Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 22




NHU CẦU CỦA NGƯỜI MÙ TRONG TÔN GIÁO – THỊ GIÁC CỦA SỰ SỐNG VÀ SỰ CHĂN DẮT CỦA SỰ SỐNG (2)

Bây giờ chúng ta đến Giăng chương 10. Đây là chương rất thích thú, nhưng cũng là chương bị hiểu lầm. Chương này thật sự là phần tiếp theo chương chín. Câu 21 giúp chúng ta nhận biết điều này, vì câu hỏi được nêu lên: “Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?” Cả hai chương đều xoay quanh bản ký thuật về trường hợp người mù bẩm sinh. Ý tưởng của chương này thật sâu sắc. Ở bề mặt, dường như chương này dễ hiểu, nhưng thật ra hiểu được ẩn dụ hay tỉ dụ này không phải là dễ. Chúa đưa ra tỉ dụ về chuồng chiên ngay sau khi Ngài chữa lành người mù, là người bị người Do Thái đuổi ra khỏi nhà hội. Vì vậy, biến cố này trở nên bối cảnh cho ẩn dụ về chuồng chiên.


II. SỰ CHĂN DẮT CỦA SỰ SỐNG DÀNH CHO CÁC TÍN ĐỒ Ở BÊN NGOÀI TÔN GIÁO
A. Chuồng Chiên, Cánh Cửa Và Đồng Cỏ
Dành Cho Chiên
Bây giờ chúng ta cần phải xem xét ý nghĩa của chuồng chiên trong ẩn dụ này. Định nghĩa chuồng chiên không phải là điều dễ. Có lẽ anh em biết điều gì đó về Kinh Thánh và đặc biệt là về các sách Phúc Âm. Có lẽ từ nhỏ anh em đã được nghe kể các câu chuyện trong các sách Phúc Âm tại Trường Chúa Nhật. Có lẽ thậm chí anh em đã tốt nghiệp từ một chủng viện. Tôi xin hỏi anh em câu này: anh em nhận biết gì về chuồng chiên? Anh em đã được dạy dỗ gì về vấn đề này? Chìa khóa để mở ra bí mật của ẩn dụ này tùy thuộc rất nhiều vào ý nghĩa của chuồng chiên.

1. Chuồng Chiên Chỉ Về Luật Pháp, Hay Do Thái Giáo, Tức Tôn Giáo Của Luật Pháp
Chuồng chiên, trong cách dùng bóng bẩy hơn, mang ý nghĩa luật pháp của Cựu Ước, nhưng trong cách dùng phổ thông và bình thường, chuồng chiên nghĩa là Do Thái giáo, tức tôn giáo của luật pháp. Ban đầu, trước khi Đấng Christ đến lần thứ nhất, Đức Chúa Trời ban luật pháp Ngài cho dân Israel. Đức Chúa Trời có mục đích gì khi ban luật pháp cho họ? Ngài có mong họ giữ luật pháp không? Không, đó không phải là mục đích của Ngài. Ga-la-ti 3:23-26 bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời trong việc ban luật pháp. “Vả, trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị canh giữ dưới luật pháp, nhốt lại cho đến khi đức tin phải hiển hiện. Dường ấy, luật pháp đã là giáo sư của chúng ta, để dẫn chúng ta đến Christ, hầu cho chúng ta được xưng công chính bởi đức tin. Nhưng nay đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới giáo sư ấy nữa. Bởi chưng anh em hết thảy đều là con cái của Đức Chúa Trời do đức tin đến Christ Jesus”. Trước khi đức tin nơi Đấng Christ đến, chúng ta được giữ dưới luật pháp. Nói cách khác, chúng ta được giữ như chiên trong chuồng. Từ ngữ Hi Lạp dịch ra là “giữ” có nghĩa là bị hạn chế. Trước khi đức tin đến, tức là trước khi Đấng Christ đến, tuyển dân của Đức Chúa Trời bị hạn chế dưới luật pháp. Họ bị “nhốt” dưới luật pháp. “Nhốt” là một từ ngữ đặc biệt trong tiếng Hi Lạp, có nghĩa là được tạm giam hay chăm sóc đặc biệt trong một căn phòng. Chẳng hạn, nếu cha mẹ của một gia đình qua đời, con cái của họ có thể được giao cho dì hay cậu chăm sóc. Nói cách khác, chúng được đặt dưới sự trông nom của một người khác. Điều này cho thấy cách tuyển dân của Đức Chúa Trời được đặt dưới sự coi sóc của luật pháp trước khi đức tin nơi Đấng Christ đến. Luật pháp giữ dân của Đức Chúa Trời dưới sự coi sóc “cho đến khi đức tin phải hiển hiện”; nhóm chữ này được dịch cách tốt hơn như sau: “để chuẩn bị cho đức tin”. Ga-la-ti 3:24 nói rằng “luật pháp đã là giáo sư của chúng ta, để dẫn chúng ta đến Christ”. Thật ra, bản Kinh Thánh King James dịch câu này không thỏa đáng. Theo nguyên bản trong tiếng Hi Lạp, câu này có nghĩa luật pháp là nô lệ để dẫn chúng ta đến giáo sư của chúng ta là Đấng Christ”. Vào thời xa xưa, con cái của những người Do Thái giàu có được một người nô lệ đã được huấn luyện đưa đến gặp giáo sư. Tương tự như vậy, luật pháp phục vụ như một nô lệ để đem chúng ta đến với Đấng Christ. Trước khi được đưa đến với Đấng Christ là giáo sư thì chúng ta ở dưới sự chăm sóc của một nô lệ là luật pháp. Đức Chúa Trời Cha đã dùng luật pháp như một nô lệ để chăm sóc chúng ta và đem chúng ta đến với Đấng Christ. Trước khi Đấng Christ đến, chúng ta được đặt dưới bàn tay của luật pháp, là người canh giữ chúng ta. Luật pháp có trách nhiệm coi sóc và bảo vệ tuyển dân của Đức Chúa Trời, rồi cuối cùng đem họ đến với Đấng Christ. Một khi được đem đến với Đấng Christ, chúng ta được xưng công chính bởi đức tin. Từ khi đức tin đến, tức là từ khi Đấng Christ đến, chúng ta không còn ở dưới sự chăm sóc của người nô lệ ấy nữa.

Bây giờ chúng ta hiểu chuồng chiên nghĩa là gì. Trước khi Đấng Christ đến, Đức Chúa Trời đặt tuyển dân của Ngài dưới sự coi sóc của luật pháp. Luật pháp là chuồng. Chẳng hạn như nếu đến thăm một xứ chăn nuôi gia súc, anh em sẽ thấy chiên không thường ở trong chuồng. Chiên ở ngoài đồng cỏ hầu như suốt năm. Đồng cỏ là nơi ở thường xuyên của chiên, nhưng chuồng là nơi ở tạm thời. Chỉ khi nào đồng cỏ không sẵn sàng, chiên mới bị nhốt trong chuồng. Chuồng được dùng để giữ và bảo vệ chiên tạm thời cho đến khi đồng cỏ sẵn sàng. Điều này minh họa Đấng Christ là đồng cỏ, là nơi ở thường xuyên của con cái Chúa. Nhưng trước khi Đấng Christ đến, Đức Chúa Trời chuẩn bị luật pháp như chuồng chiên để tạm thời giữ và hạn chế tuyển dân của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, khi Chúa đến, tôn giáo của người Do Thái đã dùng luật pháp để hình thành Do Thái giáo. Do Thái giáo đã trở thành chuồng chiên. Trước khi được Chúa chữa lành, người mù là một con chiên bị giam cầm trong Do Thái giáo. Khi bị đuổi ra khỏi nhà hội, thật ra ông đã bị đuổi khỏi Do Thái giáo. Vì vậy, ông bị đuổi khỏi chuồng. Trước đây, ông từng là một con chiên trong chuồng; bây giờ ông bị ném ra khỏi chuồng Do Thái giáo.

2. Chiên Tượng Trưng Cho Tuyển Dân Của Đức Chúa Trời
Chiên là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Trong cõi đời đời quá khứ, Đức Chúa Trời chọn lựa dân Ngài theo sự thấy trước của Ngài. Đến kỳ, trước khi Đấng Christ đến, Đức Chúa Trời đặt tuyển dân của Ngài vào sự coi sóc của luật pháp. Sau khi Đấng Christ đến, Ngài muốn mọi người thuộc về Ngài đều ra khỏi sự coi sóc của luật pháp. Người mù bị ném ra khỏi nhà hội của người Do Thái và đến với Chúa Jesus là một người trong số tuyển dân của Ngài. Ông ở dưới sự coi sóc của luật pháp, nhưng ông được đem ra khỏi đó để đến với chính Chúa.

3. Cửa Tượng Trưng Cho Đấng Christ Để “Đi Vào” Và “Đi Ra”
Nói rằng Đấng Christ là cái cửa có nghĩa là gì? Hầu hết các Cơ Đốc nhân nghĩ rằng cửa dành cho người ta đi vào thiên đàng. Có lẽ một vài người đọc bài này vẫn còn bám lấy quan niệm ấy. Nhưng cửa ở đây không phải để anh em đi lên thiên đàng, vì cửa này làm cho người ta có thể đi vào và đi ra. Nếu cửa này là cửa lên thiên đàng, làm sao người ta đi ra khỏi đó? Cửa này không phải cửa vào thiên đàng.

Chúa là cửa của chuồng chiên. Ban đầu chuồng là luật pháp và Chúa là cửa dẫn đến luật pháp. Chúa không những là cửa dẫn vào luật pháp; Ngài cũng là cửa để người ta ra khỏi luật pháp. Câu 9 chép: “Ta là cái cửa; nếu ai bởi Ta mà vào, thì chắc được cứu, và sẽ vào ra, gặp đồng cỏ”. Đấng Christ là cái cửa; không những để tuyển dân của Đức Chúa Trời vào trong sự coi sóc của luật pháp như Môi-se, Đa-vít, Ê-sai, Giê-rê-mi v.v... đã làm trong thời Cựu Ước trước khi Đấng Christ đến; nhưng cũng để tuyển dân của Ngài như Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và Phao-lô ra khỏi chuồng luật pháp sau khi Đấng Christ đến. Cho nên trong câu 9 Chúa cho thấy Ngài là cái cửa không những cho tuyển dân của Đức Chúa Trời bước vào, mà còn để họ bước ra. Những người đi vào luật pháp là những người giống như Môi-se, các tác giả Thi Thiên và các tiên tri. Đấng Christ là cửa cho những người ấy vào trong chuồng luật pháp. Nói cách khác, họ vào trong chuồng qua Đấng Christ và vì Đấng Christ. Nếu chấp nhận quan điểm này khi đọc những gì Môi-se, các tác giả Thi Thiên và các tiên tri viết, chúng ta sẽ nhận thấy họ đã vào trong luật pháp của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Đấng Christ là lối vào luật pháp của họ.

Vào thời Chúa Jesus đến, rất nhiều người vẫn ở trong chuồng. Tuy nhiên, sau khi Jesus đến, Đức Chúa Trời không còn định giữ tuyển dân của Ngài trong chuồng luật pháp nữa. Đức Chúa Trời muốn họ ra khỏi luật pháp, vào trong Đấng Christ. Vì vậy vào thời đó, Đấng Christ không còn là cửa để tuyển dân của Đức Chúa Trời vào trong chuồng; Ngài là cửa để những người vốn ở trong chuồng đi ra. Người mù là người ra khỏi chuồng. Trước đây mọi đầy tớ do Đức Chúa Trời sai đến đều đi vào luật pháp qua Đấng Christ. Nhưng mặc dầu Đấng Christ đã đến, chuồng vẫn đầy những chiên bị nhốt trong đó. Họ phải làm gì? Họ phải ra khỏi chuồng qua Đấng Christ. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời sai nhiều đầy tớ Ngài vào trong chuồng luật pháp qua Đấng Christ. Bây giờ trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời dự định đem dân Ngài ra khỏi luật pháp qua Đấng Christ là cái cửa. Đến đây, tôi tin anh em hiểu chuồng chiên là luật pháp Cựu Ước, mà người Do Thái sử dụng để hình thành tôn giáo Do Thái. Rồi tôn giáo Do Thái đã trở nên cái chuồng để giam hãm tất cả tuyển dân của Chúa. Nhưng Đấng Christ đã đến và đồng cỏ đã sẵn sàng. Vì vậy, chiên không cần bị giam cầm trong sự coi sóc của luật pháp Do Thái. Họ phải được giải thoát khỏi chuồng luật pháp để vui hưởng mọi sự giàu có của đồng cỏ.

Tóm lại, Đấng Christ như cái cửa là lối vào và lối ra của chuồng chiên. Trước hết, các thánh đồ Cựu Ước vào trong chuồng, tức là luật pháp, qua Đấng Christ là cái cửa. Bây giờ các tín đồ Tân Ước phải ra khỏi luật pháp qua Đấng Christ là chính cái cửa ấy. Kế đến, chuồng luật pháp được Đức Chúa Trời dùng như nô lệ giữ và coi sóc con cái của Ngài. Rồi chuồng đã được dùng để đem họ đến với chính Đấng Christ là giáo sư. Sau khi đã được đem đến với giáo sư, họ không cần ở dưới tay của nô lệ nữa. Chuồng luật pháp, đã trở nên Do Thái giáo, giam cầm tất cả tuyển dân của Ngài. Nhưng Đấng Christ là cái cửa qua Ngài các tín đồ Tân Ước có thể ra khỏi Do Thái giáo và vào trong Ngài là đồng cỏ.

Hơn nữa, Chúa cũng là người chăn. Ngài không những là cái cửa của chuồng, nhưng cũng là người chăn. Ngài đến để gọi dân Ngài ra khỏi chuồng, và chiên Ngài có thể nhận ra tiếng Ngài. Ngài là người đầu tiên ra khỏi chuồng, tức là luật pháp. Bây giờ Ngài đi trước chiên Ngài, tất cả đều sẽ theo Ngài. Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã ra khỏi Do Thái giáo. Ngay cả Phao-lô cũng ra khỏi Do Thái giáo. Tất cả người Do Thái tin vào Chúa Jesus đều theo Ngài ra khỏi chuồng của Do Thái giáo.

Người mù là người ra khỏi Do Thái giáo. Ông bị đuổi ra khỏi nhà hội của Do Thái giáo. Ông bị đuổi ra khỏi chuồng ấy vì Jesus sống động. Vì vậy, Chúa bắt lấy cơ hội mà nói lên ví dụ này. Chúa cho người Do Thái biết rằng tôn giáo của họ chỉ là chuồng mà thôi. Ngài bày tỏ rằng bây giờ đồng cỏ đã sẵn sàng và chiên không cần phải ở lại trong chuồng. Bây giờ là thời điểm chiên ra khỏi chuồng và vui hưởng sự phong phú của đồng cỏ. Người mà dân Do Thái đuổi ra khỏi nhà hội mình đã trở nên người vui hưởng Chúa là đồng cỏ.

Trước hết Chúa là cái cửa, kế đến Ngài là người chăn, và cuối cùng Ngài là đồng cỏ. Người chăn đem tất cả chiên ra khỏi chuồng qua chính Ngài là cái cửa và đem họ đến với chính Ngài là đồng cỏ. Ngài là người chăn đem chiên ra khỏi chuồng; Ngài là cái cửa qua đó chiên được đem ra; và Ngài là đồng cỏ mà chiên được đem đến đó. Ngài chỉ đem chiên ra khỏi Do Thái giáo qua chính Ngài, vào trong chính Ngài, và vì chính Ngài. Ngài là mọi sự – lối ra, người chăn và đồng cỏ.

4. Đồng Cỏ Tượng Trưng Cho Đấng Christ Là Nơi Nuôi Dưỡng Chiên
Bên ngoài chuồng là đồng cỏ xanh tươi. Đồng cỏ ở đây tượng trưng cho Đấng Christ là nơi nuôi dưỡng chiên. Khi đồng cỏ không sẵn sàng vào mùa đông hay ban đêm, chiên phải bị nhốt trong chuồng. Khi đồng cỏ sẵn sàng, chiên không cần ở trong chuồng. Được giữ trong chuồng là tình trạng chuyển tiếp và tạm thời. Ở trong đồng cỏ để vui hưởng sự phong phú của đồng cỏ là điều sau cùng và lâu bền. Trước khi Đấng Christ đến, luật pháp là chuồng và ở dưới luật pháp là tình trạng chuyển tiếp. Bây giờ vì Đấng Christ đã đến, mọi tuyển dân của Đức Chúa Trời phải ra khỏi luật pháp và đến với Ngài để vui hưởng Ngài là đồng cỏ của họ (Ga. 3:23-25; 4:3-5). Đó là điều cuối cùng và lâu dài. Bây giờ là mùa xuân, đúng thời điểm để chiên ra đồng ăn cỏ xanh. Các môn đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng cũng là những người ở trong chuồng, nhưng họ ra khỏi đó để ăn Đấng Christ là đồng cỏ. Khi ở trong tôn giáo cũ kỹ, họ suýt chết đói trong chuồng. Không có cửa, nghĩa là không có sự tự do, và không có đồng cỏ, nghĩa là không có sự nuôi dưỡng. Một ngày kia, họ gặp Đấng Christ, là Đấng sống, là người chăn, và Ngài nói: “Hãy đến theo Ta”. Họ theo Ngài ra khỏi chuồng và vào trong đồng cỏ.

Nếu anh em theo Chúa là người chăn của mình, điều đó sẽ gây nên một cơn bão tố đẩy anh em ra khỏi chuồng. Anh em không cần phấn đấu hay sử dụng năng lực để theo Chúa Jesus ra khỏi chuồng, vì hễ anh em theo Ngài, thì tôn giáo cũ kỹ sẽ buộc anh em đi ra. Họ sẽ đuổi anh em ra. Anh em càng theo Jesus sống động này, tôn giáo càng bắt buộc anh em ra khỏi. Tôn giáo không thể chịu được Jesus, và Jesus sẽ không bao giờ ở lại trong tôn giáo. Hai điều này tuyệt đối khác nhau, không thể nào dung hòa. Jesus là sự sống, và tôn giáo là điều gì đó không phải sự sống. Jesus sống động không thể chịu nổi tôn giáo. Ngợi khen Chúa vì tất cả chúng ta đều ở ngoài tôn giáo và đang được nuôi dưỡng trên đồng cỏ xanh! Đồng cỏ chắc chắn không ở trong chuồng, mà ở ngoài chuồng. Nếu định vui hưởng đồng cỏ, anh em phải ra khỏi chuồng. Một khi ra khỏi chuồng, anh em sẽ thấy mình ở trong đồng cỏ. Ha-lê-lu-gia!

Chúng ta cần nói đôi lời về những người canh cửa, và trộm cướp. Người canh cửa là Thánh Linh, và trộm cướp là những người giả mạo làm các tiên tri. Những người không vào trong chuồng bằng cửa, mà trèo vào từ lối khác là các tiên tri sống sau thời các tiên tri Cựu Ước và trước thời Giăng Báp-tít. Trong giai đoạn ấy nhiều người đã tự mình mà đến trong luật pháp chứ không qua Đấng Christ. Họ giả bộ làm các tiên tri từ Đức Chúa Trời sai đến. Nhưng tất cả các tiên tri đúng đắn trong Cựu Ước đều đến qua Đấng Christ và vì Đấng Christ. Nói cách khác họ đã vào trong luật pháp qua cái cửa. Sau những tiên tri Cựu Ước này, nhiều người đến trong luật pháp không qua Đấng Christ, không vì Đấng Christ, nhưng bởi họ và vì họ. Họ là những tay trộm cướp phá hoại và làm hư hỏng dân của Đức Chúa Trời. Có một giai đoạn bốn trăm năm giữa các tiên tri Cựu Ước và Giăng Báp-tít. Suốt gần bốn trăm năm ấy, những tay trộm cướp đã phá hoại tuyển dân của Đức Chúa Trời. Do đó Chúa nói kẻ trộm đã đến để lấy trộm, giết hại và hủy diệt, nhưng Ngài đã đến để chiên có sự sống và có sự sống dư dật (10:10). Điều này có nghĩa là Chúa đến để truyền chính Ngài như sự sống cho chiên vì Ngài là đồng cỏ. Hễ chiên ở lại trong đồng cỏ, họ sẽ được cung ứng sự sống dư dật. Bằng cách ăn uống nơi đồng cỏ, chiên sẽ vui hưởng đồng cỏ như nguồn cung ứng sự sống dư dật của mình, vì Chúa là sự sống dư dật của họ. Họ sẽ vui hưởng Chúa và kinh nghiệm Ngài là sự sống càng dư dật của mình.

Làm thế nào Chúa thực hiện việc Ngài là đồng cỏ sự sống cho chiên? Bằng cách Ngài nhận biết rằng muốn chiên có thể ăn được đồng cỏ, thì đồng cỏ phải trải qua tiến trình sự chết. Mọi cỏ sống động mà chiên ăn được đều phải trải qua tiến trình sự chết. Vì vậy, như chúng ta sẽ thấy, Chúa nói rằng Ngài phải bỏ mạng sống vì chiên mình. Trước hết Ngài phải chết để cung ứng chính Ngài là sự sống cho chiên.

B. Người Chăn, Sự Sống Thần Thượng, Và Sự Sống Thuộc Hồn Cho Bầy
1. Đấng Christ Là Người Chăn
Chúng ta đã thấy Đấng Christ là người chăn gọi dân Ngài ra khỏi chuồng. Ngài đi trước chiên, và chiên Ngài theo sau Ngài. Là người chăn, Ngài đem chiên ra khỏi chuồng qua chính Ngài là cái cửa và đến với chính Ngài là đồng cỏ.

2. Đấng Christ Phó Sự Sống Thuộc Hồn Của Ngài Để Chiên Có Được Sự Sống Thần Thượng
Trong câu 10 Chúa nói: “Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống và được càng dư dật”, và trong câu 11 Ngài nói: “Ta là người chăn tốt. Người chăn tốt vì chiên mình mà bỏ mạng sống mình”. Trong hai câu này hai từ ngữ Hi Lạp khác nhau được dùng để chỉ về sự sống. Trong câu 10, từ ngữ Hi Lạp là zoe, là chữ được dùng trong Tân Ước để chỉ về sự sống thần thượng, đời đời. Trong câu 11, từ ngữ Hi Lạp là psuche, cùng một chữ với hồn, có nghĩa là sự sống thuộc hồn, tức sự sống của con người. Hai câu này cho thấy Chúa Jesus có hai loại sự sống. Là một con người, Chúa có sự sống thuộc hồn, tức sự sống của con người, và là Đức Chúa Trời, Ngài có sự sống zoe, tức sự sống thần thượng. Ngài phó chính Ngài, tức sự sống psuche, sự sống con người, để hoàn thành sự cứu chuộc cho chiên Ngài (10:15, 17-18) hầu cho họ được dự phần sự sống zoe của Ngài, là sự sống thần thượng của Ngài (10:10), tức sự sống đời đời (10:28). Nhờ đó họ được tạo thành một bầy dưới chính Ngài là người chăn duy nhất. Là người chăn tốt, Ngài nuôi dưỡng chiên Ngài bằng sự sống thần thượng theo cách ấy và vì mục đích ấy.

Sự sống thần thượng của Chúa không bao giờ bị giết chết. Sự sống bị giết chết trong sự đóng đinh của Ngài trên thập tự giá là sự sống con người của Ngài. Để làm Đấng Cứu Rỗi chúng ta, như một con người, Ngài đã phó sự sống con người của mình để hoàn thành sự cứu chuộc cho chúng ta hầu chúng ta có thể nhận được sự sống zoe của Ngài. Ngài phó sự sống con người của mình vì chúng ta để sau khi được cứu chuộc, chúng ta nhận được sự sống zoe của Ngài, là sự sống đời đời.

3. Được Tạo Thành Một Bầy Bởi Sự Sống Dưới Một Người Chăn
Người chăn, sự sống thần thượng và sự sống con người đều vì bầy. Trong câu 16 Chúa nói: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; Ta cũng cần phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng Ta, rồi chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”. Ai là chiên không thuộc về chuồng của người Do Thái? Đó là người Ngoại Bang. “Một bầy” là gì? Một bầy chỉ về một Hội thánh, một thân thể của Đấng Christ (Êph. 2:14-16; 4:6), do sự sống đem đến, mà sự sống ấy Chúa sẽ truyền vào trong các chi thể của Ngài qua sự chết Ngài (Gi. 10:10-18). Trước đây, chuồng là Do Thái giáo; bây giờ bầy là Hội thánh. Chuồng đã là và bây giờ vẫn là Do Thái giáo, nhưng bầy là Hội thánh. Bầy là Hội thánh gồm hai loại người – người Do Thái và người Ngoại Bang tin Chúa. Chúa đem cả hai vào một bầy, dưới sự coi sóc của một người chăn. Bây giờ một bầy và một người chăn là một Thân thể và một Đầu.

Vì sao người chăn, sự sống thần thượng và sự sống con người đều vì bầy? Vì những người trong bầy là những người sa ngã cần được cứu chuộc. Là một con người, người chăn có sự sống con người. Ngài hi sinh sự sống con người này để hoàn thành sự cứu chuộc cho bầy của Ngài. Nhờ đó bầy được cứu chuộc. Rồi bầy nhận lãnh sự sống thần thượng của Ngài mà bởi sự sống thần thượng ấy, chiên sống với nhau như bầy. Do đó, bầy hình thành như một đơn vị, một thực thể. Điều đó không được làm nên bởi sự sống con người, nhưng bởi sự sống thần thượng.

Trong sự sống con người, chúng ta bị định tội và chia rẽ; trong sự sống thần thượng chúng ta được chấp nhận và liên kết. Trong sự sống thần thượng tất cả chúng ta là một thực thể, nghĩa là chúng ta là một bầy, dưới một người chăn trong một sự sống. Nếu sống bởi sự sống con người mà không bởi sự sống thần thượng, chúng ta chỉ gây rối mà thôi. Hơn nữa, chúng ta sẽ trở nên những con người xa lạ và đi lạc khỏi bầy. Bất cứ khi nào sống bởi sự sống con người của mình, thì anh em không còn là một con chiên, mà là một người lạ. Chiên là một người được tái sinh bằng sự sống thần thượng. Tất cả chúng ta phải sống bởi sự sống thần thượng và do đó trở nên chân chính, chân thật và thuần khiết. Khi ấy tất cả chúng ta đều sẽ ở trong một bầy. Hễ khi nào sống bởi sự sống con người, chúng ta sẽ giống dã thú, có lẽ như sư tử gầm thét hay là con ngựa hoang. Nếu chúng ta không sống bởi sự sống thần thượng thì không thể có bầy. Bầy được sinh ra, giữ gìn, duy trì và thành hình bởi sự sống thần thượng. Anh em ở trong sự hiệp một thật tốt đẹp biết bao (Thi. 133:1). Tuy nhiên, ở trong sự hiệp một chỉ có nghĩa là ở trong sự sống thần thượng. Ngợi khen Chúa vì trong sự sống thần thượng chúng ta thật là một và yêu thương nhau. Điều đó không thể có được trong sự sống con người, sự sống psuche, nhưng chỉ trong sự sống thần thượng, sự sống zoe mà thôi. Chúng ta nhận được sự sống zoe này qua sự cứu chuộc được người chăn của chúng ta hoàn thành, là Đấng đã bỏ sự sống psuche của Ngài. Ngài hi sinh sự sống psuche để hoàn thành sự cứu chuộc cho tất cả chúng ta hầu chúng ta có thể nhận lãnh Ngài làm sự sống zoe của mình. Bây giờ chúng ta ở trong sự sống zoe với một người chăn để làm một bầy. Đó không phải là một tổ chức, mà là sự họp bầy trong sự sống. Điều này thật kỳ diệu. Ha-lê-lu-gia! Bầy không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề sự sống.

C. Sự Sống Đời Đời, Bàn Tay Con, Và Bàn Tay Cha Vì
Sự An Ninh Của Chiên
Trong Giăng 10:28-29 Chúa nói: “Ta ban cho nó sự sống đời đời, nó hẳn chẳng hư mất bao giờ, chẳng ai giựt nó khỏi tay Ta, Cha Ta, là Đấng đã ban nó cho Ta, vốn lớn hơn hết, chẳng ai có thể giựt nó khỏi tay Cha Ta”. Sự sống đời đời là vì đời sống của người tin. Cả tay Con, là bàn tay quyền năng, lẫn tay Cha, là bàn tay yêu thương, đều để bảo vệ các tín đồ. Sự sống đời đời sẽ không bao giờ vơi cạn, và tay Con cùng với tay Cha không bao giờ thất bại. Cho nên tín đồ được an ninh đời đời và không bao giờ bị diệt vong.

Khi tôi mới công tác tại đất nước này, nhiều thánh đồ thân mến hỏi tôi xem tôi có tin sự an ninh đời đời không. Tôi luôn luôn trả lời: “Tại sao không?” Sau một thời gian, mọi người đều biết tôi thật tin vào sự an ninh kỳ diệu, đời đời. Hễ chúng ta có sự sống đời đời, chúng ta có sự an ninh đời đời. Còn gì an toàn hơn sự sống đời đời? Tôi có bảo hiểm thật trong linh mình. Không những tôi có sự sống đời đời, mà tôi còn có hai tay – là tay quyền năng của Con và tay yêu thương của Cha. Hai bàn tay này ôm lấy tôi, và Sa-tan không thể giựt lấy tôi được. Tôi được an ninh đời đời bởi sự sống thần thượng và bởi hai bàn tay thần thượng. Ngợi khen Chúa! Hai tay này luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng, không ai có thể bắt cóc chúng ta. Vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ bị diệt vong. Chúng ta có một bản thể thần thượng và sự bảo vệ toàn năng. Do đó, chúng ta là chiên được an toàn đời đời. Đừng tranh luận giáo lý về sự an ninh đời đời. Chúng ta hãy vui hưởng sự thật này. Anh em có sự an ninh đời đời không? Tôi không hỏi anh em có tin sự an ninh đời đời không, mà là anh em có điều đó không. Dầu chúng ta có tin giáo lý về sự an ninh đời đời hay không, chúng ta vẫn được an ninh đời đời.

D. Sự Bắt Bớ Của Tôn Giáo
Trong câu 30 Chúa nói: “Ta với Cha là một”. Ở đây Chúa khẳng định thần tính của Ngài, rằng Ngài là Đức Chúa Trời (10:33; 5:18; 1:1; 20:28; 1 Gi. 5:20; Phil. 2:6). Người Do Thái lấy đá để ném Ngài, họ nói: “Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu, nhưng vì lộng ngôn, và vì ngươi, vốn là người, mà lại tự tôn là Đức Chúa Trời” (10:33). Người Do Thái bắt bớ Đấng Christ vì Ngài “lộng ngôn”. Ngày nay cũng vậy. Tôn giáo cho là chúng ta rao giảng tà thuyết. Họ gắng sức bảo vệ “niềm tin” của mình. Thật ra họ không có niềm tin. Họ có sự vô tín và họ bảo vệ sự hư không. Vì vậy họ bắt bớ Chúa Jesus.

E. Sự Sống Từ Bỏ Tôn Giáo Và Chỗ Đứng Mới Của Sự Sống
Trong 10:40-42 chúng ta thấy sự sống từ bỏ tôn giáo và chỗ đứng mới của sự sống. Đấng Christ từ bỏ Do Thái giáo và đi đến nơi Giăng Báp-tít rao giảng phúc âm của Tân Ước. Điều này đầy ý nghĩa. Chúa từ bỏ Do Thái giáo và đứng ở một vị trí mới cho Tân Ước. Ngày nay chúng ta đang ở chỗ đứng mới ấy. Chúng ta đang theo người chăn, chúng ta đang ở trong đồng cỏ, và chúng ta có một chỗ đứng mới.

Cuối cùng giờ đã đến, Chúa từ bỏ Do Thái giáo. Mặc dầu những nhà tôn giáo tìm cách bắt Ngài lại, nhưng Ngài thoát khỏi tay họ (10:39). Ngài đi qua Giô-đanh, đến nơi Giăng Báp-tít trước đây đã làm báp-têm cho mình. Những người Do Thái tôn giáo đã dùng luật pháp để hình thành Do Thái giáo, là tôn giáo giam cầm tuyển dân của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Giăng Báp-tít hoàn toàn tách rời khỏi Do Thái giáo vì ông sống trong đồng vắng, ở bên ngoài Giê-ru-sa-lem, bên kia sông Giô-đanh. Giăng Báp-tít sống trong đồng vắng, luôn luôn giới thiệu chính Đấng Christ cho người ta. Giăng Báp-tít giới thiệu Đấng Christ vì thời đại chuồng chiên đã qua và một thời đại mới đã bắt đầu. Tất cả tuyển dân của Đức Chúa Trời phải từ bỏ chuồng và đến với Ngài. Lời chứng của Giăng Báp-tít đơn giản là thúc giục người ta ra khỏi chuồng và đi vào đồng cỏ.

Sau khi Giăng Báp-tít tuyên bố về Đấng Christ, Chúa vào chuồng để đem chiên ra khỏi đó. Dĩ nhiên Ngài không ăn cắp chiên. Ngài vào trong Do Thái giáo để chiên nghe tiếng Ngài và ra khỏi chuồng. Bằng cách ra khỏi chuồng và đi trước chiên, Ngài dắt chiên ra khỏi chuồng. Sau khi ra khỏi Do Thái giáo, Chúa đến chính nơi Giăng Báp-tít đã làm chứng về Ngài. Ngài đi đến đồng vắng bên kia sông Giô-đanh là một dấu hiệu của sự việc Ngài ra khỏi Do Thái giáo và đi đến một nơi bên ngoài Do Thái giáo.

Cuối cùng, chương này nói rằng nhiều người đến với Ngài và tin Ngài (10:41-42). Anh em có biết ý nghĩa điều này là gì không? Điều này chỉ có nghĩa là nhiều người đi theo Ngài như chiên đi theo người chăn. Ngài là người chăn đi vào chuồng để dẫn chiên ra. Khi đã ra khỏi chuồng, tất cả chiên đều theo Ngài đến nơi có chứng cớ từ bỏ Cựu Ước và nhận biết Tân Ước. Chứng cớ của Cựu Ước là chuồng chiên, nhưng chứng cớ của Tân Ước là Đấng Christ như đồng cỏ. Anh em có phải là chiên không? Anh em có muốn ở lại trong chuồng khi đồng cỏ đã sẵn sàng không? Anh em vẫn thích bị hạn chế và nhốt dưới sự giam hãm của luật pháp trong chuồng sao? Hay anh em sẽ ra khỏi chuồng và đi vào đồng cỏ để vui hưởng sự giàu có của Đấng Christ? Ngày nay Chúa Jesus không còn ở trong Do Thái giáo. Người Chăn Tốt không còn ở trong chuồng. Ngài đang ở tại nơi mà chứng cớ của Tân Ước được thiết lập. Ngài đã bỏ chuồng và đang ở tại nơi mà Ngài là đồng cỏ. Vì vậy anh em cũng phải bỏ chuồng và đến với Ngài. Điều này có nghĩa là anh em phải từ bỏ “Do Thái giáo” và đến để nhận Đấng Christ làm mọi sự của mình. Ngài là mọi sự cho anh em. Hãy nhìn những con chiên. Đồng cỏ là mọi sự đối với chúng. Chiên vui hưởng đồng cỏ như nơi an nghỉ, thức ăn, nước uống, nguồn cung ứng sự sống và là mọi sự khác. Anh em cũng phải ra khỏi chuồng và đi vào đồng cỏ – tức là anh em phải ra khỏi “Do Thái giáo” và đến với một mình Đấng Christ. Anh em phải ra khỏi “luật pháp” và đến nơi mà tại đó Đấng Christ được vui hưởng. Hiện giờ Đấng Christ ở đâu? Ngài ở bên ngoài mọi nhóm có tính chất “Do Thái giáo” và ở nơi Giăng Báp-tít làm chứng về Ngài.

Đến đây anh em biết ý nghĩa đúng đắn của chương này, là phần kết luận về trường hợp người mù được chữa lành. Trước khi Đấng Christ đến, tất cả tuyển dân của Đức Chúa Trời đều ở trong chuồng. Bây giờ vì Đấng Christ đã đến, thời kỳ của chuồng chiên đã qua.

Anh em phải lìa khỏi chuồng để đến với Đấng Christ. Bây giờ là thời điểm anh em lấy Đấng Christ làm đồng cỏ của mình và vui hưởng Ngài là mọi sự của anh em. Anh em phải sống trong Ngài và nhận Ngài làm mọi sự của mình.

Xin anh em xem bức tranh này. Hãy nhìn những con chiên và đồng cỏ xem đồng cỏ có ý nghĩa như thế nào đối với chiên. Nếu thật sự là chiên, anh em sẽ nói với mọi người rằng anh em ước ao ra khỏi chuồng biết bao, vì trong chuồng anh em bị giam hãm và giới hạn quá nhiều. Anh em không được tự do gì cả vì bị một người canh gác trông coi. Bây giờ anh em biết nơi đâu có đồng cỏ, sự tự do, và nguồn cung ứng sự sống.

Đấng Christ là đồng cỏ bao-hàm-tất-cả. Chuồng là luật pháp và Do Thái giáo. Đấng Christ, tức chính là lối ra của chuồng, là người chăn dắt anh em ra khỏi chuồng và đem anh em đến với chính Ngài, là Đấng có thể làm mọi sự của anh em. Bây giờ Ngài là đồng cỏ của anh em.

Xin cho phép tôi lặp lại lần nữa. Bây giờ Đấng Christ ở đâu? Ngài không ở trong Do Thái giáo, nhưng ở chính nơi mà Tân Ước được làm chứng. Đấng Christ ở tại nơi Giăng Báp-tít làm chứng về Ngài. Điều này đầy ý nghĩa vì bây giờ Chúa ở ngoài chuồng và đang đứng trong vị trí mới là nơi Ngài là mọi sự đối với tuyển dân của Đức Chúa Trời. Vì vậy, anh em phải ra khỏi chuồng cũ, đi vào đồng cỏ mới là nơi chính Đấng Christ là mọi sự cho anh em.
-