗi đã bị người Pha-ri-si đem đến với Chúa. Bà ấy cũng chỉ có nước sự chết. Nói về mặt thuộc linh, ngay cả người mù cũng chỉ có sự chết. Và La-xa-rơ nồng nặc mùi sự chết. Mọi người liên quan đến chín trường hợp này không có gì ngoài ra nước sự chết. Theo chương hai, sáu bình nước tượng trưng cho nhân tính, đầy nước sự chết cho đến miệng bình. Cũng vậy, mỗi một người trong mỗi trường hợp đều đầy sự chết. Sự chết được bày tỏ trong mỗi trường hợp.

Tuy nhiên Chúa đến trong những hoàn cảnh chết chóc này để làm sự sống theo nguyên tắc của sự phục sinh. Ngài đổi sự chết trong mỗi trường hợp này thành ra sự sống và đem sự sống ra từ sự chết.

Chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc của sự sống trong sự phục sinh này cho mọi trường hợp. Trước hết, Chúa nói với Ni-cơ-đem về sự tái sinh. Anh em có biết nguyên tắc của sự tái sinh là gì không? Sự tái sinh đơn giản nghĩa là Chúa đã đến để làm sự sống của chúng ta trong sự phục sinh. Làm thế nào Chúa có thể tái sinh người ta hay làm cho họ được sinh lại? Đơn giản bằng cách làm sự sống của họ theo nguyên tắc phục sinh.

Trường hợp của người đàn bà Sa-ma-ri, Chúa nói với bà về sự thỏa mãn của nước sống. Làm thế nào một tội nhân đáng thương có thể được thỏa mãn với nước sống? Chỉ bởi nguyên tắc sự sống trong sự phục sinh. Khi Chúa đến trong chúng ta như sự sống trong sự phục sinh, khi ấy chúng ta sẽ có nước sống làm cho mình thỏa mãn.

Theo nguyên tắc, sự chữa lành người con trai hấp hối của viên quan cũng có nghĩa là sự sống được truyền cho đứa bé. Để chữa lành vết thương chí tử, [Chúa] cần truyền sự sống trong sự phục sinh.

Điều gì đã xảy đến cho người bất năng bị bệnh đã ba mươi tám năm? Một lần nữa, nguyên tắc vẫn giống như vậy, vì Chúa đến với ông ấy như sự sống làm cho sống động trong sự phục sinh. Vì Chúa đến để làm sự sống trong sự phục sinh của ông, nên Ngài trở nên quyền năng làm sống động khiến cho ông được mạnh mẽ.

Trong trường hợp của đoàn dân đông đang đói, Chúa đến làm bánh sự sống của họ. Nếu Chúa không chết và sống lại, Ngài không bao giờ có thể là bánh hằng sống của chúng ta. Vì Ngài đã chết do bị giết trên thập tự giá và đã được làm cho sống lại trong quyền năng của sự sống phục sinh, Ngài có thể nuôi dưỡng và làm thỏa mãn chúng ta bằng bánh hằng sống. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi Ngài và với Ngài. Điều này cũng là nguyên tắc của sự sống trong sự phục sinh.

Trong trường hợp những người bị khát trong chương bảy, Chúa là nước sống để giải khát cho họ. Làm thế nào Chúa trở nên nước sống của chúng ta? Giăng chương 7 cho chúng ta biết rõ ràng rằng sau khi Chúa được vinh hóa, Linh ban-sự-sống trở nên nước sống. Chúa được vinh hóa có nghĩa gì? Đơn giản có nghĩa là Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Trong sự phục sinh của Ngài, sự sống đã trở nên nước sống động làm cho chúng ta hết khát.

Trong trường hợp người đàn bà tội lỗi, Chúa giải thoát bà ấy khỏi xiềng xích và tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Chúa chết để làm Đấng Ta Là vĩ đại, sống động cho các tội nhân. Chúa làm cho mạnh mẽ và ban năng lực cho chúng ta với sự sống của Ngài trong sự phục sinh, là điều giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội. Không có sự sống trong sự phục sinh của Ngài, chúng ta không bao giờ được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ cho tội.

Trường hợp của người mù bẩm sinh cũng bày tỏ nguyên tắc sự sống trong sự phục sinh. Làm thế nào Chúa có thể ban thị giác và ánh sáng của sự sống cho người ấy? Tiếp theo trường hợp trong chương chín, chương mười nói rằng là người chăn tốt, Chúa phải chết để ban sự sống thần thượng của Ngài cho chiên Ngài. Chúa phải chết và trở nên sự sống phục sinh trong Linh. Bây giờ Ngài đến với chúng ta trên nền tảng của sự sống trong sự phục sinh.

Dĩ nhiên, trường hợp sau cùng, là làm cho La-xa-rơ sống lại từ người chết, hiển nhiên đã đặt nền tảng trên Đấng Christ là sự sống trong lãnh vực phục sinh. Dấu lạ đầu tiên, dấu lạ thứ hai và bây giờ là trường hợp sau cùng, bày tỏ ý định và nguyên tắc của Phúc Âm Giăng; ấy là nguyên tắc sự sống qua sự phục sinh của người chết.

Tại sao Chúa chờ đợi hai ngày thay vì đi ngay khi nhận được tin La-xa-rơ bệnh? Nói một cách nghiêm túc, Chúa chờ đợi hai ngày vì Ngài không muốn chỉ chữa lành người ta; trái lại, Ngài muốn làm cho chúng ta sống động. Chúa không bao giờ chữa lành theo sự hiểu biết của chúng ta; Ngài chữa lành bằng cách làm cho sống động. Anh em có thể tìm thấy từ ngữ “chữa lành” trong chương năm về người bất năng đã bệnh ba mươi tám năm không? Theo mắt Chúa ông ấy có thật sự bệnh không? Không, theo mắt Chúa, con người ấy chết. Chúa không chữa lành bệnh cho ông ấy; Ngài làm cho người chết ấy sống động. Vì vậy, nguyên tắc của sự sống qua sự phục sinh là Chúa luôn luôn làm cho người chết sống động.

Anh em có nghĩ rằng Chúa muốn chữa lành cho anh em không? Chúa muốn làm cho anh em sống động. Theo quan niệm cũ kỹ của anh em, chữa lành có nghĩa là cải cách hay cải thiện anh em. Nhưng Chúa không bao giờ đến để cải thiện anh em hay điều chỉnh hành vi của anh em. Ngài luôn luôn đến để làm cho anh em sống động. Ý định duy nhất của Chúa là truyền chính Ngài cho anh em như sự sống làm sống động.

Vì lý do đó Chúa từ chối đến thăm La-xa-rơ ngay để chữa bệnh cho ông ấy. Ngài chờ cho đến khi La-xa-rơ đã chết hẳn và được chôn. Ngài chờ đợi cho đến khi sự sống con người của La-xa-rơ tuyệt đối chấm dứt. La-xa-rơ chết đến độ đã hôi thối trong mồ. Đó là lúc Chúa đến. Ngài không đến trước thời điểm ấy vì Ngài từ chối đến theo nguyên tắc chữa lành. Ngài chỉ đến theo nguyên tắc sự sống trong sự phục sinh.

Hãy xem xét ví dụ về một anh em nặng tinh thần tôn giáo khám phá thấy mình có tính nóng nảy. Chúng ta có thể nói anh ấy bị bệnh nóng tính. Cũng hãy xem xét trường hợp một cậu bé sau khi được cứu, khám phá mình rất hư đốn. Cậu bé ấy cũng là một bệnh nhân; cậu bị bệnh cư xử sai quấy ngỗ nghịch. Một tín đồ khác có thể khám phá thấy mình đùa giỡn quá nhiều và mình bị bệnh nói đùa. Tất cả những bệnh nhân này, sau khi khám phá ra chứng bệnh của mình, đều báo tin cho Chúa biết chứng bệnh của mình. Như Ma-thê nói rằng La-xa-rơ bị bệnh, họ cũng nói họ bị bệnh nóng nảy, bệnh cư xử sai quấy hay bệnh nói đùa. Họ muốn Chúa chữa lành họ bằng cách cải thiện tánh khí của họ cho tốt hơn, sửa đổi những hành vi xấu để hành vi họ trở nên tốt, và bằng cách điều chỉnh tính hay đùa của họ. Người anh em muốn tính hay bông đùa của mình được điều chỉnh sẽ cầu nguyện: “Chúa ôi, xin giữ môi miệng con!” Nói cách khác, những người này bị bệnh và đang cầu xin Chúa chữa lành cho họ. Nhưng Chúa sẽ không bao giờ đến chữa lành. Anh em càng cầu nguyện để tính nóng nảy của mình được lành thì tính nóng nảy ấy sẽ càng nặng hơn. Chúa sẽ không bao giờ đến chữa lành, nhưng Ngài chờ đợi... chờ đợi... chờ đợi cho đến khi anh em chết. Ngài sẽ không đáp lời cầu xin chữa lành của anh em, Ngài chờ cho đến khi bệnh của anh em đổi thành sự chết. Ngài chờ cho đến khi anh em nhận biết không những mình bệnh mà mình còn chết nữa. Chúa sẽ chờ cho đến khi anh em nói với Ngài anh em là một trường hợp vô vọng, cho đến khi anh em không còn hi vọng gì về chính mình nữa.

Anh em có còn hi vọng được cải thiện không? Anh em có thật tuyệt vọng về chính mình không? Tôi e rằng mỗi người trong anh em vẫn còn có chút ít hi vọng cho chính mình. Nhiều lần anh em giống như Ma-thê lẫn La-xa-rơ. Một mặt, anh em là La-xa-rơ bệnh hoạn; mặt khác anh em giống như Ma-thê báo tin cho Chúa biết. Anh em báo tin cho Chúa về bịnh tình của mình với hi vọng Ngài sẽ đến cải thiện tình trạng của anh em. Nhưng tất cả chúng ta có thể làm chứng rằng Chúa không bao giờ đến để đáp lời cầu nguyện ấy. Anh em càng tìm cách cải thiện, thì Chúa càng đứng xa.

Cuối cùng, một ngày kia anh em sẽ nhận biết mình là một trường hợp hoàn toàn vô vọng. Anh em sẽ khám phá mình là một chiếc bình không chứa đựng gì cả ngoài ra nước sự chết. Mọi sự đầy dẫy sự chết; không có gì sống động. Anh em chỉ như một trong sáu chiếc bình đầy dẫy nước sự chết. Khi anh em nhận biết mình hoàn toàn ở trong sự chết, không có gì ngoài ra nước sự chết trong mình, khi ấy Chúa sẽ đến để làm cho anh em được sống động. Khi anh em ý thức rằng mình đã chết, đã chôn, thậm chí còn bốc mùi hôi hám, khi ấy Chúa sẽ đến để làm cho anh em được sống động. Chúng ta thường cố gắng sao cho tốt hơn và tự cải thiện mình! Nhưng Chúa chỉ chờ cho đến khi anh em bốc mùi hôi và thậm chí mùi hôi thối còn lan tới những người khác. Chúa sẽ chờ cho đến khi những người khác ngửi thấy mùi hôi hám của anh em. Khi ấy Ngài sẽ đến với anh em theo nguyên tắc sự sống trong sự phục sinh để làm cho anh em sống động.

Cơ Đốc giáo hành động trái ngược nguyên tắc này, vì đó là một tôn giáo cố gắng cải thiện người ta, sửa đổi họ và điều chỉnh hành vi của họ. Nhưng Đấng Christ là sự sống, Ngài đến để làm cho người ta sống động bởi sự sống ấy. Ngài đến để tái sinh và làm cho người ta sống lại với chính Ngài là sự sống ấy. Cải thiện, sửa đổi hay điều chỉnh hành vi của một người có nghĩa là gì? Đơn giản có nghĩa là làm cho con người nguyên thủy tốt hơn bằng phương tiện bản ngã nguyên thủy. Nhưng Đấng Christ đến để tái sinh và tái tạo chúng ta bằng chính Ngài. Chúa không chữa lành con người nguyên thủy; Ngài chờ cho đến khi con người nguyên thủy chết đi. Vì vậy, khi anh em đầy dẫy nước sự chết đến nỗi bốc mùi sự chết, khi ấy Chúa sẽ đến để tái tạo anh em và làm cho anh em sống lại từ sự chết để vào trong chính Ngài là sự sống trong sự phục sinh.

Nguyên tắc của Phúc Âm Giăng là: Đấng Christ là sự sống trong sự phục sinh. Ý định của Phúc Âm này không phải là cải thiện hay sửa đổi chúng ta bằng cách điều chỉnh hành vi của chúng ta. Ý định duy nhất của Chúa là đem sự sống đến cho chúng ta. Sự sống này sẽ làm cho chúng ta sống động, tái sinh, phục sinh và tái tạo chúng ta. Nếu hiểu được nguyên tắc của Phúc Âm này, chúng ta sẽ hết khát, được no nê, được soi sáng, xiềng xích tội lỗi bứt tung, và sự chết bị sự phục sinh nuốt đi – tất cả đều do kinh nghiệm Đấng Christ là sự sống phục sinh của chúng ta trong Linh và nhờ Lời. Chúng ta không bao giờ có thể kinh nghiệm Đấng Christ sống động nhờ một điều nào đó của chính mình hay bởi việc làm của mình. Đấng Christ sống động chỉ có thể được kinh nghiệm trong Linh và bởi Lời. Linh và Lời sẽ đem chúng ta vào trong nguyên tắc sự sống trong sự phục sinh. Nếu nhận Ngài trong Linh và bởi Lời, khi ấy chúng ta sẽ được thỏa mãn, được soi sáng, tự do và phục sinh. Khi được sống lại từ người chết, chúng ta được giải cứu khỏi mọi phương diện của sự chết. Không điều gì có thể đàn áp chúng ta, không điều gì có thể giới hạn chúng ta, không điều gì có thể cầm tù chúng ta vì chúng ta sống động trong sự phục sinh.

IV. ÂM MƯU CỦA TÔN GIÁO VÀ SỰ NHÓM HỌP CỦA CON CÁI ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúa làm cho người chết sống lại chỉ ở giữa vòng những người yêu Ngài tha thiết. Điều này tượng trưng cho Hội thánh ngày nay, vì Ngài chỉ là sự sống phục sinh đối với nhóm tín đồ nào yêu Ngài tha thiết. Tuy nhiên, khi tin tức về quyền năng phục sinh của Ngài đến tai các nhóm tôn giáo, chẳng hạn như Do Thái giáo, thì họ phản ứng. Các nhóm tôn giáo giận dữ với Chúa và thậm chí quyết định bắt Ngài và giết Ngài. Do Thái giáo trong chương mười một ngụ ý rằng thậm chí Cơ Đốc giáo ngày nay cũng rất đối kháng niềm ao ước của Chúa là đem sự phục sinh đến cho người khác. Trong nhiều trường hợp, Cơ Đốc giáo đã đuổi Chúa là sự sống ra. Vào những ngày sau cùng này, Chúa ngày càng ở nhiều hơn với những người yêu Ngài tha thiết. Kết quả là Ngài sẽ làm nhiều điều để làm cho người ta sống lại từ sự chết. Tuy nhiên, khi tin này lan truyền ra đến các nhóm tôn giáo, họ sẽ giận dữ và chống đối Đấng Christ là sự sống phục sinh.

Điều đáng chú ý là thời điểm La-xa-rơ phục sinh trùng hợp với thời điểm của lễ Vượt qua. Theo Lời Thánh, chúng ta biết Đấng Christ là lễ Vượt qua của chúng ta (1 Cô. 5:7), nhưng những con người tôn giáo ấy sắp có một lễ Vượt qua khác. Bằng cách giữ lễ Vượt qua riêng của họ, những con người tôn giáo giết thực tại của lễ Vượt qua. Nói cách khác, Đấng Christ, là lễ Vượt qua thật, là thực tại của lễ Vượt qua. Một mặt những người tôn giáo muốn giữ lễ Vượt qua; mặt khác, họ muốn kết liễu thực tại của lễ Vượt qua. Ngày nay nguyên tắc này giống hệt như trong Cơ Đốc giáo. Mặc dầu Cơ Đốc giáo liên quan đến Đấng Christ rất nhiều, nhưng lại gạt bỏ thực tại của Đấng Christ. Một mặt Cơ Đốc giáo rao giảng về Đấng Christ, mặt khác lại hủy phá thực tại của Đấng Christ.

A. Âm Mưu Của Tôn Giáo Hoàn Thành Mục Đích Của Đức Chúa Trời
Chúng ta đã thấy tình trạng chết chóc do Đức Chúa Trời cung ứng làm cho Đấng Christ có thể bày tỏ quyền năng phục sinh của Ngài và quyền năng phục sinh này đưa đến kết quả là làm cho người chết sống lại. Nhưng việc làm cho La-xa-rơ sống lại đã tạo ra nan đề. Tin tức đó lan truyền đến tai người Pha-ri-si, và sau khi nghe tin, người Pha-ri-si cho rằng tình hình rất nghiêm trọng. Do đó họ âm mưu giết Jesus (11:45-57). Đang khi người Pha-ri-si âm mưu chống Chúa Jesus, Cai-phe vốn là thầy tế lễ thượng phẩm năm ấy, đã nói tiên tri rằng: “Các ngươi chẳng biết gì hết, cũng chẳng nghĩ rằng lấy làm có ích cho các ngươi mà một người vì dân chịu chết còn hơn là cả nước bị hư mất” (11:49-50). Câu tiếp theo chép: “Vả, người chẳng phải tự mình mà nói điều đó, nhưng vì làm thầy tế lễ thượng phẩm đương niên, người dự ngôn về Jesus sẽ phải vì dân chịu chết; lại chẳng những vì dân thôi, mà cũng để nhóm họp con cái Đức Chúa Trời đang tan tác lại làm một” (11:51-52). Nhóm chữ “nhóm họp con cái Đức Chúa Trời đang tan tác lại làm một” được đề cập ở đây ngụ ý rằng không những sự chết mà cả sự sống phục sinh của Chúa đều để xây dựng con cái Đức Chúa Trời. Toàn bộ điều này có nghĩa là gì? Chỉ có nghĩa là sự sống phục sinh sẽ dấy lên một tình huống mà qua đó, dân của Đức Chúa Trời vốn bị tản lạc được qui tụ lại với nhau để xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất. Âm mưu của tôn giáo giúp hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.

B. Con Cái Đức Chúa Trời Được Qui Tụ Qua Sự Chết Và Sự Sống Phục Sinh Của Chúa
Tôi xin nhắc lại Đức Chúa Trời đã dự bị cái chết của La-xa-rơ như một cơ hội để sự sống phục sinh được bày tỏ ra. Sự sống phục sinh cần sự chết để sự sống và quyền năng phục sinh được bày tỏ. Sự bày tỏ quyền năng phục sinh này đã tạo nên một phản ứng giữa vòng những người chống đối, và sau đó họ đã âm mưu giết Chúa Jesus. Thế rồi, một lời tiên tri đã được nói ra như một phần sự đánh giá của họ. Điều ấy cho thấy âm mưu giữa vòng tôn giáo chống đối thật đã giúp hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Âm mưu này giúp qui tụ mọi dân tản lạc của Đức Chúa Trời vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Do đó, đừng bao giờ thất vọng trước hoàn cảnh Hội thánh địa phương của anh em. Nếu Hội thánh của anh em gặp phải hoàn cảnh khó khăn, hãy ngợi khen Chúa về điều đó. Đó chắc hẳn là sự dự bị của Đức Chúa Trời. Rồi Ngài sẽ làm một điều gì đó và sự chống đối của tôn giáo sẽ dấy lên. Những người chống đối thậm chí tìm cách giết anh em. Nhưng đừng bối rối. Đức Chúa Trời sẽ dùng âm mưu ấy để qui tụ dân của Ngài đang tan lạc lại với nhau vì sự xây dựng của Ngài.

Tôi muốn anh em ghi nhớ rằng hễ chúng ta ở trong sự khôi phục của Chúa và hễ chúng ta có sự phục sinh của Đấng Christ, thì dầu tình huống giữa vòng chúng ta có ra sao chăng nữa, hay trong hoàn cảnh có âm mưu nghịch lại chúng ta, mục đích đời đời của Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ được hoàn thành. Sẽ có sự qui tụ dân tản lạc của Đức Chúa Trời lại cho sự xây dựng của Ngài. Mọi điều tiêu cực – sự chết và sự chống đối – sẽ là những đầy tớ giúp hoàn thành mục tiêu đời đời của Đức Chúa Trời. Những điều ấy sẽ xúc tiến việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu đời đời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hiện đang ở trên đỉnh núi, và nước lụt đang ở dưới chân mình. Đừng bối rối. Hễ anh em ở trong Hội thánh địa phương, hễ anh em có Đấng Christ là quyền năng phục sinh của mình, hễ anh em ở trong dòng chảy này và có lời chứng này, thì anh em sẽ được bình an mặc dầu có tình trạng chết chóc ở bên trong hay sự chống đối ở bên ngoài. Sự chống đối của tôn giáo, âm mưu định giết chết hay tiêu diệt anh em, đều sẽ thực hiện mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.

Đó là khải thị trong chương này. Giăng chương 11 không chỉ là một câu chuyện về sự sống lại. Đó là khải thị trọn vẹn bày tỏ rằng hễ chúng ta ở với Chúa và với sự sống phục sinh cho mục đích của Đức Chúa Trời, thì mọi sự xảy ra đều để hoàn thành mục đích của Ngài. Do đó chúng ta có thể thưa với Ngài: “Chúa ơi, nếu Ngài muốn đem đến cho chúng con một hoàn cảnh chết chóc, thì xin hãy làm như vậy. Chúng con vui mừng với hoàn cảnh ấy. Xin để cho vài anh La-xa-rơ chết. Rồi quyền năng phục sinh của Ngài sẽ được bày tỏ ra. Ngài sẽ làm một công tác trong sự phục sinh, công tác ấy sẽ làm cho sự chống đối dấy lên, sự chống đối ấy sẽ qui tụ con cái tản lạc của Đức Chúa Trời lại cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời”. Những điều ấy đang xảy ra tại đất nước này. Ngợi khen Chúa! Ngợi khen Ngài về quyền năng làm sống lại của Ngài. Ngợi khen Chúa về sự qui tụ có tính cách tể trị của Ngài. Ngài đang làm cho người chết sống lại và qui tụ dân Ngài vì sự xây dựng kỳ diệu của Ngài!-
-