Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 26




KẾT QUẢ VÀ SỰ GIA TĂNG BỘI PHẦN CỦA SỰ SỐNG (2)

II. SỰ SỐNG GIA TĂNG GẤP BỘI NHỜ SỰ CHẾT VÀ SỰ PHỤC SINH
Trong bài này chúng ta đến phần thứ hai của sách Giăng chương mười hai. Trong phần đầu của chương ấy, theo hình bóng chúng ta thấy, Hội thánh hiện hữu nhờ Chúa là sự sống phục sinh. Chúng ta có Hội thánh bởi sự sống phục sinh của Ngài. Nhưng làm thế nào Chúa phát triển Hội thánh? Điều này được bày tỏ trong phần thứ hai của chương ấy (cc. 12-36a). Phần đầu cho thấy làm thế nào để có Hội thánh. Còn phần thứ hai cho thấy thế nào Chúa phát triển Hội thánh qua sự chết và sự phục sinh của Ngài.

A. Thời Hoàng Kim Của Jesus
Vào thời điểm này, theo cái nhìn của thế gian, Jesus đang ở giai đoạn hoàng kim của đời mình. Việc Ngài làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại là một phép lạ gây chấn động cho mọi người. Thật là một phép lạ khi một người chết, chôn đã bốn ngày, thậm chí đã có mùi, mà sống lại. Vì Chúa đã làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại, nên nhiều người Do Thái tôn cao Ngài và nồng nhiệt chào đón Ngài (cc. 12-19). Họ chào mừng Ngài bằng cách tung hô: “Hô-sa-na, chúc tụng Đấng đến trong danh Chúa, là Vua của Israel!” Nói theo loài người, đó là giờ vinh hiển nhất của Chúa khi Ngài ở trên đất. Mọi người ngợi khen Ngài, chào đón Ngài, tôn trọng Ngài, và kính nể Ngài. Ngay cả người Hi Lạp cũng đến tìm Ngài (cc. 20-22). Người Do Thái chào đón Ngài, và người Ngoại Bang, tức người Hi Lạp muốn theo Ngài. Chúa có thể sản sinh ra Hội thánh và phát triển Hội thánh bằng cách nhận lấy sự chào mừng và tôn trọng ấy không? Không, đó không phải là phương cách sản sinh hay phát triển Hội thánh. Đó không phải là cách làm cho Hội thánh hiện hữu và gia tăng trong sự sống.


B. Như Một Hạt Lúa Mì Rơi Xuống Đất
Ngay tại thời điểm ấy, khi Chúa được cả người Do Thái và người Ngoại Bang chào mừng và tôn trọng, Ngài đã nói gì? Nếu chúng ta có mặt tại đó, hay nếu có một sự chào đón như vậy đến với mình, hẳn chúng ta đã nói: “Ngợi khen Chúa. Bây giờ là lúc chúng ta nên làm một điều gì đó để tôn vinh Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên Chúa Jesus vẫn không có vẻ gì phấn khởi. Sự chào đón càng nồng nhiệt, Ngài càng trầm tĩnh. Người ta càng tìm kiếm Ngài, Ngài càng tỏ ra lạnh nhạt đối với những người tìm Ngài. Ngài nói với những người tìm Ngài rằng Ngài là hạt lúa mì. Ngài nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu hột lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết, thì cứ chỉ một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả nhiều” (c. 24). Đó là thái độ của Chúa đối với sự chào đón của loài người. Đó là phản ứng của Ngài đối với vinh hiển của sự tôn trọng đến từ loài người. Phương cách sinh sôi nảy nở của một hạt lúa mì là gì? Không phải do được đón chào hay tôn trọng, mà do rớt xuống đất chết đi. Điều đó hoàn toàn trái với quan niệm loài người. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng đó là cách duy nhất để làm cho Hội thánh hiện hữu và phát triển trong sự sống. Khi nào loài người chào đón anh em, anh em phải nói: “Tôi phải chết”. Khi nào sự tôn trọng của loài người đến với anh em, anh em phải trả lời: “Tôi phải bị chôn”. Đừng nói: “Ha-lê-lu-gia, ngợi khen Chúa!” Đó không phải là thời điểm tốt nhất để anh em làm một điều gì, dầu anh em có ý định tôn vinh Đức Chúa Trời. Cách đúng đắn để tôn vinh Đức Chúa Trời là anh em phải chết và bị chôn đi.

Chúa Jesus không nắm lấy cơ hội bằng vàng ấy làm phương tiện để mình được “gia tăng”. Nếu lợi dụng cơ hội ấy, Ngài đã phạm một lỗi lầm rất lớn. Cơ hội bằng vàng không bao giờ giúp cho sự phát triển. Nếu đọc lịch sử Hội thánh, anh em sẽ thấy Hội thánh phát triển không phải là do kết quả của cơ hội bằng vàng mà là do sự bắt bớ. Thời gian Hội thánh phát triển là trong cơn bắt bớ, chứ không phải do được chào đón nồng nhiệt. Khi kẻ thù đặt Hội thánh vào sự chết, đó là lúc Hội thánh được gia tăng. Sự bắt bớ và chống đối càng nhiều, Hội thánh càng phát triển. Sự bắt bớ từ tay của Đế quốc La Mã không ngăn cản sự phát triển của Hội thánh trong hai thế kỷ đầu, mà còn giúp cho Hội thánh phát triển. Vậy thì điều gì gây tổn hại cho Hội thánh? Đó là sự chào đón của Đế quốc La Mã. Khi Đế quốc La Mã đổi sự bắt bớ thành sự chào đón, thì nếp sống Hội thánh bị hư hoại. Đừng phấn khởi khi người ta hoan nghênh anh em. Sự hoan nghênh của loài người luôn luôn làm cho chúng ta bị hư hỏng và bại hoại. Ngợi khen Chúa vì sự bắt bớ và chống đối là cơ hội bằng vàng để Đấng Christ gia tăng. Ngài là một hạt lúa mì, và hạt lúa ấy không cách nào sinh sôi nảy nở trừ khi rơi xuống đất và chết đi. Đó là cách sự sống gia tăng bội phần.

Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, thì nó cứ vẫn là một hạt và không bao giờ sinh sản gì cả. Nhưng ngợi khen Chúa, sau khi chết đi và lớn lên, hạt lúa ấy trở thành nhiều hạt hay nhiều quả. Nhiều hạt lúa hay nhiều quả này là Hội thánh. Đó là cách Hội thánh hiện hữu. Đó cũng là cách Chúa làm Hội thánh phát triển. Đó cũng phải là phương cách chúng ta làm cho Hội thánh hiện hữu và phát triển. Chúng ta phải đối diện với sự chào đón của con người bằng sự chết, bằng cách vác thập tự giá. Phương cách để Hội thánh phát triển không phải là bởi vinh hiển của con người, mà bởi sự chết của thập tự giá.

Mặc dầu có nhiều giáo sĩ tốt được các hội truyền giáo hàng đầu phái đến Trung Quốc, chẳng hạn như hội truyền giáo do anh Hudson Taylor lập nên, nhưng lịch sử đã chứng minh là không có bao nhiêu kết quả đưa đến nếp sống Hội thánh đúng đắn. Giữa vòng các giáo sĩ đã đến Trung Quốc có một chị tên là Margaret E. Barber, là người được hội truyền giáo Anh Quốc gửi đến. Chị bị vu cáo, bị gọi về nước và về sau chị được Chúa minh oan. Rồi Chúa cho chị có gánh nặng trở lại Trung Quốc. Chị đến đó bởi đức tin, không do một hội truyền giáo nào gửi đi, chị định cư tại một phố nhỏ tên là Pagoda, rất gần với quê nhà của anh Watchman Nee. Chị cố tình ở tại đó, và không thăm viếng những nơi khác. Theo một ý nghĩa, Chúa gieo chị như một hạt lúa mì. Chị ở tại đó suốt nhiều năm, và đã qua đời tại đó vào năm 1929.

Anh Nee đã thuật riêng cho tôi toàn bộ câu chuyện liên quan đến việc anh tiếp xúc với chị Barber. Cùng với những thanh niên khác, anh Nee đến với chị để được giúp đỡ. Chị sâu nhiệm trong Chúa và rất nghiêm khắc. Chị thường quở trách các thanh niên. Anh Nee nói với tôi rằng hầu hết các thanh niên đều không chịu nổi sự quở trách của chị. Cuối cùng hầu như anh là người duy nhất còn lại tiếp tục đến gặp chị, nộp mình để được chị quở trách. Anh cố ý làm điều đó. Cứ sau một thời gian, anh lại cảm thấy cần được quở trách nhiều hơn và anh đến gặp chị để được quở trách, và chị đã quở trách anh. Năm 1929 chị về với Chúa, không có gì nhiều để lại cho ai thừa kế ngoại trừ một quyển Kinh Thánh với nhiều phần ghi chú. Chị để di chúc tặng quyển Kinh Thánh ấy cho anh Nee. Chị Barber là một hạt giống gieo ra, và anh Nee là hạt giống mọc lên từ hạt giống gieo ra ấy. Là hạt giống mọc ra từ chị, anh Nee đã trở nên chiếc bình lớn để khôi phục nếp sống Hội thánh đúng đắn. Đó là phương cách làm sản sinh và phát triển Hội thánh trong sự sống, tuyệt đối không phải bằng cách nắm lấy cơ hội bằng vàng.

Vào năm 1940, trong thời kỳ chiến tranh Hoa Nhật, anh Nee hướng dẫn một kỳ huấn luyện tại Thượng Hải. Tôi tham dự kỳ huấn luyện ấy. Tại Trung Quốc thời ấy có vài người truyền đạo người Hoa nổi tiếng, và nhiều người tham dự những buổi rao giảng của họ. Anh Nee trái lại thường nói với chúng tôi rằng công tác không phải là vấn đề nỗ lực hoạt động bề ngoài, mà là sự tuôn chảy sự sống bề trong. Công tác mà Chúa cần là sự sống bề trong phải tuôn chảy ra. Trong chương trình huấn luyện của anh Nee vào năm 1940 không có nhiều hơn tám mươi người tham dự. Nhưng anh Nee thỏa lòng với con số nhỏ bé ấy. Mỗi khi anh tổ chức một hội đồng, cùng lắm là khoảng ba trăm năm mươi người tham dự. Anh luôn luôn nhấn mạnh công tác là sự sống bề trong tuôn chảy, chứ không phải nỗ lực hoạt động bề ngoài. Ngày nay, chúng ta thấy được kết quả của chức vụ anh Nee; ấy là nhiều Hội thánh được sinh ra trong sự khôi phục của Chúa trên khắp thế giới.

Đừng bối rối trước sự thành công tạm thời trong hoạt động bề ngoài của những người khác. Hãy để cho Chúa có thời gian và Ngài sẽ minh chứng đường lối của Ngài trong sự sống. Mặc dầu anh Nee đã về với Chúa, chức vụ của anh vẫn thắng thế khắp nơi và công tác của anh vẫn tiếp tục. Một công tác như vậy không phải là vấn đề hoạt động, mà là vấn đề sự sống. Công tác của sự sống là điều làm nảy sinh và phát triển Hội thánh.

Chúng ta có thể dùng hình ảnh minh họa về việc làm hoa giả. Nếu anh em thuê người ta làm hoa giả thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn, rất nhiều hoa sẽ được làm ra. Tuy nhiên, nếu trồng cây hoa thật, anh em sẽ mất một thời gian dài hơn. Trước hết anh em phải gieo giống. Hạt giống sẽ mọc lên và sinh sôi nảy nở. Sau đó, thêm nhiều hạt giống hơn sẽ rơi xuống đất, lại mọc lên và sinh sôi nảy nở, rồi cứ tiếp tục như vậy. Loại kết quả này sẽ bền lâu. Anh em muốn có loại kết quả nào – hoa giả sinh ra do công lao bề ngoài hay hoa thật do sự sống sinh ra?
1. Để Sinh Ra Nhiều Hạt – Kéo Mọi Người Đến
Chúa Jesus rơi xuống đất và chết đi để yếu tố thần thượng của Ngài, sự sống thần thượng của Ngài, có thể được giải phóng từ bên trong vỏ nhân tính của Ngài để rồi sinh ra nhiều tín đồ trong sự phục sinh (1 Phi. 1:3), y như hạt lúa mì có yếu tố sự sống tuôn ra do rơi xuống đất và mọc lên khỏi mặt đất để kết quả nhiều, tức là sinh ra nhiều hạt. Thay vì nhận lấy sự nghênh tiếp nồng nhiệt, Chúa muốn “rơi” xuống đất và chết như một hạt lúa mì để Ngài có thể sinh ra nhiều hạt cho Hội thánh. Là một hạt lúa mì rơi xuống đất, Chúa mất sự sống thuộc hồn của mình qua sự chết để Ngài có thể tuôn đổ sự sống đời đời của Ngài trong sự phục sinh ra cho “nhiều hạt”.

Về một phương diện, sự chết của Chúa là rơi xuống đất như được bày tỏ trong câu 24; về phương diện khác, đó là bị treo lên cây (c. 32; 1 Phi. 2:24). “Rơi xuống đất” như một hạt lúa mì để sinh ra nhiều hạt; bị “treo lên” cây như Con Loài Người là để kéo mọi người đến với chính Ngài. Nhiều hạt được sinh ra do Ngài rơi xuống đất là “mọi người” được kéo đến do Ngài bị treo lên cây.

Trong chương mười hai của sách Giăng, sự chết của Chúa không được khải thị như sự chết cứu chuộc (như đã được nhắc đến trong 1:29), mà như sự chết sản sinh. Theo chương này, bởi sự chết Ngài, “vỏ” của Chúa trong sự nhục hóa đã vỡ ra để Ngài hoàn thành ba mục đích: sản sinh ra nhiều hạt, kéo mọi người đến với chính Ngài (cc. 24, 32); tuôn đổ yếu tố thần thượng tức sự sống đời đời (cc. 23, 28); phán xét thế giớivà ném bỏ kẻ cai trị thế giới(c. 31).

2. Tuôn Đổ Sự Sống Đời Đời, Yếu Tố Thần Thượng – Được Tôn Vinh Và Tôn Vinh Cha
Do sự chết của Ngài mà Chúa được tôn vinh và Ngài tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha. Trong câu 23 Chúa nói: “Giờ Con Người được tôn vinh đã đến rồi”, và trong câu 28 Ngài cầu nguyện: “Cha ơi, xin tôn vinh danh Cha”. Làm thế nào Chúa được tôn vinh? Ngài được tôn vinh nhờ sự chết và sự phục sinh vì nhờ sự chết và sự phục sinh mà yếu tố thần thượng của Ngài được tuôn đổ và bày tỏ ra. Làm thế nào Đức Chúa Cha được tôn vinh? Ấy là bởi sự việc Con được tôn vinh. Khi yếu tố thần thượng của Con được tuôn đổ và bày tỏ ra qua sự chết và sự phục sinh của Ngài, sự sống thần thượng của Cha được tuôn đổ và bày tỏ ra. Do đó, Cha được tôn vinh trong sự tôn vinh của Con qua sự chết và sự phục sinh của Ngài. Sự chết và sự phục sinh của Chúa tôn vinh Đức Chúa Cha vì sự chết và sự phục sinh của Ngài tuôn đổ yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời từ bên trong Ngài. Yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời bị giới hạn bên trong vỏ của Ngài, cũng như yếu tố sự sống của hạt lúa mì bị giam trong vỏ của nó. Làm thế nào yếu tố sự sống của một hạt lúa mì được “tôn vinh”? Hạt ấy phải chết đi để yếu tố sự sống bên trong nó được bày tỏ ra và được “tôn vinh”. Yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời cũng giống như vậy.

Tôn vinh danh Cha là làm cho yếu tố thần thượng của Cha được bày tỏ ra. Yếu tố thần thượng của Cha, tức sự sống đời đời, ở trong Con là Đấng đã nhục hóa. Cái vỏ mà Con có trong sự nhục hóa, tức xác thịt Ngài, phải bị vỡ ra qua sự chết để yếu tố thần thượng của Cha, tức sự sống đời đời được tuôn đổ và bày tỏ ra trong sự phục sinh, y như yếu tố sự sống của một hạt lúa mì được phóng thích do vỏ của nó vỡ ra và yếu tố sự sống của nó được bày tỏ ra khi nó trổ hoa. Đó là sự tôn vinh Đức Chúa Cha trong sự tôn vinh của Con.

Giả sử chúng ta có hạt giống của một loại hoa. Mặc dầu trong sự sống của hạt giống ấy có một vẻ đẹp, nhưng làm thế nào vẻ đẹp ấy lộ ra được? Hạt giống ấy phải chết. Nếu hạt giống ấy rơi xuống đất, chết đi và mọc lên, vẻ đẹp trọn vẹn bên trong nó sẽ được lộ ra. Đó là vinh hiển, sự sống trong hạt giống ấy được tôn vinh. Cũng vậy, trong một giai đoạn, Đức Chúa Trời bị giới hạn trong xác thịt của Chúa. Chúa phải chết để Đức Chúa Trời bên trong Ngài được phóng thích, được bày tỏ và được tôn vinh trong sự phục sinh.

Được tôn vinh chỉ có nghĩa là được bày tỏ ra. Nhiều lần tôi đã dùng điện trong bóng đèn để minh họa điều này. Khi nào điện được “tôn vinh” trong bóng đèn? Khi điện được bày tỏ ra thì nó được “tôn vinh”. Điện được bày tỏ ra là điện được “tôn vinh”. Cũng vậy, Đức Chúa Trời là Đấng bị giới hạn trong xác thịt của Jesus đã được bày tỏ ra khi Jesus được sống lại. Vì thế, khi Đức Chúa Trời được bày tỏ ra từ bên trong Jesus, thì Đức Chúa Trời được tôn vinh.

3. Để Phán Xét Thế giớiVà Đuổi Ra Kẻ Cai Trị Thế Gian, Là Sa-tan
Trong câu 31 Chúa tuyên bố: “Hiện nay có sự xét đoán thế giớinầy, hiện nay bá chủ của thế giớinầy bị đuổi ra”. Bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá, Chúa đã phán xét thế giớivà đuổi ra kẻ cầm quyền nó, là Sa-tan. Thế giớilà một hệ thống gian ác, do Sa-tan sắp đặt cách trật tự. Sa-tan đã hệ thống hóa mọi điều trên đất này, đặc biệt là những điều liên quan đến nhân loại, và những điều trên không trung tạo thành vương quốc tối tăm của hắn để chiếm hữu và ngăn trở người ta đạt đến mục đích của Đức Chúa Trời và làm cho họ xao lãng khỏi sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Hệ thống gian ác này, tức vương quốc của sự tối tăm, đã bị phán xét khi kẻ cầm quyền của nó là Sa-tan bị đuổi ra do sự đóng đinh của Chúa trong xác thịt. Trên thập tự giá, Chúa là Con Loài Người (c. 23) đã bị treo lên trong hình dạng một con rắn (3:14), tức là “trong hình dạng xác thịt của tội” (La. 8:3, RcV). Sa-tan, kẻ cầm quyền thế giớinày, là “con rắn xưa” (Khải. 12:9; 20:2) đã tiêm chính hắn vào trong xác thịt con người. Qua sự chết của Ngài trên thập tự giá trong “hình dạng xác thịt của tội”, Chúa đã hủy diệt Sa-tan là kẻ ở trong xác thịt con người (Hê. 2:14). Nhờ phán xét Sa-tan (16:11) theo cách đó, thế giớivốn kết cấu chặt chẽ với Sa-tan cũng bị phán xét. Vì vậy, sự việc Chúa bị treo lên phán xét thế giớivà đuổi ra kẻ cầm quyền của nó là Sa-tan. Khi Chúa Jesus là Con Loài Người bị treo lên trong hình dạng của một con rắn, không những Ngài cất bỏ tội lỗi chúng ta và xử lý bản chất rắn độc của chúng ta, mà còn hủy diệt Sa-tan và hệ thống thế giớicủa Sa-tan kết cấu chặt chẽ với hắn. Bây giờ bởi sự chết của Ngài, chúng ta được cứu chuộc, được giải cứu, có sự sống thần thượng, và đang đắc thắng thế gian.

Phúc Âm Giăng là sách đầy những hình ảnh và dấu hiệu, bày tỏ nhiều điều liên quan đến Chúa là sự sống. Nếu không biết sách Phúc Âm này, có thể chúng ta biết Chúa là sự sống, nhưng không biết Ngài là sự sống trong mọi phương diện của sự sống cách chi tiết. Nếu muốn biết Chúa là sự sống cách chi tiết, chúng ta phải hiểu Phúc Âm Giăng, là sách bày tỏ sự sống qua những bức tranh nối tiếp nhau. Chẳng hạn, thậm chí những nhánh cây cọ trong chương này tượng trưng cho sự sống đắc thắng sự chết, bày tỏ một sự sống thắng hơn sự chết. Hầu hết những cây cọ đều mọc trong sa mạc, mà sa mạc nghĩa là sự chết. Vì thế, sự sống (cây cọ) mọc ra từ sự chết (sa mạc). Sự kiện này vẽ nên hình ảnh sự sống chiến thắng sự chết, đó là ý nghĩa thuộc linh của cây cọ. Vì vậy nếu muốn hiểu sự sống cách chi tiết, chúng ta phải hiểu Phúc Âm Giăng như một sách đầy những hình ảnh tượng trưng.

Trong Phúc Âm của mình, Giăng dùng những hình ảnh tượng trưng khác nhau để vẽ lên những phương diện khác nhau về sự chết của Chúa. Giăng 1:29 chép: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giớiđi!” Trong 3:14, Chúa Jesus nói Ngài phải bị treo lên thập tự giá như con rắn bằng đồng mà Môi-se đã treo trên cây trụ. Bây giờ trong chương mười hai, Chúa nói Ngài là một hạt lúa mì. Ở đây chúng ta thấy ba hình ảnh tượng trưng: Chiên Con của Đức Chúa Trời, con rắn và hạt lúa mì. Sự chết của Chúa có ba phương diện. Về phương diện thứ nhất, Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời cất tội của chúng ta đi bằng cách đổ huyết Ngài ra. Về phương diện thứ hai, Ngài là con rắn bằng đồng hủy diệt con rắn xưa, và bản chất rắn độc trong chúng ta. Về phương diện thứ ba, Ngài là hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để sinh ra nhiều hạt. Sự chết duy nhất của Chúa Jesus có ba phương diện này: phương diện cứu chuộc, phương diện hủy diệt Sa-tan, và phương diện tuôn ra sự sống. Khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta và đổ huyết Ngài để cứu chuộc chúng ta. Đó là phương diện thứ nhất mà mọi Cơ Đốc nhân thật đều quen thuộc. Tuy nhiên, không bao nhiêu Cơ Đốc nhân quen thuộc với phương diện thứ hai của sự chết của Chúa, đó là trên thập tự giá Jesus bị đóng đinh trong hình dạng một con rắn để hủy diệt con rắn xưa và bản chất rắn độc bên trong bản thể chúng ta. Đó là phương diện hủy diệt Sa-tan. Phương diện thứ ba của sự chết của Chúa là phương diện phóng thích sự sống. Sự sống thần thượng ở trong con người Jesus nhỏ bé ấy thì cũng giống như sự sống bị giới hạn trong hạt lúa mì. Vì sự sống bị giấu kín trong hạt lúa, nên vỏ lúa phải được phá vỡ để sự sống bên trong được tuôn đổ ra. Do đó, khi Đấng Christ ở trên thập tự giá, Ngài là Chiên Con, Ngài mang hình dạng con rắn, và Ngài cũng là hạt lúa mì. Bởi sự chết duy nhất, Ngài hoàn thành mục đích gồm ba phương diện là cất bỏ tội lỗi, hủy diệt Sa-tan và tuôn đổ sự sống thần thượng từ bên trong Ngài để sinh ra nhiều hạt lúa. Ha-lê-lu-gia! Bởi sự chết của Ngài, tội lỗi chúng ta được cất đi. Bởi sự chết của Ngài, bản chất rắn độc của chúng ta đã bị xử lý. Bởi sự chết của Ngài, sự sống thần thượng được tuôn đổ ra cho chúng ta. Chúng ta không còn phạm tội và không còn là rắn nữa. Sự sống thần thượng đã được truyền vào trong chúng ta, và bây giờ chúng ta là nhiều hạt lúa đã được sinh ra từ một hạt lúa ấy. Những hạt lúa này rất thích hợp để làm thành một ổ bánh, là Thân thể Đấng Christ (1 Cô. 10:17), tức Hội thánh. Trước đây chúng ta là những tội nhân có bản chất rắn độc, không liên quan gì đến sự sống thần thượng. Nhưng bởi sự chết bao-hàm-tất-cả của Chúa, tội lỗi của chúng ta đã được cất bỏ đi, bản chất rắn độc của chúng ta đã bị xử lý, và sự sống thần thượng đã được truyền vào trong bản thể chúng ta. Bây giờ chúng ta đã trở thành những hạt lúa sống động, liên kết với nhau thành một ổ bánh, tức là Hội thánh. Ngợi khen Ngài!

Dựa trên nguyên tắc này, nếu muốn hình thành Hội thánh, chúng ta phải chết. Nếu muốn tôn vinh Đức Chúa Trời, muốn Đức Chúa Trời được bày tỏ ra qua chúng ta và được tôn vinh giữa vòng chúng ta, chúng ta phải chết. Nếu muốn xử lý Sa-tan và thế giớicủa hắn, chúng ta phải chết. Bởi thập tự giá mà Hội thánh xuất hiện, bởi thập tự giá mà Đức Chúa Trời được tôn vinh và bởi thập tự giá mà Sa-tan và thế giớicủa hắn bị xử lý. Chúa nói rõ rằng khi Ngài chết, Ngài sẽ kết nhiều quả, khi Ngài chết, Cha sẽ được tôn vinh, và khi Ngài bị treo lên, Ngài sẽ phán xét thế giớivà đuổi Sa-tan ra là kẻ cầm quyền của thế giớinày. Sự kiện này ngắn gọn và đơn giản, nhưng rất sâu nhiệm và đầy ý nghĩa. Ba yếu tố này bao hàm mọi sự – Hội thánh được sản sinh, Cha được tôn vinh và Sa-tan bị trục xuất. Không còn lại gì cả. Nếu muốn hình thành Hội thánh, tôn vinh Đức Chúa Trời và xử lý Sa-tan, chúng ta không có con đường nào khác hơn là con đường thập tự giá. Chúng ta luôn luôn nói về đường lối Hội thánh; đường lối Hội thánh là con đường thập tự giá. Chúng ta luôn luôn nói làm thế nào để tôn vinh Đức Chúa Trời; phương cách tôn vinh Đức Chúa Trời là con đường thập tự giá. Và phương cách xử lý Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, cũng là con đường thập tự giá. Chỉ có một con đường – là thập tự giá. Chúng ta phải kinh nghiệm thập tự giá. Dầu người ta có hoan nghênh chúng ta bao nhiêu và như thế nào chăng nữa, chúng ta phải nhận thức rằng họ càng chào đón chúng ta, chúng ta càng phải chết.

Chúng ta chết bằng cách nào? Trong câu 25, Chúa bảo chúng ta phải mất hồn mình. “Ai yêu sự sống hồn của mình thì mất nó, ai ghét sự sống hồn của mình trong thế giới này, sẽ giữ nó đến sự sống đời đời” .Trong câu này từ ngữ sự sống xuất hiện hai lần đầu thì có nghĩa là hồn hay sự sống thuộc hồn trong tiếng Hi Lạp. Cũng chính từ ngữ này đã được tìm thấy trong 10:11, 15, 17. Điều này cũng được minh chứng qua các Phúc Âm của Ma-thi-ơ và Mác (Mat. 16:24-26; Mác 8:34-35). Chết và kinh nghiệm thập tự giá có nghĩa là gì? Đơn giản có nghĩa là từ chối và từ bỏ hồn của anh em, tức sự sống thiên nhiên của anh em. Anh em phải mất hồn mình, là sự sống thiên nhiên, tức bản ngã mình. Khi ấy Hội thánh sẽ hình thành, Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh và Sa-tan sẽ bị xử lý và đuổi ra, vì hắn sẽ bị Hội thánh trục xuất.

Như hạt lúa mì rơi xuống đất, Chúa đã mất sự sống thuộc hồn của Ngài qua sự chết để Ngài có thể phóng thích sự sống đời đời của Ngài ra cho “nhiều hạt lúa” trong sự phục sinh. Là nhiều hạt lúa, chúng ta cũng phải mất sự sống thuộc hồn của mình qua sự chết để vui hưởng sự sống đời đời trong sự phục sinh. Đó là đi theo Ngài để có thể hầu việc Ngài, như đã được đề cập đến trong câu 26. Hơn nữa, nhiều hạt lúa cần phải bị đập vỡ và xay thành bột, bột mịn, để có thể hòa lẫn và trở thành bánh mì.

III. SỰ VÔ TÍN VÀ ĐUI MÙ CỦA TÔN GIÁO
A. Ê-sai Đã Nói Tiên Tri
Câu 36b đến 43 nói về sự vô tín của tôn giáo và sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với sự vô tín ấy. Cho dầu Chúa là sự sống đã làm các dấu kỳ, phép lạ và dấu hiệu, những người thuộc tôn giáo vẫn không chấp nhận Ngài. Dầu Chúa có làm gì đi nữa, những người thuộc tôn giáo vẫn không đáp ứng. Đơn giản là họ không tiếp nhận Ngài, trái lại, họ khước từ Ngài. Ê-sai đã nói tiên tri về tình trạng này rồi. Ông nói: “Ai tin lời tường thuật của chúng tôi? Và cánh tay Chúa bày tỏ cho ai?” (Ês. 53:1). Cánh tay Chúa là chính Chúa Jesus. Chúa là cánh tay của Đức Chúa Trời để làm nhiều điều và để giải cứu, nhưng không ai trong thế giới tôn giáo nhận biết cánh tay Ngài. Không ai muốn đáp ứng, tiếp nhận hay chấp nhận cánh tay này. Họ chỉ từ chối mà thôi. Mặc dầu cánh tay này là sự cứu rỗi, thậm chí chính Đấng Cứu Rỗi và Đấng Giải Cứu, cũng bị người thuộc tôn giáo khước từ.

B. Bị Đức Chúa Trời Phán Xét
Do đó, sự đui mù và cứng lòng đã đến trên họ (c. 40; Ês. 6:10). Đó là sự phán xét mà Đức Chúa Trời thi hành trên những người từ chối Chúa cách vô tín. Sự đui mù và cứng lòng là hình phạt dành cho những người vô tín. Do đó, tôn giáo không có niềm tin; mà chỉ có sự đui mù.

C. Người Ta Thấy Vinh Hiển Của Chúa Nhưng Không Yêu Mến
Câu 41 nói Ê-sai thấy vinh hiển Ngài và nói về Ngài. Các từ ngữ vinh hiển Ngài khẳng định rằng Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời, là Giê-hô-va vạn quân, Ê-sai đã thấy vinh hiển Ngài (Ês. 6:1, 3). Ê-sai đã thấy và quí trọng vinh hiển này, nhưng những tín đồ yếu đuối hơn không yêu mến vinh hiển ấy (cc. 42, 43). Họ yêu mến vinh hiển của loài người hơn là vinh hiển của Đức Chúa Trời, tức là Jesus sống động trước mặt họ. Nếu họ quí trọng và yêu mến Chúa Jesus là vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì họ đã không quan tâm đến vinh hiển của con người hay sợ bị đuổi ra khỏi nhà hội.

IV. SỰ SỐNG ĐƯỢC CÔNG BỐ CHO TÔN GIÁO VÔ TÍN
Trong các câu 44 đến 50 chúng ta thấy sự sống được công bố cho tôn giáo vô tín. Ở đây Chúa tuyên bố lời sau cùng với những con người thuộc tôn giáo. Sau lời tuyên bố ấy, trong phần còn lại của Phúc Âm Giăng, Chúa không còn liên hệ gì với những con người thuộc tôn giáo nữa.

A. Là Đức Chúa Trời Được Bày Tỏ Cho Loài Người
Trước hết, Ngài tuyên bố rằng Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời hằng sống (cc. 44-45). Ngài là Con Đức Chúa Trời, có nghĩa Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời. Ai thấy Ngài thì thấy Đức Chúa Trời, ai nhận lãnh Ngài là nhận lãnh Đức Chúa Trời vì Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời cho loài người.

B. Đến Như Sự Sáng Vào Trong Thế Gian
Thứ hai, Ngài tuyên bố Ngài đến thế giớinày như ánh sáng chiếu rọi để con người không còn ở trong sự tối tăm (cc. 46, 36). Nếu nhận lãnh ánh sáng này, người ta sẽ có Đức Chúa Trời. Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời là sự sáng, nếu anh em tiếp nhận Ngài như sự sáng, anh em sẽ có Đức Chúa Trời. Nếu một người tin Ngài, người ấy sẽ không còn ở trong tối tăm. Tuy nhiên, nếu anh em từ chối không chịu tiếp nhận Ngài là sự sáng, ấy là anh em từ chối Đức Chúa Trời và sẽ bị sự tối tăm chiếm hữu. Ngài đến với tư cách là sự sáng. Nếu nhận lãnh Ngài, anh em sẽ có Đức Chúa Trời và sẽ trở nên một với con cái của sự sáng.

C. Đến Với Loài Người Với Lời Sống Động
Thứ ba, Ngài tuyên bố Ngài đến cùng loài người với lời sống động và hễ ai tiếp nhận lời Ngài thì sẽ có sự sống đời đời bây giờ và mãi mãi, còn ai từ chối lời Ngài sẽ bị những lời ấy phán xét vào ngày sau cùng (cc. 47-50).

Lời tuyên bố này có ý nghĩa gì? Đơn giản là Chúa bảo người Do Thái rằng Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời, Ngài đến với họ như ánh sáng. Nếu tiếp nhận Ngài, họ sẽ có Đức Chúa Trời và trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu khước từ Ngài, họ sẽ bị sự tối tăm chiếm hữu. Hơn nữa, nếu họ tiếp nhận mạng lệnh Đức Chúa Trời ban cho Ngài để nói với họ, thì mạng lệnh ấy sẽ là sự sống đời đời cho họ. Nếu không, chính lời ấy sẽ trở thành án phán xét trên họ trong ngày sau cùng. Đó là lời tuyên bố sau cùng Chúa nói với những người thuộc tôn giáo. Đến đây, Chúa cắt đứt quan hệ với những người thuộc tôn giáo. Từ chương mười ba trở đi, Chúa liên tục ở với các môn đồ, Ngài không còn liên hệ gì với người Do Thái nữa.

Vì vậy, chương này có bốn điểm. Điểm đầu tiên cho thấy thế nào là nếp sống Hội thánh thật. Điểm thứ hai bày tỏ cách Chúa sản sinh và phát triển Hội thánh. Điểm thứ ba cho biết rằng những con người thuộc tôn giáo sẽ không chấp nhận Chúa cho dầu Ngài là sự sống, đã thực hiện bao nhiêu điều cho họ qua các dấu lạ. Cuối cùng, điểm sau hết cho thấy thế nào Chúa buộc phải tuyên bố với đám đông thuộc tôn giáo rằng Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời, Ngài đến với họ như sự sáng; nếu tiếp nhận Ngài họ sẽ trở nên con cái của sự sáng và nếu không tiếp nhận Ngài, họ sẽ bị sự tối tăm chiếm hữu; Ngài đến cùng họ với mạng lệnh của Đức Chúa Trời để nói lời sống động cho họ; nếu họ tiếp nhận lời Ngài, những lời ấy sẽ trở thành sự sống đời đời cho họ, nhưng nếu họ khước từ những lời ấy, chính những lời ấy sẽ phán xét họ vào ngày sau cùng.
-