Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 11




NHU CẦU CỦA NGƯỜI VÔ LUÂN – SỰ THỎA MÃN CỦA SỰ SỐNG (1)

Trong bài này chúng ta đến với trường hợp của người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng chương 4. Đây là trường hợp thứ hai trong chín trường hợp. Có một sự tương phản rất lớn giữa trường hợp này với trường hợp của Ni-cơ-đem trong chương ba. Ni-cơ-đem là một người đạo đức, thuộc giai cấp thượng lưu; còn người đàn bà Sa-ma-ri là người vô đạo đức, thuộc giai cấp thấp hèn. Trường hợp đầu giới thiệu một người có những thành đạt cao trong khi trường hợp thứ hai nêu lên một phụ nữ có những việc làm đáng xấu hổ. Người đàn ông ấy là người Do Thái trong khi phụ nữ kia là người Sa-ma-ri. Tôn giáo của người Do Thái rất tốt, đúng đắn, thật và chân chính, nhưng tôn giáo của người Sa-ma-ri thì giả dối và hư hoại. Đây cũng là một điều rất hay khi chúng ta nhận thấy Chúa nói chuyện với người đàn ông vào ban đêm, nhưng lại nói chuyện với người đàn bà vào giữa ban ngày. Vào ban đêm, người đàn ông đến gặp Ngài; vào ban ngày Chúa đến gặp người đàn bà. Địa điểm Chúa nói chuyện với người đàn ông là ở trong nhà hay một tòa nhà nào đó, trong khi Ngài lại nói chuyện với người đàn bà ở ngoài trời.


Trong trường hợp Ni-cơ-đem, nhu cầu đầu tiên của nhân loại được bàn đến. Theo kinh nghiệm thuộc linh, nhu cầu đầu tiên của nhân loại là sự tái sinh. Trong gia tể của Đức Chúa Trời, nhu cầu đầu tiên của nhân loại là sự tái sinh. Gia tể của Đức Chúa Trời là con người có sự sống thần thượng của Ngài và làm một với Ngài trong sự sống và bản chất để thực hiện và hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là có một nhóm người được tái sinh bởi sự sống thần thượng của Ngài và giống như Ngài trong cả sự sống và bản chất, để họ có thể bày tỏ Ngài cách tập thể cho đến đời đời. Đó là mục đích đời đời của Đức Chúa Trời và đó là gia tể của Đức Chúa Trời. Để thực hiện mục đích ấy, chúng ta phải được tái sinh để có sự sống thần thượng của Ngài.

Chúng ta chỉ có thể bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời bằng sự sinh ra, chứ không bao giờ bởi việc làm. Chẳng hạn như một con chim ở trong vương quốc hay thế giới loài chim là nhờ được sinh ra mà thôi; một con cá không bao giờ vào được thế giới của loài chim nhờ làm một việc nào đó. Cách duy nhất để anh em có thể vào bất cứ một thế giới nào là nhờ được sinh ra theo cách nào đó. Vì vậy phương diện đầu tiên của việc Chúa trở nên sự sống của chúng ta là Ngài ban cho chúng ta sự sống thần thượng qua phương tiện là sự sinh ra thần thượng, tức là cách duy nhất để tham dự vào những điều thuộc vương quốc Đức Chúa Trời.

Nhu cầu thứ hai của con người là gì? Sau sự tái sinh, nhu cầu của con người là gì? Nhu cầu thứ hai là sự thỏa mãn. Trong chương ba, nan đề là con người không có sự sống thần thượng. Dầu anh em tốt lành hay xuất sắc đến đâu chăng nữa, theo mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, điều đó vẫn là vô nghĩa mà thôi. Hễ chưa được tái sinh, anh em không có sự sống thần thượng. Anh em chỉ có sự sống loài người. Sự sống loài người chỉ là chiếc bình để chứa đựng sự sống thần thượng. Nếu không có sự sống thần thượng, anh em không có gì cả. Anh em chỉ là chiếc bình trống rỗng. Dầu sự sống loài người của anh em có thể tuyệt vời, anh em vẫn không có sự sống thần thượng. Sự sống thần thượng là chính Đức Chúa Trời, anh em cần sự sống thần thượng này đầy dẫy mình làm nội dung của mình. Sự sống loài người của anh em là bình chứa để chứa đựng sự sống thần thượng này. Khi ở trong anh em, sự sống thần thượng này trở nên nội dung của anh em. Là nội dung của anh em, sự sống này cũng sẽ là sự thỏa mãn của anh em. Trước khi được cứu, tất cả chúng ta đều kinh nghiệm thế nào là trống rỗng. Dầu có thành công hay thành đạt đến đâu, chúng ta vẫn luôn luôn cảm thấy trống rỗng ở bên trong, tức là cảm giác không thỏa mãn. Dầu tốt hay xấu, chúng ta đều trống rỗng. Mặc dầu có vật chứa, có chiếc bình, chúng ta không có nội dung. Chúng ta trống rỗng. Già, trẻ, giàu, nghèo, sang, hèn – tất cả đều trống rỗng. Một ngày kia chúng ta nhận được Chúa Jesus. Không những chúng ta nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, mà còn nhận được sự sống thần thượng, là điều ngay lập tức trở nên nội dung của chúng ta. Bây giờ chúng ta được thỏa mãn. Vì vậy, tiếp theo trường hợp cho thấy nhu cầu cần được tái sinh, chúng ta có một trường hợp bày tỏ sự thỏa mãn thật. Không điều gì có thể thỏa mãn con người ngoại trừ chính Đấng Christ. Hễ Đấng Christ không phải là sự thỏa mãn cho đời sống của chúng ta, thì không một điều gì có thể thỏa mãn chúng ta được. Không có sự thỏa mãn nào tách rời khỏi Đấng Christ. Là con người, chúng ta luôn luôn cảm thấy khát khao; chỉ có Đấng Christ mới có thể làm cho chúng ta hết khát.

I. CỨU CHÚA KHÁT KHAO VÀ TỘI NHÂN KHAO KHÁT
Trường hợp của người đàn bà Sa-ma-ri bày tỏ rằng Đấng Christ là sự thỏa mãn thật. Trong khi Ni-cơ-đem là một người Do Thái thuần chủng, người đàn bà Sa-ma-ri lại là một người có dòng máu lai. Mọi điều liên quan đến bà đều hư hoại; không có gì thuần khiết hay tốt lành. Người Sa-ma-ri tự xưng mình là con cháu của Gia-cốp. Cùng lắm họ là con cháu của ông bởi dòng máu lai. Tên của Ni-cơ-đem thì được nhắc đến, trong khi không ai biết tên của người đàn bà Sa-ma-ri là gì. Vì bà hèn hạ và thấp kém, Kinh Thánh không tiết lộ tên bà. Bà hoàn toàn là một sự pha trộn. Bà là trường hợp bất thường trong tất cả mọi trường hợp. Nếu đọc Kinh Thánh cẩn thận, anh em sẽ thấy mọi sự về bà đều bất thường. Ngay cả việc bà đi ra giếng kéo nước cũng bất thường. Theo tục lệ ở Trung Đông, phụ nữ thường đi kéo nước giếng vào lúc xế chiều, chứ không vào giữa trưa. Khi mặt trời xế bóng, những phụ nữ đi múc nước từng toán. Nhưng người đàn bà Sa-ma-ri lại một mình đến múc nước vào giữa trưa. Tại sao vậy? Vì bà mang tai tiếng, nên không ai làm bạn với bà. Bà sợ bị đàm tiếu, bị phê phán, nên không dám đi vào lúc xế chiều khi nhiều người khác có mặt tại đó. Bà đến giếng lúc giữa trưa khi mặt trời đổ lửa và mọi người khác không ra khỏi nhà. Người đàn bà này nghèo nàn và vô đạo đức. Bà có năm đời chồng và người đang sống với bà không phải là chồng bà. Không ai quan tâm đến bà. Bà biết điều này và đến lấy nước vào giờ vắng người, mong không ai trông thấy mình.

Trong trường hợp của người đàn bà Sa-ma-ri có nhiều dấu hiệu. Chính trường hợp ấy là một dấu hiệu, nhưng bên trong dấu hiệu ấy có nhiều dấu hiệu. Chính trường hợp ấy tượng trưng cho Đấng Christ là sự thỏa mãn của chúng ta, nhưng một trong những dấu hiệu bên trong trường hợp ấy là người đàn bà.

Theo các biểu tượng và hình ảnh tượng trưng trong Kinh Thánh, bà tượng trưng cho điều gì? Trước hết, người đàn bà tượng trưng cho sự kiện loài người cần phải nương dựa vào Đức Chúa Trời. Loài người không bao giờ có thể đứng một mình; họ phải nương dựa nơi Đức Chúa Trời, là Đấng tạo dựng nên họ và là Chồng của họ (Ê-sai 54:5). Anh em ơi, xin cho phép tôi hỏi anh em điều này: Chỗ đứng của anh em trước mặt Đức Chúa Trời là chỗ đứng của người nam hay một người nữ? Nếu anh em hỏi tôi, tôi sẽ nói rằng mặc dầu tôi là một người nam trên sáu mươi tuổi, tôi thật nhận biết rằng chỗ đứng của mình trước mặt Đức Chúa Trời là một người nữ. Vị trí của tôi trước mặt Đức Chúa Trời không phải là của người nam, mà của người nữ, vì tôi không bao giờ có thể đứng một mình. Tôi cần Đức Chúa Trời để nương dựa. Người nữ tượng trưng cho người không thể đứng một mình. Đó là vị trí của anh em và của tôi. Về hình thể, chúng ta là nam hay nữ, nhưng trong thực tại, chúng ta là những người nữ. Không ai trong chúng ta có thể đứng một mình. Con người không bao giờ có thể độc lập được. Ngày nay người ta tuyên bố độc lập, nhưng tôi xin nói với anh em rằng anh em không bao giờ có thể độc lập. Anh em được tạo dựng để lệ thuộc Đức Chúa Trời. Khi một người tìm cách độc lập, người ấy sẽ không thỏa mãn, vì Đức Chúa Trời tạo dựng loài người vốn lệ thuộc Ngài.

Một người nữ cũng tượng trưng cho sự yếu đuối (1 Phi. 3:7). Loài người chúng ta phải nhận biết mình yếu đuối. Chúng ta đều yếu đuối vì chúng ta đều là loài người. Anh em đừng nghĩ vợ mình là chiếc bình yếu đuối còn mình thì mạnh mẽ. Mặc dầu điều này đúng về mặc thể chất, nhưng thật ra cả người nam lẫn người nữ đều yếu đuối. Về những vấn đề thuộc linh, trong một số trường hợp, các anh em yếu đuối hơn các chị em. Khi Chúa Jesus sắp bị phản và giết chết, các chị em trong Tân Ước mạnh mẽ hơn các anh em. Khi Chúa chết, phục sinh và thăng thiên, các chị em mạnh mẽ hơn các anh em nhiều. Ngay cả trong tình yêu đối với Chúa, Ma-ri là người mạnh nhất. Vì thế, thưa anh em, đừng tự hào nghĩ rằng mình là người mạnh nhất. Tất cả chúng ta đều là loài người và đều được tạo dựng là những con người yếu đuối, lệ thuộc, cho nên chúng ta phải lệ thuộc nơi Chúa.

Ý nghĩa về người đàn bà cũng bao hàm một sự mong mỏi và khao khát bên trong, do Đức Chúa Trời tạo nên. Dĩ nhiên đàn ông cần có một người vợ để giúp đỡ, nhưng phụ nữ cần có chồng nhiều hơn. Một người nữ luôn luôn mong mỏi và ao ước được thỏa lòng. Trong bản chất con người của cả người nam lẫn người nữ, luôn luôn khát khao được thỏa mãn nơi bề trong. Chúa đã tạo dựng sự khát khao ấy để chúng ta tìm kiếm Ngài. Anh em luôn luôn cảm thấy khát khao và luôn luôn cảm thấy thiếu thốn ở bề trong. Đây là những dấu hiệu cho thấy anh em là một người nữ. Nhu cầu cần nương dựa người khác, cảm nhận lệ thuộc, sự yếu đuối và lòng khao khát muốn được thỏa mãn của anh em đều cho thấy anh em là một người nữ.

A. Cứu Chúa “Cần Phải Đi Ngang Qua” Nơi Ở Của Tội Nhân
Chúng ta cần chú ý kỹ 4:4. “Ngài cần phải trải qua Sa-ma-ri”. Từ ngữ chìa khóa trong câu này là “phải”. Chắc chắn người đàn bà Sa-ma-ri này đã được Đức Chúa Cha biết trước và định trước trong cõi quá khứ đời đời (La. 8:29). Chắc chắn Cha đã ban bà cho Chúa Jesus (6:39). Cha đã ban người đàn bà thấp hèn, đồi bại và vô luân cho Chúa. Vì vậy, Chúa có gánh nặng và Ngài đi đến Sa-ma-ri để làm theo ý muốn của Cha. Về sau, Ngài bảo các môn đồ: “Thức ăn của Ta tức là làm theo ý chỉ của Đấng đã sai Ta, và làm trọn công việc Ngài” (4:34). Chúa đến Sa-ma-ri để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời, là tìm người đàn bà vô luân ấy. Ngài tìm bà để làm cho bà trở nên người thờ phượng Cha. Hồn của người đàn bà này đáng để cho Chúa phải đi đến đó. Theo lịch sử, không một người Do Thái nào muốn đi ngang qua Sa-ma-ri. Sa-ma-ri là vùng quan trọng nhất của vương quốc phía bắc của Israel và vốn là thủ đô của vương quốc ấy (1 Vua. 16:24, 29). Vào trước năm 700 trước Chúa, quân A-sy-ri đánh chiếm Sa-ma-ri và đem người từ Ba-by-lôn và các dân ngoại khác đến cư ngụ trong các thành của Sa-ma-ri (2 Vua. 17:6, 24). Từ đó người Sa-ma-ri trở thành một dân tộc có dòng máu lai, người Ngoại bang pha trộn với người Do Thái. Lịch sử cho chúng ta biết họ có Ngũ Kinh (năm sách của Môi-se) và thờ phượng Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng người Do Thái không bao giờ chịu nhìn nhận họ là một phần của dân Do Thái.

Mặc dầu người Do Thái không bao giờ đi ngang qua Sa-ma-ri, Chúa Jesus cảm thấy có gánh nặng làm như vậy. Ngài phải đi đến đó, không phải vì cần thiết về mặt địa lý, nhưng vì ý muốn của Cha. Vì ý muốn của Cha, Ngài phải đi ngang qua miền đó. Chúa biết rằng vào giữa trưa, người đàn bà vô luân ấy sẽ có mặt tại giếng nước.

B. Cứu Chúa Đến Tại Cơ Nghiệp Tôn Giáo Truyền Thống Của Tội Nhân, Là Giếng Gia-cốp
Chúng ta hãy đọc các câu 5 và 6. “Vậy, Ngài đến một thành thuộc về Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần đám đất mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình. Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhơn đi đàng mỏi mệt, Jesus ngồi bên giếng. Bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu”. Xin anh em cho tôi biết ai là người đến giếng Gia-cốp trước, tội nhân hay Cứu Chúa? Thật kỳ diệu vì Cứu Chúa đã đến đó trước! Trong những năm đầu theo Chúa, khi đọc chương này tôi rất thích thú về nhiều điểm. Về sau, khi rao giảng Phúc-âm, tôi đã chia sẻ một bài dài về người đàn bà Sa-ma-ri, với mọi chi tiết. Lúc ấy tôi thấy Chúa Jesus phải đi đến giếng trước người đàn bà Sa-ma-ri vô luân, sa ngã ấy. Ngài đến giếng và chờ đợi bà.

Chúa là Đấng chủ tể khôn ngoan. Trước khi người đàn bà đến, Ngài tìm được một cớ rất tốt để sai tất cả môn đồ đi khỏi đó. Nếu có môn đồ nào ở lại thì không tốt. Chúa sẽ không tiện nói chuyện với người đàn bà vô luân ấy về những người chồng của bà. Vì thế, trong quyền chủ tể và sự khôn ngoan của Ngài, Chúa đã sai các môn đồ đi vào thành mua thức ăn. Có lẽ Chúa suy nghĩ: “Hãy để Ta ở một mình. Ta đang chờ đợi người đàn bà vô luân ấy. Vì quá vô luân, nên bà này không muốn gặp ai hay nói chuyện với ai. Nhưng Ta sẽ chạm đến lương tâm của bà bằng [cách gợi lại] quá khứ liên quan đến tất cả những người chồng của bà. Môn đồ các ngươi phải rời đây”. Nếu không lấy lý do mua thức ăn, làm sao Chúa có thể sai các môn đồ đi? Trong khi họ đi mua thức ăn thì người đàn bà đến. Khi nhìn thấy bức tranh này vào lúc còn là một thanh niên, tôi đã thờ phượng Chúa. Giả như người đàn bà này vào nhà nói chuyện với Chúa giữa đêm khuya, và các môn đồ trông thấy điều đó. Có lẽ họ đã nói: “Jesus ơi, Ngài làm gì ở đây? Ngài là một người đàn ông chỉ mới hơn ba mươi tuổi và bà này lại là phụ nữ như vậy. Thế là thế nào?” Trong quyền tể trị và trong sự khôn ngoan của Ngài, Chúa chờ đợi người đàn bà ngoài trời nắng. Dù ở ngoài trời, nhưng không ai có mặt để nghe câu chuyện này cả. Khi Chúa và người đàn bà nói chuyện xong, các môn đồ trở về trông thấy, nhưng họ không thể nói gì. Cuộc đối thoại không xảy ra trong phòng riêng mà ở ngoài trời. Chúa Jesus thật khôn ngoan biết bao!

Vấn đề ở đây là thế này: Chúa biết tội nhân ở đâu. Ngài biết tình trạng thật của tội nhân. Chúa Jesus đến bên giếng, Ngài sai tất cả môn đồ đi, và ngồi chờ tại đó tới khi người đàn bà đến. Nếu nhìn lại sự cứu rỗi của mình, anh em sẽ nhận thấy rằng Chúa cũng đã ít nhiều đối xử với chúng ta theo nguyên tắc ấy. Anh em không lên trời, mà Chúa Jesus đến với anh em. Ngài xuống tại chính nơi anh em ở. Tôi ra đời tại Trung Quốc, nhưng Chúa Jesus đã đến đó. Một ngày kia, Ngài đợi tôi tại một nơi nọ, và bắt lấy tôi. Còn anh em thì sao? Anh em không đến gặp Chúa, có đúng vậy không? Cứu Chúa đã đến với anh em. Một số người đã được cứu do bị tai nạn xe hơi. Tuy nhiên họ cần phải nhận biết rằng Chúa Jesus đã chờ đợi để gặp gỡ họ trước khi tai nạn ấy xảy ra. Thật lạ lùng vì tất cả chúng ta đều đã được cứu như vậy.

Trong khi chờ đợi tội nhân đến thì Chúa khát. Vì thế, ngay trong trường hợp thứ hai này, tôi thấy có một Cứu Chúa khát khao và một tội nhân khao khát. Có lẽ anh em nghĩ mình khát, nhưng cơn khát của anh em là dấu hiệu cho thấy Cứu Chúa đang khát. Cứu Chúa khao khát chúng ta, vì đối với Ngài, chúng ta là nước làm Ngài đã khát. Anh em có nhận biết mình là nước làm cho Cứu Chúa đã khát không? Dường như Cứu Chúa muốn nói: “Không có điều gì làm Ta thỏa lòng trừ ra con. Ta có hàng triệu thiên sứ trên các từng trời, nhưng không có thiên sứ nào có thể làm Ta thỏa lòng. Ta đã đến trên đất để tìm kiếm nước cho đã khát. Con là nước ấy”. Có lẽ anh em nói cách rất khiêm nhường: “Không, Ngài là nước sống của tôi. Làm thế nào tôi lại là nước để Ngài đã khát được?” Tuy nhiên, Chúa cần anh em, vì không có anh em Ngài không bao giờ thỏa mãn.

Ban đầu cả Cứu Chúa lẫn tội nhân đều khát, và Cứu Chúa cũng đói nữa. Tội nhân khát và đến múc nước để thỏa mãn cơn khát của mình. Cứu Chúa thì đói và khát. Ngài sai các môn đồ đi mua thực phẩm để ăn và Ngài xin tội nhân cho Ngài uống nước. Cuối cùng, cả Cứu Chúa lẫn tội nhân đều không ăn uống gì cả, nhưng cả hai đều thỏa lòng. Thật là kỳ diệu! Tội nhân uống Cứu Chúa và Cứu Chúa uống tội nhân, cả hai đều thỏa lòng. Các môn đồ rất ngạc nhiên. Khi họ trở lại mang theo thức ăn, họ giục Ngài ăn, nhưng Ngài nói: “Ta có thức ăn để ăn mà các ngươi không biết” (4:32). Tội nhân thỏa lòng với nước sống của Cứu Chúa, và Cứu Chúa thỏa lòng với ý muốn của Đức Chúa Trời trong việc làm thỏa lòng tội nhân. Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời để thỏa mãn tội nhân là thức ăn của Cứu Chúa. Ôi, Chúa là Cứu Chúa đang khao khát anh em và tôi! Một ngày kia Ngài đã có được chúng ta và Ngài thỏa mãn.

C. Tội Nhân Ấy Đến Với Cơ Nghiệp Tôn Giáo Của Mình
Tội nhân ấy đến với cơ nghiệp tôn giáo của mình, múc nước để làm thỏa mãn mình. Đang khi đi múc nước, Cứu Chúa xin bà cho Ngài uống để Ngài được thỏa mãn. Bất cứ khi nào Chúa yêu cầu anh em làm một điều gì, đó là dấu hiệu Ngài cần điều đó và anh em cũng cần điều đó. Khi anh em khát, Chúa cũng khát. Khi Chúa xin anh em điều gì, anh em cũng đang cần chính điều đó. Điều này đầy ý nghĩa. Khi anh em không có nhà ở, Ngài cũng không có nhà ở; khi Ngài vô gia cư, anh em cũng vô gia cư.

II. SỰ TRỐNG RỖNG CỦA TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO VÀ SỰ SUNG MÃN CỦA NƯỚC SỰ SỐNG SINH ĐỘNG
Trong các câu từ 9 đến 14, chúng ta thấy sự tương phản giữa tình trạng trống rỗng của truyền thống tôn giáo và sự đầy đủ của nước sự sống sinh động. Người đàn bà Sa-ma-ri hỏi Chúa Jesus: “Ông há lớn hơn Gia-cốp tổ phụ chúng tôi là người đã để giếng nầy lại cho chúng tôi, mà chính người, luôn cả con cái và súc vật người, đều uống tại đây ư?” (4:12). Qua câu hỏi này, chúng ta thấy ông tổ của tôn giáo được kể là lớn nhất. Những người Sa-ma-ri nghĩ Gia-cốp là vĩ đại nhất. Họ kể ông là tổ phụ họ, cho ông là lớn nhất.

Người đàn bà Sa-ma-ri cũng cho rằng giếng Gia-cốp là tốt nhất. Điều này có ý nghĩa rằng cơ nghiệp tôn giáo luôn luôn được kể là tốt nhất.

Người đàn bà Sa-ma-ri nói với Chúa: “Ông không có gì... vậy bởi đâu có nước sống ấy?” (c.11). Điều này có nghĩa là đường lối tôn giáo luôn luôn được kể là thắng hơn tất cả. Mặc dầu tôn giáo cho rằng đường lối của mình là thắng hơn tất cả, nhưng “nước” của tôn giáo không làm thỏa mãn cơn khát của những người theo tôn giáo. Câu trả lời của Chúa trong câu 13 đã minh chứng điều này. “Hễ ai uống nước này thì vẫn còn khát nữa”.

Đấng Christ lớn hơn ông tổ tôn giáo. “Jesus đáp rằng: Ví bằng ngươi biết sự ban tứ của Đức Chúa Trời, và người nói với ngươi rằng: ‘Hãy cho Ta uống’ là ai, thì ngươi chắc đã xin người, và người chắc đã cho ngươi nước sống” (4:10). Nếu anh em giảng phúc âm tại Trung Quốc, người ta sẽ nói với anh em về Khổng Tử. Mỗi dân tộc và mỗi bộ lạc đều tuyên bố mình có một nhân vật nào đó vĩ đại, nhưng không ai vĩ đại hơn Đấng Christ. Đấng Christ lớn hơn Gia-cốp, Khổng Tử, Plato, và tất cả những tổ phụ khác.

Hơn nữa, sự ban cho của Đức Chúa Trời lớn hơn cơ nghiệp tôn giáo. Anh em muốn có giếng Gia-cốp hay sự ban cho của Đức Chúa Trời? Sự ban cho của Đức Chúa Trời là gì? Nếu anh em nói sự ban cho của Đức Chúa Trời là Đấng Christ, câu trả lời của anh em không hoàn toàn chính xác. Sự sống thần thượng chính là sự ban cho của Đức Chúa Trời, vì Rô-ma 6:23 nói rằng sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời. Sự sống thần thượng này sẽ trở nên một mạch nước trong chúng ta, phun lên cho đến sự sống đời đời (c. 14). Sự sống thần thượng này tốt hơn giếng Gia-cốp nhiều. Nếu anh em đến thăm giếng Gia-cốp ở Pa-lét-tin ngày nay, anh em sẽ thấy nó đang ở dưới quyền kiểm soát của một tu sĩ người Ạc-mê-ni. Khi tôi đến thăm nơi ấy, những ai muốn uống một tách nước giếng Gia-cốp phải trả hai đô-la. Nhưng tất cả chỉ là truyền thống và không có ý nghĩa gì cả. Nước trong giếng ấy cũng giống như nước ở những nơi khác.

“Xin” thì thắng hơn đường lối tôn giáo. Nước sống của Đức Chúa Trời làm chúng ta hết khát và nước ấy trở nên một mạch nước phun trào lên cho đến sự sống đời đời. Sự sống giải cơn khát của sự chết. Theo nguyên tắc, điều này cũng là biến đổi sự chết thành ra sự sống.

Chúa Jesus nói với người đàn bà Sa-ma-ri: “Hễ ai uống nước này vẫn còn khát nữa” (4:13). Lời tuyên bố này đơn sơ nhưng có ý nghĩa rất sâu. Chữ “nước” ở đây chỉ về sự hưởng thụ vật chất và những thú tiêu khiển của thế gian. Không một điều nào trong những điều ấy có thể thỏa mãn nỗi khao khát sâu xa bên trong con người. Nhưng ai uống nhiều “nước” vật chất và thế giớithì sẽ lại khát nữa. Càng uống những thứ “nước” ấy, cơn khát càng gia tăng. Chẳng hạn như trong lãnh vực giáo dục, người ta muốn có bằng cấp cao hơn và cao hơn nữa. Sau khi nhận được bằng cử nhân, họ muốn có bằng cao học, rồi bằng tiến sĩ. Những người khác muốn dành dụm cho được mười ngàn đô-la trong trương mục tiết kiệm, nhưng sau đó lại muốn có một trăm ngàn đô-la, rồi một triệu đô-la. Càng uống nước dưới đất này, anh em càng khát thêm. Đừng bao giờ tìm cách giải khát bằng một loại nước nào trong thế gian. Mặc dầu người đàn bà Sa-ma-ri đã có năm đời chồng và đang sống với một người không phải là chồng mình, bà vẫn không thỏa mãn. Không điều gì có thể giải cơn khát của bà. Một số chị em yêu thích chưng diện áo quần. Nhưng không một người nữ nào thỏa lòng với bộ y phục nào. Sau khi mua một bộ, chị em sẽ muốn mua bộ thứ hai rồi bộ thứ ba. Nếu đã có mười đôi giày, chị em sẽ muốn có mười lăm đôi. Một vài người đã có mười lăm đôi giày mà vẫn không thỏa lòng. Loại “nước” này sẽ không bao giờ làm thỏa mãn ai cả. Chỉ có một loại “nước” làm thỏa mãn người ta cho đến đời đời, là Jesus Christ. Đấng Christ thỏa mãn chúng ta hôm nay, ngày mai và cho đến đời đời. Ngài luôn luôn tươi mới. Ngài luôn luôn làm chúng ta thỏa mãn. Vì thế, Chúa có thể nói với người đàn bà Sa-ma-ri rằng ai uống nước Ngài cho sẽ không khát nữa, vì nước ấy sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, phun trào lên cho đến sự sống đời đời.
-