SỰ BAN PHÁT ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT
ĐỂ SINH RA NƠI CƯ NGỤ CỦA NGÀI (1)
Trong bài này chúng ta đến trọng
tâm của Phúc Âm Giăng. Chương mười bốn là phần đầu của sứ điệp Chúa ban cho các
môn đồ trước khi Ngài chết. Để hiểu sứ điệp ấy, chúng ta phải nhớ rằng Phúc Âm
này khải thị hai điểm chính: một là Chúa đến để làm sự sống của chúng ta; hai
là Chúa xây dựng chúng ta với nhau trong sự hiệp nhất với chính Ngài và với Đức
Chúa Trời. Như chúng tôi đã đề cập, hai từ ngữ quan trọng nhất trong Phúc Âm
này là sự sống và sự xây dựng. Từ ngữ xây dựng được nhắc đến cách rõ ràng trong
chương hai, vì trong chương ấy chúng ta được biết trong ba ngày Chúa sẽ xây dựng
đền thờ, là nhà của Đức Chúa Trời (c. 19). Kế đến, trong chương mười bảy, Chúa
cầu nguyện để những người nhận Chúa làm sự sống có thể hiệp một trong Đức Chúa
Trời Tam Nhất (cc. 21-23). Sự hiệp nhất trong Đức Chúa Trời Tam Nhất này là sự
xây dựng thuộc linh. Khi chúng ta nhận Chúa làm sự sống, Chúa là Linh sẽ xây dựng
chúng ta với nhau làm một trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Sự sống và sự xây dựng,
tức tư tưởng trung tâm của Phúc Âm này, là hai điều dứt khoát chúng ta cần phải
nhớ. Như chúng tôi đã nêu, Phúc Âm này được chia làm hai phần chính. Phần một
cho thấy sự đến của Chúa, và phần hai cho thấy sự đi của Ngài. Sự đến của Chúa
đem Đức Chúa Trời vào trong chúng ta bởi sự nhục hóa, và sự đi của Chúa đem
chúng ta vào trong Đức Chúa Trời qua sự chết và sự phục sinh của Ngài. Bởi sự đến
của Chúa, chúng ta nhận Ngài làm sự sống, và bởi sự đi của Ngài, Ngài xây dựng
chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Nếu không sáng tỏ về điều ấy, chúng ta sẽ
không bao giờ nhận biết được ý nghĩa thật và tư tưởng chính của Phúc Âm này.
Phần đầu của Phúc Âm Giăng gồm
các chương từ một đến mười ba. Phần này cho chúng ta thấy thế nào Đấng Christ
là Lời đời đời đã đến qua sự nhục hóa hầu đem Đức Chúa Trời vào trong con người
để làm sự sống và nguồn cung ứng sự sống cho con người. Chương mười bốn bắt đầu
phần chính thứ hai của sách này. Chúng ta cần phải sáng tỏ rằng về sự đến của
Chúa để làm sự sống của chúng ta hầu sinh ra Hội thánh thì mọi sự đã được hoàn
tất ở cuối chương mười ba. Nếu nghiên cứu Phúc Âm này cách cẩn thận, anh em sẽ
thấy khải thị liên quan đến Đấng Christ là sự sống để sinh ra Hội thánh được
hoàn tất cách đầy trọn trong mười ba chương này. Đừng nghĩ rằng các chương mười
bốn đến hai mươi mốt chứa đựng một khải thị sâu xa hơn. Không, phần ấy là sự lặp
lại, là sự khai triển những gì đã được khải thị trong mười ba chương trước.
Trong mười ba chương đầu, chúng ta thấy Chúa, là Lời của Đức Chúa Trời và Con của
Đức Chúa Trời, đã đến để làm sự sống cho các môn đồ Ngài hầu họ có sự sống đời
đời và trở nên các phần tử của Hội thánh. Dầu điều này sáng tỏ, chúng ta không
được cho biết cách thức qua đó Chúa truyền chính Ngài là sự sống vào trong
chúng ta. Trong ba năm rưỡi Chúa ở với các môn đồ của Ngài, Ngài bảo họ rằng
Ngài đến với nhân loại là để làm sự sống cho họ hầu họ được tái sinh bằng sự sống
thần thượng và trở nên nhà của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vào cuối chương mười
ba điều này vẫn chỉ là sự khải thị. Làm sao điều này được thực hiện? Làm thế
nào Chúa có thể vào trong các môn đồ và làm sự sống của họ? Mặc dầu Ngài nói về
việc Ngài ở trong họ như sự sống, nhưng Ngài chỉ mới “ở với” và “ở giữa” họ;
Ngài chưa có thể vào bên trong họ. Nếu chúng ta có ở đó, có lẽ chúng ta đã hỏi
Ngài: “Thưa Chúa, xin cho chúng con biết làm thế nào Ngài có thể là sự sống của
chúng con. Làm thế nào chúng con có sự sống thần thượng? Vì sự sống thần thượng
ở trong Đức Chúa Trời, làm thế nào sự sống của Đức Chúa Trời vào trong chúng
con? Thưa Chúa, Ngài nói rằng Ngài là sự sống và Ngài đã đến để chúng con có sự
sống và có sự sống dư dật. Nhưng làm thế nào chúng con có điều đó? Thưa Chúa,
Ngài nói rằng tất cả chúng con sẽ là sự gia tăng của Ngài, nhưng làm thế nào
chúng con trở nên sự gia tăng của Ngài được? Dường như Ngài là Ngài và chúng
con là chúng con. Ngài ở giữa chúng con, Ngài không còn chỉ ở trên các tầng trời,
nhưng Ngài vẫn là Ngài và chúng con vẫn là chúng con. Làm thế nào chúng con là
một phần của Ngài, và Ngài làm một với chúng con? Nếu là một người sâu sắc, chắc
chắn anh em sẽ nêu lên một câu hỏi như vậy. Câu trả lời cho câu hỏi ấy được tìm
thấy trong phần hai của Phúc Âm này, vì phần hai là sự khai triển đầy đủ của khải
thị được tìm thấy trong phần một. Đừng nghĩ phần này là một khải thị khác.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét nội
dung của phần hai này. Phần này gồm các chương từ mười bốn đến hai mươi mốt,
cho chúng ta thấy Jesus bị đóng đinh và Đấng Christ phục sinh đi sửa soạn một
con đường để đem con người vào trong Đức Chúa Trời, và với tư cách là Linh,
Ngài đến để ở và sống trong các tín đồ làm sự sống của họ vì mục đích xây dựng
nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Ở đây chúng ta sẽ thấy sự đến và đi của Đấng
Christ. Trong sự đóng đinh và phục sinh của Ngài, Ngài đi sửa soạn một con đường
để con người được đem vào trong Đức Chúa Trời. Kế đến, với tư cách là Linh,
Ngài đến để cư trú và sống trong các tín đồ làm sự sống của họ hầu xây dựng nơi
cư ngụ của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần dành nhiều thì giờ để thấu hiểu vấn đề
này.
Các chương mười bốn đến mười sáu
khải thị sự cư ngụ bên trong của sự sống là để xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời.
Dầu anh em dành bao nhiêu thì giờ đọc hay nghiên cứu những chương này, tôi e rằng
anh em sẽ không thấy những gì được khải thị trong đó. Anh em có bao giờ thấy vấn
đề xây dựng nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trong những chương này chưa? Ba chương
này cho thấy cách rất chi tiết rằng với tư cách là sự sống cư ngụ bên trong, Đấng
Christ là vì mục đích xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta đến chương mười
bốn. Chương này bàn đến một vấn đề đầy ý nghĩa: sự ban phát Đức Chúa Trời Tam
Nhất để sinh ra nơi cư ngụ của Ngài. Ở đây chúng ta thấy hai điểm: sự ban phát
Đức Chúa Trời Tam Nhất và việc sinh ra nơi cư ngụ của Ngài. Xin nói thật với
tôi, trước khi đọc bài này, anh em có bao giờ nhận biết rằng Giăng chương 14
nói về sự ban phát Đức Chúa Trời Tam Nhất để sinh ra nơi cư ngụ của Ngài không?
Cả “ba” trong Đức Chúa Trời Tam Nhất là Cha, Con và Linh đều được đề cập cách
rõ ràng trong chương này. Mặc dầu nhiều Cơ Đốc nhân nói về Đức Chúa Trời Tam Nhất,
không bao nhiêu người nhận biết rằng khải thị đầy trọn về Đức Chúa Trời Tam Nhất
là ở trong chương này. Chương mười bốn không những là một khải thị về Đức Chúa
Trời Tam Nhất, mà còn là khải thị về sự ban phát Đức Chúa Trời Tam Nhất vào
trong các tín đồ nhằm mục đích xây dựng nơi cư ngụ của Ngài. Trong bài này
chúng ta sẽ chỉ bàn đến vài câu đầu của chương này.
I. JESUS ĐI QUA SỰ CHẾT VÀ CHRIST
ĐẾN TRONG SỰ PHỤC SINH ĐỂ ĐEM CÁC TÍN ĐỒ VÀO TRONG CHA
Trong Giăng 14:1-6 chúng ta thấy
Jesus đi qua sự chết và Christ đến trong sự phục sinh để đem chúng ta, là các
tín đồ, vào trong Cha. Vấn đề này rất quan trọng. Xin lưu ý rằng không phải
Christ đi và Jesus đến, mà là Jesus đi và Christ đến. Điều này không chỉ về việc
Jesus lên trời và trở lại lần thứ hai. Không, điều này chỉ về Jesus đi qua sự
chết và Đấng Christ đến trong sự phục sinh để đem các tín đồ vào trong Cha. Vấn
đề quan trọng này được bàn đến trong sáu câu đầu của chương này.
Trong cả 13:3 và 14:2-3, chúng ta
được biết về sự ra đi của Chúa. Vào lúc ấy Chúa bảo các môn đồ rằng Ngài sẽ đi.
Theo quan niệm thiên nhiên, Chúa đi có nghĩa là Ngài sắp lìa các môn đồ để đi đến
một nơi khác. Các môn đồ không hiểu điều Chúa muốn nói. Thật vậy, suốt gần hai
ngàn năm, các thánh đồ đã hiểu lầm chương này. Thậm chí đến ngày nay cũng không
dễ gì hiểu được điều Chúa muốn nói khi Ngài bảo Ngài sẽ đi. Bây giờ nhờ sự giúp
đỡ của Thánh Linh, chúng ta đã tìm được ý nghĩa đúng đắn: Chúa sắp đi bởi sự chết
và sự phục sinh. Khi Ngài nói Ngài sắp đi, Ngài có ý nói Ngài sắp chết và được
phục sinh.
Chúa Jesus đi đâu? Các môn đồ
không sáng tỏ về điều này. Nếu đọc các chương từ mười hai đến mười sáu, anh em
sẽ thấy dường như Chúa không nói với các môn đồ cách rõ ràng, dứt khoát nơi
Ngài đi. Tôi đã để nhiều thì giờ tìm hiểu phân đoạn Kinh Thánh này xem Chúa
Jesus đi đâu. Tôi còn nhớ cách đây hơn bốn mươi năm khi còn ngồi học với một
giáo sư ưu tú thuộc hội Anh Em. Một đêm kia, ông giảng cả một bài về vấn đề nơi
Chúa Jesus đi. Ông nói rất nhiều, nhưng không bao giờ bảo chúng tôi Chúa đi
đâu. Dường như Chúa không nói Ngài đi đâu; nhưng thật ra, Ngài đã làm sáng tỏ vấn
đề này. Nếu thế, tại sao đối với chúng ta vấn đề lại không được sáng tỏ? Vì
trong chính Lời Ngài thì sáng tỏ, nhưng không sáng tỏ theo quan niệm thiên
nhiên của chúng ta.
Chúa Jesus nói với các môn đồ rằng
Ngài đi đến Cha (cc. 12, 28). Không ai hiểu Ngài đang nói về điều gì. Theo quan
niệm loài người, sự việc Ngài đi đến Cha có nghĩa là Ngài trở về trời. Nhưng
Chúa Jesus không bao giờ nói Ngài đi lên trời. Trong câu 4 Ngài nói một điều rất
huyền nhiệm: “Nơi Ta đi các ngươi đã biết, cũng biết đường nữa”. Ngay sau khi
Chúa nói điều này, Thô-ma trả lời: “Thưa Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi
đâu, làm sao biết đường được?” (c. 5). Dường như có một cuộc tranh luận mà
trong đó Chúa nói rằng các môn đồ Ngài biết đường đi nhưng Thô-ma nói họ không
biết. Rồi Chúa nói với Thô-ma: “Ta là đường đi” (c. 6). Nếu tôi là Thô-ma, hẳn
tôi đã nói: “Thưa Chúa, Ngài đang nói gì vậy? ‘Ngài là đường đi’ có nghĩa là
gì?” Không những Chúa nói Ngài là đường đi, Ngài còn nói: “Ta là đường đi, thực
tại, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha”. Nếu là Thô-ma,
tôi đã nói: “Chúa Jesus ơi, Ngài càng nói, Ngài càng làm chúng con không hiểu.
Chúng con đã không sáng tỏ về đường đi, mà bây giờ Ngài lại nói về thực tại và
sự sống. Thực tại là gì? Sự sống là gì? Ngài có ý nói gì khi bảo Ngài là đường
đi, thực tại và sự sống, và nếu không bởi Ngài thì không ai đến được với Cha?
Có phải Ngài sắp đi đến Cha hay đi lên các tầng trời?” Chúa không nói: “Không bởi
Ta, không ai lên trời được”. Nếu Ngài nói như vậy, mọi người đều sẽ sáng tỏ.
Các môn đồ hẳn đã nói: “Bây giờ chúng ta biết Ngài đang nói về điều gì. Ngài
đang đi lên trời”. Nhưng Chúa không nói rằng Ngài đang đi lên trời mà lại nói
Ngài đang đi đến Cha”. Nếu có mặt tại đó, tôi đã nói: “Chúa Jesus ơi, Cha ở
đâu?” Trong câu 10 Chúa nói: “Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha, và Cha ở
trong Ta sao?” Cha ở trong Ngài. Chúa nói rằng Ngài sẽ đi đến Cha, nhưng Ngài
đã ở trong Cha rồi và Cha đã ở trong Ngài. Thật là rắc rối! Không ai có thể hiểu
được.
Để trả lời câu hỏi: “Cha ở đâu?”
các thần học gia Cơ Đốc đã đưa ra câu trả lời tốt. Họ nói rằng Cha ở trên các tầng
trời và khi Chúa nói Ngài đi đến Cha, có nghĩa là Ngài đi lên các tầng trời. Nếu
vấn đề đơn giản như thế, thì đã không ai phải bận tâm. Nhưng vấn đề lại không
đơn giản như vậy. Đó là lý do vì sao lúc ấy không một môn đồ nào biết nơi Chúa
sẽ đi, và đó cũng là lý do nhiều người trong chúng ta không thể hiểu được điều
này mỗi khi đọc đến đây.
Như vậy, mục đích hay mục tiêu của
việc Chúa ra đi là gì? Như chúng ta đã thấy, hầu hết các Cơ Đốc nhân nghĩ rằng
mục tiêu của việc Ngài ra đi là trời. Tuy nhiên, sau khi đọc chương này cẩn thận,
anh em sẽ khám phá thấy mục tiêu của sự ra đi của Chúa không phải là trời. Chúa
không có ý định đem các tín đồ Ngài từ nơi này sang một nơi khác. Đó không phải
là vấn đề nơi chốn, mà là vấn đề thân vị sống động, là chính Cha. Chúa sẽ đi đến
Cha, và ý định của Ngài là đem các môn đồ Ngài vào trong thân vị thần thượng của
Cha. Chương mười ba cho chúng ta biết rằng Chúa từ Cha mà đến (c. 3). Ở đây
trong chương mười bốn, chúng ta thấy Ngài sắp đi đến Cha. Chúa đến từ Cha bởi sự
nhục hóa để đem Đức Chúa Trời vào trong con người. Bây giờ Chúa sắp đi đến Cha
để đem con người vào trong Đức Chúa Trời. Ý tưởng của chương này không phải là
Chúa sắp lên trời, mà là Ngài sắp đi đến Cha để đem tất cả những người tin, những
người tiếp nhận Ngài làm sự sống, vào trong Đức Chúa Trời. Con đường Ngài đi là
bởi sự chết và sự phục sinh, và mục đích của sự ra đi ấy là để đem con người
vào trong Đức Chúa Trời. Trong câu 3 Chúa nói: “Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các
ngươi một chỗ rồi, thì Ta sẽ trở lại, tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở
đâu, thì các ngươi cũng ở đó”. Ngài ở đâu? Ngài bảo chúng ta rằng câu trả lời của
câu hỏi này thì rõ ràng ở trong câu 20: “Ta ở trong Cha”. Vì vậy, bởi sự ra đi
của Ngài, chúng ta cũng sẽ ở trong Cha vì Ngài đem chúng ta vào trong Cha. Vì
thế, Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ ở đó. Mục đích Chúa đi đến Cha Ngài là để đem
chúng ta vào trong Cha, y như mục đích Chúa đến là để đem Đức Chúa Trời vào
trong con người.
A. Con Giống Như Đức Chúa Trời,
Có Mặt Khắp Nơi, Không Bị Giới Hạn Về Thời Gian Và Không Gian
Trong câu 1 Chúa nói với các môn
đồ: “Đừng để lòng mình bối rối; hãy tin vào Đức Chúa Trời, cũng hãy tin vào Ta”
(RcV). Câu này bày tỏ hai điểm rất quan trọng. Trước hết là Chúa giống như Đức
Chúa Trời. Nếu ai tin vào Đức Chúa Trời, người ấy cũng phải tin vào Chúa, vì
Chúa cũng giống như chính Đức Chúa Trời. Thật ra, Chúa chính là Đức Chúa Trời.
Thậm chí đến thời điểm ấy, các môn đồ cũng không nhận biết cách đầy đủ Chúa
chính là Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời có mặt khắp nơi:
Ngài không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Một mặt, Chúa ở trong xác
thịt và với xác thịt, có yếu tố thời gian và không gian. Mặt khác, Chúa không
phải là xác thịt mà là chính Đức Chúa Trời, và với Đức Chúa Trời thì không có yếu
tố thời gian và không gian. Trong sách này, chúng ta được biết Ngài vừa bị giới
hạn trong thời gian và không gian, vừa không bị giới hạn như vậy. Trong Giăng
7:6 Ngài nói: “Thì giờ Ta chưa đến”, cho thấy mặc dầu Ngài là Đức Chúa Trời đời
đời, vô hạn, không bị giới hạn, Ngài sống trên đất như một con người, bị giới hạn
về thời gian. Trong 3:13 Ngài nói: “Chẳng từng có ai lên trời, trừ ra Đấng từ
trời xuống, tức là Con Người vẫn ở trên trời”. Câu này cho thấy trong khi Chúa ở
trên đất, Ngài vẫn ở trên trời. Điều này có nghĩa là Ngài có mặt khắp mọi nơi y
như chính Đức Chúa Trời. Với Ngài không có sự giới hạn về thời gian và không
gian.
Vì sao Chúa nói với các môn đồ rằng
Ngài giống Đức Chúa Trời? Vì Ngài bảo họ rằng Ngài sẽ đi và họ suy nghĩ theo
cách của loài người rằng Ngài đi có nghĩa là Ngài rời khỏi họ. Vì các môn đồ biết
Đức Chúa Trời có mặt khắp mọi nơi, Chúa bảo họ rằng Ngài giống như Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời có mặt khắp mọi nơi như thế nào thì Ngài cũng có mặt khắp mọi nơi
y như vậy. Đức Chúa Trời không có yếu tố thời gian và không gian thì Ngài cũng
không có những yếu tố ấy. Dầu Ngài đi hay ở thì cũng như nhau, vì Ngài là Đức
Chúa Trời có mặt ở khắp mọi nơi. Vì sự ra đi của Ngài thật ra là sự đến của
Ngài, lòng họ không cần phải bối rối bởi sự ra đi ấy. Ngài giống như Đức Chúa
Trời mà họ đã tin. Nếu họ tin vào Đức Chúa Trời, họ cũng phải tin vào Ngài vì
Ngài giống y như Đức Chúa Trời là Đấng luôn luôn có mặt. Dường như Chúa muốn
nói với các môn đồ: “Đừng bối rối bởi sự ra đi của Ta. Đừng để lòng các ngươi
hoang mang. Nếu các ngươi tin vào Đức Chúa Trời, thì cũng phải tin vào Ta. Đức Chúa
Trời có mặt khắp mọi nơi. Với Ngài không có sự giới hạn của thời gian và không
gian. Với Ta cũng vậy. Ta sẽ đi, nhưng Ta vẫn sẽ ở với các ngươi. Trong khi Ta ở
với các ngươi, Ta sẽ đi. Ta có mặt khắp nơi. Nếu các ngươi tin nơi Đức Chúa Trời,
cũng phải tin nơi Ta nữa, vì Ta giống như Đức Chúa Trời”.
Điểm quan trọng thứ hai trong câu
1 là tin Đức Chúa Trời khác với tin vào Đức Chúa Trời. Anh em có thể nói mình
tin Đức Chúa Trời, nhưng anh em có tin vào Đức Chúa Trời không? Trong tiếng Hi
Lạp, giới từ trong có nghĩa là vào trong, tức là tin vào trong Đức Chúa Trời.
Nói cách khác, đây không phải là tin cách khách quan; mà là tin trong kinh nghiệm.
Tư tưởng cơ bản của chương này là Chúa dự định giúp đỡ hay chỉ dẫn các môn đồ ở
trong Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nhớ rằng tin Đức Chúa Trời có tính cách
khách quan, nhưng tin vào Đức Chúa Trời có tính cách chủ quan. Đó là loại tin
đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Thật ra, Chúa muốn nói: “Nếu các ngươi
tin vào Đức Chúa Trời, thì cũng hãy tin vào Ta”. Giới từ “vào” rất quan trọng.
Thật đáng tiếc vì nhiều người có quan niệm sai lầm, họ nghĩ rằng tin vào Đức
Chúa Trời nghĩa là tin Đức Chúa Trời. Chúng ta không được bỏ qua giới từ này.
Đó không phải là tin sự kiện cách khách quan; mà là vấn đề tin cách chủ quan, trong
kinh nghiệm, đem chúng ta vào trong Đức Chúa Trời. Tư tưởng chính yếu của
chương này là chúng ta phải tin vào Đức Chúa Trời.
B. “Nhà Cha Ta” Là Thân thể Đấng
Christ, Hội Thánh Là Nhà Của Đức Chúa Trời
Theo quan niệm thiên nhiên, hầu hết
các Cơ Đốc nhân nghĩ rằng nhà Cha được đề cập trong câu 2 chắc hẳn phải chỉ về
tầng trời thứ ba, là nơi Đức Chúa Cha cư ngụ. Tuy nhiên, chúng ta không được giải
nghĩa Kinh Thánh theo quan niệm thiên nhiên của mình. Trái lại, chúng ta phải
giải nghĩa Lời thánh bằng Lời Thánh. Chúng ta phải hiểu Kinh Thánh theo Kinh
Thánh và bằng Kinh Thánh. Nhóm chữ nhà Cha Ta được dùng hai lần trong Phúc Âm
Giăng. Nhóm chữ này được dùng lần đầu trong 2:16, là chỗ chỉ rõ về đền thờ, tức
nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trên đất. Đền thờ là biểu tượng, là hình ảnh tượng
trưng của thân thể Jesus (2:21), là thân thể đã mở rộng thành Thân thể Đấng
Christ trong sự phục sinh như chúng ta đã thấy. Chúng ta cần phải hết sức chú ý
đến điểm này. Trong Giăng 2:16, nhà Cha Ta là đền thờ trên đất, không chỉ về một
nơi trên các tầng trời, mà là đền thờ của Đức Chúa Trời trên đất. Vì đền thờ là
biểu tượng của thân thể Jesus, thân thể Jesus là đền tạm (1:14), là đền thờ làm
nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất. Sự giải thích cho nhóm chữ nhà Cha Ta được
bày tỏ rõ ràng trong chương hai. Chúng ta cần phải áp dụng định nghĩa này cho
Giăng 14:2, là câu có nhóm chữ tương tự. Chúng ta không nên xem nhóm chữ trong
Giăng 14:2 là khác nghĩa với nhóm chữ y như vậy trong Giăng 2:16, vì như vậy là
phi lý. Một nhóm chữ được dùng lần thứ hai trong cùng một sách Phúc Âm phải có
cùng một định nghĩa như khi được dùng lần thứ nhất. Do đó, nhà Cha trong chương
14 cũng phải có nghĩa là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trên đất, không thể nào
có nghĩa là tầng trời thứ ba. Trong chương hai, nhà Cha cuối cùng là Thân thể Đấng
Christ và trong chương mười bốn, nhà Cha cũng phải là Thân thể Đấng Christ.
Không ai có thể phủ nhận điều này. Bây giờ chúng ta có lời giải nghĩa đúng đắn
cho nhóm chữ Nhà Cha Ta: đó là Thân thể Đấng Christ, tức là Hội thánh. Chúng ta
cần điều chỉnh mình khỏi sự dạy dỗ sai lầm cho rằng nhà Cha ở đây chỉ về cõi trời.
Trong các Thư tín, khải thị về
Thân thể Đấng Christ là Hội thánh và Hội thánh là nhà của Đức Chúa Trời được
khai triển cách đầy trọn. 1 Ti-mô-thê 3:15 bày tỏ rằng Hội thánh là nhà của Đức
Chúa Trời hằng sống. Vì vậy nhà Cha phải có nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời hằng
sống trên đất chứ không phải trên trời. 1 Cô-rin-tô 3:16 nói với chúng ta rằng
các tín đồ, như một thực thể chung, là đền thờ của Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ
2:5 nói là những viên đá sống, chúng ta được xây dựng thành một ngôi nhà thuộc
linh. Ngôi nhà thuộc linh này chắc chắn phải là nhà Cha, tức nhà của Đức Chúa
Trời. Hơn nữa, Hê-bơ-rơ 3:6 nói chúng ta là nhà của Đức Chúa Trời, và Ê-phê-sô
2:21-22 nói các tín đồ đang được xây dựng lại với nhau như nơi cư ngụ của Đức
Chúa Trời, không phải trên các tầng trời mà ở trong linh. Do đó cả Tân Ước hỗ
trợ cho việc giải nghĩa nhà Cha cuối cùng là Thân thể Đấng Christ như được tìm
thấy trong chính Phúc Âm Giăng. Nhà Cha trong Phúc Âm Giăng và trong cả Tân Ước
không phải là cõi trời mà là Thân thể Đấng Christ, tức Hội thánh là nơi cư ngụ
của Đức Chúa Trời trên đất.
Anh em có tin rằng trong vũ trụ
này Đức Chúa Trời có hai công trình xây dựng – một lâu đài trên trời và một Hội
thánh trên đất không? Đức Chúa Trời chỉ có một công trình xây dựng. Thật phi lý
khi nói rằng Ngài có hai. Dầu anh em có thể thích lên trời nhưng Đức Chúa Trời
không thỏa lòng với điều đó. Nếu đọc Ê-sai chương 66, anh em sẽ thấy Đức Chúa
Trời ao ước có một chỗ cư ngụ trong con người. Ngài không thích cõi trời làm
nơi ở của Ngài bằng muốn con người làm chỗ cư ngụ của Ngài. Đức Chúa Trời muốn ở
trong con người. Trong khi nhiều Cơ Đốc nhân ao ước lên trời, Đức Chúa Trời muốn
từ trời xuống và ở với con người trên đất. Nhiều giáo sư Cơ Đốc đã bảo chúng ta
rằng khi Chúa nói Ngài đi để chuẩn bị một chỗ ở cho chúng ta, Ngài có ý nói
Ngài đi để chuẩn bị một lâu đài trên thiên đàng. Nhưng họ đều đồng ý rằng thiên
đàng mà họ nói đến ấy sẽ là thành có nền tảng do Đức Chúa Trời sắm sẵn như được
đề cập trong Hê-bơ-rơ 11:10, tức thành sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới được đề cập
trong Khải Thị chương 21. Giê-ru-sa-lem Mới không ở lại trên trời; mà sẽ từ trời
xuống (Khải. 21:2). Anh em có thể ao ước lên trời, nhưng Đức Chúa Trời ao ước từ
trời xuống.
Trong cả vũ trụ Đức Chúa Trời chỉ
có một công trình xây dựng. Vào thời Cựu Ước, công trình xây dựng của Đức Chúa
Trời ở với con cái Israel và được tượng trưng bằng đền tạm và đền thờ. Cả đền tạm
lẫn đền thờ đều là biểu hiệu của việc dân của Đức Chúa Trời là nơi cư ngụ của
Ngài trên đất. Trong thời Tân Ước Hội thánh được xây dựng. Theo ý nghĩa thuộc
linh, Hội thánh là sự nối tiếp của đền tạm và đền thờ. Trong Cựu Ước chúng ta
có đền tạm và đền thờ, trong thời Tân Ước chúng ta có Hội thánh là đền thờ của
Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời. Cuối cùng công
trình xây dựng bằng các thánh đồ Cựu Ước và các thánh đồ Tân Ước sẽ hoàn thành
trong Giê-ru-sa-lem Mới, là lều trại đời đời, là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời
giữa vòng loài người cho đến đời đời. Đó là sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nếu
cẩn thận đọc Khải Thị chương 21 và 22, anh em sẽ khám phá Giê-ru-sa-lem Mới
không phải là một thành phố vật chất. Đó là thành phố sống động gồm những con
người sống động. Chúng ta biết được điều này vì tên của mười hai chi phái
Israel và tên của mười hai sứ đồ của Chiên Con sẽ có tại đó (Khải. 21:12, 14).
Chúng ta cũng sẽ ở đó như bích ngọc được xây dựng làm tường (Khải. 21:11, 18).
Giê-ru-sa-lem Mới là cơ cấu tổng hợp sống động gồm những con người sống động được
xây dựng lại với nhau để làm nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời. Anh em có
tin rằng hiện giờ, trong thời đại Hội thánh, Đức Chúa Trời không có một chỗ cư
ngụ giữa vòng loài người trên đất không? Chắc chắn là Ngài có! Chỗ cư ngụ này
là Hội thánh. Hội thánh ở đâu? Hội thánh ở trên đất. Nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời
ngày nay là một cơ cấu tổng hợp sống động gồm những tín đồ sống động trên đất.
Nơi nào chúng ta là những tín đồ sống động được xây dựng lại với nhau, thì Đức
Chúa Trời có một chỗ ở trên đất. Đó là sự xây dựng của Đức Chúa Trời trên đất
ngày nay. Nhờ được cứu chuộc, rửa sạch trong huyết, được tái sinh bởi sự sống
thần thượng, chúng ta đã được làm nên một phần sống động của công trình xây dựng
sống động này, là nơi Chúa chuẩn bị cho chúng ta như Ngài đã nói trong Giăng
14:2.