Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 25




KẾT QUẢ VÀ SỰ GIA TĂNG BỘI PHẦN CỦA SỰ SỐNG (1)

Trong bài này chúng ta đến một phân đoạn chính khác trong Phúc Âm Giăng. Chúng ta đã thấy Phúc Âm này gồm có hai phần: Lời đời đời nhục hóa đến để đem Đức Chúa Trời vào trong con người (chương 1–13), và Jesus bị đóng đinh và Đấng Christ phục sinh đi dọn đường đem con người vào trong Đức Chúa Trời, và là Linh đến để cứ ở và sống trong các tín đồ để xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời (chương 14–21). Chúng ta đã bàn đến ba phân đoạn đầu của phần chính thứ nhất: giới thiệu sự sống và sự xây dựng (1:1-51); nguyên tắc của sự sống và mục đích của sự sống (2:1-22); và sự sống đáp ứng nhu cầu của con người trong mọi trường hợp (2:23–11:57). Nguyên tắc của sự sống là thay đổi sự chết thành ra sự sống (2:1-11), và mục đích của sự sống là xây dựng nhà Đức Chúa Trời (2:12-22). Bắt đầu với chương ba, chúng ta thấy chín trường hợp minh họa cách Đấng Christ là sự sống có thể đáp ứng mọi nhu cầu của loài người để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Điều đó đem chúng ta đến cuối chương mười một. Sau đó trong chương 12, Phúc Âm này khải thị kết quả của việc Đấng Christ trở nên sự sống cho con người, đó là sản sinh ra Hội thánh. Hội thánh, là nhà yến tiệc, là nơi Chúa có thể nghỉ ngơi và được thỏa mãn. Kết quả của việc Đấng Christ trở nên sự sống cho con người là Hội thánh. Như vậy thì sự gia tăng bội phần của sự sống là gì? Trong chương mười hai chúng ta thấy một Hội thánh nhỏ. Hội thánh ấy nhỏ về số lượng, về tầm cỡ, và về sự tăng trưởng của sự sống. Làm thế nào Hội thánh ấy có thể gia tăng bội phần? Ấy là bởi sự gia tăng bội phần của sự sống. Kết quả của sự sống là sản sinh ra Hội thánh, và sự gia tăng bội phần của sự sống là làm gia tăng Hội thánh về tầm cỡ, về số lượng và về sự tăng trưởng của sự sống.


I. KẾT QUẢ CỦA SỰ SỐNG
Chương mười hai đứng riêng một mình. Đó không phải là phần tiếp theo chín trường hợp trước mà là phần kết luận của tất cả các trường hợp ấy. Kết luận của cả chín trường hợp ấy là Đấng Christ là sự sống thì sinh ra Hội thánh. Trong 12:1-11 chúng ta thấy kết quả của sự sống, ấy là Hội thánh.

A. Nhà Yến Tiệc
Trong chương mười một, Chúa làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại. Sự phục sinh ấy sinh ra nếp sống Hội thánh. Tất cả chúng ta đều là những người chết. Rồi Chúa đến làm cho chúng ta sống lại. Sau khi Ngài phục sinh chúng ta, chúng ta trở nên Hội thánh. Do đó, trong chương mười một chúng ta thấy La-xa-rơ sống lại, và trong chương mười hai chúng ta thấy con người phục sinh ấy trở thành chính nơi mà Chúa có thể tìm được sự an nghỉ và thỏa mãn. Đó là Hội thánh. Bây giờ chúng ta cần xem Hội thánh là nhà yến tiệc.

1. Bên Ngoài Tôn Giáo
Nhà yến tiệc này ở bên ngoài tôn giáo, không ở trong Giê-ru-sa-lem, tức là thành thánh, hay trong đền thánh, mà ở trong một căn nhà nhỏ bé tại Bê-tha-ni, bên ngoài Giê-ru-sa-lem và bên ngoài tôn giáo.

Sự kiện Chúa là sự sống cho con người để đáp ứng nhu cầu của họ đã khiến cho tôn giáo Do Thái từ bỏ Ngài. Do Thái giáo không thể chịu được khi thấy Chúa là sự sống cho nhiều loại người như vậy. Cho nên những con người thuộc tôn giáo từ bỏ Chúa là sự sống. Sự từ bỏ này bắt đầu trong chương năm (cc. 16, 18) và lên đến đỉnh điểm trong chương mười (cc. 31, 39). Trong chương mười một, những con người thuộc tôn giáo thậm chí còn tổ chức hội nghị xem phải giết Chúa cách nào vì Ngài đã làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại (11:53, 57). Các nhà lãnh đạo Do Thái cũng âm mưu giết La-xa-rơ vì lý do ấy (12:10). Điều đó cho thấy tôn giáo chống Chúa là sự sống đến mức nào! Tôn giáo không những bắt bớ Chúa, mà còn tìm cách tiêu diệt những người dự phần trong Chúa là sự sống. Tôn giáo luôn luôn chối bỏ và từ bỏ Chúa là sự sống.

Khi nghiên cứu Phúc Âm Giăng, chúng ta cần phải thấy sự khác biệt giữa tôn giáo và Đấng Christ là sự sống. Chúa Jesus đến trái đất trong sự nhục hóa không phải để làm một nhà lãnh đạo tôn giáo nhưng để đến trong con người và làm sự sống của con người. Từ trường hợp thứ nhất của sự tái sinh trong chương ba cho đến trường hợp sau cùng của sự phục sinh trong chương mười một, tất cả những gì Chúa làm là trình bày chính Ngài là sự sống cho những người bên ngoài Do Thái giáo. Nếu nhìn vào tôn giáo, kể cả Cơ Đốc giáo, từ một quan điểm khác hơn quan điểm của sự sống, chúng ta dễ bị lừa dối và dẫn đi lạc, vì tôn giáo dạy người ta cách nhận biết Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài, ngay cả dạy họ về Kinh Thánh. Dường như không có điều gì xấu nơi tôn giáo cả. Tuy nhiên nếu Chúa thương xót chúng ta và nếu Thánh Linh Ngài mở mắt chúng ta, chúng ta sẽ thấy những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện trong vũ trụ không chỉ là làm cho người ta thờ phượng Ngài hay phục vụ Ngài. Trong thời đại này, ao ước và ý định của Đức Chúa Trời là trong Con, bởi Linh, và nhờ Lời Ngài, vào trong con người để trở nên sự sống của con người hầu con người sống bởi Ngài. Điều này tuyệt đối khác với tôn giáo và hoàn toàn trái với quan niệm của tôn giáo.

Khi Chúa đến với con người như sự sống, Ngài bị Do Thái giáo từ bỏ. Suốt tất cả các thế kỷ tiếp theo, Ngài liên tục bị tôn giáo khước từ. Dầu tôn giáo ấy là Công giáo hay Cải Chánh giáo, hễ đã là tôn giáo thì không thể nhận Chúa làm sự sống cách thuần khiết. Trong vấn đề nhận Chúa làm sự sống, cả tôn giáo Công giáo lẫn tôn giáo Cải Chánh giáo đều là sự cản trở lớn lao cho con người, y như Do Thái giáo vào thời Chúa Jesus và vào thời hiện đại. Vì vậy chúng ta phải nhận thức và cảnh giác về bất cứ tôn giáo nào. Nếu không, chúng ta có thể bị dẫn lạc đường.

2. Nơi Chúa Và Các Môn Đồ Ngài Ăn Tiệc, An Nghỉ Và Vui Thỏa
Do Thái giáo khước từ Chúa là một hậu quả tiêu cực. Nhưng cũng có một kết quả tích cực ra từ sự kiện Chúa là sự sống cho con người, đó là một mái nhà ấm cúng cho Ngài khi Ngài bị khước từ, một nơi mà Ngài có thể nghỉ ngơi, dự tiệc, cư trú và vui thỏa. Trong chương mười hai chúng ta thấy Chúa đã ra đi và ẩn mình khỏi tôn giáo đã từ chối Ngài, và Ngài đi đến một ngôi nhà của các tín đồ Do Thái tại Bê-tha-ni. Bằng cách làm cho chính mình trở nên sự sống phục sinh cho các tín đồ của mình, Ngài tìm thấy một ngôi nhà. Ngôi nhà này có thể được kể là hình bóng về Hội thánh. Một mặt, Ngài bị Do Thái giáo khước từ và Ngài từ bỏ Do Thái giáo; mặt khác, Ngài nhận được một mái nhà nơi Ngài có thể lưu trú và an nghỉ. Ngài có một chỗ mà Ngài có thể dự tiệc và được thỏa mãn. Trước đây, Chúa “không có chỗ gối đầu” (Mat. 8:20). Nhưng bây giờ sau khi làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại, Ngài có được một chỗ để nghỉ ngơi và dự tiệc. Sau khi Do Thái giáo đã từ bỏ Ngài, Ngài không còn muốn ở Giê-ru-sa-lem nữa. Ngài luôn luôn ra đi đến trú ngụ tại Bê-tha-ni (Mat. 21:17-18). Tại đó không những Ngài có thể lưu lại và an nghỉ, mà còn có thể dự tiệc và được thỏa mãn. Về mặt thuộc linh, điều này có nghĩa là Ngài tuyệt đối phân rẽ khỏi tôn giáo Do Thái của Cựu Ước, Ngài đã và đang ở trong Hội thánh là nhà của Ngài, tại đó Ngài được an nghỉ, dự tiệc và được thỏa mãn.

Mặc dầu ngôi nhà ấy không có gì hấp dẫn ở bề ngoài, nhưng bên trong đầy yến tiệc, an nghỉ và thỏa mãn. Không những Chúa Jesus đang dự tiệc và an nghỉ, mà mọi người tại đó cũng vậy. Trong nếp sống Hội thánh cũng phải như vậy. Khi anh em nhìn bề ngoài của nếp sống Hội thánh thì không có gì hấp dẫn cả. Kiến trúc, bàn ghế, cũng như những đồ đạc khác đều không có vẻ gì tốt lắm. Trông bề ngoài, mọi sự có vẻ nghèo nàn; nhưng bên trong mọi sự đều quí báu, ngọt ngào và thân thiết. Chúng ta có cảm nhận ngọt ngào là mình đang ở với Chúa và Chúa ở với chúng ta. Ngài đang dự tiệc với chúng ta và chúng ta đang dự tiệc với Ngài. Ngài và chúng ta đều đang nghỉ ngơi. Mọi người đều đang nghỉ ngơi và mọi người đều thỏa mãn. Đó là nếp sống Hội thánh.

B. Một Mô Hình Nhỏ Về Nếp Sống Hội Thánh
1. Được Sản Sinh Bởi Sự Sống Phục Sinh
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một vài điểm liên quan đến mô hình nhỏ của nếp sống Hội thánh được tìm thấy trong Giăng chương 12. Trước hết, mô hình ấy được sinh ra bởi sự sống phục sinh. La-xa-rơ có mặt như một dấu hiệu về Hội thánh được sản sinh ra bởi sự sống phục sinh. Hội thánh không hiện hữu bởi tổ chức của con người, sự khôn ngoan của con người, công việc của con người, hay sự dạy dỗ của con người, mà Hội thánh hiện hữu do sự sống phục sinh.

Bê-tha-ni là nơi Chúa thực hiện dấu lạ sau cùng, ấy là làm cho La-xa-rơ sống lại từ người chết. Vì vậy Bê-tha-ni là nơi Chúa làm cho người chết sống lại. Các tín đồ tại đó ra từ sự sống phục sinh của Chúa. Đó mới chính là nơi của Hội thánh, tức là nơi phục sinh, nơi Chúa là sự sống phục sinh làm cho người ta sống lại từ người chết. Ban đầu chúng ta chết, vì chúng ta vốn chết trong tội lỗi (Côl. 2:13). Nhưng Chúa đã làm cho chúng ta từ người chết sống lại; Ngài làm cho chúng ta sống động và Ngài tái sinh chúng ta. Kết quả là chúng ta, những người dự phần trong sự sống phục sinh của Ngài, đã trở thành Hội thánh. Hội thánh là sản phẩm từ sự sống phục sinh của Chúa. Trong sự sống thiên nhiên không có Hội thánh. Hội thánh chỉ có thể hiện hữu nhờ sự sống phục sinh của Chúa. Một Hội thánh như vậy trong sự sống phục sinh là nơi Chúa có thể tìm được sự an nghỉ và thỏa mãn với chúng ta và là chỗ chúng ta có thể an nghỉ với Ngài.

2. Gồm Có Những Tội Nhân Được Tẩy Sạch
Hội thánh gồm có những tội nhân được tẩy sạch, tiêu biểu như Si-môn người phung (Mác 14:3). Khi còn trẻ, tôi nghĩ rằng nhà tại Bê-tha-ni, nơi người ta dự tiệc với Chúa là nhà của La-xa-rơ. Cuối cùng tôi mới biết đó không phải là nhà của La-xa-rơ, mà là nhà của một người cùi chắc hẳn đã được Chúa chữa lành. Theo Mác 14:3, bữa tiệc đề cập trong Giăng 12:2 đã được dọn cho Chúa tại nhà của một người cùi tên Si-môn. Nhà của Si-môn, một người cùi được tẩy sạch, đã trở nên nơi nhóm họp cho Hội thánh. Điều này rất có ý nghĩa. Một mặt tất cả chúng ta đều chết; mặt khác tất cả chúng ta đều là những người cùi. Ban đầu, các Chi thể trong Hội thánh đều là những người vừa chết vừa phung (tội lỗi). Theo một ý nghĩa, giống như La-xa-rơ, chúng ta chết và đã được phục sinh. Theo một ý nghĩa khác, giống như Si-môn, chúng ta là những người cùi bị ô uế, và đã được tẩy sạch. Ha-lê-lu-gia, Chúa đã làm cho chúng ta từ người chết sống lại và tẩy sạch chúng ta khỏi bệnh cùi, tức tội lỗi của mình! Bây giờ nơi chúng ta ở trở thành nơi nhóm họp của Hội thánh.

Điều rất lạ là nơi dọn tiệc cho Chúa lại ở nhà Si-môn, người cùi, nhưng Giăng 12 không nói Si-môn làm gì cả. Tiệc được dọn tại nhà Si-môn, nhưng mọi sự lại do hai chị em và một anh em làm. Tại Bê-tha-ni, trong nhà một người cùi, mọi sự đều do Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ thực hiện. Mặc dầu Hội thánh là nơi Chúa làm sống động và tái sinh người chết, tẩy sạch người cùi, sự phục vụ trong Hội thánh không do người cùi thực hiện. Đó là ý nghĩa ẩn sau sự kiện Si-môn không phục vụ trong Giăng chương 12.

3. Bề Ngoài Nghèo Nàn Và Khốn Khổ
Bê-tha-ni nghĩa là nhà của người nghèo hay nhà khốn khổ. Bề ngoài, Hội thánh có thể nghèo nàn và khốn khổ. Hội thánh trên đất có thể không giàu có về phượng diện vật chất; nhưng Hội thánh nên giàu có sự vui hưởng Chúa và sự hiện diện của Ngài. Những người trọng bề ngoài luôn luôn xem thường Hội thánh, nói rằng Hội thánh nghèo nàn và khốn khổ. Họ không có một linh để nhìn biết chúng ta giàu có biết bao trong khi vui hưởng tất cả những gì Chúa “là” đối với chúng ta.

4. Bề Trong Đang Dự Tiệc Trong Sự Hiện Diện Của Chúa Và Với Sự Hiện Diện Của Ngài
Ở bề trong, nếp sống Hội thánh là một nếp sống ăn tiệc trong sự hiện diện của Chúa và với sự hiện diện của Ngài (12:2). Chúa đến ngôi nhà ấy và ở đó có sự hiện diện của Ngài. Trong nếp sống Hội thánh, điều đầu tiên chúng ta cần là sự hiện diện của Chúa. Chúng ta phải là những người ở một vị trí và với một tình trạng như vậy để Chúa có thể đến và ở lại với chúng ta. Sự hiện diện của Ngài có ý nghĩa rất nhiều đối với nếp sống Hội thánh. Nếp sống Hội thánh là nếp sống tuyệt đối lệ thuộc sự hiện diện của Chúa. Không có sự hiện diện của Chúa, nếp sống Hội thánh chỉ trống rỗng.

Ở bề trong, nếp sống Hội thánh là một bữa tiệc. Trong nếp sống Hội thánh, luôn luôn cần phải có tiệc để chính Chúa có thể vui hưởng và dân của Ngài cũng được vui hưởng với Ngài. Ấy là trong Hội thánh mà Chúa có thể nghỉ ngơi, vui hưởng và thỏa mãn. Ở đây luôn luôn có tiệc dọn cho Chúa và dân Ngài. Không những chính Chúa thưởng thức tiệc, mà mọi người ở với Ngài cũng đều thưởng thức tiệc này. Hội thánh là nơi mà chính Chúa có thể vui thỏa ở với dân Ngài và dân Ngài có thể vui thỏa ở với Ngài. Hội thánh là nơi Chúa và dân Ngài họp lại để dự tiệc với nhau và vui hưởng nhau.

Không một người ngoài nào có thể hiểu được điều này. Không người ngoài nào biết chúng ta đang làm gì trong nếp sống Hội thánh. Cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi còn ở tại Đài Bắc, một nữ giáo sĩ người Đan Mạch đến nói chuyện với tôi rất lâu, bà hỏi về Hội thánh. Bà được thu hút đến với Hội thánh nhưng vẫn có vài nan đề do lời người ta đồn đãi. Tôi nói với bà: “Chị ơi, dầu tôi có nói chuyện với chị mấy ngày, chị vẫn không thể hiểu chúng tôi đang làm gì ở đây. Cách tốt nhất và cách duy nhất để chị hiểu những gì chúng tôi đang làm là đến đây và ở lại hai năm rưỡi. Trong thời gian đó, đừng đi thăm nơi nào khác và đừng làm việc gì cả. Chỉ nên ở với các chị em ngày đêm và tham dự mọi buổi nhóm. Chị phải tham dự mọi buổi nhóm – nhóm lớn, nhóm nhỏ, nhóm tại gia, và nhóm tại phòng nhóm. Đừng bỏ qua một buổi nhóm nào. Thêm vào đó, chị hãy đọc tất cả các sách chúng tôi đã xuất bản, có hơn hai trăm quyển. Nếu chị ở lại hai năm rưỡi, tham dự tất cả các buổi nhóm, đọc tất cả các sách, tôi bảo đảm với chị, chị sẽ hoàn toàn sáng tỏ. Thưa chị, chị có bằng lòng trả giá không?” Ngay lập tức chị ấy đáp: “Tôi sẽ làm theo lời anh”. Chị đóng cửa nhà mình và dọn đến ở nhà của các chị em. Chị thật làm theo lời tôi. Chị không đi đâu cả, mà chỉ ở lại với các chị em, tham dự tất cả các buổi nhóm, và đọc hầu hết các sách tiếng Hoa. Chưa đầy hai năm rưỡi, chỉ khoảng vài tháng, chị đến gặp tôi và nói: “Anh Lee ơi, ngợi khen Chúa. Bây giờ tôi đã sáng tỏ về điều chúng ta đang làm ở đây”. Chị không nói: “Điều các anh đang làm ở đây”; nhưng nói: “Bây giờ tôi đã sáng tỏ về điều chúng ta đang làm ở đây”. Chị còn nói: “Từ nay trở đi, không điều gì có thể đem tôi ra khỏi Hội thánh”. Chị ở lại một thời gian dài và sau đó trở về Đan Mạch. Tại đó, chị đã trải qua nhiều gian nan, nhưng không một điều gì đem chị ra khỏi Hội thánh được.

Khi nhìn vào Hội thánh, người ta chỉ thấy một điều. Theo mắt họ, Hội thánh trông có vẻ đen đúa. Tuy nhiên, khi anh em vào trong Hội thánh, ở bề trong, Hội thánh tuyệt đối khác, Hội thánh màu vàng ánh.

5. Có Nhiều Chị Em Hơn Anh Em
Giống như tại Bê-tha-ni, tốt hơn Hội thánh nên có nhiều chị em hơn anh em (12:2-3). Khi nào số chị em trong Hội thánh ít hơn số anh em, Hội thánh ấy có thể không được sống động lắm. Một Hội thánh sống động cần có nhiều chị em hơn, càng nhiều hơn càng tốt. Nếu gặp cảnh chị em nhiều hơn anh em, thì anh em sẽ nhận thấy Hội thánh tại đó sống động. Nhưng khi số các chị em ít hơn số anh em, Hội thánh ấy không sống động lắm.

6. Với Những Chức Năng Khác Nhau
a. Phục Vụ

Trong nếp sống Hội thánh có những chức năng khác nhau. Có ba loại chức năng phục vụ trong Hội thánh được tượng trưng bởi ba con người trong nhà. Trước hết là chức năng phục vụ được tượng trưng bởi Ma-thê (12:2). Suốt mọi thế kỷ, Ma-thê đã bị đối xử bất công. Trong lịch sử, các Cơ Đốc nhân đều xem thường Ma-thê. Đừng lên án Ma-thê. Lên án Ma-thê là không công bằng. Chúng ta không nên nghĩ rằng Ma-thê không có gì tốt, vì chương này nói Ma-thê phục vụ. Điều đó rất tốt, vì trong sự phục vụ của Hội thánh, những vấn đề có tính cách công việc của Hội thánh phải được giải quyết. Làm thế nào vấn đề ẩm thực được lo liệu nếu không có Ma-thê? Chúng ta cần cô ấy nấu ăn. Tôi đánh giá cao công tác phục vụ của Ma-thê. Tất cả chúng ta phải thay đổi quan niệm về Ma-thê và không được khinh thường chị ấy. Chúng ta nên khích lệ các chị em làm những Ma-thê. Có lẽ các chị em vẫn còn quá thuộc linh và nặng tinh thần tôn giáo, nhưng tôi thì khá thực tế. Tôi không muốn thuộc linh như vậy. Giả sử tất cả các chị em đều là những Ma-ri thuộc linh ngồi đó im lặng. Như vậy ai sẽ nấu ăn? Chúng ta cần phải có vài Ma-thê chăm chỉ, tài năng, tích cực, sống động, và thực tế. Mặc dầu chúng ta thuộc linh, chúng ta vẫn phải phục vụ cách thực tế. Trong căn nhà ấy cần có sự phục vụ của Ma-thê. Tương tự như vậy, trong sự phục vụ của Hội thánh, chức năng đầu tiên cần thiết là phục vụ bằng cách làm một điều gì, ấy là chăm lo một công việc thực tế nào đó.

b. Làm Chứng

Chức năng thứ hai trong sự phục vụ của Hội thánh được tượng trưng bởi La-xa-rơ. Dường như La-xa-rơ không làm gì cả. Anh chỉ ngồi tại bàn với Chúa, thưởng thức bữa tiệc với Ngài. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng La-xa-rơ là chứng cớ sống động về sự sống phục sinh. Anh không làm chứng bằng công việc nhưng bằng cách sống trong sự sống phục sinh. Chứng cớ của anh không phải ở nơi sự lao khổ hay công tác mà trong việc vui hưởng sự sống phục sinh. Anh là nhân chứng cho quyền năng của sự sống phục sinh của Chúa. Nơi nào có anh thì nơi đó có chứng cớ về sự sống phục sinh.

Sự phục vụ của Ma-thê thì tốt, nhưng không lôi cuốn người ta. Chứng cớ của La-xa-rơ là điều thu hút họ. Điều này không có nghĩa là sự phục vụ của Ma-thê không tốt và không cần, vì có những việc cần được chăm lo. Thậm chí La-xa-rơ cũng phải được Ma-thê phục vụ. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức rằng ngay cả khi chúng ta là một lời chứng sống động về sự sống, chúng ta vẫn cần sự phục vụ của Ma-thê. Nếu không, chúng ta sẽ không có gì để ăn.

Chức năng thứ hai trong Hội thánh là chứng cớ của sự sống, không phải bởi “làm” mà bởi “sống”. Đó không phải là công việc, mà là sự sống. Không phải do lao nhọc, mà là do vui hưởng Chúa, đem lại cho người ta cảm nhận về quyền năng phục sinh, biểu hiện của sự sống phục sinh, và vui hưởng Chúa như sự sống. Đó là chứng cớ mạnh mẽ rằng Chúa có thể làm cho người chết sống động như vậy và khiến họ có thể dự tiệc với Ngài. Trong Hội thánh phải có một chứng cớ sống động như vậy, một chức năng của sự sống như vậy. Không phải chỉ có sự phục vụ trong những công việc thực tế mà còn là chức vụ của sự sống. Sự phục vụ của Ma-thê cần thiết, nhưng chức vụ của La-xa-rơ thậm chí còn cần thiết hơn.

c. Yêu Thương

Ma-ri tượng trưng cho chức năng thứ ba (12:2-3). Cô tượng trưng cho những người yêu dấu rất yêu mến Chúa và tuôn đổ ra những gì quí báu nhất mà họ có cho Chúa. Họ yêu Chúa nhiều đến nỗi họ dâng điều tốt nhất cho Chúa. Đó là điều Ma-ri đã làm. Cô đã đổ dầu quí giá lên chân Chúa và lấy tóc mình lau chân Ngài. Trong lòng cô không có điều gì thân thiết, quí báu, và có giá trị như Chúa. Cùng với nhiều người khác giống như mình, cô đã yêu Chúa với điều tốt nhất mà mình có. Cô cho Chúa là quí giá và đáng yêu hơn mọi điều khác. Đối với cô, Chúa là Đấng quí báu nhất và có giá trị nhất.

Sự việc Ma-ri đổ dầu lên Chúa Jesus là dấu hiệu của nếp sống Hội thánh đúng đắn. Dầu anh em có thể biết Ma-ri đã xức cho Chúa dầu tốt nhất, có lẽ anh em không thấy đó là dấu hiệu về nếp sống Hội thánh. Tính chất chính của nếp sống Hội thánh là xức cho Chúa bằng tình yêu tốt nhất của chúng ta. Biểu hiện, phương diện, và tính chất chính của nếp sống Hội thánh là chúng ta đổ dầu của mình trên Ngài. Ở đây Hội thánh giống như một ngôi nhà đầy dẫy sự quí báu, ngọt ngào, và dễ chịu của hương thơm từ dầu đổ ra trên Chúa Jesus. Điều này phải là biểu hiện chính trong Hội thánh địa phương; khi bước vào một Hội thánh địa phương, điều đầu tiên anh em cần phải “ngửi” thấy là dầu yêu thương đổ ra trên Chúa Jesus. Ma-ri không chỉ yêu Chúa, cô đổ ra điều tốt nhất của mình trên Chúa, và điều đó trở nên dấu hiệu của nếp sống Hội thánh đúng đắn. Trong nếp sống Hội thánh đúng đắn, tất cả chúng ta phải yêu Chúa đến mức ấy.

Như vậy chúng ta có ba chức năng: phục vụ, làm chứng và yêu thương. Chúng ta có sự phục vụ, chứng cớ và tình yêu đổ ra trên Chúa. Ba điều này cần phải được tìm thấy trong nếp sống Hội thánh. Mỗi khi người ta đến với chúng ta, họ cần phải nhận thấy sự phục vụ Chúa, chứng cớ cho Chúa và tình yêu tuôn đổ trên Chúa ở giữa chúng ta. Ba điều này là những điều bắt buộc. Chúng ta phải có sự phục vụ, phục vụ luôn luôn. Hơn nữa, chúng ta phải có lời chứng, làm chứng rằng Chúa là sự sống phục sinh đối với mình. Về phương diện chứng cớ, chúng ta không cần lao khổ. Chúng ta chỉ cần sự sống phục sinh. Sau khi đã được sống lại với Ngài, chúng ta không cần phải lao khổ nữa. Chúng ta chỉ ngồi với Ngài, đi với Ngài, và thưởng thức bữa tiệc với Ngài. Đó là chứng cớ thật, sống động mà Hội thánh phải có, và đó là chính biểu hiện của Chúa. Hơn nữa, chúng ta cũng phải có tình yêu tuyệt đối bày tỏ với Chúa. Khi đến giữa chúng ta, người ta sẽ nói: “Ôi, những người này yêu Chúa bằng mọi giá. Họ sẽ trả bất cứ giá nào để yêu Ngài. Trong lòng họ không có gì đáng giá, có giá trị, đáng yêu, và quí báu cho bằng chính Chúa”. Chúng ta phải để lại ấn tượng ấy trong người ta.

Tất cả chúng ta phải là những Chi thể “tam giác” của Hội thánh. Chúng ta phải có ba góc. Trong quá khứ một vài chị em nói với tôi: “Anh ơi, tôi không phải Ma-thê. Nhờ sự thương xót của Chúa, tôi chỉ là một Ma-ri nhỏ bé”. Có lần một anh em rất sống động nói với tôi: “Anh ơi, trong Hội thánh có một số người là Ma-thê và chỉ có rất ít người là La-xa-rơ. Nhờ sự thương xót của Chúa, tôi chỉ là một La-xa-rơ. Tôi không làm được gì cả. Tôi chỉ ngồi đây làm chứng về Chúa Jesus”. Tôi nghi ngại không biết anh ấy có phải một La-xa-rơ thật không. Tất cả chúng ta phải là Ma-thê, La-xa-rơ và Ma-ri. Khi một người nào đó hỏi anh em tên gì, anh em nên nói: “Tên tôi là Ma-thê-La-xa-rơ-Ma-ri”. Đó là tên đúng đắn mà tất cả chúng ta nên có.

Tôi xin nói một lần nữa, trong Hội thánh ít nhất phải có ba yếu tố: sự hầu việc Chúa chuyên cần, chứng cớ sống động về sự phục sinh của Chúa và tình yêu tuyệt đối đổ ra trên Chúa. Nếu thật sự thực hành nếp sống Hội thánh, chúng ta phải có sự phục vụ, chứng cớ và tình yêu đối với Chúa. Tất cả chúng ta phải là Ma-thê, La-xa-rơ và Ma-ri. Một Hội thánh như vậy là kết quả ra từ Chúa là sự sống đối với chúng ta. Chương mười hai ra từ chương mười một. Loại phục vụ, chứng cớ và tình yêu này ra từ Chúa là sự sống phục sinh đối với chúng ta. Với những chức năng này, chúng ta có nếp sống Hội thánh thật. Trong nếp sống Hội thánh thật, sự hầu việc Chúa được cung hiến, chứng cớ của Chúa được nhìn thấy, và tình yêu dành cho Chúa được đổ ra. Ở đây chúng ta có thể vui hưởng Chúa với các thánh đồ và chính Chúa có thể cư ngụ, an nghỉ và dự tiệc trong sự vui thỏa. Đó là biểu hiện thật của Thân thể Chúa, tức là chiếc bình để chứa đựng Chúa và bày tỏ Ngài.

7. Bị Vấy Bẩn Bởi Người Giả Dối
Tuy nhiên trong bức tranh về nếp sống Hội thánh được trình bày ở đây, có một điều tiêu cực, đó là vết đen Giu-đa (12:4). Thậm chí giữa vòng mười hai sứ đồ được Chúa Jesus lựa chọn cũng có Giu-đa, là vết đen. Suốt mọi thế kỷ, luôn luôn có những vết đen trong các Hội thánh. Nếp sống Hội thánh vinh hiển luôn luôn bị vấy bẩn bởi con người giả dối. Tuy nhiên chúng ta thật được an ủi vì ngay cả trong Hội thánh nhỏ bé do chính Chúa Jesus trực tiếp thiết lập, đã có một vết đen như vậy.

Giu-đa quan tâm đến tiền bạc; ông ta yêu tiền nhiều hơn là yêu Chúa. Vì vậy ông không quí điều Ma-ri đã làm cho Chúa. Ông nghĩ như vậy là phung phí. Giu-đa giả bộ quan tâm đến người nghèo. Thật ra không đúng như vậy. Ông ta chỉ quan tâm đến tiền bạc. Trong nếp sống Hội thánh hầu như luôn luôn có một vết đen như vậy. Ma-môn, tức hiện thân của kẻ ác, là kẻ thù đích thực của Chúa. Thất bại trong việc đắc thắng ma-môn là điều thường thấy trong nếp sống Hội thánh. Lòng yêu ma-môn của Giu-đa đã cho Sa-tan có chỗ đứng để hắn bước vào và chiếm hữu ông ta (13:2). Thay vì yêu Chúa, ông đã phản Ngài! Thật hổ thẹn vì điều này thường tái diễn trong nếp sống Hội thánh.

8. Bị Tôn Giáo Bắt Bớ
Nếp sống Hội thánh bị tôn giáo bắt bớ. Các thầy tế lễ Do Thái bàn bạc để có thể giết La-xa-rơ (12:10) là người làm chứng cho quyền năng phục sinh của Chúa. Ông là chứng cớ hiển nhiên và mạnh mẽ về quyền năng phục sinh của Chúa. Điều này làm cho lòng ghen ghét và sự bắt bớ của những người tôn giáo dấy lên. Ngày nay cũng giống như vậy. Chúng ta càng mang chứng cớ Chúa là sự sống cho mình cách mạnh mẽ bao nhiêu thì càng khiến những người tôn giáo nổi giận với chúng ta bấy nhiêu.

9. Là Sự Thử Nghiệm Và Phơi Bày Người Ta
Nếp sống Hội thánh là sự thử nghiệm, phơi bày người ta (12:6, 10). Nếp sống Hội thánh phơi bày tình trạng của lòng người và thái độ của người ta đối với Chúa. Không có Hội thánh, lòng người ta và thái độ của người ta đối với Chúa không bao giờ có thể bị phơi bày. Hễ có Hội thánh, mọi sự đều lộ diện. Nếu không có Hội thánh tại địa phương anh em, lòng và thái độ của người ta đối với Chúa sẽ bị ẩn giấu và khóa kín. Tuy nhiên, trong nếp sống Hội thánh, lòng của mọi người bị phơi bày. Hội thánh phơi bày những tư tưởng kín giấu của lòng người đối với Chúa.

10. Đem Vào Nhiều Người Tin
Trong câu 11 chúng ta thấy nhiều người tin vì chứng cớ của La-xa-rơ. Chứng cớ sống động của Hội thánh luôn luôn làm cho người ta tin Chúa và đem họ vào nếp sống Hội thánh. Sự phát triển của Hội thánh phải tùy thuộc vào chứng cớ sống động của Hội thánh, chứ không chỉ dựa trên sự rao giảng phúc âm. Chứng cớ sống của chúng ta trong việc kinh nghiệm Chúa là sự sống của mình chính là sự rao giảng phúc âm tốt nhất để làm cho Hội thánh phát triển.

Khi chúng ta xem xét mọi phương diện trên của nếp sống Hội thánh, thì thật không quá đáng khi nói rằng ngôi nhà tại Bê-tha-ni là biểu tượng ban đầu của Hội thánh. Chúng ta thật thấy nếp sống Hội thánh tại đó.

C. Chúa Là Sự Thử Nghiệm Cho Dân Chúng
Không những Hội thánh là sự thử nghiệm để phơi bày người ta, mà chính Chúa cũng là sự thử nghiệm cho mọi người quanh Ngài. Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si âm mưu giết Ngài (11:47, 53, 57). Nhưng chúng ta thấy một thái độ khác nơi Si-môn người phung, vì ông chuẩn bị nhà cho Ngài (Mat. 26:6). Ma-thê phục vụ Ngài, La-xa-rơ làm chứng về Ngài, Ma-ri yêu Ngài và Giu-đa sắp phản Ngài. Và nhiều người khác tin vào Ngài. Người ta đã bày tỏ tất cả những thái độ khác nhau như thế đối với cùng một Jesus. Còn anh em thì sao? (Anh em tìm cách giết Ngài, hay anh em phục vụ Ngài, làm chứng về Ngài, yêu Ngài, hay bị cám dỗ mà phản Ngài?) Anh em không bao giờ có thể đứng trung lập. Anh em phải làm một điều gì đó. Chính Chúa trong Hội thánh là sự thử nghiệm cho mọi người quanh Ngài.
--