Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 15


NHU CẦU CỦA NGƯỜI ĐÓI – SỰ SỐNG NUÔI DƯỠNG (1)

Phúc Âm Giăng là một sách đầy hình ảnh, nói về sự sống thần thượng và các chức năng của sự sống thần thượng. Cả sự sống thần thượng và các chức năng của sự sống ấy đều là những điều thuộc linh. Vì rất khó mô tả những điều ấy bằng ngôn ngữ loài người, sứ đồ Giăng đã nhận được sự khôn ngoan từ nơi Chúa để viết Phúc Âm của mình, không những bằng từ ngữ suông, nhưng bằng nhiều nhân vật nữa. Từ ngữ suông không đầy đủ, cho nên Giăng cũng dùng các nhân vật và hình ảnh. Theo một ý nghĩa, mỗi trường hợp là một bức tranh. Trong chương năm, chúng ta thấy bức tranh linh động về một người bất năng được trở nên sống động. Trong chương sáu chúng ta có một bức tranh khác bày tỏ nhu cầu của người đói và khả năng nuôi dưỡng của sự sống.


I. THẾ GIỚI ĐÓI KHÁT VÀ ĐẤNG CHRIST NUÔI DƯỠNG
Các câu từ 1 đến 15 của Giăng chương 6 bày tỏ thế giới đói khát và Đấng Christ nuôi dưỡng.

A. Sự Tương Phản So Với Trường Hợp Được Mô Tả Trước Trong Chương Năm
Trường hợp nơi chương sáu trình bày một quang cảnh nói lên chúng ta đang ở đâu trong tình trạng của mình. Có sự tương phản giữa quang cảnh trong chương năm với quang cảnh trong chương sáu. Quang cảnh trong chương năm xảy ra trong thành thánh, nhưng quang cảnh trong chương sáu thì ở đồng vắng. Ao nước là quang cảnh trong trường hợp trước, trong khi biển là quang cảnh trong trường hợp này. Những người trong trường hợp trước liên hệ đến ao nước, còn những người trong trường hợp này thì liên quan đến biển. Ao nước liên hệ đến sự chữa lành của tôn giáo, trong khi biển liên hệ đến cuộc sống của con người. Con người trong trường hợp thứ tư rất yếu đuối, cần được chữa lành và làm cho sống động, nhưng con người trong trường hợp thứ năm thì đói, họ cần thức ăn và sự thỏa mãn. Ao nước có tính cách thiêng liêng, thuộc về Do Thái giáo; còn biển thì phàm tục, thuộc về xã hội loài người. Con người ở bên ao nước thì bất năng, cần sự sống làm cho sống động và đang chờ đợi sự chữa lành. Con người trong trường hợp này thì đói, cần sự sống cho ăn, và đang tìm sự nuôi dưỡng.

B. Biển Tượng Trưng Cho Thế Giới Bị Sa-tan Làm Bại Hoại
Theo biểu tượng học, đất tượng trưng cho trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng để con người sống trên đó, và biển tượng trưng cho thế giớibị Sa-tan làm bại hoại trong đó nhân loại sa ngã đang sống. Biển đại diện cho thế giớithuộc về Sa-tan có tổ chức và có hệ thống là nơi nhân loại bị chiếm hữu và bủa vây. Trong thế gian, nhân loại đang đói và không được thỏa mãn. Trong thế gian, nhân loại bối rối và không có sự bình an. Quang cảnh trong chương này cho thấy trọn cuộc sống của nhân loại trong thế giớibị Sa-tan làm cho bại hoại. Họ không sống trên đất do Đức Chúa Trời tạo dựng. Trong thế gian, nhân loại bị Sa-tan làm bại hoại không có sự thỏa mãn thật, mà luôn luôn đói. Cũng chẳng có sự bình an vì luôn luôn có sóng gió trên biển, gây rối cho con người.

C. Núi Tượng Trưng Cho Vị Trí Vượt Trỗi
Theo biểu tượng học, núi tượng trưng cho vị trí vượt trỗi. Môi-se được đem lên núi để nhận khải thị của Đức Chúa Trời (Xuất. 24:12). Chúa Jesus lên đỉnh núi khi Ngài được biến hóa (Mat. 17:1-2). Sứ đồ Giăng cũng được đem lên đỉnh núi khi ông nhìn thấy khải tượng đời đời về Giê-ru-sa-lem Mới (Khải. 21:10). Vì thế, trong bức tranh này biển ở bình diện thấp, và núi ở một vị trí cao. Biển tượng trưng cho thế giớibị Sa-tan làm cho bại hoại, và núi tượng trưng cho vị trí cao cả, vượt trỗi, tức nơi Đấng Christ cư trú và là nơi chúng ta phải ở với Ngài. Chúa không nuôi dân chúng bên biển. Ngài dẫn đám đông lên đỉnh núi. Nếu muốn được Đấng Christ nuôi dưỡng và được thỏa mãn với Ngài, anh em phải đi với Ngài lên một nơi cao. Được thỏa mãn với Đấng Christ tùy thuộc vào việc chúng ta được dẫn đến Đấng Christ và nuôi dưỡng bằng chính Ngài trên núi. Núi ở trên thế giớibị Sa-tan làm bại hoại và trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng. Biển hay trái đất đều không phải là nơi thích hợp để chúng ta ăn uống Đấng Christ. Nếu muốn ăn uống Ngài, chúng ta phải vượt lên trên thế giớibị Sa-tan làm bại hoại và trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng. Nếu muốn vui hưởng sự nuôi dưỡng của Ngài, chúng ta phải ở trên núi với Ngài.

D. Lễ Vượt Qua Tượng Trưng Cho Đấng Christ Là Chiên Con Cứu Chuộc Của Đức Chúa Trời
Lễ Vượt qua trong câu 4 tượng trưng cho Đấng Christ là Chiên Con cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã đổ huyết Ngài để cứu chuộc chúng ta và ban thịt Ngài để nuôi dưỡng chúng ta (1 Cô. 5:7). Trong lễ Vượt qua, người ta giết chiên con cứu chuộc, bôi huyết và ăn thịt chiên con ấy (Xuất. 12:3-11). Điều này tượng trưng cho Đấng Christ là Chiên Con cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã bị giết để chúng ta ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài, qua đó nhận lấy Ngài làm nguồn cung ứng sự sống để nhờ đó chúng ta sống.

Trong Sáng Thế Ký 2:9, Đấng Christ được tượng trưng bằng cây sự sống. Cây sự sống thuộc về sự sống thực vật, tốt cho việc sản xuất và sản sinh, nhưng không có huyết cứu chuộc. Vào thời điểm của Sáng Thế Ký chương 2, con người chưa dính dấp đến tội và do đó không cần cứu chuộc. Tuy nhiên, trong Sáng Thế Ký chương 3, con người đã sa ngã. Ngay sau khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã đến giải quyết sự sa ngã ấy bằng cách giết những chiên con là sinh tế để cứu chuộc A-đam, Ê-va và làm những cái áo bằng da che phủ sự trần truồng của họ (Sáng. 3:21). Như vậy, vì sự sống thực vật tự nó không còn đủ cho loài người sa ngã, nên cần có sự sống động vật. Chúng ta cần sự sống không những để nuôi dưỡng, mà còn để cứu chuộc. Vì thế, trong chương sáu của sách Giăng, trước hết, chúng ta có ổ bánh lúa mạch thuộc về sự sống thực vật và có thể dùng để nuôi dưỡng. Như chúng ta sẽ thấy, vì con người đã sa ngã và cần sự cứu chuộc cũng như sự nuôi dưỡng, Chúa Jesus đổi bánh thành thịt (6:51b). Bánh được làm bằng lúa mạch, trong khi thịt chứa đựng huyết. Bánh lúa mạch thuộc về sự sống thực vật, nhưng thịt với huyết thuộc sự sống động vật. Cuối cùng, trong Giăng chương 6, Đấng Christ được bày tỏ không những là cây sự sống như được tượng trưng bởi bánh, mà còn là Chiên Con của Đức Chúa Trời như được tượng trưng bởi thịt và huyết. Trong Chiên Con của Đức Chúa Trời có hai yếu tố: huyết để cứu chuộc và thịt để nuôi dưỡng. Vào lễ Vượt qua, người ta bôi huyết và ăn thịt. Ngày nay chúng ta cũng vậy. Chúng ta tiếp nhận Đấng Christ theo cách cứu chuộc cũng như theo cách nuôi dưỡng. Ngài vừa là sự sống thực vật và sự sống động vật, vừa là sự sống nuôi dưỡng và sự sống cứu chuộc.

E. Năm Ổ Bánh Lúa Mạch Tượng Trưng Cho Phương Diện Làm Nảy Sinh Của Sự Sống Đấng Christ
Các ổ bánh ở đây thuộc về sự sống thực vật, tượng trưng cho phương diện làm nảy sinh của sự sống Đấng Christ. Là sự sống làm nảy sinh, Đấng Christ được trồng và lớn lên trên đất, tức trái đất Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Để tái sinh chúng ta, Ngài đã được trồng và lớn lên trên trái đất mà Đức Chúa Trời tạo dựng vì mục đích tái sản sinh.

1. Lúa Mạch Tượng Trưng Cho Đấng Christ Phục Sinh
Lúa mạch tượng trưng cho Đấng Christ phục sinh. Theo Lời Thánh, lúa mạch tượng trưng cho trái đầu mùa của sự phục sinh. Chúa bảo dân Ngài trong Lê-vi Ký chương 23 dâng hoa quả đầu mùa của họ hằng năm. Tại đất Pa-lét-tin, lúa mạch chín sớm hơn bất cứ mùa màng nào khác và được thâu hoạch sớm nhất. Như vậy, lúa mạch tượng trưng cho Đấng Christ phục sinh (Lê. 23:10), là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta. Là trái đầu mùa, Ngài có thể trở nên bánh sự sống của chúng ta. Như thế, những ổ bánh lúa mạch tượng trưng cho Đấng Christ trong sự phục sinh làm thức ăn cho chúng ta. Đấng Christ nuôi dưỡng là Đấng Christ phục sinh.

Có lẽ một người nào đó sẽ hỏi làm thế nào Đấng Christ có thể phục sinh trong Giăng chương 6 trong khi Ngài chưa bị đóng đinh. Thậm chí trước khi bị đóng đinh, Đấng Christ là sự phục sinh. Trong Giăng 11:25, Ngài nói: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Ngài không nói: “Ta sẽ là sự phục sinh”, vì Ngài đã là sự phục sinh rồi. Khi Chúa bảo Ma-thê rằng anh của cô sẽ sống lại, do sự giải thích Kinh Thánh kém cỏi của mình, Ma-thê hoãn sự phục sinh lại đến hai ngàn năm sau trong thời đại sắp đến. Khi cô đáp như vậy, dường như Chúa nói: “Hiện nay Ta là sự phục sinh. Đối với Ta là Đấng đời đời thì không có yếu tố thời gian. Quá khứ, hiện tại, tương lai đối với Ta đều như nhau”. Đời đời có nghĩa là không có yếu tố thời gian. Trước và sau sự đóng đinh của Ngài, Ngài là Đấng Christ phục sinh. Đó là Đấng Christ phục sinh để có thể làm sự sống cho chúng ta và là bánh nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta đang ăn Đấng Christ phục sinh này.

2. Số Năm Tượng Trưng Cho Trách Nhiệm
Số năm tượng trưng cho trách nhiệm, trách nhiệm của Đấng Christ trong việc nuôi dưỡng chúng ta. Số năm là bốn cộng một. Số bốn tượng trưng cho các tạo vật (Khải. 4:6), và số một tượng trưng cho Đấng Tạo hóa (1 Cô. 8:6). Đấng Tạo hóa và các tạo vật cộng lại với nhau để gánh trách nhiệm. Số năm không phải là ba cộng hai, mà là bốn cộng một. Hãy nhìn bàn tay của anh em. Bàn tay gồm bốn ngón và một ngón cái. Nếu chỉ có ba ngón và hai ngón cái thì bàn tay sẽ rất vụng về. Bốn ngón với một ngón cái có thể giúp bàn tay làm được nhiều việc. Năm ổ bánh lúa mạch tượng trưng cho Chúa là Đấng Tạo Hóa (số một) cộng với các tạo vật (số bốn) để mang trách nhiệm nuôi dưỡng chúng ta. Trong nhân tính của Ngài, Đấng Christ phục sinh gánh lấy trách nhiệm này.

F. Hai Con Cá Tượng Trưng Cho Phương Diện Cứu Chuộc Của Sự Sống Đấng Christ
Hai con cá thì thuộc về sự sống động vật, tượng trưng cho phương diện cứu chuộc của sự sống Đấng Christ. Là sự sống cứu chuộc, Ngài sống dưới biển, là thế giớibị Sa-tan làm bại hoại. Lúa mạch ra từ đất, mà đất tượng trưng cho trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng, trong khi cá thì ra từ biển, mà biển tượng trưng cho thế giớibị Sa-tan làm bại hoại. Chúa Jesus không những đến trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng, Ngài còn đến thế giớibị Sa-tan làm bại hoại. Nếu Ngài chỉ đến trái đất do Đức Chúa Trời tạo dựng, Ngài chỉ được tượng trưng bằng những ổ bánh lúa mạch. Nhưng vì Ngài cũng vào trong thế giớibị Sa-tan làm bại hoại, nên Ngài cũng được tượng trưng bằng hai con cá. Ngài không có gì liên quan đến thế giớibại hoại. Cũng như cá không mặn mặc dầu sống trong nước mặn, thì Chúa cũng không bị bại hoại bởi Sa-tan dầu Ngài sống trong thế giớibị Sa-tan làm bại hoại. Chúa giống như cá có thể sống trong môi trường mặn của biển mà không bị biển làm cho mặn. Để cứu chuộc chúng ta, Ngài đã sống trong thế giớithuộc về Sa-tan và tội lỗi. Dầu vậy, Ngài vẫn vô tội, không bị thế giớitội lỗi ảnh hưởng. Là sự sống làm nảy sinh, Đấng Christ đã sống như một con người đúng đắn trên đất mà Đức Chúa Trời tạo dựng. Là sự sống cứu chuộc, Đấng Christ đã sống trong thế giớibị Sa-tan làm bại hoại mà không hề bị sự bại hoại ấy ảnh hưởng.

Số hai có nghĩa là chứng cớ (Khải. 11:3). Hai con cá là lời chứng rằng Đấng Christ thì đầy đủ để mang trách nhiệm nuôi dưỡng chúng ta.

Chúng ta đã thấy lúa mạch thuộc về sự sống thực vật, tượng trưng cho sự sống làm nảy sinh, và cá thuộc về sự sống động vật, tượng trưng cho sự sống cứu chuộc. Bây giờ chúng ta cần phải hỏi: nếu nhân loại chưa từng sa ngã, thì Đấng Christ là sự sống tái sinh có vẫn cần thiết không? Câu trả lời là có. Trước khi A-đam sa ngã, Đức Chúa Trời đặt ông trước cây sự sống. Cây sự sống không liên quan gì đến tội cả. Vì vậy, con người cần phải nhận Đức Chúa Trời làm sự sống của mình bằng cách ăn cây sự sống ấy. Thậm chí Giăng 12:24 tuyên bố rằng Chúa là hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, sau đó, Ngài sống lại để trở nên nhiều hạt. Điều này cũng không liên quan gì đến tội, vì theo Kinh Thánh, sự sống thực vật là để sản sinh hay làm nảy sinh ra nhiều quả. Một hạt lúa mì sinh ra nhiều hạt khác, nên nó tượng trưng cho sự sống làm nảy sinh.

Như chúng ta đã thấy, trước khi sa ngã, con người chỉ ăn sự sống thực vật (Sáng. 1:29), nhưng sau khi sa ngã, họ cũng ăn sự sống động vật (Sáng. 9:3). Trước sự sa ngã thì không cần đổ huyết. Nhưng sau khi sa ngã, con người cần sự sống động vật vì sự cứu chuộc đòi hỏi phải đổ huyết. Sự sống thực vật là đầy đủ trước khi con người phạm tội, nhưng sau khi phạm tội, sự sống động vật trở nên cần thiết.

Các của lễ trong thời Cựu Ước luôn luôn có cả sự sống thực vật lẫn sự sống động vật. Chẳng hạn như lễ Vượt qua có chiên con bị giết, tượng trưng cho sự sống động vật và bánh không men, tượng trưng cho sự sống thực vật. Hai sự sống khác nhau này là cần thiết để đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Cũng vậy, của lễ dâng thịt trong Lê-vi Ký có của lễ chay đi kèm. Của lễ chay làm bằng bột mì mịn, dầu thực vật, và nhũ hương, là những món thuộc về sự sống thực vật. Trong Lê-vi Ký, các của lễ chay không bao giờ được chấp nhận nếu không có của lễ thịt. Đó là điều Ca-in đã làm. Ông chỉ dâng thực vật cho Đức Chúa Trời và bị khước từ, trong khi em trai ông là A-bên dâng sinh tế là một con vật đổ huyết ra và được Đức Chúa Trời chấp nhận (Sáng. 4:3-5).

Chúng ta cần Chúa Jesus làm sự sống nảy sinh và sự sống cứu chuộc của mình. Bởi sự chết Ngài trên thập tự giá, có hai điều đã ra từ Ngài: huyết để cứu chuộc chúng ta và nước để sinh ra chúng ta (Gi. 19:34). Huyết Ngài đổ ra đã đem sự cứu chuộc đến cho chúng ta và nước từ hông bị thương của Ngài truyền sự sống cho chúng ta. Năm ổ bánh lúa mạch có hai con cá đi kèm. Lúa mạch không thể đổ huyết; vì vậy, không bao giờ có thể cứu chuộc chúng ta. Còn hai con cá đại diện cho sự sống động vật vì mục đích cứu chuộc. Chúa được tượng trưng bằng cả lúa mạch lẫn cá, vì Ngài là sự sống thực vật để sinh ra chúng ta và sự sống động vật để cứu chuộc chúng ta.

G. Cả Bánh Lẫn Cá Tượng Trưng Cho Sự Nhỏ Bé Của Đấng Christ Làm Nguồn Cung Ứng Sự Sống Cho Chúng Ta
Thật thích thú khi nhận thấy năm cái bánh lúa mạch và hai con cá đến từ một cậu bé, không phải từ một người lớn. Điều này thật đầy ý nghĩa, vì Chúa muốn cho chúng ta thấy Ngài là sự sống của chúng ta, không phải như một người to lớn, mà là một người nhỏ bé. Cả bánh lúa mạch lẫn những con cá đều là hai món nhỏ bé, tượng trưng cho sự nhỏ bé của Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống cho chúng ta. Những người tìm kiếm phép lạ cho Ngài là một tiên tri theo lời hứa (6:14; Phục. 18:15, 18) và họ muốn ép Ngài làm vua (6:15), nhưng Ngài không muốn nhận lấy địa vị của một người khổng lồ, một vĩ nhân trong tôn giáo. Trái lại, Ngài muốn làm những ổ bánh và những con cá nhỏ bé để Ngài có thể nhỏ vừa đủ cho người ta ăn. Tất cả những điều này bày tỏ sự nhỏ bé của Đấng Christ. Ngài nhỏ vừa đủ cho chúng ta ăn. Tất cả những gì chúng ta ăn đều phải nhỏ hơn chúng ta nhiều. Chúng ta lớn hơn nhiều so với bánh và cá mình ăn. Chúng ta không thể ăn điều gì lớn hơn mình. Nếu điều gì lớn hơn chúng ta, nó sẽ ăn chúng ta. Thậm chí mọi món chúng ta ăn đều nhỏ hơn miệng chúng ta. Nếu món nào lớn hơn miệng mình, chúng ta phải cắt nhỏ nó ra. Một cậu bé đem đến năm ổ bánh nhỏ và hai con cá nhỏ. Điều này có nghĩa là sự nhỏ bé của Chúa Jesus là điều quí báu nhất cho chúng ta.

Hầu hết các Cơ Đốc nhân, kể cả chúng ta, luôn luôn nghĩ rằng Chúa là một người vĩ đại. Nhưng trong Giăng chương 6, Chúa Jesus không muốn vĩ đại. Ngài muốn nhỏ bé vừa đủ để ăn. Có một bài hát nói: “Ngài Vĩ Đại Biết Bao”, nhưng chúng ta có một bài hát ngọt ngào hơn để ca ngợi Chúa về sự nhỏ bé của Ngài. Nếu Chúa chỉ vĩ đại mà thôi thì chúng ta không bao giờ chạm đến Ngài được. Ngợi khen Chúa vì Ngài đã trở nên thật nhỏ bé! Có lẽ anh em là một Cơ Đốc nhân đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ nhận thấy Chúa nhỏ bé là dường nào. Nghĩ rằng Ngài là một tiên tri lớn chỉ là một tư tưởng tôn giáo. Nếu Chúa chỉ trở nên một tiên tri lớn và lên ngai như một vị vua, thì Ngài không bao giờ có thể trở nên nhỏ bé như một miếng bánh mì. Ngài không bao giờ có thể trở thành nguồn cung ứng thực phẩm cho chúng ta. Trước khi trở thành thức ăn cho chúng ta, Ngài đã phải trở nên nhỏ bé. Do đó, Ngài được tượng trưng bằng năm ổ bánh lúa mạch nhỏ bé và hai con cá nhỏ được một cậu bé mang đến. Chúng ta cần có ấn tượng rằng Ngài là nhỏ bé cũng như Ngài là lớn lao. Thậm chí Ngài ra đời trong một máng cỏ bé nhỏ, lớn lên ở một thị trấn nhỏ bé, và được trưởng dưỡng trong một gia đình hèn mọn. Ngài không đến để làm một người khổng lồ, một vĩ nhân tôn giáo. Ngài là một người Na-xa-rét nhỏ bé, không liên quan gì đến sự vĩ đại hay lớn lao. Ô, Ngài thật nhỏ bé!

Anh em lớn hơn hay nhỏ hơn một miếng bánh mì? Dĩ nhiên anh em phải thừa nhận rằng miếng bánh mì nhỏ hơn mình. Vì Chúa đến với anh em như một miếng bánh sự sống, anh em cần phải nói với Ngài: “Chúa ơi, con ngợi khen Ngài vì Ngài nhỏ bé hơn con. Bây giờ Ngài có thể trở nên thức ăn của con. Nếu Ngài lớn hơn con, thì Ngài sẽ không bao giờ là thức ăn của con được”. Dĩ nhiên về sự vĩ đại của Ngài thì không ai lớn lao như Ngài, nhưng chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng nói về sự nhỏ bé của Ngài thì không ai nhỏ bé bằng Ngài. Ngài là bánh nhỏ vừa đủ cho chúng ta ăn.

Trong Ma-thi-ơ chương 15, chúng ta thấy không những Chúa trở nên những ổ bánh mì, mà Ngài còn là những mẩu bánh vụn, là những phần nhỏ của một ổ bánh. Nhiều người trong chúng ta không đủ điều kiện để nhận Ngài như những ổ bánh. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn đủ điều kiện nhận Ngài như những mẩu bánh vụn. Anh em có nhớ người đàn bà Ca-na-an đã xin Chúa giúp đỡ, và Ngài nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó” không? Bà nói: “Vâng, thưa Chúa; ngay cả chó nhỏ cũng ăn những mẩu bánh vụn trên bàn chủ rớt xuống” (Mat. 15:27). Người đàn bà Ca-na-an không bị tổn thương vì Chúa nói nặng như thế và vì Ngài ví bà như một con chó. Dường như bà nói với Chúa: “Vâng, thưa Chúa, con là một con chó Ngoại bang, nhưng chó Ngoại bang có phần của nó. Phần của con cái thì ở trên bàn, nhưng phần của chó thì ở dưới gầm bàn. Chúa ơi, bây giờ Ngài cần phải nhận thức Ngài không ở trên bàn mà là ở dưới gầm bàn vì những đứa con hư hỏng đã quăng bỏ Ngài đi. Bây giờ, Ngài ở dưới gầm bàn, Ngài là phần của con”. Chúa ngưỡng mộ đức tin của bà. Tất cả chúng ta đều cần vui hưởng Chúa ở nơi thấp hèn như vậy. Đừng đợi lên trời mới vui hưởng Ngài. Hãy nhận lấy Ngài ở dưới gầm bàn là nơi Ngài đang ở hiện nay. Ngợi khen Chúa vì bây giờ ở trên đất Ngài thật nhỏ bé và sẵn sàng! Lúc nào Ngài cũng sẵn sàng tùy theo mức độ ngon miệng của chúng ta. Chúng ta có thể ăn Ngài nhiều bao nhiêu thì Ngài trở nên nhiều bấy nhiêu cho chúng ta. Những phần còn thừa luôn luôn nhiều hơn sức ăn của chúng ta.

H. Mười Hai Giỏ Tượng Trưng Cho Nguồn Cung Ứng Sự Sống Phong Phú Của Đấng Christ Tuôn Tràn
Chương này không những cho chúng ta thấy sự nhỏ bé mà cả sự phong phú của Ngài nữa. Chỉ năm ổ bánh đã phong phú đủ để nuôi năm ngàn người. Mười hai giỏ bánh còn lại tượng trưng cho nguồn cung ứng sự sống phong phú của Đấng Christ tuôn tràn, đã nuôi dưỡng dân chúng đông gấp ngàn lần hơn. Năm ổ bánh nuôi năm ngàn người nghĩa là số bánh ấy đã nuôi họ một ngàn lần. Theo Kinh Thánh, số một ngàn tượng trưng cho một đơn vị trọn vẹn. Chẳng hạn như một ngày trong hành lang Chúa tốt hơn một ngàn ngày (Thi. 84:10). Một ngàn là một đơn vị đầy đủ. Vì vậy năm ổ bánh có thể làm no năm ngàn người. Điều này bày tỏ Chúa phong phú và vô hạn dường nào. Đám đông có thể ăn bao nhiêu tùy ý, vì sự cung ứng này vô hạn. Ngay cả hai con cá cũng đầy đủ cho mọi người.

Còn lại mười hai giỏ bánh vụn. Tại sao không phải là năm, tám, hay mười một giỏ còn lại? Vì số mười hai tượng trưng cho sự trọn vẹn đời đời và sự hoàn hảo đời đời. Điều này có nghĩa là thậm chí những mẩu bánh vụn cũng đầy đủ đời đời và trọn vẹn đời đời. Ngay cả một Đấng Christ nhỏ bé, vỡ vụn cũng đầy dẫy sự phong phú không bao giờ vơi cạn. Ngài rất nhỏ bé nhưng thật vô hạn. Anh em có bao giờ so sánh sự nhỏ bé của Ngài với sự vô hạn của Ngài chưa? Ngài là một người Na-xa-rét nhỏ bé, nhưng Ngài đã nuôi dưỡng mọi thế hệ. Ngài chưa bao giờ suy giảm. Trước khi nuôi năm ngàn người ăn, chỉ có năm ổ bánh và hai con cá; sau khi nuôi năm ngàn người, thì còn lại mười hai giỏ. Vì vậy, sau khi nuôi năm ngàn người, phần thừa lại còn nhiều hơn những gì có lúc ban đầu. Điều này trình bày sự phong phú của Đấng Christ, vì luôn luôn có một điều gì đó còn lại sau khi đám đông đã ăn xong.

Suốt hai mươi thế kỷ, Đấng Christ đã và đang nuôi dưỡng hàng ngàn, hàng ngàn người. Ngày nay Ngài vẫn phong phú vì vẫn còn mười hai giỏ đầy. Chúng ta cần thấy khải thị về sự phong phú trong sự nhỏ bé của Đấng Christ. Về hình dạng, Ngài là năm ổ bánh và hai con cá, nhưng hàng ngàn, hàng ngàn người đã ăn Ngài suốt hai mươi thế kỷ. Và Ngài vẫn còn đây. Ngài không bao giờ bị suy giảm hay vơi cạn. Ô, chúng ta phải ngợi khen Ngài biết bao về hình dạng nhỏ bé của Ngài, và về sự phong phú vô hạn của Ngài.
--