Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 28




SỰ SỐNG TẨY RỬA TRONG TÌNH YÊU ĐỂ DUY TRÌ MỐI TƯƠNG GIAO (2)

II. CÁC TÍN ĐỒ RỬA CHÂN CHO NHAU
Chúng ta đã thấy chính Chúa thực hiện việc rửa chân. Bây giờ tôi muốn chia sẻ về việc các tín đồ rửa chân cho nhau (cc. 12-17). Không những chúng ta cần được chính Chúa trực tiếp rửa sạch, mà còn cần rửa chân cho nhau cách hỗ tương. Chúa bảo chúng ta rửa chân cho nhau. Như tôi đã đề cập, đôi khi chúng ta phải giữ lời Chúa theo nghĩa đen. Tuy nhiên, thậm chí ở một mức độ cao hơn chúng ta phải giữ lời Ngài theo nghĩa thuộc linh. Chúng ta cần phải rửa chân cho nhau bằng cách cung ứng công tác của Thánh Linh, cung ứng sự soi sáng của Lời, và cung ứng sự vận hành của sự sống bề trong. Nhờ làm như vậy, tôi giúp đỡ anh em, anh em giúp đỡ tôi, và chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để được rửa sạch trong công tác của Thánh Linh, trong ánh sáng của Lời, hoặc trong sự vận hành của sự sống bề trong. Mỗi khi anh em chúng ta nhóm lại để tương giao và cầu nguyện, chúng ta cần rửa chân cho nhau cách thuộc linh. Chính bởi rửa chân cho nhau cách thuộc linh, chúng ta được sạch bụi bặm do tiếp xúc với trần thế. Anh em thân mến, anh em có bao giờ xem xét mình cần sự rửa chân hỗ tương này đến mức độ nào không? Đang khi còn bước đi và làm việc trên đất này, không những anh em cần Chúa rửa chân cho mình trực tiếp trong linh, mà cũng cần các anh chị em rửa chân cho mình nữa.


A. Noi Gương Chúa
Khi Chúa rửa chân cho các môn đồ, Ngài cởi áo ngoài ra. Về hình bóng, chúng ta đã thấy áo ngoài tượng trưng cho các mỹ đức và thuộc tính của Chúa được bày tỏ ra và cởi áo ngoài có nghĩa là lột bỏ những gì Ngài “là” trong biểu hiện của Ngài. Nếu Chúa cứ duy trì sự biểu hiện các mỹ đức và thuộc tính của Ngài, thì Ngài không thể rửa chân cho các môn đồ. Cũng vậy, mỗi khi sắp rửa chân cho người khác, anh em cần gạt bỏ những gì mình đã đạt được, tức các mỹ đức, và thuộc tính của anh em. Đó là sự khiêm nhường thật, tự hạ mình xuống thật sự. Chúng ta cần hạ mình đến mức như vậy để có thể rửa chân cho người khác.

Trong Kinh Thánh, áo ngoài tượng trưng cho những gì chúng ta làm và cách chúng ta hành động. Tất cả những gì chúng ta làm và cách chúng ta hành động trở nên áo ngoài của chúng ta. Nếu anh em có hành vi tốt, thì anh em có áo ngoài quí giá, một điều gì đó đẹp đẽ và vinh hiển. Tuy nhiên nếu muốn phục vụ bằng cách rửa chân cho người khác về phương diện thuộc linh, anh em phải gạt qua một bên những gì mình đã đạt được, những gì mình đang thực hiện, và cách mình cư xử. Mỗi khi nhóm lại để cung ứng bằng cách rửa chân cho người khác, anh em phải gạt bỏ cách cư xử của mình. Điều này có nghĩa là anh em phải hạ mình xuống. Đừng nghĩ hành vi của mình đã tốt đủ. Việc làm và hành vi của anh em có thể rất đẹp đẽ và vinh hiển, cho nên anh em kiêu ngạo. Anh em kiêu ngạo về áo của mình, kiêu ngạo về những gì mình đã và đang làm. Mặt khác có thể tôi suy nghĩ trong lòng rằng mình thật khiêm nhường và anh em quá kiêu ngạo. Với thái độ và động cơ ấy, chúng ta không bao giờ có thể phục vụ bằng cách rửa chân cho ai cả. Tôi cần gạt bỏ mọi việc lành của mình và quên đi mọi mỹ đức của mình. Việc cởi bỏ áo ngoài này rất thực tế. Mỗi khi kiêu ngạo, anh em không thể nào phục vụ bằng cách rửa chân cách thuộc linh cho ai cả. Anh em phải khiêm nhường và cởi bỏ áo ngoài của mình. Cởi bỏ áo ngoài nghĩa là hạ mình xuống, làm cho mình trống không, lấy một điều gì đó khỏi mình và lột bỏ điều gì đó khỏi mình.

Tôi xin phép được nói thẳng. Trong cuộc đời Cơ Đốc của mình, tôi đã gặp nhiều anh chị em khi đi đây đi đó. Nhiều người rất thuộc linh, nhưng đồng thời cũng kiêu ngạo. Họ kiêu ngạo về tình trạng thuộc linh của mình. Họ mặc áo thuộc linh. Khi đến với nhau, họ khinh thường những người khác, nghĩ rằng những người khác chưa bao giờ thấy khải tượng thiên thượng hay biết được điều thuộc linh. Đó là gì? Đó là sự kiêu ngạo của họ. Họ kiêu ngạo vì họ thuộc linh. Nếu có thái độ như vậy, chúng ta không bao giờ có thể phục vụ bằng cách rửa chân cho người khác. Trái lại, mỗi khi nhóm lại với các thánh đồ, chúng ta nên cởi bỏ áo ngoài của mình và quên đi những thành quả của mình. Chúng ta phải thận trọng nhận biết điều này. Tất cả chúng ta đều đáng trách vì có thái độ như vậy. Thông thường chúng ta có tư tưởng này: “Ồ, họ không biết nếp sống Hội thánh; họ không biết làm thế nào để bước đi trong linh; họ chưa bao giờ học được những bài học về sự sống bề trong”. Đó là sự kiêu ngạo. Nếu chọn thái độ kiêu ngạo đó, không bao giờ chúng ta có thể giúp đỡ những người khác. Chúng ta phải cởi bỏ áo ngoài, những thành quả của mình, tình trạng thuộc linh của mình. Chúng ta phải cởi bỏ mọi thành đạt thuộc linh, trở nên đơn sơ và bình thường, và nói với chính mình: “Tôi không là gì cả, và không một điều gì trong tôi đặc biệt cả. Tôi chỉ có một cái khăn, tức một miếng vải, để thắt lưng mình”. Chúng ta không nên đến với nhau trong bộ đồng phục của cảnh sát, nếu không, chúng ta sẽ sợ hãi lẫn nhau. Đôi khi có người đến đe dọa người khác bằng thái độ của một cảnh sát viên mặc đồng phục. Một số người thì mặc đồng phục thuộc linh, trong khi những người khác mặc đồng phục của sự sống sâu nhiệm hơn, còn những người khác nữa thì mặc đồng phục của cái được mệnh danh là ân tứ. Tất cả những người ấy đều cần phải cởi bỏ bộ đồng phục rồi mới có thể phục vụ bằng cách rửa chân cho người khác. Chúng ta không nên nói điều này cho người khác, mà phải nói cho chính mình.

Cởi bỏ áo ngoài và hạ mình xuống để rửa chân người khác không phải là điều dễ dàng. Giả sử một anh em kia gây cho tôi bị tổn thương mà không biết. Dầu anh ấy không biết anh đã làm tổn thương tôi, nhưng chính tôi thì biết mình bị tổn thương. Tôi phải làm gì? Tôi phải nhìn xem Chúa để có được ân điển Ngài hầu tôi không lên án anh em mình, nhưng rửa chân cho anh ấy. Nếu tôi cố gắng rửa chân cho anh ấy mà không có ân điển thì sẽ gây ra đổ vỡ. Tại sao vậy? Vì anh ấy gây cho tôi bị tổn thương nên tôi rất dễ trách móc anh ấy, dầu tôi không có ý định làm như vậy. Tôi cần phải cởi bỏ áo ngoài và hạ mình xuống ngang hàng với anh ấy. Mỗi khi có cảm giác mình bị người khác làm tổn thương, chúng ta luôn luôn tự cho mình cao hơn người ấy, nghĩ rằng người ấy thấp hơn mình, rằng người ấy nợ mình một điều gì đó, và mình có quyền đòi hỏi người ấy. Sự khó khăn là ở chỗ đó. Anh em cần vất bỏ áo ngoài của mình, hạ tiêu chuẩn của mình, và xuống khỏi ngai của mình. Theo một ý nghĩa, cởi bỏ áo ngoài có nghĩa là tự hạ bệ mình. Đừng ngồi trên ngai phán xét anh em mình rằng: “Anh đã làm tổn thương tôi, anh đã làm tổn thương tôi”. Hễ anh em có thái độ như vậy, thì đuôi chồn của anh em sẽ lộ ra. Cuối cùng, anh em sẽ trách móc người gây tổn thương cho mình, và kết quả sẽ là cãi vã nhau, vì anh ấy sẽ không nhìn nhận mình đã làm tổn thương anh em. Nếu thế, toàn bộ vấn đề sẽ trở nên tội lỗi ngay lập tức.

Chúng ta không những cần cởi bỏ áo ngoài là những điều mình đã đạt được, mà còn cần thắt lưng bằng khăn. Điều này có nghĩa là chúng ta phải bị trói, chúng ta phải mất sự tự do của mình. Chân rửa bằng nước và cũng được lau bằng khăn mà Chúa đã vấn ngang lưng. Nói cách khác, càng chịu bị cột trói vì những người khác, chúng ta càng có thể phục vụ và lau chân cho họ. Trái lại, càng tự do, chúng ta càng làm hại người khác. Anh em ơi, khi nhóm lại, không những chúng ta cần gạt bỏ những gì mình đã đạt được, mà còn cần phải bị buộc trói và bằng lòng mất đi sự tự do của mình. Chúng ta nên từ bỏ sự tự do của mình vì mục đích cung ứng một điều gì đó cho các anh chị em yêu dấu của mình. Chúng ta phải bằng lòng chịu thắt lưng và chịu trói hầu cung ứng một điều gì đó để lau chân cho họ.

Các anh em cần rửa chân và các chị em cũng vậy. Tôi xin lỗi khi phải nói rằng các chị em rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên trong nếp sống Hội thánh, chúng ta không thể đứng xa nhau. Trong nếp sống gia đình, người làm việc nhiều nhất là người bị dơ bẩn nhất. Trong nếp sống Hội thánh cũng vậy. Càng mang nhiều trách nhiệm, anh em càng dính nhiều bụi bặm, vì càng phải tiếp xúc với nhiều người. Càng tiếp xúc với nhiều người khác, anh em càng trở nên dơ bẩn. Cách tốt nhất để giữ mình sạch là đừng bao giờ tiếp xúc với ai cả, cũng như cách tốt nhất để giữ tay mình được sạch là đừng chạm tay vào bất cứ điều gì. Có lẽ một số anh em đang mong muốn trở nên người lãnh đạo trong nếp sống Hội thánh. Nói theo phương diện loài người, nếu khôn ngoan, thì anh em đừng bao giờ dính líu vào chức vụ lãnh đạo, vì đó là một công việc rất khó khăn và khiến anh em dễ bị dơ bẩn. Với tư cách là người lãnh đạo, là trưởng lão trong nếp sống Hội thánh, anh em không thể tránh tiếp xúc với một số tình huống và nói chuyện với một số người. Người ta sẽ liên tục đến với anh em. Hãy biết chắc rằng không ai đến với anh em là người sạch sẽ cả, vì những người sạch không bao giờ đến bởi họ không có nan đề. Tất cả những ai đến với anh em đều là những người có nan đề. Đôi khi có một chị em không chịu ra về cho đến khi chị ấy làm cho anh em nổi giận. Một số chị em có nan đề sẽ đến gặp anh em nhiều lần và không chịu ra về cho đến khi họ làm cho anh em nổi giận với họ. Khi họ ra về, anh em thấy mình hoàn toàn dơ bẩn. Họ và anh em cần hết lòng rửa chân cho nhau. Nếu thiếu rửa chân như vậy, mối tương giao giữa họ và anh em không bao giờ có thể phục hồi.

Đó là lý do vì sao một Hội thánh địa phương có thể rất vui lúc đầu, nhưng sau một thời gian vài người sẽ bị dơ bẩn. Dầu vẫn đến nhóm, nhưng họ không đến cách vui mừng, với một linh vui thỏa. Có lẽ họ nhớ lại thế nào những anh chị em nào đó đã làm tổn thương mình. Có thể họ cố gắng mỉm cười và giả vờ như thích người khác, nhưng họ cần phải có loại tương giao nào? Họ cần được rửa chân. Họ cần chức vụ sự sống.

Trong việc rửa chân cho nhau, chúng ta không cần nói: “Anh ơi, tôi thương anh lắm. Tôi sẽ rửa chân cho anh”. Việc rửa chân cần rất nhiều sự sống. Chúng ta cần sự sống để rửa chân cho người khác. Việc rửa chân cần nhiều sự sống để cung ứng cho người khác. Điều này khá khó khăn. Xin hãy nhớ rằng rửa chân thì bằng nước, chứ không phải bằng huyết. Chúng ta cần nhiều nước. Nước là Linh, Lời sống động và sự sống bề trong. Chúng ta cần đầy dẫy nước sự sống. Nếu đầy dẫy nước sự sống, chúng ta sẽ rửa chân cho họ bằng cách hiện diện tại đó với họ mà không có ý định rửa chân họ. Khi chúng ta hiện diện tại đó với những người khác, nước sẽ tuôn chảy. Thậm chí là nước chảy ra mà chúng ta không biết. Khi chúng ta đến với một thánh đồ, nước sẽ chảy trên người ấy nhiều lần, và chân người ấy được rửa sạch. Bụi bặm và mùi khó chịu giữa chúng ta sẽ tan biến. Chúng ta sẽ được đưa vào mối tương giao vui thỏa. Chúng ta cần điều này biết bao!
Tôi xin nhắc lại rằng mỗi khi nhóm lại chúng ta cần cởi bỏ áo ngoài của mình. Đừng giữ tiêu chuẩn của anh em, địa vị của anh em. Đừng cho là mình cao hơn những người khác. Ý nghĩ ấy phải được gạt bỏ. Vận dụng nước hằng sống, làm cho nước ấy chảy ra thì chân những người khác sẽ được sạch.

Chúng ta đã thấy Phúc Âm Giăng hoàn toàn là sách sự sống và mọi sự trong đó đều liên quan đến sự sống. Rửa chân là vấn đề sự sống, chứ không chỉ là một sự thực hành có tính cách thuộc thể mà người ta làm tại mỗi buổi Tiệc Thánh, như trong vài nhóm Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên, nếu Chúa dẫn dắt, thỉnh thoảng chúng ta có thể rửa chân cho nhau cách thuộc thể. Vào năm 1952, tại Đài Bắc, một đêm kia, bốn trưởng lão đã rửa chân cho ít nhất năm trăm anh em. Điều đó đã thật sự chạm đến lòng và linh của họ và thật sự giúp ích họ. Tuy vậy, chúng ta không cần làm điều này cách luật pháp, theo hình thức.

Mọi sự trong Phúc Âm này đều là vấn đề sự sống, chúng ta phải thực hành sự sống đến mức giữa vòng chúng ta có nước sự sống dư dật để rửa chân cho nhau. Một số thánh đồ đầy dẫy nước sống. Khi anh em đến ngồi với họ khoảng nửa giờ, chân anh em sẽ được rửa sạch. Có thể họ không nói gì với anh em về chân dơ bẩn của anh em hay thậm chí không bàn gì về việc rửa chân, nhưng nếu anh em ở trong sự hiện diện của họ khoảng nửa giờ, chân anh em sẽ được rửa sạch. Sau nửa giờ ấy, anh em sẽ thật gần gũi với Chúa. Mối tương giao của anh em với Ngài sẽ thân mật và vui thỏa. Sự tương giao của anh em với người khác cũng sẽ ngọt ngào. Giữa vòng chúng ta, cần có nhiều người đầy dẫy nước sự sống, là những người có thể rửa chân cho người khác.
B. Bằng Cách Yêu Thương Nhau
Mỗi người trong chúng ta phải học cách yêu thương các anh chị em qua việc cung ứng sự rửa chân thuộc linh cho họ. Thỉnh thoảng khi tôi đến thăm anh em, anh em có thể rửa chân cho tôi bằng cách bày tỏ tình yêu của anh em đối với tôi, và tôi cũng bày tỏ tình yêu như vậy đối với anh em để rửa chân cho anh em, hầu làm cho anh em sạch bụi bặm do tiếp xúc với những điều thuộc đất. Chúng ta phải làm như vậy, nếu không, mối tương giao giữa chúng ta không được duy trì. Giữa vòng chúng ta, sự tương giao chỉ có thể được duy trì khi tình yêu cung ứng một sự rửa chân như vậy. Nhiều lần tôi đã vui hưởng sự rửa chân thuộc linh như thế từ nhiều anh chị em. Tôi không biết đã bao nhiêu lần mình kinh nghiệm được rửa chân như vậy. Cách đây hơn hai mươi lăm năm, khi đang làm việc với những anh em đồng công lãnh đạo như anh Watchman Nee và những người khác, tôi được giúp ích nhiều vì được họ rửa chân cho tôi như vậy. Mỗi khi tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận được một sự rửa chân đã làm tôi sạch hết bụi bặm bám vào do tiếp xúc với những điều thuộc về đất. Họ yêu tôi và bày tỏ tình yêu đối với tôi bằng cách cung ứng sự rửa chân thuộc linh để tẩy sạch tôi khỏi những bụi bặm do tiếp xúc với trần thế.

Bằng cách thực hành, chúng ta sẽ thấy những nguyên tắc này thật như thế nào. Anh em chỉ cần áp dụng những nguyên tắc này vào nếp sống gia đình và nếp sống Hội thánh của mình ngay từ giờ này. Ngay lập tức, anh em sẽ rửa chân và lau chân cho các anh chị em mình. Đó là điều chúng ta cần. Đó là tình yêu thật để duy trì mối tương giao giữa chúng ta. Nhờ rửa và lau chân như vậy mà mối tương giao thuộc linh có thể duy trì nếp sống Hội thánh. Không có điều này, nếp sống Hội thánh không thể duy trì được vì sự tương giao sẽ bị phá hỏng do đụng chạm đến những điều thuộc đất. Chúng ta cần sự rửa chân thuộc linh tẩy sạch mình khỏi những sự tiếp xúc thuộc đất và giữ mối tương giao thuộc linh của chúng ta trong tình trạng tốt đẹp. Rồi chúng ta mới có thể nhận biết nếp sống Hội thánh. Nếu muốn nếp sống Hội thánh được giữ cho tươi mới, vui thỏa, sống động, chúng ta cần được rửa chân liên tục. Mỗi Hội thánh địa phương đều cần điều này. Tại các Hội thánh ở miền Tây nước Mỹ, Chúa đã và đang đầy ân điển đối với chúng tôi. Mặc dầu chúng tôi chưa dùng từ ngữ rửa chân, Chúa đã liên tục giữ cho nếp sống Hội thánh ở đây tươi mới qua việc rửa chân bằng nước sự sống sinh động. Chúng tôi không nói về điều này và không dùng từ ngữ này, nhưng thường xuyên đã có thực tại của việc rửa chân bằng nước sự sống. Vì vậy chúng tôi có thể khoe khoang về ân điển Ngài rằng các Hội thánh ở đây luôn tươi mới và sống động. Trong vấn đề tương giao, không có sự ngăn trở giữa vòng các thánh đồ. Mỗi Hội thánh cần cầu nguyện cho điều này. Rồi Hội thánh sẽ được gìn giữ trong sự tươi mới.

Chúa đến để đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta và Ngài đi để đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Bây giờ có sự hòa quyện thật sự của Linh thần thượng với nhân linh chúng ta. Nhân tính được hòa quyện với thần tính và thần tính được hòa quyện với nhân tính. Đó là Hội thánh, là Thân thể Đấng Christ. Trong linh mình, các Cơ Đốc nhân là thiên thượng, đời đời và thuộc linh, nhưng trong thân thể vật lý của mình, họ vẫn còn ở trên đất và trong cõi sáng tạo cũ. Vì vậy, họ có nhu cầu được giữ cho sạch sẽ khỏi mọi bụi bặm bám vào qua những sự tiếp xúc thuộc đất để mối tương giao của Thân thể và mối tương giao với Chúa được duy trì. Mối tương giao này được duy trì nhờ sự rửa chân. Điều này thật rất quan trọng vì mối tương giao với Chúa và với nhau không bao giờ có thể duy trì nếu thiếu sự rửa chân. Không có sự rửa chân, nếp sống Hội thánh sẽ không trở thành hiện thực. Thật thế, thực tại của nếp sống Hội thánh sẽ biến mất. Vì vậy, việc rửa chân hằng ngày một mặt nhất định là cần được chính Chúa thực hiện, còn mặt khác thì cần được tất cả các thánh đồ thực hiện. Có thế chúng ta mới có thể duy trì mối tương giao tuyệt hảo mà với mối tương giao ấy chúng ta sẽ có nếp sống Hội thánh thật sự.

III. RỬA CHÂN NHƯNG KHÔNG Ở TRONG SỰ TƯƠNG GIAO
Dầu sự rửa chân là vì sự tương giao trong sự sống, nhưng với Giu-đa thì không như vậy. Ông ta được rửa sạch, nhưng không bao giờ ở trong sự tương giao vì ông là con người giả dối (cc. 18-31a). Trước khi Chúa rửa chân cho các môn đồ, ma quỉ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa (c. 2). Sau khi Chúa rửa chân, Sa-tan thậm chí còn vào trong ông ta (c. 27). Sau đó Giu-đa ra đi và trời tối (c. 30). Chắc chắn ông ta đã đi vào đêm tối suốt cả cõi đời đời của mình. Ngay từ ban đầu, ông ta không ở trong mối tương giao với Chúa và không bao giờ ông ta có thể ở trong đó dầu được rửa chân bao nhiêu lần đi nữa (cc. 10-11). Điều này cảnh tỉnh chúng ta rằng sự rửa chân thật sự chỉ dành cho những con người thật ở trong mối tương giao với Chúa.

IV. ĐƯỢC RỬA CHÂN, MUỐN TIẾP TỤC Ở TRONG SỰ TƯƠNG GIAO, NHƯNG THẤT BẠI
A. Con Loài Người Được Tôn Vinh
Sau khi Chúa rửa chân, Ngài sắp phải chịu chết. Vì thế, Ngài phán: “Hiện nay, Con Người được tôn vinh” (c. 31). Để Ngài được tôn vinh thì yếu tố thần thượng của Ngài cần phải tuôn ra từ trong nhân tính của Ngài qua sự chết và sự phục sinh. Sự chết Ngài phá vỡ vỏ nhân tính của Ngài và phóng thích sự sống thần thượng của Ngài ra. Đó là ý nghĩa của việc Ngài được tôn vinh.

B. Đức Chúa Trời Được Tôn Vinh Nơi Con
Ở đây Chúa cũng nói: “Đức Chúa Trời cũng được tôn vinh nơi Người” (c. 31). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Cha phải được tôn vinh trong sự tôn vinh của Con, tức là, yếu tố thần thượng của Ngài được tuôn đổ ra trong Con. Những gì Chúa tuôn đổ ra trong sự chết và sự phục sinh của Ngài là yếu tố sự sống thần thượng của Đức Chúa Cha. Đức Chúa Cha phải được tôn vinh trong Con theo cách đó, và Ngài cũng tôn vinh Con trong chính Ngài và Ngài muốn làm ngay điều đó (c. 32).

C. Phi-e-rơ Không Thể Theo Chúa Trong Sự Chịu Khổ Của Ngài Vào Thời Điểm Ấy
Lúc ấy Chúa đã sẵn sàng chịu đựng cái chết của thập tự giá, nhưng các môn đồ Ngài chưa được trang bị để theo Ngài trong sự chịu khổ của Ngài. Do đó, Chúa bảo Phi-e-rơ rằng ông không thể theo Ngài lúc ấy (cc. 36-37) vì Phi-e-rơ chưa nhận Ngài là sự sống phục sinh. Nhưng Phi-e-rơ theo Ngài (c. 36; 21:18-19) sau khi Ngài truyền chính Ngài vào trong ông như sự sống phục sinh qua sự phục sinh của Ngài.

D. Phi-e-rơ Sắp Thất Bại
Phi-e-rơ đã ở trong mối tương giao thật với Chúa, và việc Chúa rửa chân cho ông giữ ông trong sự tương giao này. Ông muốn tiếp tục ở trong mối tương giao ấy với Chúa, nhưng ông thất bại qua việc chối Chúa ba lần khi Chúa đang bị xét xử. Phi-e-rơ ước ao được tiếp tục ở trong sự tương giao, nhưng không có sức lực để làm điều đó, vì trước khi Chúa phục sinh, sự sống phục sinh của Ngài chưa được truyền vào trong ông. Tiếp tục ở trong mối tương giao với Chúa là điều được duy trì bởi việc rửa chân đòi hỏi phải có sức mạnh của sự sống phục sinh. Chúng ta không bao giờ có thể làm điều đó bởi con người thiên nhiên của mình.
--